a. Trần Xuân An - Tôi vẫn ở trên đường - Tệp 1a

06/30/09

 

 

Phần 1

 

Phần 2

 

 

 

 

                             

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

 

TÔI

VẪN Ở

TRÊN ĐƯỜNG

 

thơ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

1993

 

 

 

không có gì tan mất đâu

thấy trong gỗ mục nguyên màu chồi tươi

bàn tay in dấu vào đời

cho nghìn xưa sống với người nghìn sau

 

(Trần Xuân An,

Cảm nhận bên dòng sông –

Nắng và mưa)

 

 

Sự an ủi dịu dàng

của cái đẹp

 

Nhà thơ chỉ có tạo vật làm kiểu mẫu và chỉ có sự thật làm kẻ dẫn đường. Nhưng chỉ với những gì của riêng mình mới có thể sáng tạo nên nhưng câu thơ có bản sắc và tìm ra con đường của chính mình.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói những sản phẩm tinh thần nếu thiếu những điều kiện cần thiết của Cái Đẹp khả giác thì không thể trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Và như thế, nhà thơ chính là kẻ biết kết hợp những hình thể có thể trông thấy hoặc không trông thấy – những hình thể nẩy sinh từ những suy niệm – vì đó là một sự kết nối phức tạp, cần nhiều kĩ năng. Khi đã hợp điệu được những đường nét, màu sắc, âm thanh cùng những sức mạnh của tinh thần, suy tưởng và sự phóng tứ thực sự thì chắc chắn sẽ mãn nguyện ở thành quả cuối cùng. Chính việc nắm bắt được, dù trong những thời gian bất chợt và những không gian không ngờ, để tạo nên những mối liên hệ, bắt nguồn từ những tâm trạng, mà nhà thơ đã thu hẹp được tạo vật trong cái thế giới riêng của mình. Trong thơ, cũng như trong bất cứ nghệ thuật nào khác, sự liên hệ chính là sức mạnh hình thành tác phẩm. Chính sự liên hệ đó, trong những tình trạng u uất khôn tả, đã có khả năng khám phá ra những sức mạnh không ngờ của tiềm thức, nơi mà trí tuệ không thể dễ lọt vào. Và trong trường hợp đó, thời gian chẳng có nghĩa gì cả. Sự kết tinh có thể chỉ là cái phút giây của một tia chớp, loé lên, và sáng loà. Nhưng cũng có thể là quãng thời gian của một năm, hay mười năm. Có đáng chi điều ấy. Nhà thơ là người phải luôn kiên nhẫn đợi tia sáng mới. Tia sáng của sự kết tinh ấy sẽ tới, như mùa xuân thổi lại cơn gió làm xanh hơn màu lá. Nhưng nó chỉ tới với những ai biết đợi. Và tôi có cảm tưởng Trần Xuân An đã trầm tưởng để đợi chờ như vậy, trong sự kiên trì của đời sống nội tâm, và cả trong những cơn đau dữ dội của tâm hồn và thần trí anh.

Ở Trần Xuân An, đó là kết tinh hoang tưởng. Và giải mã hoang tưởng phi lí đem đến sự giải thoát (*).

Tôi quen biết Trần Xuân An đã trên hai mươi năm, đủ để hiểu những giông bão đã tới trong đời anh. Có một quãng thời gian khá dài (**) tưởng như Trần Xuân An đã đi tới chỗ đối mặt với hư vô. Những cơn sóng ngầm u uẩn của cuộc đời đã xô đẩy Trần Xuân An vào trong bóng tối cô độc. Nhưng chính sức mạnh của tâm hồn đã đưa Trần Xuân An trở về với cuộc sống. Và trong cuộc trôi giạt định mệnh đó, Trần Xuân An đã thực sự trở thành kẻ đi, về giữa ánh sáng và bóng tối, hay nói một cách khác, do những cơn trầm cảm của mình, anh đã khám phá ra những điều kì lạ, phi lí mà thực hơn cả sự thực, trong thế giới nội tâm, chính xác hơn là thế giới tiềm thức, mà một người bình thường hẳn là khó lòng đặt chân tới (***). Có thể nói, Trần Xuân An đã đắm chìm trong những ảo giác hoang đường ghê sợ. Nhưng có điều rất lạ là, sau đó, tâm hồn anh vẫn giữ được sự trong sáng. Chính nhờ vậy mà khi đọc thơ Trần Xuân An, chúng ta có thể tìm thấy vẻ êm dịu trong nỗi khổ đau của anh, và biết rằng anh đã thoát qua nỗi đau khổ ấy. Cũng chính nhờ vậy mà chúng ta sẽ lại sống trong nỗi vui mừng vì chúng ta đã cùng với anh tìm lại được niềm tin ở cuộc sống, thoát khỏi những nỗi sợ hãi và ám ảnh quằn quại đen tối của tâm trí, như được đón nhận ánh sáng hồi sinh của một mùa xuân mới.

Thơ Trần Xuân An, vì thế, giống như một kẻ thân thiết dắt tay ta đưa tới phương trời xa và các vực thẳm. Nhưng vẫn còn một cõi trở về, đó là Tình Yêu: Vọng về một cõi xa xăm, Loé hồng đốm thuốc trầm ngâm bóng người, Vọng về năm tháng xa vời, Rưng rưng mắt nhớ môi cười xa xôi; dẫu có lúc anh đã muốn dứt bỏ tình yêu ấy để dấn bước trên nẻo đường cô đơn mà Cái Đẹp chỉ là ảo ảnh phía trước: Biết chân trời mãi còn xa, Vẫn đành rét buốt, đường nhoà, bơ vơ. Nhưng có ai trong chúng ta không mong muốn trở về? Dẫu trong bất cứ cảnh đời hiện tại nào chăng nữa ước nguyện trở về vẫn là niềm khao khát và đồng thời là ý thức bất lực của kiếp người: Trở về với một thiên đường tuổi thơ hay trở về với một cõi tháng năm chỉ còn đẹp trong tiếc nhớ. Chính vì vậy mà đôi khi ta yêu chính tâm hồn ta, yêu chính tình yêu của ta hơn là yêu người ta yêu. Trần Xuân An đã nói hộ ta điều ấy. Và có lẽ nhờ vậy mà ta tìm thấy hồn ta trong thơ anh: Thoáng nghe rơi giữa hư vô, Tiếng kêu thảng thốt vật vờ một tôi, Hồn cam chịu kiếp mồ côi – Yêu tình yêu hơn cả người mình yêu! Đó là mộng tưởng, mà đó cũng là cuộc đời: Khuya buồn, chưa tuổi tàn xiêu, Ngẩn ngơ, mộng tưởng tiêu điều, thương ai. Khi bâng khuâng tự hỏi thương ai thì cũng có nghĩa là còn phải tự thương mình. Và khi Trần Xuân An ý thức được những điều đó, ta hiểu rằng anh đã phải trả giá cho sự khám phá của mình bằng chính những cơn đau tột cùng của đời anh. Hay nói khác đi, ở đây không còn chỉ là ý niệm tự thức. Ta, hay tha nhân, không quan trọng. Chính xác, đó là Con Người, thế giới nội tâm sâu thẳm của con người, sự thấm thía nỗi đau và niềm vui của một kiếp người. Và thơ như một sự đồng cảm: Thương ai thơ biết mỉm cười, Lắm khi trào nước mắt đời cùng ai.

Nhưng đừng tưởng vì vậy mà Trần Xuân An đã thực sự tìm thấy hạnh phúc giữa cuộc đời. Anh vẫn ở trên đường. Đó là con đường tâm thức. Con đường gập ghềnh đau đớn và bí ẩn. Và anh vẫn luôn mơ ước một nẻo về, dẫu lắm khi phải tự hỏi: Tôi về chẳng hiểu về đâu, Chiều ngơ ngác chiều buông mau chiều rồi. Đừng tưởng rằng nếu tìm thấy nẻo về thì có thể thôi âu lo, đau khổ. Thơ Trần Xuân An vẫn luôn dịu dàng những nỗi đau tâm cảm. Tiếng thơ ấy như kêu đòi một sự chia sẻ, nhưng đồng thời lại đề nghị một giải thoát. Đó là một thế giới khép và mở. Đó cũng là sự tinh tế và bản sắc quyến rũ của thơ Trần Xuân An. Cho nên, có thể nói rằng, chính bằng nỗi khắc khoải và niềm đau của mình, thơ Trần Xuân An đã mang lại cho chúng ta sự an ủi dịu dàng của Cái Đẹp.

Cuối cùng, phải chăng như một bù trừ, chính vì Trần Xuân An không tìm thấy hạnh phúc, hay nói đúng hơn, không tìm thấy sự thanh bình giữa cuộc đời, mà với thơ, anh đã tìm được sự giải thoát khỏi nỗi khổ đau. Nghĩ cho cùng, đó cũng là một hạnh phúc: Hạnh phúc của người sáng tạo đã tìm thấy chiều sâu của lòng mình, chiều sâu của thơ mình.

Tôi muốn cùng Trần Xuân An tiếp tục ở trên đường…

 

TP. HCM., tháng 6. 1993

TẦN HOÀI DẠ VŨ

 

 

Cước chú của bài Sự an ủi dịu dàng của cái đẹp (lời tựa của Tần Hoài Dạ Vũ):

(*) Tôi nhấn mạnh (bold ital). TXA.

(**) Từ 1983 đến 1985; âm hưởng đến 1991.

(***) Đó là sự phản ánh của quy luật tự nhiên, hiện thực xã hội, và quy luật, hiện thực đó đã kết tinh thành biểu tượng, như trong Nhật kí người điên của Lỗ Tấn. Ở ý nghĩa triết học, phải chăng nhân vật Người điên ấy bị ám ảnh về tội sát sanh tàn bạo có tính quy luật của thế giới sinh vật muôn loài, đến mức cho rằng địa chủ, kẻ cho vay nặng lãi, thầy thuốc cùng ông nội, bà con ruột thịt, láng giềng, làng xóm và cả xã hội loài người đều nhăm nhe ăn thịt anh ta? Anh ta sợ hãi, kinh hoàng, khủng khiếp trước sự thể “người ăn thịt người” đó. Trong tập thơ này, tác giả (Trần Xuân An) đã vận dụng thủ pháp nhập thân để thể hiện ám ảnh hãi hùng, rùng rợn của một Người điên khác, về quy luật “người cưỡng hiếp người”.

Cùng với việc giải mã (một cách khám phá sáng tạo) hình tượng tác phẩm trên của Lỗ Tấn, tôi (TXA.) đã bổ sung thêm một trong hai tiên đề quan trọng của vô thần luận (phủ nhận Thượng đế [hay còn gọi là Đức Chúa Trời], mặc dù vẫn hi vọng có sự tồn tại của cái ngã siêu linh [hay linh hồn] ở mỗi con người – sinh vật cấp cao).

Nói rõ ra, sát sanh (“người ăn thịt người”) và loạn luân (“người cưỡng hiếp người”) là hai quy luật tồn tại của sinh vật (nhất là ở loài người nguyên thuỷ, ở sinh vật cấp thấp từ nguyên thuỷ đến nay: chó, mèo, gà, vịt…). Do đó, không thể có một Thượng đế (Đức Chúa Trời) sinh thành ra vũ trụ với muôn loài như vậy.

       Chính loài người sẽ ngày mỗi tiến bộ, cải tạo được cả quy luật tất yếu của thế giới tự nhiên (sát sanh, loạn luân [mà kết quả của sự tiến bộ về ý thức đạo đức văn minh là đã trở thành sự tố cáo kinh hoàng: “người ăn thịt người”, “người cưỡng hiếp người”]…). Thế giới tự nhiên bao gồm tất cả các chủng loại sinh vật từ cấp thấp đến cấp cao, trong đó có loài người; nhưng cho đến nay, chỉ loài người mới đạt được trình độ đạo đức văn minh đó. Chính sự phấn đấu cho mục đích văn minh ấy đã làm cho lịch sử loài người có ý nghĩa sâu sắc. Sống và lao động một cách rất có ý nghĩa nhân văn như thế, đâu phải là một tiến trình phi lí!

Xin xem thêm: Trần Xuân An, Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, bản 2003; và phụ lục (trích Từ điển văn học) ở cuối tập thơ này.

                    (TXA. chú thích ngày 07 & 26. 03. 2005).

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7