f. Trần Xuân An - Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa - Tệp 6a: Đọc & bình chú bài Gs. Bửu Kế

 

trần xuân an

Nguyễn Văn Tường,

những người trung nghĩa từ xưa,

tưởng không hơn được

   author's copyright

07/01/09

 

A.

 

Lời thưa

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

Bài 6_b

 

 

B.

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

Phụ lục 3

 

 

C.

 

Ngoài sách

 

Cuối sách

 

 

____________

____________

 

Hình ảnh 1

 

Hình ảnh 2

 

Bản đồ

 

 

 

 

 

 

 

                             

 

TRẦN XUÂN AN

 

NGUYỄN VĂN TƯỜNG,

“NHỮNG NGƯỜI TRUNG NGHĨA

TỪ XƯA,

TƯỞNG KHÔNG HƠN ĐƯỢC”

KHẢO LUẬN VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH SỬ HỌC

 

 

Nhà Xuất bản

2003

 (Trước và chính xác là từ 02-7-2002)

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

GS. BỬU KẾ

(1914 – 1989)

(cố học giả, dịch giả, GS. Đại học Văn khoa Huế)

 

TOÀ KHÂM SỨ PHÁP

               

(MỘT TUỲ BÚT – KHẢO LUẬN VỀ LỊCH SỬ,

VÀ VÀI NÉT BÌNH CHÚ)

 

Trước Cách mạng Tháng tám năm 1945 [(1885 – 1945) – TXA. chua thêm (:ct)], tuy nước ta là một nước quân chủ, vua là bậc chí tôn, nhưng thật ra uy quyền kém hẳn viên khâm sứ.

Dưới ông khâm sứ, còn có các ông công sứ, các ông cố vấn bộ Lại, Hộ, Binh, Hình, Công. Các quan thượng thơ của ta muốn làm việc gì, nhất nhất đều phải gởi dạng bản đến để họ xem trước. Họ có chấp thuận mới được thi hành, bằng không thì phải gác lại. Cho đến những quyền hành nhỏ mọn như bổ dụng một viên thừa phái hạng bét hay chi tiêu một món tiền cỏn con cũng phải qua tay người Pháp.

Cái uy quyền đó đã tiêu tan theo cuộc đảo chánh Nhật Bản ngày 9.3.1945, còn Tòa Khâm sứ Pháp thì phần lớn đã bị đổ nát theo bom đạn trong cuộc chiến tranh chống Pháp, những căn nhà còn lại thì mái trụt tường xiêu, cỏ cây hoang dại ăn lan từ sân trước đến sân sau, diễn ra cảnh thê lương sau hơn 80 năm đô hộ [(1862? – 1945?) – TXA. ct.]. Nay Trường Đại học Sư phạm Huế được xây dựng ở đó.

 

@

 

Viên khâm sứ Pháp xuất hiện trên đất cố đô này do điều khoản 20 của hiệp ước Giáp tuất kí kết ngày 15.3.1874 giữa hải quân thiếu tướng Đuypơrê (Dupré) và Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường. Trong [cưỡng ước – ct.] đó khoản 15 [đúng ra là khoản 13 – ct.] định rằng: Nước Pháp được đặt quyền lãnh sự các cửa bể và các thành thị để mở ra cho ngoại quốc vào buôn bán.

Theo hiệp ước Giáp tuất còn có một thương ước nữa kí ngày 30.8.1874. Các điều khoản 2, 6, 7 của thương ước này cho viên khâm sứ quyền xuất cảng gỗ lim, gạo và tơ tằm. Thế là bao nhiêu sản phẩm quý giá của ta, người Pháp có toàn quyền mua để đem về xứ hay bán đi các nước khác.

Sợ các quan ta, nhất là các quan ở thương cảng có thể gây trở ngại, trong thương ước này còn nói thêm: Viên khâm sứ có quyền chấp nhận hay không chấp nhận các viên quan phục vụ tại các hải cảng mở ra để giao thiệp với Pháp. Như vậy có nghĩa là nhưng kẻ nào chống đối lại người Pháp có thể bị thải hồi hay đổi đi làm việc ở một nơi khác.

Sau hiệp ước Giáp tuất được kí kết, ngày 15 tháng 01 năm 1875, thượng thư hải quân Pháp gởi thư cho thống đốc Nam kì Đuyperê [Duperré – ct.], yêu cầu đề cử một người giữ chức khâm sứ để giao thiệp với Triều đình Huế. Và Đuyperê đã cử Râyna đề Étxa (Rheinart des Essart), sanh ngày 01.11.1840, xuất thân đại úy hải quân lục chiến, từng làm tham biện tại Soái phủ ở Sài Gòn và công sứ ở Hà Nội.

Râyna đi trên chiếc thuyền Ăngtilốp (Antilope) và tới Thuận An vào ngày 25 tháng 7. Bên ta phái một viên quan Bộ Lễ về Thuận An nghinh tiếp, sau đó đưa về công quán. Hai ngày sau, ông Râyna sang thăm các quan Thương bạc (tức là quan Ngoại giao của ta) và được thượng thư Nguyễn Văn Tường đón tiếp niềm nở. Cuộc bang giao ban đầu diễn ra tốt đẹp (như Râyna bị ốm, vua Tự Đức liền cho người đến hỏi thăm sức khoẻ), nhưng về sau, giữa viên khâm sứ Pháp và Triều đình Việt Nam trở nên thù hằn chỉ chờ cơ hội để hại lẫn nhau.

Lúc Râyna đến Huế thì Tòa Khâm sứ chưa xây cất nên phải tạm trú tại công quán mà Triều đình Huế dùng để đón tiếp các nhà ngoại giao các nước. Công quán này tuy bằng tranh nhưng cũng khá đẹp, trước mặt có cột cờ, chung quanh có tường, viên khâm sứ ở đây với Priơ (Prieux), quan cai trị hạng nhất, Đôphanh (Dauphin), thư kí, Xuliê (Souliers), bác sĩ, Phơlơri (Fleury), thợ làm bánh mì, Đôm (Dhomps), quản gia, và một viên chủ Sở Công chánh ra Huế để lo việc xây cất Tòa Khâm sứ. Lúc bấy giờ ở Huế chỉ có mấy giáo sĩ và 7 người Pháp kể trên là được phép lưu trú mà thôi. Ngoài ra, trong Sứ quán còn có một viên thông ngôn, những người đầu bếp và một số ít lính đều là người Việt.

Công việc trước tiên của Râyna khi đến Huế là chọn đất để làm Tòa Khâm. Trong thương ước, có khoản nói rằng: Chánh phủ Việt Nam nhường không cho Chánh phủ Pháp đất đai cần thiết để làm nhà cho các viên công sứ hay nhân viên tùy tùng ở. Tuy thế, Triều đình Huế chỉ bằng lòng để cho Râyna sử dụng những mảnh đất thật xa thành phố, lại ẩm thấp, cứ đến mùa mưa thì ngập nước. Những nơi mà Râyna vừa ý thì các quan ta lại không thuận, lấy cớ đất ấy là của riêng nhà vua hoặc của các ông hoàng bà chúa, hay sắp dùng để xây cất đền này đài nọ v.v…

Râyna thấy ta làm khó dễ, nên đã quyết định bảo với viên chủ Sở Công chánh Sămbe (Sambert), cùng với những người giúp việc đến nhà thờ Lịch Đại (gần ga Huế), đóng nọc định làm bừa Tòa Khâm sứ ở đó. Sợ Râyna liều lĩnh xâm phạm nơi thờ phụng, nên Triều đình Huế bằng lòng cho mảnh đất nơi công quán, mà Râyna hiện đang tạm trú. Mảnh đất này nằm tại hữu ngạn sông Hương, gần cầu Trường Tiền. Dần dần lâu đài, dinh thự lập lên chung quanh vùng này và tạo thành một khu vực mang tên là khu vực của người Âu (tuy gọi thế chứ phần nhiều là của người Pháp).

Tòa Khâm sứ chiếm một khoảng đất vào lối 200 thước vuông. Nhân công (chừng 30 người Trung Hoa) và vật liệu đều đưa từ Sài Gòn ra, chỉ trừ vôi và cát mua ở Huế. Làm tầng dưới xong, lúc xây tầng trên, Râyna bị các quan ta phản đối vì lẽ Toà Khâm dám vô lễ xây cao hơn cung điện của vua. Và khi lợp mái nhà bằng những lá kẽm thì lại gây ra dư luận cho rằng người Pháp sợ ta bắn đại bác vỡ mái nhà nên không dám lợp ngói. [Sở dĩ có dư luận xem ra có vẻ buồn cười ấy, tất nhiên không phải vì dân kinh đô cổ lỗ, mặc dù trước vật liệu xây dựng khá mới lạ đối với miền nhiệt đới là tôn kẽm, mà vì tôn kẽm rất nóng bức đối với người ở, nhưng Pháp vẫn cố chịu đựng (?) – TXA. ct].

Nhưng về sau mọi trở ngại đã được dàn xếp và Tòa khâm vẫn làm theo họa đồ đã vẽ từ trước.

Râyna là một tay thực dân hạng nặng, vì thế nên mối bất hòa giữa ông với Triều đình Huế mỗi ngày một trở nên trầm trọng. Nhà cầm quyền Pháp thấy rằng nếu để ông thì bất lợi cho đường ngoại giao trong buổi ban sơ nên đã ra lệnh triệu hồi, khiến ông không kịp dự vào lễ khánh thành Tòa Khâm sứ.

 

@

 

Người thay Râyna là Philát (Philastre). Ông đến Huế vào ngày 14.12.1876. Qua đến tháng 7 năm 1878, Tòa Khâm hoàn thành và phí tổn đến một triệu quan Pháp.

Trái với Râyna, Philát tỏ ra biết điều hơn, chẳng bao lâu lại bị thay. Người thay thế ông không ai khác hơn là Râyna, có thể áp đảo Triều đình Huế được.

Tình thân thiện Việt – Pháp đã mất đi từ ngày Philát từ giã cố đô Huế. Vua Tự Đức cũng như Râyna không có thái độ nhân nhượng lẫn nhau, tình thế bỗng nhiên trở nên căng thẳng. Có những vấn đề gì quan trọng, Râyna phải khó khăn lắm mới vào yết kiến vua Tự Đức được. Một việc rắc rối đã xảy ra khiến viên khâm sứ Pháp không bao giờ quên: Râyna cùng với bác sĩ Xuliê đi thuyền lên Kim Long, lúc trở về thì bị quân lính ta chặn lại, buộc phải lên bộ đi băng qua mấy cánh đồng để trở về Tòa Khâm sứ, vì vua Việt Nam đang câu cá trên sông, thuyền của người Pháp không thể đi ngang qua đó.

Thế rồi vua Tự Đức gởi hai phái đoàn sang Bắc Kinh và Vọng Các [Bangkok – ct.] để nối lại tình giao hảo với hai nước đã bị Pháp cắt đứt.

Đến cuối tháng năm 1880, Tôn Thất Thuyết chuẩn bị cuộc chống Pháp và qua tháng bảy năm ấy, vua ta ban hành một đạo dụ nói rằng: Những kẻ buôn lậu tiền đồng, ngay cả người Âu cũng vậy, đều bị phạt trượng.

Đạo dụ này khiến người Pháp hết sức bất bình. Vì theo hiệp ước đã kí giữa hai nước thì mỗi khi người Pháp phạm tội, chỉ có tòa án Pháp là có quyền xử họ mà thôi, còn các quan ta không có quyền căng nọc ra, dùng trượng mà đánh như trong dụ đã ban hành.

Chưa đủ phương tiện để gây hấn với Triều đình Huế, chính quyền Pháp lại một lần nữa thay đổi khâm sứ. Palát đơ Sămpô (Palasme de Champeaux) thay thế Râyna vào tháng 10 năm 1880.

Sămpô là cựu sĩ quan hải quân, đã từng giúp việc tại Soái phủ ở Sài Gòn, biết tiếng Việt và thông hiểu tánh tình, phong tục của dân ta. Ban đầu mối bang giao có thể tương đối gọi là tử tế, nhưng chẳng bao lâu mối bất hòa lại xảy ra. Ngày 15.8.1881, Sămpô ra Bắc, nhưng đến năm 1883, sau khi Thuận An thất thủ, ông cùng toàn quyền Hátmăng (Harmand) về Huế nghị hòa và kí kết hiệp ước.

Trong thời gian Sămpô ra Bắc, lại vẫn Râyna đến thay thế. Mối bất hòa sẵn có nay trở nên sâu đậm hơn. Một người giúp việc ở Tòa Khâm sứ bị quan ta bắt giam. Râyna biết rằng không thể dùng phương pháp thương lượng để tiến đến việc đô hộ nước ta được, nên đã viết thư cho Tômxông (Thomson), thống đốc Nam kì, trong đó có câu: “Với những cuộc thương thuyết, ta không thâu hoạch được một chút nhượng bộ nhỏ mọn nào; chỉ dùng sức mạnh mới chiếm được một cái gì mà thôi” [TXA in đậm (:iđ.)]. Trong một đoạn khác, ông lại viết: “Nhiệm vụ của viên khâm sứ ở Huế còn trở nên vô dụng trong một thời gian lâu hơn nữa, vì họ chỉ nhượng bộ sức mạnh. Về phần tôi, tôi sẽ gặp vô cùng khó khăn hơn bất cứ một ai để được hưởng đôi chút nhượng bộ. Trong thời kì đầu tiên ở Huế, tôi đã có nhiều việc rắc rối với Triều đình và từ đó viên thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường, lúc này đối với nhà vua là người rất có thế lực, hết sức căm thù tôi, sau những vụ bất hòa giữa ông và tôi” [TXA. iđ.].

Lúc này lại xảy ra mấy việc trọng đại: Quân Pháp chiếm Nam Định và Hòn Gay, khiến dư luận trong nước rất sôi nổi. Lòng căm thù người Pháp sôi lên sùng sục. Tômxông khuyên Râyna phải thận trọng trong khi chờ người thay thế, có thể tạm lánh xuống mấy chiếc tàu đậu gần Huế, nhưng không nên cắt đứt dây liên lạc ngoại giao với Chánh phủ Việt Nam.

Mặc dầu Tômxông đã căn dặn, Râyna trước thời cuộc biến chuyển, trước những cuộc chuẩn bị chiến tranh của ta, đã quả quyết rời Huế về Sài Gòn. Ông ta đến nơi vào ngày 06.5.1883 trên chiếc Paxơvan (Patceval) cùng với hồ sơ và tất cả nhân viên Tòa Khâm sứ. Viên thống đốc Nam kì ngạc nhiên hết sức.

Râyna ra đi không phải với một niềm lưu luyến, với tiệc rượu tiễn đưa, tiếng sâm banh nổ vang như pháo mà với một thái độ hung hăng dọa nạt. Ông ta khóa cửa Tòa Khâm lại, giao chìa khóa cho các quan Thương bạc. Nhưng các quan ta không nhận. Râyna hách dịch ném chìa khóa xuống đất mà nói: “Từ đây nếu có một sự cướp phá nhỏ mọn nào xảy ra thì Chính phủ Nam triều phải chịu trách nhiệm”.

Thấy Râyna hậm hực ra đi, Triều đình Huế không khỏi lo ngại. Vì ngày nào còn viên khâm sứ ở đó, chắc người Pháp chưa dám đánh với chúng ta. Vì nếu xảy ra chiến cuộc thì viên khâm sứ có thể lâm nguy trong khi chưa có quân lính để hộ vệ. Nay Râyna vào Sài Gòn biết đâu không kéo quân ra để gây sự?

Chìa khóa mà Râyna bỏ lại, các quan Thương bạc cho cầm đến nhờ giáo sĩ Cátpa (Caspar) giữ hộ, nhưng ông này từ chối.

Sau nhiều lần thương thuyết, Cátpa chấp thuận biện pháp này: Chìa khóa bỏ vào trong một cái tráp để tại Tòa Khâm sứ. Cửa ngoài khóa lại, niêm phong tử tế, có một hội đồng cứ 10 ngày đến khám con niêm một lần. Giáo sĩ Cátpa phái linh mục Rơnôn (Renauld) sung vào hội đồng này.

 

@

 

Trong lúc Tòa khâm vắng bóng viên khâm sứ, những việc quan yếu khác lại xảy ra. 

Tại Bắc kì, quân ta hợp tác với quân Trung Hoa đã chuyển từ thế hòa ra thế công [TXA. iđ.]. Tổng đốc Bắc Ninh Trương Quang Đản, phó kinh lược sứ Bùi Ân Niên đem binh đóng ở huyện Gia Lâm, kéo sang đánh thành Hà Nội. Hoàng Tá Viêm sai Lưu Vĩnh Phúc làm tiên phong đem quân đóng ở phủ Hoài Đức, chuẩn bị tấn công quân Pháp.

Sáng ngày 13 tháng 4 năm 1883, đại tá Hănri Rivie (Henri Rivière) đem 500 binh sĩ tiến đánh vùng Ô Cầu Giấy, bị quân ta mai phục chung quanh đổ ra giáp chiến. Đại tá Rivie tử trận, đại úy Bectơ đơ Vile (Berthe de Villers) bị thương. Trận này binh sĩ Pháp vừa bị chết vừa bị thương vào lối 100 người.

Với cuộc thất trận này, Chánh phủ Pháp đã phản ứng bằng cách gửi sang quân tiếp viện. Hạ nghị viện Pháp chấp thuận bỏ ra một ngân khoản 5 triệu rưỡi quan để chi phí vào công cuộc cướp nước. Còn bên ta thì Triều đình Huế đã tổ chức những tiệc vui, đã ban thưởng những người tham chiến.

Việc nước đang trăm phần rắc rối, chiến cuộc Việt – Pháp chưa biết rồi đi đến đâu thì vua Tự Đức mất (16.6 năm Quý mùi, 1883). Vua Dục Đức lên ngôi ba ngày thì bị Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường truất phế. Em vua Tự Đức là Lãng quốc công, húy Hồng Dật, lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.

 

Người biên soạn ghi chú thêm vào giữa bài viết của GS. Bửu Kế: “… Trong ba người con, thì Tự Đức thương yêu Ưng Đăng hơn cả. Ưng Chân, mặc dù không được thương yêu bằng hai em, nhưng vì là con trưởng, một lí do chính đáng để được thừa hưởng ngai vàng. Vả lại, lúc bấy giờ, giặc Pháp đang gây chiến, trong nước cần phải có một ông vua lớn tuổi, nên Dực Tông Anh hoàng đế buộc lòng phải để di chiếu giao ngôi báu lại cho Ưng Chân, lấy niên hiệu Dục Đức.

Nhưng khi để di chiếu, vua Tự Đức lại nói đến những tánh hư tật xấu của hoàng trưởng tử, mặc dù Trần Tiễn Thành *, phụ chánh đại thần, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, đồng phụ chánh đại thần, đã dâng sớ xin vua bỏ đoạn nói về tánh xấu của tự quân và mấy chữ “chưa chắc đương nổi việc lớn” (… vị tất năng đương đại sự) [TXA. iđ.]. Nhưng vua không nghe, cho rằng nhưng lời trong di chiếu như cả một tiếng chuông cảnh tỉnh, sẽ làm cho Dục Đức lo sợ mà thay đổi tánh tình”.

      

(Chúng tôi đã mạn phép trích đúng nguyên văn từ một bài viết khác, kể cả chú thích về Trần Tiễn Thành, của chính GS. Bửu Kế, được in trong cùng một cuốn sách của học giả hoàng tộc này [1], để chèn vào ngay giữa bài mà chúng ta đang đọc, nhằm làm rõ hơn ý tưởng của GS. Bửu Kế.

Và chúng tôi thấy cần nói rõ thêm một điều rất thừa mà Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược (1921) đã khẳng định: Dục Đức thường xuyên đi lại với người Pháp, thân Pháp:

“Bấy giờ ông Rheinart lại sang làm khâm sứ ở Huế […]lại nhớ ông Dục Đức ngày trước, khi vua Dực Tông hãy còn, thường hay đi lại với người Pháp, bởi vậy viên khâm sứ nghĩ đến tình cũ…” [2].     

Do đó, bởi tình thế bắt buộc, hai vị phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và đình thần phải truất phế Dục Đức; truất phế Dục Đức mới có thể đương đầu với Pháp, mới có thể chống Pháp được, mặc dù ai cũng biết rằng việc truất phế sẽ gây ra “tác dụng phụ” là “rối ren” tạm thời. Suy xét thận trọng, kĩ lưỡng hơn, chúng ta thấy, từ lâu, lúc còn là hoàng tử, Dục Đức đã bị Pháp mua chuộc; sự mua chuộc từ trước này cộng với việc diễn ra trước mắt mà ĐNTL.CB. IV ghi chép rõ, là đưa 14 tên “người riêng” (có thêm một giáo sĩ Thiên Chúa giáo) vào cung đình, và “các tờ tâu của các quân thứ các tỉnh tâu lên, có khi để ở trong điện một đêm, vẫn chưa giao ra”, mới là nguyên nhân chính, đẩy Triều đình lâm vào cảnh rối ren). TXA.

 

Thấy Triều đình Huế lâm cảnh rối ren, người Pháp cho rằng đó là một cơ hội tốt để có thể tấn công dễ dàng hơn. Thiếu tướng Buê (Bouet) đánh Hà Nội, thiếu tướng Cuốcbê (Courbet) thì đánh cửa Thuận An. Đi cùng Cuốcbê có toàn quyền Hatmăng (Harmand) và cựu khâm sứ Trung kì Sămpô, lên Huế nghị hoà.

Qua những ngày thương thuyết, đến hôm 23 tháng 7 bản hoà ước ra đời, gọi là hòa ước Quý mùi (1883). Phía Pháp thì Hatmăng, Sămpô, còn phía ta thì khâm sai toàn quyền Trần Đình Túc và phó khâm sai Nguyễn Trọng Hiệp [:Hợp – TXA. ct.] kí kết vào hoà ước. Ngoài các khoản tước mất các chủ quyền của ta về ngoại giao, kinh tế, chính trị, [Pháp còn – TXA. ct.] xén bớt đất đai (Bình Thuận sáp nhập vào Nam [kì – ct.], từ đèo Ngang trở ra thì đặt công sứ ở các tỉnh để kiểm soát các công việc của các quan lại Việt Nam), Triều đình Huế chỉ còn lại vỏn vẹn mấy tỉnh ở giữa. Lại còn có khoản minh định rằng: Viên khâm sứ Pháp không những có cả quyền tự do ra vào yết kiến vua Việt Nam mà lại còn có cả quyền sung vào Hội đồng Cơ mật để kiểm soát công việc của vua nữa.

Sămpô ở lại Huế để giữ chức khâm sứ.

Tuy hiệp ước đã kí kết, viên khâm sứ Trung kì đã trở lại, nhưng các quan ta vẫn không chịu thừa nhận cảnh bại vong và cố tình gây ra những nỗi khó khăn nên Sămpô trong lúc tổ chức thương mại, thương chính, thuế khóa đã vấp phải nhiều trở lực.

Và các quan trong triều, phe thân thiện với Pháp thì ít còn phe chống lại thì mỗi ngày mỗi gia tăng. Hai viên đại thần thế lực vẫn là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết. Hai ông này đã từng ra lệnh bắt giam mấy người Pháp phạm tội ở Thuận An, lại ngầm phái Hầu Chuyên và phò mã Đặng Huy Cát tuyển mộ binh sĩ, xây thành đắp lũy ở Tân Sở (Quảng Trị), phòng khi thất trận thì dời kinh đô ra ngoài ấy [TXA. iđ.].

Lúc được chọn lên kế vị vua Dục Đức, Lãng quốc công đã từng tỏ thái độ e dè, sợ sệt, khóc lóc từ chối ngai vàng. Vì vua cũng biết trước tình thế nguy nan, ở vào cái thế trên đe dưới búa, một bên thì người Pháp mỗi lúc một kiếm cách lấn quyền, một bên thì hai vị đại thần Tường, Thuyết giữ hết quyền bính, còn vua không có lấy một chút hậu thuẫn. Nhưng sau khi lên ngôi, vua Hiệp Hoà muốn cầu an để hưởng phú qúy, thừa nhận cuộc bảo hộ của Pháp, lại tìm cách thoát khỏi áp lực của Tường, Thuyết bằng cách dựa vào sức mạnh của Pháp. Vua đã cho yết bản chiêu an do Toà Khâm sứ gửi sang, lại còn viết mật thư, giao cho Hường Kỷ, con Tuy Lý vương đưa qua cho Sămpô để cầu viện [TXA. iđ.]. Bức thư lọt vào tay Nguyễn Văn Tường, Hường Kỷ bị giam chết trong ngục. Cả gia đình Tuy Lý vương phải tội lưu đày.

Tối hôm hạ ngục Hường Kỷ (28.11.1883), vua Hiệp Hòa cũng bị tố cáo là phạm phí công quỹ quốc gia, giam lỏng trong cung, đưa ra phủ Dục Đức, ép uống thuốc độc chết.

 

Người biên soạn ghi chú thêm vào giữa bài viết của GS. Bửu Kế: “… Hồng Dật, em út của vua Tự Dức, được chọn để tôn lên ngôi nhưng rồi cũng bị phế vì tội thông đồng với người Pháp và tìm cách mưu hại hai vị phụ chánh [TXA. iđ.]…”.

 

(Mạn phép trích nguyên văn của chính GS. Bửu Kế [3], để chèn vào giữa bài tuỳ bút – khảo luận này, cũng của chính học giả Bửu Kế. TXA.).

 

Sau khi vua Hiệp Hoà mất, Kiến Phúc lên nối ngôi, lúc ấy mới 15 tuổi.

Sămpô sợ Toà Khâm sứ có thể bất thình lình bị tấn công, nên yêu cầu Lêja (Léjard), viên quan chỉ huy đồn Thuận An, gởi thêm 50 binh sĩ. Như thế Sămpô có cả thảy 150 quân và một chiếc pháo hạm đậu trên sông Hương. Lêja lại gửi thêm cho Sămpô 100 lính trích trong số 550 lính hiện đóng ở Thuận An.

Mặc dầu hiệp ước đã kí kết, các quan ta ở Bắc có người chịu giải giáp nhưng cũng có lắm người không tuân lệnh Triều đình, có người từ quan rồi lại đứng ra mộ lính để chống với giặc Pháp.

Các quan ta thâu thuế của dân dùng để nuôi quân Cờ Đen và luôn luôn xúi giục dân chúng nổi dậy. Vì thế nên nhiều viên quan bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Tinh thần kháng chiến của toàn dân bùng nổ, mặc dầu lực lượng yếu ớt. Thỉnh thoảng ta lại kéo lính đến tập kích các đồn binh Pháp. Quân Cờ Đen đến nhục mạ, khiêu khích. Quân Pháp vì chưa nhận thêm quân tiếp viện nên vẫn ở lì trong đồn, không dám ra đánh. Thế rồi ta lọt vào thành phố Hải Dương, thiêu hủy nhà cửa, chợ búa. Quân Pháp tổn thất nặng ở Bắc Ninh.

Những tin tức ấy làm Triều đình Huế phấn khởi nên đã yêu cầu Pháp rút khỏi Thuận An [TXA. iđ.].

Sămpô trả đũa bằng cách không thừa nhận vua Kiến Phúc [TXA. iđ.], cắt đứt mọi liên lạc với Triều đình Việt Nam, cố thủ trong Toà Khâm sứ để chờ viện binh. Tômxông phái một chiếc tàu từ Sài Gòn ra Huế để hộ vệ cho Râyna; Cuốcbê lại cho thêm viên khâm sứ Pháp hai chiếc tàu hạng nhẹ và 200 binh sĩ.

Tuy đã có quân tiếp viện, nhưng Sămpô vẫn nằm trong tình trạng nguy ngập, vì bên ta đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh.

Tình hình đang căng thẳng thì ở Bắc kì Pháp nhận được quân tiếp viện, đánh chiếm được tỉnh Sơn Tây sau 3 hôm giao phong (14, 15, 16 tháng 12 năm 1883) và Hoàng Tá Viêm bị thất trận. Các quan ta tạm tỏ thái độ hoà hoãn với Pháp vì biết chưa tiện gây hấn.

Giữa lúc ấy Sămpô xin từ chức. Tricu (Tricou) lúc bấy giờ đang ở Sài Gòn, được cử ra thay thế và đến Huế vào hôm 28-12-1883.

Ban đầu Tricu không được phép vào Nội yết kiến vua Kiến Phúc. Nhưng sau đó hai bên đã dàn xếp và Tricu lại được tiếp kiến trong một buổi thiết triều long trọng.

 

@

 

Ở miền Trung vì là nơi đóng đô của Triều đình Huế nên Pháp còn kiêng nể, nhưng ở Bắc, mặc dầu có lực lượng hùng hậu của quân Cờ Đen, Pháp vẫn muốn áp dụng chính sách tàm thực, một khi có đủ binh lực thì hết đánh tỉnh này đến đánh tỉnh khác, cố chiếm trọn cả lãnh thổ Bắc kì.

Biết rõ dã tâm của Pháp, nên ta lo đào hầm đắp luỹ, đặt chướng ngại vật ở sông Hương, mở các con đường lên núi và nhất là chỉnh đốn lại Tân Sở, phòng một khi Pháp tấn công và giữ không nổi kinh đô Huế thì Triều đình sẽ chạy ra nương náu ở đó.

Lúc bấy giờ tuy các tỉnh ở Trung châu Bắc Việt như Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang đều thuộc vào tay người Pháp, nhưng các tỉnh ở vùng biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lao Kay quân Tàu còn chiếm đóng, không chịu thừa nhận cuộc bảo hộ của Pháp ở Việt Nam.

Mối chỉ rối ấy, Pháp cần gỡ, thì một cơ hội tốt đẹp đã đưa đến. Nguyên Phuốcniê (Fournier), trung tá hải quân Pháp, có quen thân với Lý Hồng Chương, tổng đốc Trực lệ. Năm 1878, Phuốcniê đã từng ở Trung Quốc, lúc ấy Lý có mua mấy pháo hạm của Anh, và Phuốcniê chỉ cho Lý thấy những chỗ hư hỏng của những chiếc pháo hạm, nên Lý có thiện cảm với Phuốcniê và định đề nghị cho viên sĩ quan này trông coi một hạm đội của thủy quân Trung Quốc. Nhân mối tình thân hữu ấy, Phuốcniê gởi thư cho Lý Hồng Chương để dàn xếp xích mích giữa Pháp và Trung Hoa ở Bắc Việt. Lý Hồng Chương là người trước kia đã thúc giục Chính phủ Bắc Kinh xen vào chính tình Việt Nam và định thi hành chương trình chia đôi Bắc Việt với Pháp [TXA. in nghiêng (:ing.) & iđ.]. Nhưng nay nhận thấy binh lực của Pháp mạnh, có thể gây tổn thất trên lục địa Trung Hoa nên nhận lời gặp gỡ Phuốcniê để nghị hòa. Đây là một cuộc thương thuyết tay đôi, không có viên sứ thần Pháp ở Trung Hoa tham dự vì viên này đã bị nhà cầm quyền Trung Hoa tẩy chay từ lâu.

Trung tá Phuốcniê đến Thiên Tân ngày 05.5 năm 1884 như một nhà du lịch. Ông ta đưa ra cho Lý một dạng bản hiệp ước và được viên tổng đốc Trung Hoa vui lòng chấp nhận.

Phuốcniê đánh điện để hỏi ý kiến, Pháp bằng lòng cho Phuốcniê toàn quyền thương thuyết.

Qua đến ngày 11.5.1884, hiệp ước Phuốniê – Lý Hồng Chương được kí kết tại nha môn của Lý, và gồm có 5 khoản. Tựu trung có hai khoản quan trọng hơn cả:

 

1. Rút hết quân đội Trung Hoa ở Bắc Việt về.

2. Tôn trọng trong hiện tại cũng như tương lai những hiệp ước kí kết giữa Pháp và Triều đình Huế.

 

Hòa ước kí kết xong, trung tá Phuốcniê điện cho tướng Milô (Millot) ở Bắc kì biết về việc quân Trung Quốc sẽ phải kéo về nước.

Cho rằng tình thế có thể tạm yên, và thể theo lời yêu cầu của Chánh phủ Việt Nam, Chánh phủ Pháp định sửa lại tờ hòa ước Hátmăng kí kết ngày 23.7 năm Quý mùi (1883).

Trên con đường sang Bắc Kinh, viên tân đại sứ Pháp Patơnốt (Patenôtre) đã nhận được điện tín của Chánh phủ Pháp sai ông đến Huế để đảm nhận công việc ấy.

Tờ hòa ước này kí kết tại Tòa Khâm sứ vào ngày 13 tháng 5 năm Giáp thân (06.6.1884) giữa Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan và Patơnốt. Khác hiệp ước trước ở chỗ trả lại Bình Thuận và 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá cho Trung kì. Nhưng khoản 5 lại nói đến việc viên khâm sứ Trung kì ngoài việc được phép yết kiến vua Việt Nam lại còn được phép cùng với các binh sĩ tháp tùng đóng ở Mang Cá trong Thành Nội.

Trong lúc bàn bạc để kí kết hiệp ước, có một vấn đề mà Pháp muốn giải quyết một cách dứt khoát: Đó là cái ấn mà vua nhà Thanh giao cho vua Gia Long trong lễ tuyên phong.

Theo hòa ước Phuốcniê – Lý Hồng Chương [TXA. iđ.], cái ấn ấy không có lí do gì tồn tại nữa, Pháp yêu cầu Triều đình ta gởi ấn ấy về Pháp đề làm vật kỉ niệm.

Bên ta quan phụ chánh Nguyễn Văn Tường nhất định không chịu [TXA. iđ.]. Sau cùng đi đến sự thỏa thuận là cái ấn ấy phải nấu cho chảy ra trước khi hai bên kí kết hiệp ước. Đến giờ đã ấn định, Nguyễn Văn Tường và các quan Thương bạc đem ấn sang Tòa Khâm sứ, đặt lên cái bàn, trước mặt Patơnốt. Giữa phòng người ta đã bảo thợ đem lò bễ đến chực sẵn. Patơnốt lại một lần nữa khẩn khoản xin cái ấn ấy để gởi về Pháp, và các quan ta lại một lần nữa cương quyết từ chối.

Ấn nặng 6 kilô bằng bạc mạ vàng, có khắc mấy chữ “Việt Nam quốc vương chi ấn” lần lần chảy ra đóng lại thành một khối. Chiều hôm ấy thì hai bên kí bản hiệp ước. Râyna đến Huế với Patơnốt đã lưu lại đất kinh kì để nhận lãnh chức khâm sứ.

 

@

 

(  xem tiếp phần B bài 6 )

 

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

____________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7