g. Trần Xuân An -- Mai Hắc Đế - anh hùng - "tướng giặc" - ? -- lịch sử cổ đại nước ta - Tệp 7

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

        12 tháng 3 HB6 (2006) / 19 tháng 3 HB6 (2006)

07/01/09

           

 

 

       Lời thưa

 

       Bài 1

 

       Bài 2

 

       Bài 3

 

       Bài 4

 

       Bài 5

 

       Bài 6

 

       Bài 7

 

       Bài 8

 

       Bài 9

 

       Bài 10

 

       Bài 11

 

       Bài 12

 

       Bài 13

 

       Bài 14

 

       Bài 15

 

  Phụ lục thơ

 

    Phần cuối

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

( Bài 7 )

 

Xem:

Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

 

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

                

 

 

 

 

 

 

SUY NGHĨ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

TRONG

LỊCH SỬ CỔ ĐẠI

NƯỚC TA

 

                             

 

 

 

 

MAI HẮC ĐẾ, NGƯỜI ANH HÙNG KHỞI NGHĨA (772),

VỊ VUA BỊ MANG TIẾNG LÀ “TƯỚNG GIẶC”

SUỐT MẤY TRĂM NĂM TRONG SỬ SÁCH

 

1

Sau triều đại độc lập, tự chủ do Lý Bôn và Lý Phật Tử, đặc biệt là do Triệu Quang Phục, khởi nghĩa, kháng chiến thành công và xây dựng nên trong quãng thời gian 61 năm (541 – 602), Giao Châu ta lại bị bọn phong kiến Trung Hoa tái xâm lược và chiếm đóng.

Ở phía nam Trung Hoa, hết triều Lương (502 – 556) lại đến triều Trần (557 – 589). Sau đó, nhà Tuỳ thống nhất cả Hoa nam lẫn Hoa bắc với một đế chế như Tần, Hán, Tấn thuở trước. Nhưng nhà Tuỳ chỉ tồn tại trong 37 năm (581 – 618).

Lý Uyên cướp ngôi nhà Tuỳ, vào năm 618, lập nên nhà Đường (618 – 907). Trong thời sơ Đường (618 – 713), triều chính của triều đại này bị lũng đoạn, khuynh đảo bởi hai thái hậu, Võ thị (Vũ Tắc Thiên) và Vi thị. Bước sang thời trung Đường (713 – 823), triều đình Hán tộc này lại bị nổ ra cuộc biến động do người Phiên tộc An Lộc Sơn (755) chỉ huy tấn công. Lại tiếp đến là những cuộc nổi dậy, khởi nghĩa ở các vùng biên, phiên trấn của các tộc người bị nhà Đường đô hộ (Thổ Phồn, Hồi Hột), trong suốt 60 năm, khiến có lúc vua Đường với cung tần mĩ nữ phải bỏ kinh đô Trường An để trốn lánh ra Thiểm Châu (Hà Nam) (1).

Diễn biến ở Trung Hoa tất nhiên có tác động rõ rệt vào nước ta.

Thời đế chế Tùy, sau khi củng cố quyền lực tại chính quốc, Lưu Phương được lệnh kéo quân sang Giao Châu ta. Chỉ một trận đánh, y đã quy phục được tên vua hèn nhát Lý Phật Tử, bắt y giải giao về Phương Bắc. Tiếp đến, Lưu Phương được vua Tuỳ phong chức hành quân tổng quản đạo Hoan Châu, kéo quân đi đánh Lâm Ấp, cướp phá tan hoang. Nhưng tên giặc Lưu Phương cũng chết vì bệnh dọc đường về.

Khi nhà Đường cướp ngôi nhà Tuỳ xong, đến đời Cao Tông, vào năm Kỉ mão (679), nước ta bị đổi thành An Nam đô hộ phủ, nước phải chia ra 12 châu!

Đến năm Đinh hợi (687), người Lý (một nhân tộc thiểu số) ở nước ta khởi nghĩa với hai người lãnh đạo là Lý Tự Tiên, Đinh Kiến, giết được tên thực dân đầu não đô hộ phủ là Diên Hựu. Lý Tự Tiên và Đinh Kiến, người trước kẻ sau, đều bị hi sinh.

Nội tình Trung Hoa thời sơ Đường, trung Đường diễn ra những chính biến, biến động, nhất là các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa ở phía tây bắc như thế, nên nhân thời cơ đó, Mai Thúc Loan đã khởi nghĩa, liên minh với các nước láng giềng để giành lại nền độc lập, tự chủ cho dân tộc.

 

2

Tại sao Mai Hắc đế bị mang tiếng là “tướng giặc” trong sử sách?

 

Không phải nói đến sách sử của đối phương, những sử gia Trung Hoa, vốn xem Mai Thúc Loan (Mai Hắc đế) là tướng giặc. Điều đó chẳng có gì lạ! Về sau này, trong lịch sử cận đại, những sách sử của giặc Pháp xâm lược, các học giả thực dân cũng gọi những nghĩa sĩ, vị quan yêu nước, bình Tây sát tả, những ai kháng chiến chống lại ách “bảo hộ” của chúng, đều là giặc, là nghịch tặc, bè lũ phản loạn.

Chúng ta đã biết, ngay Trưng Trắc – Trưng Nhị, hai vị anh hùng chống ngoại xâm, thuộc vào bậc nhất trong giới phụ nữ từ xưa đến nay, của lịch sử nước ta và của lịch sử thế giới, cũng đã bị sử gia Trung Hoa (tác giả bộ sách Hậu Hán thư, ở mục Mã Viện truyện (2)) gọi là giặc. Mặc dù không hoàn toàn là người Hán – Hoa, Lê Tắc, tác giả An Nam chí lược, vẫn ghi rõ theo quan điểm của y rằng: Trưng Trắc, Triệu Thị Trinh, Lý Bí, Dương Thanh đều là “những kẻ phản nghịch”, còn Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đều là “những kẻ tiếm thiết” (3).

Điều đáng nói là ngay chính Đại Việt sử kí toàn thư (4), bộ sử lớn của nước ta, được xem là tư liệu gốc của ngành khoa học lịch sử từ xưa đến nay, lại viết rõ Mai Thúc Loan là tướng giặc. Và ghi chép về vị anh hùng dân tộc này, Toàn thư cũng chỉ viết vài ba dòng:

Toàn thư ghi: “Nhâm tuất, [722], (Đường, Huyền Tông, Long Cơ, Khai Nguyên năm thứ 10). Tướng giặc là Mai Thúc Loan chiếm giữ châu, xưng là Hắc đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn. Vua Đường sai nội thị tả giám môn vệ tướng quân là Dương Tư Húc và Đô hộ là Nguyên Sở Khách đánh dẹp yên được” (5).

Chúng ta biết rằng, Đại Việt sử kí toàn thư là bộ sử tập đại thành của những bộ sử trước đó, đặc biệt là Đại Việt sử kí (1272) của Lê Văn Hưu (1230 – 1322). Cho đến Toàn thư được khắc in vào năm Chính Hoà [1697] (nhà Hậu Lê, thời trung hưng), bộ sử đã được các sử gia Quốc sử viện, Sử quán khảo đính, chỉnh lí, bổ sung một cách hết sức cẩn trọng. Nhưng đến bản hoàn chỉnh, khắc in, công bố này, những dòng sử viết về Mai Thúc Loan vẫn thế. Tất nhiên bản dịch hiện nay không thể tuỳ tiện sửa đổi, mà phải tuân thủ tối đa, tuyệt đối nguyên tắc phiên dịch thư tịch cổ, nhất là các bộ sách được thẩm định là tư liệu gốc.

Như vậy, ít ra là cho đến năm 1697, Mai Thúc Loan (Mai Hắc đế) vẫn bị xem là “tướng giặc” ư? Nỗi oan khuất ấy kéo dài đến vậy sao?

Thật ra, mặc dù Toàn thư, bản Chính Hoà (1697) vẫn vậy, nhưng từ 1554, sử gia Lê Tung đã minh oan và minh định cho vị anh hùng Hắc đế này trong bài “Việt giám thông khảo tổng luận”. Bài viết này được trang trọng đặt ở phần mở đầu của bộ sử Toàn thư. Từ bấy đến nay, ngay ở bản dịch của Viện Sử học (4), bài Tổng luận của Lê Tung vẫn còn được đặt ở vị trí trang trọng đó.

Như vậy, phần nội dung trong Toàn thư, phần ngoại kỉ, quyển V, tờ 4b, không có gì thay đổi. Sự thay đổi về quan điểm nhận định chỉ có ở bài Tổng luận (1554) của Lê Tung. Nói cách khác, Mai Thúc Loan vừa là anh hùng yêu nước, chống nhà Đường (Trung Hoa) xâm lược, vừa là tướng giặc, ở hai phần (tổng luận, ngoại kỉ) ngay trong một bộ sử.

Lê Tung đã bình luận như thế nào về Mai Hắc đế? Ông viết: “Mai Hắc đế, nổi lên từ Châu Hoan, căm giận chính lệnh tàn ngược của Sở Khách, cất quân tiến đánh, phía nam giữ đất Hải Lĩnh, phía bắc chống lại nhà Đường, có thể gọi là bậc vua hào kiệt. Tiếc rằng không tài chống giặc, lòng người ít theo, nên không thể át nổi cái loạn Dương Tư Húc” (6).

Rõ ràng lập trường, quan điểm địch – ta ở đoạn trên trong bài Tổng luận của Lê Tung là đã rất minh bạch, đúng đắn (mặc dù Lê Tung còn lẫn lộn ở những trang, đoạn viết về các nhân vật, triều đại khác như về Triệu Đà và nhà Triệu – Hán của y, về Nhâm Diên, Tích Quang, Sĩ Nhiếp, vốn là những tên hiệu uý, thái thú Trung Hoa thuộc bọn phong kiến thực dân cổ đại!).

Thực trạng của sử sách là như thế và cũng không có gì lạ.

Nhưng thử tìm hiểu nguyên nhân vì sao như thế?

Thứ nhất là, các sử gia nước ta như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Lê Hy tất nhiên đã sử dụng và tham khảo các thư tịch cổ của triều đại đối phương ở Trung Hoa. Lập trường, quan điểm giữa nước ta và các triều đại Trung Hoa xâm lược là trái ngược nhau 1800, như nước với lửa, một trời một vực. Vả lại, có những trường hợp sử gia Trung Hoa viết mơ hồ, vu khoát, mà các sử gia nước ta khảo đính, chỉnh lí chưa tốt.

Thứ hai là, trường hợp Mai Hắc đế (Mai Thúc Loan) là một trường hợp khá đặc biệt, cơ chừng là do quan điểm về nhân tộc (sắc tộc) của các sử gia và bởi sự liên minh của Mai Hắc đế với các nước như Lâm Ấp, Chân Lạp, vốn là đất nước của các nhân tộc (Chăm, Kh’mer…) có màu da nâu đen như Mai Hắc đế, trong sự nghiệp chung sức chống bọn phong kiến nhà Đường Trung Hoa xâm lược, chiếm đóng. Thêm vào đó, thuở bấy giờ, ba quận Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ luôn bị bọn cầm quyền nước Lâm Ấp đánh phá, mưu toan xâm chiếm để bành trướng lãnh thổ Lâm Ấp ra phía bắc (7), hoặc quân Chà Và, Côn Luân… liên tục tấn công nhằm cướp bóc tài sản, bắt người làm nô lệ (mục tiêu nhiều cuộc chiến tranh hồi đó ở nhiều nước Âu – Á – Phi – Mỹ (*) là như thế!).

Thật ra, Lê Tung (1554) đã thanh minh và đã ca ngợi công đức cứu nước, cứu dân, chống giặc Tàu ngoại xâm của Vua đen họ Mai. Rất rõ ràng là Mai Thúc Loan xưng đế. Dưới đế còn có vương, bá, hầu. Trên đế là không còn ai nữa. Mai Hắc đế không chịu phụ thuộc vào vương quyền nước nào. Lâm Ấp, Chân Lạp chỉ là đồng minh nhỏ, nhỏ so với Giao Châu (Việt Nam). Ông cũng không hề mặc cảm, mà lại tự hào về màu da đen của mình: Hắc đếvị hoàng đế da đen.

Tuy vậy, Lê Tung trong Toàn thư hé lộ cho hậu thế thấy, rõ ràng ngoài nhận định “không tài chống giặc” hơi oan uổng, là có sự kì thị (“lòng người ít theo”) chăng? Phải chăng vì lòng người ít theo nên khó khăn trong việc chống giặc Đường Trung Hoa?

 

3

Mai Hắc đế trong sử sách về sau

 

Cương mục (8) ghi chép và khảo đính: “Năm Nhâm tuất (722). (Đường, Huyền Tông, năm Khai Nguyên thứ 10). Tháng 7, mùa thu. Ở Hoan Châu, Mai Thúc Loan giữ lấy châu, tự xưng đế. Nhà Đường, sai bọn nội thị Dương Tư Húc sang đánh, phá được. Theo Đường thư, khoảng năm Khai Nguyên (713 – 741), An Nam (9)  có Mai Thúc Loan làm phản, tự xưng là Hắc đế, chiêu tập quân 32 châu, ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, giữ vùng biển nam, quân số có đến 40 vạn. Tư Húc xin đi đánh, chiêu mộ hơn mười vạn quân, cùng với Quang (10) Sở Khách tiến theo đường cũ của Mã Viện, nhân lúc bất ý, sập đến đánh. Thúc Loan Hoang mang nao núng, không kịp mưu tính cách đối phó, bị thua to. Tư Húc mới chôn những xác chết chung vào một nơi, đắp thành cái gò cao (Kình quán), để ghi chiến công của mình, rồi rút quân về” (11).

Lời cẩn án của Cương mục: “Trộm nghĩ Thúc Loan chẳng qua giữ được một châu, thế lực cũng nhỏ. […]. Sử cũ cũng chép Thúc Loan ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân có 30 vạn, có lẽ cũng cứ dựa qua Đường thư, chứ chưa xét đến sự thực” (12).

Nhưng trong thực tế khảo đính, đó chỉ là lời cẩn án, còn phải khảo cứu thêm.

Có một chi tiết Cương mục chua rất rõ: “Mai Thúc Loan: Người Mai Phụ, huyện Thiên Lộc, Hoan Châu, bây giờ thuộc huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thúc Loan người đen lắm, nên người Hoan Châu gọi là Hắc đế. Nay còn có vết thành cũ ở núi Vệ thuộc huyện Nam Đường và có đền thờ ở Hương Lãm thuộc huyện ấy. Đền này được liệt vào hàng đền thờ đế vương các triều đại” (13).

Chính câu cuối của đoạn trích dẫn trên là cả một sự thẩm định cho thuở bấy giờ và cho muôn thuở: “Đền này được liệt vào hàng đền thờ đế vương các triều đại”.

Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận: “Đền Mai Hắc đế: ở địa phận xã Hương Lãm, huyện Nam Đường. Thần họ Mai, tên Thúc Loan, mặt sắt, mình đen, hình dáng hùng vĩ, nhiều người tin tưởng vui theo. Bấy giờ nước ta thuộc nhà Đường, khoảng niên hiệu Khai Nguyên, Quang Sở Khách làm đô hộ An Nam, chính lệnh tham bạo, dân không chịu nổi, nhiều người phải trốn vào rừng làm việc trộm cướp. Thúc Loan bèn dấy quân ở Hoan Châu, những người trộm cướp ở các quận đều hàng phục, bèn liên kết với các nước Lâm Ấp và Chân Lạp, số quân có đến 30 vạn, chiếm cứ Giao Châu mà xưng đế, đóng ở thành Vạn Yên (Sa Nam). Nhà Đường sai nội thị là Dương Tư Húc đem quân sang đánh, vua bèn rút quân đến đóng ở núi Hùng Sơn. Khi mất, táng ở phía nam núi đất, người địa phương lập đền thờ” (14).

Đó là những lời và lẽ xác đáng, trang trọng, Quốc sử quán triều Nguyễn viết về Hắc hoàng đế Mai Thúc Loan, một vị anh hùng dân tộc, khi chết đã được nhân dân phong Thần.

Từ đó, mặc dù sử gia này, học giả khác có những hạn chế nhất định, nhưng cả Trần Trọng Kim với Việt Nam sử lược (1921), lẫn Đào Duy Anh với Lịch sử Việt Nam (1955, 1957) cũng như các nhà sử học trong Nam ngoài Bắc (Phan Khoang, PGS. Nguyễn Cảnh Minh…) đều đồng lòng khẳng định những đóng góp cho sự nghiệp chống bọn phong kiến xâm lược Trung Hoa của Vua đen Mai Thúc Loan, đều đồng thanh ca ngợi công đức của ông và quân dân do ông lãnh đạo khởi nghĩa thuở đó.

 

TP. HCM., viết xong lúc 15 giờ 37 phút,

ngày 10. 07. HB4 (23 .05 G. thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

 

Cước chú của bài Mai Hắc đế, người anh hùng…:

 

(1) Xem: Phan Khoang, Trung Quốc sử lược, ấn quán Hồng Phát, Chợ Lớn, 1957.

 

(2) Xem: Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 98.

 

(3) Lê Tắc, An Nam chí lược (thuộc Tứ khố toàn thư, Trung Hoa), bản dịch của Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Viện Đại học Huế (GS. Trần Kinh Hoà cố vấn), Viện Đại học Huế xb., 1961; Nxb. Thuận Hoá, TT. Văn hoá – Ngôn ngữ Đông Tây tái bản, 2002, tr. 226, 276.

 

(4) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003.

 

(5) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 269 (NK. [ngoại kỉ], q. [quyển] V, [tờ] 4b). TXA. iđ..

 

(6) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 153 (TL. [tổng luận], [tờ] 6b). TXA. iđ..

 

(7) Trong bài trước tôi đã viết về sự thể này: Đây là bi kịch chua xót nhất trong quy luật về sự tồn sinh của mọi sinh vật, nhất là sinh vật cấp cao là động-vật-người! Xin khẳng định thêm: Tôi chỉ lên án bọn cầm quyền Lâm Ấp. Bao giờ tôi cũng nghĩ nhân dân Lâm Ấp (và nhân dân các nước nói chung) vốn là nạn nhân của bọn cầm quyền ấy trong các cuộc chiến tranh xâm lấn.

 

(*) Vấn đề đã viết ở cước chú (7) của bài này, xin viết rõ hơn để hiểu hết bi kịch chua xót này của nhân loại và để tránh những ngộ nhận, những áp lực: Đó là tội ác và bi kịch của nhân loại ở châu Mỹ, châu Âu, châu Úc và cả ở châu Á. Châu Mỹ của dân tộc nào? Ai xâm lược châu Mỹ và tiệu diệt người “da đỏ” bản xứ? Châu Úc (châu Đại Dương) của dân tộc nào? Ai xâm lược và tiêu diệt thổ dân châu Úc? V.v…

 

(8) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998. 

 

(9) Nhà Đường (Trung Hoa), vào năm Kỉ mão (679), tháng tam, đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ. Xem: Cương mục, sđd., tập 1, tr. 183 (Tb. [tiền biên], q. [quyển] IV, [tờ] 17 – 18).

 

(10) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 188 (Tb., IV, 22): Không phải Nguyên Sở Khách như Toàn thư ghi – lời chua của Quốc sử quán triều Nguyễn.

 

(11) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 187 (Tb., IV, 21). TXA. iđ..

 

(12) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 187 – 188 (Tb., IV, 22).

 

(13) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 188 – 189 (Tb., IV, 23). 

 

(14) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 188 – 189. TXA. iđ..

 

 

(  xem tiếp bài 8

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

              Cập nhật: 07/01/09

              (tháng / ngày / năm)

  

Google page creator  /  host