Tham khảo: Quốc vương cuối cùng của Champa (Web CHAMPAKA)

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO

Điện thư xin phép

Xem:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/lichsu-champa_po-dhrama_champaka.htm

Link bài viết:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/po-phaok-the_bbt-champaka.htm

 

 

1835-2005: Kỷ niệm 175 năm Po Phaok The,

Quốc vương cuối cùng của Champa

Ban Biên Tập

Tóm lược từ bài viết của Po Dharma đăng trong Le Panduranga–Champa, 1832-1835 : Ses rapport avec le Vietnam, Paris, 1987, tập I, trang 119-137.

Ðăng ngày 05-10-2007 lúc 9:25:00 PM

 

 

 

“… Khi đã dập tan đoàn quân Ja Thak Wa, hoàng đế Minh Mệnh trở tay tiêu diệt luôn Po Phaok The, cựu vương quốc đã chấp nhận ly khai phong trào Ja Thak Wa để hợp tác với triều đình Huế. Vào tháng 6 năm Ất Vị (1835), Minh Mệnh kết tội tử hình Po Phaok The, nhưng không đưa ra một lời giải thích chính đáng nào….”

Sau ngày từ trần của Po Klan Thu vào năm 1828, Minh Mệnh tìm cách đưa một người thân cận với mình lên làm quốc vương Panduranga-Champa. Ðây cũng là dịp mà triều đình Huế muốn tách rời vương quốc Champa ra khỏi vòng kiểm soát của tổng trấn Gia Ðịnh Thành là Lê Văn Duyệt, một nhân vật lịch sử không bao giờ tán đồng với chính sách của hoàng đế Minh Mệnh sau ngày từ trần của vua Gia Long vào năm 1820.

Ðể đối phó với biến cố này, Lê văn Duyệt nhất quyết chống lại quan điểm của Minh Mệnh. Theo Lê Văn Duyệt, người kế vị này phải con trai của Po Saong Nhung Ceng (1799-1822), quốc vương Champa từ trần vào năm 1822 tại Bal Canar (Tịnh Mỹ, Phan Rí), một người rất thân cận với ông ta và cũng là chiến hữu của Gia Long trong những năm kháng chiến chống quân Tây Sơn (1771-1802). Thế là sự xung đột công khai để tranh giành ảnh hưởng chính trị ở Panduranga bắt đầu bùng nổ giữa hoàng đế Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt, phó vương của Gia Ðịnh Thành giàu có, được che chở bởi một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng ly khai, nếu cần, để thành lập một quốc gia độc lập ở miền nam. Vì không còn cách nào để ngăn chặn oai quyền của Lê Văn Duyệt ở miền Nam, hoàng đế Minh Mệnh chỉ còn cách là chấp nhận nhượng bộ bước đầu để tìm thời cơ nhằm lật lại thế cờ.

Năm 1828, Lê Văn Duyệt quyết định đưa Po Phaok The, con trai của vua Po Saong Nhung Ceng (1802-1822) lên nắm chính quyền của Panduranga-Champa và phong cho hoàng tử Po Dhar Kaok (tức là Nguyễn Văn Nguyên trong biên niên sử Việt Nam) làm phó vương Champa.

Sau ngày lên ngôi của Po Phaok The, tình hình chính trị ở Panduranga-Champa hoàn toàn bước sang một giai đoạn mới. Vì rằng, Lê Văn Duyệt đã thành công tách rời Panduranga-Champa ra khỏi ảnh hưởng chính trị của triều đình Huế và dành lại quyền bảo hộ ở vương quốc này mà ông ta đã từng nắm giữ dưới thời vua Gia Long (1802-1820). Tạm thời Lê Văn Duyệt đã có được một thành công trong công tác ngăn chặn ảnh hưởng của vua Minh Mệnh ở Panduranga, nhưng chưa chắc là người đã thắng trận chống lại chính sách của triễu đình Huế đối với Champa trong những năm sắp tới.

Quan điểm bất đồng giữa Lê Văn Duyệt và Minh Mệnh đã đưa vấn đề bang giao giữa Việt Nam và Champa thành không lối thoát. Trong những năm 1822 và 1828, xứ sở này đặt dưới sự giám hộ trực tiếp của triều đình Huế. Sau năm 1828 trở đi, vương quốc này lại thay ngôi đổi chúa để trở thành một lãnh thổ hoàn toàn phụ thuộc vào Gia Ðịnh Thành, bất chấp sự chống đối của hoàng đế Minh Mệnh. Khi đã trở thành món mồi trong cuộc tranh chấp quyền hành giữa Minh Mệnh, một hoàng đế không bao giờ chấp nhận cho bất cứ ai lộng hành trong vương quốc của mình và Lê Văn Duyệt, người luôn luôn tự tôn mình là một phó vương ở miền nam, tương lai sống còn của Panduranga-Champa đang rơi vào vòng tăm tối và hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến giữa Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt mà không ai có thể đo lường được hậu quả.

Lúc ban đầu, các tầng lớp lãnh đạo Champa nhiệt tình ủng hộ chính sách ly khai với triều đình Huế do quốc vương Po Phaok The đề xướng. Tiếc rằng, kể từ năm 1831, cơ cấu tổ chức chính trị ở Panduranga-Champa đang lâm vào cơn gió bão. Một số quan lại trong triều đình Champa đứng ra phản đối chính sách của Po Phaok The và nhất quyết từ chối quy phục oai quyền của Lê Văn Duyệt ở miền nam. Lý do của họ rất là đơn giản, đó là không ai có thể đo lường được thái độ của hoàng đế Minh Mệnh đối với dân tộc Champa sau ngày từ trần của Lê Văn Duyệt, vì tuổi thọ của ông ta không còn là bao nhiêu nữa. Và ai cũng biết, hoàng đế Minh Mệnh là ông vua rất độc quyền và cực đoan, không chấp nhận bất cứ sự dị biệt nào trong tổ chức chính trị ở Việt Nam đương thời và cũng là ông vua đã từng tàn sát cả dân tộc Việt ly khai với Phật Giáo để theo Thiên Chúa Giáo. Thế thì tương lai của Panduranga sẽ đưa về đâu sau ngày từ trần của Lê Văn Duyệt ? Ðó là câu hỏi to tác mà một số quan lại thường đưa ra để bàn bạc. Bên lề ung nhọt chính trị này, Panduranga phải đối phó với nhiều sự xung đột xã hội giữa dân tộc Champa và cư dân việt ở vương quốc này. Dựa trên quyền thế của một dân tộc hùng mạnh, dân cư Việt thường bày tỏ thái độ kiêu hãnh và khinh miệt đối với dân tộc Champa, nhất là các giới chức sắc Chăm Ahier (Bà La Môn) và Chăm Awar (Bani). Thêm vào đó, chính sách đồng hóa dân tộc Champa càng ngày càng bành trướng mạnh mẽ. Người Chăm bị ép buộc phải mặc y phục Việt Nam, thực hiện những lễ tục của người Việt, cả ăn chay và cúng rằm, v.v. Ngay cả lễ múa Rija (một lễ hội tín ngương dân gian), người Chăm cũng phải chấp nhận để đoàn hát bội Việt Nam vào trong rạp lễ để trình diễn văn nghệ chung mà Việt Nam xem đó là chính sách hòa đồng dân tộc.

Một khi nền tảng xã hội và tôn giáo ở Champa đang bước vào con đường thái hóa, một số quan lại không còn đặt niềm tin vào quốc vương Po Phaok The nữa. Họ không ngần ngại đứng ra tố cáo công khai chính sách Po Phaok The. Sự hiện diện của nhóm đối lập trong triều đình chống lại Po Phaok The là một biến cố quan trọng đối với triều đình Huế. Vì rằng, hoàng đế Minh Mệnh mà ai cũng biết là ông vua đại tài về mặt chiến lược chính trị, sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để đập tan đối phương.

Năm 1832 cũng là năm đánh dấu cho định mệnh sống còn của Panduranga-Champa. Khi đã nhận thấy quốc vương Po Phaok The không còn uy tín trong giới quan lại Champa nữa và nhất là Lê Văn Duyệt đang nằm trên giường bệnh để chờ ngày tắt thở, hoàng đế Minh Mệnh ra lệnh bắt giam Po Phaok The vì tội không trả thuế cho triều đình Huế từ năm 1828, và nhất là tội ly khai với chính quyền trung ương Việt Nam để phục tùng Lê Văn Duyệt.

Chưa đầy một tháng sau, tức là vào tháng 7 của năm Nhâm Thìn (1832), Lê Văn Duyệt từ trần ở Sài Gòn. Lợi dụng cơ hội này, Minh Mệnh ra lệnh xua quân chiếm đóng Panduranga và trừng phạt vô cùng dã man những cấp lãnh đạo Champa đã theo Lê Văn Duyệt. Sau cùng Minh Mệnh quyết định xóa bỏ vương quốc Champa trên bản đồ Ðông Dương vào năm 1832.

Sự diệt vong Champa vào năm 1832 đã đưa nhân dân Champa vào con đường vô cùng thống khổ. Khi không chịu nổi nữa những tang thương của một dân tộc vong quốc, nhân dân Champa chỉ còn con đường duy nhất là vùng dậy chống lại kẻ xâm lược.

Cuộc biến động đầu tiên sau ngày Champa diệt vong là sự vùng dậy của Katip Sumat vào năm 1833. Tiếp theo đó là phong trào Ja Thak Wa vào năm 1834, một mặt trận vũ trang nhằm tái lập lại vương quốc Champa độc lập và có chủ quyền. Chỉ vài tháng sau, Ja Thak Wa đã thành công kêu gọi nhân dân Champa vùng dậy chống đoàn quân Việt Nam xâm lược.

Khi đã nhận diện sự sa lầy của quân đội Việt Nam ở Panduranga, Minh Mệnh nghĩ rằng chỉ có chiến lược chính trị là giải pháp hay nhất để đưa quần chúng Champa ly khai với nhóm phản động của Ja Thak Wa. Thế là triều đình Huế bắt đầu vuốt ve nhân dân Champa và kêu gọi họ là nên từ bỏ mọi sự nghi kị đối với chính quyền Việt Nam và nên đặt lại niềm tin với triều đình Huế.

Ngoài chính sách chiêu hồi quần chúng, Minh Mệnh còn tìm cách chinh phục những nhân vật gốc Chăm có uy tín ở Panduranga để theo phe mình. Một trong những nhân vật mà Minh Mệnh muốn thu phục đó là Po Phaok The, cựu quốc vương Panduranga (1828-1832) và đề nghị thăng tặng cho ngài chức Diên Ân Bá (bá tước Diên Ân). Vào tháng 4 năm Ất Vị (1835), Ja Thak Wa bị tử trận ở chiến trường gần thôn Hữu Ðức, Phan Rang. Mặc dù đã tử trận, triều đình Huế còn ra lệnh chặt lấy đầu của nhà lãnh đạo Ja Thak Wa để đem bêu cho quần chúng xem. Khi đã dập tan đoàn quân Ja Thak Wa, hoàng đế Minh Mệnh trở tay tiêu diệt luôn Po Phaok The, cựu vương quốc đã chấp nhận ly khai phong trào Ja Thak Wa để hợp tác với triều đình Huế. Vào tháng 6 năm Ất Vị (1835), Minh Mệnh kết tội tử hình Po Phaok The, nhưng không đưa ra một lời giải thích chính đáng nào.

 

***

Po Phaok The (1828-1835) là vị vua cuối cùng của vương quốc Champa. Chính sách ly khai với triều đình Huế để phục tùng Lê Văn Duyệt ở miền nam đã trả một giá quá đắt, đó là sự sụp đổ của vương quốc Champa vào năm 1832 và Po Phaok The phải chấp nhận tội tử hình qua hình phạt “lăng trì” , tức là dùng nhiều phương thức rất là dã man để trừng trị ngài cho đến ngày tắt thở.

Ðây cũng là một bài học lịch sử mà dân tộc Champa không thể quên được trong ký ức của họ.

 

Ban Biên Tập

 

Hoa Champa (sứ)