a. Trần Xuân An - Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa - Tệp 1b1b

 

trần xuân an

Nguyễn Văn Tường,

những người trung nghĩa từ xưa,

tưởng không hơn được

 author's copyright

07/01/09

 

A.

 

Lời thưa

 

Bài 1

 

Bài 1_b

 

Bài 1_c

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

 

B.

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

Phụ lục 3

 

 

C.

 

Ngoài sách

 

Cuối sách

 

 

____________

____________

 

Hình ảnh 1

 

Hình ảnh 2

 

Bản đồ

 

 

 

 

 

 

 

                             

  

TRẦN XUÂN AN

 

NGUYỄN VĂN TƯỜNG,

“NHỮNG NGƯỜI TRUNG NGHĨA

TỪ XƯA,

TƯỞNG KHÔNG HƠN ĐƯỢC” 

 

KHẢO LUẬN VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH SỬ HỌC

 

 

 

  

Nhà Xuất bản

2003

(trước & chính xác là từ 02-7 HB2 [2002])

  

 

 

 

 

 

 

 

( bài 1 tiếp theo : phần B )

 

3.c. THÁI ĐỘ CHÍNH TRỊ "NHẤT DẠNG" VỚI LẬP TRƯỜNG KIÊN ĐỊNH CHỐNG PHÁP, KHÔNG CHẤP NHẬN "BẢO HỘ" CỦA NGUYỄN VĂN TƯỜNG QUA CÁC BẢN KẾT ÁN CỦA THỰC DÂN PHÁP VÀ NGỤY TRIỀU ĐỒNG KHÁNH.

 

Đại Nam thực lục, chính biên, từ tập 36 trở về trước, dù ở trong xiềng xích ý hệ bảo hoàng, vẫn thể hiện được tinh thần chống Pháp, lập trường yêu nước. Quốc sử quán đã ghi rõ [59] :

“Đô thống Đại Pháp là Cô-ra-xy [De Courcy – ct.] bắt thái phó, Cần Chánh điện đại học sĩ, lãnh Lại bộ thượng thư, kiêm sung Cơ mật viện đại thần, Kì Vĩ quận công, là Nguyễn Văn Tường xuống tàu thủy chạy đi Gia Định.

Cứ theo lời cáo thị của khâm sứ Tham-bô [De Champeaux – ct.] nói: Văn Tường từng đã chống cự nước ấy [nước Pháp – ct.] thực đã nhiều năm. Từ khi cùng Tôn Thất Thuyết sung làm phụ chánh, chỉn [:vốn; vẫn – ct.] lại đổng suất quan quân nổi dậy công kích quan binh nước ấy  [nước Pháp – ct.]; và Văn Tường do đô thống ấy xin [chính phủ Pháp – ct.] cho hai tháng [nhằm để – ct.] lo liệu việc nước cùng Bắc kì cùng được lặng yên vô sự;  [kì thực – ct.] đến ngày 27 tháng ấy hết hạn, mà các tỉnh tả kì về phía nam (9), (10), có nhiều nơi nổi quân chém giết dân giáo. Đến đây đô thống ấy định án, ưng [:nên; phải – ct.] kết tội lưu.

Hôm ấy chở đem Văn Tường đến cửa biển Thuận An. Buổi chiều Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình đi tàu thủy Pháp cũng về đến cửa biển ấy.

(Thuyền Pháp chở Văn Tường đến Gia Định, sau chở gồm cả Phạm Thận Duật, Lê Đính đem về nước ấy [thuộc địa Tahiti – ct.]; Thận Duật trong khi đi đường bị ốm chết ở trong tầu, buông xác xuống biển) …”.

Đó là bản kết án của thực dân Pháp [60]!

Bản kết án cáo thị ấy đã làm bùng lên một cuộc “sát tả” dữ dội tại Quảng Trị từ ngày 06.9.1885 (28.7 âl., Ất dậu) [61]!

Và đây là quốc thư của tên vua tay sai, bù nhìn Đồng Khánh, có chi tiết vu vạ, đổ tội không đúng sự thật, có chi tiết khẳng định đúng (đối chiếu với ngôn ngữ tường minh ở ĐNTL.CB., cuối tập 35 và trọn tập 36, sđd.). Lời lẽ ấy – giọng lưỡi của y:

“Quyền thần là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết […]. Ngày 23 tháng 5 năm nay, kinh thành thất thủ, xe tiên đế dời đi, hai người ấy thực là căn nguyên của  tai vạ […] [62] (9).

Đình thần, nói theo cách nói của Trần Trọng Kim, “nhiều người đã biết theo chính sách bảo hộ cho nên mọi việc trong Triều đều được yên ổn” [63]. Đình thần ấy cùng Tôn nhân phủ kết án (!):

“Tôn nhân phủ và đình thần dâng sớ tâu bày tội trạng của Nguyễn Văn TườngTôn Thất Thuyết, xin tước hết quan tước và tịch thu gia sản; tham tri Trương Văn Đễ đã quá cố, và chưởng vệ Trần Xuân Soạn, đều là bè đảng làm loạn, cũng tước cả quan chức. Trong bọn ấy, thì Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, xin do quan địa phương xét bắt bằng được và chém ngay, để tỏ rõ hiến pháp trong nước. Vua nghe theo” [64]  (9), (11).

Lời dụ và cáo thị của Đồng Khánh và khâm sứ Pháp cùng các khâm sai của Triều đình, trong chiến dịch triệt hạ uy tín nhóm chủ chiến (in ra, niêm yết khắp nơi):

“Tóm lại, là do tự Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết lộng quyền […]. Hai quyền thần ấy lần này đón lập, nhiều việc man muội [! – ct.], trước thì lợi về dễ khống chế, sau chỉ mưu cho bản thân [! – ct.]; bỗng dưng gây hấn [! – ct.], nghiêng đổ tôn xã, bắt hiếp vua chạy đi; Nguyễn Văn Tường liền quỷ quyệt [?mưu trí! – ct.] đem thân quay về thú tội [! – ct.] với quan đô thống Đại Pháp, rồi đã bị tội lưu, Lê Thuyết [bị đổi họ – ct.] thì sống một cách tạm bợ trong rừng. May mà nước Đại Pháp có lòng nhân thứ [! – ct.], giúp ta chấn hưng [! – ct.] được nước đã mất [! – ct.], nối lại được thế đã đứt, nước nhà đó mới còn [! – ct.]” [65] (9).

Đúng là giọng lưỡi hèn hạ, đánh giá ngược một cách trắng trợn tất cả!

“Duy trẫm tin là các sĩ phu, thực tình là nhận nhầm, chứ không có lòng làm loạn; Triều đình đã đem đầu mối họa loạn, là tự Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết gây ra, nói rõ ràng với quan Đại Pháp, đã tin không ngờ, để cho Triều đình ta phải xử trí ngay, cho lương giáo đều được yên ổn” [66] (9).

Cũng như cách thổi phồng, bịp bợm, hàm hồ của các tên thực dân, gián điệp đội lốt tôn giáo, khái niệm, con số “dân giáo” của Đồng Khánh, Hector và các khâm sai cũng thế. Chúng muốn biến cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, bảo vệ văn hóa dân tộc thành cuộc chiến tranh tôn giáo, còn cuộc xâm lược của thực dân Pháp thành “thánh chiến”, “thập tự chinh” (bấy giờ nhân dân, sĩ phu gọi thập giá là thập ác), nhằm kích động giáo dân ở “mẫu quốc”, kích động cả Tòa thánh La Mã (Rome)!

Thực ra, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng phối hợp mệnh lệnh, trong tình huống buộc lòng phải đề ra kế sách “chia tách triều chính” (đánh và đàm), chỉ nhằm vào thực dân Pháp, bọn lính lê dương (légionaire étrangère), bọn cố đạo làm gián điệp cho Pháp, bọn Việt gian, trong đó có một bộ phận không ít là “dữu dân” đích thực.

Sự kiện đó, ngay cả trước khi Nguyễn Văn Tường bị lưu đày, Từ Dũ đã hiểu ra, và bằng ngôn ngữ tường minh, đã chỉ rõ nguyên nhân đồng thời đánh giá đúng, ít ra là ở hai điểm sau đây:

“Từ điều ước tái định [Dupré, 1874? Patenôtre, 1884? – ct.] đã được phân minh, khiến nước Pháp trước tự bại hoà gây biến, thì phàm ai ở đất vua, cũng đều thù ghét [giặc Pháp – ct.], ai bảo là không nên. Không gì bằng cuộc nghĩa cử đêm 22 tháng 5 năm nay…” [67], gồm cả hiện thực Cần vương, kháng chiến, máu lửa sau đó…

Tuy thế, cáo thị niêm yết của triều Đồng Khánh và Hector cùng các khâm sai cố nhiên vẫn là luận điệu với cách đánh giá ngược theo tiêu chí gọi giặc bằng ngài, gọi người yêu nước bằng nghịch, nghĩa cử quật khởilàm loạn:

“Nay Lê Thuyết, trốn tránh ở rừng gập ghềnh, một thân tuy nhỏ, mà coi đất trời như còn hẹp; Nguyễn Văn Tường thì đã bị đi đày; tức là trời trừ kẻ tật ác […]. Không ngờ bọn ngươi [tức là các sĩ phu, nhân dân – ct.] theo ý làm liều, […] kháng cự mệnh lệnh Triều đình, cam tâm hết lòng trung với kẻ thù [tức là Hàm Nghi, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, nhưng theo mạch văn, thì chỉ nhắm đến hai phụ chính – ct.], từ Hải Vân trở vào nam, không chỗ nào là không loạn [khởi nghĩa – ct.], rất đáng quái lạ; sao không xem châu Hoan, châu Diễn, Quảng Bình, Quảng Trị, mượn tiếng là xướng nghĩa, cần vương, đều đem thân bón cho đồng cỏ, mười nhà thì chín nhà hết sạch; còn những kẻ lọt lưới, thì bị mưa độc, khí núi…” [68].

Những cứ liệu trên, nhất là lòng trung thành của sĩ phu và nhân dân trong phong trào Cần vương đối với Nguyễn Văn Tường, đã khẳng quyết không hề có Dụ Cần vương số 2 bao giờ [69]!

Đúng như nhận định của De Champeaux, uy tín, tầm ảnh hưởng của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và nhóm chủ chiến là rất lớn. Thảo nào chúng tìm cách li gián, khích tướng, mưu toan lợi dụng, và vì không lợi dụng được, chúng lại bôi nhọ đến thế, thậm chí còn bịa tạc ra cái được gọi là “Dụ Cần vương số 2”! Đối với chúng ta, hai bản kết án chung thẩm của De Courcy, De Champeaux, của Đồng Khánh, Triều đình tay sai, bù nhìn, chính là lời tổng kết trọn vẹn những cuộc đời đấu tranh kiên cường mà linh hoạt, của Nguyễn Văn Tường và của nhóm chủ chiến trong sự nghiệp chung của bao sĩ phu, của nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, gồm cả hai tháng và sau đó, từ sau ngày Kinh Đô Quật Khởi (22 – 23. 5 Ất dậu, 1885).

 

3.d. QUÁ TRÌNH ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP NHẤT QUÁN, LIÊN TỤC CỦA NGUYỄN VĂN TƯỜNG NGAY TRONG NHỮNG NGÀY THÁNG BỊ LƯU ĐÀY Ở CÔN ĐẢO, TAHITI, QUA BÀI VIẾT CỦA H. LE MARCHANT DE TRIGON.

 

Cũng rõ ràng Nguyễn Văn Tường, suốt cả quãng đời đấu tranh với thực dân Pháp, từ đầu đến lúc trút hơi thở cuối cùng ở Papeete, thủ phủ xứ đảo Tahiti, nơi chốn lưu đày các nhà chính trị chống Pháp, ông luôn sôi sục một mối căm thù sâu sắc đối với bọn thực dân cướp nước mình. Chính kẻ đứng ở phía đối phương, H. Le Marchant de Trigon, thanh tra chính trị và hành chính An Nam, người Pháp, đã viết [60]:

“Than ôi, ngay ngày hôm sau [tức là ngày kế tiếp ngày 29.8.1875 – chúng tôi căn cứ vào bài viết để chua rõ (:TXA. ct.)], những thủ đoạn phá rối có hệ thống của Nguyễn Văn Tường (12) kéo dài cho đến ngày chiếm cảng Thuận An [8.1883 – ct.], và còn về sau này, cho đến khi đày kẻ thù không đội trời chung của chúng ta, và trong thời gian [bị lưu đày – ct.] đó, [Nguyễn Văn Tường – ct.] chẳng chịu hiểu biết gì cũng chẳng chịu quên gì”.

Kẻ thù đã viết như thế về Nguyễn Văn Tường (Kì Vĩ bá), gọi quá trình đấu tranh chống Pháp trên mặt trận chính trị, ngoại giao của ông một cách khiếm nhã như vậy: “những thủ đoạn phá rối có hệ thống”! Thực ra, đó là một quá trình đấu tranh cam go đầy mưu trí, liên tục, nhất quán, kiên định, bền bỉ suốt mấy chục năm trời làm quan. Và quả thật, ông là “kẻ thù không đội trời chung” của thực dân Pháp cho đến lúc bị đày, bị chết. Làm sao chúng mua chuộc được ông, khiến ông bùi tai quên đi mối căm thù giặc Pháp canh cánh trong lòng và nỗi đau đáu tìm cách cứu nước, cứu dân, quét sạch bọn chúng, ngay trong thời gian bị đày, ngay trong phút cuối cùng của đời mình, ngày 30.7.1886!

Đó chính là cơ sở lịch sử của điều Nguyễn Văn Tường muốn gửi lại nghìn sau trong bốn chữ: “nhất dạng”“u trung”:

Đường núi vạn trùng lo kiệu biếc

Lòng tôi một dạng giữ sân son

Đúng? sai? Ấy gửi nghìn thu luận

Theo nước – phò vua, đâu nặng hơn?”

 

Lòng trung sâu kín, sau ai tỏ ?

Tổ quốc, vua, dân, đâu nặng hơn?” [71]

Bốn chữ “nhất dạng”, “u trung” đã được bảo chứng bằng sự thật lịch sử!

 

4) SỰ DỰNG ĐỨNG CHUYỆN BỊA, XUYÊN TẠC SỰ THỰC LỊCH SỬ, NHẰM MỤC ĐÍCH TRIỆT HẠ UY TÍN CỦA NGUYỄN VĂN TƯỜNG VÀ NHÓM CHỦ CHIẾN, ĐÓ LÀ THỦ ĐOẠN TUYÊN TRUYỀN CỦA THỰC DÂN PHÁP, BỌN TẢ ĐẠO TRONG THIÊN CHÚA GIÁO.

PHÊ PHÁN CÁC TƯ LIỆU: LẬP TRƯỜNG, QUAN ĐIỂM ĐÁNH GIÁ; LƯỢNG THÔNG TIN.

KẾT LUẬN VỀ NGUYỄN VĂN TƯỜNG.

 

“Tổ quốc, vua, dân, đâu nặng hơn?”. Lòng trung của Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến Triều đình Huế – kiên quyết chống giặc và bọn phản quốc – đã làm sáng chói chữ trung chân chính, rất cổ điển và rất truyền thống.

Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến yêu nước Triều đình Huế đã chọn lựa đúng trong bi kịch ở đỉnh điểm mâu thuẫn đối kháng phản quốc – ái quốc, 1883. Hai năm sau, ở điểm đỉnh tột độ của mâu thuẫn đối kháng địch – ta dữ dội hơn, họ cũng đã trả lời đúng câu hỏi: “xã tắc, quân, dân, thục trọng khinh?”, trong sự phân công cho đêm Kinh Đô Quật Khởi và trong việc giao nhiệm vụ sau đêm lịch sử 22 – 23.5 Ất dậu (chỉ từ 05.7.1885 đến 06.9.1885! Tiếc thay!).

Người nông cạn hoặc cam tâm cầu “hòa”, thực chất là bán nước cầu “vinh” (!), chí ít là cầu an, cứ mãi lừa mình dối người, cho rằng Nguyễn Văn Tường “tham lam”, “tàn nhẫn”, “quỷ quyệt”, Tôn Thất Thuyết “ít học”, “hèn nhát”, “hiếu sát” và cũng “tham lam”, “quỷ quyệt”, Phạm Thận Duật “đào ngũ” (“bỏ cuộc”)… Những kẻ nông cạn, cầu “hoà” (!) đó, vô tình hoặc chủ ý rơi vào luận điệu tuyên truyền vừa mị dân, vừa độc ác: “đập tan tành” uy tín của những trung thần sáng suốt, hết lòng vì nước, vì dân và vì triều Nguyễn; và trước mắt thuở bấy giờ là “đập tan tành” quốc kế “chia tách triều chính” nhưng vẫn “nhất dạng” của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, nhằm dập tắt phong trào Cần vương (13) (xin xem lại: chú thích (11)).

Nguyễn Văn Tường dũng cảm, mưu trí và nhận một kết quả bi đát, đậm tính hi sinh cao cả hơn Tôn Thất Thuyết nhiều lần. Nguyễn Văn Tường còn là một Nguyễn Trãi, tuy bi kịch mỗi người một khác – không có quan hệ yêu đương gì với Học phi (bà được phong hoàng thái phi như mẹ ruột của Hiệp Hòa, vì Hiệp Hòa đã tạo ra tiền lệ).

Tư liệu được viết bởi thực dân, tay sai (15), bởi những người bị bó buộc bằng xiềng xích bảo hoàng, kể cả những người yêu nước thiển cận, vì thiển cận mà sa vào âm mưu li gián (âm mưu li gián cả sau ngày 23.5 Ất dậu,1885) của Pháp, của các tên thực dân đội lốt giám mục, linh mục, cần được đọc một cách tỉnh táo với sự phân tích, đãi lọc khoa học. Chỉ trong việc phế lập từ 1883 đến 1884, cũng đã lắm vấn đề!

Tuy nhiên, cuối cùng, sự thật lịch sử đã được sáng tỏ, kể cả chữ trung trong quan hệ đồng chí.

Sự thật lịch sử đã sáng tỏ, ít ra là từ dưới triều vua Thành Thái, có điều, có lắm người không có điều kiện nhìn thẳng vào sự thật lịch sử, vào chân dung cao đẹp, anh hùng bi tráng đích thực của Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến, mặc dù chỉ là những chân dung chưa tỏa sáng hết độ sáng, bởi bộ sử, dẫu là tín sử, vẫn bị nhuộm màu sắc bảo hoàng (tập 27 – tập 36), rồi màu sắc phản quốc, với cách đánh giá ngược (tập 37 – tập 38)! Đại Nam thực lục, chính biên kỉ đệ tứ (1847 – 1883) và kỉ đệ ngũ (1883 – 06.9.1885) phải cất vào kho sử và phát hành hạn chế, trong khi đó, kỉ đệ lục (06.9.1885 – 1888) lại bị truyền bá khắp cả nước, dùng để giảng dạy trong nhà trường thực dân nửa phong kiến **!

Hiện nay, các nhà nghiên cứu sử học đã tiếp cận được nhiều nguồn tư liệu, từ tư liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn, tư liệu của thực dân, tay sai, gián điệp đội lốt cố đạo Thiên Chúa giáo (gồm cả tư liệu trước đây chưa công bố) (15), đến tư liệu của những người khác chính kiến, khác bối cảnh, khác lực lượng ở những năm cuối thế kỷ XIX, dăm năm đầu thế kỷ XX, và cả sách vở suy diễn, xuyên tạc sau đó (gồm cả thiển cận, ngộ nhậân). Trong đó, Đại Nam thực lục, chính biên (IV, V, VI) và Châu bản là tư liệu căn bản, quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất, mặc dù quan điểm chép sử của Quốc sử quán triều Nguyễn từ chỗ yêu nước, chống Pháp, chống tả đạo, cố nhiên vẫn bảo hoàng, ít nhiều ngu trung (hai kỉ đệ tứ, đệ ngũ), đã đi đến chấp nhận tiêu chí đánh giá ngược, gọi giặc xâm lược bằng ngài, gọi nghĩa sĩ là giặc; chống người yêu nước chân chính (kỉ đệ lục).

Như vậy, từ nhiều nguồn tư liệu, với sự xác định tư liệu chuẩn cứ, với sự xới lật, đãi lọc các tư liệu khác, dưới ánh sáng khoa học cách mạng, tiên tiến, dân tộc và hiện đại (mà quan điểm duy vật, lịch sử – cụ thể là then chốt), chúng ta đều có thể đi đến một kết luận nhất trí về trọn cuộc đời hoạt động của Nguyễn Văn Tường. Nguyễn Văn Tường, một nhân cách chói sáng, một nhà hoạch định chiến lược, chiến thuật, một nhà chính trị, ngoại giao tài giỏi, giàu mưu trí, một chiến sĩ ở vị trí lãnh đạo cao, đích thực có phẩm chất anh hùng, biết chiến đấu và biết hi sinh một cách dũng cảm. Đó không phải là lời khẳng định suông rỗng, nếu chúng ta thật sự công tâm trong nghiên cứu, suy ngẫm.

Và có thể khẳng định bi kịch của Nguyễn Văn Tường là bởi sáu chữ: bình Tây, sát tả, trá hàng và bởi câu thơ “xã tắc, quân, dân, thục trọng khinh?”.

Hai câu đối kính viếng linh cữu Nguyễn Văn Tường đã thể hiện cảm nghĩ của người đương thời lúc bấy giờ về kế sách của một lãnh tụ đã nắm giữ vận mệnh Đất nước và đã bị giặc Pháp xâm lược lưu đày:

 

Quốc kế thị phi lân sử định

Thiên phương sinh tử nhạn thư điêu! [72]

                                          

Kế sách [cho] Đất nước, đúng [hay] sai,

[sẽ do] tín sử [sử có điềm con lân]

định luận

[Ở] phương trời, sống [hoặc ] chết, thư xa

[buộc vào chân nhạn cứ] vật vờ

[trong gió]

          

Kế nước đúng sai trang sử quyết

Phương trời sống chết cánh hồng chao!

 

Tất nhiên lịch sử đã ghi nhận. Và Nguyễn Văn Tường không chịu trách nhiệm sau khi ông đã bị lưu đày biệt xứ, từ ngày 06.9.1885, trước vận mệnh của Tổ quốc.

Mặt khác, Nguyễn Văn Tường còn là một nhà thơ. Ông không những có tài ngôn ngữ, trong các văn bản ngoại giao, chính trị, trong đấu tranh ở các cuộc hội nghị như vua Tự Đức đã gián tiếp khen ngợi khi so sánh với Nguyễn Tư Giản [73], Nguyễn Văn Tường còn là một nghệ sĩ của nghệ thuật ngôn từ, có nhiều câu, nhiều bài đạt đến mức tinh diệu (lời châu phê của vua Tự Đức ở Thi tập của ông).

Chiến đấu ở mặt trận với gươm đao súng đạn, đấu tranh trong thương thuyết ngoại giao và trên trường chính trị, cùng với việc làm thơ, tất cả chỉ là một, đều khởi từ trái tim yêu nước, thương dân, lòng căm thù giặc và bọn tay sai.

 

TRẦN XUÂN AN

 

                                                                                       

1. CHÚ THÍCH bài NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886) VỚI NHIỆM VỤ LỊCH SỬ SAU CUỘC KINH ĐÔ QUẬT KHỞI (05 THÁNG 7, 1885): 

 

(1). “Giải triều…” còn có nghĩa là “Tan tác triều đình…”.

Bài thơ này đã được truyền tụng từ sau ngày Kinh Đô Quật Khởi (23.5 Ất dậu, 1885), như một mật lệnh phối hợp giữa phong trào Cần vương vũ trang và những người ở lại. Sau đó, bài thơ chỉ được ghi lại bốn câu cuối với bản dịch không rõ ý, bị xuyên tạc (xem Phan Trần Chúc, “Vua Hàm Nghi”, Nxb. Chính Ký, Hà Nội, 1951; Nxb. Thuận Hoá tái bản, 1995, tr. 83 – 84). Do bài thơ được truyền khẩu, nên có một vài chữ bị dị biệt ở các dị bản, nhưng ý nghĩa vẫn không thay đổi.

Vì “lí do chính trị” dưới chế độ thực dân, nhiều sách báo in lại, thường chỉ trích dịch bốn câu cuối.

Theo ông Nguyễn Xuân Quế (hậu duệ Nguyễn Văn Tường), cuối bài “Giải triều…”, có một câu chú thích thêm với hai chữ “Mạnh Tử”, ý muốn nhắc đến câu kinh điển của Nho giáo: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý, Đất nước là thứ nhì, nhà vua chỉ đáng xem nhẹ).

Bối cảnh lịch sử cũng là cơ sở cho việc mạo muội khảo dị, hiệu đính, nhằm xác định đúng bản gốc, nguyên tác của Nguyễn Văn Tường.

Sau đây là bản dịch nghĩa:

“Ba chục năm qua, uổng phí bao nhiêu sự từng trải!

Nửa đêm, gian tả [hoặc: vô cớ]! [Giặc Pháp] ép nỗi buồn

                                                                   nẩy sinh

Cờ xổ ba màu [“tam tài”], sấm sét quyền biến

Kẹp-tra-khảo theo cặp roi, chó gà kinh sợ

Đường núi vạn trùng, lo lắng cho kiệu vua xanh biếc

                                                                    [kín  đáo]

Lòng kẻ bề tôi một dạng, thương-mến-không-nỡ-rời-bỏ

                                                                       sân son

Đúng, sai, điều ấy, gửi nghìn thu sau [định luận]

Đất nước, nhà vua, đâu là trọng, là khinh?”.

[Vô đoan: có hai nghĩa:vô cớ, hoặc: không ngay thẳng; già: cái kẹp dùng để tra khảo; luyến: thương mến không nỡ rời bỏ].

 

(2). Tập tâu Nguyễn Văn Tường gửi Tam Cung ở Quảng Trị đã bị Pháp duyệt (viết niên hiệu Hàm Nghi nhưng đóng ấn quan phòng của Pháp). Đó chỉ là tập tâu đối phó. Chúng tôi xin nhấn mạnh: Do đó, nội dung chỉ có tính chất đối phó, trước hếtchỉ là đối phó với Pháp, nên dĩ nhiên là không hoàn toàn đúng với sự thật, không thể hiện hoàn toàn đúng tư tưởng, ý nghĩ Nguyễn Văn Tường trong mối quan hệ đồng sự, đồng chí với Tôn Thất Thuyết ở “cuộc nghĩa cử đêm 22 tháng 5 năm nay…” và những công việc sau đó. Nội dung như sau:

-      +++ Nguyễn Văn Tường cho rằng Nguyễn Văn Tường đã bị Tôn Thất Thuyết lừa dối [1. Nguyễn Văn Tường không biết việc Tôn Thất Thuyết đánh úp; hoặc đúng hơn là: 2. Nguyễn Văn Tường không ngờ Tôn Thất Thuyết không chịu cho đưa Hàm Nghi về như kế hoạch đã bàn].

-      +++ Tam Cung già cả, vua Hàm Nghi nhỏ tuổi, không đủ sức chịu đựng gian khổ ở chốn rừng sâu nước độc [nơi mà Nguyễn Văn Tường có gần 12 năm làm tri huyện, bang biện; chưa kể 5 năm tiễu phỉ ở núi rừng biên giới phía bắc, cũng chốn rừng sâu nước độc như thế].

-      +++ Hơn nữa, không thể giao cho Pháp và côn đồ kinh thành, lương miếu [chúng có thể tôn lập lên bất kì tên vua bù nhìn nào].

-      +++ Do đó, Nguyễn Văn Tường phải tuân theo sắc văn (ý chỉ) của vua, của Tam Cung mà ở lại Huế để lo việc giảng “hòa”, để cứu vãn tình thế và ngăn chặn sự cướp phá, tàn sát ở kinh thành; bởi lẽ khác, Nguyễn Văn Tường tự nguyện cùng với non sông xã tắc mà mất còn, không dám lìa bỏ [Tôn Thất Thuyết sẽ sang Trung Hoa].

Chúng tôi mạn phép làm rõ nghĩa hơn bằng các chữ trong dấu móc vuông: [ ]. Xin xem nguyên văn: ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 224 – 225.

Xem thêm: TS. Cao Huy Thuần, “Các giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1957 – 1914)” (Les missionnaires et la politique colonial française au Viet Nam, 1857 – 1914), Nguyên Thuận dịch, Nxb. Hà Nội, 2003, tr. 398, 452:

Qua một số tư liệu lưu trữ chưa công bố trước đó, TS. Cao Huy Thuần phân tích sự khác biệt chủ trương giữa Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết so với phe chủ “hoà”. Sự thật lịch sử đó đã bị Cao Huy Thuần diễn đạt theo cách của ông ta như sau:

“Sự xâu xé, chia rẽ của triều đình Huế từ khi vua Tự Đức mất, đã làm dễ dàng cho sự thành công của Pháp. Vì tham vọng cá nhân, một số quan lại tính đến chuyện hợp tác với người Pháp: chẳng hạn Nguyễn Trọng Hợp, một trong ba quan nhiếp chánh [:phụ chánh Trần Tiễn Thành – TXA. ct.] thời kì không vua [chưa lập vua nối ngôi – ct.] hay Nguyễn Hữu Độ [ở Bắc kì – ct.]. Hai quan nhiếp chánh [:phụ chánh – ct.] khác, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, lại chủ trương kháng chiến, nhưng cả hai đều lo bảo tồn quyền bính [:quyền lực để thực thi đường lối chủ chiến, “thế cỡi trên lưng hổ” – ct.]…” (tr. 398).

“… Với sự độc lập tương đối mà Trung kì được hưởng, họ sẽ dễ đuổi người Pháp ra khỏi Bắc kì, nếu người Pháp chỉ thiết lập chế độ bảo hộ ở đó, hơn là nếu họ tự giao trọn quyền sở hữu cho Pháp [làm thuộc địa, như Nam kì – TXA. ct.]” (tr. 452).

Cao Huy Thuần chú thích cho câu trên: [Căn cứ vào: – ct.] Lanessan, thư riêng và mật, gởi bộ trưởng Hải quân, 26/9/1894, Thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại, A 30 (101), hộp 21, theo ý chúng tôi [:Cao Huy Thuần – TXA. ct.], rất có thể rằng quan phụ chánh Nguyễn Văn Tường có ý bảo tồn Trung kì để sau này cố lấy lại Bắc kì nhờ vài sự giúp đỡ của Trung Quốc; nhưng có đủ lí lẽ để tin rằng mẹ của vua Tự Đức [thái hoàng thái hậu Từ Dũ – ct.], khi đề nghị như thế với Harmand, [lúc kí “hoà” ước Quý mùi 1883 – ct.] chỉ nghĩ đến việc bảo vệ an ninh cho nhà Nguyễn” (tr. 452).

Ở đây, như trên đã nói, chúng tôi (TXA.) trích dẫn từ cuốn sách của TS. Cao Huy Thuần chỉ nhằm chứng minh sự khác biệt chủ trương chính trị giữa Nguyễn Văn Tường (chủ chiến) với Từ Dũ (phe chủ “hoà”), chưa kịp đánh giá sự phân tích và cách diễn đạt của Cao Huy Thuần theo lập trường của ông ta.

 

(3). Về tư liệu A. Delvaux sử dụng trong bài viết (1916):

“Lịch sử sơ lược mà tôi kể ra đây về cái nhà [Tòa Khâm ở Huế – TXA. ct.] và những người đã chiếm cứ ngôi nhà ấy [các khâm sứ thực dân Pháp – ct.], hầu như độc nhất đầu tiên là dựa trên các tài liệu chính thức của Nhà nước [Chính phủ Pháp và chính quyền “bảo hộ” – ct.], được bổ sung bằng những kỉ niệm của đức giám mục Caspar, là nhân chứng sành sỏi và nhiều khi còn là diễn viên quan trọng của những sự cố đã xảy ra thời kì ấy tại Huế”.

Trích: Delvaux, bài “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên…”, NNBCĐH. (BAVH., 1916), tập 3, nhiều người dịch, Nxb. Thuận Hoá, 1998, tr. 29.

Delvaux còn viết thêm các bài:

-      +++ Pháp đánh chiếm Huế (NNBCĐH., [BAVH., 1920], tập VII, Bửu Ý, Phan Xưng dịch, Nxb. TH., 2001, tr. 338 – 375). Đây là một bài viết không chủ yếu căn cứ vào tư liệu gốc (văn bản, văn kiện chính thức) của Pháp, mặc dù có phụ chú (như bút phẩm của Silvestre …), mà lại dựa vào vè Thất thủ kinh đô với thủ thuật xuyên tạc phi lí và trắng trợn bài vè ấy (Nguyễn Văn Tường lại câu kết với Nguyễn Hữu Độ!!! [*]), và dựa vào cái gọi là ý nghĩ quần chúng do cố đạo Henry de Pirey bịa tạc ra, hoặc do tuyên truyền của các tên linh mục thực chất là thực dân này trong quần chúng giáo dân mà lan truyền thành dư luận (H. de Pirey, bài “Một thủ đô phù du: Tân Sở”, NNBCĐH. [BAVH., 1914], tập I,  Đặng Như Tùng dịch, Bửu Ý hiệu đính, Nxb. TH., 1997, tr. 224 – 234). Ý đồ của Delvaux ở bài viết lộ rõ: a) Một người sáng suốt như Nguyễn Văn Tường không thể cùng quan điểm “sát tả” như Tôn Thất Thuyết, người bị chúng cho là nóng nảy, võ biền; bởi lẽ chúng không thể bôi nhọ Nguyễn Văn Tường là “ít học” được! ; b) Một người đã “bình Tây sát tả” như Nguyễn Văn Tường, trước đó chúng đã xác quyết như thế, thì không thể là người yêu nước thương dân được, mà phải bôi nhọ ông là người vừa chống Pháp, vừa phản dân hại nước; bởi lẽ chúng buộc phải nói ngược rằng, giáo dân theo Pháp, chịu Pháp “bảo hộ” mới là yêu nước thật sự (sic!)! Ở bài viết này, Delvaux tỏ ra thiếu trung thực hơn bài viết vào năm 1916 (bđd., sđd.).

-      +++ Cái chết của Nguyễn Văn Tường, cựu phụ chính An Nam (NNBCĐH. [BAVH., 1923], tập X, Phan Xưng dịch, Nguyễn Vy hiệu đính, Nxb. TH., 2002, tr. 478 – 485). Đây là một bài viết có nhiều điểm xuyên tạc. Chúng tôi đã làm rõ ở phần chính của bài nghiên cứu của chúng tôi. Tuy vậy, trong bài viết này, Delvaux đã dẫn nguyên văn đoạn trích từ Công báo thuộc địa Tahiti, ra ngày 05.8.1886, tr. 202; giấy khai tử trích sao từ sổ hộ tịch của xã Papeete, số 60, ngày 30.7.1886; quyết định cho phép di chuyển thi hài Nguyễn Văn Tường về An Nam, kí ngày 09.12.1886 (quyết định đã đăng trên Công báo thuộc địa Tahiti cùng ngày); ngoài ra, còn có tên con tàu là Le Bourayne, tên chỉ huy tàu là Willemsens; đặc biệt là ảnh chụp Nguyễn Văn Tường lúc chết… Bài báo này, Delvaux viết một cách thù hận về cái chết của cựu phụ chính An Nam Nguyễn Văn Tường! (Sao linh mục hận thù dai dẳng đến vậy, nhất là với một người đã chết!). Dẫu sao, các văn bản hành chính trên cũng đã phủ chính một số điều đơm đặt chính Delvaux đăng lên tạp chí BAVH., 1920 (như Thành Thái ra lệnh quất xích sắt lên quan tài Nguyễn Văn Tường khi tàu thủy mới về đến An Nam!!! 1887, Thành Thái đâu đã lên ngôi! Về sau, Thành Thái đã chứng tỏ ông không phải là một con người tầm thường như thế!).

-      +++ Đôi điều xác minh về một thời kỳ biến động của lịch sử An Nam (BAVH., 1941, tr. 215 – 314, chưa xuất bản bản dịch).

[*] Xem thêm: L. Sogny, “Các gia đình thế gia vọng tộc ở nước Nam: ngài Nguyễn Hữu Độ”, NNBCĐH. [BAVH., 1924], sđđ., tr. 262 – 264 … Đây là bài viết ca ngợi tên tay sai, bán nước Nguyễn Hữu Độ một cách trắng trợn!

 

(4). Đồng chí: một danh từ chỉ những người cùng chí hướng nửa sau thế kỉ XIX: trung quân, ái quốc, chủ chiến, chống Pháp (“bình Tây sát tả”), chống bọn giặc Cờ quấy rối và mưu toan bành trướng của nhà Thanh Trung Hoa, chưa phải là khái niệm “đồng chí” theo lí tưởng cộng sản chủ nghĩa hiện đại.

 

(5). Xem thêm: ĐNTL.CB., tập 32, Nxb. KHXH., 1975, tr. 355 – 356. Đây là phương thức “không biết gì”:

      “… Bỗng được tin báo […] quân ta đánh mạnh vào thành, An Nghiệp [Françis Garnier – TXA. ct] và 1 viên quan một, 1 viên quan hai đều bị giết chết, bọn Hoắc Đạo Sinh [Philastre – ct.] và quan trên tàu thuyền ấy đều đập tay tức giận, bảo Văn Tường rằng: “Việc không xong được, phải báo ngay cho tướng [Dupré – ct.] ấy không nên ở lâu”. Văn Tường thấy chúng khí giận đương bốc lên, sợ lỡ việc lớn, mới thong thả nói rằng: “Việc ở Hà Nội, tướng của quý quốc bảo không phải là bản ý, mà lấy sức quân 4 tỉnh, nước tôi cũng không cùng tranh, thế là hai bên đều không trái. An Nghiệp chết, hoặc bởi bọn cướp khác, hoặc bởi sĩ dân nổi giận, việc chưa rõ ràng, căn cứ vào đâu mà vội báo, huống chi trả lại thành để sớm định điều ước, là lệnh của quý tướng; lấy lại thành rồi sau mới nghị hòa ước là mệnh lệnh của vua nước tôi; bọn chúng ta chỉ biết theo mệnh lệnh ấy. Còn như Hà Nội giết An Nghiệp cũng như An Nghiệp giết Nguyễn Tri Phương, đó là đều do sự không ngờ, cũng không phải là bọn chúng ta làm ra. Nay chưa từng thân đến chỗ ấy, biết được việc ấy, mà chỉ nghe tin báo không đâu, chẳng những quý tướng tính [ở nơi – ct.] xa không thể được, mà bọn chúng ta đi lần này thật có phụ. Sao bằng đưa thư ngay cho Hà Nội lập tức phái tàu thuỷ nhỏ đến, cho tiện đi đến nơi; nếu được theo mệnh lệnh trước hội bàn, rất tốt, hoặc được rõ duyên do An Nghiệp bị chết, rồi sau sẽ báo, há chẳng ổn hơn ư?”. Hoắc Đạo Sinh và quan ở tàu ấy nghe theo […]. Văn Tường lại bảo rằng: “Tàu của quý quốc đã tiến vào lại vội ra, sĩ dân nghe thấy, tất bắt chước việc Hà Nội đã làm, thì ai ngăn cấm được; sợ sau này lại hại lắm, thì trả lời tướng của quý quốc ra sao? Nay nên cho tàu Đề Ta Di [Decrès – ct.] ra biển, đón chặn giặc biển, còn tàu vẫn đi trước nên chạy tiến đến Hải Phòng, bọn ta đến ngay Hải Dương, trước giao trả thành ấy, hiểu thị niêm yết cho sĩ dân biết, để tỏ ra thực thà và hòa thuận, rồi sau tiến đến Hà Nội, giao trả hết các thành và hỏi duyên do về việc An Nghiệp, báo cả một thể, mới là kế hoàn toàn”. Hoắc Đạo Sinh thuận nghe…”.

 

(6). Xem Y. Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 64 – 83. Cũng ở sđd., tr. 82, Tsuboi trích dẫn một đoạn văn của chính Puginier (qua E. Louvet, Cuộc đời giám mục Puginier, Hà Nội, 1894, tr. 397): “Nếu không có thừa sai và giáo dân, thì người Pháp khác nào như những con cua đã bị bẻ hết càng. Ví dụ như vậy tuy mộc mạc song không kém phần chính xác và mạnh mẽ. Thực thế, nếu không có thừa sai và giáo dân, người Pháp sẽ chỉ có địch thủ bao vây; họ sẽ chỉ nhận được những tin tức sai nhầm đưa tới với ác ý, làm bại hoại tình thế của họ: như vậy họ sẽ bị đẩy vào cái thế không hoạt động được gì rồi nhanh chóng phải hứng chịu những thảm họa thực sự. Họ sẽ không giữ nổi vị trí nơi đây, và sẽ bị buộc phải rời bỏ xứ này”…

TXA.

    

 

(  xem tiếp phần C bài 1

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                    Trở về trang chủ

 

________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7