a. Trần Xuân An -- Lời thưa -- Suy nghĩ một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta - Tệp 1a

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

       12 tháng 3 HB6 (2006) / 19 tháng 3 HB6 (2006)

07/01/09

           

 

 

       Lời thưa

 

       Bài 1

 

       Bài 2

 

       Bài 3

 

       Bài 4

 

       Bài 5

 

       Bài 6

 

       Bài 7

 

       Bài 8

 

       Bài 9

 

       Bài 10

 

       Bài 11

 

       Bài 12

 

       Bài 13

 

       Bài 14

 

       Bài 15

 

  Phụ lục thơ

 

    Phần cuối

 

 

_________

_________

 

SÁCH

LỊCH SỬ

VIỆT NAM

loại cổ điển

&

loại tham khảo

 

 

 

 

 

 

  

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

                

 

 

 

 

 

 

SUY NGHĨ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

TRONG

LỊCH SỬ CỔ ĐẠI

NƯỚC TA

 

 

 

 

 

những bài nghiên cứu gửi đăng báo

 

 

 

 

MƯỜI SÁU  THÁNG SÁU

HAI KHÔNG KHÔNG TƯ

(HAI MƯƠI CHÍN THÁNG TƯ GIÁP THÂN

NĂM THỨ TƯ CÔNG NGUYÊN HOÀ BÌNH)

 

 

Xin tạ ơn ngọn bút,

biểu tượng của sự công chính và liêm khiết trí tuệ.

Xin yêu thương, trân trọng và bảo vệ

từng dòng chữ mồ hôi nước mắt

của chất xám và trái tim.

 

TXA.

LỜI THƯA ĐẦU SÁCH 

 

1

Lịch sử là quá khứ được ghi chép lại với tiêu chí trước tiên và cuối cùng là tính trung thực nghiêm ngặt với những chất liệu xác thực nhất. Sử học không phải là lĩnh vực sáng tác văn nghệ. Tuy nhiên, các nhà văn, nhà thơ cũng như các nhà sáng tạo nghệ thuật khác luôn có cảm hứng sáng tác về lịch sử, đã tạo nên nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử. Nói như thế, không có gì mâu thuẫn. Diễn đạt cách khác: tính trung thực của các tác phẩm văn nghệ không thể sai lệch với tính trung thực của sử học, bởi lẽ, những chi tiết hư cấu ở tác phẩm văn nghệ thường được người đọc đề nghị, yêu cầu phải xuất phát từ sự nhận thức chính xác và thấu đáo lịch sử đồng thời cũng xuất phát từ trực giác nghệ sĩ (trực giác này cần được chứng minh bằng quá trình tổng hợp – phân tích – tổng hợp các cứ liệu sử, các khái quát sử học).

Mặt khác, một đặc tính của văn chương Việt Nam là gắn bó chặt chẽ, mật thiết với sử học. Văn sử bất phân là ưu điểm độc đáo nhưng cũng là một hạn chế nghiêm trọng. Hạn chế của tình trạng văn sử bất phân ở nếp tư duy, ở sách vở cổ đã tạo ra nhiều sai lầm, ngộ nhận đáng tiếc; tất nhiên cần phải khắc phục. Ưu điểm của văn sử bất phân là giúp mọi thế hệ người sáng tác, người đọc gắn bó máu thịt với lịch sử nước mình; tất nhiên cần được phát huy.

Vả lại, dù muốn dù không, dù được ghi chép hay chỉ còn trong kí ức riêng tư, mỗi người đều có tiểu sử, và ai cũng ít nhiều đều tự chiêm nghiệm tiểu sử mình. Mỗi dòng họ cũng có tộc sử, với mục đích yêu cầu như thế. Một dân tộc như dân tộc Việt Nam, với lịch sử bốn nghìn năm thăng trầm, cũng vậy, luôn cần được mỗi người Việt chiêm nghiệm. Đó là điều hết sức giản dị, giản dị đến tầm thường; tầm thường nhưng không nhắc đến, lại là thiếu sót.

Hiểu như vậy nên tôi học tập, nghiên cứu sử.

 

2

Đây lại là một mệnh đề không có gì lạ: “Lịch sử đang diễn ra”.

Đúng vậy, lịch sử là chuyện của nghìn năm trước, trăm năm trước, ít ra cũng của dăm ba năm về trước, nhưng âm hưởng của nó, một cách vừa hữu thức, vừa vô thức, hiện diện trong đời sống hiện tại, và dĩ nhiên, ngay cả trong tương lai. Âm hưởng, đó là một từ mơ hồ. Thực ra, đó là một số quy luật có tính lịch sử chẳng hạn như quy luật hình thành, phát triển dân tộc, đất nước; quy luật địa – chính trị ở khu vực Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương; quy luật tồn tại và phát triển trước các nguy cơ ngoại xâm; quy luật về ma lực quyền bính v.v… Thực ra, đó còn là những gì đã trở thành tâm thức sâu thẳm nhất, thuộc về phương diện tình cảm, tâm lí, bản lĩnh dân tộc, chẳng hạn như yêu quê hương, đất nước đến lạ lùng, nhẫn nại, kiên tâm đến kinh ngạc, quật khởi, anh hùng đến phi thường v.v…

“Lịch sử đang diễn ra” còn là một cách nói tu từ, nhất là ở từ lịch sử. Giây phút hiện tại này, sự việc ngay trước mắt này, mẩu tin nóng hổi trên nhật báo mới lên khuôn này… nếu hiểu một cách sâu xa (không có gì đã tồn tại mà sẽ mất đi, vì nó sẽ được tồn tại ở một dạng khác), thì tất cả đều là lịch sử. Có thể nói, đây là mạch nước ngầm lịch sử.

Nhưng lịch sử chúng ta đang nghiên cứu lại chỉ là những kí ức dân gian (thần thoại, truyền thuyết…), những di tích tín ngưỡng (đền, miếu, thần tích, thần phả…), những ghi chép quá sơ lược trong thư tịch cổ (của sử gia Trung Hoa, của sử gia nước ta…). Dẫu vậy, đây chính là dòng nước nổi lịch sử.

Hai khía cạnh trên đây (mạch nước ngầm lịch sửdòng nước nổi lịch sử) cũng là hai bình diện của tiến trình lịch sử.

Đặc biệt, khác với lịch sử trung đại, cận – hiện đại vốn có những tư liệu gốc xác thực, là trong thời kì đã quá xa xưa (lịch sử cổ đại), hai bình diện ấy không thể không có một phần lung linh, mơ hồ, thậm chí là lờ mờ của giả thuyết, ức đoán. Những giả thuyết, ức đoán này sẽ có giá trị cao nếu nó xuất phát từ thứ trực giác khoa học nói trên (trực giác từ quá trình tổng hợp – phân tích – tổng hợp).

Từ mệnh đề “lịch sử đang diễn ra”, phải chăng chúng ta cũng có thể suy luận thêm, ở bên ngoài nội hàm của mệnh đề ấy: chính hiện tại khiến chúng ta nhận thức lịch sử không hoàn toàn giống hệt như các thế hệ trước, ở các thời đại đã xa? Rõ ràng sử gia thời nhà Trần, như Lê Văn Hưu, suy nghĩ, nhận định khác với sử gia thời Hậu Lê trung hưng, như Ngô Sĩ Liên, và nói chung, Quốc sử viện triều Trần, Sử quán triều Hậu Lê suy nghĩ, nhận định có phần khác với Quốc sử quán triều Nguyễn, mặc dù lượng thông tin khách quan về cơ bản là y hệt nhau trong các bộ sử. Không còn nghi ngờ gì nữa, không khí mỗi thời đại, hiện thực của mỗi đương thời, đã chi phối ít nhiều đến nhận thức sử học, nhất là cảm quan lịch sử.

Tuy nhiên, chỉ với quan điểm lịch sử – cụ thể, mọi nhận định mới thật khoa học, công bằng.

Viết sử về những thời kì kháng chiến chống phong kiến Trung Hoa xâm lược, vẫn cứ phải nể nang Trung Hoa, chỉ dám gọi Trung Hoa là Phương Bắc! Cũng như về sau này, viết sử về thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ xâm lược, cũng nể nang vì sợ thù oán và để hòng mong nhờ cậy, nương tựa! Viết sử về bộ phận “tả đạo” Thiên Chúa giáo cũng rụt rè, sợ nuôi thù chứa oán. Thành thử, sử cứ lép dần, lép dần, mất cả khí thế và mất cả tính chân thực, khoa học.

Dĩ nhiên chúng ta phải công minh nhưng đồng thời cũng phải tế nhị, khoan thứ. Nhưng không thể tế nhị, khoan thứ đến mức ta không có một bộ sử nào chân thực, khoa học và đầy khí thế chăng!

Và thực ra, những nhà văn viết về đề tài lịch sử, những nhà nghiên cứu sử học chân chính bao giờ cũng được các nhà trí thức, các phân số nhân dân chân chính ở các nước tôn trọng.

Xét ở mặt khác ở ngoại hàm mệnh đề trên, cũng đôi khi, chính hiện thực hiện tại lại có những yếu tố gợi ý khiến ta nhận thức lại quá khứ chính xác hơn, ở những khía cạnh, những điểm nào đó, mặc dù lượng thông tin khách quan trong sử sách cổ (*) vẫn vậy.

Vì vậy, tôi học tập, nghiên cứu lại lịch sử.

 

3

Có một điều nữa, điều này khiến sách sử được viết lại bởi các sử gia hẳn hoi, vẫn chứa đựng nhiều phân số sai lệch do tuỳ tiện, do cảm nhận riêng, tâm thế riêng. “Tam sao thất bổn” đã là một tệ nạn sử học, mặc dù người chép tay, khắc ván ngày xưa, người xếp chữ typo với các con chữ kẽm vừa qua, người thực hiện vi tính hiện thời có ý thức so sánh, đối chiếu, sửa lỗi in ấn là rất cẩn trọng. Tuy vậy, vẫn có người không phải hiểu lầm do lỗi in ấn, mà thực sự lợi dụng sự sai sót về lỗi in ấn để xuyên tạc! Những người ấy dám coi khinh cả nguyên tắc hiệu đính văn bản! Nhưng như thế vẫn còn chưa tệ hại bằng những sử gia nhớ lệch, do lỗi thuộc về trí nhớ (mặc dù họ có thể rất thành thật, không có ý xuyên tạc sử liệu), do thiếu ý thức về phương pháp, là không hề trích dẫn một tí nào tư liệu gốc mà họ sử dụng và cũng chẳng cước chú xuất xứ sử liệu bao giờ, thậm chí không có lấy một nửa trang ghi chú về tư liệu tham khảo!

Tệ nạn này đã từng biến tôi và nhiều người khác thành nạn nhân. Ta cứ dại dột tin vào những gì được các sử gia có tên tuổi viết, chẳng hề tra cứu lại, không ngờ họ viết sai, viết lệch vô số chi tiết, thậm chí cả những sự kiện lớn, những nhân vật lớn cũng sai lệch nốt!

Thử giở lại những cuốn sách lịch sử của các sử gia tên tuổi mà xem. Đó là tệ nạn có thật, nhưng thiết tưởng cũng không nên nhắc các tên tuổi ấy làm gì, sợ rằng mích lòng họ (trừ những trường hợp cực chẳng đã, đành phải nêu đích danh, cho dù danh của danh nhân).

Do đó, tôi phải học tập, nghiên cứu lại sử học. Trước hết là phải ghi nhớ điều rất giản dị đã trở thành tục ngữ: “nói có sách, mách có chứng”; sáchchứng đều phải được cân nhắc, khảo nghiệm cẩn thận, tốt nhất là các tư liệu gốc đã được giám định khoa học thực nghiệm (đặc biệt là các tư liệu gốc mới phát hiện hoặc mới công bố). Phải loại trừ tư liệu giả. Phải phân loại tư liệu: tư liệu gốc; tư liệu loại 1; tư liệu loại 2… Phải xử lí tư liệu của đối phương (Trung Hoa, Pháp, Nhật, Mỹ) bằng cách lật ngược, xoay ngược nhãn quan, lập trường. Không thể không trích dẫn tư liệu gốc để làm các luận cứ, luận chứng cho mỗi nhận định. Tôi phải dặn lòng mình như thế, quyết tâm như thế. Cũng vì vậy, nên khi viết cuốn sách mỏng này, tôi hết sức tập cho mình tính kiên nhẫn và cẩn trọng trong việc chép lại các tư liệu gốc để làm cơ sở cho mọi suy nghĩ của mình.

Về điểm này, tôi cũng xin tự phản biện rằng: Trích dẫn nguyên văn tư liệu gốc của đối phương (Trung Hoa, Pháp, Nhật, Mỹ trong các giai đoạn lịch sử cụ thể) và của những người Việt phản quốc hoặc người Việt ít nhiều khác quan điểm, nhất là khác chính kiến (khác nhận thức chính trị) là tiếp tay cho các lực lượng thù địch, đối lập ấy truyền bá các luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc. Như thế chỉ bất lợi thêm cho dân tộc ta, trong đó có những nhân vật lịch sử yêu nước, anh hùng, chân chính và cao đẹp.

Tôi biết, có người nêu vấn đề như tôi đã tự phản biện một cách giản dị hơn: Trích dẫn nguyên văn tư liệu gốc dạng trái ngược 1800, người nghiên cứu tuy thành tâm với ý thức khoa học nhưng rõ là dại dột, thậm chí là ngu ngốc. Thông minh nhất là sử dụng loại sử liệu ấy (sau khi chỉnh lí đúng với quan điểm địch – ta), dưới hình thức lời dẫn gián tiếp, có chua xuất xứ sử liệu (**).Tuy nhiên, đó chỉ là một cách. Lời dẫn trực tiếp với các trích dẫn nguyên văn lại có giá trị thuyết phục cao hơn. Vì vậy, phải thật linh hoạt một cách trung thực, công bằng, khoa học.

Vả lại, trong việc khảo luận, phê bình sử học, cũng tương tự như trong công việc ấy ở lĩnh vực văn học, chúng ta luôn luôn phải đối mặt trực tiếp với tư liệu cần khảo chứng và phê phán. Và mọi việc đều có thể có hai khả năng: xấu – tốt; tác dụng – phản tác dụng. Nhận thức được khả năng thứ hai là khả năng xấu, phản tác dụng, “lợi bất cập hại” như vậy trong việc trích dẫn tư liệu gốc của các lực lượng đối phương và của những cá nhân, phe phái đối lập, mặc dù trích dẫn với mục đích đã xác định là để khảo chứng và phê phán, do đó, cho nên, tôi thấy cần phải phê phán thật triệt để, thật mạnh mẽ và quan trọng nhất là phê phán trúng tim đen, phê phán có hiệu quả, có sức thuyết phục, đồng thời phải luôn luôn tự nhắc nhở chính mình một nguyên tắc khá sơ đẳng là phê phán tư liệu gốc của đối phương, đối lập, kể cả những ai ít nhiều khác quan điểm, phải đi đôi với việc khẳng định bằng tư liệu gốc của ta, khẳng định một cách vững chắc, minh bạch, xác thực và quan trọng nhất là phải khẳng định một cách thực sự khoa học. Cũng không quên rằng, đối với sử cận – hiện đại, cũng nên xác định có những cá nhân, lực lượng người Việt Nam, cần phải tranh thủ, phải nhân hậu trong khi phê phán.

Có người bạn đã nhắc nhở tôi rằng, đi vào lĩnh vực sử học cần phải thật “lạnh lùng”, cần bỏ hẳn những tính từ, trạng từ biểu cảm. Tôi biết, ngày xưa, các sử gia viết sử theo tinh thần Kinh Xuân thu của Khổng Tử, với mục đích dùng sử học để nêu gương tốt và để răn điều ác, bên cạnh mục đích chính của sử là kí sự chân thực, cho nên ngôn từ thể hiện sắc thái biểu cảm rất rõ. Viết sử theo tinh thần Kinh Xuân thu, không thể vì mục đích này mà quẳng bỏ mục đích kia một cách sai lầm. Theo đó, có hai cách, thái độ bình phẩm thể hiện nhuần nhị trong khi kí sự (thuật sự); hoặc thuật sự “lạnh lùng” nhưng bên dưới phải có mục lời bàn của sử gia. Và cho dù không hoàn toàn viết sử theo tinh thần Kinh Xuân thu, mà theo cách hiện đại, cũng phải bảo đảm hai yêu cầu đó (chân, thiện), ngoài yếu tố cần thiết khác là phải trong sáng, chính xác về ngôn từ (mĩ). Mặt khác, tôi nghĩ, cổ sử của nước ta khá sơ lược; vả lại, không thể không đánh giá (bình phẩm) theo quan điểm lịch sử – cụ thể, vì ngôn từ sử cổ có nhiều chỗ thể hiện quan điểm phong kiến trong thời đại phong kiến nhưng cũng phải trích dẫn nguyên văn; thêm vào đó, ở lĩnh vực sử học, không thể có một mảy may tình tiết hư cấu về sự kiện, về nhân vật, nên không thể như trong lĩnh vực tiểu thuyết, nhà văn hoàn toàn có quyền hư cấu sự việc, tình tiết để sự việc, tình tiết ở dạng mộc nhất tự nó thể hiện thái độ, bình phẩm của chính nhà văn.

Và điều cuối cùng về khía cạnh này là, dẫu sao đi nữa, cũng phải trung thực, tôn trọng tối đa sự thật lịch sử; không thể bóp méo sự thật lịch sử theo tâm thế cá nhân, theo ý đồ chủ quan, hoặc theo phương châm chính trị “cứu cánh biện minh cho phương tiện” (“vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn” (***)) với ý thức rõ rệt ở một số người – những người đã dùng sử học như một thủ đoạn đấu tranh chính trị, tuyên truyền chính trị (sử học dạng machiavelisme!).

Học tập, nghiên cứu sử, luận bàn về sử, tôi không thể không băn khoăn như thế.

 

4

Xin thưa thêm một điều khác nữa. Đây có vẻ là một khía cạnh như thể là tâm sự hơn là học thuật.

Hầu như không ai trong thế hệ tôi không thuộc lòng một vài khúc ca từ của nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn, trong tập Ca khúc da vàng của anh. Đó là những gì thao thức, trăn trở quằn quại nhất, da diết nhất của một thời đã được Trịnh Công Sơn viết thành nhạc. Những bản nhạc ấy là của cả một thế hệ và của riêng Trịnh Công Sơn. Thế hệ sai hay Trịnh Công Sơn sai ở những câu hát này, trong bài Gia tài của Mẹ:

Một nghìn năm nô lệ giặc Tàu

Một trăm năm đô hộ: giặc Tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày

Gia tài của Mẹ để lại cho con,

     gia tài của Mẹ: một nước Việt buồn…

(…) Dạy cho con tiếng nói thật thà

Mẹ mong con chớ quên màu da (…)

Nước Việt xưa

(…) Mẹ trông con mau bước về nhà

Mẹ mong con, lũ con đường xa,

     ôi lũ con cùng Cha: Quên hận thù

(…) Gia tài của Mẹ: một bọn lai căng

Gia tài của Mẹ: một lũ bội tình (…)

Một nghìn năm nước ta bị đô hộ bởi giặc Tàu, có gì sai đâu! Cũng như vậy, chẳng có gì sai nghiêm trọng ở câu ca từ, vốn không ai đòi hỏi sự minh xác về từ ngữ, về số lượng: Một trăm năm dân tộc ta bị gánh ách nô lệ của giặc Tây. Sai gì đâu khi Trịnh Công Sơn phê phán bọn tô trắng da, nhuộm vàng tóc, mất gốc, lai căn cả về tư tưởng, tâm hồn, đến mức phản bội dân tộc. Cái sai là ở một vài khía cạnh trong những câu còn lại. Hai mươi năm nội chiến từng ngày là quá sai rồi, về nhận thức lịch sử. Đứng ở thời điểm sáng tác 1967, 1968 (có thể sớm hơn vài năm), Trịnh Công Sơn tính toán thời đoạn anh gọi là nội chiến, kể từ năm nào? 1945? Và nhìn chung, anh còn sai nghiêm trọng ở tâm tình nữa.

Ở đây, tôi chỉ xin thưa, Trịnh Công Sơn tủi hờn, u uất, buồn thảm đến tự ti dân tộc. Nhạc sĩ thiên tài chỉ thấy khía cạnh tủi hận, không thấy khía cạnh quật khởi, hào hùng, bi tráng. Nếu phân tích thêm, xin thưa, tuy nhận thức không đúng về bản chất hận thù cũng như tính chất cuộc chiến tranh nửa cuối thế kỉ XX (1945 ? – 1954 ? – 1968? – 1975) (****), Trịnh Công Sơn vẫn nhân danh tình đồng bào, dân tộc, cùng chung cội rễ để xoá bỏ hận thù một cách nhân bản và dân bản. Dĩ nhiên tư tưởng, thái độ và tâm trạng Trịnh Công Sơn không dừng lại ở đó (*****). Tôi vẫn thường hát vài câu ca từ của anh trong những năm sau ngày thống nhất Đất nước (1975):

Xanh lá xanh thêm cây

Xanh nên đời trẻ lại

Một mùa xuân thống nhất

Xanh nước non hôm nay

Xanh biếc con sông Hương

Mừng vui má (?) (******) sông Hồng

Về Cửu Long ca hát

Xanh lá cây một vùng…

Sở dĩ tôi nhắc lại những câu hát ấy là để tránh những ngộ nhận với sự nhận thức khiếm khuyết về Trịnh Công Sơn, khi không thể không ngẫm nghĩ lại Gia tài của Mẹ. Vấn đề ở đây là Gia tài của Mẹ của một thời…

Vì thế, tôi đọc lại lịch sử và nghiên cứu lại sử học. Những gì tôi viết có liên quan trực tiếp đến sử là từ khúc ca từ này. Nội dung cuốn sách này chỉ là một trong ba thời kì lịch sử được đề cập đến ở khúc ca từ ấy: Một nghìn năm nô lệ giặc Tàu.

Điều chúng ta khát vọng nhất, phải chăng là nước ta sẽ có những bộ sử vừa xác thực, khoa học và vừa thể hiện tinh thần quật cường, anh hùng của dân tộc Việt Nam chúng ta. Chỉ với điều kiện được sống trong thời đại độc lập, tự do thực sự, các sử gia mới có thể bình tĩnh, tự tin viết sử một cách chân thực, khoa học, không bị sự chi phối, sức ép nào từ các nước, các lực lượng đối phương trong lịch sử. Trong khi chờ đợi, tôi phải học sử và viết lại những cảm nghĩ của mình về sử với niềm mong mỏi một sự chia sẻ.

 

TP. HCM., 11 giờ 18 phút ngày 22. 07. HB4

(06. 06 G. thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

Cước chú của bài Lời thưa đầu sách:

 

(*) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697); Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên & chính biên; Đại Nam thực lục, tiền biên & chính biên (chính biên gồm các kỉ I – VI) (trước 1879 & 1894; riêng mỗi một kỉ VI [cuối năm 1885 – 1888] thuộc chính biên, viết theo quan điểm ngụy triều Đồng Khánh, 1909).

 

(**) Thông thường, sách báo tham khảo thể hiện lập trường, quan điểm tương đồng với phần lớn các tác giả biên soạn sách mới (những người sử dụng chúng để tham khảo). Tuy nhiên, cũng có loại sách báo trái nghịch. Cho nên, không ai ngạc nhiên khi tìm đọc các tư liệu tham khảo thuộc loại do đối phương, đối lập viết, sẽ thấy hoặc toàn bộ hoặc một khía cạnh nào đó về lập trường – quan điểm đánh giá là ngược hẳn 1800. Xin đơn cử một cuốn sử, trong đó, Trưng Trắc – Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Lí Bôn, Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền… đều bị đánh giá là những kẻ phản nghịch hoặc tiếm thiết. Xin xem: Lê Tắc, An Nam chí lược (thuộc Tứ khố toàn thư, Trung Hoa), bản dịch của Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Viện Đại học Huế (GS. Trần Kinh Hoà cố vấn), Viện Đại học Huế xb., 1961; Nxb. Thuận Hoá, TT. Văn hoá – Ngôn ngữ Đông Tây tái bản, 2002.

 

(***) Phan Bội Châu, Tự Phán, tác giả tự dịch ra tiếng Việt (chữ Nôm, 1929), Huỳnh Thúc Kháng đề tựa (1946), Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2000, tr. 12, 17, 18.

 

(****) Xin xem thêm: Trần Xuân An, Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, bản đã sửa chữa, bổ sung lần thứ ba, in vi tính ngày 19. 12. 2003 (trọn vẹn gồm 745 trang [kể cả phần chú thích, phụ lục] và phần ngoài sách gồm 15 trang [một bài thơ viết về Quang Trung cùng các chú thích sử học], cỡ sách 13 cm x 19 cm). Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm

 

(*****) Xem thêm: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Như con sông từ nguồn ra biển (truyện kí, 1971), trong Tuyển tập HPNT., tập 2, Nxb. Trẻ, 2002, tr. 9 – 38; Trịnh Công Sơn, Thư gửi Ngô Kha, tạp chí Đứng Dậy, số tháng 12. 1974, báo Thơ (phụ san của tuần báo Văn Nghệ HNV. VN.), số 12 (06.2004); Trịnh Công Sơn, Hạnh phúc (tuỳ bút), tuần báo Văn nghệ Giải phóng, số (?), 1975.

 

(******) “Má sông Hồng”: bà má Nam bộ tập kết ra Bắc (sông Hồng là biểu tượng về Bắc bộ). Chi tiết này, cần tra cứu lại.

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

            Cập nhật: 07/01/09

            (tháng / ngày / năm)

  

Google page creator  /  host