Trần Xuân An - Giữa thuở chuyển mùa (Hậu chiến, không riêng ai) (II)

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI

Chương II

Trần Xuân An

 

1

 

Đà Lạt đã bắt đầu vào mùa mưa, nhưng sáng chủ nhật hôm ấy trời vẫn như thể tháng giêng, nắng trong sáng và gió se lạnh. Mặt nước hồ Xuân Hương lấp lánh khiến Huyên có cảm giác nắng cơ chừng toả lên từ bao gợn sóng. Vừa thả bước trên lối đi ven hồ, vừa phóng mắt nhìn quang cảnh đồi Cù xanh màu cỏ, nhìn dăm chiếc xe thổ mộ với các chú ngựa dừng đỗ bên lề con đường dẫn tới Thanh Thuỷ, một quán cà phê nửa bờ nửa nước, không hẳn là thuỷ tạ, Huyên quên bẵng mình đang sóng vai với Ngàn, một người bạn dạy học cùng trường ở Đạ Nông. Bỗng Ngàn hích khẽ khuỷu tay vào Huyên làm anh giật mình quay lại, ngay cùng một lúc giọng nói của Ngàn bật nhẹ ra với nụ cười, nhắc anh:

- Kìa, hai học sinh trường Bùi Thị Xuân chào thầy Huyên kìa!

- Xin chào thầy, chào anh Ngàn. – Hồng Vàng, chị của cô học sinh nhỏ tuổi hơn, tên Cúc Trắng, đang đi ngược chiều, khẽ cất lời sau cái cúi đầu chào cách đó vài bước chân –.

- Chào hai em. – Huyên chào đáp với đôi mắt bất chợt sáng lên niềm vui do cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa đường –.

 Hoá ra, chỉ có mỗi một mình Huyên là người mới gần đây quen biết, còn Ngàn với hai cô gái học trò kia chẳng xa lạ gì hay ít ra cũng đã ít nhiều biết nhau, giữa thành phố không đông dân, quá thơ mộng này. Qua vài câu chuyện trò, thăm hỏi, Huyên được biết hai chị em mới đi chợ Hoà Bình, chợ trung tâm của Đà Lạt, đến hiệu sách ở đường phố chính, gần đó, và đang trên đường về nhà.

- Em vừa tìm mua thêm tài liệu ôn tập, luyện thi à? – Huyên hỏi, nhìn vào mấy tập sách cô học trò đang ôm trên ngực –.

- Dạ... Thưa thầy, nếu có thể, em cũng xin ý kiến thầy... – Hồng Vàng bỏ lửng câu nói, và gương mặt vốn trắng hồng như bao cô gái miền cao khác lại ửng hồng thêm –.

- Về điều chi? Hồng Vàng cứ nói đi – Huyên khích lệ –.

- Dạ, về việc em chọn thi vào đại học theo ngành ngữ văn Việt. – Hồng Vàng đã thoát khỏi sự ngượng ngập, nói rõ ràng ý định của mình –.

- Nếu em nghĩ kĩ rồi, thì quá chừng tốt đẹp. – Huyên tỏ sự vui mừng khi có thêm người sẽ bước đi trên con đường văn chương Huyên đã chọn lựa từ những năm tuổi nhỏ và sẽ mãi đi trọn cuộc đời mình –.

- Thưa thầy, tuy vậy, em vẫn còn phân vân... – Cô học trò lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp rồi sẽ thi vào đại học lại bày tỏ sự băn khoăn của mình –.

Ngàn thân tình đề nghị:

- Thế thì mấy anh em, thầy trò mình bước thêm một đoạn nữa, đến quán Thanh Thuỷ kia, ngồi chuyện trò, bàn bạc thêm. Đồng ý chứ? Hai chị em đâu phải đi chợ mua thức ăn, sợ gì trễ giờ. – Ngàn xem đồng hồ đeo tay –. Lúc này, mới 8 giờ sáng!

Huyên thốt lên:

- Một đề xuất rất chí lí, phải không, Hồng Vàng, Cúc Trắng?

Đến lúc này, Cúc Trắng mới lên tiếng:

- Em nghĩ... chị Hồng Vàng cũng cần phải xin thêm ý kiến của thầy Huyên và anh Ngàn. Chọn lựa chuyên ngành là quan trọng nhất cuộc đời, má và chị chẳng thường nói thế là gì!

- Quay gót, Hồng Vàng, Cúc Trắng! Quán Thanh Thuỷ chỉ cách đây một đỗi, ở ngay sau lưng hai chị em rồi kìa! – Ngàn nói, với giọng đùa vui của một giáo viên thể dục chuyên nghiệp trẻ tuổi nhất trường –.

Cả bốn người cùng bước về phía quán cà phê nửa bờ nửa nước ấy.

Nắng buổi sáng Đà Lạt lúc này chỉ để sưởi ấm, nên họ đến ngay bộ bàn ghế ngoài trời, dưới những cành liễu rủ lá xanh, buông những chuỗi hoa màu đỏ. Họ cũng không ngờ được gặp ở đây hai người thầy giáo già, đang thưởng thức cà phê ở bàn gần đấy. Đó là hai giáo viên trung học thuộc lứa tuổi lão làng vẫn đang giảng dạy tại Trường Phổ thông trung học Thăng Long ở Đà Lạt này. Trong khi Ngàn vào quầy mua phiếu thức uống – cà phê phin, loại thức uống độc nhất vào giờ này, ở đây, Huyên bước đến chào họ rồi quay trở lại với hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng.

Cà phê được tiếp viên mang tới ngay. Trong khi chờ những giọt cà phê rơi xuống chén sứ trắng muốt đủ để có thể nhấc phin ra, Huyên hỏi Hồng Vàng, lúc cô học trò này đang nhìn xuống mặt nước hồ Xuân Hương gần kề, chỉ cách một hàng lan can sơn trắng, và đang mải ngẫm nghĩ về sự chọn lựa chuyên ngành đại học của mình:

- Hồng Vàng đã chọn lựa, sao còn phân vân gì nữa?

Ngẩng mặt lên, Hồng Vàng khẽ đáp:

- Dạ, em vốn thích môn ngữ văn. Ba em thuở còn sống cũng rất đam mê văn chương. Má em kể, thuở còn trai trẻ, ông ấy đã như thế. Chính em và Cúc Trắng, từ tuổi bé tí đã được ba em truyền cho niềm đam mê ấy rồi. Nhưng, có điều, hình như ông không biết, cũng không tìm đọc văn chương nước mình giai đoạn về sau.

Huyên chợt hiểu ra, anh nói, sau ba chữ “à ra thế” thốt thầm trong lòng:

- Nếu chỉ riêng trong phạm vi văn chương nhà trường, sự thể đó cũng bình thường thôi, vì ở Miền Nam mình, các bậc tiểu học, trung học và đại học trước Ngày Thống nhất không giảng dạy những gì về văn chương sau 1945 cả, kể cả môn sử cũng thế. Chế độ cũ vốn xem những gì mới xảy ra, quá gần, là chưa thể định hình, đánh giá, và cũng vì chế độ cũ không đủ tự tin!

- Thật là vậy hở thầy? – Hồng Vàng bỗng rõ ràng hơn một điều cô học trò này đã mơ hồ cảm thấy –.

Huyên gật đầu:

- Nhưng... – Huyên hơi dè đặt –, nếu ba em không tìm đọc văn chương giai đoạn 1945-1954, cả sách báo lĩnh vực này ở Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 thì quả là hơi độc đáo đó. – Huyên mỉm cười, nụ cười chân thành, cảm thông, và nói tiếp –. Thật ra, sách báo từ 1945 đến 1954 cũng chẳng bao nhiêu, và ở Miền Nam mình, chỉ còn lưu trữ trong thư viện, chứ chẳng lưu hành nhiều ngoài xã hội, nên mấy ai đọc được. Còn văn chương trong các tiệm sách, quầy báo Miền Nam sau 1963 thì hầu hết là cùng một dòng với bộ phận văn học lãng mạn và cùng một dòng với bộ phận văn học hiện thực phê phán thời “Tiền chiến” (1930-1945) mà thôi, tuy có hiện đại hơn. Một dòng suy đồi hơn, một dòng mạnh bạo hơn. Riêng dòng thứ ba, dòng văn chương yêu nước và cách mạng, thì bảy chìm ba nổi. – Huyên trở lại với thực tế là đang trao đổi với Hồng Vàng, anh gợi mở để dễ hình dung –. Hai dòng văn chương lãng mạn và hiện thực phê phán 1930-1945 mà năm lớp 12 này em đã được học khái quát, ít nhiều có trích giảng đó: lãng mạn về thơ như các tập thơ “Thơ thơ”, “Gửi hương cho gió”, “Lửa thiêng”, “Điêu tàn”..., kể cả thơ của nhóm “Xuân thu nhã tập”; lãng mạn về văn như các tiểu thuyết “Đoạn tuyệt”, “Nửa chừng xuân”...; hiện thực về văn như tiểu thuyết “Tắt đèn”, truyện ngắn “Chí Phèo”... Tôi kể sơ lược như thế thôi, nhưng chắc chắn học sinh giỏi ngữ văn như Hồng Vàng phải nhớ chứ, đúng không? Hai dòng ấy, có thể nói, vẫn còn kéo dài đến 1975 với những cách tân, sáng tạo mới nào đó...

- Dạ, thưa thầy, ý em muốn nói là ba em không thích văn chương đậm chất chính trị, thời sự.

Huyên lại gật đầu:

- Tôi hiểu ý em. Nhưng thế hệ của ba em khác thế hệ em... Ba em chắc hẳn cũng suýt soát hoặc trẻ hơn lứa tuổi của thầy giáo Vui kia kìa. – Huyên khẽ hất đầu, nhướng mắt về phía hai giáo viên lão làng đang ngồi thưởng thức cà phê mà hồi nãy anh đến bắt tay chào –. Phải không, Hồng Vàng?

Hồng Vàng khẽ dạ. Huyên nói tiếp:

- Thậm chí, tôi xin lỗi phép nghe, ba em là ba em, em vẫn là em chứ! Có phải vậy không? Và dẫu sao đi nữa, chương trình giảng dạy, nghiên cứu, học tập các phân môn ngữ văn ở bậc đại học được cấu trúc khác với cấp cơ sở và cấp trung học.

Thầy giáo Ngàn mỉm cười:

- Ông cứ nói thẳng, nói rõ cho Hồng Vàng đi. – Ngàn nhìn Cúc Trắng, nói tiếp –. Mình cùng cùng nghe, phải không Cúc Trắng?

Cúc Trắng chỉ mỉm cười, mặt hơi ửng đỏ trong một thoáng:

- Em lại thích hai môn hoá học và sinh vật nhất...

- Việc chọn ngành của Cúc Trắng vẫn còn dài thời gian để chọn lựa. Tất nhiên hoá, sinh đều rất cần thiết... – Huyên nói, và anh trở lại câu chuyện với Hồng Vàng –. Ừ, thì tôi nói rõ, nói thẳng ra, vì đây không phải là lớp học, việc này lại rất quan trọng trong cả cuộc đời của Hồng Vàng –. Tôi đã học gần ba năm rưỡi đại học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, sau đó đã giảng dạy ở cấp 2 (cấp cơ sở) một năm, giảng dạy chỉ mỗi một lớp mười trọn một năm học tiếp theo, và hiện tại giảng dạy ở ba khối lớp cấp 3 (cấp trung học) gần trọn năm học này. Vả lại, tôi đã làm việc gì thì đến đầu đến đũa, nên tôi nghĩ tôi không mơ hồ gì khi góp ý cho Hồng Vàng. Thế này nghe, chưa kể phân môn tiếng Việt, phân môn tập làm văn và một phần lí luận văn học, thì cấu trúc chương trình môn giảng văn cấp 3  là thế này: học kì một của ba khối lớp (10, 11, 12), học sinh được học theo trình tự loại hình như văn học dân gian Việt Nam trước, văn học viết Việt Nam sau, còn phần văn học nước ngoài thì không nhiều lắm, chỉ học dặm thêm cho biết. Riêng về văn học viết Việt Nam, thì theo các thời kì, giai đoạn văn học sử Việt Nam. Nhưng ở học kì hai, ở cả ba khối lớp, chủ yếu là văn học hiện đại được sáng tác dưới sự lãnh đạo của cách mạng. Cụ thể hơn: ở lớp mười, suốt năm học, học văn học dân gian cho đến tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm, là ngắt, để học văn học hiện đại của cách mạng (cả chống Pháp lẫn chống Mỹ); ở lớp mười một, học tiếp văn học cổ từ sau Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Chinh phụ ngâm”, rồi Nguyễn Du cho đến Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Phan Bội Châu, là ngắt, để học thêm văn học hiện đại của cách mạng (cũng chống Pháp lẫn chống Mỹ); ở lớp mười hai, học giai đoạn văn học 1930-1945 gồm ba dòng là lãng mạn, hiện thực phê phán và cách mạng, cho đến các tác giả như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, là hết phần học theo văn học sử, để học thêm một số bài trích giảng văn chương của các tác giả khác thuộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội Miền Bắc. Có đúng như vậy không, Hồng Vàng? Đặc biệt là còn có thêm một số tiết giảng văn (có thể ở dạng bình chú) tự chọn của mỗi trường, mỗi giáo viên: văn chương thời sự và địa phương. Hiện nay, đó là văn chương chống Trung Quốc xâm lược, bành trướng, bá quyền.

- Dạ vâng. Em thấy văn học cách mạng được học khá nhiều.

- Nhưng ở bậc đại học, phần văn học cách mạng (chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc) chỉ là một học phần chiếm tỉ lệ không quá nhiều như thế, bởi ở đại học là đã đi vào khoa học rồi. Nơi đó có mục đích đào tạo nên những nhà khoa học về văn chương hay ít ra cũng có tinh thần khoa học về văn chương. Bậc đại học khác với bậc trung học. Ở bậc trung học phổ thông, chủ yếu là để giáo dục, dùng văn chương để giáo dục nên những công dân lao động là những con người mới, xã hội chủ nghĩa.

Hồng Vàng mỉm cười, cảm thấy vui vì được hiểu ra sự thể là như thế:

- Xin thầy nói rõ cho em hơn về tính khoa học ở bậc đại học...

Huyên mỉm cười:

- Thật ra, bậc đại học chỉ học trong bốn năm, nên đó cũng chỉ là giai đoạn đầu của hành trình nghiên cứu khoa học mà thôi. Sinh viên chủ yếu học tập, vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, còn đối tượng, phạm vi học tập, nghiên cứu cũng đã được xác định trọng tâm, trọng điểm, chứ không thể tràn lan. Đặc biệt, các tác giả mà sự nghiệp trước tác của họ đã định hình trước 1920, 1930, 1945 như Phan Bội Châu chẳng hạn, thì có những hạn chế lịch sử nhất định trong tác phẩm này, tác phẩm khác của họ; nên phần hạn chế ấy phải đặt ra ngoài học trình (hay giáo trình)... Như vậy, tính khoa học thật sự cao và sâu, đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu, mặt được, mặt hỏng của một tác giả, thì phải học sau đại học, đi vào chuyên môn hẹp. Chắc Hồng Vàng thừa biết là để nghiên cứu một tác giả, chỉ một tác giả mà thôi, cho tới nơi tới chốn cũng mất nhiều năm, thậm chí cả đời người, và còn hơn thế nữa, vài thế hệ kế tục nhau... - Thầy giáo Huyên lại mỉm cười –. Nhưng như thế là nói hơi xa rồi. Bây giờ, quay lại vấn đề Hồng Vàng đang vướng mắc...

Hồng Vàng lại đỏ mặt trong một thoáng như biểu hiện thường có của cô học trò này: 

- Dạ, vâng... Môn ngữ văn ở cấp cơ sở, cấp trung học, đúng là quá nhiều tính chất chính trị... Theo như thầy nói, em tin rằng ở bậc đại học, văn chương mang tính chất văn chương nhiều hơn, và nghiên cứu văn chương cũng khoa học hơn.

- Lưu ý một điều nữa, Hồng Vàng à! Ở bậc đại học, học tập, nghiên cứu và giảng dạy đều được quán xuyến trong một hệ tư tưởng nhất định. Hi vọng rằng dần dần sẽ bớt tính chất máy móc, giáo điều... Nếu em đã chấp nhận được ở bậc cơ sở, bậc trung học, thì em sẽ thoải mái hơn ở bậc đại học. Nhưng học cái gì, học thế nào, ra sao thì cũng tuỳ giai đoạn, còn văn chương vẫn mãi mãi là vĩnh cửu. Mỗi thời người ta nghiên cứu, giảng dạy, học tập về “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, thơ Nguyễn Khuyến khác nhau ít nhiều, nhưng “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, thơ Nguyễn Khuyến vẫn mãi mãi là vĩnh cửu. Mỗi phương pháp luận đều có thế mạnh của nó... Phải hiểu điều đó, nếu không, chẳng lẽ ở Miền Nam sẽ không có ai là nhà nghiên cứu, phê bình văn chương, không có ai là nhà giáo văn chương, cũng không có ai là nhà cầm bút sáng tác văn chương?

 

 

Ngàn bật cười:

- Tôi nhớ ông đã có lần cho tôi mượn tờ báo Văn nghệ đăng bài của Hoàng Ngọc Hiến với nội dung phê phán “văn học ‘phải đạo’” mà!

Huyên cũng bật cười:

- ... Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến trong văn chương cũng như Kim Ngọc, Võ Chí Công trong kinh tế! Nhưng đó chỉ mới là tín hiệu đổi mới. Bài báo đó của Hoàng Ngọc Hiến đã bị “đập” tơi tả... – Giọng Huyên trở nên chua chát –. ... Dẫu sao thì cũng phải đi trên con đường văn chương mình đã đam mê, đã chọn lựa. Cứ học đi, với ý thức như vậy về thực trạng văn chương... Văn chương cũng phải vận động, phát triển theo quy luật của chính nó, theo lẽ phải, không thể suy đồi, truỵ lạc, không thể vong bản, nô bộc, không thể máy móc, chính trị hoá, tuyên huấn hoá, cổ động hoá...

Nhấp ngụm cà phê đen quánh cuối cùng trong tách sứ trắng, Huyên nhìn ra mặt hồ nước, phía nhà Thuỷ Tạ và ngẫm nghĩ xem thử còn điều gì để nói với Hồng Vàng nữa không.

- Hồng Vàng à, tôi nói thế, để rồi em tự quyết định lấy đó nghe. – Huyên nhìn vào đôi mắt của cô học trò –. Tôi muốn nhấn mạnh là em cần nhận thức rõ thực trạng văn chương hiện nay là như vậy, với những phía rộng mở, những phía giới hạn, phải tránh né của nó, kể cả những gì cực đoan, “quá tả”, trói buộc. Và có lẽ cũng nên biết thêm là em có quyền tự do chọn lựa đề tài khi làm khoá luận tốt nghiệp ở năm thứ tư đại học. Sau đó, nếu em muốn và được học thêm chương trình sau đại học, em cũng có quyền chọn phân ngành chuyên sâu mà em yêu thích, về ngôn ngữ hay về văn chương. Về ngôn ngữ thì có các phân ngành như ngữ pháp, ngữ âm, tu từ... hay Hán – Nôm. Về văn chương lại có các phân ngành như văn học dân gian, văn học viết trung đại, hay cận đại, cũng có thể hiện đại (... giai đoạn 1930-1945 hay văn học cách mạng sau 1945)... hoặc lí luận văn học hay văn chương nước ngoài... Nghĩa là càng học lên cao, càng có điều kiện tự do chọn lựa.

Gương mặt Hồng Vàng đã giảm bớt nét ưu tư, phân vân, trở nên tươi vui hơn:

- Dạ, thưa thầy, em yêu thích văn chương, nhưng vẫn băn khoăn chọn lựa, tự nghĩ có nên dấn thân cả cuộc đời trên con đường đó hay không, là bởi quanh em, trong lớp, trong trường và ở xã hội hiện nay, có rất nhiều phản ứng khác nhau trước thực trạng văn chương.

Huyên mỉm cười thông cảm:

- Tôi nói là nói cho hết lẽ thế thôi, chứ em đã yêu thích hai bài giảng văn gần đây, chính tôi dạy tại lớp 12 của em và tại một lớp 10 khác cũng ở trường em, bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên và bài “Mẹ Tơm” của Tố Hữu, thì tôi nghĩ em không có gì phải trăn trở nhiều lắm đâu, phải không?

- Dạ, em bị chi phối bởi những ý kiến chê bai, chỉ trích văn chương hiện nay bên ngoài xã hội...

- Em cứ đi trên con đường em yêu thích, chọn lựa và hãy đồng hành cùng thời đại với ý thức góp phần điều chỉnh cho văn chương phát triển đúng quy luật của nó, cởi bỏ dần những trói buộc, những gì gọi là “thiết quân luật”, “giờ cấm, nơi cấm” trong văn chương thời chiến tranh. Và dĩ nhiên, cho dù cởi mở đến đâu, cho dù văn chương không thể máy móc, chính trị hoá, tuyên huấn hoá, cổ động hoá... thì văn chương cũng không thể suy đồi, truỵ lạc... cũng không thể vong bản, nô bộc...

Hai ông giáo già cũng cùng dạy bộ môn ngữ văn như Huyên đang rời bàn, bước ngang qua, chào Huyên, Ngàn và hai cô học trò Đà Lạt rồi bước ra khỏi quán.

Thầy giáo Ngàn cũng góp ý một cách giản dị nhưng thiết thực:

- Ngành nghề nào cũng có những việc, những phần mình yêu thích nhất, bên cạnh những việc, những phần mình ít yêu thích hay đành phải chấp nhận cho “phải đạo”.

- Nhưng cho dù giá trị văn chương thấp hay cao thì giá trị tư tưởng yêu nước, chống ngoại xâm vẫn là vĩnh cửu... Những gì là cực đoan, “quá tả”, ngộ nhận, trói buộc hay phải tránh né, rồi sẽ được thay bằng những gì là nhân nghĩa, nhân văn, tôn trọng tính toàn thể của sự thật... – Huyên lặp lại ý kiến của mình như muốn khắc sâu điều đó –.

- Dạ, em cảm ơn thầy và anh Ngàn rất nhiều ạ. – Hồng Vàng nói –.

Huyên mỉm cười, rồi nhìn theo hai giáo viên ngữ văn già vừa bước lên con đường dẫn về khu công viên trước chợ Đà Lạt và cũng trước bến xe liên tỉnh. Huyên nói:

- Nhờ được đề cử tham dự cuộc thi giáo viên dạy giỏi của tỉnh Lâm Đồng mình, với hai bài thơ tự tôi chọn là “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên, “Mẹ Tơm” của Tố Hữu mà tôi với Hồng Vàng quen nhau, và từ đó quen cả hai chị em, vì Hồng Vàng thích hai bài thơ ấy, nhưng thầy Ngàn và hai em biết không, ông giáo Vui mới từ quán này ra đó, ông ấy lại rất không thích hai bài thơ kia, đã đề xuất ý kiến trong ban giám khảo, hạ bậc kết quả của tôi từ A xuống B.

- Thật thế hở thầy? – Hồng Vàng buột miệng –.

Huyên lại cười:

- Nhắc đến việc đó như vậy để Hồng Vàng hiểu rằng, cuộc sống từ bao giờ đến bao giờ cũng rất phức tạp, không bao giờ là một khối đồng nhất... Tuy nhiên, biết thế, để chúng ta không nản lòng, và biết thế, để mình tự cố gắng khắc phục những hạn chế chung, cố gắng nhẫn nại, nhất là trong giai đoạn giao thời lịch sử này.

Ngàn giật mình khi sực nhớ, thời điểm này đang giữa tháng ba của năm 1981. Anh cũng buột miệng:

- Còn khoảng một tháng rưỡi nữa là kỉ niệm lần thứ sáu Ngày Thống nhất!

Trong khi đó, Cúc Trắng vẫn lặng lẽ tráng bằng nước trà cho bốn chiếc tách, lại rót trà vào mỗi chiếc. Cô bé đứng dậy, bưng từng chiếc tách đặt vào từng chiếc dĩa đặt trước mỗi người.

Huyên khẽ nói cảm ơn Cúc Trắng. Anh nhấp một ngụm trà, nhìn cô học trò lớp 12 tên Hồng Vàng và mỉm cười. Hồng Vàng cũng nhấp trà, bắt gặp nụ cười của thầy giáo Huyên, cô hơi ửng hồng thêm đôi má trong một thoáng bẽn lẽn.

Hồng Vàng đứng dậy:

- Thưa thầy và anh Ngàn, hai chị em chúng em xin cảm ơn rất nhiều. Bây giờ chúng em xin phép về nhà.

- Chúng tôi cũng chuẩn bị về lại trường trung học Đạ Nông trong chiều nay. Đây với nơi đó cách nhau một con đèo Prenn, cũng gần thôi...

Tiễn chân hai cô học trò ra khỏi quán Thanh Thuỷ, hai thầy giáo trẻ quay lại bàn nước. Họ ngồi lặng lẽ, không nói gì, nhìn mông lung ra hồ Xuân Hương sáng nắng. Huyên thầm nghĩ, khi góp ý, anh không nói với giọng điệu bài bản cứng nhắc, mà với một sự linh hoạt để phù hợp với thực tế, với tâm thế riêng của Hồng Vàng, vì ngay như việc cung cấp thuốc bổ nhằm nâng cao thể trạng của một cơ thể vô bệnh, cũng không thể máy móc cung cấp bừa!

 

2

 

Sau tiết dạy thứ ba, trở lại phòng hội đồng giáo viên, liền kề với văn phòng nhà trường, Huyên nhận được một lá thư từ Đà Lạt gửi về. Phong thư đó đã được người bưu tá mang đến trong khi Huyên đang giảng bài ở lớp. Tay còn bụi phấn trắng, Huyên vẫn xé thật khéo một cạnh phong bì trong khi bước về nhà tập thể phía sau. Anh biết đó là thư của Hồng Vàng, cho dù tên họ người gửi được viết tắt. Đây cũng là lần đầu tiên Huyên biết được địa chỉ nhà của cô học trò Đà Lạt này.

Vừa đi, Huyên vừa đọc:

“Đà Lạt, ngày 19 tháng ba năm 1981

Kính gửi: Thầy Nguyễn Phan Huyên,

Thưa thầy,

Hôm kia, em và Cúc Trắng may mắn được gặp thầy và thầy Ngàn trên đường ven bờ hồ Xuân Hương, được hai thầy cho uống cà phê tại Thanh Thuỷ, và đặc biệt là được thầy nhiệt tình, tận tâm góp ý, bảo ban em về việc em dự định chọn chuyên ngành ngữ văn Việt trong đợt thi vào đại học năm nay. Hôm đó, em muốn nói nhiều điều lắm, nhưng không hiểu sao em quá chừng bối rối, chỉ thưa gửi ít câu rồi ngồi im lặng khiến thầy phải nói nhiều để lấp đầy những giây phút trống.

Em có hồi ức, tái hiện lại nhưng gì thầy trò chúng ta đã nói trong buổi sáng hôm đó, và ngẫm nghĩ lại, thấy cũng đáng mừng vì em đã nói được điều này: “Em yêu thích văn chương, nhưng vẫn băn khoăn chọn lựa, tự nghĩ có nên dấn thân cả cuộc đời trên con đường đó hay không, là bởi quanh em, trong lớp, trong trường và ở xã hội hiện nay, có rất nhiều phản ứng khác nhau trước thực trạng văn chương”.

Tuy vậy, em vẫn viết thư này để một lần nữa cảm ơn thầy và cảm ơn cả thầy Ngàn nữa, đồng thời cũng để khẳng định thêm sự quyết tâm chọn lựa của em. Em cũng qua thư này, mong rằng thầy sẽ giúp thêm ý kiến cho em, qua thư từ, vì thầy dạy ở Đạ Nông, trong khi em đang học ở Đà Lạt, không thể gặp thường xuyên được. Em cũng mong rằng, nếu em đỗ tốt nghiệp rồi, lại may mắn đỗ vào đại học tại TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành ngữ văn Việt, em sẽ còn được tiếp tục nhận sự góp ý, bảo ban của thầy qua thư từ. Nói thế, nhưng em vẫn tin, vẫn mong thầy và em sẽ có nhiều dịp cùng ngồi chuyện trò tại những nơi dễ thương như quán Thanh Thuỷ, ở Đà Lạt và ở cả Sài Gòn.

Em không những muốn được đọc thư thầy viết mà còn muốn được ngồi chuyện trò với thầy nữa kia đó! Em càng rất mong được đọc thơ do thầy sáng tác.

Em,

L.T.H.V.”

Thầy giáo Huyên mỉm cười, cảm thấy niềm vui tràn ngập lòng mình.

Chiều hôm sau, không phải như những lần khác, Huyên thường nhờ học sinh tiện đường, ghé vào bưu điện gửi thư hộ, lần này, chính Huyên đạp xe qua vài ba con dốc để trực tiếp bỏ vào thùng thư chính tại bưu điện huyện Đạ Nông.

“Đạ Nông, ngày 22-3-1981

Hồng Vàng quý mến,

Tôi rất vui khi lần đầu tiên nhận được thư của em.

Tôi không những đồng ý một mà đồng ý cả ba: sẽ có nhiều dịp cùng ngồi chuyện trò với em ở những nơi dễ thương như quán cà phê Thanh Thuỷ và sẽ nhiều lần viết thư cho em, gửi cả thơ phản ánh hiện thực do tôi sáng tác nữa. Tuy nhiên, tôi nghĩ cả ba điều đó chỉ có thể diễn ra sau khi Hồng Vàng đã thi đỗ vào đại học, chuyên ngành ngữ văn Việt, ở Đại học Tổng hợp hay Đại học Sư phạm, tại TP.HCM..

Thời điểm này, Hồng Vàng phải dồn hết thì giờ cho việc ôn thi, luyện thi, để vượt qua tuổi phổ thông trung học, bước vào tuổi đại học một cách thật vinh dự.

Cho tôi gửi lời thăm cô bé Cúc Trắng.

Một lần nữa, chúc em thành công.

Thân quý,

Nguyễn Phan Huyên”.

 

                                                                                                                                                      T.X.A.

                               TP.HCM., 10:19, 21-02 – 16:30, 22-02 HB13

 

ĐÃ GỬI ĐĂNG Ở TTTĐT. HỘI NHÀ VĂN TP.HCM.

22-02 HB13 (2013)

 

Chương I:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-i

 

Chương II:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ii  

 

Còn tiếp:

"Hậu chiến, không riêng ai" -- tiếp theo -- (III)

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE