h. Trần Xuân An - Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa - Tệp 8

 

trần xuân an

Nguyễn Văn Tường,

những người trung nghĩa từ xưa,

tưởng không hơn được

   author's copyright

07/01/09

 

A.

 

Lời thưa

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

 

B.

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

Phụ lục 3

 

 

C.

 

Ngoài sách

 

Cuối sách

 

 

____________

____________

 

Hình ảnh 1

 

Hình ảnh 2

 

Bản đồ

 

 

 

 

 

 

 

                             

 

TRẦN XUÂN AN

 

NGUYỄN VĂN TƯỜNG,

“NHỮNG NGƯỜI TRUNG NGHĨA

TỪ XƯA,

TƯỞNG KHÔNG HƠN ĐƯỢC

KHẢO LUẬN VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH SỬ HỌC

 

 

 

 

  

Nhà Xuất bản  

2003

 

(trước và chính xác là từ 02-7-2002)

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

25. Vụ phế truất, thi hành án vua Hiệp Hoà cùng Trần Tiễn Thành và những kẻ đồng mưu câu kết với thực dân Pháp, tháng 10 Quý mùi (tháng 11.1883):

 

“Ngày đinh sửu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết phế vua và giết đi, và giết cả đại thần Trần Tiễn Thành; lập hoàng tử thứ 3 lên làm vua.

Trước đây, phế đế đã nối ngôi, Tường, Thuyết cậy công tôn lập lên, việc gì cũng chuyên quyền làm bậy [chủ chiến là làm bậy?!? – TXA. ct.]. Vua ghét hai người ấy, muốn tước bớt quyền đi. Cho nên ngoài mặt vẫn hậu đãi, mà trong ức chế cũng nhiều, (như việc đổi Thuyết sang Bộ Lại, không cho giữ binh quyền; lại tờ tâu của 6 bộ, đều giao cho Nội các duyệt tâu, không chuyên giao cho hai người ấy). Gặp khi những người thân tín của vua là tham tri Bộ Lại Hồng Phì, tham biẹân Nội các Hồng Sâm mật mưu việc ấy; Tuy Lý vương Miên Trinh, huyện công Hồng Tu đều có dự mưu (Hồng Tu, Hồng Sâm đều  là con Tuy Lý vương). Tường, Thuyết đã biết việc ấy. Vua lại muốn dùng mẹo để 2 người giết nhau. Triệu Văn Tường vào nói chuyện, thì bảo Văn Tường là người trung thành, vẫn rất tin cậy; còn Thuyết rất là ngang ngược, dặn Văn Tường tìm cách bỏ Thuyết đi. Thuyết vào hầu, vua cũng nói thế. Hai người lại ra, đều đem lời nói ấy mật bảo nhau; nhân mưu việc bỏ vua mà lập vua khác.

Thuyết bèn lấy cớ là Thuận An sau khi thất thủ, phủ hạt Thừa Thiên nên tự tìm cách bảo vệ gia hương, phát hổ phù (*) ra mật sai mộ nhiều hương dũng (nhưng sai người thân tín là Kỳ nội hầu Hồng Chuyên, phò mã Đặng Huy Cát chia nhau cai quản) để phòng sai khiến. Người ngoài chưa ai biết cả. Gần đây phái viên nước Pháp nhân hoà nghị đến xin chầu yết, hai người kiếm cớ tránh mặt, không dự việc ấy. Vua lại đặc cách sai Tuy Lý vương chuyên đi lại sứ quán bàn bạc. 2 người ngờ vua đem mưu ấy dặn Tuy Lý vương cầu cứu với người Pháp. Bèn vào ngày bính tý là ngày 29 tháng ấy [**], lúc canh hai, các cửa hoàng thành, kinh thành đã đóng kín, Thuyết thu hết cả chìa khoá cửa. Bèn trước nói dối là đêm ấy nghe nói ngoài thành có bọn bậy bạ họp kẻ dị dạng, xin tự kiểm biền binh, mật phòng bị sẵn, biên ra giao cho quan trực hầu tâu lên. Rồi ngoài thì phát ra hổ phù, sai họp tất cả mộ dũng ở bờ phía nam sông Hương; trong thì đòi gọi các quân đều mang khí giới, do các viên Ông Ích Khiêm, Trương Văn Đễ đi trước, dẫn đến đóng ở Sở Tịch điền. Cho mời văn võ đình thần người nào hiện ở ngoài hoàng thành cũng đến công đường Bộ Hộ (chỗ Văn Tường ở). Hai người bảo rằng: “Lãng quốc công nối ngôi đến nay, làm việc phần nhiều trái phép cũ, lại gần gũi người bậy (ngầm chỉ bọn Hồng Phì, Hồng Sâm, Hồng Tu), người đều không phục. Nay nên xin bỏ đi, đón hoàng tử thứ 3 lên nối nghiệp lớn”. Lúc bấy giờ các quan đều vốn sợ uy lệnh của 2 người ấy, không ai dám nói điều gì khác. 2 người bèn một mặt dự làm tờ tâu, một mặt đem văn võ đình thần chuyển đến Sở Tịch điền, (duy có thượng thư Bộ Công là Đoàn Văn Hội cáo ốm không đến); sai đem tờ tâu lấy chữ các quan ký tên. Lúc bấy giờ đã trống canh tư. Bèn sai Hậu quân là Nguyễn Hanh, thị lang Bộ Binh là Lê Đại, trích phái biền binh đi đến nhà Dưỡng Thiện ở Khiêm lăng, (hoàng tử thứ 3 nguyên ở Dưỡng Thiện đường, ở bên hữu nhà Duyệt Thị gần đấy; rước linh cữu tiên đế để ở điện Hòa Khiêm tại Khiêm cung, Hoàng tử thứ 3 theo đến ở nhà quan xá ngoài cửa Vụ Khiêm, nhân thể cũng gọi [nhà quan xá ấy – TXA. ct.] là Dưỡng Thiện đường), đón hoàng tử thứ 3. Lúc mờ sáng, về đỗ ở điện Quan canh Sở Tịch điền. Hai người cùng các quan ở Sở ấy đều lần lượt lạy mừng.

(Khi ấy bọn Hanh mới đến đón, hoàng tử thứ 3 rất sợ hãi; bọn Hanh ôm lên võng rước đi. Đến khi về đến nơi, hai người nói với hoàng tử thứ 3 là xin lập lên làm vua. Hoàng tử thứ 3 nói rằng: “Ta còn bé, sợ không làm nổi”. Hai người nói rằng: “Tiên đế đã có ý ấy, nhưng chưa kịp làm. Nay là mệnh trời vậy. Xin nghĩ đến tôn miếu xã tắc là quan trọng”).

Đến sáng rõ, (tức ngày đinh sửu là ngày 30 tháng 10), hai người thông báo cho các quan hiện túc trực đêm ấy ở trong Nội (văn trực thần là tham tri Hà Văn Quan, võ trực thần là quyền chưởng doanh Hùng Nhuệ Trần Văn Cư, tham biện Viện Cơ mật là Hồ Lệ, tham biện Nội các là Lê Duy Thụy, thị vệ sứ đại thần là Tiền quân Tôn Thất Thạ) đều đến họp. (Lúc bấy giờ Đoàn Văn Hội cùng đến).

Khi đồng hồ 5, 6 chuyển, vua mới biết là có sự biến; hỏi đến những người trực thần, thì chỉ có vài người cung Thái giám; vội vàng thất thố, không biết làm thế nào, chỉ phải dự phê tờ chiếu nhường ngôi, để đợi.

Đến giờ mùi, hai người đón hoàng tử thứ 3 vào Viện Cơ mật tạm nghỉ; và đem tờ tâu bỏ vua cũ, lập vua mới, tâu lên Từ Dụ thái hoàng thái hậu, lấy ý chỉ để thi hành; lại sai mở cửa mạn tây nam (ngày hôm ấy cửa 4 mặt kinh thành đóng kín cả ngày); cho gọi các hoàng thân, cũng lục tục vào Tả vu. Đến nơi thì ai cũng im lặng, chỉ trông nhau mà thôi.

(Duy Tuy Lý vương, Hồng Tu, Hồng Sâm ở ngoài, nghe biết tin sợ bị vạ lây, bèn đem gia quyến đến chỗ phái viên Pháp đóng ở Thuận An cầu cứu. Hoằng Hoá công Miên Triẹân, Hải Ninh quận công Miên Tằng cũng sợ hãi đi mất. Sau đấy vài ngày Hồng Phì đi công sai ngoài Bắc về, đến đầu địa giới Quảng Trị, nghe biết tin tự cho là nguy, lập tức thuê thuyền đến hội với Tuy Lý vương. Sau vì phái viên Pháp giao trả về, cùng với Hồng Tu, Hồng Sâm, đều bị nạn).

Lúc bấy giờ, vua sai thái giám là Trần Đạt đem tờ chiếu nhường ngôi, yêu cầu lui về chỗ phủ cũ. Hai người giả cách nhận lời, sai Tôn Thất Thạ đem võng đưa vua cùng phi tần nội cung cho về phủ cũ (ở địa phận xã Phú Xuân), nhưng mật dặn riêng Ích Khiêm, Văn Đễ trực [:chực – TXA. ct.] trước ở ngoài cửa Hiển Nhân, đón đường, sai đưa đến nhà Hộ thành, cho uống thuốc độc giết đi.

(Hộ thành nha nguyên trước là Dục Đức đường, mới đổi tên. Lúc bấy giờ, những phi tần đã cho về trước, để hộ vệ đưa vua. Khi đến đấy, Ích Khiêm, Văn Đễ cho thuốc độc vào nước chè dâng lên; vua không chịu uống. Văn Đễ ra lạy khóc, khuyên rằng: “Vua tôi đến lúc biến không thể làm thế nào được”. Vua nói rằng: “Ta lại không được bằng Thụy quốc công à?”; còn lần chần không uống. Ích Khiêm bèn đem nước chè ấy đổ vào miệng vua; lập tức phát lên như người phải gió. Một lúc lâu, Trần Xuân Soạn ra truyền nói rằng: “Nếu để chậm quá, sẽ phải tội nặng”; lập tức lấy tay bóp họng, vua lè lưỡi, lồi mắt ra, rồi vua mới chết. Đến lúc đưa vua về phủ, thấy chỗ cổ họng vua sưng như cái cung giương lên, ai cũng lấy làm lạ).

Ích Khiêm, Văn Đễ vào bảo rằng: “Lãng quốc công đến đấy đã uống thuốc độc chết rồi”. Hai người bèn rước hoàng tử thứ 3 vào ở điện Hoàng Phúc, đợi sẽ chọn ngày tốt, tôn lên làm vua.

Trần Tiễn Thành cùng hai người ấy vẫn không bằng lòng nhau. Trước đây vì việc tuyên chiếu, đã bị 2 người tham hặc diếc móc, giận không quên được. Bọn Hồng Phì mật tâu xin bỏ cường thần, Tiễn Thành cũng có đi lại mật với nhau. (Tiễn Thành đêm thường ngầm đến dinh thự Hồng Phì bàn kín với nhau). Hai người đã biết. Cho nên việc Tiễn Thành cáo ốm xin về nhà riêng, đều do hai người bắt buộc. Đêm hôm trước họp nhau ở Sở Tịch điền, 2 người cũng có đem bản thảo tờ tâu đến tường với Tiễn Thành, yêu cầu phải theo làm việc ấy. Tiễn Thành lại khước từ, nói rằng: “Bỏ vua nọ lập vua kia, sao có thể làm mãi? Tôi đã bãi chức về nhà, không dám dự việc ấy”. Hai người lại càng ngờ mà ghét. Nhân thể đêm ấy cũng sai người đến giết Tiễn Thành ở nhà riêng (nhà ở ấp Doanh Thị Trung).

Ngày hôm sau (tức là mồng 1 tháng 11) hai người tâu xin chôn vua bằng lễ nghi quốc công, giao cho phủ Tôn nhân chiểu lệ chôn cất. Còn Tiễn Thành thì do phủ Thừa Thiên khám biên cho là bị kẻ cướp giết chết. Đến lúc việc phát ra, ai cũng biết là do 2 người ấy sai người giết, mà chả ai dám nói ra”.

 

(ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 255 – 260).

 

(*) Hổ phù là tín hiệu để trưng triệu quân lính (chú thích của Viện Sử học).

[**] Về ngày 29.10 Quý mùi, xin xem thêm ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 63 – 64, đã có trích in trong phần phụ lục này. TXA.              

                                 

26. Dụ của vua Kiến Phúc (và hai vị phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết) về chủ trương và ý hướng kêu gọi đoàn kết lương, giáo, tháng 12 Quý mùi (tháng 01.1884):

 

“Vua lại cho dụ đạo Bình (*) [***] ở hai miền Nam – Bắc  cùng yên ổn.

Vua, lúc đầu, tiếp nối dòng dõi, vì việc đạo Bình ở các phủ hạt ở Thừa Thiên chưa yên ổn, ra dụ: “Đạo Bình đều là con đỏ của Triều đình, nên yên phận đợi lệnh của Triều đình, chớ nói nhăng làm bậy”. Một thời gian sau thì có thư của sứ Pháp là Săm-bô gửi đến, xin phái cử lính phủ đến bảo vệ giáo dân ở hai xã Thanh Tân và Sơn Quả. [Triều đình – Viện Sử học chua thêm (:VSH. ct.)] chuẩn y, lập tức phái cử (lính phủ) đến bảo vệ. Lại dụ các phủ thần chia nhau đi hiểu tập [giáo dân – VSH. ct.]. Sau đó, công tử Hồng Thành (là con của Chấn Định quận công Miên Trí) cư  tập đảng phái, thiêu đốt nhà cửa, giết hại giáo dân thuộc huyện Hương Trà, xã Dương Hòa: thiêu 89 hộ, giết hơn 20 người. Sự việc bị phát giác, án chưa thi hành, Thành bèn đổi ra họ mẹ, đợi đến ngày tế Giao đầu năm mới trảm quyết. Đảng ấy gồm bọn Trương Văn Đức, Trương Văn Định, đều đợi xét đem chém. Còn ngoài ra, đều phải tội đồ, tội lưu. Lại thông báo cho sĩ dân ở Quảng Trị biết để cảnh giới. Sau đó lại báo cho các hạt có nhiều đạo Bình [xung đột – TXA. ct.] từ Nam chí Bắc đều biết. Nhân đấy, lại ra lời dụ cho họ.

Dụ rằng:

“Trời ban ân huệ cho dân, vua phụng theo mệnh trời; những kẻ có tội hay vô tội, ta nào dám trái. Theo trí ấy thì đạo Bình nước ta, tuy đi con đường khác, nhưng cũng là dân của trời, cũng dòng giống, không có gì khác nhau. Xưa nay Triều đình vẫn coi trọng người theo lòng nhân, mọi người cùng nhau yên ổn. Nhưng gần đây, do sự kiện Bắc Kỳ, tin tức bay ra ngoài kinh đô, sĩ thứ, dân chúng nói càn, có kẻ bất bình vì hòa nghị [với Pháp – VSH. ct.], có kẻ phẫn nộ giết hại đạo Tả (*), bàn tán khắp đầu đường ngõ hẻm, ồn ào dao động, sao chẳng biết suy nghĩ sâu xa? Còn như đạo Bình là dân nước ta, chiến hay hòa đã có Triều đình lo toan. Còn như sĩ dân, nếu như có lòng trung nghĩa trong trắng, thì nên yên tĩnh mà đợi lệnh Triều đình. Ta đã lấy lòng trăm họ làm lòng mình, các ngươi sao dám đem lòng mình làm lòng ấy mà lại càn rỡ chia rẽ? Nhiều lần phân chia ranh giới? Các ngươi dám gây rối loạn, để tự mau chóng đi đến chỗ vong ơn. Lẽ thường, [ta – VSH. ct.] vỗ kiếm, giận dữ nhìn mà nói: “Các ngươi sao dám chống lại ta?”; nhưng sự dũng cảm của kẻ sất phu này, không những vô ích mà lại còn có hại. Trước đây, cái án đốt nhà, giết người ở xã Dương Hòa, phủ Thừa Thiên, qua phân giải, thì bọn đầu sỏ và tòng phạm đều đã chịu tọâi chém và tội lưu. Triều đình sao mà dung tâm được. Nay nghiêm sức cho bọn bầy tôi ở các phủ, huyện, tỉnh, từ Nam chí Bắc, lập tức đi xuống các hạt của mình, hiểu tập nhân dân, mọi người đều phải giữ yên phép tắc, không sai một tấc. Những kẻ ghét đạo tôn vương [**] và những người hiếu đạo tôn vương đều cũng được hưởng phúc thăng bình. Qua huấn sức này, nếu như còn chia rẽ, trừ bọn phạm tội ra, lập tức tăng cường thêm trọng trị. Bầy tôi ở tỉnh, phủ, huyện ra huấn sức không được nghiêm thì khó tránh phải tội lỗi, chớ nói là không bảo” ”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 58 – 59).

 

(*) Đạo Gia-tô (chú thích của VSH. ở cuối trang sách bản dịch).

[**]  Đạo Tôn vương: Đạo Thiên Chúa (?). TXA.

[***] “Dụ Đạo Bình”, phải chăng là Dụ Đạo (giáo dân) [và] Bình [lương dân]? Từ 1874, đạo tả, dữu dân đã được gọi là “giáo dân” (dân có sự giáo hóa), lương dân được gọi là “bình dân” (dân có lòng hòa hảo); hai từ này đối nhau, đẳng lập, không phản nghĩa. Xem thêm: ĐNTL.CB., tập 33, Nxb. KHXH., 1975, tr.122 – 123. TXA.

 

27. Tôn Thất Thuyết lập Phấn Nghĩa quân, được Nguyễn Văn Tường cho phép, tháng 12  Quý mùi (tháng 01. 1883):

 

“Tôn Thất Thuyết lập “Phấn Nghĩa quân”.

Lúc đó, Thuyết muốn lập lính chân tay riêng mình, bèn thương lượng với Nguyễn Văn Tường, nói rằng: “Tiến hành vào ngày 29 tháng 10 là quan trọng nhất” (*) . Hai viên quan này cùng với những đình thần đã dự biết trước nên ai nấy giao cho những người thân thuộc tham dự vào việc hiểu dụ các thân hào sĩ dân kết đảng làm theo. Lần này, qua chọn lọc số người trong đó mà ban thưởng. Ngoài ra tuy chưa được dự vào phái cử, nhưng đều vui lòng đáp ứng. Gần đây, nhiều người làm theo; nay các binh ngạch thiếu nhiều, nên nhân tình hình ấy mà thu dụng họ. Xin hội đồng Binh bộ xét tuyển dụng được bao nhiêu lính (nhưng không được khấu giản), chia làm vệ đội, lượng mà thiết lập quản suất, tùy số mộ được nhiều hay ít mà thưởng phẩm hàm, đặt tên là “Phấn Nghĩa quân”. Số quân đó được khao thưởng và đặt tên riêng; chiểu theo thứ tự, tuyển hai vệ tiên phong, nhưng vẫn lệ thuộc vào các viên quan mà hai vị thần đó ủy nhiệm cho để luyện tập và phân phái. Theo thời kỳ này thì hữu dụng, nên (Tường) cho phép.

Sau đó Thuyết cho Trần Xuân Soạn lãnh số quân ấy”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 63 – 64).

 

(*) Đó là ngày nhóm chủ chiến Triều đình Huế tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Hiệp Hòa cùng những kẻ đồng mưu, câu kết với giặc Pháp. Xin xem lại: ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH., 1976, tr. 255 – 260, đã trích in trong phần phụ lục này.

 

28. Tiếp tục thiết lập Sơn phòng Tân Sở, tháng 12 Quý mùi (tháng 01.1884):

 

“Di chuyển nha đóng ở Sơn phòng Quảng Trị cùng với nha ở phủ Cam Lộ.

Nguyên Nha Sơn phòng và Phủ Cam Lộ truớc đặt ở địa phận xứ Động Ngang, huyện Thành Hóa. Quan Cơ mật viện tâu rằng: “Sơn phòng của Quảng Trị có thể làm hậu lộ cho kinh đô. […] … Nơi liền với chỗ đất cũ này là ở trên địa phận xã Bảng Sơn, […], địa thế rộng rãi, có thể chứa được một khu kiến trúc lớn di về đây […], phủ, nha cũng xin chuyển đến phòng nội”. (Vua) chuẩn y.

Đến lúc ấy, bèn chuẩn cho đắp thành, đào hào, xây cất nha thự, kho súng, nhà lính, cùng với các toà kỳ đài, pháo đài, chọn nơi di chuyển trấn Lao Bảo […]; thiết lập nhà ở và làm việc cho các quan viên văn võ, đặt ra kho thuốc súng, nhà lính, xưởng voi.

Lại đặt ra kỳ hạn mua muối […] để phân biệt rõ người lạ, người quen […]; … đặt cơ Can Thiện để quản thúc bọn tù khẩn hoang ở đây, quyền suất đội chia đi đồn trú và đào hố để tránh nạn hổ dữ.

Thiết lập đồn Động Chu ([…] từ sườn núi lên đến đỉnh núi phải mất nửa ngày đường, khác nào chiếc thang lên trời […]; địa thế hiểm trở, cho nên đóng đồn ở đây).

Khai quặng sắt (gần sở phòng để tiện việc đúc). […] … (khi đó, sứ Pháp phái người đến xem bản đồ, nói là để chuẩn bị bản đồ toàn cảnh [(!) – TXA. ct.]).

Lại mở hai thượng lộ, phía nam thông đến kinh phủ, bắc thông đến Quảng Trị, sơn phòng, có lẽ ý ấy là muốn củng cố con đường phía sau để bảo vệ kinh sư vậy (tiếp đó, lại đem thuốc súng, vàng bạc, tiền nong về trữ ở (sơn) phòng ấy khá nhiều)”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 64 – 66).

 

29. Vua Kiến Phúc chết, 10 tháng 6 Giáp thân (31.7.1884):

 

“Vua không khỏe, tháng tư trước, ngọc thể vi hoà, đình thần đã xin vua tĩnh dưỡng, và chia nhau đi cầu đảo các linh từ; sau đó đã khỏe, nhưng chưa được bình phục như cũ; đến ngày mồng 7 tháng này, ngày kỷ mão, mới ngự điện Văn Minh, chịu lễ chầu mừng, ban thưởng lụa hoa cho các bầy tôi có sai bậc, rồi sau lại không được khỏe. Thái y tiến thuốc, không thấy công hiệu. Ngày mồng 10, nhâm ngọ, bệnh kịch; giờ ngọ hôm ấy vua mất ở chính điện Kiền Thành. Hoàng thái phi bèn vời bọn Tôn nhân phủ Miên Định, phụ chính phủ thân đại thần Hồng Hưu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và Hộ bộ thượng thư Phạm Thận Duật, truyền bảo hoàng đế di chúc rằng:

“Hoàng đế đức mỏng, có em là Ưng Lịch có học có hạnh, hoàng đế như có mất đi, truyền bảo tôn nhân phụ chính nên lấy Ưng Lịch vào nối ngôi lớn, để phụng tôn miếu; lại đại lễ tiên hoàng đế chưa xong, và lấy của dùng chưa sẵn, vậy hợp thành tang lễ châm chước làm được 4, 5 phần mà thôi, chớ cầu thể lệ”.

Bấy giờ, Miên Định công và phụ chính thân đại thần truyền lệnh cho biết. Tôn nhân phủ, văn võ đình thần bèn hợp từ tâu lên Từ Dụ thái hoàng thái hậu; hoàng thái hậu rước công tử Ưng Lịch (là con thứ 5 Kiên Thái vương Hồng Hợi, biện phụng vương ấy), vào nhà tang xưng là tự quân, phàm việc tâu xin tuân hành; chọn ngày lành làm lễ tấn tôn (đó là vua Hàm Nghi) …”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 150 – 151).

 

30. Bản án về Ông Ích Khiêm, cái chết của ông, và sự gia ơn, khai phục cho ông của Triều đình, tháng 7 Giáp thân (21.8 – 19.9.1884):

 

“Phạm viên (*) là Ông Ích Khiêm chết ở nhà ngục Bình Thuận.

Ích Khiêm, mùa hạ năm ấy, vâng mệnh phải đi khám Sơn phòng Quảng Nam, bị bọn chưởng ấn là Đào Hữu Ích, Nguyễn Doãn Tựu đem việc chỉ hặc (tự tiện bắt lính kinh hơn 50 tên hộ tống và lấy công nữ, đuổi dân cư, xây nhà riêng) giao cho đình nghị; sau thành án, cách bỏ chức tước (nguyên Binh bộ thị lang, phong tước nam), phát đi Bình Thuận sung quân (theo về khoản tự tiện bắt người hỏi tội), thu hết ấn quan phòng cấp cho cũ, khóa tay giải đến chỗ đi đày; khi đi đường đến Quảng Ngãi, bị bệnh nghỉ.

(Nói: Đi theo việc bắt giặc, trải 150 trận, mình bị trọng thương, nay đi đường bị nóng, nhức đau, xin nghỉ lưu lại).

Tỉnh thần là Trần Nhượng y cho hạn xin ở lại. Bộ Hình cho rằng vì tình riêng, khinh thường pháp luật, tâu hặc, phạt Nhượng bị giáng 2 cấp, lưu lại làm việc; sai [Ích Khiêm – TXA. ct.] mỗi ngày phải đi hai trạm, hạn cho đi tới các tỉnh (Bình Định, Phú An, Khánh Hòa), không được hạn lưu lại một khắc; kịp khi tới chỗ đày, phủ thần là Lê Liêm an trí xuống ngục; Ích Khiêm tháng ấy chết ở trong ngục [**]; gia ơn miễn tội sung quân, khai phục Hàn lâm viện thị độc, chiếu hàm cấp tiền tử tuất.       

       

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 163 – 164).

 

(*) Phạm viên: viên quan bị tù (chú thích của VSH.).

[**] Theo một số tư liệu và theo tộc phả họ Ông, Ông Ích Khiêm đã tự sát trong nhà ngục. TXA.

       

31. Tiếp tục tăng cường Sơn phòng Quảng Nam, tháng 7 Giáp thân (cuối tháng 8 – tháng 9.1884):

 

“Tu sửa Sơn phòng Quảng Nam ở xã Dương Hòa, phủ Thăng Bình.

Đồng rừng thượng du có hàng muôn mẫu, đất rất màu mỡ, nhưng vì nước độc, khí nặng, gồm có giặc mán quấy nhiễu, đốc tiễu sứ là Trần Văn Dư xin tăng thêm việc hoàn tụ để cho thế lực tả kỳ được mạnh lên, nên sai tu lý, để chứa muối gạo cho nhiều. Lại định cuộc buôn quế Quảng, chọn những người có hiểu tiếng mán ấy sung làm. Phòng quan coi giữ công việc cấm những người ngoài cuộc không được giao dịch với người mán và vào trong làng mán bóc quế để thu lợi quyền riêng”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 165).                                

 

32. Thi hành án Dục Đức, tháng 9 Giáp thân (tháng 10.1884):

 

“Giáp thân, năm Kiến Phúc thứ 1 (1884), tháng 9, mùa thu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết dời để vua mới nối ngôi là Thụy quốc công xuống ngục, rồi giết ngầm đi. Tháng trước, Văn Tường và Thuyết tâu nói: “Gần đây Nha Vệ thành canh phòng hờ hững, nên tên Đình, Chuyên đã vượt được ngục. Vậy tự quân ở lâu Viện Thái y (nguyên tự quân trước bị giáng làm công tử, giam giữ ở đấy), cũng nên làm sớm đi, để khỏi sự trở ngại về sau; xin chuyển dời sang nhà ngục phủ Thừa Thiên để giam giữ cho được cẩn mật”. Tâu lên làm ngay [tâu với vua Hàm Nghi hoặc với Từ Dũ – TXA. ct.]. Các con trai con gái đều cho theo về với mẹ, giao về quê ngoại quản thúc. Nguyên phi Phan thị (tức là hoàng thái hậu ngày nay) bèn cùng với người con thứ bảy (tức là vua bây giờ) [:vua Thành Thái, trị vì trong suốt thời điểm phần sử các kỉ IV, V được biên soạn – TXA. ct.], con thứ 9 là Bảo Đóa (tức là hoàng tử thứ 9 bây giờ) cùng về xã Phú Lương. (Hoàng tử thứ 10 là Bảo Khiêm theo sinh mẫu là Nguyên Văn thị về ngụ ở xã Phú Xuân. Hoàng tử thứ 11 là Bảo Lỗi còn ở trong bụng. Tên các hoàng tử đều theo bộ “sơn”, lần này phải đổi theo bộ “thạch”; nay vẫn viết theo bộ “sơn”). Lương xướng do phủ Thừa Thiên đệ cấp. Rồi hai người bí mật sai không cho tự quân ăn uống. Đến ngày mồng 6 tháng ấy là ngày đinh mùi, giờ thìn, thì tự quân chết ở ngục. Người coi ngục cứ báo là chẳng ăn mà chết; bèn an táng ở cánh đồng xứ Tứ Tây, xã An Cựu, huyẹân Hương Thủy (nay dâng tên là An Lăng)”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 172 – 173).

 

33. Vụ Gia Hưng vương Hồng Hưu câu kết với giặc Pháp, lại can tội loạn luân có quả tang, tháng 9 Giáp thân (19.10 – 18.11.1884):

 

       

“Phụ chính thân thần Gia Hưng vương kiêm sung Tôn nhân phủ hữu tôn chính Hồng Hưu bị tội, cách chức tước, phải an trí ở phủ Cam Lộ.

Trước đây, Chấn Tĩnh quận công là Miên Trí tâu hặc vương ấy vì nhân việc tư bỏ việc công, tiết lộ quân quốc trọng sự, gia dĩ thêm thói dâm dục (cùng với công chúa Đồng Xuân can tội tước tịch, đổi theo họ mẹ là Hồ Thị Đốc, thông gian sinh con), mọi khoản giao cho Tôn nhân phủ hội đồng, phụ chính đại thần xét nghĩ; bèn giao Sở Túc vệ giam xét. Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết lại đem đủ tình trạng vua ấy tâu bày, xin cùng xét nghĩ một thể.

(Tâu nói: “Ngày tháng 6, Giản tông Nghị hoàng đế mất, bọn chúng tôi vâng tuân lời di chúc, chọn lấy ngày 13 làm lễ tấn quang. Trước một ngày đó, sứ cũ Pháp là Lê-na [Rheinart – TXA. ct.] uỷ cho ký lục Hinh tới dinh bọn tôi nói: Nếu tôn Gia Hưng vương lên làm vua thì y thuận nghe, bằng không thế thì y gây chuyện, đem hết gia quyến bọn tôi bắt tội. Bọn tôi trộm nghĩ vì việc lớn của Nhà nước, không dám đoái riêng, một mặt cứ y ngày làm lễ tấn quang, một mặt nói với vương ấy, bằng không tình gì, thì nên uỷ cho báo với sứ ấy đình chỉ, bớt việc, đừng nên ngăn trở sinh ngờ; nhưng vương ấy để lòng đã lâu, không chịu uỷ báo cho sứ ấy. Chước đó không thành, mới đưa thư cho quan binh ấy đóng ở miền Bắc. Ngày 22 tháng ấy, quan tham tán đóng ở miền Bắc xuất đem hơn 10 chiếc thuyền quân, đến Sứ quán đó, đe dọa, toan muốn sinh chuyện, và vào thành đóng giữ. Bọn tôi bất đắc dĩ phải nhấn nhún để định ngôi lớn, xin chuẩn cho quan ấy vào làm lễ tiến yết và cho quan binh ấy vào thành. Từ đó đi, Hồng Hưu lấy bịnh nằm rền trong phủ đệ, không để ý gì đến việc công; trong các hàng thân phiên đã có nhiều người cùng biết. Chấn Tĩnh quận công thửa nói thế cũng do lòng công phẫn. Nay phát ra việc này, tội án thật là sâu nặng, thế mà còn dám kéo dằng dai gần được một ngày. Lê-na hiện đóng ở cửa đồn Thuận An, liền về Sứ quán uỷ người tới dinh chúng tôi, bảo phải khoan tha cho Hồng Hưu về phủ, không thì y gửi điện về nước ấy, không khỏi lại sinh chuyện lôi thôi. Hôm qua tôi [*] và Nguyễn Văn Tường đi đến Sứ quán ấy (Lê-na về rồi), sứ mới [Lý Mai (Lemaire) – TXA. ct.] bảo rằng: “Trước đây về khoản làm lễ tấn tôn và việc Hồng Hưu có người không bằng lòng (ám chỉ vào Lê-na), đưa tin gièm pha đã nhiều. Nước ấy hẳn cũng sinh lòng thiên lệch, nay nên xử trí cho khéo. Vả nước ấy bảo hộ quý quốc, việc triều đã chẳng hề can dự. Duy có việc lớn là lễ tấn tôn cùng với phụ chính đại thần đều là việc quan trọng, nên cho viên ấy [khâm sứ đương chức – TXA. ct.] dự biết, thế mới hợp thể, rồi về sẽ báo tin về nước ấy, hẳn sẽ bằng lòng; còn tội án của Hồng Hưu, mặc dầu quý quốc xử đoán, viên ấy không dám nói các lẽ. Vả Hồng Hưu hệ thuộc là người ý thân của nhà vua, chung lòng nghĩa vui lo”. Xem như sứ Pháp thửa nói thửa làm, thì mối tình thông quan, thực đã không thể che được, duy đương lúc Nhà nước có tang, lòng người chưa định, Cung [Từ Dũ – TXA. ct.] đương lúc đau thương, bọn tôi không dám vào tâu, sợ phiền lòng thánh lo nghĩ mà làm cho dân chúng ngờ hoặc, nín náu lựa theo để nên việc lớn; nay can khoản ấy, vốn không dung giết, mà còn dám như thế, thực đáng khá sợ. Bọn tôi cùng bàn, nghĩ theo lời xin của sứ mới, do Viện tôi nghĩ soạn tờ tư, đệ giao cho sứ ấy và đem cái án của Hồng Hưu để tuân làm”).

Bèn chuẩn như lời tâu. Đến đây án thành, cách bỏ chức tước, phát đi an trí ở phủ Cam Lộ, Quảng Trị. Phòng (nhà) vương ấy có 7 công tử, giáng làm tôn thất, chia giao cho các tỉnh quản thúc. (Tôn Thất Huy, Tôn Thất Diễn an trí ở Cam Lộ; Tôn Thất Chuân, Tôn Thất Dũng giao về Nghệ An; Tôn Thất Linh, Tôn Thất Tân, Tôn Thất Vệ giao về Hà Tĩnh)”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 176 – 178).

 

                        [*] Bản tấu do Tôn Thất Thuyết viết và đọc. TXA.

 

34. Tiếp tục củng cố Sơn phòng Hà Tĩnh, dời đặt Nha Doanh điền Quảng Bình, tháng 10 Giáp thân (tháng 11 – tháng 12.1884):

    

Đắp thêm phòng Sơn phòng ở Hà Tĩnh.

Nguyên trước Phòng ấy ở huyện Hương Khê, trong tiếp với Quảng Bình, Quảng Trị, ngoài thông với Thanh Hoá, Nghệ An. Thượng du lại tiếp với Xiêm La. Nhưng lúc buổi đầu đóng giữ ở đấy chỉ phái có 300 người. Tự Nguyễn Chính sung làm chánh sứ và bọn phó sứ là Phan Trọng Mưu, tham biện là Phan Đình Phùng, trù tính xin làm, đã tư Viện thần chước định: Xây đắp thành luỹ, công đường, tư thất và các nơi kỳ đài, pháo đài; phái vệ binh 830 người chia ban đóng giữ, đặt súng gang, súng lớn 20 cỗ, súng vượt núi 50 cỗ. Phái quân thần cơ 2 đội, đổi phiên nhau phụ đóng giúp việc. Lại mộ lính Mán, tên nỏ thuốc độc, để đủ sai khiến. Phàm việc đều do Phòng thần chuyên làm; như có việc quân hay việc gì khẩn yếu, cho tỉnh thần họp bàn. Đổi đặt Nha Phó sứ ở Đồng Chi, huyện Hương Sơn, vì nơi địa thế bằng phẳng đủ giúp cho sự bền vững; mở hai con đường ở trên: phía nam thông với sách Thanh Lãng đến Sơn phòng Quảng Bình, phía bắc thông với huyện Thanh Chương, đến Sơn phòng Nghệ An.

Dời đặt Nha Doanh điền Quảng Bình.

Nha này ở trang Thanh Lăng, huyện Bố Trạch, phần nhiều thuộc về nhiều trùng núi, không có thung lũng gì. Từ Trần Văn Chuẩn sung làm sứ Nha ấy, sai khám vẽ đồ, xin dời về huyện Phong Niên […], đã do Viện thần tâu chuẩn y cho làm, dựng dinh thự, đắp luỹ đất, đặt pháo đài, đặt tham tá lại dịch, khuyên quyên tiền sung việc chi tiêu, như lệ ở các sơn phòng, mở hai con đường phía trên, phía nam thông với sông Tất  đến Quảng Trị, bắc thông cửa Bái Đức đến Hà Tĩnh”.

   

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 184 – 185).

 

35. Trước đêm Kinh Đô Quật Khởi, 22 – 23.5 Ất dậu (04 – 05.7.1885):

 

“Ngày ất mão, kinh thành có việc; Tôn Thất Thuyết kèm vua vâng mệnh 3 cung, ngự giá chạy ra miền Bắc.

Trước đây, đô thống tướng Pháp là Cô-ra-xy [De Courcy – TXA. ct.] đến Tòa Sứ xin dâng quốc thư làm lễ vào chầu yết, nhưng tức trước Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng tắt [đi không có nghi trượng đại thần – TXA. ct.] sang Sứ quán hội thương. Thuyết thác cớ không đi. Văn Tường một mình cùng Phạm Thận Duật đi. Tướng ấy không nghe, cố mời Thuyết; Thuyết sợ đi, hoặc có việc gì xảy ra chăng; sau bèn không đi; ngày thường cho quân Phấn Nghĩa làm tự vệ cho mình, lại nghiêm sức các quân dinh kiểm soát chỉnh đốn những đồ khí giới, Văn Tường với đình thần cho rằng đó cũng là thanh thế để phòng bị vậy. Đêm ngày 22 tháng ấy, Thuyết ngầm chia quân các dinh vệ làm 2 đạo …”.

                                                    

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 219 – 220; tiếp liền vào đoạn

trích tiếp theo).

 

36. Cuộc Kinh Đô Quật Khởi, khuya 22 rạng ngày 23.5 Ất dậu (04 – 05.7.1885):

 

“… Đêm ngày 22 tháng ấy, Thuyết ngầm chia quân các dinh vệ làm 2 đạo: Một đạo sai em là Trị phòng tham biện (nguyên ở Phòng, Thuyết sức về) Tôn Thất Lệ cai quản, nửa đêm sang đò sông Hương hợp cùng với bọn thủy sư đề đốc và hiệp lý đánh úp Tòa Sứ; Thuyết cùng với bọn  Phấn Nghĩa chưởng vệ là Trần Xuân Soạn làm một đạo đánh úp Trấn Bình đài, doanh nam Pháp.

Nguyễn Văn Tường không biết chi hết.

Thuyết phân bổ xong, bèn ở lúc đầu trống canh tư (tức ngày 23) bắt đầu nổ súng ở đài Trấn Bình, tiếng kêu vang động.

(Khi ấy Văn Tường ở Bộ Lại đương ngủ. Binh Bộ thự tham tri là bọn Hoàng Hữu Thường nghe tiếng súng nổ, tức thì đến gõ cửa báo Văn Tường biết. Tường dậy, sợ nói: “Nguy rồi!”, bèn vội vàng gửi tâu xin mở cửa Hiển Nhân và cửa Đại Cung, chạy vào Tả vu, nhưng không biết làm thế nào).

Quân Pháp đóng cửa chặt, lẻn nấp đợi sáng, nhưng từ từ nổ 1, 2 tiếng súng lớn.

(Thuyết khi ấy ở vườn sau điều khiển, Xuân Soạn ủy người báo cho đài Trấn Bình biết quân Pháp đã bị súng ta bắn chết hết rồi; tiếng súng lớn bắn, tưởng là súng quân Pháp ở ngoài sông đài Trấn Bình bắn vậy).

Thuyết lại sai vần súng lớn lên thành chỉ bắn Tòa Sứ. (Cũng bị phá vỡ hai nơi). Đạo quân Tôn Thất Lệ cũng phóng súng bắn cháy các nhà tranh gần Tòa Sứ.

Tới lúc sáng rõ, quân thủy lục của Pháp đều họp súng lớn, xe máy để ở trên đài và trên cột buồm tầu, bắn liền mấy tiếng, ầm ầm như sấm và đạn bay rơi xuống, bị thương trúng chết khá nhiều, và rơi vào các cung điện nhà cửa ở trong hoàng thành và cung thành, gián hoặc có xuyên hoại; bọn lính Pháp lại chia nhau từng toán, đem súng tay ngang ngược bắn phá; 2 đạo quân ở trong và ở ngoài của ta bị tan vỡ cả; trong thành rối loạn).

Văn Tường tâu xin vua và xa giá 3 cung đi ra Khiêm cung tạm thời lánh loạn; (khi ấy Văn Tường đã vào bên tả vu, một lát xin mở cửa Hoà Bình đến chỗ Thuyết điều khiển, nhìn trông biết là thất bại rồi, lại vào Tả vu tâu xin vua xuất hành; trong khi vội vã, chỉ soạn được cái ấn ở ngự tiền, văn lý mật sát và ấn kiềm, 2 quả, với hạng để vàng bạc, đồ đệ đem theo); dùng hữu quân đô thống là Hồ Văn Hiển phù xe; giờ thìn hôm ấy bắt đầu từ cửa tây nam ra.

Văn Tường vâng ý chỉ của Từ Dụ thái hoàng thái hậu và lưu lại giảng hòa, tức thì đi tắt vào nhà thờ đạo Kim Long.

Thuyết ra sau gặp giá, bèn một mình hộ chuyển đến Trường Thi (ở xã La Chử), nhân kèm đi ra ngoài bắc. Thự hiệp biện đại học sĩ là Phạm Thận Duật, thự tham tri Trương Văn Đễ, và Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Lệ đều đi theo xa giá. (Khi đó tùy giá chỉ có xe loan và lính biền binh lẻ tẻ chầu chực trên dưới ước 100 người, còn dư các dinh vệ, sau khi thua trận đều tức tìm đường tản về quê quán).

Giờ ngọ, mới đến xã Văn Xá; nghỉ một chút, Thuyết tức thì kèm vâng mệnh vua, đêm qua tình hình vua phải ra đi thông báo cho thiên hạ cần vương [*]; lần lượt tư cho Nam, Bắc tuân làm.

Ngày bính thìn, vua cùng với xa giá 3 cung đến tỉnh Quảng Trị; dừng nghỉ ở hành cung …”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 220 – 221 [tiếp liền đoạn

trích tr. 219 – 220 phía trên]).

 

[*] Đây là Thông tư Cần vương, không phải là Dụ Cần vương duy nhất và chính thức được viết và phát đi vào ngày mồng 02 tháng 6 Ất dậu (13.7.1885).

 

37. Tình hình ở Huế sau khi vua Hàm Nghi và 3 cung cùng Tôn Thất Thuyết đã đi khỏi, sáng 23.5 Ất dậu (sáng 05.7.1885):

 

Đương lúc xa giá nhà vua đã đi rồi, quân Pháp lên kỳ đài treo cờ hiệu tam tài; súng bắn vẫn còn ầm vang; quan lại, nhân dân giành nhau tìm cửa chạy ra, rồi tự dày xéo lên nhau, chết và bị thương rất nhiều. Quân Pháp bèn đốt hai bộ Lại và Binh (nguyên là nơi Văn Tường và Thuyết ở đó), và thuốc đạn khí giới bốc lên xông trời (2 ngày đêm không tắt), chia giữ các cửa thành trong ngoài và các kho tàng, cung điện. Ngày phát gạo kho, thuê vát những dân còn ở trong thành và những bọn ở ngoài lẻn vào (đều là đồ vô lại nhòm vào toan lấy đồ đạc của quan tư còn bỏ sót lại), sửa đắp các trại lính làm nơi trú đóng, và nhặt chôn, hoả táng các xác bị chết và bị nạn ở lúc trận vong. Dưới đô thành, nơm nớp sợ chạy”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 222).

                            

38. Theo sắc chỉ của Từ Dũ, Nguyễn Văn Tường giảng “hoà” với De Courcy qua trung gian môi giới của giám mục Caspar, 23.5 Ất dậu (05.7.1885):

 

Văn Tường hôm ấy đã vào nhà thờ đạo Kim Long, bèn cùng với giám mục Lộc [Caspar – TXA. ct.] thương thuyết, cùng đến Tòa Sứ trần tình, cùng bàn nỗi khổ với đô thống Pháp, lại xin giảng hòa. Đô thống ấy cũng nghe lời, dặn phải rước ngay vua và Tam Cung hồi loan về triều.

Buổi chiều hôm ấy, Văn Tường bèn bàn với quan Pháp vào thành tạm đóng (đóng ở trong nhà Bộ Hộ).

Hôm sau (tức là ngày 24) bèn hội đồng yết thị cho 2 nước hòa hảo như cũ. Nhưng cho ở trong thành là không tiện, lại bàn ra Nha Thương bạc, tạm đóng ở đấy làm việc. Bèn đem hiện tình giảng hòa phi tấu nơi hành tại và thông báo cho Nam, Bắc biết.

Lúc đó, trong đô thành nhân dân hãy còn nhốn nháo sợ hãi; bọn gian đồ, phần nhiều đi cướp bóc ở ngoài mặt phố và các nơi làng xóm. Văn Tường nghiêm sức đi tuần ngăn cấm. Viên huyện Hương Trà tức thì bắt được vài tên phạm ở 2 chợ Nam Phố, An Hòa, đem chém đầu bêu ngay để cảnh cáo, các bọn khác nghe tin đều xẹp cả”.

      

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 222 – 223).      

                            

39. Nguyễn Văn Tường ủy nhiệm Phạm Hữu Dụng ra Quảng Trị bàn việc với Tôn Thấât Thuyết, tâu vua biết, định rước xe vua về, ngày 24 – 25.5 Ất dậu (05 – 06. 7. 1885):

 

“… Văn Tường lại ủy Binh Bộ thị lang là Phạm Hữu Dụng thân đến hành tại, đem hiện tình bàn với Thuyết, tâu vua biết, định xin rước xe vua về; Hữu Dụng đến bị Thuyết ngăn cản. (Thuyết không tâu vua, nhưng dặn Hữu Dụng về báo với Văn Tường, phải nên đoàn kết với quân Pháp; [Pháp – TXA. ct.] không lại lấn áp như trước, thì mới đón xe vua về). Hữu Dụng sợ Thuyết, bèn từ về ngay, không dám tâu vua biết …”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 223).

                            

40. Tình hình Thừa Thiên và cả nước, 27 – 29.5 Ất dậu (09 – 11.5.1885):

 

“Riêng một hạt phủ Thừa Thiên, vì có Văn Tường ở đó giảng hòa và hay hiệu lệnh ngăn cấm, hơi nhờ được yên; còn dư các hạt Nam, Bắc, thì bọn côn đồ tụ họp, cướp bóc nổi lên. Lương, giáo ngày thường thù nhau, sinh ra tàn sát lẫn nhau, nơi nào cũng có. Đô thống Pháp lại yêu cầu Văn Tường để chiêu tập quan lại, thôi bắt binh dân, hiểu bảo cho lương, giáo Nam, Bắc cùng yên và cấm sự xảy ra trộm cướp, hạn đến tháng 2 [ nhị nguyệt: 2 tháng  – TXA. ct.] là thanh thiếp”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 223).

                            

41. Tập tâu Nguyễn Văn Tường đệ gửi 3 cung về việc hồi loan (về Huế), 02.6 Ất dậu (13.7.1885):

 

“… Tuần phủ Quảng Trị là Trương Quang Đản vẫn bàn cùng Lương Thành, cho thành Quảng Trị là nơi phong trần, nghĩ xin 3 cung hồi loan, đã tư cho Văn Tường biết làm. Văn Tường được tin báo, bèn gửi thư đến khâm sứ Pháp là Tham-bô [De Champeaux – TXA. ct.] trình bàn với đô thống Cô-ra-xy [De Courcy – TXA. ct.] thoả nghĩ phúc làm. Ngày mồng 2 tháng ấy, tức tâu đệ trước xin ba cung hồi loan ở Khiêm cung, cho yên lòng dân, tịnh uỷ cho biện lý là Trương Như Cương, Tôn Thất Niêm kính đến rước.

(Tập tâu lược rằng [*]:

“Thần là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết vâng di mệnh tiên đế cùng sung chức Phụ chính, nay mà hỏng việc, tội thần không nói sao cho hết. Nhưng thần cũng không tưởng rằng Tôn Thất Thuyết lừa dối mình như thế; đến 3 cung tuổi già, nhà vua còn trẻ, lặn lội gió bụi, chịu làm sao nổi. Huống chi kinh thành, miếu điện, lịch đại sơn lăng, một buổi bỏ đi như không, lòng thần tử chịu sao được sự chua xót ấy, nên thần phải tuân theo sắc văn, đem thân lăn lộn ở đây, cùng với quan Pháp đi lại, vì bản tâm của thần, nguyền cùng với xã tắc mất còn, không dám lìa bỏ vậy. Nay tiếp tờ tư của Trương Quang Đản tỏ bày mọi lẽ, đã gửi thư cho khâm sứ Pháp; cứ theo lời phúc tư thì đô thống đại thần rất mong rước vua về. Cũng mong giữ gìn cung điện như cũ. Duy trong thành ấy chửa tĩnh, cũng có người ngầm muốn nổ súng, bằng rước vua vào thành, sợ có chưa tiện, xin hãy ngừng nghỉ ở Khiêm cung. Đô thống ấy xin phái 100 hay 200 quân ở ngoài canh chực, để giữ khỏi sự quan ngại, nhưng bọn quân ấy nên dùng thứ ăn như trâu, dê, gà, vịt mọi thứ, ta cũng ưng cho. Thần trộm chiểu cung điện trong thành dẫu còn như cũ, nhưng số quân Pháp ở đó khá nhiều, chưa được yên lặng, xin trú ở Khiêm cung, tưởng cũng thoả thuận. Thần nghiệp dĩ phái người kiểm soát chỉnh đốn, tịnh uỷ bọn thần là Trương Như Cương đi Quảng Trị chực đón hỗ tòng. Cúi xin mệnh giá hồi loan, để yên lòng dân”.

Cuối cùng viết niên hiệu, mượn dùng ấn quan phòng của khâm sứ Pháp).

Từ Dụ thái hoàng thái hậu và lưỡng cung chuẩn như lời tâu, lấy ngày mồng 3, ất sửu, thì hồi loan. (Phủ thần là Trương Quang Đản đem quan quân, binh phu tỉnh ấy theo đi hộ tống). Ngày mồng 5, đinh mão, về đến Khiêm cung …”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 224 – 225).

                             

[*] Xin xem lại: Chú thích (2), bài khảo luận “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi (05.7.1885)”, phần đầu sách này.      

 

42. Mật dụ của Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về Nguyễn Văn Tường, cùng một ngày phát Dụ Cần vương, 02.6. Ất dậu (13.6.1885):

 

“… Tôn Thất Thuyết còn giữ giá vua còn đóng ở Phòng Quảng Trị, đã kèm vua ra Lệnh dụ Thiên hạ cần vương, lại sẽ dụ bảo Nguyễn Văn Tường và yên ủi những người họ mạc ở trong kinh, đều một đạo, do đường dịch lộ chuyển chạy về kinh. (Khi ấy tự Phòng đến kinh ống trạm còn chuyển đệ được). Đó đều là việc từ mồng 7 tháng này trở về trước.

Ngày mồng 2 dụ Văn Tường, lược nói:

“Y [Cô-ra-xy (De Courcy) – TXA. ct.] thấy ta càng khuất, y càng ngày càng lấn, khiến Triều đình không còn mặt mũi nào, vạn bất đắc dĩ mà ta mới phải làm cái kế bỏ thành đi ra ngoài. Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta cùng quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản. Trời đất thực cũng chứng giám. Ngươi nên khéo thể tấm thịnh tình của tiên hoàng đối với nước láng giềng rất có thuỷ chung và cùng y giảng rõ về lý thế, cân nhắc về lợi hại, hết lòng thoả hiệp [:hiệp bàn thỏa mãn đôi bên, không phải “thỏa hiệp vô nguyên tắc” – TXA. ct.], phàm những khoản gì bách thiết, chung nhau bàn đổi, cốt khiến cho 2 nước như anh em, vinh nhục cùng quan hệ, vui lo cùng chung nhau mười phần chân thành, không còn dùng đến uy thuật. Lúc này ta mệnh cho hồi loan, trên để phụng dưỡng ba cung, dưới để yên lòng thần dân, khanh cùng với Tôn Thất Thuyết trung trinh chói lọi, muôn thuở cùng sáng, những phường nịnh tử gian phu, đều phải lặn hình giấu bóng. Nam triều ta há chẳng hân hạnh ư, nước Đại Pháp chắc cũng vui vẻ mà cùng giữ lấy cường thịnh vậy.

Nếu không như thế thì các miếu xã lăng tẩm và các vương công không kịp đi theo ấy thì hết thảy uỷ cho khanh. Ta duy có chọn đất lánh ở, sợ trời vui trời, rường cột cương thường, cả nước cùng thế, không đâu không phải là Triều đình và không phải là tôi con vậy. Trẫm quyết không cùng với họ tranh được thua vậy.

Tình thế ví lại không thôi, trẫm nguyện phái thêm cán viên, lấy đường đi khắp các nơi, nghiêm sắc cho Ninh Bình trở về phía bắc, bao nhiêu quan tỉnh, phủ, huyện đều để ấn lại mà đi, người nào như có trung nghĩa tài lược không kể quan hay dân, đều cho được tiện nghi làm việc [nhân dân, sĩ phu khởi nghĩa – TXA. ct.], cốt không phụ tấm lòng tốt của triều đình dưỡng dục, tác thành, yên được bóng thiêng liêng ở trời của liệt thánh, và đáp phó được nguyện vọng [khởi nghĩa chống Pháp – TXA. ct.] tha thiết của thần dân trong nước. Khanh nên nghĩ cho kỹ nhé, có muốn nên tâu đối, thì gởi theo đường trạm chờ xét cũng chẳng hại gì””.

     

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 225 – 226).

                             

43. Mật dụ của Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về hoàng tộc, ngày 07.5 Ất dậu (18.7.1885):

 

“Ngày mồng 7, dụ các người trong họ, đại lược nói:

“Dụ Thọ Xuân vương, phụ chính Hoài Đức công và các bọn hoàng phiên, công chúa nghĩ coi: Nước Nam ta nhiều lần bị kẻ khác bức hiếp nhiều khoản, phàm có tai mắt khí huyết không ai là không uất ức buồn rầu, chẳng riêng người trong họ ta mà thôi. Trẫm vâng di mệnh của tiên quân, và các vương công phụ thần cùng suy tôn lên quyền giữ việc nước. Phàm có trăm điều đều duy kiến nghị, phải ấy thì theo. Trẫm tuổi trẻ, kiến thức chưa rộng, dám đâu chuyên trái việc gì, cho nên hễ khi tiếp được thư của nước Đại Pháp gửi đến khoản gì, nếu quá lăng nhục và yêu sách quá đáng, nhân tình không thể chịu được, mật nghe vương công và các phụ chính khuyên bảo, không đâu là không cưỡng tự đau đớn nín náu, chịu theo êm việc, vì muốn bảo toàn xã tắc, để họ mạc lâu dài hưởng tôn quý giàu sang vậy. Không ngờ sứ Pháp ngang ngược ngày thêm, không còn được chút quốc thể, cúi xuống đất, ngửa lên trời, xiết bao hổ thẹn, vạn bất đắc dĩ mà phải làm ra việc này; quay nhìn nơi lăng miếu và các bậc ý thân, thực không biết bao nhiêu là tưởng nhớ, chả biết trong tôn tộc từng có tin đến sự lo xuôi nghĩ ngược của ta không? Nay đã có phụ chính huân thần là Nguyễn khanh [tức là Nguyễn Văn Tường – TXA. ct.] ở lại giảng nói, che chở nhiều việc, hơi được yên ổn; huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được. Trẫm cũng dụ cho đại thần ấy hết lòng bàn tính công việc, tâu chờ quyết định. Vương công đều là cốt nhục chí thân, đều nên thương ta khổ tâm, thể tất ta vô cùng. Phàm việc gì cùng với Nguyễn khanh châm chước thoả đáng, cốt không trái với cương thường của trời đất. Nên được nền bình trị lâu dài của quốc gia, ngõ hầu để được tiếng thơm muôn đời, thế là lành lắm, tốt lắm. Trời đất dài lâu, gặp nhau có hẹn. Nước nhà suy thịnh, gặp hội đổi thay, càng nên trân trọng di dưỡng, để yên tấm lòng xa của người tuổi trẻ. Còn ra sẽ uỷ cho Nguyễn khanh sẽ vì ý thân điều đình cho thoả đáng, vụ được như thường. Phàm người họ ta, cần tin lời ta nhé, thế thì ta mới yên lòng””.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 226 – 228).

                            

      44. Thọ Xuân vương Miên Định làm giám quốc, ngày 08.6 Ất dậu (19.7.1885):

 

“Ý chỉ 3 cung chuẩn cho Thọ Xuân vương là Miên Định quyền coi việc nước; phàm việc tâu suốt 3 cung, xin chỉ tuân hành …”.

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 229).       

                            

45. Dụ của Từ Dũ, tháng 6 Ất dậu (tháng 7.1885):

 

“… Trong khi vội vã, phụ chính đại thần là Nguyễn Văn Tường, tức thì đem lão cung và xe vua ra thành tạm lánh. Ta nhân dặn thầm đại thần ấy rằng: “Lui cùng với quan Pháp ở trong bàn tính; may được nghe lời và sớm tan quân” …” [*].

 

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 230).

                            

[*] Trích tiểu sử Nguyễn Nhược thị Bích:

“… Năm 36, Dực Tôn Anh hoàng đế lên chầu trời, vâng ý chỉ 2 cung, sắc dụ đều cho tay thị ấy làm. Năm Hàm Nghi thứ nhất, tháng 5, kinh thành có việc, đi theo 2 cung đi Quảng Trị có bài hát quốc âm Xe vua vào đất Thục [Đường Minh Hoàng tránh loạn đi vào Thục – VSH. chú thích]. Ngày 2 xe cùng về, các sắc phụng chiếu thư, cầm bút viết xong ngay, việc gì cũng xứng chỉ. Năm Thành Thái thứ 4, kính vâng từ chỉ, nghĩ công khó nhọc, tấn phong tam giai Lễ tần. Năm Duy Tân thứ 3, tháng 11, thị chết, thọ 80 tuổi” (Đại Nam liệt truyện, tập 3, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr. 78). TXA.

 

46. Bản tấu của Nguyễn Văn Tường phúc tâu lên Từ Dũ thái hoàng thái hậu, khoảng từ 16 – 19.6 Ất dậu (tháng 8.1885):

 

“Ngày 23 tháng trước, có việc xảy ra. Chiều hôm ấy, thần bàn với quân Pháp vào thành tạm đóng. Ngày 24, hội đồng quan Pháp, yết thị hai nước đã hòa hảo như xưa, quan lại binh dân đều về như cũ.

Từ sau đi, thần hỏi các nơi ở ngoài: từ ngày 23, 24 trở đi, những xã ở gần kinh thành, gián hoặc có bọn cướp bóc nổi lên; đến ngày 26, thần sức cho các viên huyện, rọâng đi tuần trập, bắt được 2, 3 tên phạm, đem chính pháp ngay. Từ đấy đi, bọn côn đồ sợ có uy lẹânh của Triều đình, dần phải liễm chấp; hiện nay dần được ninh thiếp, dân được yên ở; tin tức các tỉnh Nam, Bắc, gần đây đều được cùng thông, cũng không có việc gì khác. Duy [:chỉ mỗi một; chỉ riêng một – TXA. ct.] có Lê Trung Đình tỉnh Quảng Ngãi nổi loạn, rồi cũng yên tĩnh.

Binh dân trong ngoài kinh thành bị thương, chết rất nhiều; người bị thương đều đã lục tục về quê, còn người chết thì quan binh Pháp hoặc đốt đi, hoặc chôn cất, nay đã sạch sẽ.

Đến như điều khoản nghị hoà, quan Pháp bàn nói: Chờ khi rước hoàng thượng hồi loan, giao trả thành trì, mới có thể bàn định được.

Lại như quan viên trong ngoài, gián hoặc có người tài, có người không tài, vốn nên cất, bỏ. Nhưng nay ngôi lớn trong kinh chưa định, hiệu lệnh chưa thống nhất, sự thưởng phạt chưa nên vội ra, xin chờ sau sẽ làm. Và khởi dùng người cũ là việc cần kíp hiện nay, là duy Đình Túc, tuổi gần 80, đi đứng thế khó khoẻ mạnh, Hoàng Tá Viêm, Vũ Trọng Bình lại bị bọn kia ngờ ghét, cũng khó giảng giải. Việc nhiều nguời ít, không biết làm sao, thần chỉ biết hết lòng hết sức thôi. (Việc Lê Trung Đình chép ở dưới)”.

     

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 233 – 234).

                            

47. Nguyễn Văn Tường đấu tranh với De Courcy, De Champeaux, Nguyễn Hữu Độ về vấn đề bố trí quan chức ở Bắc kì, cuối tháng 6 Ất dậu (7.1885):

 

“Lấy quyền tổng đốc Hà – Ninh là Nguyễn Hữu Độ thăng thự Vũ Hiển điện đại học sĩ, sung Cơ mật viện đại thần, vẫn sung Bắc kì kinh lược đại sứ.

Khi ấy Hữu Độ đã trở về Hà Nội, đô thống Pháp là Cô-ra-xy [De Courcy – TXA. ct.], khâm sứ là Tham-bô [De Champeaux – TXA. ct.] bàn nói: “Hiện nay Bắc kì lắm việc, Hữu Độ ở đấy hiểu nhiều, nên trao cho điện hàm, sung viện chức, và vẫn sung chức sứ ấy; phàm đốc, phủ, bố, án, ở các tỉnh Bắc kì cho đến các phủ huyện, nếu nơi nào có khuyết, cho do Nha Kinh lược sứ chọn tâu, chờ chỉ định đoạt”. Nhiếp chính Miên Định, phụ chính Nguyễn Văn Tường phúc tâu [lên Từ Dũ và 2 cung – TXA. ct.]: Việc đó là tạm thời, nghĩ nên tạm nghe ý đó mà làm. Văn Tường nhân phụng dụ [của Từ Dũ – TXA. ct.] nói: Trải bày lý do. Lại nói: Do ngươi, tuy việc thoả bàn vụ hợp thời nghi, để xứng với lời khen của người mới được. Vì ý ám chỉ chê Hữu Độ nương tựa vào thế quan Pháp, để được ngôi cao, mà không phải tự bản ý do mệnh lệnh của Triều đình vậy.

(Trước đây, Nguyễn Văn Tường cùng Tôn Thất Thuyết cho rằng Hữu Độ ở Hà Nội phần nhiều hay nịnh hót, quan Pháp rất được vui lòng; Cơ mật viẹân nhiều lần đem việc tâu lên, chuẩn cho khiển giáng hay triệu về, Hữu Độ đều được quan Pháp che chở, rất là đáng ghét.

Ngày tháng 7 năm ngoái, khuyên Bùi Hữu Tạo lấy việc xây sinh từ [của Nguyễn Hữu Độ – TXA. ct.] để tâu hặc, vì muốn nhân đó để đẩy Hữu Độ đến tội. Hữu Độ chứa sự bất bình đã lâu. Gần đây, đô thống Pháp từ Bắc về Sứ quán, tức thì trước mời Văn Tường và Thuyết đến họp. Thuyết ngờ sợ cho là hẳn Hữu Độ đã có ngầm chỉ thế nào, nên mới như thế, cho nên sau không chịu đi; bèn gây hận; đến đây [Hữu Độ – TXA. ct.] về kinh, [ y – TXA. ct.] lại đến Sứ quán, rồi về nhà riêng [của Hữu Độ tại Huế –  TXA. ct.], uỷ đón nhiếp chính Thọ Xuân vương Miên Định tới bàn với Văn Tường; và [Hữu Độ – TXA. ct.] gièm  [rằng – TXA. ct.], không bàn với Thọ Xuân vương thì đừng đi. Kịp khi Hữu Độ tới Sở Thương bạc mà Văn Tường ở đó, hai người nói chuyện với nhau, đã hơi có ý khiếm hòa [:thiếu hòa khí – TXA. ct.]; Văn Tường phụng dụ này, lời lẽ lại có ý chê ngầm theo kiểu bì lí xuân thu [: bề ngoài với lí lẽ khác nhau như mùa xuân với mùa thu – TXA. ct.]. Hữu Độ tiếp dụ, giận lắm, nhân đó càng thêm để lòng).

                                                                           

(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 236 – 237).

 

 

 

(  xem tiếp : phụ lục 3  )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

____________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7