f. Bài 6-Tl.4 - Trần Xuân An - Trần Dzạ Lữ & thơ của một đời lận đận

 

Thông tin mới: Chiều ngày 05-9 HB9, bài viết này đã được đăng trên điểm mạng toàn cầu Trúc Sơn Trang của nhà văn Xuân Đức:

 

http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=899&nhom=6

 

Thành thật cảm ơn nhà văn Xuân Đức. 

 

Ngày 07-9 HB9: Bài viết đã được đăng trên Điểm mạng toàn cầu (tầm hoạt động tương đương một tạp chí điện tử) của nhà văn Trần Nhương: 

 

http://trannhuong.com/news_detail/2442/TRẦN-DZẠ-LỮ-VÀ-THƠ-CỦA-MỘT-ĐỜI-LẬN-ĐẬN

 

Thành thật cảm ơn nhà văn Trần Nhương

 

_________________________________________

 

 

Cập nhật (31-8 & 01-9 HB9): Bài mới nhất:

 

Trần Xuân An --  TRẦN DZẠ LỮ VÀ THƠ CỦA MỘT ĐỜI LẬN ĐẬN ( đang gửi đăng trên các báo, tạp chí in giấy & điện tử  Mới! ): 

 

 

 

 

 

 

 

 

TRẦN DZẠ LỮ VÀ THƠ CỦA MỘT ĐỜI LẬN ĐẬN

 

Đây là một bài viết đã được gửi đến nhiều báo, tạp chí điện tử (gồm cả những điểm mạng toàn cầu độc lập trong nước, có tầm hoạt động tương đương với các tạp chí điện tử), nhưng không thấy nơi nào đăng tải. Đồng thời, cũng đã được gửi ra tòa soạn một tạp chí in giấy, nhưng chưa biết có được đăng hay không. Trong khi chờ đợi, tôi vẫn trân trọng tự đưa lên WebTgTXA. (Trần Xuân An, 05-9 HB9).

 

 

Trần Xuân An

 

Bất chợt giật mình, và không thể không bâng khuâng, khi viết dòng chữ này: những năm đầu của thập niên cuối cùng thuộc thế kỉ trước. Nghe qua đỗi xa xưa! Thật ra, chỉ cách đây khoảng hơn mười mấy năm... Vậy đó, cùng chứa đựng một nội dung như nhau hoặc gần như nhau (ở đây là trạng ngữ chỉ thời gian), nhưng vấn đề là cách dùng từ ngữ, văn phong thể loại. Vâng, tôi không có ý định sử dụng ngôn từ với sắc thái nghiêm nghị của ngành khoa học lịch sử ở bài viết về thơ của nhà thơ Trần Dzạ Lữ.

 

Đúng rồi, giản dị thôi. Cách đây khoảng hơn mười mấy năm, tôi và anh Trần Dzạ Lữ, cũng đôi khi có thêm bạn bè anh hoặc đồng hương viết văn làm báo của tôi, thường rủ nhau đến quán cà phê Diên Vỹ, nơi cách đều nhà tôi với nhà cũ anh ở nhờ bên vợ, để chuyện trò vẩn vơ, thư giãn. Gần đây, thi thoảng mới gặp nhau ở quán Văn Nghệ, sau những ngày, những tháng làm việc mệt nhọc, và cũng chỉ vẩn vơ chuyện trò. Nhưng qua đó, tôi hiểu thêm khá nhiều về cuộc đời của anh.

 

Quen biết nhiều người cầm bút thuộc nhiều lứa tuổi, kháng chiến, cách mạng hay không, bên kia hay bên này Bến Hải, đọc cũng khá nhiều những trang viết chân dung về những người tôi chưa có dịp gặp gỡ, nên tôi biết có một số nhà thơ, nhà văn lận đận, lao đao: nào làm ruộng, phát rẫy, nào thồ đá hay thồ khách, đạp xích lô... Riêng Trần Dzạ Lữ, anh lận đận, lao đao theo phần số của mình: trốn lính rồi cũng phải làm lính chế độ cũ, như bạn thơ anh, nhà thơ Vũ Hữu Định viết về anh: “Xa nhau càng nhớ càng thương / Thằng bạn thơ cuộc đời bầm dập / Trốn lính đi lính rồi thì học tập / Thương ơi! Câu nói ở răng cho vừa đời...” (“Hát dạo bên trời”, Nxb. Trẻ, 1995, tr. 88). Trần Dzạ Lữ cũng “từng là sĩ quan bàn giấy, là lính thú hằng đêm đối diện với cái chết, thất nghiệp, buôn ve chai, lượm đồng nát”, bán bánh mì dạo, “theo tiếng giang hồ chui qua biên giới, tới thung lũng Miền Trung dài tìm trầm, bán rau muống cùng vợ, giữ xe chỗ bãi chợ” (“Hát dạo bên trời”, Lời tựa của Cung Tích Biền, Nxb. Trẻ, 1995, tr. 10). Mới vài năm gần đây anh lại được tuyển làm viên chức chấm công kiêm bảo vệ cho một công ti tư nhân. Nhưng trong hoàn cảnh nào với nghề kiếm sống nào, Trần Dzạ Lữ cũng đều làm thơ. Thơ thật sự là ngọn lửa ấm hay luồng gió mát cho cuộc đời dầm mưa rét, đội nắng bỏng của anh. Thơ còn là hoa lá, tiếng chim bên ngoài cửa sổ, khoảng trời bên trên hai dãy phố, khi anh tìm được việc làm nhàn nhã đôi chút.

 

Nhưng ấn tượng đậm nhất đối với tôi về thơ anh là mảng thơ chống đối chiến tranh, mơ ước hoà bình. Đó là những bài thơ hầu hết anh đã đăng báo trước 1975. Thời đó, những năm 60 & 70 / XX, loại thơ thể hiện thái độ ấy không phải hiếm hoi, cấm kị, và dù chế độ cũ, sau 1963, muốn cấm đoán cũng không thể cấm đoán được. Khi chuyện trò với anh, không có không khí để anh nhắc lại. Nhưng đến lúc anh xuất bản tập thơ đầu tay (1995) sau 30 năm làm thơ, ấn tượng ấy mới thật rõ nét trong tôi.

 

Người ta dùng từ “phản chiến” với ít ra là hai nghĩa khác nhau: thiên tả và không thiên tả. Thơ Trần Dzạ Lữ thuộc loại thứ hai, chống đối chiến tranh bằng cách chỉ nói lên thân phận cũng như tâm trạng bi đát của một thanh niên trốn lính nhưng rồi trở thành người lính chế độ cũ, đồng thời bày tỏ khát vọng được cởi áo, tháo giày, quăng súng, trở về dưới mái nhà xưa, nơi có cha mẹ ngày đêm trông con đến đỏ mắt, phấp phỏng ngóng chờ, có đường làng hai buổi áo tím tóc thề đạp xe lên phố, sau lưng còn thoang thoảng trong gió làn hương bồ kết.

 

Trước thời điểm 1995 cũng đã có một vài người cầm bút vốn là lính tráng, sĩ quan trong chế độ cũ hồi ức lại quá khứ trong tác phẩm mới viết. Nhưng việc in lại tác phẩm đã được viết và đã đăng dưới chế độ cũ (ít nhiều cũng vương quan điểm cũ) thì hình như không thấy. Vì thế, với chỉ chừng đó thôi, tập thơ “Hát dạo bên trời” của anh được chính thức ra đời ở Nhà Xuất bản Trẻ là cả một sự kiện, có điều sự kiện ấy chỉ vang lên trong im lặng. Thật ra, cũng có một số tờ báo tại TP.HCM., tại Đà Nẵng đăng bài điểm sách, giới thiệu tập thơ, nhưng cũng như những người viết bạt, không ai đề cập đến mảng thơ ấy, ngoại trừ trong lời tựa, thơ tặng dùng làm phụ lục, nhà văn Cung Tích Biền, nhà thơ Vũ Hữu Định có thoáng nhắc qua, nhưng chủ yếu là về nhân phận, chứ không phải về thơ.

 

Giới cầm bút và báo chí nước ta lắm khi lạ thế đấy, mặc dù nhà xuất bản cho ấn hành hẳn hoi. Có lẽ một ngàn bản sách chẳng là gì, nhưng hàng vạn, hàng chục vạn bản báo, lại thành vấn đề chăng? Cũng không phải, vì bấy giờ đất nước ta đã mở cửa được 9 năm. Báo chí ở nước ngoài luôn “săn tìm” những gì trong nước “có vấn đề”, và họ có thể tìm ngay trong cách nhà sách. Vậy thì vì lí do gì? Bạn bè “cùng lận đận bên trời một lứa” của anh không ai muốn bình những bài thơ quá tội nghiệp? Hay họ thông cảm nhưng vẫn không đồng ý, đồng tình với anh?

 

Đối với những người bạn cầm bút trước đây khác chiến tuyến với anh, có phải “Hát dạo bên trời” của Trần Dzạ Lữ thật sự “có vấn đề”?

 

Có vấn đề gì đâu, khi Trần Dzạ Lữ viết thơ trốn quân dịch, nhưng viết phải lách, thành ra bóng bẩy: “Lần tay tính chuyện ở tù thế gian” (bài “Thơ ngồi ở Sơn Ca” [1969], sđd., tr. 13). Và ở một bài khác:

 

Ta chợt nghĩ mình tên vô lại

Sống không gia đình chắc chết bơ vơ?

Sống đời mưa bay mong gì xuân đến

Ta uống rượu buồn giữa cõi hư vô...

                                (Bài “Uống rượu đêm xuân” [1970], sđd., tr. 17)

 

Cũng như “Ngày xuân ở Thường Đức” (1971), Trần Dzạ Lữ viết về tâm trạng và suy nghĩ của anh trong đơn vị “lính thú”:

 

Xa em nhớ tháng thương ngày

Ngó ra bè bạn một bầy cô đơn

Mùa xuân châu giọt đầu non

Lương chưa lãnh kịp, biết còn sống không?

                                (Bài “Chiều tôi” [1971], sđd., tr. 18)

 

Đồng thời cũng có một số bài như “Từ Lào nghĩ đến khi thanh bình” (1971), Trần Dzạ Lữ luôn mơ ước lạc quan về ngày đất nước không còn tiếng súng chiến tranh:

 

Một mai trăng trở lại đồi

Rừng đi cưới suối nắng cười thanh niên

Ta liền quăng hết ưu phiền

Bứng cây quế dại tặng em làm quà

                                   (sđd., tr. 18)

 

“Thánh đoạ” ([1971], sđd., tr. 21-22) là một bài thơ hay, chưa bị thời gian làm câu chữ cũ đi, cũng viết về thảm trạng “lính thú” theo tâm thế Trần Dzạ Lữ. Làm “lính thú” là do trời đày thánh đoạ hay chính những người trẻ tuổi bị ném vào chiến tranh là những vị thánh bị đoạ đày?

 

Ta chỉ xin một ngày

Hồn thôi in dấu đạn

Biển rộng cánh tình bay

Cho đời thôi mắc cạn...

                                   (sđd., tr. 21)

 

Và khi được về phép (hay đào ngũ?), tìm về quê:

 

Tay ôm khăn gói tìm quê

Đường giăng mìn bẫy biết về phương mô?

Chiều như ông cụ đau, ho

Dừng chân thắp thuốc khói mờ đầu non

Mấy năm cháy chậm trong hồn

Nhớ nơi cắt rún lửa đun trong đầu

                                (Bài “Nhánh tay buồn” [1971], sđd., tr. 22)

 

Trần Dzạ Lữ cũng khắc hoạ một cách chân thực hình ảnh “Người mẹ bán hàng rong” [1971] với những từ ngữ giản dị, trong sáng:

 

Con của mẹ có hai thằng quân dịch

Ở đồn xa nên ít dịp về thăm

Thư gửi con mẹ nhờ người viết hộ

Gói theo cùng nước mắt chan cơm

 

Có những ngày bán hàng rong dọc chợ

Mẹ cố dò la tin tức hoà bình

Người nói đông kẻ nói tây chẳng biết

Đến khi nào chấm dứt chiến tranh

                                (sđd., tr. 24)

 

Và cũng viết quá thực về mình với nhãn quan đen tối, cực cùng bi phẫn:

 

Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ

Có gì đâu giày áo đó hôi rình

Khi về phố chắc ta thành khách lạ

Thành người điên với dáng thú buồn tênh

 

Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ

Có gì đâu bia mộ dựng trong hồn

Bạn bè ta ưu tư ngủ gục

Với rừng già rách nát thương tâm

                                (Bài “Thư gửi người ở lại” [1971], sđd., tr. 25)

 

Và từ 1973, anh đã dự cảm thân phận “hát dạo bên trời” (sđd., tr. 32), suy ngẫm về nén hương trên phần mộ. Đốm lửa đỏ trên cây nhang, với anh, là biểu tượng của cái chết:

 

Hát điên đời hiu quạnh

Chống gậy nhìn mưa mau ...

 

...  Cũng chỉ màu khói sương

Ngẫm nghĩ hoài hương đỏ

Mắt mờ đường chiêm bao ...

 

Ngay thời điểm 1974, Trần Dzạ Lữ cũng đã cảm nhận trước “ngày tàn cuộc” (sđd., tr. 36-37):

 

Chuyện chiến tranh coi như là dĩ vãng

Sông Thanh Bình tấp nập bến đò xưa ...

 

... Ở rừng cao khi giã từ vũ khí

Ta tuôn về ôi rất đỗi hân hoan

Mười năm giang hồ làm lất-bất-sĩ

Sẽ coi như chuyện mây khói trên ngàn

 

Mười năm “lính thú” cũng chỉ xem như “mười năm giang hồ làm lất-bất-sĩ”! Ngay cả từ “lính thú” cũng không chính xác! Phải chăng cách nói ẩn dụ (so sánh ngầm) hay cụ thể hơn là tráo từ đổi chữ cho nhẹ bớt sự thật và nỗi niềm?

 

Hiện thực chiến tranh và khát vọng hoà bình trong tâm tư nhà thơ Trần Dzạ Lữ cũng như trong thơ anh là thế đó. Đen tối. Bi đát, bi thảm. Và bi hài nữa. Vâng, buồn cười thay, cũng có lúc anh lầm lạc đến mức tưởng chừng như với thân phận “lính thú”, anh và những người “lính thú” như anh có thể chiếm lĩnh, làm chủ được giáo đường (không để giáo đường cứ ở trong tay ngoại bang?) nhằm có thể cất cao lời kêu gọi đồng bào theo cách của anh (chứ không phải như sự thật lịch sử trong hai thế kỉ trước):

 

Anh em mình đứng lên

Mỗi người một giáo đường

Rung chuông tim chiêu dụ

Những kẻ bỏ xa nguồn!

 

Hãy quay về trình diện

Dân tộc mình tương lai

Màu da vàng phù sa

Nuôi tâm hồn mầu nhiệm

                                (Bài “Lời ca tình yêu và quê hương mới” [1971], sđd., tr. 20)

 

Nếu tập thơ “có vấn đề”, thì chính là ở bài này. Nhưng lầm lạc này cũng chỉ là một ý tưởng thoáng qua. Nếp hằn tư tưởng và vết bầm tình cảm trong anh vẫn là bi đát, bi thảm và bi phẫn. Âm điệu lạc quan hướng về một ngày mai hoà bình trong mộng tưởng cũng đôi khi được thể hiện, nhưng không phải là lạc quan theo dạng lầm lạc đó.

 

Sự thật của hiện thực hoà bình vốn không dễ dàng cho đời sống, không như trong thời chiến tranh anh những mong “ngày tàn cuộc”, “có lại quê nhà” (không còn bị chiến tranh tước mất quê hương), mặc dù Trần Dzạ Lữ, một người đã bị va đập, cọ xát đến bầm dập tận dưới đáy xã hội, nên không phải là người quá nhiều ảo tưởng về hoà bình - hậu chiến:

 

Rồi mình sẽ ở đời với Huế

Hương xuân reo thuở có lại quê nhà

Dù đói dù no tình người vẫn mới

Phải không em, người yêu dấu của ta?

                                (Bài “Ngày tàn cuộc” [1974], sđd., tr. 20)

 

Những năm sau đó tuy lận đận với chuyện kiếm sống, cực nhọc lấy vợ và cùng khổ sinh con, chăm sóc đứa con đầu lòng suy dinh dưỡng và cũng là đứa con duy nhất, anh vẫn làm thơ, nhưng đến 1982 anh mới có được một bài sau này anh đưa vào tập “Hát dạo bên trời”. Đó là “Buổi sáng ở thung lũng Không-có-tình-yêu”, viết về một thắng cảnh ca tụng tình yêu ở Đà Lạt.

 

Mười năm sau Ngày Thống nhất, trong giai đoạn khốn khó, bức bối chung của đất nước, Trần Dzạ Lữ cũng lận đận, lao đao theo cơm áo, nên có lần anh theo chân những người bươn bả lên rừng tìm trầm, cầu mong một cơ may, dẫu biết rằng, ăn của rừng rưng nước mắt.

 

“Khi qua dốc ‘Mạ ơi’ ở Ba Lòng” [1985] là một bài thơ hay của nhà thơ Trần Dzạ Lữ. Trong đoạn đầu bài thơ anh sử dụng ngôn ngữ và cách viết thông tấn để miêu tả “binh đoàn” tìm trầm ấy: Trong đám đi tìm trầm, có kẻ nguyên là thế này, có người vốn là thế nọ, và nói chungđói cơm rách áo, liều mạng. Ta tưởng chừng như không có gì là thơ, vì ngỡ cái tôi trữ tình của tác giả không được biểu hiện trong đó. Thật ra, chỉ khi đồng cảm sâu sắc, cùng chung cảnh ngộ, mới có thể tường thuật hơi nặng lời là “cô hồn chung một lũ”, và điều đó không gây cho người đọc khó chịu mà trái lại, khiến ta hiểu rằng tác giả cũng khinh bạc chính cả bản thân mình. Cảm động nhất là ở đoạn kế tiếp, tình cảm và tâm trạng anh bật ra đến nghẹn ngào khi qua dốc “Mạ ơi”:

 

Nói chung, đám tìm trầm / Vì đói cơm rách áo / Người yêu coi như không / Vợ con là gió thoảng / Chiều nay, qua Ba Lòng / Vì đâu, mà thương nhớ? / Đâu phải dò phong lan / Tim tím chiều mắt ngó? Cũng không phải chùn chân / Trước núi rừng muông thú / Nhưng mà cả binh đoàn / Đều rưng rưng nước mắt / Lúc leo qua con dốc / Có tên là “Mạ ơi’ (sđd., tr. 44)

 

Đó không phải là con dốc ở Lâm Đồng (trên vùng đất bên nhánh sông Đạ Lây, thuộc Đạ Huoai, rồi Đạ Tẻh về sau), được Thanh niên Xung kích Huế đặt tên là “Mạ ơi”, tiếng gọi mẹ trong thảng thốt, cùng cực, đói rét, giữa rừng sâu, khoảng vào năm 1977. Có lẽ trong “đám đi tìm trầm” vào năm 1985 kia cũng có một số từng là thanh niên xung kích Huế vào Lâm Đồng khai hoang? Nhắc lại chi tiết phát sinh và chuyển dịch địa danh này, tôi muốn nói đoạn kết đầy niềm mơ ước lạc quan mà khiếm tốn đến tội nghiệp trong bài thơ “Ngày tàn cuộc” ([1974], sđd., tr. 20) của Trần Dzạ Lữ cũng là ảo vọng. Tuy vậy, ở một bài thơ khác, “Gửi Đỗ Phủ” ([1990], sđd., tr. 62), Trần Dzạ Lữ lại tự an ủi, tự dặn lòng mình:

 

Nhưng mình mau nước mắt

Mặn nồng với cố hương

Lẽ nào ta ngoảnh mặt

Trước bức bách đời thường?

 

“Gửi Đỗ Phủ” là một bài thơ đầy cay đắng nhưng đó là niềm cay đắng của một người có ý thức trách nhiệm. Hai bài thơ khác, cũng trong mạch thơ này, “Mùa xuân trò chuyện với gác lửng”“Ở chợ”, đều là thơ hay, hay vì rất thật, kết tinh từ nỗi đau bản thân anh trải nghiệm với tất cả bề rộng cũng như độ sâu cảm xúc đau đớn, cay cực mà một con người còn có thể chịu đựng được.

 

Trần Dzạ Lữ không thể kiếm ra được một căn nhà để ở. Anh và vợ con xin làm cái gác lửng trong nhà bên vợ, như cái tổ chim tạm nương náu vào một cây rừng sắp đổ! Ngày ngày rồi năm năm, hai vợ chồng mua sỉ rau xanh về bán lẻ lại cho thiên hạ giữa chợ để kiếm sống, nuôi con đi học.

 

Có đôi lúc óc cùn chí đụn

Muốn xuôi tay trả lại tuổi vàng ...

... Xin lỗi em cô gái Sài Gòn

Đã vì ta mà xa giảng đường, thư viện

Xa thời mộng-mơ-lưu-luyến

Để hoá thành cổ tượng giữa trầm luân

Vì áo cơm mà em ra chợ

Một hồn buồn giữa cõi rau xanh

Ngày văng tục trên miệng người láu cá

Mà em thì líu lưỡi bởi không quen

Còn ta nữa, thằng làm thơ và lang thang

Cũng phải bơi theo dòng đời chóng mặt ...

... Sống khó vô cùng ơi gác lửng

Thế mà mấy mươi năm ta cũng qua cầu

Nay có mày nhẹ gánh chiêm bao

Nhưng ngoảnh lại tóc râu đã bạc...

                                (Bài “Mùa xuân trò chuyện với gác lửng” [1989], sđd., tr. 45-46)

 

Mười năm ở chợ không tri kỉ

Ta đứng thu thân một nỗi buồn

Sáng bảnh mắt ra, ngồi độc ẩm

Chiều về tra vấn lấy lương tâm ...

 

... Ta bán rau xanh ngày mệt lử

Đêm còn ngồi đọc sách thánh hiền

Cố quên cơm áo - vòng danh lợi

Sao đời nỡ hối thúc bên lưng?

 

... Đâu ước công hầu mơ khanh tướng

Bạc tuổi thanh xuân mong có nhà! ...

                                (Bài “Ở chợ” [1989], sđd., tr. 48)

 

Trong giai đoạn tận cùng khổ tâm và khổ xác đó, hơn lúc nào hết, Trần Dzạ Lữ hiểu ra:

 

Giờ thêm hiểu vì sao Cao Bá Quát

Ngông nghênh đời trước cảnh trần ai...

Và hiểu cụ Nguyễn Du nén tiếng thở dài

Quan san cả trong lòng người áo gấm

                                (Bài “Rượu, thơ và em” [1995], sđd., tr. 48)

 

Nhưng dẫu sao cũng phải nhận ra điểm quý nhất của thơ Trần Dzạ Lữ, ấy là thơ kết tinh từ nếm trải thật sự trong hiện thực đời sống bằng chính bản thân. Chính năng khiếu thơ từ tuổi nhỏ, qua năm tháng trui rèn trong thực tế bi đát, cay cực, bởi bối cảnh chung và hoàn cảnh riêng, đã làm nên tài năng Trần Dzạ Lữ.

 

Trần Dzạ Lữ không chỉ hát lên nỗi cay cực đời mình, có khi anh cũng đồng cảm với người đồng cảnh ngộ:

 

Anh ngồi với bóng

Bỏ quá khứ sau lưng

Xa rồi thời dạy học

Gần gang tấc là chuyện áo cơm

 

... Người thợ giày cô độc

Ngồi khâu lại trái tim mình

Giữa chợ đời đông đúc

Lại treo lòng buồn tênh...

                                (Bài “Thơ tặng người thợ giày” [1995], sđd., tr. 48)

 

Khi trái tim của một nhà giáo trở thành người thợ giày được ví như chiếc giày rách, mòn vẹt của thiên hạ, có lẽ không còn so sánh nào bi đát hơn!

 

Tuy gây ấn tượng sâu đậm nhất, nhưng thơ phản chiến (trốn lính, bỏ ngũ, rã ngũ) theo tâm thế Trần Dzạ Lữ và thơ cay cực (thời hậu chiến) theo nhân phận của anh cũng chỉ là một mặt trong thơ anh. Trần Dzạ Lữ còn là nhà thơ của tình yêu đương. Số lượng thơ tình của anh cao gấp mấy lần thơ phản chiến thơ cay cực. Trong khoảng gần một trăm bài thơ tình của anh (kể cả tập thơ thứ hai, “Gọi tình bên sông”, Nxb. Trẻ, 1997), chắc hẳn “Thơ tặng H. khi mùa thu đến” (1993) là bài thơ hay nhất, mới mẻ nhất:

 

Mình tan loãng vào nhau

Từ lúc nào không biết

Em như lá chiêm bao

Mềm trong anh cần thiết ...

 

... Em đi vào trong thơ

Từ lúc nào không biết

Trái tim anh sắp Tết

Dẫu thu đang thầm thì...

                                ([1993], sđd., tr. 74)

 

Tập thơ thứ hai, “Gọi tình bên sông”, hầu như chỉ đậm nét bởi những bài thơ yêu đương, còn mảng hiện thực xã hội - thời cuộc không còn bao lăm dấu vết, chỉ khoảng đâu chừng dăm bảy bài còn sót lại, chưa đưa vào tập thơ đầu.

 

Khi tôi viết bài viết này về mảng thơ tạm gọi là thơ phản chiến thơ cay cực của Trần Dzạ Lữ, tôi được biết cách đây khoảng gần năm năm anh đã chắt góp để mua được một căn nhà riêng đâu đó ở trong một con hẻm thuộc đường Nguyễn Kiệm, Gò Vấp. Anh lại được tuyển làm nhân viên cho một công ti điện tử tư nhân, nên cũng đỡ đội nắng dầm mưa. Con gái độc nhất của anh cũng đã xây đắp hạnh phúc riêng trong căn nhà mới ấy. Thật mừng cho anh. Nhưng khổ thay, người vợ thân yêu của anh lại rơi vào cảnh kiệt sức sau bao năm tháng mưu sinh và bởi nguyên nhân chủ yếu là do căn bệnh tháo đường đã đến hồi mạn tính! Vậy là cuộc đời nhà thơ Trần Dzạ Lữ vẫn còn lao đao, lận đận ở một dạng thức khác!

 

Tuy vậy, Trần Dzạ Lữ vẫn là một người gan góc đương đầu với số phận, cho dù cay cực bao nhiêu và cay cực thế nào đi nữa. Cay cực anh thừa sức chịu đựng, dù ở tuổi nào. Điều quan trọng ở anh vẫn là thơ ca. Người đọc nhớ đến thơ anh chứ không phải chỉ đơn thuần về thân phận anh. Cay cực, bị số phận đoạ đày, trên đất nước chiến tranh -- hậu chiến này còn chán vạn người cay cực, đoạ đày hơn thế nữa...

 

Tôi có nhiều người quen biết, thân tình là kháng chiến, cách mạng ròng. Tôi cũng có nhiều người thân quen là phi kháng chiến, phi cách mạng rặt. Tất cả đều là đồng bào Việt Nam. Đất nước chúng ta hơn 150 năm qua là như thế. Tôi cũng nghĩ đến diện mạo văn chương của một chuỗi dài thời đoạn ấy, ít ra là trong khoảng từ hai mươi năm trước và hơn ba mươi năm sau 1975. Tất nhiên tiếng thơ của những người “lính thú” thuộc chế độ cũ (thậm chí gọi là “con thú xanh bầm” màu áo trận, như nhan đề một truyện ngắn của nhà văn Nguỵ Ngữ), dẫu thế nào đi nữa, vẫn ghi dấu vết riêng. Nhà văn kháng chiến, cách mạng hay hoạt động trong phong trào đô thị Miền Nam đã có không ít trang viết khắc hoạ hình tượng những người về danh nghĩa nói chung là lính thuộc chế độ cũ như Trần Dzạ Lữ, nên sự hiện hữu, tồn tại tiếng nói văn chương của chính họ cũng rất cần thiết. Hai tập thơ của nhà thơ Trần Dzạ Lữ, đặc biệt là “Hát dạo bên trời”, là một ví dụ (một sự kiện văn học gây nên tiếng vang có thật trong im lặng). Nhà Xuất bản Trẻ và nhà thơ Chinh Văn, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu (biên tập viên) đã làm một công việc nhân hậu đối với Trần Dzạ Lữ và rất có ý nghĩa đối với văn chương nước ta. Nhưng dẫu sao, cũng cần có cái nhìn tổng thể: loại thơ phản chiến vô hình trung nằm trong quỹ đạo binh vận (vận động nguỵ quân bỏ ngũ, rã ngũ) theo sự lãnh đạo của cách mạng như thơ của nhà thơ Trần Dzạ Lữ cũng chỉ là một bộ phận của văn học Miền Nam dưới chế độ cũ (1). Nói “vô hình trung” là bởi tôi thật lòng không rõ Trần Dzạ Lữ có gián tiếp chịu sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng, Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam hay không. Nhà thơ Trần Dzạ Lữ, theo tôi, chắc chắn không tương tự như trường hợp mà từ lâu chúng ta đã biết: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một thời tự phát và một thời tự giác (thiên tả) kêu gọi những người cầm bút, cầm cọ và cầm đàn:

 

Hãy sống giùm tôi / Hãy nói giùm tôi / Hãy thở giùm tôi:

Thịt da này dành cho thù hận / cho bạo cường / cho tham vọng của một lũ điên...

                                            (Hãy nói giùm tôi, Ca khúc da vàng, 1966-1967)

 

Như vậy thì làm sao không trốn lính, bỏ ngũ, rã ngũ với tâm thế bi đát, bi thảm, bi hài và với cái nhìn bi quan về hiện thực chiến tranh? Và niềm lạc quan về một tương lai hoà bình dù đói dù no từ thuở bấy giờ, với Trần Dzạ Lữ, cho dẫu tan vỡ trong thời hậu chiến khốn khó chung, vẫn giúp cho thơ anh bừng lên bao tia sáng của khát vọng sống, của sức sống -- những tia sáng trong đen tối.

 

Sau Ngày Thống nhất, Trịnh Công Sơn còn hát vang tiếng reo vui: “Xanh lá xanh thêm cây / Xanh nên đời trẻ lại / Một mùa xuân thống nhất / Xanh nước non hôm nay / Xanh biếc con sông Hương / Mừng vui má em hồng / Về Cửu Long ca hát / Xanh lá cây một vùng...” (2). Còn Trần Dzạ Lữ, làm sao anh có thể cất lên nổi một tiếng reo vui như thế!  (3). Trần Dzạ Lữ bấy giờ cũng đã qua rồi tuổi trong sáng và không như những người cầm bút trẻ tuổi hơn anh, bản thân họ đang là học sinh, sinh viên, không mang nặng quá khứ. Nhưng dẫu sao thì cũng 34 năm trôi qua, kể từ Ngày Thống nhất đầu tiên, ai trách chi nhà thơ cơ cực, lận đận, lao đao Trần Dzạ Lữ! (4).

 

Trần Xuân An

Viết từ khoảng 04:00 đến 16:45, ngày 30-8 HB9 (2009)

Chỉnh sửa: 08:30 – 11:01, ngày 31-8 HB9.

 

______________________________

 

Chú thích (05-9 HB9):

 

(1) Cần viết rõ: Tôi chỉ đề cập đến bộ phận văn học chứa đựng tinh thần dân tộc, chống ngoại xâm và chống lai căng. Những bộ phận văn học khác, thuộc loại nô dịch và đồi trụy, cũng cần bảo tồn, nhưng chỉ để làm tài liệu nghiên cứu.

 

(2) Đây là lời một ca khúc do Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng 1975-1976. Bấy giờ, sáng sớm nào Đài Truyền thanh thành phố Huế cũng cho chạy băng ghi âm bản nhạc này. Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên & thành phố Huế hình như đã xuất bản một tuyển tập nhạc của nhiều tác giả vào thời điểm đó, trong đó có bài ấy. Hiện nay, tôi không có văn bản để tra cứu lại. Quý người đọc nào có văn bản, xin vui lòng gửi cho một bản photocopy về địa chỉ: tranxuanan.writer@gmail.com . Trân trọng cảm ơn trước.

 

(3) Thông tin cập nhật: Sau ngày thống nhất (1975), anh Trần Dzạ Lữ có một thời gian ngắn làm việc ở một thư viện cấp quận tại TP.HCM., theo diện văn nghệ sĩ Sài Gòn cũ được bố trí công việc (căn cứ vào chủ trương chung của Nhà nước lúc đó). Năm 2008, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM..

 

(4) Bài viết này đã được gửi đến anh Trần Dzạ Lữ vào tối 31-8 HB9. Anh Lữ thừa nhận những chi tiết trong bài đều xác thực và anh rất cảm động khi đọc.

 

 

 

Google Sites / host 

 

GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CAC