d. Trần Xuân An - Có một nơi lá mãi xanh - Tệp 4

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

TRẦN XUÂN AN

có một nơi lá mãi xanh

 

CHƯƠNG BỐN

 

 

1

 

 

            Khi mới nhận được xấp bản thảo của Niên, Cúc Tần bình thản đọc rồi vội vã đọc trong nỗi bàng hoàng. Mới đọc lướt và chỉ chú tâm vào các trang thư cuối mỗi chương, cô suýt qua nhà ba cô, điện thoại về cô Sông Phố ngay, để hỏi cho ra chuyện. Nhưng rồi Cúc Tần bình tâm trở lại. Cúc Tần không thể nôn nóng đến mức phải ''cấp cứu'' như vậy. Trong đầu cô, đèn ưu tiên màu đỏ và còi cho phép vượt mọi luật lệ giao thông ngỡ chừng đang xoáy tròn, inh ỏi. Trái tim cô rõ là rối nhịp. Mừng vui, ngạc nhiên, sung sướng, tự ái, hồi hộp, âu lo, hy vọng, ngượng ngùng, cùng một lúc ùa vào trái tim rất khỏe mạnh, đằm thắm của Cúc Tần, chỉ bởi xấp bản thảo đó. Xấp bản thảo đó đã đánh thức một kỉ niệm cũ. Kỉ niệm ấy có thể chẳng thành kỉ niệm của ai đó, dẫu họ có thể gặp một trường hợp tương tự. Với Cúc Tần, cô không thể quên được. Vấn đề là ở chỗ, bản thảo cũ đã được viết lại với rất nhiều sửa chữa, bổ sung, lược bớt, để tinh túy hơn, gọn và thật hơn.

            Niên có phải là Phần ngày đó không?

            Câu hỏi ấy như đèn cấp cứu xoáy đỏ, như còi cấp cứu inh ỏi! Nhưng cần phải đọc kĩ lại. Cúc Tần không muốn biến mình thành một cô bé cuống quíu, buồn cười đến hài hước. Và Cúc Tần đã đọc lại thật chậm một lần nữa, đọc hết các chương tự sự nào cô chỉ lướt qua.

            Cúc Tần cũng đã đủ bình tâm để quyết định sẽ nói thật hết với Niên những điểm cô đã nói khác đi vì ngượng.

            Sáng nay, cũng như các buổi sáng khác của hơn một tuần lễ mới trôi qua, Cúc Tần vừa mừng vừa buồn vì Niên đã không đến Lá Xanh. Nửa tháng rồi, cô chưa gặp lại anh!

            Những nốt nhạc từ loa thùng nhưng cơ hồ từ đâu đó cứ rơi trên sân rợp bóng mát. Hoa khế thôi rụng rồi, có nhiều trái khế đã xanh mọng. Mùa khế năm nay có lẽ muộn hay sao ấy. Có thể mất mùa khế cũng nên. Cũng sắp phải chấm bài luận thi học kì hai, sắp hết năm học rồi!

            Cúc Tần vẫn ngồi ở chỗ cô và Niên thường ngồi, lơ đãng xem lại giáo án, trong khi xấp bản thảo của Niên vẫn đặt bên cạnh.

            Cúc Tần nghĩ, suốt hơn tuần lễ rồi Niên không đến Lá Xanh, có lẽ anh muốn dành thì giờ cho cô đọc và suy ngẫm, hay vì lí do nào nữa, cô không rõ.

            Nếu Niên là Phần? Nếu Niên viết lại chuyện của Phần? Ngày xa xưa ấy, thuở mười ba tuổi, cả những năm tháng sau này nữa, cô đâu dám hỏi kỹ về Phần, bởi cô Sông Phố ở xa, tận Mỹ Tho, sau đó về Cần Thơ, và cũng do tính cô ấy nghiêm khắc.

            Cúc Tần cứ lẩn quẩn trong suy nghĩ, hồi tưởng, nhưng cố dặn lòng phải giữ được sự bình tâm.

            Trái tim cô khỏe mạnh, đằm thắm, nhưng có dị tật gì không nhỉ? Cúc Tần mỉm cười một mình. Cô bỗng thấy có chút nào đó thật không bình thường trong tâm hồn, tính cách của chính mình. Bé bỏng gì nữa đây, đã ba mươi hai tuổi rồi kia mà! Sao còn vớ vẩn, bâng quơ đến thế!

            Cúc Tần cũng mừng cho sự điềm đạm cô thể hiện được trong thời gian gần đây.

 

 

2

 

 

            Lần này, với xấp bản thảo đã được sao chụp lại, được đóng xén kĩ lưỡng, Cúc Tần qua thăm ba. Trong lúc chạy xe trên đường phố từ Tân Bình sang quận Ba, Cúc Tần thấy mắc cỡ khi nhớ cách đây chừng một tuần, cô cầm luôn xấp bản thảo đánh máy thô sơ của Niên với dự định sẽ nhờ ba đọc để xác minh xem, nhưng khi gần đến ngõ nhà của người anh cả, nơi ba đang ở, cô lại chạy xe qua đường khác, quay về nhà Bảo. Đêm ấy, có thể gió tạt vào mặt cô, lồng ngực cô chút gì dịu mát, giúp cô thấy mình vội vã, khôi hài quá. Bây giờ, cô đã nhờ chụp lại bản thảo thành hai bản sao rồi, ở một tiệm sao chụp trên đường đến trường. Với bản sao đẹp và rõ nét, lần này, Cúc Tần gõ cửa sau khi  vói tay tự mở cổng, dắt xe vào mảnh sân hẹp.

            Từ bàn làm việc trên lầu, ông Phước đã thấy bóng con gái từ khi cô mở cổng. Ông thong thả xuống cầu thang. Chân vừa chạm nền nhà, ông đã lên tiếng một cách vui vẻ:

            - Cúc Tần đợi ba mở cửa phải không?

            - Dạ - Cúc Tần thưa - Con định nhờ ba chút việc.

            Hai cánh cửa mở ra. Một người đàn ông khoảng gần bảy mươi tuổi, dáng người cao gầy, tóc trắng, mặc bà ba, đón con gái với nụ cười:

            - Có lẽ có gì vui lắm đây!

            Khi ngồi xuống ghế ở phòng khách, phần trước tầng dưới, Cúc Tần rút ngay xấp bản thảo ra khỏi cặp.

            - Thưa ba, có cái này ngộ lắm - Cúc Tần vói người đưa bằng hai tay - Ba đọc xem có giống xấp bản thảo, hồi năm bảy chín, cô Sông Phố mang từ Mỹ Tho lên không.         

Ông Phước hơi ngẩn người:

            - Bản thảo hồi cô Sông Phố phê phán, kiểm điểm tác giả phải không? - ông Phước nhíu mày, một tay bóp vào trán, cố nhớ lại.

            Cúc Tần mừng thầm vì ông chưa quên. Cô nói như reo lên:

            - Vậy ba còn nhớ rõ vụ ấy rồi! Ngộ lắm, ba à!

            Ông Phước nói:

            - Bản thảo ấy ba đang giữ đây mà! Mười chín năm, cũng nhanh thật!

            Cúc Tần cố kìm lại nỗi ngạc nhiên đến suýt rụng rời:

            - Bản thảo ấy ba còn giữ? Bản thảo viết tay hồi năm bảy chín ấy?

            Ông Phước gật đầu:

            - Mà sao? Chuyện gì xảy ra vậy? - ông Phước buột miệng, nhưng ông cũng đoán ra sự việc - Bộ xấp bản thảo viết tay với xấp giấy đánh máy chữ này là một? - ông lật giở bản sao chụp trên tay - Cũng ngộ quá đó! - ông nhìn cô con gái của mình, đợi cô đáp.

            - Thưa ba, vậy con mới qua nhờ ba xem thử, xác minh lại coi ra sao - và Cúc Tần đề nghị ngay - Ba cho con mượn bản viết tay đó cũng được, ba hén!

            - Nhưng con kể lại xem đã nào! Cúc Tần dạo này sao có vẻ nôn nả lắm đó nghen! - ông Phước mỉm cười.

            Cúc Tần hơi mắc cỡ vì sự nhận xét của ba. Cô cố gắng giữ vẻ điềm nhiên kể lại việc một nhà văn cho cô mượn đọc, thăm dò ý kiến trước khi cho xuất bản, cùng những nghi vấn của cô.

            Ông Phước lắng nghe, có vẻ đã bị lôi cuốn vào một việc ông cho là quá ngẫu nhiên và hơi bất ngờ.

- Theo ba biết, anh nhà giáo trẻ ấy đã chết vì bệnh tim ở bệnh viện Chợ Rẫy rồi, sau vụ phê phán của ông bí thư chi bộ, cô Sông Phố và một vài giáo viên trong tổ ngữ văn tiếng Việt khoảng một năm - ông Phước thấy Cúc Tần gật đầu, ông nói tiếp - Bản thảo vẫn còn ngay trên lầu, trong tủ sách của ba chớ đâu!

            Cúc Tần nãy giờ vẫn thắc mắc điểm này. Cô thưa:

            - Sao kì vậy ba? Con nhớ sau tết năm bảy chín, cô Sông Phố mang về lại, rồi nghe đâu cô lưu lại trong tủ hồ sơ của trường kia mà.

            Ông Phước gật gật đầu:

            - Đúng. Đúng vậy. Số là thế này, vụ đó, nghe cô Sông Phố kể lại với ba là, sau khi anh giáo trẻ ấy bỏ đi khỏi trường, cũng êm luôn. Ông bí thư, những người phê phán, trong đó có cô Sông Phố, đều rất ân hận. Ở thời điểm đó, vấn đề tư tưởng khá căng ở các cơ quan, trường học. Mục đích của việc phê phán là rút kinh nghiệm chung để cùng nhau học tập, giúp nhau cùng tiến bộ. Nói theo các cụm từ, các câu cửa miệng hồi đó là vậy - ông Phước ngừng lại, cười tủm tỉm - Ông bí thư vẫn thấy được vấn đề là không hệ trọng lắm, chỉ trong phạm vi tổ ngữ văn thôi. Bản thảo có lưu lại. Mọi người cố gắng tìm tung tích anh giáo nọ, nhưng hồi đó đài, báo thiếu mục nhắn tin. Người ta cũng hi vọng anh ta trở về trường lại, nhưng bặt tăm luôn. Đến khi cô Sông Phố xin chuyển về quê gốc là Cần Thơ, lúc bàn giao hồ sơ sổ sách, cổ thấy không cần bàn giao tập bản thảo ấy, vì dẫu sao cũng là kỉ vật riêng tư, thậm chí là chuyện đời riêng, nên cổ giữ lại, mong có dịp gặp người thân xa gần gì của anh giáo ấy một cách trực tiếp để giao lại, hoặc cổ giữ nó như kỉ niệm về sự cố quản lí trong đời công tác của cổ. Rồi năm tám sáu, tám bảy gì đó, cô Sông Phố lại mang lên đây để ba xem lại! - ông Phước kể một thôi dài, xem chừng khô miệng - Con tới tủ lạnh lấy chai nước lọc đi Cúc Tần!

            Cúc Tần lắng nghe, chợt giật mình đáp ''dạ'', rồi bước tới tủ lạnh.

            Ông Phước nhấp một ngụm nước.

            - Cơ sự là vậy - ông nói tiếp - Vậy đó! Hoá ra hồi bảy chín con có đọc à?

            Cúc Tần bẽn lẽn:

            - Con có tò mò chút đỉnh mà ba!

            - Năm tám bảy có đọc lại không? - ông Phước hỏi.

            - Con đâu biết, thưa ba. Hồi đó con vào đại học rồi, ở thư viện suốt ngày, vả lại con đâu có ngờ. Con nghe cô Sông Phố bảo đã đốt rồi kia! Con tiếc lắm... Ba, bây giờ ba chịu khó lên lầu lục tìm bản viết tay cho con mượn nghen ba!

            - Nhưng ba hỏi đã - ông Phước nhướng mày - Này, anh nhà văn cho con mượn tập bản thảo đánh máy này - ông chỉ tay trái vào xấp giấy trên tay phải - Ảnh tên gì, mấy tuổi?

            - Dạ, Phan Cát Niên, khoảng bốn mươi hai! Tên khác với anh nhà giáo.

            Ông Phước suy nghĩ:

            - Tuổi đúng cỡ đó. Tên thì khác. Anh kia chết rồi mà! - ông khẽ bậm môi trên, và buột miệng - Aắ, anh Phan Cát Niên này ba có đọc.

            - Đã xuất bản mười hai cuốn sách rồi đó ba.

            - Đúng là ba có đọc. Cũng ngộ hén. Chắc là tin đồn bậy.  Người còn sống sao giống người chết được!

            - Ba lên lầu lấy cho con mượn tập kia đi ba - cô giục - Đồn bậy là cái chắc rồi, ba à. Vật trâu, trâu cũng chết, bệnh tim đâu mà bệnh tim!

            Ông Phước bật cười và đứng dậy.

            Lên lầu, Cúc Tần lục tìm cùng với ba. Cô run lên khi cầm được bản chép tay, giấy đã ố vàng, gáy hơi sờn.

            Lật vài trang, cô muốn reo lên:

            - Đúng rồi ba ơi! Nét chữ này là của ảnh hồi nhỏ đây. Chắc đúng rồi. Có lẽ đúng rồi đó.

            - Vậy hả? - ông Phước nhìn Cúc Tần để đoán thêm sự việc - Vậy mà đồn ẩu người ta chết vì bệnh tim!

            Ngẫm nghĩ một lúc lâu, ông nói trong khi Cúc Tần cắm cúi xem:

            - Cúc Tần nè - Cúc Tần ngẩng mặt nghe ba nói tiếp - Sự việc ngẫu nhiên cũng li kì đấy - ông Phước mỉm cười - Thì vậy nghen, con lấy bản này về xem, bản hồi nãy để lại. Nhớ giữ kĩ. Cẩn thận thì đem đi sao chụp lại nguyên cỡ, rồi chỉ đọc bản sao, còn bản chính khóa kĩ. Việc thứ hai là nhờ cô Sông Phố nhận diện. Dễ ợt mà! Cũng gần hết năm học rồi, thế nào cổ cũng thu xếp lên thăm thằng Bảo với vợ con nó chớ.

            Cúc Tần rất vui, khi không bỗng thành một điều tra viên. Cô còn cả một nửa kế hoạch trong đầu nữa chứ!

            Khi cô dắt xe ra khỏi cổng, ông Phước lên lầu, đeo mắt kính ngồi vào bàn giấy đọc ngay.

            Cúc Tần rời ngõ hẻm, ra đường phố, thấy người lẫn xe cộ sáng lên trong nắng Sài Gòn tháng năm, sáng hơn mọi ngày. Rõ là công việc điều tra, lần gỡ từng mối để tìm ra kết quả với đáp số nhiều bất ngờ cũng lắm thú vị. Hơn nữa, đây còn là kỉ niệm của cô, là chuyện của chính trái tim cô!

            Cúc Tần tự kìm chế lòng mình bằng cách cố đi xe chậm thật chậm, chỉ bằng người đi xe đạp, một quãng đường khá dài, rồi mới chạy nhanh hơn để về nhà. Cô tự bảo, chiều nay trên đường đến trường, cô sẽ ghé tiệm sao chụp giấy tờ để sao thêm ba bản từ bản viết tay này.

            Chẳng biết Niên nghĩ thế nào, khi hay cô bị tập bản thảo của anh bắt cô thức đêm, rồi dang nắng giữa lúc mặt trời gần đứng bóng?

            Thôi, nghĩ ngợi xa xôi làm gì - Cúc Tần tự bảo. Cô chỉ muốn tìm về một kỉ niệm cũ. Kỉ niệm, cô cũng đang chắt chiu kỉ niệm! Có những kỉ niệm chỉ một mình mình biết và chỉ một mình mình nâng niu!

 

 

3

 

 

            Buổi tối, Lá Xanh đông khách hơn ban ngày. Cúc Tần nhìn những nhóm bạn, những đôi tình nhân đang chuyện trò, tâm tình dưới ánh đèn màu trước sân nhà. Bóng đèn cao áp từ  hẻm hắt vào màu sáng trắng, cách nhà khoảng hai mươi thước. Trụ đèn lom khom như một người cúi tìm những dấu chân kỉ niệm. Hình ảnh buồn quá, nếu không có một gương mặt rỡ ràng. Có lần, gương mặt ấy tắt câm, vì người thợ điện chưa kịp thay bóng, khiến Cúc Tần phải là người đầu tiên đến báo tổ dân phố, rồi trực tiếp điện thoại  nhờ nhà đèn cử thợ đến. Cô cũng muốn giữ mãi gương mặt sáng ấy.

            Thấy đã rảnh việc, Cúc Tần bấm số liên tỉnh. Chắc giờ này cô Sông Phố đang viết báo cáo tổng kết năm học.

            - Tôi nghe đây.

            - Cháu đây, cô ơi. Cúc Tần ở Sài Gòn đây cô à.

Giọng cô Sông Phố vui hẳn lên:

            - Cô có điện lên cháu từ mấy hôm trước, nhưng chỉ gặp Hòa Bình. Hòa Bình bảo cháu đi chợ. Nó có nói lại những gì cô dặn không? Thật bất ngờ quá. Cô mừng quá. Ân hận lâu nay...

            - Dạ, cô ơi, Hòa Bình có nói lại. Cháu cũng... mừng. Ngộ quá cô hén?

            - Ờ, thấy rõ nhé, rõ là ''quả đất tròn...'', thế nào cũng có lúc gặp lại nhau. Cô đọc cả hai xấp bản thảo hai loại, viết tay và đánh máy, từ mấy hôm trước. Hình Phan Cát Niên ở bìa bốn cuốn tiểu thuyết có nhan đề gì đó, '' Miền Cát, Quê Nhà'', Cúc Tần gửi về cho cô đó, đúng là Nguyễn Văn Phần rồi. Chắc chắn mười mươi. Có già hơn, nhưng vẫn khuôn mặt ấy. _a, còn hai tập bản thảo đó, chỉ là một thôi, dù sửa chữa lại thì vẫn chuyện ấy, nhân vật ấy, vùng đất ấy, tư tưởng ấy. Có điều, cái nhìn sáng hơn, tốt hơn...

            Cúc Tần cười qua dây nói:

            - Thưa cô, chắc chắn là đúng chứ? Cô ơi...

            - Con nhỏ này! Đã nói đúng mà - cô Sông Phố cũng cười - Nhưng có chuyện gì về... tình cảm không?

            Cúc Tần vờ không nghe câu hỏi:

            - Nước da anh Nguyễn Văn Phần hồi đó cũng ngăm ngăm đen chứ cô?

            - Con nhỏ này! Đúng, đen thui, không cao không thấp.

            - Vậy đúng rồi đó cô.

            - Hồi đó, nghe đâu chết vì bệnh tim rồi. Hóa ra là đồn nhảm! Cô cũng mừng lắm. Cho cô gửi lời thăm nhen. Tổ chức cho khối mười hai thi tú tài xong, cô lên Sài Gòn ngay. Mà này, cưng ơi, cô hỏi thiệt, Phần nó có vợ con gì chưa?... Thế nào...

Cúc Tần đã chuẩn bị từ lâu câu trả lời, từ độ mới quen Niên, nhưng cô vẫn thấy có gì vướng víu để nói.

            - Dạ, cô ơi, cháu chỉ là bạn với ảnh thôi mà. Tình cờ đọc bản thảo, nhớ chuyện hồi đó, như trong thư cháu viết để cô rõ, chứ có gì đâu cô! - Cúc Tần cố giữ vẻ điềm nhiên. Thật lòng, chạm đến điểm này, trái tim cô như nhói lên.

            Giọng cô Sông Phố bỗng buồn hẳn:

            - Ờ, thì vậy... Cô chỉ áy náy, hồi ấy, dẫu là hơi quá ''nhiệt tính'', hơi cứng nhắc, nhưng chuyện đã rồi. Cô cũng mừng là Phần nó có nhìn lại với cái nhìn đúng đắn hơn. Mà cũng không phải vậy. Từ sau bảy lăm, nó thật sự đổi đời rồi. Cô có xem hồ sơ ở phòng tổ chức Sở Giáo Dục... Phần nó dạy tốt lắm... Yằ cô muốn nói là nay Phần nhìn lại cái thuở mười tám tuổi, trước bảy lăm kia. Nhưng mà nè, Cúc Tần ơi, dẫu sao cô với ông bí thư chi bộ hồi đó cũng thô bạo quá đáng, ''tả'' quá đáng. Đúng là dùng búa để rèn, để gõ trái tim người! Gặp Phần - giọng cô hơi nghẹn ngào - cho cô gửi lời xin lỗi nhé. Đúng là cô ''nhiệt tính'' quá, nóng quá, nóng vội quá.

            Cúc Tần cười:

            - Thôi mà cô! Chuyện đã rồi nhưng xem ra đều tự nhìn lại cả rồi.

            - Ừ, vậy nhé. Thôi, hôm nào cô lên, sẽ nói chuyện nhiều. Nói với Hòa Bình, cô nhớ Cảo Thơm lắm đó nghen. Hủ mắm sặt chú Tính mang lên, ăn có ngon không? Định gửi sầu riêng nữa, nhưng nặng quá.

            - Dạ, ngon, cô à - Cúc Tần cười thành tiếng.

            - Thôi, ngừng máy nghe cưng. Nãy giờ cũng bộn rồi đa!

            Cúc Tần gác ống nói với nụ cười.

            Thế là không còn nghi ngờ gì nữa, Niên chính là Phần, một Phần chưa hề đau tim bao giờ, và vẫn còn sống khỏe. Những gì mới thưa chuyện, nghe chuyện, Cúc Tần đã nghe Hòa Bình nói lại với niềm ngạc nhiên rất đỗi của Hòa Bình. Biết vậy, nhưng Cúc Tần vẫn muốn nghe trực tiếp từ cô Sông Phố. Cô vui với niềm vui của chính cô, với niềm vui của cô ruột mình. Cúc Tần cũng cảm nhận hết nỗi buồn của niềm vui đó trong tâm hồn mình, những muốn khóc. Nhưng khóc làm gì. Cúc Tần bỗng trở lại với nỗi hụt hẫng của một tình yêu biết trước là vô vọng. Trái tim trong ngực này khỏe mạnh, đằm thắm là thế, đã từ lâu có dị tật bất thường chăng? - Cúc Tần bỗng rơi vào trống vắng.

            Từ quầy cà phê, Cúc Tần nhìn trụ đèn lom khom cúi tìm dấu chân kỉ niệm với gương mặt rỡ ràng như vầng trăng. Kỉ niệm, kỉ niệm, để làm gì cơ chứ! Chắt chiu kỉ niệm cũng là một thứ ước lệ của tình cảm con người?!

            Cúc Tần cảm thấy không có lối thoát nào cả. ''Hồn bướm mơ tiên'' chỉ là ảo tưởng hy vọng của tuyệt vọng. Lối thoát duy nhất chỉ là lãng quên như chưa hề biết nhau, yêu nhau!

            Kỉ niệm tuổi mười ba, đến năm cô ba mươi hai tuổi, cũng chỉ vô vọng vậy thôi! - Cúc Tần cười buồn một mình.

            Dưới ánh đèn màu đủ sáng để mọi người nhìn rõ mặt nhau, những nhóm quen thân, dăm đôi bạn tình chuyện trò, rôm rả, thầm thì. Có ai mười năm sau sẽ là trụ đèn cúi tìm kỉ niệm của nhau ở Lá Xanh này?

 

 

4

 

 

            Gần một tháng nay, Niên không viết tiếp cuốn tiểu thuyết mới nữa. Từ bốn giờ sáng, Niên đã gõ bàn máy chữ. Anh bưng bàn đánh máy cũ kĩ với xấp bản thảo xuống chỗ bán sách cũ, cắm cúi vừa chữa vừa gõ, tránh để tiếng ồn lóc cóc đánh động giấc ngủ vào lúc ngon nhất của vợ con. Niên đang hết mình với hai phần kế ''Những Mùa Thơ Dại'' để đưa Cúc Tần xem tiếp. Anh vẫn cho nhân vật hư cấu của anh tiếp tục ''thơ dại'' đến năm ba mươi sáu tuổi. Có thể đến khi Cúc Tần hoàn tất đợt thi học kì hai, tổng kết năm học, anh cũng hoàn tất bản thảo.

            Gần một tháng nay, miệt mài làm việc suốt ngày, chỉ thi thoảng ghé chỗ bạn bè văn nghệ hay ngồi tán dóc, Niên buồn lắm. Anh rất nhớ Lá Xanh, nhưng vẫn cố gắng không đến đó nữa. Anh phải quên bẵng đi một thời gian Thiên Đường Cúc Tần của anh. Niên thấy cần phải tỉnh lại, cần phải tìm ra một lối thoát cho Cúc Tần và chính anh, cả Bông Trang và Ca Dao nữa. Đã không yêu nhau thì thôi, đã yêu nhau rồi, trở về với tình bạn, rõ là một đau đớn. Đau đớn đến mức nào, anh cũng có thể gánh chịu nổi, nhưng liệu Cúc Tần có dẫn chính bản thân cô đi đến cái kết thúc của các tác phẩm, cổ điển về văn chương, với đề tài hôm nào ở Tre Xanh bên Thanh Đa, cô đã nhắc tới. Anh sợ hãi cái kết thúc đó. Thật ra, ít có cái chết tự vẫn nào chỉ thuần là tự vẫn cả. Phải có tác nhân nào xô đẩy người ta đến chỗ tự vẫn. Niên không muốn anh là một tác nhân đau đớn như vậy. Không phải anh không tin vào bản lĩnh của Cúc Tần. Biết đâu! Muôn một vẫn là tỉ lệ đáng âu lo. Yêu Cúc Tần đến thế, thương Cúc Tần đến thế, anh nỡ nào dắt tay cô dấn tới...

            Nhiều lúc, gõ những phím chữ như cái máy, rồi rã rời ngồi trầm tưởng một mình, anh ngỡ anh là thằng ngốc. Ở đời, làm gì có những nẻo đường tuyệt đối không thể gây ra những nguy cơ, không thể gây nên cảm giác đe dọa của rủi may. Nẻo đường tình yêu đương làm sao tuyệt đối bằng phẳng. Có những gai góc, có bao trở lực, có nhiều khúc khuỷu thì phải có nghị lực, sức mạnh trái tim và óc khôn khéo để vượt qua.

            Hai trái tim người tình, với nhau chỉ là bạn?

            Lãng quên trong cách xa nhau mãi mãi?

    Mặc kệ tất cả, nắm lấy tay nhau, cùng nhau bước tới?

            Nghĩa có luật của nghĩa, tình có luật của tình?

            Có chọn lựa nào không cam đành mất mát? Cái được này thường kèm theo cái mất kia!

            Số phận là gì? Là tính cách của anh? Là hoàn cảnh chung và riêng? Là ngẫu nhiên của tất yếu? Là ngẫu nhiên của ngẫu nhiên? Là sự chọn lựa của anh? Là sự xô đẩy của tác nhân vốn là ai đó?

            Số phận đặt Niên đứng trước một ngã ba đường quá xưa cũ với những câu hỏi xưa cũ. Nhưng chưa có một giải đáp nào...

            Gần một tháng nay, sau đêm rằm ở Tre Xanh, sau buổi sáng nhờ Hòa Bình trao lại Cúc Tần xấp bản thảo với bức thư hí hoáy viết tại chỗ, Niên thấy phải có khoảng cách để chính Cúc Tần cũng phải nghĩ suy chín chắn. Cái chính là suy nghĩ về mối quan hệ giữa anh với cô. Và cũng vì một lẽ khác nữa: Điệp đã đến nhà thăm vợ chồng anh với món quà nhỏ cho Ca Dao.

 

 

5

 

 

            Buổi chiều hôm đó, ngồi sau những kệ sách báo cũ, Niên tìm trong đầu một chi tiết để thay một chi tiết anh cho là chưa đắc địa trong phần tiểu thuyết đang tự đánh máy. Bông Trang đang chuẩn bị bữa tối bên cạnh Ca Dao đang ê a bài thơ học thuộc lòng. Bông Trang vừa nhặt rau vừa nhắc cho Ca Dao, dưới ánh đèn ống trắng.

            Điệp dựng xe trước cửa tiệm, bước vào. Niên nhìn Điệp nhưng cứ ngỡ đấy là một người khách cần dăm số báo hoặc ít cuốn sách cũ. Anh chỉ cười xã giao một cách máy móc vì đầu mải rối với chi tiết truyện.

            - Anh Niên! Quên nhau rồi sao?

            Niên bước vội đến trước Điệp:

            - Thật bất ngờ. Đang đãng trí một chút. Xin lỗi anh Điệp nhé - Niên kéo một chiếc ghế, đẩy khẽ đến bên #iệp - Mình cùng nhau ngồi tạm ở đây.

            Điệp tỏ vẻ thân mật:

            - Anh Niên trông hơi gầy, có vẻ phờ phạc. Chắc đang viết đến chương gay cấn?

            Niên cười xòa, tay xoa xoa râu cằm đã lú ra vài chân bạc chưa cạo.

            - Anh khám bệnh bằng mắt quá siêu rồi đấy - Niên nói trong tiếng cười.

            Điệp rút từ túi xách ra một hộp bút:

            - Cháu bé có ở nhà chứ anh Niên? Tôi vừa từ bệnh viện ghé về đây, hi vọng giờ này có cháu ở nhà.

            Niên quay mặt lui về phía sau, gọi Ca Dao. Ca Dao chạy lên, vòng tay chào.

- Đây là chú Điệp, bác sĩ - Niên giới thiệu.

            - Cháu chào chú Điệp ạ - Ca Dao lại vòng tay, cúi đầu.

            Điệp xoa đầu Ca Dao:

            - Ngoan và xinh quá. Chắc lớn lên cũng làm nhà văn chứ Ca Dao? - Điệp tặng Ca Dao hộp bút, cô bé lại vòng tay cảm ơn, rồi ra nhà sau với mẹ.

            Hai người đàn ông chuyện trò về sách báo và thuốc thang. Hồi lâu, Niên chợt nhớ, anh nhờ Điệp trông hàng giúp, lên gác mang xuống hai cuốn sách anh mới xuất bản gần đây nhất. Điệp nói trong khi Niên kí tặng:

            - Tiểu thuyết và truyện ngắn anh viết tôi thích lắm. Hôm nào mang cả mấy cuốn tôi có ở nhà đến đây để có chữ kí tác giả.

            Niên trao hai tập truyện ngắn:

            - Chẳng biết hay dở thế nào. Xin tùy người đọc. Có được một người đọc là anh Điệp, tôi vui lắm.

            Niên ngừng lại, rồi nói ngay:

            - Anh Điệp, nếu có thể, chúng mình kiếm cái quán nào đó lai rai vài chai bia chơi?

            Điệp cười:

            - Vâng. Cũng vui. Tôi chở anh nhé.

            Niên quay ra nhà sau, nói với vợ. Khi Bông Trang lên cửa hàng, Niên giới thiệu cả hai người. Điệp gật đầu chào, suýt buột miệng nhận người quen. Điệp kịp kìm lại. Chỉ trong một thoáng. Lúc Niên cúi xuống dặn con gái nhớ học bài, cử chỉ của Điệp Niên không thấy.

            Sau vài câu giao tiếp bình thường, Điệp khởi động xe gắn máy. Hai người ra hết ngõ hẻm đến mặt đường, Bông Trang vẫn nhìn theo ngơ ngác về cử chỉ của Điệp. Bông Trang lục tìm trong trí nhớ với đôi chân mày nhíu lại.

Điệp và Niên đã cạn mấy li đầy bia. Từ khi có bia vào, Điệp bỗng tối hẳn gương mặt. Thỉnh thoảng, Điệp lén nhìn người đàn ông ngăm ngăm đen, đôi mắt to, thăm thẳm như lai Chăm hoặc Đn. Aằnh sáng đèn hẻm hắt xuống đủ soi thấy một mái tóc ngắn đen mượt loáng thoáng dăm sợi bạc. Niên đó, kẻ mà Cúc Tần đã mềm lòng, chừng như đã da diết yêu, đang ngồi trước mặt anh. Điệp thấy đau và buồn.

            Lúc này, men bia cũng ngấm vào máu Niên. Niên bỗng chưa bao giờ ngấm hơn nỗi cách quãng giữa anh với Cúc Tần. Nỗi buồn của người vô tình, ngẫu nhiên chiến thắng cũng ngấm trong Niên. Niên ý thức anh thắng Điệp nhưng đồng thời cũng ý thức anh là người đầu tiên phải rút khỏi tình huống trớ trêu này. Xưa nay, qua vài cuộc tình, Niên chưa hề muốn đánh bại ai để cướp đoạt người yêu. Phân rẽ hai người yêu nhau với Niên là việc nhẫn tâm. Làm nhà văn, Niên hiểu nỗi đau thế nào... Lẽ khác, anh không tin cô gái dám phụ tình cũ để yêu người khác là tốt, nữa là người khác chính là người đánh bại người tình cũ của mình! Cô gái ấy sẽ ''có mới nới cũ'' một cách độc ác, không thể nói chuyện thủy chung. Nhưng đời bao giờ cũng có trường hợp muôn một.

            Trường hợp của Niên và Cúc Tần lại khác, nằm ngoài cả cái muôn một kia. Niên đến với Cúc Tần lúc Cúc Tần đã dứt khoát hẳn với Điệp, bằng sự từ hôn dứt khoát đã được một năm. Niên không chịu trách nhiệm về nỗi đau của Điệp. Nói cho đúng, trong cuộc này, Điệp thất bại vì chính Điệp, và vì Cúc Tần nhận ra cô không yêu được Điệp, chứ chẳng tại Niên. Niên biết mình chả là gì cả.

            Điệp cũng hiểu điều đó. Mắt Điệp lóe lên trong cái nhìn vào li bia. Cái nhìn của nỗi hận không biết đặt vào đâu. 

- Tôi hận lắm anh Niên à - Điệp bỗng thốt ra điều anh không muốn nói với ai, nữa là Niên.

            Niên run khẽ ngón tay út khi bưng li bia.

            Chần chừ một lúc, Niên biết Điệp hiền lành, chẳng muốn làm nhục anh ở đây đâu. Trong một thoáng, anh suýt hối tiếc đã ngồi với Điệp ở một quán cóc với bia rượu thế này, hơn nữa, lại quá gần nhà anh. Nếu Điệp làm nhục anh tại đây, dẫu nhẹ nhàng thôi, Bông Trang cũng có thể hiểu hết mọi chuyện. Xóm này, nhiều người biết vợ chồng anh lắm. Nhưng trực cảm bảo anh hãy yên tâm dẫu Điệp mới thốt ra chữ mà Niên gờm nhất: Hận!

            - Mình đi chỗ khác ngồi, anh Điệp nhé - Niên nói.

            - Thôi, lỡ rồi, ngồi đâu cũng vậy - Điệp vẫn cúi đầu, mắt nhướng lên nhìn Niên. Tia vằn đỏ trong mắt Điệp như giận dữ? như chực khóc? Niên vẫn cố tự nhiên.

            Bàn tay Điệp chầm chậm đưa ra. Niên để yên xem thử. Điệp nắm vào bàn tay Niên bằng cái nắm nhẹ.

            Niên thấy yên tâm hơn một chút, sau phút căng thẳng.

            - Hận gì, anh Điệp? - Niên quyết định phải làm rõ với nhau, lúc này.

            Niên thấy Điệp rút tay lại, nói khẽ:

            - Tôi tự hận tôi, anh Niên à.

            Niên xấu hổ vì cảm giác nhẹ nhõm trong anh:

            - Là sao? Anh Điệp, chúng mình có thể nói với nhau. Giữa tôi với Lá Xanh - Niên nói rất nhỏ - thật đâu có gì - lại nói rõ tiếng hơn - Thật ra đâu có gì.

            - Giữa tôi với nơi đó cũng hết lâu rồi. Gần ba năm rồi. Trước đó chưa có gì đậm tình. Sau đó, là nỗi đau, tôi không kìm chế nổi sự bắt buộc phải bộc lộ nỗi đau đó! - Điệp thở hắt ra một cách cay đắng - Thế mới biết cuộc đời và trái tim người!

            Điệp uống sạch li bia:

            - Đủ rồi! Anh Niên, anh may mắn đó - Điệp chợt nhớ lại Bông Trang - Hãy giải quyết lấy phần còn lại của mình. Đừng để cứ mãi sống trong dằn vặt. Tôi cũng vậy.

            Niên chưa thật hiểu Điệp nói gì, vì anh không ngờ Điệp lại nói thế. Tính Niên vẫn muốn thật rốt ráo bởi anh sợ ngộ nhận.

            - Anh nói rõ đi, anh Điệp! Có gì đâu...

            - Đủ rồi! Anh là nhà văn. Tôi đâu phải bác sĩ tâm lí. Tôi thuộc khoa ngoại mà. Chúng ta về nhé.

            Ngồi sau lưng Điệp, Niên nói:

            - Tôi vẫn muốn anh nói rõ hơn, anh Điệp à.

            - Anh tầm thường thế - Điệp bực mình, phanh xe trước ngõ - Anh xuống đây cũng được. Tôi nói anh may mắn. Hãy tiến bước, nếu anh thấy tiến bước với Cúc Tần là tốt.

            Niên cau mặt. Anh cảm thấy khó chịu trước Điệp.

            Điệp lao vút xe đi trong bóng đêm đã xuống, ánh đèn phố xá đã bừng sáng. Niên nhìn theo, cúi đầu bước vào nhà. Cả hai người chỉ có bia và ít con sò huyết trong bụng. Niên nghe ngà ngà say, bước chân cơ hồ chông chênh, lảo đảo. Anh chợt lo ngại cho Điệp. Với tâm trạng ấy, với nồng độ men ấy, liệu Điệp có an toàn về đến nhà không, trong chiều thứ bảy đã sụp tối, lượng xe cộ đông hơn mọi đêm.

            Nửa giờ sau, uống thêm đã gần hai ca lớn nước sôi nguội, Niên ngồi trước máy điện thoại. Trên tay Niên, tấm danh thiếp của Điệp.

            - Vui lòng cho tôi gặp bác sĩ Điệp.

            - Anh Điệp chưa về đến nhà - một giọng nữ, có lẽ em gái Điệp trả lời.

Niên chỉ biết nói ''cảm ơn'' một cách máy móc, gác ống nói. Niên đâm ra lo lắng, tự trách mình sao chỉ mời uống bia không thôi vào giờ cần phải lót lòng trước đã. Niên thầm kính trọng sự cao thượng, thái độ minh bạch của Điệp. Tuy nhiên, cảm giác khó chịu về câu nói cuối của Điệp lúc chia tay vẫn váng vất trong đầu anh. Chẳng lẽ Điệp không hiểu con đường của nhà văn, dù đi với ai, cũng chỉ là con đường lẻ loi một mình? Hai mươi bảy năm nay, chưa có Cúc Tần, chẳng lẽ anh không viết được mẩu truyện nào? Niên mỉm cười với chút tự ái xằng bậy, vớ vẩn của mình. Không. Phải chăng, anh chỉ có thể nắm tay chỉ một người duy nhất là Cúc Tần, trên con đường Tình Yêu Đương - Hạnh Phúc Gia Đình?

            Dưới ánh đèn, anh chợt soi vào chiếc gương tay của Bông Trang: Một gương mặt nâu đen phờ phạc, tóc đã điểm dăm sợi bạc, chân râu cũng lú lên vài chấm trắng. Hai tiếng ''già  rồi'' suýt thốt ra trên đôi môi anh run run, mấp máy.

            Thế là gần một tháng rồi, Niên không đến với Lá Xanh nữa. Niên chẳng biết có kết thúc nào cho tâm trạng mâu thuẫn của Cúc Tần, Điệp và anh, để mở ra một trời Hạnh Phúc, thay vì dằn vặt, trăn trở. Cúc Tần có hiểu cho anh không?

 

 

Xem tiếp:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/co_mnlmxanh-5.htm

Cũng có thể xem tại:

http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/

http://tranxuanancmnlamaix2.blospot.com/

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

Trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7