b. Trần Xuân An - Sen đỏ, bài thơ hòa bình - Tệp 2

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

TRẦN XUÂN AN

SEN ĐỎ, BÀI THƠ HOÀ BÌNH

 

 

Chương 2

 

1996

 

 

1996

 

 

 

11

 

 

 

            Tre Trúc đã ghi vào sổ tay danh mục sách tham khảo, từ những ngăn đựng các tấm phiếu bìa cứng giới thiệu sách đã được xâu qua bằng một gióng sắt tròn. Ghi xong, cô thấy cuốn sổ nhỏ bằng nửa cuốn vở trong tay mình trở nên quá nặng. Rời khỏi tủ thư mục, cô đến bàn đọc. Bàn cô chọn cũng đã có vài sinh viên đang vừa đọc vừa ghi chép . Sợ gây tiếng động, Tre Trúc kéo ghế se sẽ, rồi ngồi xuống, đặt mắt vào những dòng chữ mới ghi vội. Lúc ghi, cô gặp dăm cuốn đã được đọc ở tủ sách của anh Cơ Dân, nhất là ở tủ sách khá đồ sộ của ông Hương Chữ. Tre Trúc mừng thầm, nhớ những cuốn sách có đóng triện đỏ tên ông, cái tên đã dẫn dắt ông đi vào ngành phát hành sách, ngành chuyên mang những làn hương của chữ nghĩa đến với mọi ngõ ngách của cuộc đời. Sách như vậy, nghe thơ quá, đẹp quá, nhưng giờ đây, Tre Trúc biết, còn phải tìm đọc thêm một số không phải nhẹ trong thời gian tới.

            Tre Trúc đến quầy mượn sách, ghi phiếu. Cô nhân viên sáng nay xem ra tử tế, niềm nở hơn mọi hôm. Nụ cười của cô ấy khiến Tre Trúc thấy nhẹ nhõm, được khích lệ.

            Cầm cuốn sách đã mượn được, Tre Trúc về chỗ cũ lặng lẽ đọc. Suốt hai tiếng đồng hồ, cô đã đọc và suy nghĩ về đề tài của luận văn tốt nghiệp, ghi vào sổ những số trang cần chụp lại để làm tư liệu, tiện cho việc trích dẫn. Tre Trúc chợt nhớ các xấp phiếu tư liệu phải chép tay của ba mẹ vẫn còn được lưu giữ đến giờ, cô nghe ớn lạnh cho công phu đèn sách. Thời của Tre Trúc, rõ là nhẹ nhàng quá, tiện lợi quá. Cô mỉm cười đi đến phòng sao chụp và sang đĩa vi tính.

            Trả sách xong, với mấy trang tư liệu trong cặp đã được ghi chú xuất xứ thêm, đúng theo yêu cầu nghiên cứu khoa học, Tre Trúc bước ra hành lang. Chưa vội lấy xe đạp, cô bước ra cổng để xem Hãng đã đến chưa.

            Đưa tay chào Hãng từ xa, cô phác một cử chỉ để Hãng hiểu ý chờ thêm dăm phút. Tre Trúc bước nhanh vào chỗ gửi xe.

            Dựng xe đạp và xe gắn máy trước xe nước mía bên lề đường, họ lại mỉm cười với nhau, bước đến một bàn trống dưới một tán cây đang tỏa bóng râm, cách thư viện mấy đỗi đường.

            Bên hai li nước mía, họ nhìn ra đường phố đang ồn ào trong bụi bặm, khói xe. Xe cộ như mắc cửi. Tre Trúc bất giác úp bàn tay của mình lên miệng li khi thấy đường phố bây giờ có hơi nhiều người mang khẩu trang. Chính những khẩu trang này khiến Tre Trúc nhận ra bụi bặm, khói xe không thấy bằng mắt được, chỉ bằng xúc giác mỗi khi đến trường, mỗi lúc về nhà. Hãng không để ý, anh nhìn cô:

            - Tre Trúc vẫn viết luận văn với đề tài ấy sao?

            - Vẫn đề tài đó. Em đăng kí với ban chủ nhiệm khoa và thầy giáo hướng dẫn rồi.

            - Sao chọn đề tài gì ''già nua'' quá vậy? - Hãng vừa cười mỉm vừa nhíu mày.

            Tre Trúc bưng li lên, vẫn úp tay lên miệng li. Cô chúm môi hút nước mía mát lạnh qua ống nhựa giữa kẽ hai ngón tay. ọặt li nước xuống bàn, Tre Trúc nhặt một chiếc lá vàng mới từ trên cao rơi xuống cặp da trên đùi cô. Se se cọng lá, Tre Trúc nhìn qua Hãng, vẫn với nụ cười:

            - Có người lại bảo đề tài ấy hơi ''thời trang''!

            - Phong tục thờ cúng tổ tiên mà ''thời trang''? Trời đất, bộ hết trò đùa rồi chắc! - Hãng nhướng mắt, ngạc nhiên - Aắ, hay Tre Trúc xin đổi qua đề tài thời trang đi! - Hãng đùa.

            Tre Trúc bật cười khẽ:

            - Cũng hay đấy. Văn chương đụng vào đủ thứ. Thứ gì trên đời này cũng phản ánh vào văn chương. Khoa ngữ văn em đã thành lập thêm khoa Đông Phương học, chuyên biệt luôn đấy... Ờ, mà thôi, lúc này đổi mới rồi, cần ''về nguồn''. Đời sống tâm linh, xưa như trái đất, lại trở thành nhu cầu bức thiết đến mức thời thượng!

            - Không phải đến bây giờ mới thành nhu cầu!

            Tre Trúc gật đầu:

            - Em diễn đạt theo cách những người không có nhu cầu đó. Nói đùa ấy mà. Thật ra, đó là bộ phận cốt lõi của văn hóa, cốt lõi nhất là đằng khác. Cổ lỗ nhất cũng là mới mẻ nhất.

            Hãng gật đầu:

            - Dù sao cũng ''già nua'' quá! Nhưng dạo này anh vẫn phải tìm hiểu về lĩnh vực ấy kĩ hơn. Kiến trúc cổ của nhân loại vẫn là kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng... Đúng là cốt tủy nhất thật... Và các lăng tẩm vua chúa trên thế giới, nghĩa là cái chết...

            - Thấy chưa! Kiến trúc cũng bao hàm tất cả mọi đối tượng của văn hóa học! - Tre Trúc mỉm cười thú vị khi thấy Hãng không thể tránh được đề tài cô đang chọn - Kiến trúc nghìn xưa còn lại phần lớn vẫn là đình, đền, chùa, nhà thờ, tháp tín ngưỡng... Tượng điêu khắc cũng thế!

            Suốt năm năm nay ngoài kiến trúc, vật liệu xây dựng, Hãng tự mày mò học thêm về điêu khắc. Hãng không thể tránh đề tài tâm linh, có điều cái nhìn của anh thiên về nghệ thuật và kĩ thuật thôi.

            Nhìn ra đường, anh nói:

            - Thôi được. Cũng hay. Có thể anh sẽ học thêm và kĩ hơn.

            - Em gọi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên Việt Nam là Đạo Hiếu Nghĩa... - cô bỏ lửng ý đang nói - Còn đồ án tốt nghiệp của anh vẫn không thay đổi chứ?

            - Vẫn kiến trúc tre trúc! - Hãng cười.

            Tre Trúc đỏ mặt, ánh mắt long lanh, vừa cảm động vừa muốn phì cười với sự hóm hỉnh của Hãng:

            - Thôi, trưa rồi. Mình về đi.

            Trả tiền xong, hai người đi song song về nhà ông Hương Chữ. Chỉ những đoạn nhác thấy công an giao thông, hai cô cậu sinh viên yêu nhau này mới tách ra kẻo sợ bị phạt.

            - ''Vi phạm văn hóa đi đường'' cũng là ''văn hóa sinh viên'' đó chứ, phải không anh Hãng? - Tre Trúc đùa.

            - Nhưng cũng phải cẩn thận kẻo có ''văn hóa đụng độ'' giữa đường, phải mất công sửa xe, và đi bệnh viện! - Hãng như thể đang đập lại quả bóng bàn Tre Trúc mới vụt qua với tiếng cười khẽ, như những hôm ở hội quán thể thao.

            Dưới nắng trưa, họ đi xe đạp, xe gắn máy bên nhau chầm chậm. Tuy đã sắp làm lễ hứa hôn, Tre Trúc vẫn không đồng ý để Hãng đưa đón bằng chiếc cúp tám mốt của anh. ọiều này làm Hãng ban đầu hơi tự ái, nhưng dần dần, cùng đi song song thế này, anh cảm nhận được sự thú vị của người đi chậm với vẻ thư thả - anh nghe nói đó là phong thái Huế, một kinh đô cổ Hãng chưa có dịp nào ra thăm. Cũng đôi lúc, anh thấy thành phố Hồ Chí Minh tất bật, năng động quá, chỉ mỗi Tre Trúc bên Hãng xem ra ung dung, nhàn hạ, ''hiền triết'' thế này thôi!

            Quanh hai người yêu nhau, ánh nắng trưa Sài Gòn vẫn chói chang, cuồng nhiệt. Rực rỡ. Nôn nả.

            Như những lần khác, Hãng quay xe gắn máy để về hiệu sách khi tiếng chuông chùa từ sân thượng tầng hai lan ra, vang ngân lên ngực họ, ở cổng biệt thự Sen Trắng.

            Trên đường về hiệu sách của ba má, Hãng chợt nhớ có lần một người bạn làm thơ của anh Cơ Dân đã nói, với nỗ lực gạn lọc, với phép biện chứng của thực tiễn cõi sống, phủ định của phủ định, các giáo thuyết, tín ngưỡng, triết học... vẫn thấm sâu vào mạch sống dân tộc, thành một tổng hòa hoặc những dạng rất Việt Nam, lại rất riêng ở mỗi người, như ở Tre Trúc, ở chính Hãng... Hãng vẫn hiểu, đó là một nhận định còn bỏ lửng...

 

 

 

12

 

 

 

            Mưa mùa hạ rơi trắng xóa cả khu vườn. Nơi Tre Trúc với Hãng đang ngồi nhấm nháp cà phê và nhìn mưa là một quán lạ. Cơn mưa đổ vội buộc họ phải vào đây. Nhờ tình cờ, cả hai ngỡ ngàng phát hiện ra một ngôi biệt thự cũ kĩ gần như hoang phế giữa thành phố đang náo nức tân trang, xây dựng mới. Chủ quán cà phê có lẽ chỉ thuê mặt bằng ở đây, dựng các mái quán tiền chế, dễ dàng lắp ghép hoặc tháo rời để di chuyển. Rêu xanh trên mái ngói, tường vôi của biệt thự với ánh đèn điện vàng úa, trong cơn mưa nặng hạt, mở ra trước mắt họ một  hình ảnh lạc lõng và khá lạ lẫm. Khu vườn đầy lá rụng, những gốc cây lưu niên vẫn xanh các tán lá, trông quá đỗi hoang sơ.

            Dạo này, họ thỉnh thoảng bất giác nhìn vào bàn tay trái của nhau, rồi nhìn nhau mỉm cười trìu mến. Tre Trúc và Hãng không ngờ họ đã đính hôn với nhau sau hơn chín tháng quen biết rồi yêu thương nhau. Hai chiếc nhẫn ba mẹ hai bên đã gắn vào tay họ, trước dăm bàn tiệc nhỏ ở Hóc Môn với hơn ba mươi nụ cười quen thân nở ra chung quanh, giờ đây đang sáng lên màu vàng của kim loại, dưới ánh đèn. Hạnh phúc hóa ra đơn sơ, giản dị đến vậy. Họ đã đính ước với nhau, thật ra là giao ước giữa hai họ, Phan và Phùng. Đến lúc này, một tuần lễ rồi, Tre Trúc vẫn còn bỡ ngỡ, còn Hãng, bởi anh quá say đắm với hạnh phúc, có khi anh vẫn chưa tin lễ đính hôn ấy là thật, vẫn thoáng ngờ ngợ, cứ tưởng chưa phải giấc mơ đẹp đã thành hiện thực.

            Tre Trúc và Hãng cũng đã thi tốt nghiệp xong, sau mấy tháng cuối năm học rất căng thẳng với sách vở, luận văn, đồ án.

            Có gì vội vã quá không? - Tre Trúc thầm nghĩ. Nhìn mưa đang xối xả trút, trong cô lại thoáng qua một chút lo âu vô cớ. Hãng như sợ mất đi một hạnh phúc anh sẽ chẳng bao giờ tìm ra lần thứ hai trên đời này, nên Hãng nôn nóng quá chăng? Không dám nghĩ đến sự đổ vỡ, nhưng Tre Trúc cảm thấy cô đã bị tình yêu đương cuồng nhiệt, có lẽ sợ phải đánh mất tình yêu ấy của Hãng lôi kéo đi, đến mức cô hơi bối rối, đâm ra hơi lo âu. Nhưng bản tính Hãng là thế, chân thành, say đắm và hối hả. Tre Trúc yêu Hãng biết chừng nào, có điều không thể không âu lo. Dẫu sao, không thể khác được nữa rồi!

            Lúc này, Hãng nhìn mưa nhưng đang vẽ vời tương lai.

            - Anh định mười ngày nữa sẽ khởi công sửa chữa nhà để xe ở Sen Trắng.

            Tre Trúc đâm ra thụ động, chỉ mỉm cười. Cô nhớ trước lễ hứa hôn, ông Phùng Thứ và bà Hồng Tĩnh - bây giờ Tre Trúc đã tập gọi bằng ba, má - đã đến chồng số vàng ở phòng khách ông bà Hương Chữ. Cô biết, ba mươi cây vàng vô nghĩa đối với ông Hương Chữ, nhưng ông đành phải nhận cho mọi người yên tâm, vui vẻ, và chừng như ông còn có ý định phòng xa gì đó...

            - Anh thấy trong óc anh, tư duy đối xứng của nghệ thuật kiến trúc hình như nó làm sao ấy... - Hãng ngập ngừng - Nhưng đành phải ''liệu cơm gắp mắm'', tính toán theo túi tiền thôi. Chắc chỉ sửa chữa lại như nhà anh Cơ Dân. Thế cũng tốn kém nhiều rồi... Tre Trúc thấy sao? - anh nhìn cô.

            Tre Trúc vẫn nhìn ra mưa. Cô quay lại, chia sẻ với Hãng:

            - Tùy anh - bất giác Tre Trúc thốt ra hai chữ quen thuộc, ''tùy anh'', bà nội cô rồi đến mẹ cô thường hay nói - Kiến trúc là nghề và nghiệp của anh mà.

            Hãng cười:

            - Anh lại tùy thuộc vào cái nhà xe cũ kĩ phải gió. Anh đã đo đạc lại rồi. Nó y hệt cái kho cũ, chỉ khác là không có vách mặt tiền. Thôi thì đành vậy. Tòa nhà lớn ở giữa, hai nhà ngang giống nhau ở hai bên.

            - Có thuật phong thủy, địa lí gì ở sự đối xứng ấy không? - Tre Trúc nhấp một ngụm cà phê, suốt mấy tháng nước rút ở cuộc đua sách vở, cô trót nghiện mất - ''Tả phù hữu dực'' gì đó mà. Trái và phải đều giúp đỡ, phò tá...

            - Thường là vậy. Và cũng thường là chia căn theo số lẻ. Căn chủ là căn giữa, phải rộng hơn, dù chỉ vài phân. Anh đã biến bốn căn thành ba căn. Căn giữa là căn đôi (3).

            - Căn đặt bàn thờ tổ và tiên (nội tộc và cội nguồn) là căn chủ chứ gì. ọặt đòn tay, người Việt - Kinh còn tính theo trật: sinh, lão, bệnh, tử. ọó, tín ngưỡng thấm sâu vào nếp ở như vậy...

            - ọúng rồi. Nhưng vấn đề còn là túi tiền nữa - Hãng lại cười - Đa số nhà ngang chỉ một và ở bên trái nhà lớn thôi.

            Hãng lại chìm vào tính toán. Anh rút cuốn sổ nhỏ, chiếc máy tính bỏ túi từ túi xách. Hãng chăm chú với những con số, các chữ ghi tên vật liệu. Cây bút bi xoay xoay trên mấy ngón tay. Tre Trúc vẫn nhìn mưa, lặng lẽ. Quán vắng, chỉ dăm bàn có khách. Tiếng nhạc êm dịu, ngọt ngào. Cô bỗng nghe tiếng cành cây khá lớn bị tước gãy, đổ ào trên đường ngoài kia với tiếng xe thắng gấp, trượt trên đường mưa, tiếng xôn xao ngoài và trong quán, cùng lúc với tiếng gió xoáy mạnh. Hoảng hốt, nhưng cả Hãng lẫn cô thấy yên tâm, khi đã phóng cái nhìn quan sát ra chung quanh, biết cây trong vườn đều thấp.

            - Không có gì! Một nhánh cây lớn bị gãy, may chưa nhằm ai - tiếng anh chủ quán thông báo, trấn an khách, lúc một cô bé khoảng mười sáu tuổi vừa xin lỗi khách vừa quét miểng vụn của tách sứ vừa bị quơ tay thảng thốt làm vỡ, trong tiếng cây gãy nhánh vừa rồi.

            - Ngoài kia gãy đổ, trong này rơi vỡ - một người khách đùa tếu nhưng chỉ có mỗi một tiếng cười hưởng ứng.

            Tre Trúc vẫn lặng lẽ nhìn mưa, Hãng vẫn cắm cúi tính toán vật liệu anh đã khảo giá. Tre Trúc thầm nghĩ, dẫu sao vẫn còn đến hai tháng nữa mới tới ngày làm lễ cưới. Hãng, hai mươi sáu tuổi. Tre Trúc, hai mươi hai. Tuổi hai mươi của họ có trẻ con quá không - Tre Trúc tự hỏi - trước một việc hệ trọng đến vậy? Cô lại suy nghĩ đến việc làm. Không thể sống chung để chỉ ngồi nhìn nhau. Cô hiểu cả hai đang nắm tay nhau bước tới một bước ngoặt của những bước ngoặt trong đời người, trong đời nhau. Cô đã thầm mừng cho sự thuận lợi của Hãng và của mình. Nhưng vẫn còn đó những lo âu vô cớ. Bất giác, lại bất giác, Tre Trúc định hỏi Hãng, anh có cần phải gia cố móng trước khi cơi nền không, nhưng rồi cô chỉ im lặng.

            Tre Trúc vẫn nhìn mưa. Mưa đã ngớt hạt. Lá khô sũng ướt, ngả sang màu đất. Trên những tán cây, lá xanh mướt cơ hồ sáng hẳn lên với nước mưa lấp lánh dưới sắc trời đã quang tạnh. Ngôi biệt thự rêu phong lại hiện ra rõ nét hơn: có vài cây dương xỉ mọc trên mái ngói và cả ở trên vách vôi loang lổ, bong lở, lâu năm không quét vôi lại, ngay cả bóng đèn vàng úa cũng cũ kĩ.

            Nắng lại sáng lên. Một đàn sẻ nâu lại lích rích sà xuống sân vườn. Những đôi chân xinh xắn, gầy guộc, nhỏ bé như nhảy nhót. Rồi cả đàn cùng nhất loạt bay vụt lên mái ngói sẫm màu rêu khô đẫm nước, xen lẫn với màu lục sáng của dăm đám rêu mới, tươi sắc. Lũ chim sáng hẳn lên trong màu nắng chiều mát mẻ. Tre Trúc chợt nhớ một bài thơ với tứ thơ rất bâng quơ: tiếng chim chưa bao giờ cũ! Cô mỉm cười, mơ hồ một cảm giác yên lòng. Bốn chuỗi chữ gồm hai mươi bốn hạt mưa, có khi ngỡ là nắng, nhưng thật ra là hai mươi bốn giọt âm thanh đang rơi, đang bay đâu đó trong màu cây lá và cỏ hoa:

 

                        vườn xanh quen, sao bỡ ngỡ

                        bên nhau chẳng có ngày thường

                        tiếng chim chưa bao giờ cũ

                        mới hoài lời em yêu thương. (4)

 

            Tre Trúc lại mỉm cười, cảm thấy yên lòng thật sự, cho dù trước những gãy đổ, rơi vỡ của bao cuộc hôn nhân hối hả, nôn nóng trong thời buổi xã hội đang có bao cơn lốc ngầm, do sự va chạm của những luồng gió văn hóa.

 

 

 

13

 

 

 

            Tháng này biệt thự Sen Trắng vắng lặng hẳn đi. Các sinh viên đã về quê, ở Long Xuyên, Đắc Lắc, Phan Thiết, Tam Kỳ, Quảng Trị. Quê hương thứ hai của Hoài Hương và Hoàng xa quá, tận nước Mỹ xa xôi đến tận nửa vòng trái đất, họ đành mang ba lô lên vai, ra thăm bà con ruột thịt ở Quảng Trị rồi rong ruổi ra thủ đô Hà Nội cho biết. Đất đã lên Buôn Ma Thuột để cùng ba má lo cho trang trại đang vào mùa mưa, mùa vụ chính ở miền cao nguyên đất đỏ ấy, không thể ở lại cùng với chị Tre Trúc. Song Mây dạo này, sau bảy tháng yêu đương cuồng nhiệt, không đắn đo, hối tiếc với anh Mai Tự, cô đâm ra buồn đến ngơ ngẩn. Song Mây phải ở lại với chị Tre Trúc để cùng chị và anh Hãng lo việc sửa lại nhà để xe thành nhà ở, với tâm trạng của kẻ mất hồn. Tre Trúc và Hãng cũng đồng thời phải đi xin việc làm. Cả hai muốn ổn định hai cái cơ bản nhất, công việc và nhà ở, trước khi làm lễ cưới vào đầu tháng mười.

            Trong nắng mùa mưa, mưa mùa hè của thành phố, họ chở nhau đi đến những chỗ quen biết có thể giúp đỡ họ kiếm được nơi thu nhận, cả những trung tâm giới thiệu việc làm. Họ cũng đến các tòa soạn báo chí, xin được đăng các mẩu tự giới thiệu để được gọi tuyển dụng. Thật lòng, Hãng không muốn nhờ vả thần thế của Vũ Thương Hoài như cô ấy đã hứa từ hai năm về trước. Hãng không muốn mình trở nên nhỏ bé, với tư thế của kẻ chịu ban ơn. Phần khác, Hãng đọc thấy sự lạnh nhạt của cả Thương Hoài lẫn của Tre Trúc khi hai cô gái này gặp nhau. Sự lạnh nhạt có chút gì khiêu khích, ganh tị của các cô gái chăng? Hãng không rõ, sợ mình nhận xét nhầm. Thương Hoài không thô tháp như Lúa Ngọc, nhưng rõ là không thể sánh được với Tre Trúc. Xinh và duyên, còn kín đáo và đằm thắm, nhạy cảm và sâu sắc nữa, ấy là Tre Trúc. Nhưng dẫu sao, Thương Hoài chỉ ganh tị, khiêu khích Tre Trúc, nếu quả thật như vậy, với trái tim của một cô gái giàu lòng tốt. Ở Tre Trúc, chẳng biết phải không, lại có vẻ khiêu khích, ganh tị của kẻ tự trọng, lòng tự trọng của người cảm thấy mình yếu thế, rất đời thường, rất muôn thuở, xen lẫn với niềm kiêu hãnh ngấm ngầm về nhan sắc, một lợi thế ở đời mà tận thâm tâm Tre Trúc vẫn xem là lợi thế tầm thường. Tuy xem nhan sắc là lợi thế tầm thường của kẻ tầm thường, kẻ không tự làm nên giá trị cho bản thân mà chỉ hưởng vẻ đẹp trời cho, nhưng rồi Tre Trúc vẫn phải vin vào nhan sắc để ngấm ngầm chống lại sự khiêu khích, ganh tị của Thương Hoài! Hãng mơ hồ nhận ra điều đó. Và anh đành chở Tre Trúc đến những nơi nào anh có thể đến, ngoại trừ nhà ở, cơ quan ông Vũ Hồng Ngà, thân sinh của Vũ Thương Hoài!

            Suốt gần hai tháng, vừa lo vật liệu xây dựng để sửa nhà, vừa đi xin việc, cả hai vợ chồng sắp cưới này nom hốc hác hẳn đi. Anh Cơ Dân, ông Hương Chữ cũng giúp họ, nhưng về việc làm, họ thấy hai người này xem ra cũng bó tay. Ông Hương Chữ vốn đâu có thế lực gì, lại đã về hưu mười mấy năm rồi. Anh Cơ Dân chỉ là phó thường dân, chỉ giao du với văn nghệ sĩ vốn khinh miệt kẻ ỷ quyền lực lẫn kẻ tài phiệt hãnh tiến. Mặc cảm, sự đời muôn thuở vẫn vậy! Rồi cuối cùng, Hãng đành bấm bụng chịu sự giúp đỡ của Vũ Thương Hoài và ông Vũ Hồng Ngà. Còn Tre Trúc, vẫn đang cảnh thất nghiệp.

            Tuy đang vào tháng cuối của mùa mưa, Hãng vẫn tiến hành việc sửa chữa nhà, với lều, bạt để trộn vữa, để che chắn những trận trời đổ nước như trút, thứ nước rất có hại cho độ đông kết, độ bền của bê tông.

            Khi những sinh viên trở lại trọ học, tháng chín, chắc hẳn họ sẽ thấy một ngôi nhà y hệt nhà anh Cơ Dân ở phía hông trái của tòa nhà lớn. Hãng đã vạch kế hoạch như vậy.

            Từ khi có mặt trong buổi tối chồng số vàng mua lại nhà để xe của ông Hương Chữ, số vàng ba mươi lạng từ xách tay của bà Hồng Tĩnh, anh Cơ Dân thấy đậm hơn trong mình tâm trạng tầm gửi, ở nhờ. Anh ước chi mình cũng có được ba mươi lạng như Hãng để nhẹ lòng, thoát khỏi cảnh tầm gửi. Anh đâm ra hơi buồn tủi.

            Hôm bàn với Hãng việc sửa nhà, anh Cơ Dân cũng đã trở lại với vẻ vui và hóm hỉnh, têu tếu thường ngày.

            - Tre Trúc bảo ''tả phù hữu dực'' sao? Nghe có vẻ xưng hùng xưng bá quá. Ông cụ ở nhà nghe được, ổng quát cho một trận bây giờ đấy nhé. Hơn ai hết, ông bố nuôi của mình sống rất thu thân suốt hai mươi mấy năm nay, từ khi về thừa kế biệt thự này. Chắc bà xã nhà cậu đùa thôi - anh cơ Dân đã dùng từ ''bà xã'', như thể Hãng với Tre Trúc đã cưới nhau - Ở Sài Gòn này, Sen Trắng có là gì lắm đâu!

            Hãng cũng vui vui với ý nghĩ Tre Trúc đã là vợ mình. Anh nói:

            - ọó là quan niệm cổ truyền kiểu đại gia đình ngày xưa, chẳng nhất thiết là vua chúa, quan lại mới có ''tả phù hữu dực''. ọó cũng là sự thể hiện ý niệm đối xứng, có đôi có đũa, âm sánh vai cùng dương. Tuy vậy, nhà phụ, phổ biến vẫn bên trái. Bên phải để trống. Tre Trúc chỉ nói đùa thôi! Nhà cửa thành phố, chen chúc, chật chội, thiếu quy hoạch, quá tùy tiện, tự phát, còn nói chi đến đối với lại xứng. Và tùy túi tiền nữa! Kiến trúc hiện đại vẫn chấp nhận độ lệch nghệ thuật có tính đến kĩ thuật. Anh hình dung thử, nhà em hệt nhà anh, xem thế nào? Em bị bó buộc bởi nền cũ, vách cũ, đủ thứ... Trong sáng tạo, bị câu thúc, bị hạn chế, phải lặp lại, đau lắm!

            Anh Cơ Dân nhắm tít hai mắt, vội mở ra với nụ cười:

            - Cũng hay. Cậu đã trở thành bậc sư trong lãnh vực này, mình có biết cóc gì về kiến trúc đâu.

            Hãng thấy không bằng lòng lắm với việc lặp lại một bản vẽ, nhưng cũng đành lòng, và chợt thấy anh rơi vào trường hợp của khối người suốt đời lo cho nhà cửa thiên hạ thật mĩ thuật, còn bản thân phải chịu cảnh ở lều, ở hóc. Tất nhiên Hãng vẫn biết anh ở trường hợp đã quá may mắn.

            Hãng biết mình thuộc loại tốt số so với quá nhiều người. Trong Hãng, có niềm tự hào, có cả nỗi xấu hổ về sự tự hào ấy. Anh biết mình đã tự làm được gì đâu! Hãng thấy chính anh phải tận dụng những thuận lợi ban đầu để phải tự học, phải nghiên cứu, sáng tạo nhiều hơn nữa như những kiến trúc sư nổi tiếng xa xưa, những Nguyễn An, những Cao Lỗ, những Vũ Như Tô, những Nguyễn Gia Thiều và các bậc thầy hiện còn sống, còn sáng tạo trên đất nước.

            Cuối tháng tám, những trận mưa chiều cuối mùa hạ phương nam vẫn rộn ràng, náo nức, tuyệt vời với một người tốt số là Hãng. Tre Trúc vẫn đoan trinh, kín đáo, thầm lặng, thoáng chút lo âu về Hãng với sự nôn nóng của anh. Nhiều đêm, nằm ngủ bên Song Mây, cô thấy giữa tính cách Hãng với cô vẫn có những gì rất dễ gây nên xung khắc. Ngoài ra, cô đã biết vì sao em gái buồn, nhưng không tài nào hiểu hết và cấm được em mình. Niềm lo ngại của Tre Trúc về em gái từ vài năm nay, cô mơ hồ, đã chuyển thành sự xấu hổ, nhục nhã. Tre Trúc rất sợ phải để bản thân, ba mẹ, cả Đất nữa, sẽ mang tiếng thị phi bởi Song Mây. Gần đây, cô sợ phải xấu hổ với Hãng, với bao người thân quen của anh biết bao! Tre Trúc còn nhớ, ngày đầu tiên đến xin trọ học ở Sen Trắng, cô đã định liệu cho em gái mình ở nhà bà chủ cũ, nơi cô đã trọ suốt ba năm học, sau khi ông Hương Chữ bảo đã đủ số với ý không nhận thêm. Lúc đó cô cạn nghĩ biết bao! Song Mây nếu không có Tre Trúc hay Đất một bên, sẽ thế nào! Tre Trúc giật mình nhớ lại nỗi mừng bấy giờ, là sau đó ông Hương Chữ đã vui lòng nhận thêm sinh viên, có cả Song Mây theo lời xin thêm hơi liều của cô. Mừng, lại lo âu sẽ mang tiếng! Và giờ có lẽ mang tiếng thật rồi?

            Bắt đầu tháng chín, vẫn rực rỡ nắng, xối xả mưa.

 

 

 

14

 

 

 

            Từ độ tháng mười hai năm ngoái, Lúa Ngọc đã thảng thốt và buồn đến rũ người khi hiểu trái tim mình đang bị hành bởi những cơn nóng bỏng rồi rét buốt của bệnh yêu đơn phương, lại là một nỗi yêu khá oái oăm! Trước đó ít lâu, Lúa Ngọc đã choáng váng khi gặp Gió. Trần Ngát Gió! Gió mới vào đại học, Lúa Ngọc đã ra trường. Gió đặc sệt chất Quảng Trị đầy gió và mênh mông cát. Dần dần, hiểu ra hoàn cảnh cơ khổ của Gió, phải hoàn toàn bươn chải để tự lo liệu cho bốn năm theo khoa cơ khí - chế tạo máy ở đại học, trong tình yêu của cô còn có cả niềm ái ngại, tình thương lẫn cảm phục. Lúa Ngọc yêu Gió biết bao, nhưng chẳng biết cách nào để giúp đỡ anh.

            Lúa Ngọc được dịp ngồi kề Gió, hôm tiệc trà mừng Sen ọỏ phun lên và nở hoa từ giếng phun giữa đầm Sen Trắng, với ba con đường như ba chiếc cầu mới mở ra thêm, trong tứ thơ kiến trúc của biệt thự vốn quá thân quen với cô. Hôm ấy, chỉ nói với nhau đôi lời vu vơ, sao Lúa Ngọc xúc động đến thế. Xắn một khoanh bánh quế, đặt vào đĩa cho Gió, Lúa Ngọc nghe Gió nói:

            - Cảm ơn chị Lúa Ngọc - Gió cười với hai hàm răng trắng, khỏe, rót nước ngọt và gắp thêm đá lạnh vào li cô - Chị Lúa Ngọc tốt nghiệp khoa sinh vật phải không? Năm trước, Gió cũng định thi vào khoa đó.

            - Sao vậy? Lúa Ngọc thấy Gió có vẻ hợp với cơ khí, máy móc hơn - cô nhìn anh, cảm thấy xao xuyến đến lạ lùng cho mình.

            - Sao chị biết? - Gió cười hồn hậu.

            Lúa Ngọc đỏ mặt, bởi thấy Gió có vẻ rất đàn ông với những cơ bắp rắn chắc, phù hợp với khoa cơ khí phải luôn chạm tay chân vào sắt thép nặng nề, song cô im lặng.

            - Gió thích được chế tạo nhiều máy cày, máy gặt đập liên hợp, nhưng cũng thích việc lai tạo giống cây trồng! - chợt Gió hỏi - Có bao giờ chị về Quảng Trị chưa?

            Lúa Ngọc như vừa uống rượu mạnh, tuy chát và cay:

            - Có. ọã về hai lần. Quê Lúa Ngọc ngoài đó mà.

            Rượu chát hơi quá chát vì chữ ''chị'' từ môi Gió dùng để gọi cô. Lúa Ngọc còn nghe cay cay một nỗi trớ trêu.

            - Chị Lúa Ngọc định đi sâu vào chuyên ngành gì? Hình như đang công tác ở cơ quan nông nghiệp?

            - Bà nội Lúa Ngọc rất mê lúa, gần như thờ Thần Lúa. Cơ hồ Lúa Ngọc chiều theo bà nội. Thật lòng chỉ thấy thích cây lá chim muông vậy thôi - Lúa Ngọc khiêm tốn.

            - Vậy sau này hợp tác với nhau nhé - hồn nhiên và vô tư, Gió bảo.

            Một lần nữa, Lúa Ngọc ngây ngất. Cô cảm nhận Gió sẽ là một người hết mình với ruộng đất, một nhà nông học. Lúa Ngọc chưa bao giờ thấy một buổi tiệc chóng vánh đến vậy. Cô những muốn kéo dài ra mãi cuộc chuyện trò này, vì vẻ đẹp cương nghị, vì khát vọng khoa học - công nghệ của Gió đã lôi cuốn đến nao nức lạ thường.

            Rồi nhiều lần gặp gỡ, chuyện trò, cũng là nắng mưa dưa lúa vậy thôi, Gió cũng hồn nhiên, vô tư vậy thôi, sao Lúa Ngọc say đắm, buồn tủi đến thế. Lúa Ngọc suốt mấy tháng nay không nguôi nhớ Gió, cả những giờ ở phòng thí nghiệm của cơ quan, ở trước màn hình vi tính. Nhớ đến thắt lòng, nghẹn ngào. Nhớ tuyệt vọng. Nhớ trong vô thức, nửa đêm, trở mình, buồn trào nước mắt.

            Một lần, lúc sắp vào cuối mùa khô nóng, Lúa Ngọc có ghé một bưu cục để gửi thư cho bạn của ba - ông Phùng Thứ nhờ cô bỏ ở thùng thư giùm - cô chợt nghe tiếng chào tiếp thị sau lưng:

            - Dầu gội đầu số một đây, cô dùng thử xem.

            Lúa Ngọc quay lại, ngẩn người:

            - A! Gió! Tưởng ai lạ sao?

            Thật tình Gió cũng không ngờ. Lúa Ngọc cũng biết vậy, vì hôm nay cô mặc chiếc áo mới mua, có lẽ lạ hẳn đi. Gió hơi lúng túng bởi hai túi xách có in những dòng chữ quảng cáo của công ti dầu gội đầu, với đồng phục tiếp thị viên. Gió vội lấy lại vẻ mặt thường khi chuyện trò với Lúa Ngọc.

            - Ngồi tạm ở đây đi, Lúa Ngọc - dạo này Gió đã nghe lời Lúa Ngọc, ném đi đâu rồi chữ ''chị''. Anh đã bớt ngượng khi chỉ gọi tên cô, mặc dù nhỏ hơn cô đến bốn tuổi. Gió đặt hai túi xách đựng đầy các lọ, các hộp đủ cỡ lên bàn dán tem - Lúa Ngọc đi làm về sao?

            Lúa Ngọc gật đầu. Cô mỉm cười:

            - Gió đúng là nhà vô địch chịu khó.

            - Không. ọang tập làm ''Những kẻ đói rách vĩ đại'' - anh mượn nhan đề một bộ phim, cười rất tươi và hơi có ý đùa tếu.

            - Gió có thể nghỉ tiếp thị, đi uống nước rồi ghé đâu đó ăn trưa không? - Lúa Ngọc nói nhanh, quay hướng nhìn qua chỗ khác để giấu chút đỏ mặt khi ngỏ lời mời.

            - Cũng có thể. Nhưng Gió đang trên đường về đây. Chiều nay còn phải đi học. Cảm ơn Lúa Ngọc nghe. Hôm khác, dịp khác...

            Lúa Ngọc ngượng đến điếng người, nghe rõ máu dồn lên đầu. Cô ngồi im không nói gì, nhìn quanh lo lắng không biết có ai ở bưu cục này nghe lời mời và lời từ chối vừa rồi không. Gió vẫn hồn nhiên, vô tư mỉm cười.

            Lúa Ngọc bèn vớt vát sỉ diện bằng cách chào Gió, vội ra chỗ gửi xe. Chiếc tám mốt không chịu nổ máy!

            - Để Gió khởi động cho.

            Hóa ra Gió đã đứng sau lưng. Lúa Ngọc những muốn bay vút đi như cánh chim để thoát khỏi nỗi xấu hổ vì bị từ chối lời mời, cô đã định rất nhiều lần, và hôm nay đã buột miệng thốt ra.

            Nhưng xe đã nổ máy.

            - Thôi. Cảm ơn - giọng Lúa Ngọc lạnh, nghẹn ngào.

            Chiếc xe loạng choạng, rồi lao đi sau phút hơi mất thăng bằng. Gió chỉ biết nhìn theo. Anh biết làm thế nào được! Gió hiểu ra tất cả, nhưng oái oăm là trái tim chỉ rung động được khi bắt đúng tần số nào đó, lại trơ ra với những tần số khác. Thương và mến, ở đây đâu phải là yêu đương!

            Lúa Ngọc suốt một năm vừa rồi, đi làm ở một cơ quan sinh học nông nghiệp, buồn đến xót xa, tủi thân cho dáng dấp thô tháp của mình biết bao, đến nỗi nhiều khi cô muốn bỏ việc. Chưa thời gian nào, nỗi khát tình, niềm cô đơn, nỗi nhớ, niềm thương giày vò Lúa Ngọc đến thế. Cô thấy cả cõi người ta này thảy đều ghẻ lạnh, hững hờ với mình. Những giờ rảnh rỗi, những chủ nhật, Lúa Ngọc chạy xe gắn máy lang thang, ngơ ngất một mình trên bao đường phố. Đôi lần cô nghĩ đến rượu mạnh, nhưng vẫn còn tỉnh táo để không gọi, trong nhiều bữa ngồi một mình nơi quán vắng. Trần Ngát Gió. Gió. Gió. Đã thành bão tố triền miên trong tâm hồn đau đớn Lúa Ngọc.

            Lúa Ngọc cũng thừa hiểu, có những tình yêu vô vọng, tuyệt vọng, nhưng vẫn còn và mãi còn bao trái tim chứa đựng duy nhất, độc nhất thứ tình yêu đương ấy. Không thể cưỡng lại được, không cách nào dứt bỏ được. Lúa Ngọc chợt cảm thấy tủi thân, thương cho trái tim mình quá. Bao lần, Lúa Ngọc những muốn khóc to, khóc tràn cho vơi đi, nhẹ bớt. Nhưng chỉ biết cắn chặt môi, ghìm lại, cố ghìm lại tiếng khóc chua xót. Tuổi hai mươi của tôi hoang vắng, thô kệch, vô duyên đến vậy sao! - Lúa Ngọc đã bao lần nhìn thẳng vào khung gương tráng thủy và nỗi khát tình, niềm cô đơn ngỡ như đã hóa đá trong lồng ngực. Lúa Ngọc chìm đắm vào phiền muộn, trầm cảm, chỉ thấy mỗi một mặt tối của thân phận mình. Như một căn bệnh, Lúa Ngọc xem trí tuệ, phẩm hạnh chỉ là con số không, lại là con số không trừu tượng, vô hình, và vô nghĩa giữa cuộc đời này, với con mắt của thiên hạ. Tại sao con gái phải xinh đẹp mới là con gái nhỉ? Tại sao con gái học giỏi, tài cao, chỉ thêm cô đơn, bị xa lánh? Lúa Ngọc không tin vào các bài thơ, các câu ca dao, tục ngữ xem cái nết là cái đẹp,cao hơn, bền hơn vẻ đẹp xác thân. Đó chỉ là sự động viên, khích lệ vì thương hại. Chân lí nằm trong đôi mắt của con trai và đàn ông. Người ta có thể ra sức để thay đổi sức học, cải tạo nhân cách, nhưng làm sao gọt bớt xương thịt của một cô gái thô kệch như đô lực sĩ dị dạng? Lúa Ngọc tự ngắm nhìn, tự soi mói với tất cả lòng căm hận bản thân. Trần Ngát Gió trở thành khát vọng vô vọng, nỗi đau không thể giảm đau của tuổi hai mươi Lúa Ngọc. Cũng nhiều lần Lúa Ngọc suýt tầm thường, tin vào đồng tiền giúp đỡ Gió, nhưng vội biết tự khinh miệt mình, kịp dừng lại. Cũng nhiều lần, cô mong ước tất cả mọi trái tim người đều là hầu bao rổn rảng cho tan biến hết niềm đau thân thể thô kệch. Lúa Ngọc như một người mù, chỉ nhìn thấy nỗi đau của riêng thân phận mình. Lúa Ngọc cũng nghĩ, mọi con mắt đời đều có một điểm mù bẩm sinh, và phải chăng vì điểm mù ấy, người ta đã không nhìn thấy vẻ đẹp thuần tinh thần. Không. Đừng tự an ủi. Chân lí nằm trong đôi mắt con trai và đàn ông. Gió. Gió. Gió. Đã thành bão tố của tuổi hai mươi Lúa Ngọc. Căm hận, đay nghiến, tự mạt sát bản thân, ấy là Lúa Ngọc, là tuổi hai mươi của cô. Một nỗi bệnh bỗng trở nên mãn tính và trầm kha!

 

 

 

15

 

 

 

            Trên chiếc Sa-li (Chaly) màu trắng, mới được ba má gởi tiền về cho cô mua lại ở một tiệm chuyên bán xe cũ, Song Mây đi vòng qua mấy con hẻm nhỏ với chiếc khẩu trang, với chiếc mũ rộng vành có thể gấp nhỏ lại được, trước khi đến lớp học vi tính. Cô đã đi ngang qua trước căn nhà nhỏ cô muốn trông vào. Giờ chẳng còn ngạc nhiên đến sửng sốt, đau đớn bàng hoàng nữa. ọây là lần thứ ba Song Mây ghé mắt nhìn kĩ căn nhà ấy với những người, những đồ đạc trong ấy. Không thể nhầm được, căn nhà đã được sang nhượng cho người khác. Song Mây dừng xe gắn máy bên lề đường, cất khẩu trang, mũ vải mềm có vành cứng vào cặp da, lại đặt sau lưng - có một dải dây choàng chéo ngang ngực. Cô cảm thấy buồn và giận đến nghẹn ngào.

            Anh Mai Tự đã bỏ dạy học ở trường trung học dân lập gần Sen Trắng, Song Mây đã biết. Lúc này, rõ là chắc chắn  rồi, anh ấy cũng đã bán nhà để đưa vợ con đến nơi khác. Song Mây không cách nào tìm được. Nhưng tìm để làm gì! Biết vậy, nhưng cô vẫn muốn tìm để nói một câu gì đó. Câu gì, đến lúc này Song Mây cũng không rõ. Tâm trạng hụt hẫng, tức tối, buồn phiền đã hành hạ Song Mây suốt ba tháng nay, đẩy Song Mây rơi xuống mức điểm trung bình ở kì thi cuối năm học! Thôi, cũng đành! Chẳng lẽ tìm gặp để chỉ nghẹn ngào: ''Thế mà bảo vợ anh đã làm hồ sơ li dị!''!?

            Song Mây đến lớp học vi tính. Cô làm những bài tập bằng mười ngón tay trên các phím chữ rất vô thức, chỉ ý thức trong tình trạng đầu óc chập chờn, mụ mị, tê điếng.

            Hết giờ học, đẩy xe ra cổng, đôi mắt u mê vẫn bất giác tìm bóng dáng quen thuộc của anh Mai Tự, và cũng không còn buồn được nữa khi đã bặt tăm anh.

            Đường phố dịu mát trong hơi mưa còn lại. Đèn phố với đèn xe cộ vẫn rực rỡ, nhấp nháy, di động không ngớt. Cuộc sống vẫn thế, có gì khác đâu. Hai mươi tuổi, xinh đẹp, thon tròn, và chắc rồi nếu lại cố gắng, Song Mây thừa sức để có bằng cử nhân, bằng vi tính, bằng ngoại ngữ loại giỏi trong tay. Thành phố vẫn thế. Đêm vẫn thế. Ngày vẫn thế. Song Mây có gì khác đâu, khi anh Mai Tự đã lặng lẽ dọn nhà, âm thầm bỏ dạy. Song Mây tự bảo, đừng buồn. Rất mơ hồ, hầu như vô thức, Song Mây không cảm thấy mất mát, hối tiếc (!). Chẳng có gì quý báu để phải ân hận (!). Có điều, Song Mây đau xót vì bị xúc phạm: bị bỏ rơi trong một cuộc chơi, sự bỏ rơi của anh Mai Tự, người đã yêu cô, người cô đã yêu, hết mình, trọn vẹn, say đắm. Có gì đâu để buồn. Như một cuộc li dị, nhẹ nhàng, chóng vánh, tuy hơi bất ngờ và chỉ do một phía!

            Hai mươi tuổi, đã hai đời chồng, cứ xem như vậy đi, thì có sao đâu. Hoài Hương, cả Hoàng nữa, chả từng bảo với Song Mây như thế là gì. ''Để làm gì nhỉ!'' - anh Mai Tự cũng thường xuyên xem như mọi sự đều là hư vô đó thôi!

            Song Mây cười vô cảm một mình, loanh quanh trên đường phố. Định ghé vào quán cà phê nào đó với đèn mờ và bóng tối, nhưng thấy không nên tự đánh đồng với các cô gái ăn sương, Song Mây muốn đến nhà một bạn gái cùng lớp. Chắc cô bạn ấy đã ''li dị'' một, hai lần gì rồi, như mình thôi. Hai chữ ''trinh trắng'' đâu còn có trong từ điển tuổi hai mươi!(!). Nhưng chẳng lẽ về Sen Trắng để ngồi rồi nằm trơ mắt, ráo hoảnh bên nữ thánh lỗi thời có tên là Tre Trúc? Nữ thánh ư? Cứ đăm đăm tính toán cho cái được gọi là cống hiến và hạnh phúc. Xưa rích. Không nên về nhà lúc này. Giả vờ là gái ăn sương thử sao. Có sao đâu!(!).

            Song Mây lưỡng lự rồi chọn một quán nước. Chẳng hiểu sao cô lại ghé vào một quán khá lịch sự. Song Mây toan làm hư đời luôn cho anh Mai Tự biết, nhưng lại yên tâm lúc nhìn quanh, thấy đèn sáng, không ai có vẻ là gái ăn sương cả.

            Sau thoáng định thần của cô, tiếp viên bước đến bàn với mảnh giấy bọc nhựa liệt kê tên thức uống. Song Mây chỉ vào một dòng chữ. Chiếc quạt phả hơi nước lành lạnh bên cạnh, không phải quạt máy bình thường hay gặp, cho Song Mây một chút gió cao nguyên, một thoáng đêm Buôn Ma Thuột.

            Năm sáu tuổi, Song Mây rời Quảng Trị, cùng ba má vào cao nguyên ấy. Cao nguyên bụi mù trời, buồn muôn thuở (5) nhưng dễ thương biết mấy. Một thời thơ ấu cơ khổ nhưng ấm áp. Những năm tháng tuổi nhỏ lấm lem đất bụi, bùn lầy nơi những kẽ chân, nhưng vầng trán luôn được chiếu sáng bởi lời bảo ban nghiêm khắc, ngọt ngào của ba má. Để rồi, tất cả, như bị lốc xoáy cuốn sạch, lại ném vào cô bao cuốn phim, cuốn sách, băng nhạc, đen ứ mọi ngõ tâm trí. Cuộc sống tỉnh lị đã thay đổi. Không ai có thể còn là mình trước đó. Thuận theo hoặc phải giằng xé, trăn trở, chống trả mọi cám dỗ. Tội lỗi đã được bảo chứng bằng mức sống khá hơn, nên tội lỗi xem ra dễ chấp nhận. Trong sạch và nghèo khó, bó buộc? Tội lỗi và no đủ, buông thả? Hãy chọn lựa! Mãi đến sau này Song Mây mới hiểu rõ như thế. Bấy giờ, tuổi mới lớn, cơn lốc thời kinh tế thị trường đã cuốn cô bé Song Mây ra khỏi vòng tay gia đình, cô nào có biết. Ba má, chị Tre Trúc và cả Đất nữa, đâu biết Song Mây đã bắt đầu phiêu lưu, mộng tưởng với mối tình đầu. Chỉ mơ hồ, phong thanh. Và với trí óc thông minh, trái tim nhạy cảm, Song Mây tự hình thành cho mình một quan niệm sống chưa nhất quán. Trong Song Mây vẫn âm ỉ, vẫn bùng nổ một khối mâu thuẫn! Thi rớt. Rồi giã từ Buôn Ma Thuột và mối tình đầu. Sài Gòn với biệt thự Sen Trắng, với thầy giáo hai mươi bảy tuổi Mai Tự, với trường đại học đã thời trang hóa tất cả, tất cả đã đổi mới với những trả giá đê tiện không nên có, và với hai người bạn trọ học Việt kiều nữa chứ, tất cả và tất cả, đã làm khối mâu thuẫn trong Song Mây, nửa đen nửa đỏ, thành một khối đen đúa nhưng bóng ngời như ngọc. Ngọc đen. Trong vắt? Tuyệt đẹp? Nhưng không phải ngọc. Là một lẽ sống. Hết mình. Không hối tiếc. Trái tim đen ngời, đen lóng lánh (!). Như một đột biến, Song Mây hoàn toàn mới. Song Mây không cảm nhận sự thay đổi trong tâm trí một cách mơ hồ. Hoài Hương chẳng nói với cô là gì, vào một chiều nào đó:  

            - Đạo đức là quy ước xã hội thôi. Đạo đức hay tội lỗi là tùy cách đánh giá của xã hội - Hoài Hương đã đủ từ tiếng Việt để diễn đạt ý tưởng. Cầm thêm bên tay cuốn tự điển cỡ vừa, cô nói - Ngay chuyện con gái phơi đùi, phơi ngực, phơi bụng giữa phố, ở giảng đường, ở nhà thờ, ở chùa cũng vậy. Mọi người ở truồng, ở trần vẫn là đạo đức, phẩm hạnh, nếu cả động đồng, toàn xã hội chấp nhận như vậy. Đàn ông vẫn còn ở trần suốt ngày đó!

            - Có lí - Song Mây cười thú vị vì ý tưởng lạ và mới - Toàn thế giới là một bãi biển với áo tắm hai mảnh, cũng được chứ sao - cô bỗng trâng tráo một cách thời thượng.

            - Hoan hô Song Mây! Pờ-lây-boi (playboy), dịch thế nào nhỉ? - Hoàng cười ha hả - Cậu trai trẻ chịu chơi. Lũ trẻ chịu chơi. Phải chịu chơi chứ. Chịu chơi là phẩm giá mới, đạo đức mới. Làm việc hết mình, năng suất, hiệu quả tối đa, cũng phải chịu chơi hết cỡ, chịu chơi tận cùng. Đấy là đạo đức mới. Đấy là sự giải phóng khỏi những giáo điều cổ lỗ, những trói buộc cũ mèm. Thỏa mãn mọi nhu cầu! Tình dục muôn năm! Nếu toàn thế giới đồng tâm nhất trí như vậy, thì đấy là quy ước mới, đạo lí mới. Không giày vò, băn khoăn gì. Đã không xem cái gì là tội lỗi, làm gì còn tội lỗi trên đời. Đó là cách hay nhất để thanh toán tội lỗi - hùng biện, Hoàng lại phải nhíu mày tìm từ.

            Song Mây hỏi anh Mai Tự, với giọng còn hơi ngượng:

            -  Phải không anh?

            - Đúng. Đạo đức chỉ là quy ước xã hội. Lỏng lẻo? Chặt chẽ? Tự do vô bờ bến, không giới hạn? Tùy xã hội nào với sự lựa chọn mức độ nào. Đạo đức cũng có giới tính, tiến trình, địa bàn của nó. Nó không đứng yên. Có phong tục bầy đàn, có phong tục bán khai, có phong tục Phương Tây, có phong tục Phương Đông, cận đại và hiện đại - anh Mai Tự hơi lúng túng, rối rắm bởi phải thừa nhận một điều thật không bằng lòng lắm - ọạo đức và vô đạo đức, biện biệt như vậy để làm gì nhỉ! - anh bỗng thấy ghê tởm cho miệng lưỡi của mình quá, nhưng cố trấn tĩnh - Tôi cảm thấy bị khủng hoảng thật sự. Có lẽ các bạn giúp tôi tìm một mức độ, một giới hạn hợp lí, và có tính mục đích nữa.

            - Để làm gì nhỉ! - Hoài Hương bật cười, lặp lại câu cửa miệng của anh Mai Tự - Nhưng anh giải thích rõ và chậm cho em đi. Em không hiểu lắm.

            - Mọi cách ăn, mặc, hát hò, tắm rửa... đều có mục đích, tức là để làm gì. Chẳng hạn, tại sao phải phơi đùi đến mức tối đa như thế? Tại sao phải mặc váy thật ngắn? Tại sao mặc váy mà không mặc quần? Tại sao phải xẻ xường xám nửa kín nửa hở? Tại sao úp mở phần ngực? Tại sao phơi rốn? Tại sao và tại sao? Để làm gì? Động cơ? Mục đích? Ai khởi xướng? Tại sao khởi xướng? Ai hưởng ứng? Tại sao hưởng ứng? - anh Mai Tự lại dịch sang tiếng Anh, với nhiều mệnh đề khởi đầu bằng các từ có phụ âm đầu là WH: Why? When? What? Which? Who? Where? (Tại sao? Khi nào? Cái gì? Ai? Ở đâu?) và từ How (thế nào?).

            Anh Mai Tự cúi đầu, thấy mình đứng đắn hẳn. Anh biết mình đang bị phân thân như đã bị một nhát đao bổ dọc từ đỉnh sọ đến chỗ, xa xưa, của loài người, là đuôi, rồi được ráp lại. Không biết có ráp một nửa của loài động vật nào khác, hoàn toàn đối kháng với một Mai Tự cũ, vào nửa đích thực là Mai Tự xưa nay, để thành một Mai Tự ngụy tín lúc này chăng? Không. Con thú bản năng thấp hèn mai phục sẵn trong tim đen mỗi người!?

            Đó là lúc bốn người ngồi ở bàn đá trước sân biệt thự Sen Trắng, dưới giàn hoa tím ngan ngát, lá ken dày, xanh mượt, một chiều nào đã lâu. Chiều ấy, cô hiểu theo cách của mình!

            Bây giờ, trong quán cà phê trông khá sáng sủa, lịch sự này, Song Mây vẫn thấy quy ước mới ấy đâu phải sai. Sai hay đúng đều vô nghĩa, nếu đài, báo, sân khấu, nhà trường...  chấp nhận. Linh mục, nhà sư cũng im lặng, không gióng lên tiếng chuông nào để phản đối, là đã chấp nhận. Nếu có, cũng nửa vời. Nửa vời là đồng lõa nhưng còn cao đạo, giữ kẽ, thủ thế. Không còn gì để nói! Song Mây đã đột biến với trái tim đen ngời, đen lóng lánh trong ngực. Máu huyết trong cô không thể là hắc ín, cũng lóng lánh đen, sôi nổi, mặn nồng, rạo rực. Cô đã yêu thầy giáo Mai Tự trẻ trung hai mươi tám tuổi, rất đỗi tài hoa, vô cùng trí tuệ. Hết mình. Không hối tiếc. Đến lúc anh Mai Tự đã dọn nhà ra đi, có lẽ biền biệt, Song Mây cắn chặt môi, tự bảo, không hối tiếc. Cô cảm thấy nhục nhã vì không đủ sức níu kéo anh, không giữ được anh sau cái Tết năm nay mấy tháng.

            Ngước mắt nhìn lên khoảng trời đêm, bị cắt bởi những mái nhà, Song Mây thấy đậm đặc bóng tối. Cô cảm thấy hững hờ, dửng dưng với tất thảy. Chẳng có gì để buồn. Ngày mai lại đến lớp Anh ngữ, ngày mốt lại đến lớp vi tính, cứ thế, đến hết kì  nghỉ hè, rồi lại vào năm học mới. Cứ thế, vẫn học, có thể lại yêu đương, cười nói, tươi vui, xinh đẹp và thông minh. Có gì đâu để buồn! Buồn, để làm gì nhỉ! Song Mây mỉm cười, hồn nhiên sa đọa, hồn nhiên suy đồi, sâu sắc và tinh tế với tội lỗi. Sa đoạ, suy đồi, tội lỗi là đức hạnh mới, phẩm giá mới cơ mà! Đâu phải là bệnh tuổi trẻ! Thuốc chữa làm gì! (!).

            Song Mây mỉm cười một mình, thấy mình sẽ chết trong một vũng máu dưới các bánh xe lầy lụa xương thịt của chính cô, lát nữa, trên đường về. Nụ cười chợt chết cứng với đôi môi đỏ mọng và hai hàm răng đều đặn, trắng ngời, hé mở, trên gương mặt bằng gỗ của Song Mây, lúc này, trong quán cà phê sáng sủa, lịch sự. Thế là cũng hết mình. Sống hết mình. Chết hết mình. Có gì đâu để vui hay buồn!

            Chiếc quạt máy vẫn phả hơi sương cao nguyên vào Song Mây. Li nước chanh lạnh buốt trong tay. Ngụm nước ngọt chua trôi vào lồng ngực nỗi rét mướt của tuổi thơ miền đất đỏ xa lắc ấy. Song Mây rùng mình. Cô chợt thấy ý tưởng về cái chết quá rùng rợn, bất nhân. Sống đã gây tai họa cho người khác, chết cũng gây tai họa cho người khác nữa sao! Có bao cái chết lặng lẽ, êm ái và cũng hết mình với chỉ riêng mình. Song Mây có oán trách gì ai đâu, kể cả anh Mai Tự, kể cả Hoài Hương, cả Hoàng, kể cả bao kẻ đầu độc bằng văn chương, bằng phim ảnh khác! Chất độc có lí luận! Chất độc bọc đường và gây nghiện!

           Ồ, hóa ra các khái niệm thiện với chữ nghĩa của nó, vốn đã khô trơ với Song Mây, lại trượt qua mạch nghĩ, và Song Mây ngỡ ngàng được đánh thức.

            Ồ, nạn nhân biện minh cho thủ phạm! Song Mây bỡ ngỡ với chính Song Mây, trong thoáng sững sờ. Cô thấy mình mâu thuẫn. Mỗi việc đều có trường hợp cụ thể của nó. Chút lòng nhân ngu ngốc. Rởm. Buồn cười. Thôi, quên đi. Sám hối thế cũng đủ rồi. Chết làm gì nhỉ? Cách giải quyết nào trong vô thức trồi ra ngu dốt thế, hèn mạt, bạc nhược thế. Song Mây ý thức rõ trong cô đang có sự giằng xé giữa sa đọa và hướng thượng. Cô chợt thấy mình hơi thiếu tỉnh táo và rối.

            Đèn vẫn sáng. Quán cũng lịch sự đấy chứ. Việc gì chui vào bóng tối. Và âm nhạc cộc lốc bỗng cơ chừng êm dịu.

 

I stand alone in the darkness.

The winter of my life came so fast.

Memories go back to my childhood.

Today I still recall.

 

Oh how happy I was then.

There was no sorrow, there was no pain.

Walking through the green fields.

Sunshine in my eyes.

 

I'm still there everywhere.

I'm the dust in the wind.

I'm the star in the northern sky.

I never stand anywhere.

I'm the wind in the trees.

Would you wait for me forever.

 

            Bài Forever của Ti-mô Tôn-k-ki (Timo Tolkki), ban X-trét-tô-ve-ri-ớt (Stratovarius) trình bày. Hình như đó là nhạc phim. Cuốn phim Mối tình đầu cô nào đã xem, chẳng biết hay hay dở. Cô thấy đứa bạn chép lời, tập hát, có lẽ từ một tờ báo nào đó. Bạn cô bảo phim ấy xưa hay mới sản xuất, cũng không cần biết, nó chỉ hát theo cách cảm nhận của nó (6). Song Mây sực nhớ, lắng nghe. Ồ, Mãi mãi!

 

                        em đứng lẻ loi trong bóng tối

                        đến quá vội vàng, mùa đông đời em!

                        kí ức, xin quay về tuổi nhỏ

                        hôm nay em còn gọi lại [cùng đêm]

 

            Buồn quá, chỉ còn biết làm bạn cùng bóng đêm buồn thôi sao? Có lẽ vậy, chẳng còn ai thân thiết, bạn bè. Cứ thêm vào ca từ một hình ảnh (nhuận sắc thế có ngông không nhỉ?).

 

                        ồ, rồi em hạnh phúc biết bao

                        [thuở] không nỗi buồn phiền, không niềm

                                                                                   đau khổ

                        qua những cánh đồng xanh, em đang thả bộ

                        nắng trong đôi mắt [ , xôn xao]

 

            Thêm vào một hình ảnh nữa chăng? Hay nơi khóe mắt em, nắng đọng ngọt ngào? Nước mắt tuổi thơ có vị ngọt. Song Mây mỉm cười phóng tác. Cô quên khuấy nỗi buồn, niềm đau tê dại. Bản nhạc đã hết lâu rồi. Trong trí nhớ Song Mây lúc này là nét chữ của người bạn gái. Song Mây bị ca từ tiếng Anh lôi vào một trò chơi dịch thuật.

 

                        kìa [xem], em vẫn còn sống ở mọi nơi

                        là bụi trong gió, là ngôi sao trên vòm trời

                                                            phương bắc [ấy]

                        là gió trong [rặng] cây, chẳng bao giờ, nơi

                                                            đâu em đứng lại

                        mãi mãi chờ em chăng anh?

 

            Nhạc sĩ Ti-mô Tôn-k-ki! Ông ấy là người nước nào nhỉ? Có thể, là một cô gái như mình chăng? Biết đâu! Đúng là trò chơi trí tuệ, tâm hồn này đã cứu rỗi niềm đau đã trơ lại của Song Mây. Cô đã hoàn toàn tỉnh táo với niềm vui nho nhỏ, như niềm vui leo lét của ngọn đèn trong đêm của đời mình. Cũng đã đến giờ để về. Chín rưỡi, muộn rồi.

            Đêm ấy, Song Mây chép vào sổ tay bản dịch của cô. Và cô không muốn sống đời sống của linh hồn người chết chút nào. Đời mình đã hoen ố, đã hỏng ư? Thì lấy ánh sáng mình đã tạo ra để tẩy rửa, để sống lại. Cũng không thể tẩy rửa. Chỉ lấy ánh sáng của kim cương tự sáng tạo đặt cạnh vết bẩn phẩm hạnh. Và làm lại cuộc đời mình. Và sáng tạo. Và sống đẹp. Một nhân cách không tì vết nhưng không sáng tạo cũng vô nghĩa, sao bằng một tài năng trót hoen ố, biết biến niềm sám hối thành kim cương tỏa sáng cõi đời. Dẫu sao, cũng trót dại mất rồi! Hãy để vạn giọt mồ hôi với khối chất xám và trái tim thắm đỏ của mình sáng mãi nơi nơi!

            ọêm ấy, Song Mây nằm thao thức bên nữ thánh đích thực của gia đình cô. Cô đâu biết Tre Trúc thầm khóc thương và buồn cho em gái là mình! Thật ra, Tre Trúc nào đã hiểu hết Song Mây bao giờ!

 

 

 

16

 

 

 

            Buổi tối thứ bảy, Hãng đang ngồi trước bàn viết, xem lại một số bản vẽ cơ quan đã giao cho anh nghiên cứu. Lật giở các tờ giấy can khổ rộng, tính toán lại các thông số kĩ thuật bằng máy tính bỏ túi và đủ các loại thước vẽ thiết kế, lại ghi một số ý kiến riêng vào sổ công tác để làm bản trình. Hãng thỉnh thoảng lại mỉm cười, mỗi khi nghe những câu đùa tếu đã được ghi lại trong cuốn băng hình đám cưới của vợ chồng anh. Tre Trúc cũng mỉm cười một mình trước màn ảnh nhỏ, với hộp viễn khiển trong tay. Cô đang ngồi ở ghế xa lông, nhìn ngoảnh ra máy truyền hình đặt trong tủ kính, dựa vào vách trong mặt tiền. Trên bàn nước trước mặt, cây bút bấm đặt giữa cuốn sổ tay đang mở ra.       

            Sau đám cưới khoảng một tháng, Tre Trúc đã được một cơ sở kinh doanh về dịch vụ khách sạn và du lịch tư nhân mời đến để phỏng vấn tuyển dụng. Lại hơn một tháng thử việc với chức năng phải đảm nhiệm là làm hướng dẫn viên trên các chuyến tham quan, nay cô đang phải nhận thiết kế chương trình tổ chức lễ thành hôn tại nhà hàng. Lúc này, sau mươi cuốn băng hình đám cưới của các cặp cô dâu chú rể nào đó, cô đã xem suốt cả tuần qua, Tre Trúc nghiên cứu băng hình về lễ hỏi, lễ cưới của Hãng và cô.

            Tre Trúc thấy công việc quá dồn dập, quá trái khoáy. ọể hiểu một di tích, cô thấy đã không đơn giản, nếu cần nghiên cứu thấu đáo. Tre Trúc lo âu biết mấy khi cùng các khách tham quan ngồi trên xe, vì khách có thể hỏi những câu cô chưa thể trả lời được với vốn tri thức sơ sài về một di tích cụ thể. Lại bị chuyển qua dịch vụ cưới hỏi ở nhà hàng! Tre Trúc hoàn toàn ngạc nhiên về cách làm việc của cơ sở tư nhân này. Ông giám đốc người Hàn Quốc, vợ là người Việt: Kim và Hương Tràm. Nhân viên cũng gọi ông chủ Kim là Giêm (James). Hai vợ chồng này vẫn mặc sự bỡ ngỡ, bối rối và ngạc nhiên của cô.

            Bây giờ cô đã hiểu. Cơ sở tư nhân này chỉ kinh doanh với quy mô nhỏ, có tính chất kinh tế tư bản tư nhân cấp thấp, chỉ vỏn vẹn về cơ sở vật chất là một nhà hàng, một khách sạn với số phòng không nhiều, và sáu chiếc xe loại mười hai chỗ ngồi. Đó chưa phải là một công ti trách nhiệm hữu hạn. Người đứng tên trên giấy phép kinh doanh lại là cô Hương Tràm. Có lẽ ông Kim này đang thăm dò thị trường hay đang trốn thuế gì đó.

            Thực ra Tre Trúc đã tự đặt ra yêu cầu quá cao. Cô cứ mang tâm lí của một sinh viên, nghiên cứu cái gì phải thật đến nơi đến chốn về cái đó. Hoá ra ông Kim, cô Hương Tràm không cần đến một chuyên gia, một nhà nghiên cứu. Họ chỉ cần các hướng dẫn viên có ngoại hình đẹp, duyên dáng, biết cười thật tươi, nói được tiếng Anh giao tiếp, và chỉ thế. Với mắt họ, Tre Trúc quá đạt yêu cầu để làm hướng dẫn viên. Nay họ muốn thử thách cô ở lĩnh vực dịch vụ tổ chức đám cưới?

           Tre Trúc thấy hơi nản lòng. Cô cũng không yên tâm, mặc dù đoán biết mức yêu cầu của họ. Có lẽ họ chỉ muốn Tre Trúc cứ xem các đám cưới người ta tổ chức thế nào thì tổ chức thế ấy, và lập định mức tùy các mức giá cả khách hàng thường chọn lựa. Có điều, bởi còn mang tâm lí sinh viên, Tre Trúc vẫn như một nhà nghiên cứu trước các băng hình đã nhờ Hãng tìm mượn.

            Những hình ảnh về những ngày hạnh phúc nhất của Hãng và Tre Trúc đang được phát lại từ máy băng hình nối với máy truyền hình. Tre Trúc đâu phải mới xem lần đầu, dễ chừng đã bảy, tám lần trong ba tháng vừa rồi, sao cô vẫn thấy còn nguyên vẹn cảm xúc trong ngày cưới. Thôi thì cứ mặc ông bà chủ Giêm Kim - Hương Tràm với công việc của họ! Tre Trúc lúc này vừa xem màn ảnh nhỏ vừa xem cả hình ảnh còn đọng mãi trong trí nhớ của mình.

            Đến bây giờ Tre Trúc cũng không ngờ Hãng với cô lại cùng nhau lập gia đình riêng sớm và vội đến thế. Mới yêu nhau vỏn vẹn sáu tháng đã định ngày làm lễ giạm hỏi. Trong lễ hỏi, lại bàn tính luôn lễ cưới. Tính cho dài hơn, từ lần gặp nhau đầu tiên ở cổng Sen Trắng với lỉnh kỉnh va li, ba lô đến ngày thành hôn với nhau, cũng chỉ mười một tháng rưỡi. Bước ngoặt lớn của đời người hoá ra đơn giản đến thế, và xem ra rất may mắn, thuận lợi, sau ba tháng quen nhau, sáu tháng yêu nhau...

            Gương mặt của Hãng dưới chiếc khăn đóng cổ truyền màu xanh đậm bằng lụa nom vừa rạng rỡ vừa ngố ngáo, vẻ ngố ngáo của một chàng rể hạnh phúc. Hôm ấy, Hãng mặc chiếc áo dài nam cùng màu với khăn đóng, chiếc quần vải trắng, đi giầy đen, bên cạnh Tre Trúc, khăn vành, áo dài màu đỏ, với quần trắng vải dày, đi hài cũng màu đỏ. Trong quốc phục tự nghìn xưa, họ nhìn nhau âu yếm, ngỡ ngàng. Vẻ ngố ngáo một đôi khi nào đó ở Hãng, có lẽ Tre Trúc nhìn thấy bằng sự cảm nhận với giác quan nào đó nhiều hơn, chứ không chỉ bằng mắt. Hãng lại say ngắm, cảm nhận về Tre Trúc ở một đôi khi, với cùng một ấn tượng như vậy, nhưng được gọi là vẻ bỡ ngỡ. Ngay cả Gió và Song Mây trong vai trò phụ rể, phụ dâu, cũng với quốc phục, cũng đôi khi hơi bối rối với các nghi thức đã được dặn dò trước khá kĩ. Dẫu sao, với quốc phục, họ đẹp hẳn lên.

            Tre Trúc nhìn khung hình đang được chiếu với nụ cười. Thật ra có gì đâu nhỉ! Có khác nhau ít nhiều trong trang phục, nơi chốn, và quãng cách của hai nơi cư ngụ, đàng trai - đàng gái, ồ, nghi thức tôn giáo nữa chứ, còn lại đám cưới nào cũng như nhau, trong những cuốn băng cô tham khảo.

            Rời mắt khỏi khung truyền hình, Tre Trúc xuống nhà bếp pha hai li nước chanh. Khi vắt chanh xong, cô đi nhanh sang nhà chị Y Sông xin một hộc nhỏ nước đá tủ lạnh.

            Bỏ các vuông nước đá vào hai chiếc li đã khuấy đường xong, Tre Trúc lau tay, bưng đến bàn Hãng đang làm việc một li. Hãng nhìn li nước đặt trên chiếc đĩa, ngoảnh mặt nhìn Tre Trúc, mỉm cười. Cô cũng mỉm cười âu yếm.

            Khi Tre Trúc trở lại ghế xa lông, khung hình đang chiếu cảnh Hãng và cô làm lễ gia tiên trước bàn thờ ở nhà Hãng. Những người thân thuộc của hai họ, các khách quý lớn tuổi đang chứng kiến lời thề nguyện vang khẽ trong tâm của đôi vợ chồng trẻ. Hương khói, ánh nến và hoa thơm trong khung hình đến lúc này vẫn khiến Tre Trúc cảm động như hôm ấy cô đã rươm rướm nước mắt.

            Nhấp một ngụm nước chanh, Tre Trúc nghe ngọt thanh, mát lạnh trong cuống họng với một niềm vui nhè nhẹ. Hãng bưng li đá chanh đến bàn xa lông, đặt li xuống mặt kính. Anh nhìn cuốn sổ mở và cây bút cạnh đấy:

            - Việc này chưa quen, đã bị chuyển qua việc khác! Vô lí thật. Làm việc vậy thì quá mệt - Hãng nói - Tổ chức lễ tiệc đám cưới, có gì đâu mà vất vả thế!

            Tre Trúc nhẫn nại:

            - Làm thuê ăn lương, phải tùy thuộc. Yằ của ông bà chủ là muốn làm cách nào để thu hút khách hàng. Tất cả vì lợi nhuận mà. Nhưng em thấy chắc rồi phải làm trái với lòng mình quá. Thường là bà chủ gợi ý cho khách hàng làm đám cưới kiểu Tây!

            Hãng nhìn lên khung truyền hình. Người đàn bà to mập gấp rưỡi Lúa Ngọc với nụ cười hết sức vui vẻ đang phát biểu. Đó là vợ của ông Vũ Hồng Ngà, má của Vũ Thương Hoài. Bà cũng có tên là Ngọc, Trương Thị Hồng Ngọc. Hãng cười, xem và nghe bà nói. Anh chưa thấy ai khôi hài rất nhã và ý vị như bà. Đang bực mình giùm vợ, Hãng cũng không thể không thấy li bia bà Hồng Ngọc đang nâng lên trên bàn tiệc là ngon lành. Vẻ to mập, nặng nề của bà trông cũng nhẹ nhàng hẳn.

            Thấy Hãng mãi nhìn khung truyền hình và cười, Tre Trúc cũng chẳng nói gì nữa. Cô thấy bản tính của mỗi người hình như phần lớn không do vẻ bên ngoài của cơ thể quy định, mà do hoàn cảnh, tạng chất của người ấy. Cô cũng nhìn bà Hồng Ngọc, mỉm cười.

            - Kể cũng lạ thật nhưng lại bình thường mất - Hãng nói, khi khung truyền hình đã chuyển qua cảnh khác - Người Việt thì đám cưới theo kiểu Việt cho rồi! Bày đặt Tàu với lại Tây! Tre Trúc thấy không, anh quẳng hết mấy chữ Hán, kể cả hai chữ song hỉ, ném luôn cả chữ Anh, kể cả happy (7) ra khỏi đám cưới của mình. Bệnh rởm kinh niên này kinh thật! - tiếng cười lớn của Hãng làm câu nói bớt vẻ mỉa mai, cả chút bực bội còn vướng vất trong anh.

            - Nhưng anh đi thiết kế, xây dựng nhà cho thiên hạ, họ bảo xây nhà kiểu Nga, kiểu Ý, anh làm sao? Cũng phải chiều khách chứ! Rồi còn phải chiều theo giám đốc nữa!

            - Khốn nạn là chỗ đó. Đúng là phải làm việc trái với lòng mình thật - Hãng nhìn vợ - Không biết phải làm việc ra sao đây!

            Hai vợ chồng trẻ lại nhìn lên khung truyền hình, im lặng.

            - Hoá ra Lúa Ngọc vậy mà đỡ khổ tâm nhất. Thí nghiệm sinh học nông nghiệp đâu phải băn khoăn gì, trái lòng gì. Với khoa học - công nghệ tự nhiên, là đỡ dằn vặt nhất - Hãng thở dài.

            Anh uống một ngụm nước, lại nhìn Tre Trúc đang suy tư:

            - Em có thấy khổ tâm lắm không? Hàn Quốc với mình là đồng văn mà.

            - Nhưng ông Giêm Kim là Hàn kiều Mỹ. Ông ấy sinh trưởng ở Mỹ, mang quốc tịch Mỹ, gần gần như Hoàng và Hoài Hương nhà mình! Khổ vậy!

            - Em đang mang bầu, làm việc kiểu đó, thay đổi chức năng hoài, cũng hại lắm. Thai còn non tháng quá mà... Kể ra cũng nhạy quá - Hãng cười - chắc ngay đêm tân hôn luôn đó.

            Tre Trúc vẫn còn đỏ mặt:

            - May không phải là đêm rượu chè tiệc tùng ấy. Rượu bia vào, lỡ thụ thai, mẹ em bảo, sau này con cái khó nuôi, có thể bị bệnh thần kinh, rồi giống nòi cũng chẳng ra gì! Anh là chúa ẩu! May là sau đó hai mươi ngày. Thai cũng hai tháng rồi.

            Hãng cười, chợt ngẫm nghĩ sau thoáng giật mình:

            - Giá như lương hàng tháng anh khá hơn, em nghỉ làm hẳn ở đó. Sinh xong, tính sau.

            - Cái gì anh cũng nôn nóng hết! Lẽ ra, phải sau năm năm mới tính chuyện có con. Có con sớm, kẹt lắm!

            Hãng im lặng, lại nhìn lên khung truyền hình. Không phải anh không biết điều đó, nhưng anh quá yêu Tre Trúc. Hãng cũng không phải có bản tính nôn nóng đến mức như mấy lâu nay, nhưng anh sợ phải mất Tre Trúc khỏi vòng tay của mình. Đám cưới vội, có con vội, để sự ràng buộc vào nhau thêm bền chắc, thêm thắm thiết. Tự tin, tự hào trước mọi người, mọi sự, nhưng chỉ riêng với Tre Trúc thôi, là Hãng lại cần đến sự ràng buộc ngoài sức mạnh năng lực, phẩm cách, các giá trị của riêng bản thân anh. Anh phải vin vào hôn nhân và vội có con với cô. Điều này chỉ riêng một mình anh biết. Đó là điều sâu kín trong Hãng. Hãng rất yêu vợ, và vì quá yêu vợ, anh sẽ không bao giờ giải thích cho cô hiểu sự vội vã, nôn nóng của anh. Hãng cũng kìm chế bớt sự chiều chuộng si dại của anh đối với vợ, mặc dù anh thích được chiều chuộng vợ biết bao. Điều này, cũng vì anh sợ cô sẽ dần dần xem thường chồng. Không hiểu có đúng không, nhưng Hãng tin vào bí quyết giữ gìn hạnh phúc vợ chồng của riêng anh là vậy.

            Ngẫm nghĩ một lúc, Hãng nói với Tre Trúc:

            - Hết đạo thờ cúng tổ tiên, đến di tích lịch sử, bây giờ qua phong tục cưới hỏi! Hình như Tre Trúc có số làm nhà dân tộc học, Việt Nam học gì đấy.

            - Thì em học khoa ngữ văn mà! Hai năm cuối các thầy cô giáo lại hướng cho em về văn hoá học! Đúng là hơi lệch với khoa ngữ văn ít nhiều. Lẽ ra, em còn phải học cao học văn hóa kia ! Vì anh đó! Cứ nôn nả cưới hỏi!

            Hãng cười thích chí :

            - Hãng này cũng có sức chi phối ghê gớm! Thôi được, anh ráng đi làm nuôi vợ đi học thêm. Được chưa?

            - Đã nghiên cứu cái gì đến đầu đến đũa đâu! - Tre Trúc trìu mến nhìn chồng.

            Hãng nhìn lên khung truyền hình, cảm nhận niềm hạnh phúc lâng lâng trong mình. Hạnh phúc đôi khi rất trẻ con, buồn cười như vậy đó! Hãng lại nghĩ đến việc đền bù cho vợ về chí nguyện được học thêm, được có điều kiện nghiên cứu. Anh đăm chiêu hẳn.

            Trên khung truyền hình, đang là lễ lại mặt, một nghi thức sau ngày cưới đúng ba hôm. Ông Phan Lưu Hân, bà Huỳnh Thị Thạch Hãn, ba má của Tre Trúc, từ Buôn Mê Thuột về dự lễ cưới của con gái, ở lại Sài Gòn chơi sau ngày cưới đến một tuần. Ông bà cùng con gái và con rể đi thăm bà con bên họ ông Phùng Thứ, theo sự hướng dẫn của vợ chồng ông Thứ. Đó là một nghi thức nghìn xưa. Ngoài sự thắt chặt tình thông gia của hai họ, Phan - Phùng, còn có những ẩn nghĩa rất tế nhị. Chính vẻ mặt vui vẻ của chàng rể sau ngày cưới nói lên tất cả giá trị phẩm hạnh, trinh trắng của cô dâu. Chính bốn nụ cười của ba má hai bên trước từng gia đình bà con cũng đủ cho họ tộc yên lòng, mừng vui về hạnh phúc của Hãng và Tre Trúc. Đúng là thắm thiết trầu cau, mặn nồng gừng muối, hai biểu tượng không thể thiếu được. Những con đường làng ở Hóc Môn, quê hương gần như trở thành nguyên quán của Hãng, với chỉ mươi gia đình thân tộc ở rải rác tại đấy, tươi tắn những lời chúc, những nụ cười, hiện lên ở khung truyền hình. Rồi lại khung hình của Hãng - Tre Trúc trong quốc phục. Người quay phim còn lồng vào biểu tượng trầu cau - gừng muối bên biểu tượng pháo cưới. Trầu cau còn rất ít người ăn, pháo cưới không ai đốt nữa, nhưng mãi mãi thắm thiết, rộn rã. Và những bài ca mặn nồng hạnh phúc, đậm đà hiếu nghĩa. Và hoa, ngát hương, rực rỡ.

            Xem lại đến lần thứ tám cuốn băng hình, Tre Trúc đến bây giờ cũng không hiểu hết vì sao gương mặt em gái mình lại buồn đến vậy. Cơ hồ một niềm hối tiếc đến nghẹn ngào, tê điếng ám lên gương mặt Song Mây. Suốt cuốn băng, chỉ thấy mặt Song Mây như hoá gỗ. Đến lúc này, xem xong, cô vẫn thấy còn băn khoăn thế nào đó trong lòng.

            Trong lúc Hãng đến tủ đựng máy, lấy băng ra, tắt cả hai máy, cầm cả băng hình lẫn cái quay băng về bàn nước, từ tốn, lặng lẽ quay trả băng, Tre Trúc vẫn còn nghĩ ngợi, thương Song Mây quá.

            Bất chợt, Tre Trúc thốt bâng quơ:

            - Lâu rồi, không thấy anh Mai Tự! Nghe đâu, đã dọn nhà đi đâu rồi ...

            Hãng ngẩng mặt nhìn Tre Trúc, lại cúi xuống quay tiếp. Một lát, anh ngừng quay, ngập ngừng nói:

            - Không ngờ anh ấy lại bất ngờ, âm thầm đến vậy. Anh cũng không rõ. Anh Cơ Dân chỉ đoán  là anh Mai Tự vỡ nợ. Chị Bến Mai bị ung thư, cũng nghe nói vậy!

            - Ung thư? - Tre Trúc giật mình, khẽ thở dài - Còn trẻ quá!

            - Chỉ nghe nói vậy thôi. Cũng có thể không bệnh gì cả. Trước Tết năm ngoái, vợ chồng anh ấy đã định li dị nhau. Mới đây, trước Tết vừa rồi, chị Bến Mai đã làm đơn. Có thể li dị xong và anh Mai Tự trắng tay. Nhà cửa là của gia đình vợ! Hai người đi dạy học, tiền của đâu!

            - Vậy sao anh ấy lại nghỉ dạy luôn? Không nhà, không nghề nghiệp nữa, làm sao sống! Dù sao, đồng lương nhà giáo cũng đủ sống chứ.

            - Anh Cơ Dân và anh có đi tìm ở Trung tâm Ung bướu, nhưng chẳng có bệnh nhân nào tên Bến Mai cả. Bạn thân thiết đến vậy, nhưng anh Mai Tự cũng giấu anh Cơ Dân! Ông bà Hương Chữ biết ảnh đã dọn nhà, không một lời chào, nên giận lắm! Có thể... chị ấy vào bệnh viện với cái tên khác...

            Hãng lẫn Tre Trúc đều biết anh Mai Tự với Song Mây thân nhau, cũng lờ mờ biết có gì đó vượt hơn tình thân, nhưng không thật rõ họ có yêu nhau không. Ấn tượng về anh Mai Tự trong họ vẫn là một nhà giáo tài năng, chừng mực, nghiêm túc. Hãng cùng một mạch nghĩ như Tre Trúc, có điều cả hai vẫn im lặng. Họ sợ xúc phạm đến ruột thịt và thân quen.

            Thật sự, cùng sống chung trong khuôn viên Sen Trắng, họ cũng chỉ biết giữa Hoài Hương với Hoàng có quan hệ ngoài tình bạn. Hoài Hương và Hoàng dẫu sao cũng biết ý tứ, chỉ thỉnh thoảng dẫn nhau đi chơi, thực hiện đúng nội quy của ông Hương Chữ. Chỉ thế thôi, ông Hương Chữ, bà Lụa Hà cũng đã bực mình rồi ! Ngoài ra, chuyện ở nhóm sinh viên, họ không thể biết gì khác, cũng chẳng có gì khác để biết.

            Tre Trúc xuống phòng bếp mang lên chai nước sôi để nguội với hai cái li khác. Cô rót nước ra li.

            - Uống nước đi anh. Em còn phải xem lại mấy trang phác thảo - vừa nói, Tre Trúc vừa nhìn đồng hồ treo tường.

            Tre Trúc bước về phía bàn viết của mình, ở bên trái của tủ thờ, đối xứng với bàn của Hãng. Bật đèn bàn, ngồi xuống ghế, Tre Trúc cố quên đi những băn khoăn vừa rồi, định xem kĩ lại xấp giấy trong bao nhựa trước mặt. Những khía cạnh của đề cương lại hiện ra trong óc. Tre Trúc mở bao, lấy ra, lại đặt mắt vào những dòng chữ của mình trên giấy. Cô cảm thấy mỏi mệt, song công việc, mặc dù làm thuê, cũng không thể qua loa, chiếu lệ được. Tre Trúc thừa biết ông bà Giêm Kim không yêu cầu cao, có điều cô không muốn họ xem thường mình. Mỗi chi tiết của chương trình, nghi thức lễ kết hôn, đều phải có luận chứng khoa học. Học ở trường, ở sách mười phần, ra đời lại vận dụng không được một, thậm chí chỉ một phần mười của một ấy. Có điều, trong một phần mười của một vẫn chứa đựng cái chất của toàn bộ kiến thức, năng lực sau mười sáu năm sách đèn. Thật ra, nhà trường đại học và khoa Tre Trúc theo học, đâu giảng dạy cho cô vấn đề này. Phương pháp tư duy, các thao tác nghiên cứu, cùng kiến thức cử nhân ngữ văn, trở thành công cụ lao động và nền tảng cần thiết để Tre Trúc làm việc ở một lĩnh vực hơi quá xa với chuyên môn. Tre Trúc cũng biết, văn bản nghiên cứu nhỏ này với ông bà chủ là thừa. Họ chỉ tính tới hiệu quả, hiệu quả thấy được bằng mắt, ấy là tiền lãi! Thậm chí, họ cho Tre Trúc là thứ dở hơi. Hãy cười thật tươi cho họ có tiền. Hãy tổ chức thật vui mắt, vừa lòng khách hàng (Thượng đế của họ là khách hàng!), để họ có tiền nhiều hơn, ''lợi nhuận về sức thuyết phục... chuyển hướng'' cao hơn. Triết lí văn hoá dân tộc, nhân loại làm gì! Cái chính là "triết lí" làm ra lợi nhuận cho bản thân họ... Tre Trúc suy nghĩ, đâm ra nản lòng trước thực tế cuộc đời! Những dòng chữ của dàn ý tổng quát chợt đông cứng lại, vô nghĩa!

 

THIẾT KẾ CHƯƠNG TRÌNH TỔ CHỨC

LỄ THÀNH HÔN (TRÊN CƠ SỞ KHOA HỌC)

            A. Ý nghĩa, bản chất hôn nhân

            B. Các cơ sở chung:

                        I. Lịch đại

                        II. Đồng đại

                        III. Cơ sở di truyền học - y tế tiền hôn nhân

                        IV. Tính đặc thù dân tộc - nhân tộc.

                              Hợp chủng

                        V. Tính đặc thù tôn giáo

                        VI. Tính đặc thù pháp chế

            C. Tinh hoa và hủ tục trong hôn nhân trên thế giới, xưa và nay

            D. Khảo sát các phong tục hôn nhân hiện đại tiêu biểu trên thế giới:

                        I. Châu Âu

                        II. Châu Mỹ

                        III. Châu Đại Dương

                        IV. Châu Phi

                        V. Châu Á

                                    1. Các nước Bắc Đông Á

                                    2. Các nước Đông Nam Á

            E. Phong tục hôn nhân Việt Nam từ xưa đến nay (trọng tâm)

            G. Thiết kế chương trình tổ chức lễ kết hôn tại nhà hàng Kim Tràm (trọng tâm chính)

                        I. Trình tự tiến hành (trọng điểm 1)

                        II. Tính dân tộc - nhân tộc - hiện đại Việt Nam (trọng điểm 2)

                        III. Tính thị hiếu của thị trường

                        IV. Sự tác động có định hướng văn hóa dân tộc của nhà hàng Kim Tràm đối với khách hàng

                        V. Hiệu quả kinh doanh của nhà hàng Kim Tràm ở dịch vụ này. Dự kiến (trọng điểm 3).

 

            Tre Trúc thấy mình buồn cười và dở hơi thật. ọúng là quá thừa. Hay mình cứ để đấy, sau này phát triển thêm để viết thành sách? Đúng vậy, không dở hơi chút nào. Đó chẳng phải là mục đích của đời mình sao - Tre Trúc tự bảo. ọối tượng nghiên cứu Việt Nam học thật rộng, hôn nhân chỉ là một khía cạnh, một phần mười của một vấn đề. Cô còn phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, sống nhiều để sáng tạo, phát kiến mới. Phải sáng tạo, phát kiến mới trên hàng đống sách tham khảo và thực tế bảo tồn, bảo tàng, thực tế cuộc sống Việt Nam hiện tại. Không sao chép, cóp nhặt tầm thường. Phải sáng tạo, phát kiến mới cho dù chỉ vài vấn đề nhỏ, mới gọi là có đóng góp, cống hiến cho đời, cho dân tộc. ọó là to be: sống, tồn tại có ý nghĩa, theo lẽ sống của cô.

            Hãng cũng đã trở về bàn làm việc của mình, trước những bản vẽ kiến trúc. Cuốn băng kỉ niệm lễ thành hôn vẫn còn đọng lại trong anh những hình ảnh, những giai điệu đẹp. Bài thơ do một người bạn làm thơ của anh Cơ Dân đọc trong tiệc cưới, được lồng vào biểu tượng trầu cau, gừng muối và pháo cưới, nghe thấm thía cái tình anh em, cái nghĩa vợ chồng:

 

                        đá tảng trơ vơ xứ lạ

                        bờ sông xao xác mịt mùng

                       

                        cau gầy vói trông mấy nẻo

                        gió hỡi về đâu chập chùng

                       

                        hơi cây dây trầu quấn quýt

                        linh cảm khói sương mung lung

                       

                        quả cau rưng rưng con mắt

                        vôi nồng tâm trắng, lửa nung

                       

                        cay cay hình tim dáng lá

                        nghĩa thơm tình ngát trinh trung

                       

                        đời đời thiêng liêng máu thắm

                        say say hồn thơ vua Hùng

                       

                        hồn xưa xưa sau thi sĩ

                        cho dân mình tứ thơ chung. (8)

 

            Tre Trúc vẫn lặng lẽ chỉnh lí lại dàn ý tổng quát trên giấy nháp, dưới chụp đèn trên bàn làm việc, ở phía bên kia chiếc tủ, nơi có bàn thờ tổ tiên - bàn thờ đang sáng hồng lên dưới bóng đèn màu đỏ. Tre Trúc muốn dàn ý của mình có kết cấu kiến trúc của nhà rường, chặt chẽ, vững chắc, khít khao. Chữa lại các chữ viết tắt bằng mực đỏ, kéo những mũi tên đỏ để sắp xếp các ý, các tiểu mục cho hợp tính luận lí, Tre Trúc lại dùng bút xóa có màu trắng của sơn... Hương thơm của sơn bao giờ cũng dậy lên trong cô niềm cảm phục và cảm ơn ai đó đã sáng chế ra cây bút xóa tiện lợi đến thế. Tuy chỉ với một sáng chế nhỏ thôi, nhưng thật bất công quá đỗi, khi cả thế giới đều xem tác giả sáng chế ấy là vô danh!... Sơn, và kết cấu nhà rường... Trong một thoáng bị phân trí, cô lại mỉm cười tự bảo, ngữ văn cũng vận dụng cả kết cấu của kiến trúc đấy chứ.

 

 

 

17

 

 

 

            Lúa Ngọc cảm ơn Nghị đã ra mở cổng sau tiếng chuông gọi cổng của cô. Cùng Đào Hải - Vũ Thương Hoài, Lúa Ngọc dắt xe vào dựng trước nhà Hãng. Cửa đóng. Cả ba nghe Nghị bảo, hai vợ chồng Hãng đang ở sân sau của Sen Trắng. Không chỉ họ, còn có cả một nhóm sáu người đang ngồi trên hai ghế đá hai bên sân. Riêng hai ghế đá dựa sát vào thành sau, nơi khuất nắng nhất, lại chỉ có Gió và Đất ngồi. Sáu người kia có lẽ đang say sưa theo dõi để tính điểm.

            Ba bạn trẻ mới vào, ngồi xuống cạnh Đất và Gió, nhìn vào trong sân. Hãng và anh Cơ Dân đang toát mồ hôi với vợt cầu lông. Họ để ý, không thấy Song Mây đâu cả!

            Gió đã nói dối với bạn bè cùng nhà, ba anh khi làm khai sinh lại cho anh, ông đã khai bớt tuổi, vì vào năm sáu tuổi, anh bị bệnh, chưa đến trường được. Tất nhiên chỉ là nói dối thôi, nhưng cũng đủ ''can đảm'' để chào Lúa Ngọc và hai bạn của cô chỉ bằng tên, hoặc với các đại từ rất bạn bè.

            Lúa Ngọc chào lại với nụ cười rất tươi.

            - Hãng dạo này trông phấn khởi quá! - Đào Hải đùa.

            Cả năm người cùng cười với nhận xét dí dỏm.

            - Vậy sao anh Hải với chị Thương Hoài chưa cưới?- Đất đùa lại - Nghe nói biếu cau trầu lễ hỏi lâu rồi mà. Nhẫn đính hôn mòn rồi, vẫn chưa cho thiên hạ ăn trầu lại sao?

            - Từ từ, vội gì! - Thương Hoài đáp.

            - Tre Trúc mới đó đã thành bà bầu rồi. Cổ vũ cho ''đức ông chồng'' quá sá trời! - Lúa Ngọc vẫn nhìn vào sân cầu lông, cười tủm tỉm.

            - Hôm sau lễ cưới, thấy ông thân của Đất chơi cầu lông hay quá. Chắc ở nhà trên Đắc Lắc cũng có sân chơi thế này? - Thương Hoài hỏi Đất.

            - Vâng, có. Trên ấy đất rộng lắm. Ba em chỉ có ba việc: chăm lo trang trại, đọc sách, chơi cầu lông - Đất đáp.

            - Cũng thích nhỉ?

            - Trên ấy chỉ có vậy. Buồn muôn thuở mà.

            - Vậy là vui, là hạnh phúc, rất cao nhã. Buồn gì! Nghe đâu ông thân của Đất với ba anh Hãng có quen nhau từ trước, phải không? Hôm má mình đi dự lễ ăn hỏi, nghe chuyện nên có biết.

            - Chỉ biết thôi, chưa quen nhau. Tại hồi xưa, ba má em là sinh viên tranh đấu chống Mỹ ngụy ở Huế, má chị Lúa Ngọc là phóng viên báo đối lập ra săn tin, thế nên biết nhau. Hình như má chị Lúa Ngọc vẫn còn giữ được ảnh ba má em hồi đó. Chỉ vậy thôi - Đất chợt reo lên - Anh Cơ Dân thắng rồi! Mấy người mình vào chơi đôi nhé!

            - Năm người lận! - Đào Hải nói - Mình đợi, chơi ván sau. Bốn bạn vào sân đi.

            - Thôi! - Đất nói - Ba anh chị vào chơi đi, mới đến mà. Có Gió đây nữa này. Đất chơi mấy ván rồi.

            Hãng và anh Cơ Dân đưa vợt, nhưng những người đang ngồi ở hai ghế đá hai bên sân, ai cũng chỉ ra nhóm ba người mới đến. Cả hai vẫy tay gọi họ vào.

            Nhường nhau mãi, cuối cùng trên hai ghế đá chỉ còn lại Lúa Ngọc và người đẹp trai nhất nhì trong nhà, ấy là Gió.

            - Vậy chắc Gió với Lúa Ngọc phải ra hội quán đầu đường để so tài quá à? - Lúa Ngọc mời nhưng ra vẻ ''thách thức''.

            - Đợi ván sau, Gió sẽ đấu với Lúa Ngọc.

            Lúa Ngọc im lặng, sững người, cố nở nụ cười dỗi.

            - Lúa Ngọc đã xong đề tài nghiên cứu ấy chưa?

            - Còn phải vất vả lắm - cô nén tiếng thở dài của nụ cười vừa rồi - Suốt tuần rồi Gió có gì vui không? - Lúa Ngọc ngập ngừng rồi hỏi.

            - Chưa. Vẫn vậy. Một tuần chỉ rảnh rỗi được chiều chủ nhật này.

            - Như thế thì... Gió vẫn làm tiếp thị viên à? - Lúa Ngọc lại khẽ hỏi.

            - Thì cũng phải cuốc bộ, đạp xe đi rong vậy. Trắng Cát là con gái, vậy mà còn tiếp thị hàng hóa kiểu đạp xe, cuốc bộ tốt hơn Gió nữa đó.

            Lúa Ngọc lại im lặng, ái ngại. Cô nhìn ra sân cầu lông đang ngập nắng chiều. Đào Hải và Thương Hoài một bên sân, Đất và Ô Châu một bên. Đào Hải ghi bàn thắng liên tiếp, khiến Đất và Ô Châu hơi mất bình tĩnh.

            - Ngoài cầu lông, Lúa Ngọc còn thích môn gì?

            - Từ nay cũng không thích cầu lông thế này nữa.

            - Sao vậy?

            - Sợ thua vì ''gió''. ''Gió'' thiên vị lắm!

            - Thì đứng ''gió'', tắt ''gió'' nhé, Lúa Ngọc?

            - Thôi. Cũng đừng dại thế! Lúa Ngọc thích đời có ''gió'' mãi. Không ''gió'' thì sẽ thế nào đây ! - giọng Lúa Ngọc run run. Cô đỏ bừng mặt, vẫn nhìn ra sân.

            - ''Gió'' trời thì vậy, còn ''gió'' quạt máy rất chán, ''gió'' quẩn, lại có khi bị cúp điện! - vờ không hiểu, anh nói trớ đi.

            - Nhưng ai cũng thích có ''gió''... - Lúa Ngọc thấy bị hớ, cô nói vội - Không phải vậy, chỉ một người thôi. Lúa Ngọc sẽ đổi tên là Đời, để mênh mông, bao la, lồng lộng, và bất chừng nữa, cho kịp Gió.

            Gió xúc động, ngồi lặng im. Lúa Ngọc nghe rõ trái tim trong ngực mình đang đập nhịp mạnh, phập phồng với độ co bóp đến nghẹn ngào. Mặc dù xúc động đến sững sờ, Lúa Ngọc vẫn giữ nụ cười trên môi. Với nét mặt chân thành, nụ cười thân ái cho dù không xinh vẫn làm đẹp lòng người khác, và tâm hồn cởi mở ở nụ cười, Lúa Ngọc đã hiểu điều đó. Nhưng lúc này sao Lúa Ngọc vẫn long lanh nước mắt. Ồ, nước mắt cũng biết cười chứ nhỉ?

            - Sao Lúa Ngọc khóc?

            - Không. Đang cười đấy chứ. Đang mênh mông như Đời. Được không? Bộ cấm sao? - và Lúa Ngọc cùng Gió cười lên thành tiếng trong niềm vui.

            - ọừng ''lúa đời'' nhé! - Gió đùa với tiếng lóng.

            - Vứt ngoặc kép hai chữ ấy đi!

            - Lúa Ngọc Đời Đời đi!

            - Cảm ơn. ọúng vậy. Cũng đừng ''tắt gió''! Lúa Ngọc Đời Đời, nghe dài dòng quá. Chỉ gọn hai chữ Đời Đời thôi. Một chữ lại cộc cằn, hoặc là tiếng than, tiếng rủa.

            - Tự tin ghê nhỉ. Rất tốt. Gió vẫn thích Lúa Ngọc Đời Đời, cứ sợ ''gió'' mạnh làm ngã ''lúa'', cho dù là ''lúa ngọc''. Nhưng Lúa Ngọc, bao gồm cả thân lúa, lá lúa, bông lúa, hạt lúa đều là ngọc. Quý thế, là... vĩnh hằng giữa trần ai rồi. ''Gió'' làm được gì!

            Lúa Ngọc và Gió nhìn nhau cười. Cô nói:

            - Cảm ơn ảo tưởng. Nhưng thực tế vẫn hay hơn.

            - Thật ra cái tên chỉ do cha mẹ đặt. Khi trưởng thành rồi, mỗi người nên tự đặt lại tên cho mình.

            - Vậy mỗi người suốt đời chỉ làm một lần sinh nhật thôi, sau mười tám tuổi. Đó là ngày chính mình tự khai sinh lại đời mình, nhân phận mình. Được không? - Lúa Ngọc nhìn Gió - Trần Ngát Gió, là cõi đời ngát gió thơm. Hay quá! Định nghĩa cho rõ mình, nếu tên đã đúng, hoặc định nghĩa lại với nghĩa khác?

            - Đâu phải ''khỉ gió'', ''rắn hổ gió''. Càng không phải là ''đồ phải gió, trúng gió''! - Gió cười khoái chí với tiếng cười rất vui của Lúa Ngọc.

            Bất ngờ, Lúa Ngọc hiểu ra chữ Đời tình cờ hồi nãy là Trần. Cô lại đỏ mặt. Cô không thích sau khi lấy chồng, người đàn bà phải xóa tên họ mình đi, để mang tên họ chồng. Đúng là thuộc vào nội tộc nhà chồng, nhưng việc gì xóa nhân phận mình đi! Bốn chữ ''Phùng Trần Gió Lúa'' khiến Lúa Ngọc vui bàng hoàng. Phùng là gặp gỡ! Cô thấy buồn cười cho mình quá, với mơ ước thầm kín quá ngọt ngào. Thôi, khoan mộng tưởng nhiều để rồi buồn nhiều! Cô chợt nhớ đến bà Hồng Ngọc, má của Vũ Thương Hoài, người phụ nữ quá cỡ ấy với tính khôi hài rất nhã, ý vị, có duyên đã thành công như thế nào trong mọi công việc. Lúa Ngọc mỉm cười, cố giữ lòng bình thản.

            Hai người vẫn ngồi chuyện trò với nhau, cho đến khi Nghị, Ô Châu cùng Hoài Hương phải đi nấu cơm theo lịch trực nhật.

            Lúc ra cổng, quay lại chào Gió và vợ chồng Hãng - Tre Trúc, Lúa Ngọc chợt nhìn thấy trong khung cửa sổ mở ra sân Sen Đỏ, Song Mây với vẻ mặt rười rượi buồn đang ngồi viết gì đó. Một Song Mây nhí nhảnh, tươi vui năm ngoái không còn nữa! Lúa Ngọc định cất tiếng chào vọng vào, nhưng thấy vẻ mặt sầu muộn của Song Mây, cô ngần ngại, rồi thôi.

            Trên đường về, Thương Hoài ngồi sau Đào Hải, trên chiếc Đờ-rim, hai tay vin vào thanh sắt tròn mạ kền sáng trắng giữa Hải và cô, quay mặt sang Lúa Ngọc với nụ cười hóm hỉnh:

            - Chiều nay vui chứ nhỉ!

            Đào Hải cười vang:

            - Lúa Ngọc vui nhất!

            Lúa Ngọc mỉm cười :

            - Không nên buồn quá, vui quá. Đã có gì đâu. Từ nay Lúa Ngọc xin muôn năm sự bình tâm.

            - Thiền chăng? - Thương Hoài đùa, nhưng thật lòng hơi ngạc nhiên - Vui nhưng vẫn thiền?

            Lúa Ngọc gật đầu:

            - Thiền chứ. Nhưng thiền một cách tích cực.

            - Sen Đỏ à? ọặc sệt Việt Nam chứ?

            - Ừ, Sen Đỏ và Ngã năm Hòa Bình, và Sách.

            Phố xá sau giờ cao điểm, vẫn ồn ã xe cộ. Bóng chiều đã sáng lên những ánh đèn nhấp nhánh. Đó là thời khắc huyền ảo nhất của thành phố năng động nhất nước mà họ đang sống, làm việc.

            - Nếu hiểu thiền chỉ là sự bình tâm, tỉnh táo và sáng suốt - Lúa Ngọc nói thêm - là lòng từ bi...

            - Tình yêu ''cuộc sống vốn Trần ai vẫn rất Ngát Gió'' nữa chứ! - Thương Hoài cười khúc khích, thú vị với cách chơi chữ một hôm nào đó Lúa Ngọc vô ý thốt ra.

 

 

 

 

Xem tiếp:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/sen_dbthbinh-3.htm

 

Cũng có thể xem tại:

 

http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01 & 02-5 HB7 (2007) = 15 & 16-3 Đinh hợi HB7