i. Bài 9-Tl.2 - Trần Xuân An - Nỗi lo âu thời @ và "liều mạng" liên thông toàn cầu

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

NỖI LO ÂU THỜI @ VÀ "LIỀU MẠNG" LIÊN THÔNG TOÀN CẦU

(phụ chú bên ngoài một lá thư mời)

Trần Xuân An

 

Hồi còn là sinh viên và thời còn dạy học, tôi được biết, công an kiểm tra rất kĩ lưỡng các máy chữ của các cơ quan, xí nghiệp, trường học. Máy cũ phải đăng kí lại. Máy mới tất nhiên không thể không đăng kí. Khi nhận đăng kí, công an lưu giữ máy chữ từ một tuần đến nửa tháng. Theo một vài nguồn tin, tôi được biết công an thường giũa hoặc làm dập một góc mặt chữ trên một cò chữ nào đó, để tạo đặc điểm riêng, và ghi vào hồ sơ đặc điểm ấy. Nghe đâu, nhờ vậy, công an nhìn vào một trang đánh máy chữ, có thể biết trang giấy ấy được đánh bởi máy nào.

Riêng tôi, mãi đến 1994, tôi mới mua được cái máy chữ phế thải, để gõ lại vài tập thơ viết tay; còn tiểu thuyết, biên khảo, vẫn viết tay dài dài. Và khoảng tháng 4-2002, tôi mới mua máy vi tính; nhưng đến tháng 3-2005, mới nối mạng liên thông toàn cầu.

Hiện nay, người người nhà nhà ở thành phố, thị trấn hầu hết đều có dùng máy vi tính. Không biết công an có còn quản lí bằng cách tạo đặc điểm riêng như thế nữa không. Nếu có, với trình độ thời vi tính, chứ không phải trình độ thời máy chữ thô sơ, thì cũng là một điều rất hay.

Ước gì mỗi người viết có một bộ font chữ với đặc điểm riêng biệt.

Chỉ sợ không thể tạo "đặc điểm" với kĩ thuật vi tính, và sợ nhất là công an chơi khăm người sử dụng!

Tuy nhiên, như thế cũng chỉ mới xét đơn thuần về kĩ thuật của dạng kí tự, nét chữ thủ bút, và ngay trên bình diện này cũng còn phải tính đến các yếu tố kĩ thuật máy móc, chất liệu liên quan khác như loại máy, hãng sản xuất, niên đại giấy mực, phần mềm vi tính...

Thực ra, những "đặc điểm" khác thuộc về nội dung tác phẩm, hình thức tác phẩm (hiểu "hình thức tác phẩm" như một thuật ngữ, không bao hàm thủ bút, kí tự máy chữ, vi tính) mới là những gì cần quan tâm hơn khi đọc một văn bản nào đó:

1. Tính vùng, miền, khu vực của các tư liệu, chất liệu (sách báo, vốn sống) được tác giả khai thác, sử dụng, vận dụng, cùng đặc điểm dấu ấn văn hoá xứ sở, bản địa, địa bàn sinh trưởng, cư trú, học tập, làm việc... của bản thân tác giả được thể hiện trong văn bản.

 2. Phong cách hành văn, gồm các đặc điểm trong cách sử dụng từ ngữ, tần số các từ ngữ theo khuynh hướng thẩm mĩ về ngôn từ, tần số loại câu, cách chấm câu, giọng văn, nếp lập luận, thủ pháp diễn đạt, kết cấu tác phẩm... thể hiện quan niệm thẩm mĩ riêng, sáng tạo riêng (chẳng hạn tạo ra từ ngữ mới) và thói quen riêng trong thao tác tư duy, được xét trong từng thể loại tác giả xây dựng tác phẩm và trong toàn bộ các tác phẩm của tác giả. Khảo sát phong cách thể hiện này với những đặc điểm để đối chiếu với văn bản cụ thể nào đó.

3. Tư tưởng độc sáng, lí tưởng thẩm mĩ mang đậm dấu ấn khó lẫn bao trùm, xuyên suốt, có tiến trình vận động, phát triển biện chứng, thể hiện tính hệ thống rất riêng của tác giả, không phải ở một mà trong tất cả tác phẩm của tác giả, làm nên những đặc điểm về nội dung. Đây là căn cứ hết sức quan trọng trong việc thẩm định, đối chiếu văn bản.

v.v ...

Tất cả các yếu tố ấy là một tổng hoà, tạo nên một bút pháp, một phong cách tác giả, một bản sắc độc đáo hoặc khá độc đáo của chủ thể sáng tạo (sáng tác, nghiên cứu)...

Những yếu tố hình thức, nội dung văn bản thể hiện bút pháp, phong cách và tư tưởng tác giả, chứ không phải chỉ nhìn một cách đơn giản vào dạng kí tự, nét chữ, kĩ thuật máy móc, vật liệu giấy mực, mới là những gì thuộc về đặc điểm để nhận diện, truy tìm, xác định tác giả của một văn bản tác phẩm, trong lĩnh vực sáng tác cũng như trong địa hạt phê bình, lí luận, biên khảo.

Máy móc vi tính có thể "đọc" những đặc điểm nội dung, phong cách ấy không? Công an muốn sưu tra, hẳn cần đến những chuyên gia văn bản học, phong cách học...

Nói chung, không thể xem nhẹ thủ bút, kí tự, giấy mực... bản thảo, cũng không thể xem nhẹ đặc điểm phong cách hình thức, nội dung của tác phẩm trong bản thảo cùng tính hệ thống của toàn bộ các bản thảo của một tác giả cộng với các đặc điểm thuộc về tiểu sử tác giả (không phải “lí lịch chủ nghĩa”). Tất thảy phải được nắm vững với cái nhìn biện chứng.

Công nghệ máy chữ thô sơ đã có lịch sử ít ra là non già một trăm năm. Tuy nhiên, máy chữ thô sơ không tạo được nhiều thuận lợi cho nhà văn, nhà nghiên cứu, chẳng hạn phải cắt, dán, cạo, sửa bằng tay, tiếng cò chữ mổ lách cách rất phiền phức, nên tỉ lệ bản thảo viết tay vẫn là đa số. Thời @ và "liều mạng" liên thông toàn cầu là một bước tiến bộ rất dài của văn minh nhân loại, xét về mặt công nghệ. Do đó sẽ nảy sinh một nguy cơ là không còn bản thảo viết tay. Và hạn chế là kí tự không thể cá biệt hoá bằng những đặc điểm riêng, như đã nói. Và nỗi lo âu ... trở nên nặng trĩu (ở đây, không nói đến trường hợp ngược lại, đó là những người nặc danh, những người không dám lộ mặt, chối bỏ thủ bút và sợ bị cá biệt hoá kí tự máy chữ, máy vi tính).

Nhưng chẳng lẽ người người nhà nhà đều đi máy bay siêu tốc, còn nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu cứ mãi cuốc bộ bên lề thời đại!

Thời ở Miền Bắc trước 1975, xe đạp thô sơ cũng có bảng số (điều này ai cũng biết), đã vĩnh viễn cáo chung. Dĩ nhiên thời công an quản lí máy chữ trên cả nước thống nhất cũng một đi không trở lại. Tôi cũng không bao giờ thích bị quản lí máy vi tính một cách quá mức như vậy. Nhưng làm thế nào mỗi người viết với tư cách một nhà văn hoặc nhà thơ hay nhà nghiên cứu, lấy tác phẩm làm sự nghiệp chủ yếu một đời của mình chứ không phải là phương tiện kiếm tiền (làm giàu) hoặc kiếm ghế (làm quan), có thể tự cá biệt hoá bộ font chữ của riêng mình, như một dạng thủ bút thứ hai của mình, không ai có thể giả mạo hoặc tước đoạt (vô hiệu hoá) được?

Viết tay và quét chụp (scan) chăng? Cắt, dán, cạo, sửa bằng tay rất khổ là một nỗi, lại rất hạn chế trong việc đưa lên mạng liên thông vì dung lượng phải từ mức nặng đến quá nặng, và cũng rất khó cho người đọc trong việc truy cập, mà cũng khó đọc, cho dù nắn nót đến đâu. Như thế là lết bộ chứ không còn là cuốc bộ nữa.

Viết tay, báo giấy, sách giấy như trước đây chăng? Mặc dù căn bản nhất vẫn là như vậy, nhưng chỉ nghĩ như vậy là dậm chân một chỗ, lạc hậu, và còn phải gặp vô vàn khó khăn trong việc xin giấy phép xuất bản, nếu không chịu viết theo cách "phải đạo" chủ nghĩa (chỉ trong lĩnh vực học thuật, may chăng là còn có thể giữ vững, không chịu uốn cong ngọn bút)!

Đây chỉ là những dòng phụ chú bên ngoài một điện thư mời sau khi điện thư mời đã được trân trọng gửi đi. Thư mời về việc gì? Tôi rất cần có sự giám định, chứng nhận toàn bộ hồ sơ bản thảo 21 cuốn sách của tôi, trong đó hầu hết là viết tay. Để làm chi? Để yên tâm sống và viết trong thời @ và "liều mạng" liên thông toàn cầu. Hơn nữa, tôi có viết tiểu thuyết liên quan đến sử học, một số sách khảo cứu lịch sử, số sách này dù muốn dù không cũng phải đụng chạm đến khá nhiều người, những thế lực rất ghê gớm, nên tôi đã và sẽ bị gây khó khăn, cản trở, bị quậy phá. Tôi có nhu cầu tự bảo vệ trước các âm mưu vô hiệu hoá. Ở các nước, đó là việc bình thường của chưởng khế toà án và nhà báo (tư nhân, cá nhân có thể tổ chức họp báo). Ở nước ta, có khác!

Tôi thừa biết những nơi điện thư sẽ tới, nơi của các nhà báo uyên thâm, không cần đến những phụ chú này. Và tôi cũng nghĩ, các nhà báo chắc chắn sẽ nhận xét rằng, đây là một bài phiếm luận có ích, rất nên phổ biến rộng rãi.

 

Trần Xuân An

15 : 36' & 18 : 50', 28-5 HB7

& 6 : & 15 : 13', 29-5 HB7

 

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Hội Tụ:

 

http://giaodiem.us/us-2007/507/507-txa-vanbia-nvt.htm

 

 

Xem thêm: Ngô Minh, "Nhà văn thời computer" (Web E-van, Chuyện làng văn, 15-2 HB7):

http://evan.com.vn/News/doi-song-van-nghe/chuyen-lang-van/2007/02/3B9AD6C3/

 

_________________________________________________________________________________________________________

 

Trở về trang "Thư mời các nhà báo điều tra":

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/thu-moi-nha-bao-dieu-tra.htm

 

trang bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

Ngày đưa trang này lên mạng liên thông: 29-5 HB7 (2007)

Bổ sung, sửa chữa: buổi chiều cùng ngày

& 30-5 HB7