c. Bài 3-PBTL5: Trần Xuân An - Văn chương và chinh chiến, "giữa đôi bờ hư thực"

 

 

Ảnh lớn

 

 

Trích đoạn:

 

Quá ngắn ngủi và cũng đã quá xa, năm ấy, chỉ một thoáng chốc ở hành lang Nhà khách Đà Lạt, tôi có dịp chuyện trò đôi câu với nhà thơ Chinh Văn và một vài nhà văn khác, bấy giờ họ đang là học viên khoá I Trường Viết văn Nguyễn Du. Đó là lần đầu tiên, cách đây đúng ba mươi năm. Năm sau, kể từ buổi tối hôm đó, tôi và anh Chinh Văn lại có thơ in chung cùng nhiều tác giả trong tuyển thơ thứ hai của Lâm Đồng – Đà Lạt sau Ngày Thống nhất: “Như anh em một nhà” (1). Bài lục bát tứ tuyệt thuở ấy của anh, hai mươi năm sau, lại được in vào tập thơ riêng của anh, “Giữa đôi bờ hư thực” (2):

 

xe pan giữa đỉnh đèo mây

ô hay, hoa nở lắt lay cả rừng

ba lô vội khoác trên lưng

mùa xuân trước mặt còn dừng được ư?

 

(Trên đỉnh đèo mây, Bảo Lộc – 1980, GĐBHT., sđd., tr. 74)

 

Tôi còn nhớ mãi bài thơ này với bản in năm 1981 (1). Tối hôm qua, mở tủ sách tìm lại tuyển thơ cũ, tôi mỉm cười khi chợt nghĩ, liệu anh Chinh Văn có bị pan lần nào không trong chặng đường tham gia cách mạng 18 năm trước 1975 (3) và quãng đường làm công chức 22 năm sau Ngày Thống nhất (4)? Ngoài tứ thơ hỏng xe (panne) tuy cụ thể nhưng rất khái quát về một thời, thơ của anh trong tập “Giữa đôi bờ hư thực” cũng góp phần loé lên ý nghĩ ấy trong tôi. Tất nhiên, có sự cố thuộc về chiếc xe cơ chế xã hội chở người làm thơ, cũng có sự cố do chính thơ của người làm thơ trên con đường văn chương của mỗi người cầm bút.

 

 

Xin vui lòng chờ cập nhật trọn bài

 

Bài viết đã được gửi đăng trên Tạp chí điện tử Sông Cửu Long, TranNhuong . com, PhongDiep . net ...  

 

 

 

Bài đã đăng trên 2 Điểm mạng toàn cầu Nhà văn Phong Điệp, Nhà thơ Trần Nhương (chiều và tối 28-02 HB10):

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=9765

http://trannhuong.com/news_detail/3992/VĂN-CHƯƠNG-VÀ-CHIẾN-CHINH-“GIỮA-ĐÔI-BỜ-HƯ-THỰC

Thành thật cảm ơn.

 

 

 

______________________________________

 

 

 

VĂN CHƯƠNG VÀ CHINH CHIẾN, “GIỮA ĐÔI BỜ HƯ THỰC”

 

Trần Xuân An

 

Quá ngắn ngủi và cũng đã quá xa, năm ấy, chỉ một thoáng chốc ở hành lang Nhà khách Đà Lạt, tôi có dịp chuyện trò đôi câu với nhà thơ Chinh Văn và một vài nhà văn khác, bấy giờ họ đang là học viên khoá I Trường Viết văn Nguyễn Du. Đó là lần đầu tiên, cách đây đúng ba mươi năm. Năm sau, kể từ buổi tối hôm đó, tôi và anh Chinh Văn lại có thơ in chung cùng nhiều tác giả trong tuyển thơ thứ hai của Lâm Đồng – Đà Lạt sau Ngày Thống nhất: “Như anh em một nhà” (1). Bài lục bát tứ tuyệt thuở ấy của anh, hai mươi năm sau, lại được in vào tập thơ riêng của anh, “Giữa đôi bờ hư thực” (2):

 

xe pan giữa đỉnh đèo mây

ô hay, hoa nở lắt lay cả rừng

ba lô vội khoác trên lưng

mùa xuân trước mặt còn dừng được ư?

 

(Trên đỉnh đèo mây, Bảo Lộc – 1980, GĐBHT., sđd., tr. 74)

 

Tôi còn nhớ mãi bài thơ này với bản in năm 1981 (1). Tối hôm qua, mở tủ sách tìm lại tuyển thơ cũ, tôi mỉm cười khi chợt nghĩ, liệu anh Chinh Văn có bị pan lần nào không trong chặng đường tham gia cách mạng 18 năm trước 1975 (3) và quãng đường làm công chức 22 năm sau Ngày Thống nhất (4)? Ngoài tứ thơ hỏng xe (panne) tuy cụ thể nhưng rất khái quát về một thời, thơ của anh trong tập “Giữa đôi bờ hư thực” cũng góp phần loé lên ý nghĩ ấy trong tôi. Tất nhiên, có sự cố thuộc về chiếc xe cơ chế xã hội chở người làm thơ, cũng có sự cố do chính thơ của người làm thơ trên con đường văn chương của mỗi người cầm bút.

 

Người ta thường nhắc đến Aragon với một câu nổi tiếng, tham gia cách mạng có nghĩa là “từ chân trời một người đến chân trời tất cả”, hay về Chế Lan Viên thuở “Ánh sáng và phù sa” với bài thơ “Hai câu hỏi” của ông: “Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình / Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt / Ta vì ai? Sẽ xoay chiều ngọn bấc / Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh”. Nhưng với Chinh Văn, hình như trong anh vẫn luôn hiện hữu hai chân trời, vẫn luôn tồn tại hai câu hỏi ấy, không loại trừ nhau.

 

Mười hai tuổi, tham gia cách mạng tại Sài Gòn – Gia Định (1957). Mười bốn tuổi, có thơ đăng báo, cũng tại thủ phủ của Miền Nam thuở đó. Và đây là thơ của chú bé Chinh Văn viết về lí tưởng, từ ấy:

 

mùa xuân cây nẩy lộc

lộc biếc nhờ nắng mai

lý tưởng như mặt trời

mời ta vươn tới mãi

 

(Mặt trời và lộc biếc, 1958, GĐBHT., sđd., tr. 75)

 

Cũng cùng một thời điểm, chú bé lại viết, với ý tưởng già dặn, thể hiện sự chọn lựa một thái độ trước thực trạng mỗi kiếp người:

 

cuộc đời như điếu thuốc

không hút cũng cháy vèo //

cuộc đời như điếu thuốc

không hút cũng không sao

 

(“Thái độ I”, 1958, GĐBHT., sđd., tr. 35)

 

Chú bé 13 tuổi đã rất kiệm từ, không nói thật rõ, đó là thái độ dấn thân tích cực trong bối cảnh Miền Nam, mặc dù kiếp người nói chung vốn ngắn ngủi, như điếu thuốc lá, nếu có châm lửa cho đúng tác dụng, thì cháy vèo, nếu không châm lửa, thì cũng không sao cả, nhưng cũng vô dụng, ẩm mốc, và bị quẳng vào sọt rác. Đây là một trong ba bài liên hoàn (gồm “Thái độ II”, 1963, và “Thái độ III”, 1997, sđd. tr. 36 & 37). Hai bài sau chỉ là tín hiệu, cả bài chỉ hai chữ với đầu đuôi là hai lần đánh dấu ba chấm: ... và / thôi... hoặc độc nhất một chữ: về. Đó không phải hai bài thơ hoàn chỉnh, đúng nghĩa là thơ, cũng không thể tách ra, biệt lập, khỏi chùm thơ 3 bài; đúng hơn, “Thái độ II”, “Thái độ III” chỉ là vĩ thanh của bài “Thái độ I”. “Về”, dĩ nhiên là về hưu (1997). Nhưng “... và / thôi...” vào năm 1963, thì chỉ có thể hiểu được khi đọc những bài thơ anh viết cùng thời điểm, thời đoạn ấy.

 

Cũng 1963, mười tám tuổi, Chinh Văn có một bài thơ viết về Phật giáo Á châu với cái nhìn khá lạ, chứa đựng niềm tôn vinh với ngôn từ khá chừng mực:

 

“căn nhà rộng / tấm áo choàng thì thô // mùa đông // khi lữ khách đến giữa phố thị / choáng ngợp trước những thời trang lộng lẫy / nhưng mong manh // run rẩy / lữ khách chợt nhớ đến tấm áo choàng cũ kỹ / vẫn mang bên mình // tấm áo đẹp lên / thật mới mẻ”.

 

(“Phật giáo Á châu”, 1963, GĐBHT., sđd., tr. 18)

 

Cũng để hiểu hai chữ “... và / thôi...” ấy, chúng ta còn tìm thấy trong “Giữa đôi bờ hư thực”, tập thơ như một tự tuyển sau 40 năm làm thơ (1959-1999), những bài như “Ra đồng”, “Thế kỷ XX”, “Trò chơi hào hứng”, và hai bài khác, viết trong năm 1964 và trong khoảng thời gian 1962-1967: “Louis Amstrong”, “Sự chọn lựa vinh quang”.

 

Không chắc chắn lắm, tôi phỏng đoán bài “Ra đồng” được Chinh Văn viết đâu những tháng đầu năm 1963. Đó là một bài thơ thể hiện bề sâu tâm hồn anh, như trên kia tôi đã viết, “luôn hiện hữu hai chân trời, vẫn luôn tồn tại hai câu hỏi”, trong đó có một câu hỏi về cõi im vắng tiếng người:

 

“hôm qua ra đồng / thấy con cò đứng một chân // - tại sao không đứng hai chân? / - ờ, tôi đứng một chân ở đời này // tôi thất thểu đi tìm cuộc đời kia // giữa đôi bờ vách núi / không vọng tiếng người”

 

(Ra đồng, 1963, GĐBHT., sđd., tr. 4)

 

“Thế kỷ XX”, “Trò chơi hào hứng” là hai bài thể hiện sự tố cáo xã hội cũ. Ngay cả việc tuyên án tử hình trong “bảng cáo trạng chung cho năm thằng” (xâm lược, phản quốc, phi nghĩa, vô đạo, dã man) cũng là “trò chơi hào hứng” của xã hội cũ mà thôi, trong năm 1963 ấy! Tuy nhiên, có lẽ phải thấy trong mắt nhìn Chinh Văn là bấy giờ, trong cuộc đánh đổ chế độ đệ nhất cộng hoà Diệm – Nhu, còn có bộ phận lực lượng Phật giáo và bộ phận nhân dân chân chính, chứ không chỉ là trò “đạo diễn” của Mỹ. Bài “Phật giáo Á châu” đã khẳng quyết cái nhìn công bằng ấy.

 

Chinh Văn viết về người nghệ sĩ kèn đồng da đen Louis Amstrong rất xúc động. Vốn theo phong cách không biểu lộ cảm xúc trên bề mặt câu chữ thơ, nhưng riêng ở bài này, cảm xúc và suy tưởng đã hoà quyện rất nhuần nhị. Hơn thế nữa, kết cấu bài thơ cũng gây ấn tượng sâu cho người đọc. Toàn bộ bài thơ là lời khuyên Louis Amstrong đừng buồn, mà phải nhẫn nhục, chịu đựng, cho dù trong mỗi lời khuyên với điệp ngữ “đừng buồn” đó, đều ẩn chứa sự nhận thức, đào sâu thực trạng bi thảm, để hai dòng kết thúc bài thơ lại là sự phản đối của Louis Amstrong: “tiếng kèn đồng trợn mắt / thét vang”. Không, không thể chịu đựng, nhẫn nhục, mà phải làm cách mạng trong điều kiện ở Mỹ, như Martin Luther King, người mà cả cộng đồng người Mỹ gốc Phi và tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ hiện nay, Barack Obama, rất mực ghi nhớ công lao. Nói cho đúng hơn, Chinh Văn hẳn cũng quý trọng Martin Luther King, nhưng chắc anh vẫn thích kiểu cách mạng của Jack London, tác giả “Gót sắt” hơn.

                                                                                                                                   

Và ở Việt Nam chúng ta, theo Chinh Văn, tính chất cách mạng là điều anh đã thể hiện trong thơ, qua bài “Sự chọn lựa vinh quang” (1962-1967):

 

“ngay bây giờ / hay chẳng bao giờ nữa / hãy chọn lựa / đứng vào hàng ngũ của ông cha / giành lại cửa nhà / hay khom lưng, khoanh tay, cúi mặt”

 

Thậm chí, tưởng như anh đã thực sự không còn “luôn hiện hữu hai chân trời, vẫn luôn tồn tại hai câu hỏi”, mà chỉ chọn một trong hai:

 

“trước móng vuốt lang sói, diều hâu / mọi người không mong đợi gì nơi anh / những luân lý, triết lý cao xa / mà ba hoa / từng phút giây không ngừng nghỉ / toàn dân đang hát ca / và kiên cường chiến đấu / toàn dân không mong đợi gì nơi anh / khác hơn / là / một bàn tay / và / một tình yêu chân thành / cho / chính quê hương”

 

(Sự chọn lựa vinh quang, 1962-1967, GĐBHT., sđd., tr. 58-62)

 

Đây cũng là giai đoạn thơ Chinh Văn không còn hàm súc, nén chặt, hoặc chỉ gợi mở bằng vài nét sơ phác. Thơ anh lúc này là thơ quảng trường, đọc trên sóng phát thanh, cần có nhiều điệp từ, điệp ngữ với cách diễn đạt dàn trải, dễ tiếp nhận bằng tai nghe.

 

Và cứ thế, con đường cách mạng của anh dĩ nhiên đã đưa anh vào tù dưới chế độ cũ, rồi tình thế buộc anh phải thoát li lên rừng, nhập vào đoàn quân vũ trang giải phóng. Chinh Văn có cả một mảng thơ về những chặng đường này: “Niềm tự hào chính đáng” (biệt giam Tân Hiệp, 1969, sđd., tr. 63), “Vượt Đồng Tháp, mùa trăng” (1972, sđd., tr. 88-90), “Hoa phong lan, trăng đầu súng” (cuối Trường Sơn, 1974, sđd. tr. 76-79)... Sau Ngày Thống nhất, anh còn có một mảng thơ đầy phấn chấn về khai hoang, về những vùng đất thép nữa.

 

Tuy vậy, khi tôi viết, có một giai đoạn “tưởng như anh đã thực sự không còn ‘luôn hiện hữu hai chân trời, vẫn luôn tồn tại hai câu hỏi’, mà chỉ chọn một trong hai”, có nghĩa là tôi vẫn đọc thấy trong tập thơ “Giữa đôi bờ hư thực” những bài suy tư, khắc khoải về những vấn đề thuộc hằng số cõi đời, kiếp người. Điều này quán xuyến, xuyên suốt đời thơ Chinh Văn, tạo nên một nét độc đáo của riêng anh, và vẫn rất riêng trong đặc điểm chung của hàng ngũ những người thơ Miền Nam tham gia cách mạng như anh, vốn nhìn chung, không thể lẫn với đội ngũ các nhà thơ Miền Bắc cùng thời, cùng trang lứa.

 

Mặc dù cũng đã lướt nhẹ qua ở các đoạn trên, nhưng tôi vẫn muốn xoáy sâu thêm một chút về những suy tư, khắc khoải này.

 

Bài khởi đầu tập thơ, gần như hai-ku, phải chăng Chinh Văn muốn nói đến những tác nhân nghiệt ngã ngoài ý muốn – tác nhân cũng của thiên nhiên.  Đó là ẩn dụ về quyền lực trong tay con người đối với đồng loại:

 

“đất nói với cây / - để cho hoa nở đẹp // mưa không nghe // mưa...”

 

(Mưa, Bến Hàm Tử - 1961, GĐBHT., sđd., tr. 1)

 

Bài “Gió” lại như đồng thoại:

 

ông già hỏi thằng bé:

- làm sao để được cười?

thằng bé khóc

 

thằng bé hỏi ông già:

- làm sao để được khóc?

ông già cười

 

(Gió, 1962, GĐBHT., sđd., tr. 2)

 

“Được cười”“được khóc” là quyền, một thứ quyền tự nhiên và hồn nhiên nhất của mỗi con người. Chinh Văn diễn đạt một chân lí giản dị: muốn cảm nhận được hạnh phúc, phải biết khổ đau; muốn hiểu được khổ đau, phải trải nghiệm được hạnh phúc. Và theo đó, “Gió” chính là biểu tượng của tự do.

 

Hoặc ở một bài khác, anh đưa ra một định nghĩa có tính triết học, vừa hài hước, vừa bi đát, về đấng khởi nguyên và cõi người ta:

 

“có một thằng buồn quá / ngồi chơi cờ một mình // một mình cũng buồn quá / hắn bỏ đi một mình // nghìn và triệu năm sau // quân cờ nằm buồn quá / bỗng dưng biến thành người”

 

(Thân phận, 1961, GĐBHT., sđd., tr. .5)

 

Mãi đến năm 1968, lúc anh đã thật sự trưởng thành trong hoạt động cách mạng ở nội thành, Chinh Văn vẫn mang một cảm thức về nỗi cô đơn và sự ngắn ngủi của phận người. Anh đã rơi vào vùng xoáy của câu hỏi “thổi nghìn nến tắt”, một thời Chế Lan Viên đã sợ hãi, tránh né:

 

“chưa chi / ngày đã tắt // tôi đứng đây / từ khi ra đời / đến khi nhắm mắt / một mình / trên trái đất // chưa chi / ngày đã tắt”

 

(Chưa chi, 1968, GĐBHT., sđd., tr. 8)

 

Cũng thế, khi anh “nói với em”:

 

“làm người / ai chẳng chết / không có gì đâu em // làm người / ai chẳng chết / có gì đâu em”

 

(Nói với em, 1968, GĐBHT. Sđd., tr. 11).

 

Mãi đến sau Ngày Thống nhất, cảm thức về tính bi đát của phận người vẫn đeo đẳng anh không thôi. Với cái nhìn khái quát mênh mang đượm tính triết lí về nỗi niềm “thiên cổ sầu” này, thơ Chinh Văn không còn khô khan, lại vừa trở nên giàu hình ảnh, vừa giữ được dáng nét hàm súc đầy khơi gợi, tạo đà cho người đọc tự đi sâu vào suy tưởng:

 

“tôi ném tôi lên dòng thời gian / nghe lênh đênh lục bình nở tím // mây nước lang thang / duy nỗi buồn và gốc đa ngồi lại // gió xạc xào nghĩa trang”

 

(Tôi nhìn tôi, 1979, GĐBHT., sđd., tr. 20)

 

Thậm chí, có khi anh triết lí một cách buồn bã về cái phi lí của chiến tranh nữa, mặt đen tối của cõi nhân sinh, mặc dù anh tự chọn cho chính anh bút danh Chinh Văn, hình như với ý nghĩa văn chương chiến đấu hay văn chương chinh phục kẻ thù (kẻ thù trong thơ anh đã quá rõ, nhất là ở bài “Bao bố”, 1950-1975, sđd., tr. 40):

 

“để cứu vạn con người / phải giết muôn thằng bé / để cứu muôn thằng bé / phải giết triệu con người // để cứu triệu con người / phải diệt một dân tộc / để cứu cả nhân loại / người giết luôn người rồi”

 

(Khôi hài đen, 1967, GĐBHT., sđd., tr. 44-45)

 

Và trong Đổi mới, Chinh Văn lại càng nhận rõ ra “bức tường”. Đây cũng là một trong những thao thức, khắc khoải của anh, về tính bi kịch của cách mạng, dẫn đến Đổi mới:

 

“có những bức tường / có quá nhiều những bức tường / ngăn cách em / ngăn cách anh / mạnh hơn sự sống / mạnh hơn cái chết // [...] // bức tường, ngăn đôi giáo điều và sáng tạo, anh phải nghĩ, phải làm thế này, không được nghĩ, không được làm thế kia // bức tường [...] như con tằm, anh dệt cho mình chiếc kén, tự bỏ tù mình, bỏ tù cả anh em...”

 

(Bức tường, 1999, GĐBHT., sđd., tr. 105-106).

 

Tôi đã viết, ở Chinh Văn, suốt đời thơ của nhà thơ này, “luôn hiện hữu hai chân trời, vẫn luôn tồn tại hai câu hỏi, không loại trừ nhau”, và điều đó tạo nên đặc điểm rất riêng của thơ anh. Đặc điểm này, ở anh, một người cầm bút tại Miền Nam, luôn song hành hai mặt âm – dương, còn ở Chế Lan Viên, cây đại thụ tại Miền Bắc, mãi đến cuối đời, mới trào ra ba tập di cảo thơ như một sự bù đắp cho phần khiếm khuyết, phiến diện, ông đã phải hi sinh trong tư thế “tầm vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ”, để sự nghiệp thơ của ông hoàn thiện hơn (không chỉ là nhà thơ chiến đấu chống ngoại xâm mà còn là nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn và khát vọng dân chủ, tự do).

 

Tôi cảm thấy hơi ngần ngại, khi muốn viết thêm vài dòng về bản sắc thơ anh, một cách thật cô đọng. Chẳng hạn như: Chinh Văn mạnh về thơ tự do hơn là các thể thơ khác. Ngay cả lục bát, hình như chưa có bài nào vượt nổi “Trên đỉnh đèo Bảo Lộc” (1980). Thơ của anh tuy phần lớn là hàm súc, vẫn có bài hơi khô khan, có lẽ do anh thiên về nghĩ ngợi, triết lí. Không phải ngẫu nhiên anh chọn ảnh chụp bức tượng “Người trầm tư” nổi tiếng của Auguste Rodin để làm phụ bản thứ nhất. Đó là bức tượng của một người đàn ông tráng kiện đang suy tư. Chinh Văn không bạc nhược, mặc dù trong suy tư, nhiều đề tài vẫn khá bi đát hay rất bi đát. Hoặc nói cách khác, chẳng hạn như: Nếp tư duy nhà thơ Chinh Văn nhiều khi gần với cách lập ngôn của triết nhân. Thơ anh vì thế, có bài như mật ngữ. Đó là đặc sắc của riêng anh, giúp thơ anh không lẫn vào bất kì tác phẩm của một ai khác. Một nhà thơ như thế còn cao hơn hàng ngàn nhà thơ làm thơ đèm đẹp và thiếu chất trí tuệ (5).

 

Trần Xuân An

Khởi viết lúc 8:30 ngày 27-02 HB10 (2010)

Viết xong lúc 17 giờ 25, cùng ngày.

 

_____________________________

 

(1) Nhiều tác giả, “Như anh em một nhà”, Sở VH-TT. Lâm Đồng xuất bản, 1981, tr. 95. Nhan đề bài thơ: “Trên đỉnh đèo Bảo Lộc”. Đề tặng: “Mến tặng các bạn trẻ Lâm Đồng”. Nguyên văn: “Xe pan giữa đèo mây / Ô hay, hoa nở ngất ngây cả rừng / Ba lô nhẹ khoác trên lưng / Mùa xuân trước mặt, còn dừng được ư?”.

 

(2) Chinh Văn, “Giữa đôi bờ hư thực” (GĐBHT.), Nxb. Văn Học, 12-1999. Bài “Trên đỉnh đèo Bảo Lộc”, bản in ở tập GĐBHT. (1999), có khác biệt đôi chút (1).

 

(3) Hội Nhà văn TP.HCM., “Hội viên HNV.TP.HCM. – Kỉ yếu 2005”, Nxb. Hội Nhà văn, tr. 400: Tiểu sử Chinh Văn (sinh năm 1945). … Ngoài ra, anh còn là hội viên Hội Văn bút thế giới (International Poet / Playwright [play-wight] – Essayist / Editor – Novelist [P.E.N.]).

 

(4) Anh rời khỏi Nxb. Trẻ, về hưu, năm 1997.

 

(5) Tôi nghĩ bài viết cũng nên dừng ở đây, trong khi chờ đến lúc đọc được tập thơ đầu tay của anh, “Lời chim bão tố” (Sinh viên hải ngoại ấn hành, 1967) và vở kịch thơ kế tiếp, “Trên đường vinh quang” (1967). Anh hẹn tôi trong những ngày sắp tới, anh sẽ cho tôi mượn đọc. Anh còn hứa tặng cả tập thơ vừa mới xuất xưởng vào ngày 30 áp Tết Canh dần (2010) của chính anh. Nhưng dẫu sao, tôi cũng có thể tìm thấy những phần tinh tuý nhất của hai tác phẩm xuất bản từ thuở trai trẻ ấy ngay trong tập thơ tự tuyển này của nhà thơ Chinh Văn. Còn tập vừa xuất xưởng, xin hẹn ở một bài viết khác.

 

 

 

 

 

 

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE