Danh nhân Nguyễn Văn Tường (1824-1886) - GS. Đinh Xuân Lâm

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

DANH NHÂN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886)

QUA CÁCH NHÌN ĐỔI MỚI TƯ DUY SỬ HỌC (*)

 

GS. ĐINH XUÂN LÂM

 

Trước tiên xin phép được nói lên niềm vinh dự và sự cảm động lớn lao của đoàn chúng tôi: gồm có ông Dương Trung Quốc và tôi được thay mặt Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLSVN) hôm nay tới dự lễ trao tặng bia Kỳ Vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường (1824-1886) được tổ chức rất trọng thể và trang nghiêm ngay tại mảnh đất đã sản sinh ra danh nhân. Lẽ ra đoàn đại biểu Hội KHLSVN về dự lễ hôm nay còn có giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội KHLSVN) nhưng cho đến giờ phút chót, do có công tác đột xuất nên rất tiếc không dự lễ được, và có nhờ chúng tôi chuyển lời chào đến các vị và chúc lễ trao tặng bia hôm nay kết quả tốt đẹp.

GS. Đinh Xuân Lâm phát biểu (Ảnh: Nguyễn Quang Trung Tiến)

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/dungbianvt-3_ltc-gui_gs-dxl.JPG

 

Cuộc đời hoạt động của danh nhân Nguyễn Văn Tường gắn liền với một thời kỳ bi hùng của đất nước và dân tộc ta. Đó là thời kỳ thực dân Pháp đẩy mạnh âm mưu đánh chiếm Việt Nam. Năm 1858 tiếng súng tấn công đầu tiên của kẻ thù vào cửa biển Đà Nẵng mở màn cuộc chiến tranh xâm lược và bình định của chúng kéo dài 26 năm, tới tận năm 1884 mới kết thúc, nước Việt Nam trọn vẹn trở thành thuộc địa của Pháp. Đó cũng chính là thời kỳ Nguyễn Văn Tường trưởng thành, ông thi đỗ cử nhân vào năm 1850 trước khi thực dân Pháp phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 8 năm và sau đó dấn thân vào con đường hoan lộ vốn dĩ bình thường đã gập ghềnh, khuất khúc đầy sự trắc trở bất thường, huống chi trong thời “tao loạn” càng thêm lắm nỗi gian truân, khó khăn khôn lường.

Thế nhưng theo dõi con đường làm quan của ông, chúng ta thấy rằng lần lượt kinh qua nhiều chức vụ ở các địa phương và cả ở kinh đô Huế, khi làm huấn đạo, khi giữ chức tri huyện, làm án sát, rồi chuyển về kinh làm việc ở bộ Binh, rồi phủ doãn Thừa Thiên, ông đã tỏ ra là một vị quan đức độ, mẫn cán, hết lòng chăm lo đời sống của nhân dân, đã tổ chức việc mộ dân lập làng, mở đường sá giao thông, thúc đẩy việc đi lại buôn bán của dân miền núi. Đến khi do tình hình các tỉnh phía Bắc dọc đường biên giới không yên, ông được điều động ra làm tán tương quân vụ quân thứ Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang phụ trách việc tiễu phỉ, giữ gìn trật tự trị an.

Đến cuối năm 1873, khi quân Pháp do Françis Garnier cầm đầu đánh chiếm thành Hà Nội và nhiều thành miền đồng bằng sông Hồng (Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định), ông lại được cử làm khâm sai ra Hà Nội điều đình với phái viên Pháp là Philastre và bằng tài thương nghị khôn khéo đã buộc bọn Pháp giao trả 4 tỉnh thành bị chiếm (Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội), sau đó vào Gia Định ký hòa ước Giáp Tuất (15/3/1874). Nội dung hòa ước Giáp Tuất (1874) có những điều khoản vô cùng nặng nề mà trong tương quan lực lượng lúc đó phía ta không thể không chấp nhận, nhưng với việc thu hồi được 4 tỉnh thành trong đó có cả Hà Nội, như vậy là vẫn còn duy trì hai miền Trung và Bắc của đất nước liền một dải, có thể nói đó là một thắng lợi vì đã dành được một điều kiện cho công cuộc kháng chiến khi có thời cơ, trong thắng lợi đó có phần đóng góp của Nguyễn Văn Tường. Sau đó ông đã được triều đình thăng chức thượng thư bộ Hình, sung đại thần Viện Cơ mật, rồi thượng thư bộ Hộ kiêm quản Viện Thương bạc, chuyên lo việc ngoại giao với Pháp. (**). Chính vào lúc Pháp nổ súng tấn công đánh chiếm Thuận An cũng là lúc vua Tự Đức mất (17-7-1883), và theo di chúc để lại, ông được sung làm đệ nhất phụ chánh đại thần. Với tư tưởng chủ chiến, ông đã cùng đệ nhị phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết kiên quyết phế bỏ, trấn áp các phần tử chủ hòa thân Pháp, dù rằng người đó là vua Dục Đức, Hiệp Hòa hay là các hoàng thân quốc thích thân Pháp. Ông đã cùng Tôn Thất Thuyết và đã có công lớn trong việc tích cực xây dựng cả một hệ thống sơn phòng dọc theo miền núi của các tỉnh miền Trung - trong số đó có cả thành Tân Sở ở Quảng Trị để làm căn cứ chiến đấu, phòng khi kinh thành Huế bị Pháp đánh chiếm. Với những đóng góp to lớn như vậy, đầu năm 1884, ông đã được cử giữ chức thượng thư bộ Lại, thăng cần chánh điện đại học sĩ, được ban tước Kỳ Vĩ quận công. Trong thực tế nước sôi lửa bỏng lúc bấy giờ vào lúc mà thực dân Pháp âm mưu đánh chiếm kinh thành Huế, để rồi trên đà thắng thế hoàn thành việc chiếm đóng toàn Việt Nam thì những việc làm của Nguyễn Văn Tường có sự phối hợp chặt chẽ với Tôn Thất Thuyết có tác dụng rất lớn và có ý nghĩa rất tích cực.

Để giành thế chủ động, đêm mồng 4 rạng sáng ngày mồng 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết đã tổ chức cuộc tấn công vào các căn cứ chiếm đóng của Pháp ngay tại kinh thành Huế. Về sự kiện này, trước đây vẫn có ý kiến cho rằng Nguyễn Văn Tường hoàn toàn không hay biết gì về chủ trương này, điều này theo suy nghĩ của chúng tôi không hợp lý. Chỉ căn cứ vào việc trước đó giữa hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị đánh Pháp, và cho đến trước giờ nổ súng tuyệt nhiên tới nay chưa có tài liệu nào nói rằng giữa hai người đã có sự rạn nứt về chính trị để có thể đặt ra giả thuyết đó. Và việc Nguyễn Văn Tường, sau khi hộ giá vua Hàm Nghi rời kinh, đến Kim Long thì theo mật chỉ của thái hoàng thái hậu Từ Dũ, ông phải ở lại Huế tìm cách liên hệ với toà Khâm sứ Pháp để thương thuyết. Tướng giặc De Courcy trong tình hình rối loạn bấy giờ phải đối đầu với muôn vàn khó khăn đã phải chấp nhận phương án đó, nhưng vẫn nghi ngờ nên giam lõng ông tại Viện Thương bạc, có sự giám sát chặt chẽ để tránh sự tiếp xúc mà chúng rất lo ngại giữa ông với bên ngoài, buộc ông trong vòng hai tháng phải ổn định tình hình, đưa được vua Hàm Nghi về triều. Việc Nguyễn Văn Tường trở lại Huế sau sự kiện mồng 4 tháng 7 sau này đã trở thành một nghi án đối với ông. May mắn là những tư liệu lưu trữ mới được phát hiện ở Pháp và Tahiti đã cho thấy một sự thật đáng tự hào. Đó là trong nanh vuốt của kẻ thù, bị tỏa chiết mọi điều kiện, ông vẫn bí mật hoạt động và chính tướng giặc De Courcy đã ra lệnh bắt khẩn cấp ông, rồi kết tội ông đã chống lại chúng, sau khi phát hiện ra một bức mật thư của phái viên phía lực lượng kháng chiến chuyển tới. Nên nhớ là trên chuyến tàu chở Nguyễn Văn Tường ra hải đảo có cả Tôn Thất Đính (thân sinh Tôn Thất Thuyết) và Phạm Thận Duật (một vị đại thần chống Pháp bị Pháp bắt tại Quảng Trị trên đường ra Bắc để khuấy động phong trào Cần Vương) có thể nói là cả 3 người đó đều là kẻ thù không đội trời chung với giặc Pháp. Tại Tahiti, trên mảnh đất lưu đày, uất ức vì chí lớn không thành, ông đã lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 29-6 năm Bính Tuất (đối chiếu dương lịch là ngày 30-7-1886).

Viết tới đây, chúng tôi chợt nhớ tới một kỷ niệm trong nghiên cứu sử học của mình. Trong cuộc hội thảo về Nguyễn Văn Tường và phong trào Cần Vương tổ chức tại trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, 1996, GS. Trần Văn Giàu - Anh hùng lao động - nhà cách mạng lão thành khi xem tấm ảnh chụp Nguyễn Văn Tường mất trên giường bệnh, đã nói với chúng tôi rằng với nét mặt thanh thản của một con người trước khi nhắm mắt lìa đời, con người này đã nhận thức rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ, đã tự bằng lòng về mình, đấy là một con người yêu nước. Thiết tưởng có thể lấy câu nhận định đó để đánh giá nhân vật Nguyễn Văn Tường.

Cuối cùng, sự thật lịch sử vẫn sáng lòa, xóa tan mọi đen tối, hiểu lầm và tuy rằng muộn màng, nhưng cuối cùng Kỳ Vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường đã được “chiêu tuyết” trong sự tự hào của gia tộc và trong sự vui mừng của toàn thể chúng ta được tham dự lễ trao tặng bia hôm nay.

Trong việc “chiêu tuyết” Nguyễn Văn Tường, hôm nay, chúng tôi xin phép được khẳng định có công đóng góp, có tâm huyết của gia tộc Nguyễn - trong đó có bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái là Trần Nguyễn Từ Vân, của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân quê hương của danh nhân, của các cơ quan, đoàn thể hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Nhưng quan trọng hơn là nếu không có sự đổi mới tư duy sử học - trong công cuộc đổi mới chung của đất nước ta hiện nay - thì cũng chưa thực hiện tốt đẹp được.

Cuối cùng, thay mặt Hội KHLSVN, xin kính chúc toàn thể các vị tham dự lễ trao tặng bia hôm nay sức khoẻ dồi dào, đạt thành tích cao trong công tác.

Xin vô cùng cám ơn toàn thể quý vị.

 

                                                                              Ngày 3 tháng 6 năm 2007

                                                                                            GS. Đinh Xuân Lâm

 

Bài đã đăng trên Tạp chí Huế Xưa & Nay (cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế), số 82, tháng 7 & tháng 8-2007, tr. 24-27.

Bản chữ vi tính do thạc sĩ Lê Tiến Công gửi qua Gmail, 11-8 HB7

___________

(*) Phát biểu của GS Đinh Xuân Lâm, Phó chủ tịch Hội KHLSVN trong lễ trao tặng bia danh nhân Nguyễn Văn Tường ngày 3.6.2007 tại thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Đề bài là của BBT.

(**) “Với cương vị là người phụ trách ngoại giao của triều đình Huế, ông đã được giao nhiệm vụ đặc trách xuống Thuận An để thương lượng với đô đốc Courbet và sau đó ký bản hòa ước Harmand (25-8-1883)”. Đính chính: Đúng ra, Nguyễn Trọng Hợp mới là người thực hiện công việc thương lượng với Courbet và cùng Trần Đình Túc kí hiệp ước Quý mùi (25-8-1883) với Harmand.

 

 

_______________________________________________________

►► Xem lại:

Toàn văn HIỆP ĐỊNH GENÈVE, 20-7-1954

& Toàn văn TUYÊN BỐ CUỐI CỦA HỘI NGHỊ GENÈVE, 21-7-1954

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/dich_hd-geneve-1954.htm

►► Xem lại toàn văn 4 cưỡng ước thời Pháp xâm lược: 

Cưỡng ước 1862  |  Cưỡng ước 1874  |  Cưỡng ước 1883  |  Cưỡng ước 1884

________________________________________________________________________________________________

    

Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC  (Link cũ)

http://txawriter.wordpress.com  (Link mới)

 

Trở về

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-4

 

 

trang bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-1.htm

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-3

 

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

    lên đầu trang (top page)   

 

Đưa lên web: từ ngày 12-8 HB7