i. Trần Xuân An - Ngôi trường tháng giêng - Tệp 9

author's copyright

 

TRẦN XUÂN AN

 

06/30/09

12 tháng 3 năm HB6 (2006)

           

 

        Phần 1

 

        Phần 2

 

        Phần 3

 

        Phần 4

 

        Phần 5

 

        Phần 6

 

        Phần 7

 

        Phần 8

 

        Phần 9

 

        Phần 10

 

        Phần 11

 

        Phần 12

 

        Phụ lục

 

 

 

 

 

 

 

trần xuân an

 

 

ngôi trường

tháng giêng

 

tiểu thuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

nhà xuất bản

THANH NIÊN

 

2003

 

 

 

            

 

xem

http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/

( phần 9 )

33

 

Cam Ly đã khỏi bệnh được một tuần. Sau mấy ngày cảm gió, cô giáo trẻ vui nhộn này đã hồng hào trở lại mặc dù hơi trầm ngâm, đôi mắt thoáng nét u buồn. Nhóm giáo viên vốn kết tình thân lâu nay lại tổ chức một cuộc đi chơi ngoài trời. Hoán bận ôn tập thêm hai môn phụ ngoài môn chính, mấy năm qua anh ít để ý tới. Sáng chủ nhật này lại phải thiếu mất Hoán. Bảy người thong thả bước ra khỏi nhà tập thể. Khi đi ngang trụ sở Ủy ban nhân dân xã Bảo Nghĩa, họ thấy một tấm băng rôn màu đỏ, với dòng chữ vàng căng trước hành lang. Đó là câu khẩu hiệu chống bành trướng Trung Quốc, động viên thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự. Buổi lễ sáng mai mới khai mạc. Hình ảnh này nhắc nhở về mặt trận biên giới ở hai đầu Tổ quốc.

Nam bỗng im lặng khi bước qua khoảng sân rộng này. Họ đi về phía xóm của Hạ, lại men theo con đường mòn khoét sâu vào sườn đồi đất đỏ. Trên sườn đồi là những luống dâu xanh ngắt lá. Cầu treo vắt qua con suối đá, từ lưng đồi này sang lưng đồi kia. Họ lại cẩn thận bước xuống con suối đang róc rách chảy.

Một làn nước mỏng cỡ hơn gang tay hoặc bằng lóng tay đang róc rách tuôn chảy qua các hòn đá, tảng đá màu xám. Không khí hồn nhiên, vô tư của thiên nhiên tràn vào tâm hồn mỗi người, xóa đi những ưu tư, băn khoăn, mệt nhọc.

Cam Ly trở về với bản tính vui tươi, hồn hậu. Cô nói cười không ngớt, khi tụm lại với Nghệ và Khoai.

Ka Kring ngồi bên cạnh Nam, nhìn Huyện và Lộc Biếc đang trò chuyện với nhau trên một tảng đá như thạch bàn giữa lòng suối cạn. Bên kia cầu treo là đồi núi hoang sơ, sâu hơn vào trong là rừng. Tiếng chim từ núi rừng vọng về, hòa tiếng suối róc rách đã xoa dịu những căng thẳng do những công việc ở trường học. Nam bỏ đôi dép được gọt từ lốp xe cỡ lớn, một đôi dép lốp phẳng và sắc sảo, không cong vồng như mo cau, với hai quai chéo bằng đai vải ni lông rất bền, cho hai bàn chân dầm vào nước lạnh. Nam nhìn đôi bàn chân rất xinh của Ka Kring trong đôi xăng đan nhựa trong. Nước suối cuốn đi các hạt đất ba dan. Ka Kring trêu Nam bằng một câu đối mấy năm nay truyền tụng bởi dân gian:

- thầy giáo tháo giày mang dép lốp

nhà trường nhường trà uống nước trong

– Cô cười sau khi đọc xong, lại nói tiếp –. Anh Nam có thích chơi chữ kiểu nói lái như vậy không?

- Chơi chữ dạng nào cũng rất giỏi về nghệ thuật ngôn từ, nhưng phải quang minh chính đại. Nó cũng phản ảnh cái tài, cái tâm. Không riêng anh, ai cũng ghét trò ba que xỏ lá, thâm độc một cách ti tiện, láu cá. Những con chữ viết bằng thuốc độc là trò chơi hạ cấp, nhỏ nhen, gian ác … Hai câu đối vừa rồi là phê phán vừa hay, vừa minh bạch, tuy cũng phản ánh cách nhìn … Hồi đầu năm, bấy giờ Ka Kring chưa về trường, trường có tổ chức một buổi báo cáo chuyên đề. Trong buổi báo cáo chuyên đề ấy, Lộc Biếc chưa dám xoáy vào khía cạnh đó … Văn học dân gian hiện đại, khách quan mà nói, rất hay!– Nam cười, lại nói về đôi dép lốp dưới chân mình –. Ở vùng này, đi dép da, chắc chỉ được ba bữa là vứt!

Nam co chân lại, ngồi xếp bằng trên tảng đá. Cô gái lai xinh đẹp, thon mọng trong áo váy thổ cẩm, đang phả theo gió một làn hương tự nhiên khiến Nam bổi hổi bồi hồi. Mấy lâu nay, Ka Kring đã xóa hết nơi tim anh hình bóng Sông Hương xa, Lộc Biếc gần. Ka Kring trở thành một lối thoát cho tình huống khó xử. Nam yêu Lộc Biếc. Anh hiểu Khoai say đắm Lộc Biếc. Nam cũng biết Lộc Biếc đã dần dần thay đổi chàng trai đào hoa, giỏi tán tỉnh, chỉ thích chinh phục các cô gái, với dáng vẻ đẹp trai và óc thực tế, tên là Huyện thế nào. Nam nhìn Khoai đang lắng nghe Cam Ly kể chuyện gì đó, anh thấy trong vẻ mặt ngỡ đang bình thản, vui vẻ kia cả một nỗi cô đơn, đau đáu buồn. Đó có thể là cái nhìn chủ quan. Ngay cả Nam, anh cũng không thể hiểu chính anh. Giữa Nam và Ka Kring thật đã có gì đâu, chỉ là những lời bông đùa nửa hư nửa thực. Lộc Biếc đằm thắm, kín đáo, không ngổ ngáo một cách dễ thương như Ka Kring, nhưng Nam cũng biết, Lộc Biếc với Huyện, giữa họ, chỉ là tình bạn ở mức độ thân thiết.

Nam bỗng dưng rơi vào ngẫm nghĩ bâng quơ. Ka Kring hình như đang hồn nhiên lắng nghe để phân biệt tiếng chim hòa trong bè trầm là tiếng suối.

- Anh Nam lâu nay có làm được nhiều thơ không?– Ka Kring khẽ hỏi –.

Không trả lời, Nam đọc:

- chóp núi hừng đông tràn nắng sớm

gió mùa ngân nga trên nương rẫy vàng

Ka Rem hát cho mình đứng ngó

Tiếng lồ ô – bè trầm – truyền theo dây mây âm vang … (40)

- Ka Rem là ai vậy? Không hiểu, chỉ cảm và ngó cô gái hát với giàn lồ ô đuổi chim thôi sao?

- Ka Rem là một cô giáo thoáng gặp. Ừ, cảm và ngó. Chắc anh phải học thêm tiếng Chiau Mạa với Ka Kring. Đồng ý chứ?

- Anh Quỳnh đã bổ sung vào kế hoach tự học tập thể món này rồi.

- Học riêng hai người với nhau kia!– Nam gạ gẫm –.

- Bao giờ bắt được cái chồng là anh Nam, sẽ ngày đêm nói tiếng Chiau Mạa cho anh Nam học!– Ka Kring lại bật cười khanh khách –.

Một lần nữa, Nam ngẩn người.

- Bắt cái chồng cái vợ thì rất hay, nhưng lấy gì để sống! Lương tiền thiếu trước hụt sau …– Nam cười –.

Ka Kring lại cười khanh khách.

Một vài người vào rừng, đang bước trên cầu mây khẽ lung lay. Bỗng một người đứng lại giữa cầu:

- Thầy giáo Nam! Chào các bạn …

Nam nhìn lên. Đó là anh Trà. Có lẽ anh ấy đang vào rừng hái củi. Anh Trà vác xà gạt đi ngược lại. Bên hông anh là một lon nhôm cơm, một chai nước.

- Xuống đây chơi cho vui, anh Trà ơi.

Anh Trà quay lại múi cầu bên này, men triền dốc, bước xuống suối đá. Nam nghĩ, chẳng lẽ anh Trà chưa biết gì về quyết định của Ban Giám hiệu và Phòng Giáo dục sao.

Nam đứng dậy, bước qua suối nước cạn, lên bờ bắt tay anh Trà. Tám người cố giữ nét mặt vui vẻ chào nhau, xem như không ai coi chuyện ấy là vấn đề nhức đầu, hay cứ cho là nhức đầu đã khỏi.

Khi cùng ngồi trên tảng đá phẳng giữa lòng suối, Nam mới thấy nét mặt hốc hác của anh Trà. So với mấy tháng trước, bây giờ anh Trà hốc hác quá: đôi mắt hõm vào, nhiều chân râu bạc hơn. Sau phút cố gắng vui vẻ, anh Trà nom ngượng ngập.

- Lâu nay vẫn bình thường trong công việc chứ, anh Trà?– Nam thân mật hỏi, muốn xin lỗi anh Trà về sự gắt gao hôm nọ –.

- Định gặp các bạn nhiều lần, nhưng rồi thôi. Hôm nay tình cờ …– Anh Trà mỉm cười với Ka Kring, và đảo mắt nhìn Nghệ –. Hai bạn mới về trường đầu học kì này …– Anh Trà cũng không phải hỏi, cũng không nói tiếp cho trọn câu –. Sáng nay định vào rừng hái ít củi đun, không ngờ …

- Thế càng vui.– Ka Kring bặt thiệp –. Em nhiều lần đi qua quán anh Trà, định ghé vào …

- Cô Ka Kring …– Anh Trà đã biết tên –… hình như nhà ở Đa Công?

- Vâng. Anh Trà thỉnh thoảng vẫn phải ra đó chứ?

Anh Trà mở đai quanh lưng, đặt lon cơm, chai nước trên một gờ đá để khỏi bị lăn xuống suối.

- Để sơn xe cho khách, mua hàng quà, cũng để trình diện công an. Tôi đang trong thời gian bị quản chế.

- Sao vậy anh?– Nam ngạc nhiên –. Anh được miễn cải tạo lao động tập trung, có quyền công dân ngay sau Ngày Giải phóng mà.

- Cũng đúng vậy. Có điều, sau đó lại bị cải tạo một năm vì bị tình nghi dính vào phong trào “phục quốc”. Khổ thế!

Anh Trà ngập ngừng, rồi nét mặt anh trở lại sắt đanh hẳn, như phải cố gắng đương đầu với ngặt nghèo:

- Có lẽ cô Ka Kring và các bạn đây đều biết chuyện, nên tôi cũng muốn các bạn thông cảm cho.– Anh Trà cúi đầu ngẫm nghĩ –. Sai lầm này dẫn đến sai lầm khác. Gốc gác mấy đời trước của tôi là “phù Lê”, “tả đạo” Bắc Kì. Tôi là dân di cư, học triết, dạy triết, bỏ đạo Chúa, nhưng lại là sĩ quan đào binh ngụy, dẫu sao vẫn sợ bị thủ tiêu, “nhổ cỏ nhổ tận gốc”, nhất là thời điểm chiến tranh biên giới. Tôi không muốn liên lụy đến ai, nhất là sau một năm bị cải tạo ở Đạ Bình. Có điều, cuộc sống lại dẫn đến những dan díu, để rồi gây khổ cho người khác.– Anh Trà nghẹn ngào –. Tôi những muốn cô Xinh đừng để lại mầm sống trong lòng cô –. Như thể cần phải trút bớt nỗi niềm, sự dằn vặt, anh ta tiếp –. Nhưng cô ấy không chịu. Cả bé Ngoan cũng thế, nó không chịu phạm tội “giết người”, mặc dầu nó căm ghét tôi.– Hai dòng nước mắt chảy ràn trên gương mặt người đàn ông ngoài tuổi bốn mươi –. Tôi thật lòng nhục nhã lắm. Nhưng cô Xinh lấy tôi làm gì, cho khổ nhục bây giờ và sau này. Tôi không “phục quốc” cho chế độ  Diệm, Thiệu ngụy tặc. Diệm, Thiệu chẳng qua là cùng một giuộc với Tạ Văn Phụng, Trần Lục “phù Lê”, “tả đạo” dưới thời Tự Đức – Hàm Nghi. Tôi hiểu điều đó chứ. Tôi chỉ manh nha ý tưởng tự vệ mà thôi, bởi tôi cứ bị ám ảnh sẽ bị thủ tiêu … Dẫu sao tôi cũng có lương tâm, lương tri, tôi chỉ muốn sống độc thân, không muốn ai liên lụy vì mình … Có lương tâm, lương tri, nhưng phải bảo cô Xinh phá thai! Không phải tôi trốn tránh trách nhiệm, lường gạt ái tình … Mà thế cũng phải, tôi “giết” con tôi ngay từ trứng nước để “cứu lấy trẻ thơ”, là bé Ngoan, và cứu vãn sự lầm lỡ di họa về sau cho cả mẹ lẫn con cô Xinh.– Anh Trà nói như tuôn ra từ sự giày vò đau đớn –. “Giết người” để “cứu người”, “cứu lấy trẻ thơ” như anh Nam hôm nọ có bảo tôi, nhưng theo cách của tôi … Biết làm sao được! Nhưng … biết làm sao đây!

Nam hốt hoảng, bối rối với các chữ “nhưng” của anh Trà:

- Không. Tôi không hề bảo anh “cứu lấy trẻ thơ” kiểu đó. Tôi muốn anh kết hôn với cô giáo Xinh, danh chính ngôn thuận, vì nhân phẩm nhà giáo của cô ấy, vì danh dự gia đình bé Ngoan, hoặc dứt hẳn quan hệ. Tôi nào ngờ cô Xinh đã mang thai. Tôi chỉ chấp nhận phá thai trong trường hợp mẹ mang bệnh, hoặc dự đoán quái thai, hoặc bị … hiếp dâm …,– Nam lúng túng –, nghĩa là chỉ vì lí do sinh thể hoặc bị cưỡng hiếp … Tôi là người vô thần, duy vật nhưng tôi cũng là người yêu công lí, nhân đạo, dẫu là công lí và nhân đạo cho một mầm sống, một sinh mệnh con người còn trứng nước …– Nam thảng thốt đính chính –. Phải hạn chế đến mức tối đa sự phá thai …– Đôi môi Nam run run –.

- Tôi hiểu ý anh Nam chứ. Nhưng tôi lại quan tâm đến sinh mệnh chính trị của mầm sống, của tương lai con bé mười ba tuổi là Ngoan …– Anh Trà như trút được nỗi giày vò, trở nên bình tĩnh –. Xin đừng căm hận Trương Quy Trà này. Thôi, xin chào anh Nam, cô Ka Kring, cùng các bạn.

Anh Trà định mang chiếc đai có móc lon cơm, chai nước vào quanh hông. Nam ngăn tay anh Trà:

- Vâng, chúng tôi được hiểu anh … Tôi không ngờ anh suy nghĩ sâu xa đến thế. Có điều …

Ka Kring sững điếng từ nãy đến giờ. Huyện, Lộc Biếc, Khoai và Cam Ly cảm nhận được điều anh Trà và Nam đang nói, mặc dầu nghe tiếng được tiếng mất. Cả bốn người định bước qua chỗ Nam, tiếc là tảng đá Nam cùng Ka Kring ngồi quá nhỏ, nay có thêm anh Trà. Vả lại, thấy chừng như anh Trà chỉ muốn nói riêng với Nam, bước qua nghe cũng bất tiện. Họ ngồi sững sờ nhìn suối róc rách chảy vô tư dưới chân.

- Có điều …– Sau một lúc suy nghĩ, Nam nói tiếp –. Anh ngộ nhận hơi nhiều. Lúc này, người ta đang chống “chủ nghĩa cộng sản văn minh” kiểu phát xít của Pôn Pốt, I-êng Xa-ry, chủ nghĩa Mao, trên đài, trên báo, anh chẳng để ý sao? Không hề có tắm máu, cuốc bổ đầu người ở Việt Nam … Tôi nghĩ, lẽ khác, anh nên “cứu lấy trẻ thơ” một cách tích cực hơn. Nhân đạo, có lương tâm, lương tri một cách thức thời, tích cực hơn … Vâng, cứu đứa con của chính anh, của cô Xinh, đang còn là bào thai một cách tích cực hơn … trung thực hơn … Anh Trà à, không có lỡ lầm nào không cứu vãn được … Tôi tin vậy.– Nam lại đính chính –. Còn những kẻ hiếp dâm phải bị tử hình …

- Anh biết không, buồn đau, tủi nhục trong khi có bầu, rất ảnh hưởng đến thai nhi, anh Trà à …– Ka Kring lại nói –. Lẽ ra anh phải tìm cách để chị Xinh được hạnh phúc, vui tươi, yêu đời lúc này …– Ka Kring hiểu Nam đang bối rối –.

Anh Trà nói lời chào, vội vã mang đai vào hông, cầm xà gạt, rảo bước, men lên triền dốc. Nam thấy anh Trà suýt ngã hai lần. Rồi anh đi như chạy qua cầu treo, mặc tiếng gọi của Nam và Ka Kring. Đến bên kia cầu, anh Trà y như một người cuồng, nói to:

- Con tôi không thể bị giáo dục kiểu nhồi sọ, một chiều, bị tập các phản xạ của lũ cuồng tín, ngu trung, thiếu trung thực và không có ý niệm trung thực, sản phẩm của những tên cố đạo Lơ Gơ-răng đờ La-li-ray (Le Grand de la Liraye), Puy-di-ni-ê (Puginier), Gô-ti-ê (Gauthier), sản phẩm của Mút-xô-li-ni (Moussolini), Hít-le (Hitler), Minh Trị (Meiji) … Tôi cũng căm thù sự phá thai, chích thuốc vô sinh để tuyệt trừ hậu họa của người Mỹ đối với dân da đỏ. Nhưng … các thầy cô thử nghĩ về giáo dục bây giờ xem!

Anh Trà bỏ chạy vào rừng hệt người lên cơn điên. Bảy giáo viên trẻ lặng người. Không ai nói lời nào. Con suối đá đêm khuya nào bé Ngoan đã vô thức bước như kẻ mê sảng, mộng du tìm đến vẫn vô tư róc rách chảy. Mặt trời lên khá cao. Thoảng gió. Hơi nước, hơi đá dưới lòng suối vẫn tỏa lên. Nắng vàng rực rỡ lạnh.

- Qua chỗ Cam Ly đi Ka Kring, anh Nam!– Lộc Biếc nói –.

Ka Kring nhìn quãng nước sâu, vội mở váy, vắt lên vai. Cô bước xuống, nước suối chỗ sâu nhất chỉ ướt đến bắp chân. Màu đen vải ka ki ở ống quần Ka Kring thẫm lại, đẫm nước. Nam đã bước ở phía trước. Chỗ Nghệ, Khoai, Cam Ly ngồi là một tảng đá lớn, khá phẳng, bị nứt nhiều đường. Khi Nam, Ka Kring đã ngồi cạnh ba người bạn, Huyện, Lộc Biếc cũng vừa bước lên.

- Thôi, gì thì gì, cứ lai rai chuối cái đã.– Khoai nói, mở túi xách, nhặt ra mấy chục quả chuối, vỏ mỏng tanh, vàng tươi, rất ít các vết đen, ruột ngọt chua.

- Chuối pom (pomme), chuối ngọt ngọt chua chua như táo (pomme) đây, có phải không?– Lộc Biếc hỏi –.

- Có thể là “chuối táo”. Cũng không rành lắm, nhưng chắc chắn đều là họ nhà chuối cả.– Khoai nói –. Tình cờ lại gặp anh Trà … Chắc ông ấy bức xúc lắm, muốn phân trần.

- Con người ấy dẫu sao cũng trí thức, kể ra cũng trung thực khi nhìn nhận lịch sử, về các cuộc nổi loạn do các tên phản quốc “phù Lê”, “tả đạo” cầm đầu hồi nửa sau thế kỉ mười chín. Ông ta cũng cỡ tuổi thầy giáo bọn mình, thế mà bị dồn đến chân tường, đâm ta dở mất.

Ka Kring tường thuật lại những mẩu đối thoại của Nam và anh Trà vừa rồi. Cô mỉm chi:

- Anh Trà-Rơ-mác, như các bạn gọi, xem ra chẳng Rơ-mác chút nào. Vâng, ông ấy quả đã bức xúc tột cùng! Cứ như phát cuồng. Hình như ông ta ngụy biện về thái độ đối với cô Xinh? Có phần như thế không?

- Mình cũng giật mình đấy. Giải lao một chút, lại thêm mệt lòng. Chẳng lẽ ông ấy lên án nền giáo dục của mình, cả “chủ nghĩa lí lịch”, sự “xâm lược của Miền Bắc”?– Lộc Biếc băn khoăn –. Chẳng lẽ ông ấy không xác định chế độ ngụy của Diệm – Thiệu, chế độ cách mạng của Bác Hồ – Lê Duẩn, bên nào là chính nghĩa?

- Lộc Biếc không nghe rõ đó thôi. Về chính nghĩa hay phi nghĩa, anh ấy phân biệt được chứ! Anh ấy gọi chế độ Diệm – Thiệu là ngụy tặc, cùng một giuộc với các cuộc nổi dậy ở Bắc Kì của các tên như Tạ Văn Phụng, Trần Lục, nhằm bán nước, làm tay sai cho Pháp và các tên thực dân đội lốt cố đạo hoặc cố đạo mang bản chất thực dân, hồi nửa sau thế kỉ mười chín. Sống trong đời sống, cần có sự phản tỉnh. Anh ấy ít nhiều cũng đã phản tỉnh, nhận thức đúng hơn trước. Biện chứng của hiện thực sinh động, gồm cả các quan hệ, là thế đó. Mình dạy học, sợ cuộc sống, làm sao dạy được, giải quyết các vấn đề học sinh vướng mắc được. Về các khía cạnh khác, anh ấy nói hơi quá, vẫn có vài mươi phần trăm đúng. Phải trung thực nhìn nhận như vậy.– Khoai nói –. Phải trung thực vì cái chung!

- Đúng là cơ bản, sai lệch là tạm thời. Đó là về nội dung và phương pháp giảng dạy hiện nay của bọn mình, nếu đánh giá nghiêm túc … Anh Trà phê phán cái phần sai lệch về phương pháp giảng dạy, giáo dục hơi cường điệu. Nhưng về nội dung giảng dạy, nhất là về sử học, sách giáo khoa sai lệch không chỉ mươi phần trăm đâu, mà nhiều hơn thế nữa!– Nam bóc vỏ, đưa chuối vào miệng –. Thôi, ăn đi chứ! Người ta chửi, mình cứ nghe, và cảm ơn, nếu người ta chửi đúng. Sai thì Bộ Giáo dục sửa, chúng ta cũng góp phần sửa.

Những người bạn trẻ lai rai nhấm nháp các quả chuối.

- Cuộc sống hiện tại của ông ta, bị bối cảnh lịch sử dồn đến chân tường, buộc ông ta nghĩ vậy, về các lĩnh vực, trong đó có nền giáo dục cách mạng … Đó là lí do tâm thế. Ngoài ra, phê phán “nền giáo dục nhồi sọ”, đó cũng là nội dung của chủ nghĩa chống cộng đấy, nếu cộng vào sự lên án chủ nghĩa vô thần, duy vật và biện minh cho tôn giáo. Chính ông Trà cũng là kết quả của sự nhồi sọ tại Miền Nam,– Nam lại nói –, nhồi sọ bằng nền giáo dục bưng bít, cắt xén, xuyên tạc lịch sử, bằng tâm lí chiến … Nhưng phải thừa nhận ông ta có tự nhận thức lại lịch sử, tôn giáo …

Lộc Biếc thở dài:

- Hãy để cuộc sống trả lời. Ý Lộc Biếc nói là thực tiễn của ngành giáo dục mình, là chất lượng, hiệu quả giáo dục, giáo dưỡng kết tinh ở học sinh. Và phải đánh giá học sinh trong thực tiễn, bằng chính hiệu suất thực tiễn của học sinh. Cãi nhau bằng từ ngữ chỉ là tư biện … Này, hai nhà thơ, viết văn, làm thơ gặp những chất liệu này, làm sao nhỉ?

- Ở huyện Công này, có nhà thơ điên số hai của Miền Nam, rất tài hoa, lấy bà vợ lai Pháp,– Ka Kring bình thản nói –, chỉ cho con cái học tiếng chim, tiếng dế, tẩy chay nhà trường, sách báo kia đấy. Nhưng không phải do bà vợ …– Hình như Ka Kring tự giãi bày …–.

Bảy người bạn đều biết và hiểu điều này. Họ mỉm cười thông cảm.

- Văn chương, giáo dục … đều sản sinh ra con người, nói chính xác là tái tạo con người, để con người đích thực là con người hướng thượng. Mình không hề viết thứ thơ, thứ văn trục lợi, định kiến, chỉ nhắm đến cái lợi cục bộ, chứ không phải vì tấm lòng nhân ái, trung thực, cho hôm nay và mai sau … Văn chương, giáo dục phải vì hôm nay và mai sau …– Nam nói –. Tuy nhiên … Thôi, nặng nề và vô duyên quá … Dẫu sao chúng mình cũng bị hạn chế thời chiến.

Những người bạn trẻ im lặng. Tiếng suối vẫn vô tư, róc rách chảy. Nắng lành lạnh, vàng tươi, rực rỡ. Nam nghĩ, Ka Kring quả là một cô gái lai lạ lùng. Anh đọc được ở cô một niềm tự tin, tự hào, và sự ngổ ngáo đáng yêu. Chỉ đôi khi, cô thoáng rơi vào mặc cảm lai Tây. Nhưng với vẻ đẹp châu Á phảng phất châu Âu và cả châu Phi, tuy làn da trắng hồng, lấm tấm tàn nhang rất nhạt, tóc hơi hoe vàng trên sắc nâu, Ka Kring biết mình đẹp. Nhưng như vậy chưa đủ, phải có một điều gì nữa ở cô mà Nam chưa hiểu thấu. Và buổi sáng hôm nay, những nỗi đời ập vào anh cơ hồ không theo một lô gích nào như cuộc sống vốn thế, khiến Nam cũng bất ngờ. Băng khẩu hiệu màu đỏ chữ vàng, động viên thanh niên vào quân đội chống Trung Quốc bá quyền, bành trướng, xâm lược; dép lốp, dép Hải Phòng; tình yêu hay tình bạn; nỗi niềm và nhận thức của anh Trà; những quả chuối có vị táo; và chắc chắn anh cùng các bạn sẽ về lại nhà tập thể, với một số câu hỏi nảy sinh … Vượt lên các sự thể ấy, Nam thấy một lô gích nội tại chung. Đó là cái chất của thời anh đang sống. Hình như mỗi sự thể rời rạc, ngẫu nhiên, đều mang cái chất ấy. Trong nhan sắc cô gái lai Ka Kring anh phân vân yêu mến, trong quả chuối rẻ tiền như cho không, trong tâm trạng bé Ngoan mà anh Trà vừa kể, trong đôi dép lốp, trong nỗi cô đơn của Khoai, của Cam Ly, trong việc nhập ngũ vì độc lập dân tộc … đều có chất ấy. Nam tẩn mẩn với từng sự thể, từng khía cạnh của mỗi sự thể, và Nam nghe trái tim mình xúc động sâu xa. Anh biết anh lẫn bạn bè không hề đứng ngoài cuộc, không hề tách rời khỏi mạch sống đang chảy trên Tổ quốc, thời điểm này.

Nam nhìn dòng suối róc rách, róc rách trôi như một dòng nắng qua các tảng đá, hòn đá đủ hình thù.

Nam bỗng nhận ra, cô học trò bé bỏng tên Ngoan của anh có một tầm cao nhân văn chủ nghĩa, cao vút, đến không ngờ! Nam nhớ hôm nào ở cổng trường Phân hiệu C, bên buôn B’Kẽh, dưới ánh trăng vằng vặc sáng, Ka Kring nói nửa đùa nửa thật với anh những gì. Anh biết mình đang chạm vào nỗi khổ đau của Yêu đương … Không. Không. Anh biết anh chỉ mỗi yêu Lộc Biếc!

Nam nhận thấy dạo này, thỉnh thoảng anh có vài khoảnh khắc tách ra khỏi câu chuyện của bạn bè. Nam cố lắng nghe những tiếng cười nói, và chan hòa vào đó.

Nhưng rồi Nam lại bất giác tự tách ra, chìm vào suy nghĩ của riêng mình. Không. Cũng không thể. Dẫu sao, anh không muốn tình yêu Lộc Biếc của anh lại gây khổ đau cho Huyện, cho cả Khoai. Chắc gì cô ấy yêu anh! Không khéo Nam mất cả hai người bạn lẫn người anh yêu! Còn Ka Kring, tuy anh có ra gì, sao anh lại yêu cô gái lai có nhiều dòng máu thuộc các châu lục xa lạ đến thế, mặc dù anh biết cô là biểu tượng cho thế giới nghìn vạn năm sau, tuy là một biểu tượng còn khiếm khuyết với màu da trắng Âu – Mỹ, màu da không điển hình. Bất giác anh ném vỏ chuối xuống gương mặt anh méo mó dưới làn nước suối, khi đau đớn nghĩ, không cách nào tự cho phép mình yêu Ka Kring được, cho dẫu Ka Kring chiếm lĩnh cả tâm hồn anh một đôi khi nào đó. Nam ngơ ngác thấy một cô gái da vàng nâu, hiện thân của sự hòa hợp tuyệt đối năm mươi ba sắc tộc Việt Nam, bên cạnh bóng anh dưới làn suối – làn suối bỗng dưng phẳng như một tấm gương soi. Anh biết, cô gái ấy ở trong tim anh, nhưng anh chẳng tìm đâu ra trên cõi đời này.

Anh phải là nhà thơ thuần túy Việt Nam!

Nam vui sướng trở lại mạch chuyện bạn bè anh đang sôi nổi trao đổi với nhau, như phát hiện được chiều sâu tâm thức mình.

- Anh Nam bị cảm tình, cảm yêu hay sao vậy?– Cam Ly trêu Nam –.

Nam gật đầu, lại lắc đầu, mỉm cười.

Nhưng rồi, một lần nữa, Nam nghĩ anh bỏ hình bắt bóng, tìm đâu ra cô gái da nâu, tổng hòa huyết thống của năm mươi ba sắc tộc Việt Nam? Được Ka Kring bắt cái chồng là anh, Nam vẫn sẽ là một nhà thơ rất Việt Nam kia mà! Nam biết mình quá chừng vớ vẩn. Không. Nam tự bảo phải tìm cho được cô gái da nâu trong tim anh.

Nam chợt mắc cỡ khi nhìn gương mặt khá duyên của Cam Ly với nước da bồ quân ửng hồng dưới vành mũ rộng được đan bằng sợi lác. Nam buồn cười cho chính anh. Nam không thể tin nổi bản lí lịch đa chủng tộc, đa văn hóa – lịch sử, anh cho là hoang tưởng, là “nhớ bịa” của Ka Kring. Cũng không thể có một nhân phận với căn cước gồm năm mươi ba sắc tộc Việt Nam. Chẳng lẽ cô gái trong trái tim anh chỉ là biểu tượng, và Nam lại đi yêu biểu tượng! Nam thấy sự tổng hòa của các mã di truyền về văn hóa đa nhân tộc – các nhân tộc Việt Nam – mới là điều anh khát vọng: rất dân tộc đã là rất nhân loại. Khát vọng của anh có là khát vọng của cô gái nào anh tình cờ gặp được? Nam hiểu anh còn quá sách vở!

Anh lại nhìn Cam Ly đang hát …

Đợi cô hát xong, anh trêu lại:

- Này, Cam Ly! Chưa biết ai cảm tình, cảm yêu, đến mức phải đắp chăn nằm giường suốt mấy hôm đấy!

Cam Ly biết Nam trả đũa, cô chỉ cười ngượng ngùng.

Hình như Lộc Biếc vẫn còn bị anh Trà khuấy động, cô nhìn Nam:

- Anh Nam có nghĩ anh Trà bị ảnh hưởng bởi các nhân vật bi kịch trong văn nghệ không?

- Sự ảnh hưởng của văn nghệ trong đời sống mỗi con người rất sâu đậm. Không một hình tượng nhân vật cụ thể nào, mà rất nhiều hình tượng, đã tác động. Và tác nhân từ cuộc sống với các cảnh huống, các sức ép, cũng đã tác động. Sống một cách bi kịch đã là thời thượng một thời, khá phổ biến. Hoàn cảnh sống do thời cuộc cũng tạo nên sự tự nhào nặn số phận ở con người. Chủ quan và khách quan, các nguyên nhân, hình thành nên một anh Trà.– Nam mỉm cười –. Anh ấy cơ chừng tự sáng tạo số phận mình như một hình tượng, một cách vô thức! Cứ ngỡ như anh ấy là một nhân vật tiểu thuyết hay kịch nghệ, nhảy ra từ trang sách hay sân khấu trong tâm thức anh ấy! … Văn nghệ xã hội chủ nghĩa lại tạo ra những hình tượng con người, giữa đời, sống theo kiểu anh hùng, kiểu người tích cực hơn, tuy chỉ với công việc bình thường.

- Nền giáo dục của mình có tạo ra người máy, có các phản xạ máy móc là luôn luôn ca ngợi, bảo vệ chế độ một cách mù quáng, kiểu tín đồ chính trị không?– Lộc Biếc cứ xoáy vào vấn đề –. Cái sảy mà cứ nói tốt về nó, sẽ nảy thành cái ung!

Nam cười:

- Lộc Biếc trả lời được mà. Cũng có, khoảng mươi phần trăm, như Khoai đã nói hồi nãy. Không có nền giáo dục phi chính trị … Ở Miền Nam, chúng mình đây từng là những kẻ ngây thơ hoặc sai lạc về chính trị. Và anh Trà đó. Sao cứ vặn nhau thế, cô giáo!– Nam đùa với một cái nhăn mặt và cười –. … Chúng mình cũng từng vô chính phủ thật … Ngây thơ, sai lạc, vô chính phủ là ba loại sản phẩm nhãn hiệu Việt Nam cộng hòa Mỹ ngụy. Nhưng không chỉ do giáo dục của nhà trường, mà còn do tác động của khí hậu văn chương – nghệ thuật và do bối cảnh lịch sử Đất nước, đặc biệt là riêng bối cảnh ở Miền Nam.

Khoai cười, ngâm nga:

- … Tổ quốc ở trong lòng mà có cũng như không

nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy

thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng! … (41)

… quỳ xuống bên đường

tôi hôn cuộc sống

lượng đời mở rộng

nên đời còn thương … (41)

… tôi về với nhân dân như nai về suối cũ

cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

như đứa trẻ đói lòng gặp sữa

chiếc nôi ngừng, bỗng gặp cánh tay đưa … (41)

Lâu nay,– Khoai nói tiếp –, mình chợt nghĩ lại về hai chữ nhân dân. Một phân số nhân dân như anh Trà, cả anh Võ Lâm với một số chuyện tiếu lâm chính trị phản động xuất phát từ dân Hà Nội, và một phân số nhân dân nào đó anh Cao Quốc hôm ở Sài Gòn có nói, thì quả nhiên, khó khăn, gay go thật. Song, mình ngẫm cho kĩ, anh Trà đã sống sâu, nghĩ sâu đến thế, dứt khoát anh ấy sẽ tốt như cụ Chế Bồng Hoan, về chất.– Khoai lại nói –. Và không gì vĩ đại hơn tư tưởng Nguyễn Trãi: “Lấy chính nghĩa mà thắng gian tà, đem chí nhân mà thay cường bạo”.

Lộc Biếc vẫn băn khoăn:

- Chẳng hiểu sao anh Trà này vào Nam đã quá lâu, từ năm tư (1954) lại nói với giọng Bắc nặng âm địa phương đến thế? Đó là điển hình của những người quá sâu đậm với bản quán và bảo thủ, khó thay đổi chăng? Tại sao anh ấy lại tàn bạo thế kia chứ!

Cam Ly vờ giận:

- Lần sau, em chả thèm đi chơi thế này nữa đâu. Cứ bàn chuyện “tuyên huấn” không hà! Thôi, em van nhé, đừng nói chuyện thế này nữa. Hát hò, đùa giỡn gì chi vui đi. Này, nghe Cam Ly hát đây.– Cô nói như van vỉ thật –.

Và Cam Ly hát. Ban đầu, cô vừa cười vừa hát vì chưa nhập thân được vào bản nhạc, dần dần, cô hát với cả tâm hồn. Những giáo viên trẻ hoàn toàn bị Cam Ly cuốn hút. Gương mặt đầy vẻ xúc động như bị chấn động với nhiều khắc khoải của Lộc Biếc dần dần thanh thản, tươi tắn, đằm thắm và dịu dàng trở lại. Một lần nữa, Nam bắt gặp Khoai lén nhìn rồi cúi đầu. Nam nhận ra anh chưa hề thấy ai có một tình yêu riêng tư, đơn phương, thầm kín, cô đơn, lại sâu sắc đến thế.

Con suối đá mãi chảy một dòng bóng tối ban đêm, một dòng ánh sáng ban ngày, tự muôn đời đến muôn đời quanh phiến đá họ đang ngồi hát. Nhưng với bóng đêm, người ta không sống, mà ngủ, ngủ cũng là một cách sống với những gì thu nhận được trong ánh ngày.– Nam lại vẩn vơ nghĩ ngợi –.

 

34

 

Nắng ban mai tháng tư vàng rực. Hôm nay học sinh đến trường hơi muộn so với thường lệ. Sáng thứ năm, nhưng các em không mang theo cuốc, xẻng, xà bất. Trên sân trường cũng chỉ là học sinh cấp hai cùng rất ít học sinh năng khiếu ngữ văn cấp một.

Khoảng bảy giờ rưỡi, Hoán, Hạ, Nam, Khoai và Nghệ đã tháo dỡ xong bức ván gỗ ngăn hai phòng học để có một hội trường. Huyện hướng dẫn học sinh lớp chín khiêng thêm bàn ghế vào, sắp xếp lại cho ngay ngắn.

Lộc Biếc cùng Lụa đang gắn nốt các vuông giấy nhỏ được gấp làm tư, với một đoạn chỉ xâu qua, vào một cành cây xanh lá được chôn hẳn gốc của nó xuống nền đất lớp học, phía phải bảng đen, đối xứng với bàn giáo viên. Thoạt nhìn, cứ ngỡ như cây xanh tốt đã mọc ở đó lâu lắm rồi, đang trổ một thứ hoa lạ, cánh giấy và nhụy chữ!

Ka Kring cùng Suối Vui, Đồi Hương, Trăng Thu dùng phấn màu viết các dòng chữ theo mẫu trang trí lên bảng đen, phía dưới dòng chữ khác đã được cắt dán bằng giấy thủ công. Một huy hiệu Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh bằng tôn dày được sơn kẻ khá đẹp do Huyện đoàn phân phối, được treo ngay giữa phần trên tấm bảng. Huy hiệu ấy cỡ bằng vành lớn của chiếc nón lá. Ka Kring quả là có năng khiếu hội họa.

Tám giờ, sau tiếng kẻng của Hạ, học sinh quàng khăn đỏ tập hợp trước hai cửa của hội trường, ban giám khảo cũng ngồi sẵn ở hai dãy ghế đầu.

Cô Lụa ổn định các chi đội bằng một bài hát. Sau đó là nghi thức Đội do Lụa và em Ngày điều khiển. Hai ngọn đuốc bập bùng cháy do hai đội viên khác đứng cầm hai bên cây dân chủ trổ hoa bằng giấy. Cô giáo Lụa, lúc này đang làm chức năng chị tổng phụ trách liên chi Đội, lĩnh xướng. Ngày, liên chi đội trưởng, đọc một bài văn vần với giọng đọc bổng trầm. Trước khung cảnh và không khí ấy, Nam khẽ rùng mình xúc động. Anh ngỡ đang dự một buổi lễ tôn giáo! Đây là lần thứ hai Nam có cảm giác kì lạ này. Lần trước, ấy là buổi lễ kết nạp đội viên, thi hái hoa dân chủ nhằm tìm hiểu lịch sử Đội và lần này. Được đào tạo theo hệ giáo viên cấp ba, đối tượng giảng dạy là tuổi thanh niên (từ mười sáu tuổi đến mười tám tuổi), nên Nam không hiểu, cứ tự thắc mắc, chẳng biết nghi thức Đội vốn thế hay do Lụa với Ngày đã phả vào đó chất tôn giáo, nhất là cách diễn xướng như thể kinh kệ. Nam cũng từng biết, khung cảnh, không khí chùa chiền, giáo đường, am miếu, thánh thất cùng kinh kệ và đức tin tín ngưỡng đã dẫn đưa tín đồ, đạo hữu vào cảm xúc huyền bí thế nào, thậm chí họ còn bị tác động đến mức lên đồng, nhập cốt. Âm nhạc tôn giáo cũng là một ma lực!

Nhưng đến nay, Đội Thiếu niên ở trường Bảo Nghĩa chưa có dàn trống ếch rộn rã, hùng tráng!

Nam mỉm cười khi nghi thức Đội chấm dứt. Lộc Biếc nói vài lời khai mạc cuộc thi đọc diễn cảm văn học. Cô cùng Ka Kring đã chuẩn bị gần một tháng nay cho các em. Đây là cuộc thi nhằm rèn luyện cho học sinh một kĩ năng văn chương. Lộc Biếc nói, cảm thụ văn chương tốt sẽ đọc diễn cảm tốt, và ngược lại, đọc diễn cảm tốt sẽ giúp các em cảm thụ tốt hơn. Qua cuộc thi, Lộc Biếc hi vọng thầy cô, các thành viên ban giám khảo, gồm anh Giảng, anh Quỳnh, anh Ruộng, cô Lụa, sẽ thấy được nội lực văn chương của các em, của từng em ở mức nào. “Văn là người (bút pháp là người)”, đọc diễn cảm cũng là người, trong chừng mực nào đó. Với kì thi ngoại khóa này, Lộc Biếc nói, cô tin học sinh sẽ thú vị với ngữ văn hơn. Tiếp theo, Ka Kring chỉ nói ngắn gọn: “Văn chương là phần hồn, là bản sắc và bản lĩnh dân tộc. Người không học, không yêu thích văn chương sẽ không có tâm hồn. Người không có tâm hồn thật đáng sợ”.

Nam ngỡ như Ka Kring tự định nghĩa chính xác và trung thực về chính cô: chính văn hóa – lịch sử Việt Nam đã sinh nở, bú mớm và nuôi dạy phần hồn, bản sắc và bản lĩnh, của Ka Kring!

Rồi Ka Kring hướng dẫn cách hái hoa dân chủ – văn học cho các em. Cuối cùng, trước khi bắt đầu cuộc thi do Ngày, liên chi đội trưởng, điều khiển, Ka Kring lại nhấn mạnh phạm vi rộng và hẹp của cuộc thi: các bài trích giảng về nhiều đề tài, các bài tự chọn khác về Mẹ Việt Nam.

Từng học sinh dự thi lên hái hoa. Trong vuông giấy nhỏ là một câu hỏi về kiến thức văn học, một đầu đề bài đọc bắt buộc. Mỗi em hái một bông hoa bằng giấy, trả lời, đọc bài được yêu cầu với trang sách do hai cô giáo thay nhau đưa cho, sau đó, tiếp tục đọc bài tự chọn về Người mẹ Việt Nam.

Những bài trích giảng văn học cổ như Hịch Tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, cả Kiều, Lục Vân Tiên, cả ca dao về lao động, về phong cảnh quê hương, Đất nước, xen lẫn với Bầm ơi, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt của Tố Hữu, thơ Dương Hương Ly, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khoa Điềm về Mẹ và các đề tài khác, lại có cả tuồng Nghêu Sò Ốc Hến, cả văn xuôi Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Anh Đức, Nguyễn Thi …

Nam và Khoai cũng đọc diễn cảm phụ họa, giúp tăng cường không khí văn nghệ. Là hai người làm thơ, họ đọc hay đến không ngờ. Thì ra, để đọc hay, chất giọng chỉ một phần, phần khác, đó là năng lực nhập thân, năng lực nghệ sĩ, và trình độ ngôn ngữ, cả vốn sống trải nghiệm, đáng kể nữa, là kinh nghiệm sáng tác. Nội lực đã cứu giọng vịt cồ của Khoai!

Suốt gần ba tiếng đồng hồ, chỉ giải lao tại chỗ năm phút, bằng vài bài hát vui tập thể, hội trường tự quản bởi các em (Ngày vẫn là nhân vật nổi bật nhất), đã tạo được sinh khí văn chương như một ngày hội Tao Đàn nhưng không cung đình.

Nam vẫn cứ thú vị, tâm đắc mãi một câu hỏi trong đóa hoa bằng giấy:  “Tại sao rất ít bài thơ viết về cha, trong khi đó hầu như không nhà thơ nào không viết về mẹ?” . Nam chợt nhớ, đã có thời anh đã lấy bút danh với ý nghĩa là Người mẹ, theo một biểu tượng cổ điển, cây cỏ huyên trước nhà – ngôi nhà của mẹ.

Câu hỏi ấy, câu hỏi quá khó, nhưng rất dễ, ai cũng có thể trả lời được, nếu thật hồn nhiên. Một học sinh giỏi văn lại không trả lời được, bởi em bị mắc kẹt trong kiến thức, mãi dẫn chứng, suy luận.

Cuối cuộc thi, về giải tập thể, giải cá nhân, lớp Huyện phụ trách chủ nhiệm, tuy là lớp chín, lại yếu nhất. Khi vãn cuộc, học sinh ra về, giáo viên ở lại dọn dẹp hội trường, Lụa nói vô tình: ““Thầy sao trò vậy”! Bốn lớp do bốn giáo viên chủ nhiệm mang rõ dấu ấn của bốn thầy cô giáo”. Huyện chạnh lòng, chột dạ. Huyện liên hệ với câu nói của Ka Kring hồi nãy, về phần hồn của con người là văn chương, anh đâm ra tự bực mình.

- Sao không có học sinh năng khiếu về các môn tự nhiên, khoa học thuần lí và khoa học thực nghiệm?– Ka Kring lại vui miệng hỏi –.

- Có chứ. Nhưng khoa học tự nhiên của mình đều dạy và học “chay”. Học hóa học, lại chẳng có một hóa chất!… “Khoa học – kĩ thuật là then chốt” đấy!– Huyện cười mỉa –. Đất nước mãi nghèo, vì sính văn chương, kém khoa học – kĩ thuật.

- Hồn và xác! Xác rất quan trọng. Khoa học tự nhiên lo phần xác, phải vậy không?– Ka Kring chịu thua –. Có điều, văn học, trong đó có lí luận, đơn cử như nghiên cứu về nghệ thuật đọc diễn cảm, bao gồm cả kĩ thuật của nghệ thuật này, cũng là khoa học! Nhưng công nghệ … Vâng, then chốt nhất là các khoa học tự nhiên!– Cô mỉm cười gỡ gạc cho vui –.

Dẫu sao, câu nói “thầy sao trò vậy” của Lụa cũng làm đau lòng Huyện không ít. Cùng với Hạ và các giáo viên nam, Huyện vừa dựng lại bức ván gỗ ngăn thành hai lớp học như cũ, vừa ngẫm câu nói của Ka Kring trước cuộc thi. Huyện thấy, quả thật anh không yêu nghề giáo lắm. Huyện vốn là con trai của một bà mẹ – bác sĩ, của một người cha – y tá. Hai người anh của Huyện lại là luật sư, chỉ riêng Huyện thích ngành y dược. Đỗ tú tài xong, Huyện thi vào Đại học Y khoa Huế, vì ở Huế không có Khoa Dược. Đang học dự bị y khoa, Huyện lại bị chuyển qua Khoa Hóa Đại học Sư phạm Huế, sau Ngày Giải phóng. Phải chăng, vì không có chí nguyện làm nhà giáo, Huyện không quan tâm lắm đến học sinh lớp anh chủ nhiệm. Qua phong trào thi đua “Về thăm Lăng Bác” vào dịp Ba mươi Tháng tư và Mươi chín Tháng năm được phát động đầu năm học đến nay, Huyện càng thấy rõ điều đó.

Vặn xong chiếc bù loong cuối vào cột gỗ cho bức vách ván ngăn phòng học vào đúng vị trí, Huyện càng đăm chiêu về “phần hồn” của mình. Giả như anh là một bác sĩ, anh không có tâm hồn, anh thật đáng sợ, nói rõ ra là nguy hiểm sao! Quả thật, Huyện không yêu văn chương! Anh nào quan tâm gì đến các giá trị tình cảm cao đẹp do văn học nghệ thuật phản ánh, các giá trị tư tưởng sâu sắc mang tính nhân văn chủ nghĩa được thể hiện qua những hình tượng văn chương! Anh chỉ say mê hóa học, sống theo tập quán tự nghìn đời, chưa đủ ư?

Huyện lững thững theo các bạn đồng nghiệp lên nhà tập thể. Khát vọng nghiên cứu, bào chế và sản xuất hóa dược lại réo sôi trong trái tim anh. Hạnh phúc là chọn chỗ đứng thích hợp với mình, Huyện nghĩ.

 

35

 

Lúc ngồi tổng hợp điểm thi các bộ môn vào giữa học kì hai, so sánh với các lớp, Huyện đã phát cáu. Anh càng cáu thêm khi đối sánh các mặt thi đua “hai tốt” khác, trong đó có vấn đề học sinh cá biệt chậm tiến. Lớp chín do Huyện chủ nhiệm – anh đã thay cho Lộc Biếc từ trước đại hội, buổi báo cáo chuyên đề của cô đầu học kì một – vốn có hai học sinh cá biệt khiến anh bực mình không ít. Nhi, con gái ông Lịch, ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ huynh học sinh, và Hộ, con trai của một ông gàn sắm vai kẻ bất phùng thời. Thầy giáo Huyện bực mình không chỉ vì hai học sinh cá biệt, mà còn do kết quả kì thi kiểm tra chất lượng giữa học kì của cả lớp chín, lẫn kết quả cuộc thi đọc diễn cảm văn học vừa rồi nữa, nhưng nổi cộm nhất tuần này vẫn là sự cố Hộ và Nhi!

Sáng nay, ở tiết sinh hoạt cuối tuần, Huyện cau mày nghe lớp trưởng nhận xét lớp với bản báo cáo trong tay. Số lượng tiết học B và C vẫn nhiều hơn số tiết được giáo viên bộ môn đánh giá là A trong sổ đầu bài! Lại sự cố nữa, cũng vẫn là Nhi với Hộ! Thầy giáo Huyện gọi Hộ lên đứng trước lớp. Vẻ mặt Hộ vẫn câng câng. Không kìm chế được nữa, Huyện run những ngón tay, gương mặt anh tái mét. Huyện vung tay tát Hộ bằng cái tát nẩy lửa. Cả lớp và Huyện thấy Hộ chúi nghiêng vào vách ván. Ngỡ sau cái tát, Hộ sẽ khóc hoặc sẽ hốt hoảng xin tha, nhưng Hộ lại đứng yên sau phút nảy đom đóm, choáng váng, suýt ngã dúi người. Hộ đỏ bầm mặt vẫn không hề có giọt nước mắt nào. Đưa ngón tay lẩy bẩy vào miệng, Hộ thấy có máu. Hộ nuốt bãi nước bọt mặn vị máu ấy vào bụng, nhếch môi cười!

Huyện rít qua kẽ răng:

- Hộ, mày … em còn là con người nữa không? Sao lại xô ngã Nhi xuống suối? – Huyện suýt “mày, tao” với học sinh –. Đấy, xem sách vở Nhi phơi ngoài sân kia kìa!

Thấy bản mặt Hộ lầm lì như đã chai đòn, Huyện nhớ đến ông Mộ, bố của Hộ, với hàng chục chiếc roi mây để nguyên gốc rễ dắt trên vách gỗ ở thôn B, những cú đấm, cú đá vô cớ và có cớ, cả tấm bảng viết mấy chữ kể tội thường treo vào cổ Hộ, rồi buộc chú bé mười sáu tuổi này chạy khắp thôn. Thầy giáo Huyện lóe lên một ý tưởng, bảo:

- Hộ, em hãy lấy một tờ giấy đôi.– Huyện gằn giọng –.

- Thưa thầy …– Hộ lắp bắp –.

- Kiểm điểm với em không còn tác dụng. Lần đầu tiên tôi tát em, cũng vô ích. Lấy giấy bút ngay!– Huyện quát –.

Hộ đi xuống lớp, mở bao ni lông đựng sách vở, giật một tờ giấy đôi từ giữa cuốn vở, lấy bút, lên lại bàn giáo viên.

- Em viết tên họ thật lớn vào giấy.– Huyện cắn chặt hai hàm răng cuối câu nói, kìm lại nỗi đau muốn trào lên –.

Hộ ngơ ngác. Huyện gắt:

- Nhanh lên!

Hộ viết xong, lặng lẽ nhìn tên họ mình trên giấy.

- Quỳ xuống!– Huyện lại bảo –.

Hộ nhìn xuống lớp. Cả lớp ngạc nhiên. Hộ chẳng hiểu vì sao thầy giáo lại như ba Hộ. Hộ chuẩn bị chạy khắp thôn A này? Hộ cảm thấy nhục. Ở B, Hộ quen rồi. Hộ tự bảo, nó sẽ nhục như ở B tại thôn A này sao! Quỳ rồi chạy ư?

- Quỳ xuống!

Hộ quỳ xuống. Hộ bỗng mỉm cười khi hiểu thầy giáo Huyện bảo nó phải đi bằng đầu gối khắp thôn A. Với đầu gối, làm sao nó đi khắp được, a ha!

- Trải trang giấy ra tay. Hãy khạc nhổ vào tên họ của em. Nghe chưa! Hãy sỉ nhục danh dự của chính em!

Hộ khạc nhổ như cái máy, đến khi không còn giọt nước bọt nào. Trên trang giấy trắng học trò, nước bọt hòa với máu chảy ra từ kẽ răng, nhòe nét mực tím ghi tên họ Hộ. Hộ vô cảm, thấy thế cũng nhẹ nhàng! Hộ phỉ nhổ tên họ mình đến khi trang giấy trắng đỏ lòm vết máu. Thầy giáo Huyện chưa bảo ngừng, Hộ vẫn nhổ khan đến khô cả cổ.

- Nhi, lên bảng!

Nhi là cô bé đã bước vào tuổi thanh niên, cao ráo, trắng trẻo, mái tóc dài đen mượt. Nhi riu ríu, sợ hãi bước lên.

- Đứng trước mặt Hộ!

Nhi sợ hãi hơn, nhìn chiếc áo trắng ngả màu cháo lòng của mình. Nhi ngỡ Hộ sẽ nhổ máu vào đấy. Cả lớp bàng hoàng, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hơn hai mươi em lớp chín chưa bao giờ thấy thầy Huyện phạt. Suốt năm học, khi giận lắm, thầy chỉ quát nạt, và cũng chỉ thế.

- Hộ! Hãy lạy Nhi một trăm lần!

Nhi đỏ bừng mặt. Hộ lạy như cái máy.

Huyện đã hả giận. Anh cảm thấy hối hận, biết mình đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Song Huyện phải tăng cường độ đau về tinh thần với Hộ. Thầy giáo Huyện nghiến răng để kìm chút trắc ẩn.

- Hãy liếm sạch vết máu, nước bọt trên giấy! Hãy liếm sạch tên họ của em! Liếm cho đến bao giờ không còn tên họ nữa, vì em không xứng đáng có tên họ. Em còn thua cả con chó! Con chó còn được có tên, còn em thì không xứng đáng.

Huyện nói xong, anh cảm thấy mình độc ác đến không ngờ. Không, với Hộ, phải thế. Anh phải đóng hết màn kịch độc ác này, để cứu vớt Hộ. Hộ đã lờn “thuốc”. Thật ra, anh cũng chẳng biết mình có đóng kịch hay không!

Huyện nhìn học sinh cá biệt xấu của mình lè lưỡi liếm đến rách cả giấy trong lúc Nhi còn tủi nhục bởi trăm cái lạy của Hộ, kẻ thường xuyên bắt nạt cô bé, nhưng lại tỏ tình với cô bé nữa! Nhi chẳng hiểu sao Hộ lại quái đản đến thế. Cả thân hình khá cao lớn, rắn chắc bỗng mềm xàu, run rẩy khi Hộ ấp úng bảo Hộ yêu Nhi, lại hung tợn, tàn bạo khi chửi rủa, xô ngã Nhi trên đường mòn, và cả mới đây, xuống suối, làm ướt hết áo quần, sách vở. Những lần đó, sau khi chửi rủa, xô ngã Nhi, Hộ chỉ đứng nhìn Nhi lấm láp bụi, ướt sũng nước, và Hộ cười hô hố!

Huyện giật mình nghe tiếng kẻng. Đã hết tiết sinh hoạt lớp. Huyện thất vọng, thấy Hộ vẫn chai lì. Thầy giáo Huyện bối rối thật sự. Không có tác dụng gì hết! Hộ không còn biết nhục nữa! Nhân tính của nó không còn! Nó chẳng có ý niệm về danh dự, nhân phẩm!

Huyện chán nản, bỗng thấy anh đã phạm tội nhục hình học sinh, có thể to chuyện.

- Các em!– Huyện nói với cả lớp –. Đây là lần đầu tiên và cuối cùng tôi bạt tai học trò, nhục hình học trò. Các em hãy nhớ giùm tôi. Với Hộ, đã hết “thuốc” chữa. Tôi tuyên bố đầu hàng. Ở các nước, đối tượng như Hộ không được phép học ở trường phổ thông. Ở nước ta, không được phép đuổi bất kì học sinh nào, vì đuổi học sinh là sẽ đẩy học sinh vào con đường ngu dốt, vào nhà tù, do học sinh bị thất học, và thất học là có nguy cơ phạm tội cao hơn. Nhưng ở nước ta lại không có trường giáo dục học sinh cá biệt xấu. Một “con sâu” đã “làm rầu nồi canh”. Lớp chín các em là “nồi canh” “rầu”, hỏng, vì Hộ. Suốt năm học, tôi đã dùng mọi biện pháp. Có điều, vô ích. Lần nữa, tôi tuyên bố đầu hàng. Còn Nhi, Nhi chỉ là nạn nhân của Hộ trong trường hợp này. Nhi học kém là việc khác.

Huyện đi ra khỏi lớp. Ka Kring thay Hoán làm chủ nhiệm lớp tám bên cạnh, mở tròn mắt nhìn Huyện bước xuống sân trường. Ka Kring biết hết những gì đã xảy ra. Huyện đã vi phạm nguyên lí giáo dục đến mức nghiêm trọng; về tính chất, nghiêm trọng không khác gì cô giáo Xinh tự làm nhục mình bằng quan hệ hủ hóa! Huyện đã chạm nặng đến nhân phẩm của cả Hộ lẫn Nhi.

Cả lớp chín sững sờ. Hai mươi mấy học sinh nhao nhao xỉ vả Hộ. Hộ đứng thẳng, nét mặt lạnh lẽo, nhếch mép cười, khóe miệng Hộ đã khô vết máu.

Ở lớp bảy, Nam cũng biết. Nam vội chạy qua lớp chín. Nam ôn tồn nói:

- Các em không được xỉ vả nhau. Hãy ra về trong trật tự như mọi hôm. Nhớ là không được kể chuyện tiết học vừa rồi cho bất kì một ai, kể cả cha mẹ, bạn bè, anh chị em.

Nam bảo năm em nhắc lại năm lần câu nói của anh vừa rồi. Anh lại hỏi:

- Các em nhớ chưa?

- Dạ nhớ …– Các em đáp –.

Ka Kring chưa cho học sinh lớp tám về, cô đứng nghe Nam.

- Đó là một “bài thuốc” cuối cùng của thầy giáo Huyện. Nếu Hộ không sửa mình, chỉ còn cách trình báo với công an. Các em về!

Ka Kring cũng vào lớp mình dặn dò như vậy.

Cả Nam lẫn Ka Kring biết họ đã sai lầm bởi sai lầm của Huyện. Là nhà giáo, đem công an ra để răn đe học sinh, thật đáng xấu hổ! Hai người bước song song lên nhà tập thể.

- Em không ngờ anh Huyện lại kinh khủng thế!– Ka Kring khẽ nói –. Sao anh Huyện nghĩ ra cách phạt kinh khiếp thế!?

- Kinh khủng thật. Ở bên lớp bảy, mình cũng nghe được tiếng gầm của Huyện. Không ai giáo dục như vậy, nếu là nhà giáo.

- Có lẽ anh không nghe được lời anh Huyện sau tiếng kẻng. Những lời ấy có lí lắm. Nhưng làm sao cứu được một con người là Hộ!– Ka Kring lại nói, và kể cho Nam nghe –.

Gần đến nhà tập thể, hai người đứng lại giữa nắng. Nam nghe, nhìn vào đáy mắt nâu trong vắt của cô giáo lai xinh đẹp. Anh đọc thấy ở đó một nỗi đau.

- Ừ, nước mình chưa có trường phục hồi nhân phẩm cho dạng  học sinh cá biệt xấu như Hộ thật.– Nam buồn rầu nói –.

Họ còn chưa biết dạng tình yêu tuổi mới lớn rất kì quái của Hộ. Một trái tim từ thuở thơ ấu đến lúc mới bước vào tuổi thanh niên, bị đặt trên đe dưới búa vì lỗi lầm và không lỗi lầm, đã méo mó, bầm dập, dị hợm! Đến khi trái tim ấy tới tuổi chớm yêu, với tình yêu mơ hồ trong tình bạn, thứ tình cảm ấy cũng trở nên quái dị. Trái tim bản năng không được thắp sáng bằng lẽ sống hướng thượng, ấy là quyết tâm học tập, rèn luyện, tu dưỡng để xây dựng sự nghiệp riêng trong sự nghiệp chung của xã hội! Đúng hơn, ánh sáng ấy không sáng nổi bởi phương thức giáo dục bằng cách huấn nhục của ông bố tên Mộ.

 

36

 

Ngay sau tiết chủ nhiệm của buổi sáng thứ bảy ấy, Huyện lên gặp anh Giảng, trình bày hết mọi việc xảy ra. Anh Giảng cũng bàng hoàng lắng nghe. Các giáo viên hầu như vì thế nên đã biết chuyện.

Ngay tối hôm ấy, anh Giảng dặn mọi người yên lặng về việc này, nhất là đừng để Phòng Giáo dục và Chi bộ, Ủy ban xã Bảo Nghĩa hay sự vụ, trước khi có biện pháp giải quyết.

Sau mấy hôm suy nghĩ, nhóm giáo viên trẻ cấp hai cùng anh Giảng, anh Quỳnh qua B, để gặp bố của Hộ lẫn gia đình Nhi, kết hợp với việc thanh tra hoạt động xóa nạn mù chữ ở các lớp bổ túc văn hóa ban đêm tại các xóm cùng thôn. Chiều thứ tư đi, sáng thứ năm về.

Chiều thứ hai này, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn trường, Ban Chấp hành Chi đoàn giáo viên họp với các giáo viên bộ môn giảng dạy lớp chín. Ka Kring, Nghệ không dạy lớp chín cũng được mời dự. Buổi họp được tiến hành ở chái đầu hồi căn nhà nam.

- Tôi và một số đồng chí đã qua gặp ông Mộ. Đó là một dạng người khó hiểu. Ông Mộ chủ trương huấn nhục cho con trai mình để tập đức tính vâng lời, chấp hành vô điều kiện mọi mệnh lệnh, sai bảo. Đó là biện pháp của quân đội ngụy trong các trung tâm huấn luyện tân binh. Tân binh ngụy phải chấp hành mọi mệnh lệnh cho dù phi lí nhất, như bọn chỉ huy bảo ăn cả nạm ớt cũng phải ăn, bảo nằm phơi nắng cũng phải nằm, để chúng bảo nhảy vào lửa, vào cái chết cũng nhảy … Quân đội ngụy man rợ ở điểm này, nhưng chỉ huấn nhục trong một tuần lễ. Ông Mộ lại kéo dài từ nhiều năm nay. Hộ chỉ là nạn nhân. Hộ đã méo mó về nhân cách, nhân tính. Ông Mộ còn sỉ nhục công khai, thậm chí bắt một thanh niên mười sáu tuổi cởi áo quần, đeo bảng kể tội chạy khắp xóm, khắp thôn. Ông ấy hơn cả Mao nữa! Tôi không hiểu sao Ban An ninh xã chưa bắt tù con người độc ác ấy. Chỉ có một cách cứu Hộ như vậy … Vấn đề hiện nay là tại sao đồng chí Huyện lại nhục hình Hộ?– Anh Giảng nhìn Huyện –. Đồng chí hãy trình bày rõ. Các đồng chí khác cho ý kiến đóng góp.

Huyện gầy đi rõ rệt sau tám ngày đêm trăn trở. Anh nói với giọng hối hận:

- Tôi chưa hề đánh học sinh lần nào, cũng chưa dùng một từ nặng nề có tính lăng mạ học sinh … Tôi biết tôn trọng nhân phẩm các em, giáo dục các em lòng tự trọng, với phương châm của Bộ Giáo dục và các đại học sư phạm,  “tôn trọng kết hợp với yêu cầu cao”, “biến quá trình được giáo dục của học sinh thành quá trình các em tự giáo dục”. Tôi có học kĩ giáo dục học của cách mạng. Nhưng tôi nghĩ đến cái tát và lần Ma-ka-ren-cô (Makarenco) rút súng lục dọa bắn một học viên trường thiếu niên phạm pháp. Lần ấy, nhà giáo dục vĩ đại này bất ngờ, làm sai nguyên tắc của chính ông ta, nhưng lạ thay, lại thành công. Tát tai người khác, dẫu học sinh, cũng vi phạm nhân phẩm và tự do thân thể. Rút súng là giết người chứ không phải dạy người, cải tạo người. Tuy răn đe, song răn đe bằng súng lục, là hành vi của kẻ “yên hùng”, chứ không phải của nhà giáo. Tuy nhiên, như đã nói, lần sai lầm nghiêm trọng ấy của Ma-ka-ren-cô lại là lần thành công lớn. Học viên ấy được thuần hóa ngay, y trở thành một học viên tốt đến kinh ngạc. Tôi nghĩ, lấy “yêng hùng” trị “yêng hùng”, “dĩ độc trị độc”. Tôi đã độc ác một cách đau lòng để trị bệnh độc ác ở Hộ. Hộ đã chai lì, méo mó nhân cách mất rồi. Tôi đang chờ kết quả. Cái sai lầm của tôi là chưa thông qua Ban Giám hiệu và các giáo viên bộ môn về cách xử phạt sai nguyên tắc này trước khi thực thi. Đó là cái sai của tôi. Chưa “hội chẩn”, đã cho “phương thuốc độc bảng A” với “liều lượng” quá mạnh.– Giọng của Huyện run lên, anh ngừng bặt –.

Lộc Biếc đưa tay xin phát biểu. Cô hơi bối rối một lúc.

- Tôi phản đối đồng chí Huyện.– Cô nói –. Sỉ nhục bằng cái tát là quá mức, càng không thể sỉ nhục bằng cách bắt học sinh quỳ, lạy, nhổ nước bọt và máu vào tên họ. Quá phi nhân!– Cô ngập ngừng –. Tôi đau lòng dùng hai chữ “phi nhân” ở đây. Chúng ta đang chống chủ nghĩa Mao. Mao đã vấy máu và bùn vào chủ nghĩa Mác. Chúng ta là nhà giáo Việt Nam, không thể như Lê Long Đỉnh, Lê Long Việt được. Phải lấy sự tôn trọng nhân phẩm học sinh làm đầu. Phải “lấy chí nhân mà thay cường bạo”.

Huyện lắc đầu, im lặng. Mười mấy nhà giáo cũng im lặng suy nghĩ. Huyện ấp úng:

- Tôi hiểu tất cả các nguyên lí, phương châm giáo dục. Dạy người chứ không phải dạy thú. Dạy thú còn phải lấy chữ “nhân” làm đầu. Nhưng tôi chỉ thử nghiệm, theo Ma-ka-ren-cô.

Khoai nói sau khi được phép phát biểu, giọng từ tốn:

- Tâm lí con người không phải là cỗ máy. Các cỗ máy cùng loại, cùng kiểu đều giống nhau. Mặc dù các nhà tâm lí học đã khái quát được quy luật tâm lí chung nhất của loài người, nhưng xét vào đối tượng cụ thể, tâm lí con người không ai giống ai, lại rất bí ẩn. Người ta vẫn không hiểu vì sao Ma-ka-ren-cô lại thành công ở trường hợp đó! Liệu Hộ với “liều thuốc” của đồng chí Huyện có trở thành tội phạm tày trời hay không, làm sao lường được! Tôi có dạy toán lớp chín, tôi thấy em ấy không phải là học sinh không thể học được như Nhi. Hộ chỉ bị bệnh nhân cách do ông bố. Tôi nghĩ “phương thuốc” đã có, như đồng chí Giảng đã nói. Vô cùng đơn giản, ấy là bắt tù, cải tạo ông Mộ, hoặc cách li ông Mộ khỏi Hộ. Với yêu thương, trân trọng, Hộ sẽ khỏi căn bệnh méo mó nhân cách. Đó là biện pháp an toàn nhất, có tiên lượng tốt thấy rõ trên lí luận. Tôi tin trên thực tiễn, biện pháp ấy hữu hiệu như đã thấy qua lí luận.

Anh Giảng nói:

- Vậy thì phải đề xuất với Ban An ninh xã và Công an huyện Công, sau khi xin ý kiến Phòng Giáo dục. Còn về cái tát và hành vi rút súng, đúng là Ma-ka-ren-cô thành công một cách khó hiểu.

- Có thể học viên ấy thích kiểu “cao bồi” thoáng hiện ở Ma-ka-ren-cô!– Nam nói, hình như anh lập phản đề –.

Mọi người cười ầm. Không khí nghiêm túc bỗng nhộn hẳn.

- Tôi nói không phải để khôi hài.– Nam lại nói –. Phải chăng học viên ấy bị thu phục bởi nét “cao bồi” của nhà giáo dục vĩ đại? Bị thu phục rồi, nó trung thành tới chết, và nhà giáo dục đã có được điều kiện thuận lợi cơ bản, đầu tiên để cải huấn nó? Tâm lí con người cụ thể là một cõi bí ẩn, không ai giống ai, như đồng chí Khoai nói. Ma-ka-ren-cô tình cờ chạm được cái chốt, ngẫu nhiên nhặt được chìa khóa của tâm lí học viên ấy. Và phép mầu đã diễn ra, diễn ra với yêu thương, trân trọng, chứ không phải mãi mãi trước họng súng. Không ai kè kè họng súng sau gáy học viên mãi được, như thế chỉ phản tác dụng … Khi tốt, nó sẽ tốt cả lúc một mình, cả trong tư tưởng, tâm hồn. Đấy mới là mục đích của sự giáo dục. Trân trọng, tôn trọng, yêu thương và yêu cầu cao sẽ chiến thắng, sẽ vững bền … Con người chai lì, không biết xấu hổ, không biết nhục nữa, sẽ độc ác thế nào, như Hộ đối với Nhi, chúng ta đã biết … Rồi chúng ta còn biết những gì nữa với sự làm nhục, huấn nhục dài ngày, dài năm của con người đối với con ngươi, như ông Mộ đối với con trai của ông ấy!– Nam ngừng lại –.

Ka Kring đưa tay xin phát biểu. Nam ra hiệu cho anh được trình bày ý kiến còn dở dang:

- Tuy nói vậy, tôi vẫn thấy ở khía cạnh khác nữa. Đó là, học viên ấy vốn bất trị, nhưng y chợt bị chấn động mạnh, bởi y thấy một nhà giáo trước giờ vẫn nhẫn nại yêu thương, nhẫn nại tôn trọng, bỗng nổi giận. Học viên ấy bị xúc động tận gan ruột trước sự nổi giận của yêu thương, sự nổi giận của lòng tôn trọng con người. Học viên ấy đã tâm phục từ lâu, mà cái tát và hành vi rút súng của nhà giáo, chỉ là cái cớ để sự tâm phục chuyển hóa thành một chất khác. Do đó, như tôi và các bạn ở đây suốt tuần lễ nay suy nghĩ, góp ý với đồng chí Huyện, rằng căn bản vẫn là “lấy chính nghĩa mà thắng hung tàn, đem chí nhân mà thay cường bạo”, là rất nhân và thật nghĩa, là rất yêu thương và thật tôn trọng con người. Nghĩa còn là lẽ phải, là chính nghĩa của mục tiêu giáo dục …

Ka Kring rạng rỡ hẳn vì thấy Nam hợp ý mình:

- Vấn đề là giải pháp. Bây giờ giải quyết thế nào để đồng chí Huyện và cả em Hộ không lâm vào cảnh khó xử.

- Cả em Nhi nữa.– Hoán nói –.

Anh Giảng suy nghĩ với vẻ mặt lo âu. Anh Quỳnh đưa tay:

- Tôi có ý kiến. Về tính chất, vụ này rất nghiêm trọng, có thể liên quan đến tòa án. Một cuộc phạm luật dây chuyền, từ ông Mộ đến Hộ rồi Nhi, và khốn thay, lại đến đồng chí Huyện …– Giọng anh Quỳnh dạo này mệt mỏi hẳn –. Cho nên, đồng chí Huyện nên có cách nào đó cho ổn.

- Động cơ đồng chí Huyện vẫn là giáo dục, tuy biện pháp đã vi phạm nhân quyền, nhân phẩm, vận dụng Ma-ka-ren-cô sai lệch.– Lụa nói –.

Bỗng dưng, anh Quỳnh thở phào kín đáo. Đồi Hương vẫn cắm cúi ghi chép biên bản. Có lẽ, hơn ai hết, Lộc Biếc, Khoai, Nam và Ka Kring rất lo ngại cho Huyện. Họ đã bàn với nhau suốt tuần nay, nhưng trong cuộc họp, có nhiều khía cạnh mới nảy sinh. Huyện ngồi yên, như muốn gượng lại sự suy sụp tinh thần. Gương mặt anh hốc hác, mắt thâm quầng vì mất ngủ.

- Đồng chí Huyện có năng lực chuyên môn tốt, có điều công tác chủ nhiệm hơi lơi lỏng … Lớp chín lại là lớp cuối cấp. Tôi đã phân vân từ giữa học kì một … Chẳng lẽ cứ thay đổi chủ nhiệm hoài …– Anh Giảng ngập ngừng –. Thôi, các đồng chí nghỉ giải lao mười phút, suy nghĩ thêm, sau đó chúng ta họp lại.

Trong lúc những người khác đi hút thuốc lào, ra ngắm chuồng thỏ, nhìn các chú ong bay đi, bay về nơi các thùng gỗ thông treo vào vách gỗ đầu hồi, phía trên tấm bảng ghi lịch công tác, thông báo, hoặc ngắm trời, ngó đất, những người bạn trẻ lại bàn bạc với nhau.

Trở lại cuộc họp, anh Giảng đề nghị mọi người đề xuất cách giải quyết cho ổn thỏa.

- Tôi xin phát biểu trước.– Huyện hơi mất bình tĩnh –. Nói thật, tôi rất đau lòng cho chính tôi. Một giáo viên như thế thật đáng khiển trách nặng, như bị sa thải khỏi ngành, thậm chí, bị truy tố trước pháp luật. Song tôi chả hiểu vì sao lại chợt phạm khuyết điểm ấy. Có thể do tôi bực bội đã lâu về Hộ, do bức xúc vì phong trào thi đua của lớp chín quá kém … Tôi chưa hết mình …, thiếu kinh nghiệm, và cái chính là vận dụng kinh nghiệm Ma-ka-ren-cô một cách máy móc, ngu dốt, không “hội chẩn” với nhóm giáo viên chủ nhiệm, bộ môn … Bản thân Hộ là một trường hợp khó … Tôi không ngờ tôi lại phi nhân đến vậy! Tôi rất nhục nhã cho chính tôi.– Huyện cúi đầu suy nghĩ –. Tôi nghĩ, không có biện pháp kỉ luật nào là xứng với lỗi của tôi. Tuy nhiên, trước mắt, tôi xin viết kiểm điểm, xin lỗi em Hộ và em Nhi trước lớp chín, xin lỗi cả lớp chín và các đồng chí nữa, như con người trước con người. Không phải tôi hạ mình, sợ bị sa thải, tòa án xét xử, mà trên tinh thần tôn trọng Con Người, mặc dù là học sinh … Mọi sự tiếp theo, tôi phải cam chịu trách nhiệm, dẫu phải đi tù.

Nghệ rươm rướm nước mắt. Anh vốn là người ít nói, giờ càng không nói gì. Những gương mặt dự họp bỗng cùng một cảm xúc với nhiều nét biểu lộ khác nhau.

- Phải bằng mọi cách giải minh vụ này. Nguyên nhân sâu xa là ông Mộ.– Khoai vẫn ngầm giữ ý kiến phải truy tố ông Mộ, cách li ông Mộ ra khỏi Hộ, hoặc tìm điều kiện cho Hộ thoát li –.

- Tôi đồng ý như vậy. Xin lỗi học sinh không phải là nhục nhã. Hãy xem đó là biện pháp có ý nghĩa giáo dục, nhằm thể hiện tinh thần bình đẳng về nhân quyền, giữa con người với con người. Xin lỗi học sinh để giáo dục học sinh là tốt, sẽ có tác dụng phục hồi ý niệm nhân phẩm cho Hộ, cho Nhi, và giáo dục cả lớp chín, lẫn lớp tám, lớp bảy nữa …– Nam nói –.

- Chúng ta không ngụy biện để bào chữa cho đồng chí Huyện. Nhưng bản chất sự vụ đã rõ. Tôi đồng ý với đồng chí Huyện, đồng thời, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm chủ nhiệm cho đồng chí ấy. Tôi vốn là phó chủ nhiệm lớp chín, dạy ngữ văn lớp đó.– Lộc Biếc nói –. Đồng chí Khoai cũng giúp cho một tay.

Ka Kring đưa tay xin phát biểu. Anh Giảng gật đầu mời cô.

- Tôi cũng không bao che cho đồng chí Huyện. Chúng ta đã quan tâm đến đồng nghiệp, cần lưu tâm hơn em Hộ và em Nhi. Hậu quả nào sẽ xảy ra cho hai em học sinh của chúng ta, đó là điều cần lưu tâm trước nhất. Tôi cũng thấy, xin lỗi hai em đó, cả lớp chín nữa, là cấp bách. Giáo viên xin lỗi học sinh trên tinh thần tôn trọng con người, không phải là hạ mình, mà tự nâng mình lên một tầm cao nhân bản. “Phương thuốc” này hữu hiệu nhất, với Hộ, Nhi cùng các em khác. Không nên chần chừ việc xin lỗi.

Nắng chiều đã dần tắt. Những con ong vẫn còn cần mẫn với các chuyến bay đi, bay về. Anh Giảng đợi các ý kiến khác, trong khi Đồi Hương đã mỏi tay với biên bản, đang duỗi các ngón bên cây bút, cạnh cuốn sổ biên bản to tướng, bọc bìa đen.

- Tôi muốn ém vụ này, đừng để đến tai chính quyền, Chi bộ và Phòng Giáo dục, Công an huyện. Nhưng một học sinh biết, là sẽ có nguy cơ! Bản án cho đồng chí Huyện sẽ còn treo lơ lửng đâu đó đến cả năm, bảy chục năm sau! Nhìn tầm xa sẽ thấy vậy. Vả lại, nhà giáo phải trung thực. Tôi cũng đồng ý với các đề xuất: kiểm điểm, xin lỗi học sinh, cách chức chủ nhiệm, và cả thông báo cho Ban An ninh xã về trường hợp ông Mộ cùng các giải minh về sự vụ. Tôi đề nghị thêm, đồng chí Huyện phải giữ nhiệm vụ phụ tá cho cô Xinh về thư viện. Các đồng chí cứ suy nghĩ thêm. Kì họp Hội đồng tháng này sẽ tiến hành sớm vào tối mai. Chúng ta lại bàn sự kiện này rồi lấy biểu quyết. Nếu không ai có ý kiến gì nữa, chúng ta vào chái sau ăn tối. Tạm nghỉ. Cô Đồi Hương vui lòng đọc lại biên bản.

Ở cửa vào phía hông chái sau, Nam thấy chú mèo đực ngồi dưới đất chăm chú nhìn đàn ong bay đi, bay về. Chú mèo liếm mép, đảo mắt liên tục. Nam không cười được nữa với hình ảnh dễ thương, ngộ nghĩnh ấy, anh đang lắng nghe.

Lộc Biếc, Khoai, Ka Kring và Nam ngồi nán với Huyện, san sẻ niềm hối hận, nỗi âu lo của anh. Thấy dưới hộc bàn mấy chiếc đũa Lụa dùng để tập đánh trống ếch cho đội trống Đội Thiếu niên Tiền phong, bất giác Huyện rút ra. Năm chiếc đũa tình cờ trên bàn tay anh. Huyện bẻ gãy một chiếc. Bỗng dưng, Huyện chảy ràn nước mắt. Hai dòng nước mắt chảy ròng trên gương mặt bất động đang chói ửng màu tía trong ánh nắng đỏ ối hắt vào. Rút khăn tay, anh lau nước mắt, có lẽ chỉ là nước mắt tủi nhục, hối hận vì “màn kịch” phi nhân của chính mình. Năm người im lặng xót xa.

Họ vào bàn ăn tập thể. Anh Quỳnh đang so đũa. Trên bàn, vẫn bo bo “bọc nhựa” xay nhỏ, canh rau và cá khô kho.

Sau cuộc họp Hội đồng phân hiệu bất thường tối thứ ba, ngay sáng thứ tư, Huyện vào lớp chín với Ban Giám hiệu, bí thư Chi đoàn, thư kí Công đoàn, cùng thư kí Hội đồng, nhờ sự đảo tiết, lấy tiết lí của Hoán đầu buổi làm tiết sinh hoạt lớp, còn tiết sinh hoạt cuối buổi sáng thứ bảy sắp đến sẽ được Hoán dạy bù. Các giáo viên có chức vụ này đã được bố trí người dạy thay.

Huyện đã xin lỗi Hộ và Nhi, hai học sinh cá biệt chậm tiến của anh, xin lỗi cả hai mươi mấy học sinh lớp chín, một cách thành khẩn, cảm động. Anh Giảng nói ý nghĩa giáo dục của sự xin lỗi với các em, rồi cùng Huyện bắt tay em Hộ, em Nhi. Hộ lẫn Nhi trào nước mắt. Lần đầu tiên Hộ khóc. Hộ đã biết khóc!

Cả lớp chín ngồi chết sững. Các em chưa bao giờ thấy thầy giáo, lại là thầy chủ nhiệm, thầy hiệu trưởng, xin lỗi, bắt tay học sinh với ý nghĩa rất nhân quyền như thế. Một vài em ấp úng, khóc khi phát biểu. Nhiều em cúi mặt xuống bàn khóc rung cả vai, bật thành tiếng nấc vì xúc động.

Hộ đã biết khóc!

Huyện cảm thấy lúc này, công an có đến còng tay anh, anh vẫn mãn nguyện, bởi Hộ đã biết khóc!

 

( xem tiếp phần 10 )

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

             Cập nhật: 06/30/09

 

             (tháng / ngày / năm)

 

 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7