Trần Xuân An - Thơ sử về Quảng Trị, chùm 3 (2 bài)

 

 

 

Thơ sử về Quảng Trị

bài 11 & bài 12

 

 

 

 

Nguyên Âm (Yoni)- Nguyên Dương (Linga) 

 

 

Bài 12

Trần Xuân An

QUẢNG TRỊ, TRỐNG ĐỒNG

VANG VỌNG ÂM DƯƠNG

 

quê mình, đất cổ Việt Thường

trống đồng Trà Lộc mười phương nắng dồn (1)

 

nguyên âm ( - ) Dương Lệ không mòn (2)

lớn lao nhất cõi, thoảng hồn Khu Liên (3)

Triệu Phong lòng nối Cát Tiên

nguyên dương ( + ) to tát nhất miền Phù Nam

 

mình, con Chim Lạc tìm trầm

bao năm ngậm ngãi nhớ thầm Trà Liên

trống đồng vọng đến vô biên

phi thời gian vang tận tiền kiếp xa

 

nghìn năm có thật trong ta

Nhật Nam rồi đến Ô – Ma, đến giờ... (4)

mình thành Quảng Trị liền bờ

Miền Trung mở cõi rộng Cồ Việt ra

 

chúng mình cũng chính chúng ta

Trường Sơn là mái, chái nhà Bắc – Nam

sân Trung chống bão nghìn năm

chồ Nam vàng thóc, bếp trầm Bắc thơm (5)

 

xuân Miền Trung đẹp mâm cơm

trăm con Chim Lạc theo nồm về đây

Trà Liên gõ trống liền tay

tiếng đồng Trà Lộc vang say tiếng cười

 

cựu dinh, kinh cũ, Đất – Người (6)

hai trăm năm rộng gấp mười mươi xưa.

 

TXA.

16: – 18:00, 17-11 HB10

 

(1) Trà Liên, Trà Lộc: địa danh ở Quảng Trị, nơi phát hiện được trống đồng Việt cổ.

 

(2) Dương Lệ, thuộc huyện Triệu Phong, nơi có biểu tượng nguyên khí âm (yoni) ( - ) lớn nhất; Cát Tiên, thuộc Lâm Đồng và Đồng Nai, có thể là kinh đô của vương quốc Phù Nam cổ đại, nơi có biểu tượng nguyên khí dương (linga) ( + ) lớn nhất.

 

(3) Khu Liên (người Chăm) là anh hùng chống xâm lược Trung Hoa, lập quốc năm 192 sau Công nguyên Tây lịch.

 

(4) Châu Ma Linh (Gio Linh, Vĩnh Linh) và châu Ô (Nam Quảng Trị, từ sông Hiếu trở vào).

 

(5) Bố cục đất nước theo cách nhìn của triều Nguyễn. Bố cục này thuộc phạm trù lịch sử. Chồ là một loại kho lẫm chứa thóc, kiểu như nhà sàn.

 

(6) Quảng Trị là thủ phủ Đàng Trong thời chúa Nguyễn, một phần kinh sư vương triều Nguyễn, kinh đô kháng chiến Tân Sở, thủ đô của Cộng hoà Miền Nam Việt Nam.

 

 

 

Trống đồng Trà Lộc (Quảng Trị)

Nguồn ảnh: TTO.

 

 

Bài 11

Trần Xuân An

GIẾNG CỔ TIÊN THIÊN

 

rất khi không, bỗng nhớ

rừng mọc làng và trường

tiểu thuyết ta từ đó

một thời quá dễ thương

cổ sơ hơn giếng cổ

 

giếng Tây Nguyên trường xưa

buốt lạnh chân đồi vắng

tre chẻ đôi làm máng

vũng đọng trong hơn mưa

khe tràn quanh năm tháng

 

không đá lót viền bờ

không máng mài kiên cố

như giếng cổ Ca Lơ

vạn khối mồ hôi đổ

chưa hoá đá Chiêm sơ! (1)

 

sách vở và phấn bảng

cao xa đến ngạc nhiên

khảo cổ thành sơ đẳng:

nguyên lí giếng, tiên thiên!

mạch ngọt trái đồi đắng...

 

vốn sống ven đại ngàn

“Ngôi trường Tháng Giêng” đọng (2)

hiểu giếng cổ Gio An...

kì công hoài vang vọng

rất khi không, bàng hoàng!

 

dễ thương, bỗng dễ sợ

nếu đầu độc giếng lành

quặng thải lềnh bùn đỏ

bệnh tật tuôn tràn nhanh

và nếu sẽ chiến tranh (3) …

 

TXA.

6: - 16:20, 16-11 HB10

 

(1) Giếng cổ ở Gio An và các làng gần đó, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Theo phán đoán của cá nhân tôi, có lẽ đó là những công trình do người Chiêm (Chăm) và chủ yếu do người Kinh (Việt) tái tạo, nâng cao bằng vật liệu đá, với hàng chục ngàn mét khối đá, trên các giếng cổ đơn sơ của người Ca Lơ (tên gọi cũ), sắc dân bản địa Quảng Trị. M. Colani cũng đã nghiên cứu về các giếng cổ này (xem “Những người bạn cố đô Huế” [B.A.V.H.]).

 

(2) Tiểu thuyết của TXA., viết về ngôi trường ở Lộc Ngãi, Bảo Lộc, Lâm Đồng, hoàn tất 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.

 

(3) Thêm một khổ thơ, thể hiện ý tưởng của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

 

 

Giếng cổ Gio An, Gio Linh (Do Linh), Quảng Trị

Nguồn ảnh: Phan Thuận An - Ngô Minh (Google seach)

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE