e. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 5

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

CHƯƠNG V

 

 

1

 

 

Chiều hôm qua, một trận mưa rào tuôn xối xả. Mưa rào mùa hè ở Quảng Trị cũng ào ạt trút nước như ở trong Nam. Nhưng hầu như cơn mưa nào ở đây, vào mấy tháng nóng nực nắng, gió lửa, cũng đều có sấm chớp, và trời lại thường đổ mưa vào lúc xế trưa ngả chiều. Hiền Lương mỉm cười nhìn mưa, nhớ Thủ Dầu Một, nhớ Sài Gòn. Đúng là trong ấy không có mùa, hay chỉ mỗi một mùa hè quanh năm nắng rực rỡ, và vào những tháng này, cũng mưa chiều ào ào xối xả thế này, có điều ít sấm sét hơn. Những hạt mưa trắng! Hiền Lương nghe thím Cận nói chiều qua: “Mưa như cơm đổ, muối trút” - trắng và trắng, trắng xóa. Có lẽ đó là những trận mưa no ấm chăng. Trước trận mưa, đất khô khốc, ruộng nứt nẻ đến đứt cả rễ lúa, giếng cạn, mỗi gàu nước múc lên đều có cát đáy giếng. Giờ đây tiếng sấm sẽ làm xanh lúa, xanh phới lên, và mưa hào phóng của mùa hè đã làm đất lành lại, giếng thôi cạn lòng.

Hiền Lương, sáng nay, vừa đi vừa mỉm cười.

Sao cô cứ mỉm cười hoài, Hiền Lương chẳng biết. Cô cũng chả hiểu vì sao ít nhớ nhà đến thế. Mỗi đêm, trước khi ngủ, có nhớ đấy, nhưng rồi cô lại mê mệt trong giấc rất say, mặc dù gió nồm nhiều khi tới khuya mới từ biển thổi về. Có lẽ, về đây, có nhiều cái hay, và Hiền Lương đi hoài, vẽ hoài, như trong cơn mê sáng tạo. Có lẽ, về đây, gặp quá nhiều điều để suy nghĩ đến nỗi cô đành phải ghi chép, chưa kịp xới lật, đào sâu tất cả.

Cây lá ven đường như sống bừng lên trong nắng sớm nay và hơi mưa chiều qua còn vương lại. Hành bước bên Hiền Lương. Anh quay mặt sang nhìn cô, nói khẽ:

- Như hôm trước lên chùa, mong hôm nay Hiền Lương sẽ gặt hái được nhiều điều, chính anh cũng sẽ bất ngờ.

- Không dám đâu! Anh giúp em thì có. - Hiền Lương cười.

- Hôm nay, mình sẽ gặp ông Nộp, một nhân vật có đến tám mươi lăm năm trong thế kỉ này.

- Em đã gặp, hôm đám giỗ. Trước đó em có đi vội lên đình mời ông ấy, nhưng do bỡ ngỡ và vội quá, nên chưa kịp hiểu gì.

- Ông ấy là chú ruột của thím Cận, đã làm từ giữ đình từ năm bảy mấy, tám mươi gì đó. Hồi anh mới học cấp hai, thường đến chơi với ông Nộp, đi cùng cháu ngoại của ông, học với anh một lớp.

- Nhưng cái đình để thờ gì, anh Hành? Em dốt lắm. Hầu như ở thành phố, cho dù nội hay ngoại thành, cái đình vẫn có, nhưng chẳng mấy ý nghĩa. Bọn em cảm thấy cái đình như một hình ảnh lỗi thời của quá khứ. Ngược lại, đâu đâu cũng chùa, cũng nhà thờ, thánh thất của tôn giáo, và nhà nguyện nữa chứ.

- Nếu vậy, cũng lạ. Nhưng thật ra, bọn anh ở ngoài này cũng mới tìm hiểu đây thôi. Trước đây, cách đây khoảng vài năm, còn rẻ rúng. Chúng mình bậy thật, nếu Hiền Lương nói thành thật. - Giọng Hành bỗng chùng xuống, lại trở nên cứng hẳn đi -. Bậy thật! Chỉ người lớn tuổi còn lưu giữ được nhiều điều.

Hai người lặng im, bước chậm trên đường làng. Mỗi người đều cảm thấy có lỗi. Bao giờ sự vô tâm, thiếu sót trong nhận thức cũng làm người ta đâm ra giận mình.

Cũng như chùa, đình cũng mới xây dựng lại, trên một cuộc đất ít bị ngập lụt nhất vào mùa mưa bão. Những năm lụt thật lớn, nước bạc - gọi thế, vì đục màu bùn non - mới dâng lên khỏa tràn nền đình làng. Đình trông ra cánh đồng đang xanh những dảnh mạ non mới cấy.

Bờ thành bao quanh mặt trước lẫn hai bên khuôn viên của đình. Có ba cửa ra vào. Ba cửa ấy trổ ngay mặt tiền. Bước vào cửa phụ một bên, Hành và Hiền Lương đứng lại, nhìn hai cây bàng khoảng hai mươi tuổi xanh những tầng lá. Có trái vàng đang chín trên cây. Sau hai cây bàng là bức bình phong khá dài, che hết bề rộng của ngôi đình. Đình cũng kiến trúc theo kiểu nhà rường, kèo cột bằng gỗ, rộng năm gian, chung quanh xây tường vách gạch. Nhưng đúng hơn phải gọi là dài năm gian, vì đình dựng theo chiều dọc. Một đầu hồi và chái trở thành mặt tiền với những trang trí còn sơ sài.

- Chùa ngang, đình dọc. - Hành nói khẽ.

Đình vắng hoe, nhưng dấu chổi chà quét sân còn mới, có thể thấy rất rõ vì đất còn ướt sau cơn mưa lớn chiều qua.

- Có lẽ ông Nộp mới đi vắng đâu đây. - Hành nhận xét -. Chắc chắn sẽ có đứa chắt của ông ấy bên trong.

Một cậu con trai cỡ mười sáu, mười bảy tuổi đang bước ra, giật mình thấy khách.

- Thưa thầy, - Cậu học sinh hơi lúng túng -, thưa cô. - Rồi khẽ cúi đầu chào.

Hành và Hiền Lương gật đầu chào lại. Hành hỏi:

- Có cố ở trong không, Lâm?

- Dạ thưa thầy, cố em mới về nhà ba em hồi sớm, nên nhờ em lên ngó chừng, giữ đình.

- Tiếc quá! Hiền Lương buột miệng.

Cậu con trai tên Lâm, học trò của Hành ở trường huyện, khẽ quay người mời hai người vào trong.

Phía sau đình, cuối một khoảnh đất rộng đang trồng mè (vừng) và khoai lang, ớt và cà, là một mái tranh thấp nhỏ, nhưng bốn chung quanh không phải phên tre trát phân trâu mà vách xây chưa quét vôi.

- Kính mời thầy cô vào nhà uống nước đã. Có lẽ cố em sẽ về ngay thôi.

Hành nghĩ, ông Nộp sang nhờ chắt qua giữ đình, hẳn đi đâu xa, có lẽ chưa về sáng nay. Lâm nói thế, vì chỉ muốn giữ khách lại chăng.

 

 

2

 

 

Hiền Lương nhìn ra phía hậu của đình, thấy còn chất nhiều gạch chưa xây, và khá nhiều ngói. Nhà của ông từ lọt thỏm cuối khoảnh đất sau của đình. Trước nhà, những luống đất đang trong vụ trồng tỉa. Hai bên hông đình, đất cũng được canh tác hoa màu phụ. Khung cảnh xanh ngắt, mát mắt quá.

- Cố trồng hay em trồng vậy Lâm? - Hiền Lương tỏ ra thân thiện.

- Dạ, bọn em là chính. Cố già rồi, năm nay đã tám mươi lăm tuổi. Nhưng cố... điều hành. - Lâm tìm chữ, và cười -. Nhưng cố vẫn chống nạng xớt cỏ được. Cố còn khỏe lắm.

- Chắc phải sống qua thế kỉ hai mốt. - Hành cười, nói.

- Thật hiếm có người già khỏe vậy. Chắc ngày xưa phải là đô lực sĩ có hạng, Lâm nhỉ? - Hiền Lương nhìn Lâm.

- Dạ, em không biết. - Lâm thật thà -. Em nghĩ cố khỏe là nhờ trời. Nếu không bị thương ở chân, chắc cố còn khỏe nữa.

Cả ba cùng cười.

- Kính mời thầy cô dùng nước kẻo nguội.

- Để nguội một chút, cảm ơn Lâm. - Khẽ quay sang Hành, Hiền Lương hỏi -. Người Quảng Trị mình thích ăn ớt cay, nước thì uống nóng, hay thật?

- Chẳng hiểu vì răng như rứa. - Hành cười - . Nóng là một vị.

- Vì nghèo! - Một giọng ồm ồm ngoài vách.

Hành hơi giật mình và ngạc nhiên, không ngờ sức nghe của đôi tai ông Nộp có khi còn rõ đến vậy.

Cả ba ngoái nhìn lại, ông Nộp đang dựng xe, chống nạng bước vào, cười thật lớn:

- Xin chào thầy Hành và cô! - Ông Nộp ngồi xuống chiếc ghế còn lại.

- Kính chào ông! - Hiền Lương thưa.

- Ông đạp xe đi có việc về. Việc chi sớm rứa thưa ông? - Hành bắt chuyện.

- Đi thăm sư Tâm Tự, tặng ông sư chút hạt giống rau muống khô trái vụ.

Ông uống hết chén nước Hiền Lương mới rót.

- Tôi nghe sư Tâm Tự nói, cô Hiền Lương con gái chú Nông ra thăm, muốn vẽ một số tranh về người và cảnh làng mình?

- Dạ. Cháu chắt ở xa, muốn được thưa chuyện với ông, xin được vẽ ông. Xin ông cho phép.

Ông Nộp hơi trầm ngâm. Ông nhìn Hiền Lương.

- Tôi cũng sắp về với ông bà, nếu được cháu Hiền Lương vẽ cho thì hay. Chắc vẽ truyền thần giữ được lâu hơn ảnh chụp.

Hiền Lương bối rối:

- Dạ không. Cháu không vẽ truyền thần kiểu đó. Cháu thích vẽ một cuộc đời, chiều sâu cuộc đời đó.

Hành giải thích thêm cho ông Nộp, giọng lễ phép nhưng vẫn lớn vì ông thường hơi nặng tai. Hiền Lương mỉm cười. Nét mặt ông Nộp dần dần sa xuống buồn rầu, ngượng ngùng. Cô thấy ái ngại quá, trách mình sao để hớ ý định. Có lẽ, bởi thấy ông vui vẻ, khỏe mạnh, khá hoạt bát nữa, nên nghĩ ông chẳng có gì buồn và ngượng như thế.

Lát sau, xua một thoáng không khí nặng nề, ông nói:

- Vẽ kiểu ấy, tôi chưa nghe ai nói. Tôi nói thật, tôi dốt nát và bậy bạ cả đời mình, chẳng có chi đáng vẽ. - Giọng ông Nộp hơi cứng lại, môi hơi run run.

Cả khuôn mặt ông tối sầm.

- Xin lỗi ông. Nếu ông không đồng ý, cháu xin thôi - Hiền Lương nói vội.

Ông Nộp nhìn Hiền Lương, tia nhìn lành lạnh và u tối. Như nén một nỗi gì nhức nhối trong ngực, ông thở dài, gắng kìm lại không để buông thành tiếng. Ông cúi đầu xuống, vầng trán hói nhăn những nếp hằn, tay lùa vào mớ tóc còn lại trắng bạc quanh đỉnh đầu, khuỷu chống trên bàn. Những ngón tay nhăn nheo, to bẫm, lốm đốm đồi mồi. Hiền Lương nghe gai ốc rợn lên trên da mình với một cảm giác ân hận. Cô định ra hiệu bằng mắt cho Hành để xin kiếu về, vì sợ sẽ chạm vào nỗi đau quá lớn của đời ông. Bất ngờ, ông ngẩng phắt mặt lên, nhìn vào Hành, rồi từ từ đưa mắt sang Hiền Lương.

- Nhưng như rứa thì cháu vẽ để làm gì? Làm răng vẽ được một cuộc đời? Tôi dốt nát. Cháu Hành đã giải thích. Nhưng e rằng làm răng một khoảnh khắc với một nét mặt nào đó lại hiện ra cả cuộc đời của một con người được! - Ông nói liền một hơi -. Cháu Hiền Lương muốn nghe kể lai lịch tôi, phải không? Một cuộc đời làm giặc! Ôm chân thực dân Pháp và đế quốc Mỹ! Đấy là cả cuộc đời tôi! Điều đó tôi đã nghe hàng vạn lần, tôi cũng nói trước công an cải tạo, công an xã huyện, cả cháu chắt trong nhà hàng trăm, ngàn lần! Chẳng có gì để chối cãi, phân bua! Lí lịch, lí lịch hoài! Cứ tra tấn vậy, ác quá!

Ông dừng lại, uống ực chén nước thứ hai nguội ngắt, Hành đã rót hồi nãy. Cả bốn người lặng im, hầu như bất động trong sững sờ. Ông nhìn Hành, rồi đưa mắt nhìn Hiền Lương:

- Đó là sự thật. Cháu tôi đi dạy ở trường, nó chửi ông nó suốt năm này qua tháng nọ, dẫu chung cho loại người như tôi, chứ chẳng riêng tôi. Tôi biết. Bầy chắt tôi cũng thế, chửi cố chúng, chửi suốt buổi tối học bài, tối này sang tối nọ, cũng như mẹ nó, ba nó. Tôi nghe. Không sao cả. Có làm, có chịu. Tôi già rồi, sống nhiều, đi nhiều, biết nhiều. Tôi thấy cái liêm sỉ cuối cùng của con người ta là rứa đó. Làm, thì phải chịu. Làm việc nhục, phải chịu nhục. Không oan ức gì cả. Biện minh thêm nhục, và hèn. Bẩn thỉu, gian lận, hay gì đó, gần như thế nếu mở miệng biện minh.

Và ông mệt mỏi thở hắt ra, bỗng run run cầm chiếc nạng, lại run run cầm chiếc nạng khác, từ từ đứng dậy. Hành lẫn Hiền Lương lúng túng chưa biết nói sao trước sự già sụm bất ngờ của ông.

- Hai cháu ngồi chơi. Tôi mệt quá. - Ông bước vào gian buồng sau chiếc tủ phía phải ngôi nhà nhỏ, vừa bước vừa cười to, đau đớn.

Hiền Lương chỉ kịp nói với theo:

- Cháu kính xin lỗi ông. Cháu không có ý định sỗ sàng thế.

Cô đứng dậy, bước theo và đứng sững giữa nhà. Mặt cô thảng thốt.

- Phản phong, phản đế, phản thần! Ông Hiền, chú Học thắng hết cả rồi. Tôi đầu hàng từ mấy chục năm rồi. - Giọng ông Nộp vọng ra, như tiếng gầm nặng nhọc -. Ngụy tặc thì cam chịu ngụy tặc.

Hành chỉ biết nói với gương mặt xanh mét:

- Lâm, em vào với cố đi. Chúng tôi xin phép ông để về.

Lâm cúi gầm đầu, nói:

- Thỉnh thoảng cố vẫn rứa, nên cố ở đây một mình, cố đuổi bọn em.

Bất giác Hiền Lương ràn rụa nước mắt. Cô vội vã bước ra. Hành bước theo.

Mười một giờ sáng, sau trận mưa chiều qua, đất trời vàng thắm nắng.

Hiền Lương sực nhớ chiếc cầu vồng cuối cơn mưa ấm ức một chiều nào đó đã xa xăm, trong không khí oi bức, phía chân trời của Thủ Dầu Một.

 

 

3

 

 

Hành bước bên Hiền Lương, trong khi cô đang cố ghìm bước lại. Cô bàng hoàng. Hành cũng nói trong bối rối:

- Không ngờ ông Nộp còn đau đến vậy!

Hiền Lương lau nước mắt bằng chiếc khăn tay.

- Anh xin lỗi Hiền Lương.

- Chính em đề nghị anh đưa đến. Xin lỗi anh Hành.

- Thì đều có lỗi. - Hành gượng cười -. Thôi, mình vào thăm đình đi.

Hiền Lương chán nản, mệt nhọc nhưng vẫn bước.

- Bữa khác... Bây giờ em thấy ê ẩm trong người quá.

Cô bước ra trước cột trụ có đèn lồng, ở cạnh trái bình phong, ngồi xuống trên vành gạch viền xung quanh gốc bàng, lại đứng dậy, bước quanh gốc ra phía gần giữa mặt tiền bình phong, ngồi xuống. Cô muốn tránh ánh mắt của ông Nộp, ánh mắt có lẽ chua chát, đắng cay lắm, có thể đang nhìn theo. Và ánh mắt của Lâm nữa - đầy vẻ chịu đựng, buồn rầu, như chịu đựng một thiên tai, chẳng biết oán trách ai ngoài ông trời? - có thể cũng đang nhìn theo. Ông Nộp, đã đành, và hình như đôi khi còn giả điếc được. Nhưng Lâm, nó có lỗi gì mà phải chịu đựng, buồn rầu đến cúi gầm đầu đến thế?

Hành cùng ghé xuống ngồi trên vành gạch. Hành chỉ biết để Hiền Lương nguôi xúc động. Anh buồn rầu nhìn hai vành gạch quanh hai gốc bàng, có hình hai đầu rùa nhìn nhau. Hai con rùa đội hai cây bàng. Hai cây bàng tỏa tròn từng tầng lá như hai chiếc tàn lọng nghinh Thần và chầu Thần. Anh chợt nhớ có người bạn đã bâng quơ hỏi anh:  Hay đó là hai cây phả hệ? Không phải đâu. - Lần đó, Hành đã trả lời, cảm thấy tiếc là đất đình không đủ để trồng mười lăm cây phả hệ như thế.

Anh nhắc Hiền Lương đến chỗ khuất nắng.

- Anh nghĩ gì vậy, anh Hành? - Hiền Lương khẽ hỏi.

- Không, nghĩ gì đâu. Làng này có đến mười lăm họ tộc.  Đình làng là nơi thờ mười lăm vị khai canh lập ấp đứng đầu mười lăm họ tộc, và những ai đã cùng các vị đến đây lần đầu tiên, thường là người trong họ, trong gia đình. Mỗi họ tộc có một nhà thờ họ để quy hướng tâm linh theo huyết thống. Mỗi gia đình chỉ cúng giỗ ba đời trước gia chủ. Chẳng hạn như con cái của Lâm sẽ hết cúng giỗ ông Nộp rồi nếu ông ấy mất, mà sẽ gửi tên tuổi vào tộc miếu họ Phan. - Hành thấy có gì tàn nhẫn khi ví dụ như vậy, anh nói nhanh để khỏa lấp -. Mười lăm họ tộc sẽ quy hướng tâm linh theo cộng đồng hương ấp truyền thống vào đình làng. Mọi đình làng trên khắp cả nước sẽ quy hướng tâm linh về Đền Hùng ở Phú Thọ. Đình làng cũng như nhà rông các buôn, bản miền núi, thượng du. Hi vọng tháp Chàm và nhà gì đó ở các phum, sóc cũng vậy. Có một sự quy hướng như thế về tâm linh để thắt chặt một đại gia đình các nhân tộc trên Tổ quốc. Nhân tộc, tức là tộc người.

- Có hệ thống quá. Anh Hành giỏi thật! Một truyền thống như thế mà sao không học trong trường học nhỉ!

- Truyền thống sờ sờ ra đó, nhưng rồi đất nước bận chiến tranh, thêm bệnh “ấu trĩ “tả” khuynh” nữa. “Tả” khuynh là một thứ bệnh làm xói mòn đáng kể! - Hành cười chua chát. - Cực hữu, phải nẩy sinh cực tả, vậy đó.

Anh nhìn lên nóc đình, tầm mắt vượt qua đỉnh bình phong, thấy một đôi rồng đang leo trên hai mép đầu hồi, cùng nâng một quả tròn âm dương, ngày xưa gọi là “lưỡng long chầu nguyệt”. Hành nhớ đến sư Tâm Tự, nghĩ ngôi đình làng cũng sẽ rất hiện đại và cổ kính...

- Ấu trĩ là con nít, khờ dại, thậm chí là ngu ngốc. Nhưng “ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”, không, phải khốn nữa kia mới khôn ra, trưởng thành. Ngày xưa, bệnh “ấu trĩ “tả” khuynh” kinh khủng lắm. Ngày xưa, người ta chống cộng sản cũng phải, vì bệnh “quá tả” phủ nhận sạch trơn sạch trụi di sản tâm linh, thánh hiền, Chúa, Phật. Mọi thứ tượng, mọi đình đền miếu vũ, nhà thờ, chùa chiền, kể cả Khổng miếu, đều bị đập phá tuốt. Ở Liên Xô, ở Trung Quốc, và ngoài Bắc, nhất là ở Trung Quốc thời Đại Cách mạng Văn hóa... đều “ấu trĩ” như thế. Tất nhiên là vô lí, là điên cuồng. Nhưng trong cái vô lí, điên cuồng ấy có cái lí của nó.

Hiền Lương cười:

- Báo chí dạo Đổi mới này nói nhiều lắm. Em có đọc. Nhưng cái đình kia.

- Ừ, thì vậy đó. Thật ra, đình làng còn thờ Thần, thờ Thành hoàng nữa. Thần theo tín ngưỡng dân gian, có thể là mê tín. Thành hoàng phải là các danh nhân lịch sử dân tộc, địa phương. Danh nhân? Đúng. Cùng các danh nhân, có cả những tấm gương sáng về đạo đức như hiếu thảo, vượt qua, vượt lên thân phận tật nguyền chẳng hạn. Theo hệ thống: Thần, Thành hoàng (người trần phàm trở thành danh nhân), danh nhân (bậc dưới danh nhân được phong làm Thành hoàng), gương sáng. Hệ thống khác: các vị khai canh của các tộc, những người có công với làng, xưa và nay. Đình là pho sử biên niên sinh động của làng và nước... Thật ra, nên gộp thành một hệ thống.

- Có hữu khuynh không? - Hiền Lương cười, hỏi.

- Mê tín thì thôi. Nhưng thờ Thần quy hướng vào đình là được rồi. Các phiếm thần bái vật giáo: Thần Cây đa, Thần Cá ông... thì thôi... Thần, nói chung là Trời đất, Non sông Làng nước.

Hiền Lương mỉm cười.

- Anh nói nghiêm túc, thành khẩn đấy. Phải quy hướng tâm linh các cộng đồng nhân tộc, làng ấp trên Tổ quốc. - Anh chợt nhớ đến ông Hiền với cụm hình tượng bằng chè kiểng của ông, trong một thoáng bâng khuâng, rồi Hành lại mỉm cười -. Em thấy cái đình, Đền Hùng (ở Phú Thọ) và Đền thờ Tổ quốc Việt Nam (trên đỉnh đèo Hải Vân, sẽ thờ Tổ vua Chăm khai quốc, Tổ vua Thủy Chân Lạp, các Tổ của các nhân tộc thượng du với vua Hùng) là hay chứ? Và Trời, đấy chính là Hồn thiêng Sông núi.

Hiền Lương vẫn giữ nụ cười nãy giờ, nụ cười của một người chăm chú lắng nghe. Cô nói khẽ:

- Vậy là có gạn lọc, gạn đục khơi trong truyền thống, lại có cách tân! Chắc chắn không còn hủ tục “xôi thịt”, “chiếu trên chiếu dưới” cách bức?

- Quy luật phát triển! Tất nhiên có đào thải, có bổ sung, chỉnh lí, sáng tạo, cách tân. Quy luật! - Hành nhấn mạnh -. Quy luật! Và tiến bộ, văn minh! Hiền Lương đồng ý không?

Hiền Lương cũng nói: Vâng, quy luật phát triển! Rồi cả hai cùng mỉm cười trong niềm xúc động.

Bóng râm tán bàng đã tròn lại dưới gốc, hơi ngả về phía bức bình phong. Cả hai mải mê chuyện vãn, chợt thấy đã trưa lắm rồi.

Phía cánh đồng, lúa hè thu xanh trong lấp loáng nước.

- Trưa rồi, anh em mình về chứ?

- Thật tội ông Nộp. Dẫu sao, cũng đáng trách và đáng thương, và cũng cần phải cảm thông. Nhưng lịch sử là lịch sử. Đấy là khoa học khách quan. Khoa học lịch sử, đấy là công lí, là tòa án, là pháp đình. Biết làm sao được! Cũng như tòa án, không công minh sẽ nguy hại trước mắt, di hại về sau, ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc, Đất nước. Có thể ngụy biện cho các vị quan thời Bắc thuộc ngàn năm được không? cho Trần Ích Tắc, Hồ Quý Ly được không? cho Tôn Thọ Tường được không? cho Dục Đức, Hiệp Hòa, Trần Tiễn Thành, Tuy Lý vương, Hồng Hưu, Nguyễn Hữu Độ, Đồng Khánh, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải được không? Và cũng không thể ngụy biện cho Tạ Văn Phụng, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, Diệm và Thiệu! Giả định một cách nêu vấn đề như thế đã là không ổn! Thậm chí, là xúc phạm đến danh dự Tổ quốc! - Giọng Hành vẫn từ tốn, chợt dịu lại, thấy mình đẩy vấn đề đi khá xa như thể đang trượt vào nỗi buồn giận -. Biết làm sao được! Nhưng bây giờ, ta vẫn quý mến ông Nộp như một con người, một người có tuổi tác.

Hiền Lương không nói gì. Mỗi người hãy chịu trách nhiệm về chính mình trước xóm làng và dân tộc, trước cuộc đời và thời gian. - Cô nghĩ vậy.

 

 

4

 

 

Quãng thời gian bảy năm trai tráng của Nộp ở dinh quan phủ khởi đầu bằng vụ lí trưởng mất một con chó Tây, kết thúc bởi một cái bạt tai vào mặt cậu ấm. Bây giờ, đã hai mươi lăm tuổi, Nộp ôm bọc áo quần với mấy đồng tiền còm buộc quanh lưng quần, lủi thủi về làng. Nộp buồn và nhục, nhưng tận trong thâm tâm, Nộp cảm thấy mừng.

Nộp còn nhớ, lúc thiên hạ đang rỉ tai nhau về vụ hành quyết ông Nguyễn Thái Học, và Xô-viết Nghệ - Tĩnh, một cuộc khởi nghĩa, bị dìm trong máu, cũng là lúc Nộp bị lí trưởng đòi lên hầu.

Lí trưởng vốn là con của một phú nông trong làng, đã ra riêng trong một ngôi nhà ngói, gỗ mít, mua trên Cùa về cất, và đã được một hàm cửu phẩm. Nhà thì đã đành, đến hàm cũng nhờ tiền mua mà có. Lí trưởng nhìn Nộp đang cúi người thật thấp để lạy chào, đang lom khom đứng khép nép. Lạy, lom khom, khép nép trước mặt quan lớn quan bé, ấy là lễ. Nộp đâu dám vô lễ dẫu đấy là cái lễ kì quặc. Và nét mặt phải tỏ ra sợ sệt nữa, không thì lỗi phép.

- Nộp! - Lí trưởng gọi -. Phan Nộp!

- Dạ, bẩm ông lí, có con đến hầu. - Nộp thưa, mặt tỏ ra sợ hãi gấp mười lần nỗi sợ trong lòng cho lí trưởng sướng bụng.

- Có phải mi thịt con chó bẹc-giê của tau (tao) không?

Nộp hãi hùng thật, quỳ sụp xuống, lạy không nghỉ tay.

- Dạ, bẩm ông, con có mô (đâu) mà ngu dại hỗn hào rứa!

- Nộp!

- Dạ, bẩm ông...

Lí trưởng quắc mắt, nhưng đã hơi bán tín bán nghi. Con chó Tây lí mua được, khá nhiều tiền chứ chẳng đùa, nuôi cho sang thêm ngôi nhà ngói gỗ mít vùng Cùa nổi tiếng, bóng lộn, vàng rực. Con chó bỗng dưng mất, lí đau điếng. Nhưng biết ai tròng thòng lọng hay đánh chết? Lí trưởng đã khảo mười lăm đứa, đứa nào cũng chối bai bải. Lí nghĩ, đứa nào đó phải khỏe lắm, gan lắm.

Ngồi nghĩ một hồi, bực quá, cũng thương Nộp bao nhiêu năm giữ trâu cho cha mình, hiền và chăm, lại cũng biết lễ, biết phép.

- Nộp, tau tức cái chuyện ni lắm. Mi mà chợn (giỡn) mặt thì chết.  Để rồi tau sẽ tìm ra. Nhưng, nghe đây. Nộp!

- Dạ, bẩm ông lí. Không dám chợn mặt ông lí, khôông gian xảo, con nỏ dám bắt trộm như rứa. - Nộp lạy lấy, lạy để.

- Thôi! Gác chuyện đó lại. Nhưng mi phải đi lính. Quan lớn trên phủ mới cho trát về đây. Mười đứa.

Nộp nghe được tha chuyện trộm chó, mặc dù không trộm, cũng mừng, lại bàng hoàng về việc phải đi lính. Ông lí đã bảo, làm sao mà cãi! - Nộp nghĩ -. Lính thì lính, cũng đi kẻo mang họa.

- Dạ, ông lí bảo răng, con nghe rứa.

Nghe dặn dò một lúc, Nộp được ông lí cho về. Ra về, dọc đường Nộp nghĩ, thằng lí trưởng này hơn mình mấy tuổi đâu mà còn hơn thành hoàng trong đình. Đ.m., ỷ thế cha! Không biết đi lính gì, khố vàng, khố xanh, khố đỏ? Đi lính khố đỏ về, hết thằng nào hống hách! Đ.m., ỷ thế nhà giàu! Con con ông ông con c.!

Nhưng Nộp không được như ý. Nộp chỉ được đi lính dõng hầu quan phủ và gác dinh quan.

Thế là Nộp giã từ mẹ già, những anh, những chị đã có vợ, có chồng, đã ở riêng hoặc còn ở chung một nhà, giã từ mười tám năm lăn lê, vọc đất, mút tay trùn trụt, rồi đi mót khoai, rồi đi giữ trâu cho cụ lí cựu, đi gặt thuê cày mướn. Nộp giã từ mười tám tuổi.

Một sáng sớm, Nộp cảm thấy mừng thầm, bởi sau khi gạt nước mắt, chào mẹ, chào anh chị, các cháu, là trời hửng nắng. Người ta thường bảo: Ra đi khi trời hửng nắng trong mùa đông lạnh nhức xương là điềm lành (!). Nộp vừa đi vừa cầu khấn, mong được quan yêu bạn chuộng cho đời bớt khổ. Và Nộp cùng chín thanh niên trai tráng khác theo chân lí trưởng lên dinh quan. Đúng ra, phải gọi là vô, nhưng chẳng hiểu có phải người ta nghĩ đến chiều cao của quyền lực không, chỉ dám gọi là lên, lên dinh. Dinh còn có nghĩa là phủ lị nữa!

Nộp vốn là đứa bé thông minh, là chàng trai linh lợi. Nộp thuộc loại khôn nữa, khôn theo dạng cho dù bất mãn với kẻ quyền uy, giàu có mấy, cũng nuốt vào lòng, ngậm miệng. Nhưng sinh ra trong cửa nhà nghèo, đông con, thuộc hạng cùng đinh, Nộp chưa hề được đi học buổi nào. Nộp học lóm, nghe thầy đồ giảng sách, nhớ như in. Nộp hiểu sách trang được, câu mất nhưng chữ thì viết bậy. Nghe Nộp nói, có người ngỡ Nộp có học! Và với óc thông minh, tính nết linh lợi, khôn ngoan kiểu nhẫn nhục, Nộp được quan yêu bạn chuộng thật! Gần quan, xách khay bưng tráp, sau một thời gian gác cổng suốt một năm, Nộp học lóm cũng khá nhiều câu chữ, nghĩa lí ở đời và về trời đất. Quan cũng yên tâm vì Nộp mù chữ gần như mù đặc.

Suốt bảy năm làm lính dõng, đôi lúc Nộp cũng tủi phận, hận đời vu vơ, vì thấy nhiều kẻ có chữ vô ra hầu quan, trí óc chậm lụt lắm. Ngu mà may, có thế có của, nên họ vinh hiển. Rồi thấy quan phủ hầu quan Tây chẳng khác gì Nộp hầu ông lí trưởng, Nộp hiểu rõ nhục lớn là quan cai trị hống hách, nhục bé là dân. Chuyện thánh hiền hóa ra vô nghĩa. Nộp cũng đã nghe phong thanh chuyện Văn thân Nghệ - Tĩnh, Cần vương, hai cụ Phan, rồi Đội Cấn, Đội Cung - vốn là lính thuộc Pháp làm binh biến vì yêu nước thương nòi - nên đôi khi tức mình toan làm một việc chi cho ra con người rồi chết cũng đành. Sống thế này, nhục chồng lên nhục, con người chẳng ra con người! Nộp lại nghĩ, nếu manh động, chỉ như chiếc pháo chuột, tạch một phát đánh động, hoặc như quả bom, nổ ầm, rõ là có ích, như Phạm Hồng Thái, nhưng... chịu nhục, yên thân! Mình lại dốt đặc cán mai, vận động người khởi nghĩa như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, ai nghe! Dốt và hơi hèn, quen chịu nhục từ nhỏ, Nộp sống yên ổn, cũng rất được quan yêu bạn chuộng. Những ý nghĩ khởi nghĩa, cách mạng chỉ là âm vang của thời đại dội vào ngực Nộp, dẫu có ngân lên, rồi chỉ là bâng quơ gió thoảng.

Một hôm, Nộp theo quan lên hầu Tây, khay và tráp lễ mễ bưng xách, gặp lúc vợ chồng con cái Tây đang quây quần đánh cờ. Bất chợt, một thằng nhóc tóc vàng mắt xanh hờn dỗi ném mất quân cờ, buộc lòng Nộp phải cúi người chống tay tìm. Thằng Tây con thấy vậy, đá đít Nộp, nói tiếng Việt: “con lợn”. Nộp nín thinh tiếp tục bò tìm con cờ. Được thể, vì nhiều tiếng cười vang lên, như tán thưởng, thằng Tây con lại đá đít Nộp, nói: “con lợn An-nam-mít!”. Quan phủ tím mặt, hết cười. Nộp đứng dậy, tát một phát vào má thằng Tây con, nhưng cái sợ, cái hèn kéo rụt, nhẹ tay lại, nên cái tát khá hơn cái vuốt yêu chút đỉnh. Thằng Tây con khóc ầm lên. Thế là Nộp tỉnh người, quỳ sụp, lạy như tế sao.

Và khi về lại phủ, Nộp chỉ bị vài hèo, rồi phải khăn gói về quê. Nộp ân hận vì lỡ tát như tát yêu cậu ấm Tây. May quan phủ thương bảy năm hầu hạ, không cũng tù rũ xương. Nộp buồn và nhục. Nhưng cũng mừng, cơ hồ như được giải thoát.  Đ.m., thằng Tây con, cũng con ỷ thế cha!

Thế là đã hai mươi lăm năm nghèo hèn, nhục nhằn, vô nghĩa.

 

 

5

 

 

Về lại làng quê bên bờ sông Bến Hải, Nộp chợt thấy mình thuộc loại muộn vợ. Ngày ấy, cuối những năm ba mươi, trai tráng lấy vợ sớm lắm. Thì lấy vợ! - Nộp trả lời với mẹ như thế. Cũng may là mẹ đã chọn sẵn vợ cho Nộp rồi. Đó là một cô gái làng lớn hơn Nộp ba, bốn tuổi, đã đi ở đợ cho nhà giàu trong phủ lị từ bé đến giờ. Đám cưới rất đơn giản, chỉ mâm trầu cặp rượu. Muộn trai còn đỡ, muộn gái phải gả tống gả tháo kẻo thành gái già. Rồi về ở với nhau, vợ Nộp sinh soành soạch mỗi năm mỗi đứa : Hai trai, một gái. Có vợ con cũng vui, nhưng cực nhiều hơn. Từ khi bị đuổi về làng, thấm thía lẽ đời, lớn hiếp bé, yếu chịu nhục trước mạnh, Nộp ngán ngẩm sự đời vô nghĩa lí, ngay cả chuyện vợ con cũng lười. Nhưng thương mẹ, thương vợ con, Nộp nai lưng làm thuê, cuốc mướn. Khỏe như Nộp, khỏe nhất làng, ai cũng thích mướn.

Tưởng ngậm ngùi yên đời khổ sai như thế, lại bị lí trưởng gọi.

- Nộp! Phan Nộp!

- Dạ, bẩm ông lí, có con đến hầu.

- Mi (mày) phải đi lính đó. Có lệnh, lần này quan lớn Tây gọi.

- Dạ, bẩm ông lí, con có vợ, có con, còn mẹ già. - Nộp khúm núm, bàng hoàng nói như van.

Nộp không ngờ, lạnh cả người.

- Trai tráng đi hết rồi. Mi (mày) có bảy năm thâm niên lính dõng. Quan Tây cần tuyển lính gấp, lại cần lính phục viên như mi.

Thế là lại theo chân lí trưởng lên phủ lị đăng lại lính. Và từ đó, Nộp bị canh như tù. Chắc quan Tây sợ lính trốn. Nộp lại bị lùa xuống tàu thủy vượt biển qua Pháp đánh phát-xít Đức. Ngày đi, kèn Tây thổi tò te, lính mộ rập ràng hô lời thề: Hi sinh cho mẫu quốc Phú-lãng-sa, nguyện đánh đuổi Đức tặc! Nhưng qua Pháp, nào được cầm súng cho ra vẻ người lính, Nộp chỉ cầm cuốc, xà beng và xẻng để đào hầm, giao thông hào, đắp lô cốt. Nộp cũng như một số lính mộ từ các thuộc địa khác, đa số là da đen, chỉ có “vinh quang” như thế, với một “vinh quang” nữa là vác đạn, vác súng đại liên cho Tây bắn. Bọn Pháp đánh giặc cũng cần người ở đợ như Nộp. Nộp cười khậc lên, khi nghĩ thân phận thằng da vàng vác đạn, đào hầm cho thằng da trắng bảo vệ nước nó, trong khi chính nước nó xâm lược, đè đầu cưỡi cổ dân nước mình. Mẫu quốc - nước mẹ. Nước mẹ hồi nào! Bịp bợm, đểu cáng hay láo xược cũng thế.

Suốt bốn năm làm lính nô lệ, như thể dưới gót La Mã thời trung cổ, Nộp nhớ nhà nhớ nước, tủi nhục ê chề. Những cú đạp, cú đá bằng giày đinh đau buốt xương, những mắng, những chưởi đau buốt tim, khiến có người tự tử - da vàng có, da đen có -, nhưng đa số vẫn sống, vẫn chịu đựng. Bản năng sống như một lực giúp cho con người chịu đựng khổ nhục. Có lẽ vì có bản năng sống nên loài người mới ác được với nhau đến thế. Không có nó, hễ nhục, người ta tự sát rồi còn đâu mà ác! - Nộp nghĩ.

Rồi Đức thua Liên Xô, thua Mỹ, cùng đồng minh của Mỹ. Bấy giờ trong nước Cách mạng Tháng tám nổ ra. Mãi đến cuối năm bốn mươi sáu, đầu bốn bảy Nộp mới được về nước với những người Việt đồng hương và đồng số phận.

Trong hai năm hết chiến tranh, chỉ ở lại dọn dẹp những hoang tàn, đổ nát trên đất Pháp, Nộp có một kỉ niệm, mãi đến tuổi tám mươi lăm lão Nộp còn nhớ.

Một hôm, đang dọn dẹp ở một xóm lao động bị bọn Đức dội bom, Nộp giúp một việc nhỏ cho cô gái người Tây mồ côi cha mẹ cũng vì bọn Đức. Cô ấy người Pháp gốc Do Thái, làm thợ giặt, nhờ giỏi trốn và nhờ may mắn nên trốn được bọn Đức. Đói, không nhà cửa, mồ côi, lại thất nghiệp, cô Pháp Do Thái ấy đi làm điếm. Những buổi sáng, buổi trưa rảnh việc nhà thổ, cô thường quay lại xóm nhà xưa, nhìn cảnh cũ đã hoang tàn, bưng mặt khóc. Cô ấy thấy có người da vàng đang dọn dẹp, liều nhờ tìm một kỉ vật dưới đống đổ nát. Đó là ảnh gia đình cô. Nộp cũng đã nói được, hiểu được chút ít tiếng Pháp “bồi”. Và Nộp tìm được. Cô điếm Do Thái nhìn bức ảnh, khóc cười như điên, rồi ôm chầm lấy Nộp, cảm ơn rối rít. Chẳng biết trả ơn bằng gì, cô ấy nghĩ ngợi hồi lâu, nhìn chằm chằm mặt Nộp. Nộp thương quá, chỉ biết há miệng cười, nói không có gì ân nghĩa lắm đâu. Cô Pháp Do Thái mến Nộp, như gặp một người thân yêu nào đó.

- Em muốn đi chơi với anh.

- Tôi cũng thích cô. - Nộp nói tiếng Pháp thô, hóa ra sống sượng.

Và sau đó, họ hẹn giờ. Lúc gặp nhau vào buổi tối, Nộp mới biết cô ấy là gái nhà thổ. Cô ấy cho Nộp khi một, khi hai cái tích-kê, loại vé vào cửa của nhà thổ. Vé có đề sẵn tên cô ấy.

Ở đất khách quê người, lại xứ sở của bọn cướp nước mình, cuộc đời Nộp bỗng như đổi khác, lên hương, nhất là khi biết cô gái ấy gốc Do Thái. Người con gái bán thân, mất nước, tổ tiên bỏ nước mà đi, phiêu tán đã gần ngót hai nghìn năm, với một anh lính nô lệ bị cưỡng bức xa nước bởi mất nước mấy mươi năm nay, để làm lao dịch, làm bia đỡ đạn cho bọn cướp nước, họ gặp nhau, yêu nhau thật sự, trong và ngoài nhà thổ. Không có lối thoát nào, vì Nộp chẳng thể cứu rỗi cô ấy khỏi nơi ấy!

Đau đớn và nồng nàn yêu nhau, nhưng rồi phải ngậm ngùi chia tay khi Nộp phải về nước trong đoàn quân tái xâm lược nước mình! Ánh mắt trên bến cảng không bao giờ Nộp quên, xanh biếc rười rượi, đau đớn, nỗi đau tự hai nghìn năm vời vợi. Và mái tóc tơ vàng óng ánh ấy nữa, với Nộp, ngỡ như vạt nắng, như toả hương rơm vàng, mềm mại trong tay Nộp bao lần, đang ngời lên rồi mờ dần trên bến cảng, nhưng còn cháy sáng mãi trong tim Nộp. Không bao giờ Nộp quên (dẫu khi đã đến tuổi tám mươi lăm!).

Ơi đôi mắt biếc xanh rười rượi! Mái tóc tơ vàng óng ánh! Và rồi, mờ hút rồi, sóng biển và sóng biển. Những ngày ở trên tàu, nỗi cực khổ, nhục nhằn suốt sáu năm lại cồn lên, đau ê ẩm, buốt xé. Nộp thầm cảm ơn cô gái Pháp Do Thái mồ côi lạc loài ấy. Nhưng biết làm sao được, quê hương, Đất nước, Nộp phải về!

Một trong những mối thù của Nộp, từ đó, là thù nhà thổ. Cũng từ đó, Nộp mê kể truyện Kiều đến thuộc lòng!

 

 

6

 

 

Sau khi Hiền Lương và Hành về, ông Nộp ngồi dậy, rồi lại nằm xuống. Đã bao lần ông Nộp thấy con người cần phải sống như thế nào để khi về già, lúc đã chết đi, còn một chút gì đó cho người quen kẻ thân khỏi liên lụy, buồn tủi về mình. Nhưng trước đây đời chẳng cho ông cơ may nào cả. Ông cũng tự trách mình. Sao hồi thanh niên, ông chả làm cách mạng? Ông thừa biết, bấy giờ, cho dù theo đảng nào đi nữa, để chống Pháp, thì cũng vinh quang. Ông thụ động rồi bị động, bị xô lùa như người ta lùa xô đàn bò nô lệ để hết đường trở lại làm con người xứng đáng con người. Ông thấm thía tự lâu rồi cái gọi là “guồng máy”. Một xã hội như một “guồng máy”, ông chỉ là con ốc vận hành trong “guồng máy” ấy. Vô thức hay hữu thức, nó lôi người ta đi, mà đa số, người ta có kịp suy nghĩ, chọn lựa gì đâu. Hết đà lôi của “guồng máy”, cũng tàn một đời người! Tỉnh lại, đời chẳng còn mấy nả, tóc bạc phơ rồi, chẳng làm sao cứu vãn được, không thể và chẳng ai cho cứu vãn!

Ông cay đắng nhất là thời theo chân Pháp về tái xâm lược quê hương, Tổ quốc. Lúc ấy, chạy theo Việt Minh, chưa chắc đã được chấp nhận, dù ông có “đọc” một vài tờ truyền đơn binh vận bằng cách nhờ lũ học trò đọc giùm, cũng có nghe loa kêu gọi quay súng trở về với chính nghĩa Việt Minh. Mặt khác, bấy giờ có một khuynh hướng chính trị thỏa hiệp từ vài chục năm trước còn có tác dụng kiểu như ma túy cho người lầm lỡ. Khuynh hướng thỏa hiệp với thực dân ấy lại của một danh nhân uy tín ngút trời. Đại để, dựa vào Pháp mà canh tân, chịu nhục như Hàn Tín để xây dựng Đất nước, hơn là cách mạng, vì làm cách mạng, trong điều kiện thực lực nước mình bấy giờ, chỉ thất bại thôi. Tuy nhiên, đừng hi vọng nhiều, đừng lấy sự dựa vào Pháp làm lâu dài. Phải chấn dân khí, nâng dân trí đã, đủ lực trong nước đã, rồi quật lại Pháp. Sách lược thỏa hiệp chỉ thế thôi, nhưng thế là đủ để Nộp yên lòng, lương tâm bớt cắn rứt khi cầm súng Bảo an đoàn bảo vệ an ninh cho Pháp, bình định các “đảng giặc”. À, Nộp nghĩ, với khả năng hạn chế của mình: “Bất bạo động, bạo động dả tất tử; Bất vọng ngoại, vọng ngoại dả tất ngu”, và gì đấy, “Ngã hữu nhất kế kính hiến chư đồng bào, thị chi học” (II.5). Chẳng biết Nộp có nghe nhầm hay người rỉ tai Nộp nhầm, là vậy. Đúng, súng ống đâu mà chống Pháp? Nhờ ai, cũng chỉ rước voi giày mả tổ! Thôi, đành chấp nhận Pháp “bảo hộ” để học, lớp trẻ học, mới tính chuyện chế được súng, chế được bom, mới đủ lực xây dựng Tổ quốc. À, Nộp nghĩ, hay, đại chi hay! Thấy lương tâm đỡ đau lắm.

Khi cầm súng thực dân lỡ đi rồi, người ta có một tâm thế của người lính ngụy, đón nhận luận điệu trên một cách sung sướng để tự biện minh cho mình, xoa ma túy vào nỗi đau bị lương tâm cắn rứt, kiểu như Tôn Thọ Tường, Nguyễn Bá Trác, Phạm Quỳnh và vân vân, cũng để hưởng lạc nữa! Có ai làm quan cho Pháp chỉ vì dân?

Nói chung, mọi tội phạm Việt gian, hay các tội phạm khác đều có cách xoa dịu lương tâm và biện hộ cho mình. Có thể Nộp cũng vậy.

Bọn Pháp cướp bóc, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ. Nộp thấy, Nộp biết. Nộp đau lắm. Nhưng chịu nhục như “sách” trên mà! Chấp nhận “con đường cứu nước nhục nhã” mà!

Thế rồi, chia cắt Đất nước, Nộp trở thành “chiến sĩ cộng hòa”. Thế là độc lập, tự do, dân chủ rồi, như Ngô “chí sĩ” (!) trịnh trọng tuyên bố. “Quốc gia đã đến ngày giải phóng” (!). Nộp hát dưới lá cờ vàng ba que xỏ lá và chân dung Ngô “chí sĩ”, trào nước mắt. Ôi, Ngô “chí sĩ” (!), Người (!) đã “bao năm từng lê gót nơi xứ người” để trở về với Mỹ “giải phóng” (!) quê hương, Tổ quốc, và ban cho Miền Nam thứ tự do “hào phóng” (!) hơn Miền Bắc! Mỹ chỉ là “cố vấn” (!). Sung sướng, biết ơn biết chừng nào! Ôi, Thượng đế ban phúc lành cho “Người” (!), cho toàn dân Nam Việt Nam! Không, sẽ ban cho toàn dân Việt Nam! Sic!

Thế đấy, chút lòng yêu nước còm cõi trong một thân thể tráng kiện vào bậc nhất thôn làng của Nộp đã được bồi dưỡng để chống cộng, bảo vệ Thượng đế và tự do! Sic! “Con đường nhục nhã” đã thắng (!).

Rồi Diệm sụp đổ. Rồi đấu đá tranh giành các thứ ghế, ghế lớn ghế bé, gái lành gái rách, trên chính trường Miền Nam giữa các tướng. Rồi Nộp gãy chân vào năm một chín sáu tám, Tết Mậu thân, do một mảnh pháo kích! Truyện Kiều như tấm phao cứu Nộp từ độ ấy, mặc dù từ độ nào đã yêu, trong niềm đau đớn, ngậm ngùi. Nhờ con cháu đọc, Nộp càng thuộc lòng, thuộc cả ba ngàn câu!

Đã lâu rồi, về vườn với quân hàm thượng sĩ, với cái chân khập khiễng, từ cái Tết Mậu thân ấy, Nộp có dịp bứt ra khỏi “guồng máy”, lực “lôi cuốn” vô thức và hữu thức, tỉnh tỉnh mê mê, để ngẫm nghĩ, ngấm đòn. Hóa ra, cả một cuộc đời, bị xô đẩy và bị lừa bịp, tự chạy theo và tự lừa bịp, đã tàn phế rồi!

Biết vậy, ngấm đòn đến vậy, nhưng “guồng máy” Mỹ ngụy còn đó, còn “lôi cuốn” Nộp, như nghiện, quen một thói quen, như trót già một nửa đời làm ma cô hoặc làm chính khách trong một không khí cực kì bụi bặm, men cay, người ta không thể rứt ra được, như ở rừng, quen rừng, về phố, người Thượng ngơ ngác nhớ rừng, quằn quại nhớ rừng rồi trở về rừng. Nộp biết, Nộp thấm thía hiểu, nhưng cứ bị “lôi cuốn” trong “guồng máy” như kẻ bị phân thân, bị tha hóa đến mức vong thân (đánh mất bản chất của chính mình!), mặc dù đã về vườn, đã thành tàn phế binh!

Đến Ngày Thống nhất bảy lăm, ông Nộp đã sáu mươi ba tuổi. Chịu khổ từ thuở nhỏ, ông cũng chẳng phàn nàn gì khi ở trại cải tạo sĩ quan và ác ôn ngụy. Chỉ thượng sĩ, nhưng bị xếp vào loại ác ôn, ông chả hiểu tại sao. Số phận mỗi người đôi khi do tính nết hay thành kiến của một người nào đó quyết định. Anh cán bộ này sao ghét Nộp, có thể do nhìn nhầm, nhớ nhầm, hoặc do một định kiến, với kẻ suốt đời theo giặc thì tội không tha. Chính sách chung, vận dụng riêng. Thế là Nộp đành chấp nhận. Nộp tự nhủ, luật nhân quả, bốn năm học tập cải tạo còn nhẹ. Nộp mừng quá khi được phóng thích, nhưng lo vẫn lo. Ông Nộp về lại làng cũ trong nỗi lo ấy.

Ông Nộp sau này ngẫm lại, ông mặc cảm lắm. Nhưng, ông nghĩ, ngụy tặc cỡ như ông quá nhiều, khắp cả Miền Nam, kể cả hàng triệu người Miền Bắc cũng vốn là ngụy tặc di cư vào Nam từ 1954. Mặc cảm lại vơi đi. Ông lại phóng đại lên, cả Miền Nam đều là ngụy tặc, đâu riêng mỗi một mình ông! Can chi mặc cảm! Ơ hờ, có chút rượu vào, ông tự nhủ, hừm, chẳng lẽ nửa nước là ngụy tặc, nửa nước là anh hùng? Hừm, ơ hờ. Có lí không rứa hè (vậy nhỉ)? Hừm, ông còn lạ chi Miền Bắc! Ở ngoài đó, bọn "phù Lê", "tả đạo" quậy phá suốt cả thời Tự Đức cho đến thời Hàm Nghi, để nằng nặc rước giặc Pháp "bảo hộ", bọn ngụy tặc như ông suốt sáu mươi năm (1885 - 1945 - 1954) Pháp thực sự thống trị rồi tái chiếm vẫn còn đầy rẫy, đã vào Nam hết đâu, cho dù có cuộc hoán vị di cư, tập kết hồi năm tư! Hừm! Ông lại tợp vài ngụm rượu, cười khậc, chua chát một mình.

Thực ra, ông biết, ông hiểu tận đáy lòng ông mang mặc cảm ngụy tặc, nhưng cũng tìm cách vuốt ve, biện hộ, đúng hơn là làm rõ cho mình. Ông biết vin vào sự thật lịch sử, và hơn thế, ông cảm thấy một khi quá nhiều người phạm tội, tội ấy bỗng nhẹ đi, thậm chí vô tội! Có như thế, mới còn sống được và có thể còn thọ lắm.

Nhưng, sáng nay, gặp Hành với Hiền Lương, bỗng dưng không kìm được, ông gầm lên đau đớn khóc, nhưng khô cả nước mắt, vì tuổi đã già. Trước đây, thỉnh thoảng cũng có mươi lần ông Nộp đau đớn khóc như thế. Nói chung ông đã vui vẻ sống trong niềm thông cảm của mọi người, đến mức chẳng cần biện hộ gì nữa, nhưng Kiều đã đánh thức hoài trong ông khát vọng nhân phẩm.

Có vài câu ông Nộp thường xuyên nói, khi thì như quát lên cho con cháu, xóm làng nghe, nhưng không dám quát to, và chỉ quát lúc một mình, thành ra không ai nghe thấy cả, khi lại lầm thầm một mình như tự nhủ. Hình như đó là những câu thần chú cứu khổ cứu nạn cho đời ông: "Phản phong, phản đế, phản thần! Chống quân chủ, phong kiến; chống thực dân, đế quốc; chống duy tâm, hữu thần! Tui thua Cách mạng lâu rồi, thua ông Hiền, chú Học lâu rồi. Suốt cả cuộc đời thằng ngụy Nộp ni theo giặc Pháp, giặc Mỹ thiệt, cũng có chịu lụy cố đạo "thập ác" cho qua thời, qua buổi thiệt. Bởi vì theo hai thằng giặc Pháp, giặc Mỹ nớ cũng như theo hai thằng giặc Nga Sô, giặc Trung Cộng thôi. Phía mô cũng giặc. Bởi vì chịu lụy "tả đạo" thì còn đình, còn chùa, còn lư hương, bát nước thờ cúng ông bà, tổ tiên, chứ theo Đảng vô thần, giặc vô thần thì mất sạch sành sanh, mất nước mất non, ruộng đất thì chung chạ sinh bậy bạ, lại mất cả hồn cả vía, ông bà không nhang không khói, lại đặt mấy thằng mắt xanh mũi lõ với mấy thằng chệt Mác - Lê - Mao trên đầu trên cổ của cả dân tộc, nhục đến rứa làm răng sống nổi! Xóm làng ai hiểu cho thằng ngụy Nộp ni thì hiểu, con cháu đứa mô hiểu cho thằng cha ngụy, thằng ôông ngụy của bây thì hiểu".

Mỗi lần quát một mình, không dám quát to vì sợ bị tù, mặc dù rất muốn cho xóm làng, cháu con nghe thấy để thông cảm, hoặc khi lầm thầm trong miệng như niệm thần chú, ông Nộp thường trào nước mắt, đôi lúc khóc ồ ồ rất thảm. Tuy vậy, cán bộ xã cũng biết! Có lắm lần chú Tập, bí thư xã, trách ông Nộp già rồi mà còn bệnh ngoan cố! Nhưng chú Tập hiểu đó là nỗi bệnh đâu chỉ riêng ở ông Nộp, mà của cả một cuộc chiến tranh dài dằng dặc, từ Xô-viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931) cho đến mãi sau này. Chú Tập ôn tồn bảo: "Chừ đình làng, chùa chiền, ban thờ tổ tiên với lư nhang bát nước, mọi thứ chi của ôông cũng đều có cả rồi. Rứa mà ôông còn nói ri, nói tê, tui không chịu trách nhiệm mô nghe. Ôông còn quát một mình, còn lầm bầm trong miệng như rứa nữa, thì chính ôông phải lên công an huyện để tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đó!". Nói vậy, có điều chú bí thư Đảng uỷ xã cũng biết ông Nộp tuy sai điểm này, nhưng không phải không đúng điểm nọ, nên chú Tập không khỏi cảm thấy đau đứt cả ruột. Đau đứt cả ruột, nhưng chú Tập cũng bực bội không kém. Chú rủa ông Nộp trong bụng: Lão ngụy cứ ngụy biện!

Có một lần, đau lòng, bực óc quá, chú bí thư Đảng uỷ xã định mời ông ngụy Nộp lên trụ sở để đả thông tư tưởng, nhưng rồi đích thân chú đạp xe đến nhà ông Nộp phía sau vườn đình làng.

Chú Tập nói cho dù ông Nộp chối:

- Tui biết ôông quát, lầm bầm những điều chi rồi. Nhưng ôông với chế độ ngụy đã làm được cái chi, hay chỉ làm nhục hai chữ Việt Nam? Ôông thử trả lời cho tui rõ: Ai đánh Pháp thắng lợi? Ai góp phần đánh Nhật thắng lợi? Ai đánh Mỹ thắng lợi? Ai đánh "tả đạo" thắng lợi? Ai đánh Trung Quốc bành trướng thắng lợi? Ai đánh Khơ-me Đỏ thắng lợi?

Ông Nộp cúi đầu, đáp, nhưng không dám nói hết ý nghĩ:

- Dạ, đó là nhờ ơn Cách mạng của Bác Hồ vĩ đại. Nhưng... Trước đây, rõ nhất là năm 1973, tui chống Trung Quốc của Bác Mao, vì Bác Mao xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa của mình. Trước đây tui chống Nga Sô vì Nga trực trị mười hai nước trong Liên Sô, gián trị nhiều nước chư hầu ở Đông Âu... Các nước bị Nga Sô trực trị bây chừ đã tuyên bố độc lập rồi! Đài, báo ở nước mình cũng đã đưa tin, bình luận. Tui là ngụy, dám mô quát, dám mô lầm bầm điều chi trong miệng!

Nghi ngờ sự thành thật của ông Nộp, nhưng dẫu sao cũng là chuyện đã rồi, nghĩ vậy, và đã chuẩn bị ý tưởng, chú bí thư xã lại chậm rãi nói:

- Ôông trả lời những câu hỏi của tui đúng, và biết nói "nhờ ơn Cách mạng của Bác Hồ vĩ đại" là được rồi. Ôông phải biết, Cách mạng của Bác Hồ đã làm nên những chiến thắng lừng lẫy địa cầu, hiển hách nhất lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc mình! Còn những vướng mắc của ôông, tui trả lời cho ôông rõ, là ri đây: Nga Xô, rồi Liên Xô... - Chú Tập bỏ dở câu nói để giải thích cách phiên âm của hai miền Nam - Bắc: sô-viết hay xô-viết chi thì cũng như nhau -. Tui nói lại, Nga Xô, rồi Liên Xô và Trung Quốc đều có cái bậy của họ, nhưng họ bậy thì kệ họ, họ giúp Cách mạng chống đủ thứ giặc là tốt rồi. Ôông đồng ý không?

- Dạ thưa, tôi đồng ý, nhất trí từ lâu rồi.

Đưa ánh mắt dò xét với sự nghi hoặc vào gương mặt nhăn nheo, râu ria bạc trắng của ông Nộp, nhưng cũng từ lâu rồi chú Tập hiểu rằng không thể thuyết phục người khác bằng những gì bản thân chú cũng rất băn khoăn, đau lòng, nhức óc. Chú bí thư xã buột miệng:

- Có phải là ôông sợ cấp uỷ, chính quyền xã và công an huyện, nên ôông chấp nhận như rứa, chứ trong bụng ôông nghĩ khác?

Ông Nộp hơi giật mình, vẻ mặt trở nên âu lo, sợ sệt, lắc đầu quầy quậy:

- Dạ, không... Thật lòng tôi đồng ý, nhất trí từ lâu rồi.

Chú Tập cũng chẳng biết nói gì hơn, vì những điều còn lại, ngay chính chú là bí thư nhưng cũng bí lí. Thật lòng nhờ chính những gì ôông Nộp quát một mình, lầm bầm một mình, ban an ninh xã rình nghe được, báo cáo lại, chú mới thấy lão ngụy này không theo Cách mạng mà theo giặc Pháp, Mỹ, thì cũng có cái lí của ngụy. Đặt ảnh tượng mấy thằng mắt xanh mũi lõ với mấy thằng chệt Mác - Lê - Mao trên đầu trên cổ cả dân tộc là thế nào! Dẹp đình làng, dẹp chùa chiền là thế nào! Bác Hồ vĩ đại không thờ cúng cha ông, tổ tiên chi cả là thế nào! Còn cờ đỏ sao vàng, cũng là cờ Liên Xô trích ra... nữa, là thế nào! Nhưng quả thật, sự thật phơi bày giữa hiện thực sờ sờ vốn là như thế! Chú Tập thấy bực óc, đau lòng thật. Và chú Tập còn biết rằng, mấy tay ngụy cũ như lão Nộp hiện giờ vẫn còn giữ nguyên trong đầu óc luận điệu ấy, lại còn kết án Cách mạng của Bác Hồ, chứ chẳng biết ơn chút nào, thậm chí còn oán trách rằng, nếu Cách mạng của Bác Hồ đừng sùng bái theo kiểu nô lệ các tên lãnh tụ Tây Tàu Mác - Lê - Mao - Xít-ta-lin với lại lốp sốp, lép sép gì đó, uỷ ban cách mạng Nghệ - Tĩnh thì cứ uỷ ban cách mạng Nghệ - Tĩnh, đừng xô viết xô vét gì đó, nghe sặc mùi lai căn, sặc mùi Nga La Tư, chẳng khác gì bọn rước voi về giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà Trần Ích Tắc, thì bọn ngụy chúng nó chẳng thằng nào đi lính ngụy cả, mà cả nước này đều theo Cách mạng của Bác Hồ tất thảy, và chiến tranh không kéo dài đến vậy, máu xương không chất ngất, lênh láng đến vậy. Chú bí thư xã biết rõ, có những tay ngụy cũ còn bảo với nhau: Mấy lão Cách mạng với lũ ăn theo Cách mạng cần phải mở mắt ra, nhìn các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh mà xem, để đối chiếu về sự mất nước của họ, nền độc lập của họ, nền tự do, dân chủ của họ, chứ mấy lão Cách mạng đừng ếch ngồi đáy giếng, xem trời bằng vung. Bọn ngụy láo xược thật! Mặc dù chúng tự thừa nhận chúng là ngụy đích thực, đành phải theo thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thật, chịu lụy "tả đạo" thật, nhưng lại dám bảo nhau thế đấy về Cách mạng của Bác Hồ! Có những kẻ còn cam đoan chúng chỉ nương theo chiều gió, kiểu nhu đạo, để lợi dụng ngược bọn Pháp, Mỹ, tả đạo, trước mắt nhằm đối phó với cộng sản vô thần Bắc Việt và cả với quan thầy của Bắc Việt là Nga Sô, Trung Cộng, sau đó mới quật lại Pháp, Mỹ, tả đạo! Luận điệu của ngụy là thế! Nhưng lấy cái gì để cải tạo, thuyết phục được bọn ngụy cũ, nếu không bằng sự thật lịch sử và hiện thực đã chứng kiến, đang ngó thấy? Chẳng lẽ thực tế nhất, hiệu quả nhất theo kiểu thực dân, đế quốc, phát xít, đó là dùng bạo lực nhà tù, trại cải tạo, thủ tiêu để trấn áp, khoá miệng? Hay vẫn theo câu "ranh ngôn" nào đó khá mỉa mai, là chân lí, sự thật lịch sử thuộc về kẻ mạnh, muốn vo tròn, bóp méo thế nào là tuỳ? Thế thì làm thế nào học tập được Nguyễn Trãi: Bệ hạ làm thế nào cho tận nơi thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận, oán sầu... Tư tưởng và chương trình hành động thân dân, yên dân như thế mới là gốc của mọi gốc. Ấy là nền tảng của thái bình thịnh trị lâu bền và của chính nghĩa đích thực, sử sách nghìn thu ca ngợi, hậu thế tự hào. Nhưng hiện tại làm thế nào theo Nguyễn Trãi nổi? Lê Lợi, và trước đó, Trần Hưng Đạo, làm nên chiến thắng hiển hách, có cần ngoại viện nào đâu, nịnh hót lãnh tụ nước nào đâu? Ồ, thời thế khác nhau chứ, gươm đao giáo mác cổ xưa với tên lửa tầm xa, máy bay phản lực, ra đa các thứ tối tân, hiện đại khác nhau chứ!... Nhưng dẫu sao cũng không nên sùng bái, nịnh hót kiểu tôi đòi như thế, phi truyền thống như thế, gây ra quá nhiều ngộ nhận! Lại còn "giặc vô thần" nữa!

Chẳng lẽ cứ bạo lực và bạo lực, nhồi sọ và nhồi sọ là ổn tất? Quả thật, chú bí thư Đảng uỷ xã rất đau lòng, nhức óc.

Chú Tập định nói bừa, được cái này mất cái kia, nhưng cũng cảm thấy hơi nhục quốc thể, cái nhục quốc thể này xưa nay trong lịch sử bốn nghìn năm chưa có tiền lệ (12)! Chú đành bấm bụng tránh né vấn đề, chào ông Nộp, lên xe, đạp ra khỏi khuôn viên đình làng.

Chú Tập dẫu sao cũng còn khá hơn bao cán bộ cách mạng khác, ở chỗ chú còn biết suy nghĩ, trăn trở. Còn ông ngụy Nộp vốn đã dốt nát, quen thói hèn hạ, lại còn bị sự sợ hãi làm cho ngu muội hơn.

Hôm ấy, khi chú Tập về rồi, ông Nộp mừng đến trào nước mắt, vì cứ ngỡ lại phải khăn gói lên công an huyện để bị đưa đi trại cải tạo một lần nữa. Hôm ấy cũng đã lâu lắm rồi, ờ, bốn năm rồi, có lẽ...

Ông Nộp nằm trên giường một mình hồi tưởng. Ông mong Hành và Hiền Lương hiểu cho ông... Ông lại tiếp tục thao thức nghĩ ngợi...

Từ độ được làm từ giữ đình làng, ông Nộp thấy đây là ân huệ ông được cuộc đời, được dân làng ban tặng. Một cơ may ông thử xin, thử xin thôi, mà được, để hương khói cho Nguồn cội, Tổ tiên. Là một đứa con lầm lỗi, ông chỉ biết chuộc lỗi với Nguồn cội, Non sông Làng nước bằng cách này. Và mười tám năm nay, ông Nộp không một phút, một ngày xao lãng. Dân làng rộng vòng tay với ông như với Kiều.

 

 

7

 

 

Mọi người trong nhà đã ăn cơm tối xong. Hiền Lương dọn mâm chén, lau bàn thật sạch, rồi ra giếng rửa và giặt. Thím Cận với o con gái mười lăm tuổi áy náy, ái ngại quá, ngồi nhìn Hiền Lương đang làm, bứt rứt không yên bụng. Chú Cận vừa lắc đầu vừa cười khà khà, vừa phục cô cháu Bình Dương vừa không bằng lòng. Ban đầu là thế, rồi thấy vậy cũng được, cháu chắt trong nhà cả. Sau lấy chồng để chồng thương, bây chừ phải tập. - Chú nghĩ thật thà như vậy. Hiền Lương không thể yên lòng khi cứ biến mình thành khách, và muốn mình đừng quen thói quan liêu. Ở Thủ Dầu Một, cô có cặp bao tay khi làm công việc nhà bếp, như công nhân trong xí nghiệp thủy hải sản đông lạnh, như bác sĩ trong phòng mổ, nhưng ở đây, hi sinh da tay chút đỉnh cho chan hòa. Ba cùng - cùng ăn, cùng ở, cùng làm - cơ mà! - Cô lại mỉm cười thú vị khi nghĩ thế - . Phải thấm tình ruộng đất.

Xong xuôi đâu vào đấy, Hiền Lương leo lên giường ngồi nói chuyện với thím Cận. Sau dăm điều ba chuyện nắng mưa dưa lúa, thấy chú Cận nghe đài, cô bé em họ co chân trên ghế đọc sách, Hiền Lương nghĩ đã có thể hỏi thăm chuyện đời ông Nộp với thím Cận. Là cháu ruột của ông, chắc thím biết ít nhiều.

- Chừ (giờ) chú Nộp cũng đỡ khổ rồi. - Thím nói chậm rãi -. Ôông tra (già) rồi, ai làm gì ôông nữa! Trước đây, thời gian chú Nộp còn bị quản chế, thỉnh thoảng, năm khi mười họa, công an huyện có mời ôông lên kể lí lịch. - Thím giải thích thêm -. Ôông mù chữ xưa chừ. Chỉ chừng nớ thôi, rứa mà ôông nói cách nớ là tra tấn ôông.

Hiền Lương lắng nghe. Thím Cận cười, sực nhớ:

- À, quên. Hồi mới đi cải tạo về lại làng, có thư hai anh con trai của ôông bên Mỹ gửi về, du kích xã gọi ôông lên nhận. Ôông tưởng phen ni (này) chắc chết. Nhưng rồi có chi mô. Sau ni, hai eeng tam (anh; tam = em) bên nớ gửi tiền, quà về luôn.

Hiền Lương thấy thím Cận nói phải, rứa đã đỡ lắm rồi.

- Ông vẫn còn người con gái duy nhất bên này hở thím?

- Còn o nớ (cô ấy). Ôông có chắt ngoại rồi. Kị giỗ, tất cả con cháu ngoại lo. Mệ (bà) thì chết lâu rồi.

Hiền Lương thấy bớt thương ông Nộp một chút. Cô thành thật so sánh ông Nộp với ông Hiền, thấy ông Hiền nghèo hơn nhiều, nhưng bù lại thanh thản hơn, và ông Hiền còn có niềm tự hào.

- Rứa cháu thăm đình làng chưa? Mới xây lại đó, thua xưa.

- Dạ, nhưng cháu chưa vào thắp hương. Chắc mai mốt cháu phải lên thắp.

- Ơ! Về thăm quê nội mà chưa thắp hương trong đình? Rứa, mang tội chết! Ông bà tổ tiên quở (trách) chết!

Hiền Lương ngượng ngùng:

- Dạ, lẽ ra sáng hôm qua cháu đã thắp hương rồi. Nhưng, đến chừ vẫn chưa. - Và cô cười lảng - . Ba cháu gấp việc, hôm nọ, ổng đi một mình, chắc đã cúng vô quỹ xây dựng.

- Đình là thiêng lắm. Trước, hồi thím còn dỏ (nhỏ), mỗi lần tế lễ, bui (vui) lắm. Chừ gọi là Hội, Ngày Hội làng. Dịp nớ, có eeng Nguyễn đọc lịch sử làng với nước, có chiếu phim với đủ các trò chơi, khi tế lễ cũng đèn, cũng cờ, áo dài khăn đóng, trống, chiêng...

- Trong đình chắc đẹp, thím hè? - Hiền Lương dùng từ địa phương.

Thím Cận mỉm cười, cường điệu về vẻ uy nghi:

- Sợ. Thím nỏ (không) dám dòm (nhòm) lâu. Gươm đao giáo mác hai hàng sáng quắc. Trang nghiêm lắm.

Hiền Lương hơi ngạc nhiên. Chùa, chẳng có binh khí, tất nhiên. Cô nghĩ, hay đình, một triều đình thần linh, một chính phủ của mười lăm tộc trong làng mà vua là bài vị Tổ tiên trên ngai thờ? Có lẽ ngày xưa, sức mạnh của cộng đồng làng ấp được nhân lên nhờ ở chỗ cố kết được lòng dân, quy hướng được tâm linh, và tất nhiên các trưởng tộc cũng hình thành chính phủ với các người có học hàm, học vị hoặc quan về hưu. Một bước phát triển của công xã thị tộc chăng? Bây giờ, thêm một bước phát triển như Hành nói hôm qua?

Hiền Lương mê hội họa, có chú Nông thích đọc đủ thứ sách báo, nên cô vốn chịu khó, lại còn có điều kiện, không khí để tìm hiểu nhiều vấn đề. Cô lại có óc phân tích sâu, tổng hợp, khái quát hóa tốt, nên nắm bắt vấn đề khá nhạy, tư duy, đào xới nhanh. Và lúc này, cô cảm thấy mình quá vui khi phát hiện được vài vấn đề, vài khía cạnh. Mai, ngày mai, phải trao đổi với Hành!

- Khi làm lại đình, bui (vui) lắm. Đúng là như ôông chi hè, ôông... - Thím hướng về chú Cận, lại quay qua hỏi con bé đang đọc sách, tiếng hơi lớn hơn - . Bông Bưởi, ôông chi nói: “Việc trăm lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” hè?

Bông Bưởi quay lại cười. Giọng Quảng Trị, tiếng địa phương, nhưng Bông Bưởi phát âm thật chuẩn:

- Dạ, trong sách nói đó là ông nhà thơ Thanh Tịnh. Ông nớ cũng có gốc gác là Gio Linh, Quảng Trị mình. “Dễ trăm lần...”, nguyên văn là rứa.

Thím cũng cười rất vui, lại chuyện trò với Hiền Lương.

- Đúng rứa thiệt. Sau nhiều năm bỏ phế, chỉ thắp hương với quét tước, lúc làm lại đình, dân làng mừng lắm. Họ gánh đất, đổ đất, cơi thêm nền đình làng cứ như đàn ong xây tổ. Không ai nề hà quản ngại chi hết.

Hiền Lương nghĩ, sức mạnh làng thôn truyền thống được huy động, hay diễn đạt cách khác, sức mạnh tâm linh - lịch sử tiềm tàng nghìn năm được khơi dậy, có khi là một phản ứng chống bệnh “ấu trĩ “tả” khuynh”, như Hành nói. Cô cũng nghe ba cô có phàn nàn: Phục hưng, về nguồn là đúng, nhưng phục cổ, nệ cổ là cổ hủ luôn. Cô nghĩ, tối nay phải suy nghĩ thêm, mai phải đi một mình lên đình thắp hương, tìm hiểu thêm nữa, để trao đổi với Hành chứ! Cô thấy mình tự ái một cách trẻ con, và mỉm cười. Buồn cười, nhưng phải vậy! Cô bặm môi nhưng lại bật ra tiếng cười. Cô đâm ra bâng quơ nhớ Hành, rồi bất giác so sánh Hành với những người bạn trai cô đã gặp, đã quen. Năm nay, cô đã hai mươi hai tuổi rồi, đã cử nhân, - Cô mỉm cười -, yêu đương được chưa nhỉ. Thật ra cũng đã đôi lần yêu bâng quơ mộng tưởng rồi đó. Từ năm lên phổ thông trung học, bao anh chàng săn đón, tán tỉnh Hiền Lương, nhưng bọn con trai Sài Gòn bây giờ bạo quá, Tây quá, Hồng Kông quá... Không, không, mẹ dặn rồi... Phải giao thiệp với bọn con trai nhưng phải giữ khoảng cách và phải khôn ngoan, bản lĩnh. Giữ gìn tâm hồn lẫn thể xác như tờ giấy trắng khó biết bao nhiêu. Tờ giấy trắng! Mỗi đêm trước khi đi ngủ, cô tự vấn mình suốt một ngày đã làm gì, lại tự kỉ ám thị mình như một lời tâm nguyện về tờ giấy trắng. Vâng, mẹ ơi, con đã thành khẩn tâm nguyện bao năm rồi, mỗi từng đêm. Vâng, duy con người là sinh vật được giáo dục và biết tự giáo dục, nên mới được gọi là con người.

Thím Cận đã xuống nhà ngang bưng lên mâm chè đỗ đen. Hiền Lương đang bâng quơ, miên man nghĩ ngợi, cô chợt giật mình.

- Ơ, sao thím không để cháu bưng lên? - Cô buột miệng.

Và sau khi ăn chè tối, dọn rửa, đi ngủ, Hiền Lương sực nhớ đến cuốn sách Vô ngôn Vô tự cùng các hình tượng khác, bằng chè kiểng lá nhỏ của ông Hiền. Những mẩu chuyện với Hành, với thím Cận và cuốn sách Vô ngôn Vô tự cứ chập chờn, cứ sáng rõ về một cuộc đời mà Hiền Lương đã trông thấy từng nếp hằn đớn đau, tủi nhục còn đọng lại. Khi tuổi già, ai chẳng tóc bạc, da mồi, nhăn nheo, nhưng rõ là có những mái đầu, gương mặt già nua thanh thản và tự hào vì đã sống một đời sống đẹp, có ích cho mình, cho đời. Hiền Lương thương ông Nộp. Ngẫm cho cùng, cuộc chiến tranh nào, từ xưa đến nay, cũng có hơi nhiều người như thế, cho dù trên đất nước nào, với màu da nào, dù Đông hay Tây. Họ không được quyền chọn lựa chính nghĩa hay phi nghĩa, mà chính nghĩa hay phi nghĩa chọn họ. Họ sáng mắt nhưng họ mù quáng. Họ tự do tay chân nhưng thực sự tay chân họ bị gông cùm vào vũ khí, họ thành người máy của những luận điệu tuyên truyền ám thị. Nói như Gơ-ben (13), bộ trưởng tuyên truyền Đức quốc xã, “chân lí, ấy là sự lặp đi lặp lại những sai lầm”. Sai lầm cứ lặp đi lặp lại bằng nhiều hình thức, kể cả những hình thức trong từng mẫu mã quảng cáo hay trình bày vật hạng tiêu dùng hằng ngày, cũng thành chân lí. Và nói như ông Nộp với ai đó mà cuốn sách Vô ngôn Vô tự còn nhớ, còn ghi, là sự lôi kéo vô thức lẫn hữu thức của cái gọi là “guồng máy”. Những người như ông Nộp, may mắn, được chính nghĩa chọn lựa, họ được ca ngợi, được ghi công. Và họ, bất hạnh, bị phi nghĩa chộp bắt, xô lùa, họ bị kết tội, bị sỉ nhục. Ông Nộp thuộc trường hợp thứ hai. Chẳng hiểu sao, bức kí họa - vẽ theo trí nhớ - về ông Nộp, đầy những nếp hằn, như vô vàn làn roi số phận quất lên mặt ông. Hiền Lương nghẹn ngào... Nhưng, trước tiên phải tự trách mình. Vâng, cô thường nghe ba cô nói, “tiên trách kỉ, hậu trách bỉ” (II.6). Không thể đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh riêng và chung. Ba cô còn hay hát khẽ bài dân ca Nghệ An, Hà Tĩnh: “Giận thì giận, mà thương thì thương, anh sai đường em không chịu nổi. Vì thương anh... Nhưng trước tiên, anh phải tự trách mình!”. Chú Nông thương người, thương mình, hát cho mình, cho người, hay chỉ vu vơ hát? Cô chưa hỏi ba của mình, nhưng cô biết ba cô buồn hận cuộc đời của ông lắm.

Hiền Lương lại miên man suy nghĩ về cái đình làng.

Ồ, hai hàng gươm đao giáo mác sáng quắc... Đấy là Đạo Đời chăng? Đạo Yêu Nước - Đạo Xây Làng Dựng Nước,  Đạo Gìn Làng Giữ Nước chăng? Và cũng là Đạo Làm Người?

Hiền Lương ru cô vào giấc ngủ bằng câu tự kỉ ám thị  - một lời tâm nguyện hằng đêm, một câu kinh cô tự đặt ra cho chính cô. Hiền Lương quán tưởng về tờ giấy trắng.

Đêm khuya mùa hè bên sông Bến Hải, ngọn nồm đã thổi vào hơi mát dịu của biển xa, xua hết những gió nam nóng và nắng lửa. Từng ngọn, từng ngọn nồm, rười rượi, từ cửa Tùng quê hương...

 

TXA.

 

 

CƯỚC CHÚ chương V:

 

(12) Vẫn theo cách vận dụng thủ pháp "chép nguyên xi cuộc sống", tác giả đưa các chi tiết đúng với sự thật lịch sử vào hình tượng hư cấu hoàn toàn, có tên là Nộp này (lão Nộp là hình tượng điển hình cho một phân số nhỏ trong xã hội, loại người đáng thương hơn là đáng giận, thời nào cũng có). Sở dĩ cần phải chân thật trong việc phản ánh hiện thực đến mức ấy là bởi tác giả muốn được trình bày lại một vài nét về những nguyên nhân khiến nửa sau cuộc chiến tranh (với các mốc thời điểm 1858 - 1885 - 1930 - 1945 - 1954 - 1975 - 1989) kéo dài đến kinh hoàng như vậy. Đó là những nguyên nhân lịch sử mà tác giả đã cẩn trọng, trung thực điều tra, thu thập tư liệu và nghiên cứu. Kính mong một số độc giả kính mến không lấy thế làm điều đáng bức xúc và quan trọng nhất là đừng ngộ nhận về tác giả. Xin vui lòng, nhẫn nại xem tiếp cuốn tiểu thuyết này, đặc biệt là các chú thích ở chương XIII, cho đến những trang lời bạt "Ý nghĩ khi đọc lại tiểu thuyết của mình, MÙA HÈ BÊN SÔNG: ..." ở cuối sách...

 

(13)

 

    a) Đức quốc xã và kẻ sĩ... 

trán ngời chất ngọc

ngạt dưới bùn rong

đen nghìn bão lốc

quăng quật chút lòng.

 

    b) Gơ-ben (Gœbels)

ba gầm bảy phét

không tin không im

triệu rỉ tỉ hét

đầu rủ mắt dim.

 

                             TXA.

 

( xem tiếp chương VI )

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE