r. Bài 18-Tl.4 - Trần Xuân An -- Thêm hai ý kiến nhỏ sau khi đọc bài báo của ông Phạm Thành Chung

 

► Cập nhật (14-11 HB9): Bài mới nhất: Trần Xuân An --  THÊM HAI Ý KIẾN NHỎ SAU KHI ĐỌC BÀI BÁO CỦA ÔNG PHẠM THÀNH CHUNG 

Thảo luận trong tình huống mình bị thất thế, thì không nên thảo luận. Không khéo, lại bị rơi vào bẫy -- bị hạ thấp trong cái hố người ta đào sẵn! Tuy biết vậy, nhưng tôi cũng nêu ra câu hỏi nhỏ: Liệu ông Phạm Thành Chung đã đọc toàn bộ hay chí ít là vài tác phẩm chính của tôi chưa nhỉ? Hỏi như vậy để thảo luận thêm một đôi điều, kẻo mang tiếng là người cầm bút không dám đấu tranh bằng ngọn bút. TXA.

 

Khi nêu vấn đề ra trước công luận, có báo in giấy hay trang thông tin điện tử nào đó đăng bài, đã là một điều đáng ghi nhận và cảm kích. Bài báo lại có phản hồi một cách lịch sự (có thể còn chứa đựng ý ngầm thế nào đó, chưa nói), cũng nên xem đó là biểu hiện của “thông tin hai chiều” trong thời dân chủ, bùng nổ thông tin. Vì vậy, khi đọc bài “Ứng viên Hội nhà văn Việt Nam: Những điều ngộ nhận” của Phạm Thành Chung (có lẽ là nhà thơ trẻ Phạm Khải), trên Báo điện tử Công an Nhân dân (12-11-09), trước hết, tôi nghĩ mình nên trao đổi thêm một vài ý kiến... >>>>>> Xem tiếp >>>>>>  http://txawriter.wordpress.com/2009/10/24/ket-nap-hoi-vien-hnvvn-2009/

 

13 & 14-11 HB9: Bài đã đăng trên 2 Tr.Ttđt. Trần Nhương Com & Phong Điệp Net:

http://trannhuong.com/news_detail/2999/THÊM-HAI-Ý-KIẾN-NHỎ-SAU-KHI-ĐỌC-BÀI-BÁO-CỦA-ÔNG-PHẠM-THÀNH-CHUNG

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8942 (THÊM HAI Ý KIẾN NHỎ VỀ VIỆC KẾT NẠP VÀO HỘI NHÀ VĂN...)

 

 

 

 _________________________________________

 

Bài hoàn chỉnh

 

 

THÊM HAI Ý KIẾN NHỎ SAU KHI ĐỌC BÀI BÁO

“Ứng viên Hội nhà văn Việt Nam: Những điều ngộ nhận”

 

 

Trần Xuân An

 

Thảo luận trong tình huống mình bị thất thế, thì không nên thảo luận. Không khéo, lại bị rơi vào bẫy -- bị hạ thấp trong cái hố người ta đào sẵn! Tuy biết vậy, nhưng tôi cũng nêu ra câu hỏi nhỏ: Liệu ông Phạm Thành Chung đã đọc toàn bộ hay chí ít là vài tác phẩm chính của tôi chưa nhỉ? Hỏi như vậy để thảo luận thêm một đôi điều, kẻo mang tiếng là người cầm bút không dám đấu tranh bằng ngọn bút. TXA.

 

Khi nêu vấn đề ra trước công luận, có báo in giấy hay trang thông tin điện tử nào đó đăng bài, đã là một điều đáng ghi nhận và cảm kích. Bài báo lại có phản hồi một cách lịch sự (có thể còn chứa đựng ý ngầm thế nào đó, chưa nói), cũng nên xem đó là biểu hiện của “thông tin hai chiều” trong thời dân chủ, bùng nổ thông tin. Vì vậy, khi đọc bài “Ứng viên Hội nhà văn Việt Nam: Những điều ngộ nhận” của Phạm Thành Chung (có lẽ là nhà thơ trẻ Phạm Khải), trên Báo điện tử Công an Nhân dân (Văn Nghệ CAND., 12-11-‘’09), trước hết, tôi nghĩ mình nên trao đổi thêm một vài ý kiến:

 

1) Tôi viết ba bài về vấn đề kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009, gửi đăng ở các điểm mạng toàn cầu Phong Điệp, Trúc Sơn Trang (xuanduc  vn), Trần Nhương. Tôi cũng có gửi đến Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam, Sông Hương, Sông Cửu Long, nhưng các cơ quan ngôn luận này không đăng. Cùng với lời cảm ơn nhà báo Phạm Thành Chung khi biết ông có đọc bài thứ nhất, tôi mong ông vui lòng đọc thêm hai bài kế tiếp.

 

2) Bài báo của Phạm Thành Chung đã cho tôi rõ thêm một số thông tin:

 

-- Vai trò của hai người giới thiệu khi nộp đơn gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam chỉ có ý nghĩa về mặt thủ tục. Theo đó, phải chăng lời giới thiệu của hai vị này thế nào đi nữa thì các Hội đồng chuyên ngành, các Ban đề tài cũng chỉ tham khảo mà thôi. Sự quyết định là ở các Hội đồng, các Ban và Ban Chấp hành Hội.

 

-- Có những thông tin cần lưu tâm, xin trích nguyên văn như sau:

 

“Lại có những tác giả rất tự tin mà ngộ nhận rằng, việc xứng đáng hay không xứng đáng trở thành Hội viên Hội Nhà văn đều là những thứ có thể đo được một cách dễ dàng”;

 

“Kỳ thực, đối với vấn đề xét kết nạp hội viên, "người đọc và xã hội" cũng không thật chú ý lắm đâu”;

 

“Về tiêu chí chất lượng (tác phẩm – chua thêm) thì để người ngoài bình xét, như vậy mới khách quan”;

 

“Một điều "ngộ nhận" nữa của một số tác giả có đơn xin gia nhập Hội Nhà văn là họ thường nghĩ rằng, thành viên trong các Hội đồng phải có trách nhiệm biết đến tác phẩm của họ, biết đến năng lực của họ. Về lý thuyết thì như vậy, song thực tế chúng ta đều biết, sách báo hiện nay được in ra rất nhiều. Sự phát hành lại rất manh mún, nhiều khi địa bàn nào biết địa bàn ấy”;

 

“Hơn thế, các thành viên trong các Hội đồng, các Ban Văn học, kể cả trong Ban Chấp hành Hội đa phần đều kiêm nhiệm. Bởi vậy, thời gian để họ đầu tư vào việc đọc và tìm hiểu về các tác giả chắc chắn không được nhiều”;

 

“Việc ai đó mơ ước về một Hội đồng có thể đánh giá chân xác, vô tư về năng lực của tất cả những người sáng tác trong cả nước thì Hội đồng đó "phải gồm các... thiên thần trên đỉnh Olympia”” (nhắc lại ý của nhà văn Võ Thị Xuân Hà – ct.);

 

“Có những Hội đồng, theo tôi biết có người trước đây từng không bỏ phiếu kết nạp hội viên cho một người khác hiện cũng tham gia Hội đồng với họ. Điều đó chứng tỏ đến bản thân họ còn chưa "thừa nhận" nhau, thì việc giữa họ có độ "vênh" nào đó trong thẩm định giá trị của một tác giả mới có đơn xin gia nhập Hội, âu cũng nên xem là chuyện bình thường”;

 

“Thử hỏi, đến những vị nổi tiếng trong làng văn như vậy, mà họ (các tác giả có đơn gia nhập Hội – ct.) còn biết một cách rất lỗ mỗ như thế, đòi hỏi làm sao những người "cầm cân nảy mực" kia nhất nhất phải biết đến văn nghiệp của họ?”…

 

Trước sự thể với các hạn chế như vậy, thiết tưởng chỉ có phương thức dân chủ - công khai mới có thể khắc phục được những hạn chế ấy (đúng hơn, đó là những khuyết điểm). Tôi đã bàn đến trong ba bài báo đã viết, nên xin khỏi lặp lại ở đây.

 

Vài ý kiến nhỏ, xin đóng góp thêm:

 

1) Cơ chế giới thiệu vốn đã có. Nên chăng cần vận dụng thêm cơ chế tiến cử. Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến nước ta, các triều đại thường ban bố quy chế tiến cử. Việc phát hiện được nhân tài, mặc dù đã có nền nếp thi cử (thi hương, thi hội, thi đình) sàng lọc, vẫn rất được các triều đại quan tâm. Tại sao như vậy? Xin suy nghĩ vấn đề này. Tất nhiên, chúng ta chỉ vận dụng trong phạm vi phát hiện, tiến cử nhân tài văn chương (sáng tác, lí luận – phê bình, dịch thuật…) mà thôi. Lời giới thiệu, tiến cử cũng nên công khai đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhờ vậy, không ai dám viết bừa vào đơn gia nhập, vào văn bản tiến cử.

 

Xin nói rõ hơn: Mỗi tác giả muốn vào Hội Nhà văn Việt Nam (hay các hội nhà văn địa phương), theo điều lệ, cần có hai nhà văn hội viên viết lời giới thiệu, kí tên ngay trong đơn gia nhập Hội. Đó là quy định về thủ tục giới thiệu.

 

Còn cơ chế tiến cử tôi đề xuất là cách vận dụng quy chế tiến cử dưới các triều đại ngày xưa, mặc dù thuở bấy giờ đã có các kì thi hương, thi hội, thi đình sàng lọc. Sở dĩ có quy chế tiến cử bên cạnh các kì thi là bởi các triều đại ngày xưa lo sợ bỏ sót nhân tài. Có tình trạng bỏ sót nhân tài là do giám khảo trường thi chấm bài không nghiêm túc, cho điểm không xứng đáng hoặc do các quan lại địa phương trù úm nhân tài… v.v… Các vị vua thường nhắc nhở, đại để: Ai tiến cử được người tài, sẽ được thưởng hậu, như phong thăng hàm, tước, lương bổng; ai che giấu người tài, sẽ bị phạt nặng, có thể đến mức tử hình.

 

Ở đây, chỉ vận dụng trong lĩnh vực sáng tác, lí luận – phê bình, dịch thuật văn chương. Theo đó, bất kì nhà văn hội viên nào phát hiện được nhân tài văn chương, với sự tìm hiểu, thẩm định kĩ lưỡng, đều có nghĩa vụ tự viết văn bản tiến cử, gửi cho Ban Chấp hành Hội. Nếu đơn gia nhập Hội do tác giả muốn vào Hội tự viết, thì văn bản tiến cử này hoàn toàn do người tiến cử tự viết, tự gửi hoàn toàn (chỉ cần có chữ kí thể hiện sự đồng ý của người được tiến cử?). Cũng xin minh định: tiến cử để trở thành hội viên Hội Nhà văn (với ý nghĩa là đã quyết chí trọn đời viết văn chương và đã có một số tác phẩm chứng tỏ triển vọng không nửa đường buông gánh, thì phải có nghiệp danh tương thích), chứ không phải tiến cử để làm quan chức gì.

 

Đây là biện pháp có thể dễ dàng vận dụng trong điều kiện hiện thời, như thêm một cách cải tiến thực trạng chưa tốt. Nhưng cũng chỉ là một đề xuất... (*). Theo tôi, các hội nhà văn (địa phương, toàn quốc) cải cách, đổi mới để thể hiện rõ tính chất nghiệp đoàn lao động nhà văn với cơ chế “chuẩn -- quyền & nghĩa vụ”, vẫn tốt hơn. Nhưng đó là một đề xuất hơi xa (một khi điều lệ Hội đã được sửa đổi).

 

2) Không biết các vị thành viên Hội đồng chuyên ngành, thành viên Ban đề tài sau khi đọc tác phẩm của các tác giả có đơn gia nhập Hội, họ có ghi bản nhận xét, đánh giá của cá nhân mình hay không. Câu hỏi cũng xin đặt ra như vậy với các ủy viên Ban Chấp hành Hội. Nếu không có các bản nhận xét, đánh giá ấy, tôi e rằng sự nghi ngại của nhiều người đọc về sự thể ấy (không đọc nhưng vẫn bình xét!) là có cơ sở. Nếu có, thì cũng nên công khai trên báo chí, điểm mạng nốt. Đây là một việc hết sức quan trọng và thiết thực, cụ thể. Việc công bố các bản nhận xét, đánh giá (kể cả các lá phiếu của mình, nếu có thể, càng quý) sẽ khiến cho các thành viên Hội đồng, thành viên Ban không thể qua loa, chiếu lệ, cảm tính (*)… Danh dự, uy tín tên tuổi của họ sẽ được công chúng, giới cầm bút văn chương hôm nay và cả mai sau nhận định.

 

Là người sống chết với nghiệp dĩ văn chương, suốt đời lao tâm khổ tứ với lao động sáng tác, lí luận – phê bình, dịch thuật văn chương… tất nhiên các nhà văn chương phải đọc nhiều, đọc cả những trường phái, trào lưu mình không yêu thích. Do vừa lao động văn chương vừa đọc văn chương (chưa nói các ngành khoa học, các lĩnh vực liên quan…), nên trình độ thẩm thức văn chương của nhà văn chương càng ngày càng tinh tế và rộng mở, cụ thể là thẩm định được cái hay, cái dở, cái mới, cái cũ về các mặt ngôn từ, kết cấu, ý tưởng, tư tưởng, thẩm mĩ… của mỗi tác phẩm, tác giả, đặc biệt là thẩm định với cơ sở lí luận và có thể diễn giải sự thẩm định một cách tinh tế, minh bạch, đầy thuyết phục. Nói một cách giản dị, tác phẩm, tác giả nào hay hay dở, cũ hay mới, đọc vào là biết ngay. Nói cụ thể hơn, thậm chí cũng có thể thừa nhận cái hay, cái mới về ngôn từ và các kĩ thuật khác trong việc xây dựng tác phẩm văn chương, nhưng không tán thành về ý tưởng, tư tưởng, hoặc ngược lại, thừa nhận nội dung là tốt nhưng chê về ngôn từ, kĩ thuật sáng tác khác. Hiếm có trường hợp thẩm định nhầm, trừ phi đối với những sáng tạo quá mới mẻ hoặc quá táo bạo, thuộc loại vượt thời đại (xin đừng đánh đồng với loại lập dị, vi phạm thuần phong mĩ tục). Nếu không có trình độ thẩm thức tốt, làm sao viết được văn chương hay!

 

Đó là lời bàn về những nhà văn chương đích thực (không phải là những người được gọi là “nhà văn chương” do yếu tố ngoài văn chương) và cũng chỉ bàn về văn chương giai đoạn Đổi mới, hội nhập quốc tế và hòa hợp, hòa giải dân tộc hiện nay (không nói đến giai đoạn trước).

 

Tuy vậy, đó chỉ mới là cái tài. Vấn đề còn là cái tâm, là đức tính trung thực, công bằng, không có óc bè cánh, không thèm nghĩ đến cái lợi quyền cá nhân trước mắt… Chính những người có tài, nhưng thiếu cái tâm, là những kẻ gây hại cho nhiều người khác.

 

Ai không có tài mà chỉ do các yếu tố ngoài văn chương nên cũng được gọi là nhà văn chương, ai chỉ có tài, không có tâm, ai vừa có tâm vừa có tài, nếu công khai hóa, thì công chúng, giới cầm bút biết ngay, và hậu thế sẽ định luận về họ.

 

Với hai ý kiến đóng góp như thế, tôi hi vọng thực trạng phi lí và bất nhẫn như nhà báo Phạm Thành Chung (và cả nhà văn Võ Thị Xuân Hà) dửng dưng nêu ra cùng với nỗi âu lo, nghi ngại của các tác giả chưa được chính thức có nghiệp danh nhà văn về sự tắc trách, chiếu lệ, qua loa của những thành viên các hội đồng chuyên ngành, thành viên các ban đề tài và cả những ủy viên Ban Chấp hành trong việc đọc tác phẩm của họ (các tác giả có đơn gia nhập Hội) sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, chúng ta đều biết, quy chế với những ràng buộc nhất định trong công việc (như buộc phải có nghĩa vụ tiến cử người tài, buộc phải có văn bản nhận xét, đánh giá cụ thể trong việc đọc thẩm định…) chỉ có tác dụng tối ưu một khi người thực thi, đảm trách phần việc của mình có ý thức trách nhiệm, có tấm lòng thật sự với văn chương và văn tài. Cái tâm vẫn rất quan trọng. Bàn về nhà văn chương mà còn nhấn mạnh đến cái tâm, tôi e rằng thế cũng là xúc phạm! Tuy nhiên, thực trạng vô tâm, dửng dưng, quan liêu, thậm chí hãnh tiến của một bộ phận trong giới cầm bút phải chăng là có thật… Tôi hi vọng thực trạng sẽ được khắc phục và sẽ không đến nỗi cứ tiếp diễn như vậy.

 

 

 

Trần Xuân An

09:30, ngày 13-11 HB9 (2009)

& 08:00, 16-11 HB9

 

 

____________________________

 

(*) Chỉ có đề xuất này là có khả năng thực hiện, sau khi “Danh sách tác giả đã được các hội đồng, ban văn học đề nghị BCH. xem xét kết nạp năm 2009″ được công bố: “sẽ có ý kiến phản hồi từ công luận xã hội, trong đó có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình – lí luận không có mặt trong các hội đồng, các ban sơ tuyển. Bởi lẽ, “Danh sách tác giả đã được các hội đồng, ban văn học đề nghị BCH. xem xét kết nạp năm 2009″ cũng có thể được các hội đồng, các ban văn học điều chỉnh, bổ sung, một khi ý kiến phản hồi từ công luận là rất xác đáng, trong tinh thần xây dựng.

[trích từ bài thứ nhất: TXA. -- “Kết nạp hội viên mới -- lộ trình dân chủ - công khai, nên chăng cần hoàn thiện thêm”]..

15-11 HB9

TXA.

 

 

ĐÍNH CHÍNH (đã sửa trong bài):

 

1) “Còn cơ chế tiến cử tôi đề xuất trong bài viết trên là cách vận dụng quy chế tiến cử dưới các triều đại ngày xưa, mặc dù thuở bấy giờ đã có các kì thi hương, thi hội, thi đình sàng lọc”.

 

Xin bỏ 4 chữ “trong bài viết trên” ở câu trên.

 

2) “Tôi hi vọng không và sẽ không đến nỗi như vậy”.

 

Xin thay câu trên bằng câu sau đây: “Tôi hi vọng thực trạng sẽ được khắc phục và sẽ không đến nỗi cứ tiếp diễn như vậy”.

 

Vì để tránh mất lòng, tôi viết cho nhẹ lại. Nhưng đôi khi viết nhẹ lại, thì lại không đúng thực trạng.

 

TXA.

 

16-11 HB9: Bài đã được gửi đến Tạp chí in giấy & điện tử: Văn nghệ Công an Nhân dân, Văn nghệ Quân đội & Tr.Ttđt. Hội Nhà văn Việt Nam

17-11 HB9: Bài đã được gửi đến Tạp chí in giấy & điện tử Sông Hương, Tr.Ttđt. Sông Cửu Long

 

______________________________________

 

Các bài cùng vấn đề:

 

o. Bài 15-Tl.4 - Trần Xuân An -- Kết nạp hội viên mới, lộ trình dân chủ - công khai nên chăng cần hoàn thiện thêm

p. Bài 16-Tl.4 - Trần Xuân An -- Tại sao nhiều tác giả muốn vào hội nhà văn?

q. Bài 17-Tl.4 - Trần Xuân An -- Góp thêm lời bàn luận: Chuẩn và quyền vào hội nhà văn

r. Bài 18-Tl.4 - Trần Xuân An -- Thêm hai ý kiến nhỏ sau khi đọc bài báo của ông Phạm Thành Chung

 

 

 

HÒA NHÃ TRAO ĐỔI, ĐẤU TRANH, VỚI TINH THẦN XÂY DỰNG

 

___________________________________  

________________________________

 

 

 

 

 

Google Sites / host 

 

GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE