Trần Xuân An - truyện 4 - Lối thoát Suối Hương (Đạ Hương)

LỐI THOÁT SUỐI HƯƠNG

Chương IV (truyện ngắn 4)

Trần Xuân An

 

1

 

Vào tháng chạp nguyệt lịch trước Tết Nguyên đán, có một số không ít dân Suối Hương đi một mình và đi nguyên cả hộ đã làm đơn xin phép được về Huế thăm quê quán hay đi các tỉnh khác thăm bà con. Cầm được lá đơn đã có bút phê với chữ kí của chủ tịch Phùng Liêu cùng khuôn tròn mực đỏ con dấu Ủy ban xã, có người mừng rơn đến rơi nước mắt. Dĩ nhiên ai cũng đều cam kết là sẽ vào lại Suối Hương để tiếp tục an cư lạc nghiệp, góp phần xây dựng quê hương mới. Có người còn viết hẳn trong đơn một cách văn vẻ là về thăm để “hấp thu lại, nhằm mang thêm văn hoá Huế vào Suối Hương, vì sau hai năm xa Huế nên có phần phai lạt bản sắc Huế”!

Đến sau Tết đã hơn nửa tháng rồi, vậy mà vẫn có người, có hộ vẫn chưa chịu có mặt ở Suối Hương. Một tháng sau, qua lời anh Hỉ công an, có thể phải làm báo cáo hai phần ba trường hợp xin phép về thăm vào dịp Tết đã thật sự bỏ trốn hẳn, trong đó có nhiều trường hợp đã đến các vùng KTM. thuộc các tỉnh khác, và cũng có trường hợp đã “vượt biên”!

Anh Cửu, trưởng Ban Quy hoạch, vừa buồn lại vừa bực. Anh vẫn đến thăm nhà tập thể Phân hiệu như thỉnh thoảng vẫn vậy, nhưng dạo này, còn có thêm lời động viên các giáo viên trước tình hình có nhiều người, nhiều hộ “vạch” đến thế. Một hôm, anh nói:

- Nói thật với các thầy giáo, khoảng mấy tháng trước đây, đâu chừng tháng sáu, tháng chín 1979, mình có nhận được các văn bản, cũng đi dự nhiều cuộc họp triển khai Chỉ thị của Trung ương về việc sử dụng trí thức Miền Nam cũ (1), kể cả số sĩ quan nguỵ “biệt phái”, và Nghị quyết về phương hướng “bung ra” trong sản xuất, bỏ hẳn trình trạng “ngăn sông, cấm chợ” trong lưu thông, phân phối hàng hoá (2). Thế nhưng, trong thực tế, triển khai thì triển khai miệng mồm là chính, chứ mọi sự vẫn như cũ.

- Vì sao vậy anh? – Đình hỏi –. Nghe nói là có nhiều cán bộ cấp cao vẫn bảo thủ, sợ các yếu tố phi xã hội chủ nghĩa lấn lướt? Không biết có đúng không?

Anh Cửu nhếch môi:

- Chứ còn gì nữa. Số cán bộ đó sợ bị hớ! Chẳng hạn như sau này “lên dây cót” lại, thì anh nào trót hưởng ứng bây giờ, sẽ bị phê là “hữu khuynh”, rồi “đứt dây”, “chết máy”, “phải chịu chùi dầu” lại. – Anh quả quyết hơn –. Cho nên, trong tình hình “sức ì” bảo thủ còn nặng nề như vậy, mình vẫn thích Suối Hương của chúng mình đây được tự quản. Nếu được tự quản, mình sẽ ủng hộ, hưởng ứng Chỉ thị mới về sử dụng trí thức cũ, Nghị quyết mới đã loé ra một chút về “khoán chui”, khoán sản phẩm... và cũng theo đó, mở cửa ngõ Suối Hương đến tối đa ngay, bỏ chốt chặn ở đó!...

Đình liên tưởng đến những trạm kiểm soát ở các ranh giới tỉnh trên đường quốc lộ Một. Đó là những trạm ngăn chận hàng hoá, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, từ nội tỉnh xuất ra các tỉnh khác mà bây giờ đã gỡ bỏ nhiều rồi.

Anh lại nghe Hoan nói, theo mạch chuyện của anh Cửu:

- Nếu được thế thì cũng đâu có sai Chỉ thị, Nghị quyết Trung ương!

- Mình chấp nhận hậu quả “đứt dây”, “chết máy”, “chùi dầu lại”! – Anh Cửu chỉ tay vào lồng ngực anh, tự ví trái tim anh như cái đồng hồ quả lắc –.

Sương, Đình, Huế, Hoan và Thừa đều cười, tiếng cười đồng cảm với anh Cửu.

- Nhưng “đứt dây”, “chết máy” trái tim thì khó chữa lắm! “Chùi dầu lại” cũng không chạy được nữa! – Đình nói vui –. Anh không “rét” à?

Anh Cửu cười:

- Các thầy giáo cứ tin đi! Tín hiệu đáng mừng lắm!

Và anh tạm biệt. Sương thay mặt anh em tiễn chân anh Cửu ra khỏi ngõ. Quay vào, Sương cười, nói:

- Ông Cửu này “gân” lắm! Nhưng sợ đến khi tự quản được thì dân Suối Hương đã “vạch” hết cả rồi. Họ đến các tỉnh khác, dễ thở, dễ sống và trọng dụng họ hơn! Có lẽ các tỉnh, các huyện đó, như ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai chẳng hạn, nông dân đòi hỏi, đấu tranh, và cán bộ lãnh đạo dám cho thực hiện “khoán chui” rồi, còn một số thành phố khác, người ta không đưa trí thức cũ ra khỏi thành phố nữa...

Ngoài ngõ, anh Diễn đi ngang qua, vừa cười vừa nói vói vào thay lời chào: “Mấy thằng thầy chưa ăn cơm trưa à?”. Trong nhà, một người đáp thay: “Chào anh Diễn! Cũng sắp sửa anh à”.

Đó là câu chào lúc này, còn những lần khác, gặp giờ khác: “Mấy thằng thầy chưa ngủ à?” hay “Mấy thằng thầy chấm bài tập à?”... Nếu ai không hiểu anh Diễn, thì chắc tự ái, vì đã gọi là “thầy” mà còn thêm chữ “thằng” phía trước! Nhưng với anh, đó là cách biểu lộ sự thân tình, và có thể chứa đựng thêm trong đó một nét tâm lí vô thức “nhất nông nhì sĩ”, trong thời buổi hai chữ “trí thức” thường được có thêm một định ngữ là “tạch tạch sè” (tiểu tư sản)!

Anh Diễn, bí thư chi bộ xã, người Nghệ - Tĩnh, đồng hương với Hoan, từ lâu nay vẫn ở tại ngôi nhà tranh cuối dãy phía trái nhà tập thể Phân hiệu, nơi mỗi lần anh em giáo viên đi tắm hay lấy nước về dùng, phải đi qua đó mới quành vào khe dưới chân đồi. Anh Diễn vốn là bộ đội, trước đây nghe đâu cũng chiến đấu tại vùng giáp ranh giữa chiến khu D và Khu 6 này. Sau Ngày Thống nhất, vì đã trên bốn mươi tuổi, nên anh đã chuyển sang dân chính. Gia đình anh hiện ở Mađagui, vì vợ anh mới từ Nghệ - Tĩnh vào, hiện đang công tác trong cơ quan thương nghiệp huyện.

Mấy hôm sau, anh Diễn mời Hoan và Đình qua nhà anh ăn chè khoai tía, loại khoai có nơi gọi là khoai mỡ, màu tím tươi rất đẹp.

Đúng là khoai tía được trồng ở đây rất thơm, cũng như trái mướp ngọt từ một dây mướp mọc hoang, Đình tình cờ hái được ở một bụi cây sau nhà. Trái mướp ấy có dáng hình bầu dục chứ không dài thuỗn, và nó thơm ngát, thơm hơn mướp ngọt trồng ở Quảng Trị - Thừa Thiên nhiều.

Nhưng trong câu chuyện, có lẽ không nén được tâm sự, nên anh Diễn có lúc trở giọng cay đắng, mỉa mai:

- Thằng cha Cửu lẽ ra đã ra Huế lại rồi, nhưng nghỉ vẫn cứ lưu luyến mãi cái đất Suối Hương ni. Chừ đã chính thức thành xã của huyện mới Đạ Huoai, thì Ban Quy hoạch thuộc thành phố Huế đâu còn chức năng chi ở đây! Rứa mà nghỉ vẫn kiên quyết xin duy trì thêm một năm nữa để tham mưu, tham méc!

Sực nhớ những điều anh Cửu mới nói gần đây, Đình hỏi:

- Tháng 9 năm ngoái, bọn em đã đọc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá IV (2) trên báo Nhân Dân, trong đó có nói đến phương hướng “bung ra” trong sản suất. Nhưng không được đọc Chỉ thị về việc sử dụng trí thức Miền Nam cũ (1) của Trung ương. Nghe nói đó là Chỉ thị nội bộ, không đăng báo. Có Chỉ thị đó không anh?

Anh Diễn nhìn Đình trong một thoáng dò xét hay ngẫm nghĩ gì đó:

- Có Chỉ thị đó thật. Nhưng triển khai thì triển khai, chứ thực hiện trong thực tế, vấp nhiều thứ lắm. Chỉ một số cán bộ hoạt động trong Nam ủng hộ, còn một số cán bộ ngoài Bắc vào, không hiểu trí thức Miền Nam cũ lắm, họ không thích! – Anh Diễn cười gượng –. Nhưng mấy đứa thầy giáo như bọn bây thì lo chi, đều mới tốt nghiệp sau 1975 cả mà! –. Rồi anh Diễn lại tiếp tục mời Đình và Hoan ăn chè khoai tía.

Một lúc sau anh Diễn lại nói:

- Thật ra, bọn đế quốc nước ngoài chúng nó hạ uy tín của ta bằng cách phê phán kịch liệt về việc ta không sử dụng, đãi ngộ trí thức cũ, cũng như con em họ, để tình trạng “vượt biên” diễn ra. Ui chào! Bây giờ trên thế giới cái gọi là vấn đề “Thuyền nhân Việt Nam” ầm ĩ cả lên! Thế nên Trung ương mới có Chỉ thị nớ đó!

Anh Diễn lại rót nước trà, loại trà ướp ngâu của Đạ Bảo hẳn hoi, mời Hoan và Đình, chừng như cũng không muốn bàn đến chuyện đó nữa. Rồi cuộc chuyện trò cũng chỉ là những gì thuộc về nắng mưa dưa lúa chung quanh.

Đình về giảng dạy ở Suối Hương này cũng đã hơn một học kì, nên dần dần cũng trở nên thân quen với nhiều người ở đây, gồm cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt như anh Diễn, và ít nhiều cũng biết thực trạng Suối Hương, một mảng hiện thực cuộc sống không những cần thiết để làm nền cho những bài thơ Đình viết lúc này mà còn là chất liệu cho văn xuôi của Đình về sau (viết ngay thuở bấy giờ thì không thể được!).

Sau Tết Nguyên đán, càng hiện rõ vấn nạn “vạch” của Suối Hương, mà căn nguyên là yêu cầu khách quan thúc bách “bung ra” trong sản xuất, là vấn đề trọng dụng nhân sự gốc Miền Nam cũ và tương lai của con cháu họ... Đó vẫn là nỗi nhức nhối, thao thức nhất của cán bộ, giáo viên, đặc biệt là nhân dân ở đây. Nhưng không chỉ riêng trên mảnh đất này. Đó là sự thật phổ biến đã được đề cập trên báo chí công khai, và hơn thế nữa, đã phản ánh đồng thời được giải quyết trong các văn kiện thuộc loại quan trọng, có tính chất toàn quốc hay toàn Miền Nam.

Vẫn thế, anh Hỉ công an thỉnh thoảng vẫn nói to ngoài ngõ như một câu đùa, một cách đằng hắng đánh tiếng: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa tự trị Suối Hương!”. Không thật rõ dụng ý của anh Hỉ là gì, nhưng cũng khiến Đình suy nghĩ. Phải chăng chỉ có tự trị, tự quản mới có thể thực hiện đúng và đủ Nghị quyết, Chỉ thị cho Suối Hương sao? Bởi lẽ, Trung ương đã tháo mở, nhưng Tỉnh không chuyển, Huyện không chuyển, làm thế nào Suối Hương chuyển biến được!

Đình lại không thể không nhớ đến “nụ cười tươi tắn” của Nếp Hương. Phải chăng Nếp Hương đã đọc được, nghe được Nghị quyết, Chỉ thị ấy? Hay cụ thể hơn, cô lạc quan hi vọng một ngày không xa nữa, trạm xá y tế Suối Hương sẽ thành bệnh viện Suối Hương như anh Cửu mong ước? Rõ ràng anh Cửu vẫn tiếp tục vận động vì mục tiêu Suối Hương tự quản, tự trị, trong tình hình “sức ì” bảo thủ, định kiến vẫn còn phổ biến!

 

2

 

Trong những ngày tháng sau Tết Nguyên đán Canh thân 1980, không phải chỉ anh Hỉ mới thỉnh thoảng nói to lên như hô khẩu hiệu: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa tự trị Suối Hương!”, mà nhiều người dân Suối Hương cũng thỉnh thoảng, đơn lẻ hô khẩu hiệu ấy!

Hình như Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã ít nhiều nắm được tình hình Suối Hương ở thời điểm đó.

Một hôm, Sương về nhà tập thể Phân hiệu thông báo, tối nay, tất cả giáo viên Phân hiệu, kể cả cô giáo Phin hiện vẫn ở với gia đình, sẽ phải có mặt tại quảng trường Khu Trung tâm để nghe một vị lãnh đạo từ Đà Lạt về nói chuyện tình hình thời sự.

Tối hôm đó, quảng trường sáng ánh đèn điện. Nhiều cây tre, đã róc bỏ cành lá, được trồng quanh một khoảnh đất trước một khán đài mới dựng. Những bóng đèn điện được treo trên khán đài và những cây tre ấy. Trước gò đất Ban Quy hoạch đóng, thấy có chiếc xe hơi bốn bánh từ Đà Lạt chạy về, đậu ở đó.

Nhân dân Suối Hương đã được thông báo để tập trung về quảng trường, cứ mỗi hộ tối thiểu có một người đại diện.

- Hôm nay dân Suối Hương mình đi nghe lãnh đạo tỉnh nói chuyện quá đông! – Một anh thanh niên xung kích nay trở thành du kích của xã nói –.

- Những lần khác không đông bằng à? – Đình hỏi –.

- Những lần khác ít hơn. – Anh du kích đáp –.

Đình thấy ở dãy ghế băng gần kề khán đài, có đầy đủ các chức sắc của địa phương, riêng anh Hỉ, trưởng Công an xã, và anh Hùng, Xã đội trưởng, thì lo chỉ huy việc canh giữ trật tự nên không ngồi ở đó. Ban Giám hiệu và toàn thể giáo viên Trường Phổ thông cơ sở cùng các cô phụ trách mẫu giáo mầm non, bảo mẫu nuôi dạy trẻ, cũng đều có mặt. Trưởng Trạm xá Y tế, một người phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, cũng ngồi chung.

Sau lời phát biểu chào mừng của anh Cửu, nguyên lãnh đạo của KTM. Suối Hương, chủ tịch xã Phùng Liêu giới thiệu vị lãnh đạo tỉnh lên khán đài nói chuyện với toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và đại diện các hộ nhân dân Suối Hương.

Ông ấy nói khá dài về tình hình thời sự trong nước, đặc biệt là trong tỉnh, nhất là vấn đề “sản xuất bung ra”, chủ trương tháo gỡ ách tắc về lưu thông, phân phối...

Đến khi vị lãnh đạo gần kết thúc bài nói chuyện, bỗng từ chỗ nhân dân Suối Hương đang ngồi nghe, vang lên tiếng hoan hô. Rõ ràng tiếng hoan hô ấy chặn tiếng vỗ tay thường thấy. Nhưng rất lạ là tiếng hoan hô ấy lại như tín hiệu bắt đầu cho hàng loạt tiếng đồng thanh “hoan hô” khác, cứ như thể sau một câu khẩu hiệu được đồng thanh hô lên, nhưng khẽ thôi, là tiếng hoan hô to hết cỡ, rập ràng vang dậy.

- ...

- Hoan hô!

- ...

- Hoan hô!

- ...

- Hoan hô!

Tiếng “hoan hô” vẫn cứ vang lên rập ràng như thế đến trên hai mươi lần.

Ban đầu, vị lãnh đạo trên khán đài hơi ngạc nhiên, phấn khởi và dần dần ông tái mặt, kinh ngạc, biết là có gì đó không bình thường ở sự thể “hoan hô” liên tu bất tận này. Ông luớ quớ bước xuống khỏi khán đài, đến chỗ chức sắc, cán bộ, giáo viên, nhân viên Suối Hương đang sửng sốt đứng dậy, quay mặt lại, ngơ ngác nhìn đám đông quần chúng đang “hoan hô” mỗi lúc mỗi rập ràng hơn, vang dội hơn. Giọng gấp gáp, ông hỏi:

- Gì thế? Gì thế?

Anh Cửu cũng kinh ngạc:

- Không biết dân đang làm gì kì lạ như thế?

Anh Cửu, anh Liêu, anh Diễn chạy tới chỗ nhân dân đang đứng hét to “hoan hô”, bảo:

- Thôi đi, bà con thôi đi! Tại sao “hoan hô” liên tục vậy?

Trong khi đó, nhân dân vẫn cứ “hoan hô”, dễ chừng đã đến năm, bảy chục lần:

- ...

- Hoan hô!

- ...

- Hoan hô!

- ...

- Hoan hô!

Khi đến gần đám đông, các vị lãnh đạo Suối Hương đã nghe ra câu khẩu hiệu, mỗi người đều tự hô, nhưng hô rất khẽ, là “Khoán sản phẩm đến người lao động và tự quản, tự trị!”.

Rồi đám đông nhân dân cũng tự động giải tán, ai về nhà nấy, để lại trên quảng trường sáng ánh đèn điện là các vị lãnh đạo tỉnh, chức sắc địa phương và giáo viên, nhân viên cùng đội du kích đang đứng sững sờ.

Sững sờ nhất là các vị có chức quyền và trách nhiệm, vì họ không thể ra lệnh bắt tất cả đám đông quần chúng ấy, ít ra cũng ba, bốn trăm người.

Đình và nhóm giáo viên Phân hiệu Phổ thông trung học cũng ngạc nhiên, kinh ngạc, sững sờ.

Một lúc sau, chỉ còn lại ở quảng trường vỏn vẹn các vị lãnh đạo, chức sắc.

 

Về tới nhà, Đình và anh em giáo viên vẫn còn kinh ngạc, nỗi kinh ngạc khi tận mắt thấy, tận tai nghe nhân dân Huế ở Suối Hương bày tỏ thái độ, ý kiến của họ bằng cách thức ôn hoà mà mãnh liệt như vậy.

Đình cũng tiếc là không kịp tìm xem cô gái có “nụ cười tươi tắn” Nếp Hương và vợ chồng Sanh - Cẩm Thạch có tham dự trong buổi tối đầy kịch tính thời sự đó hay không.

Anh cũng nghĩ, nếu đã thực hiện “khoán chui”, khoán sản phẩm đến người lao động, nhóm lao động, hộ gia đình, liệu có còn những anh đội viên đội sản xuất nào đó lén lút ngâm hai câu thơ trong giai thoại về Cao Bá Quát, đã được “tân trang” lại, mà một học sinh đã liên hệ để phê phán “theo bài bản” trong một bài tập làm văn nói, giữa một tiết học hay không:

“Nghe hồi kẻng giục, mồ cha kiếp

Vác cán cày đi, mả mẹ đời!”.

 

3

 

Không khí của vùng Suối Hương trở nên căng thẳng. Đó là một sự căng thẳng kéo dài đến ngộp thở. Tuy vậy, học sinh vẫn đến lớp, giáo viên vẫn giảng dạy, và quán hớt tóc, quán may mặc, trạm y tế vẫn hoạt động, cửa hàng hợp tác xã vẫn mở cửa, mặc dù rất ít khách hàng. Còn đội du kích xã dĩ nhiên phải trực chiến một trăm phần trăm, đặc biệt ở cửa ngõ đường bộ tại dốc “Mạ ơi!” và đầu mối đường thuỷ là bến ca nô. Ở hai điểm đó, có lệnh không một ai được ra vào, với lí do đưa ra để giải thích cho dân là Huyện đội cùng Công an huyện đang diễn tập quân sự theo phương án phòng chống trong tình huống giả định, chứ không vì lí do nào khác. Cán bộ họp liên tục, và chia nhau xuống các tổ sản xuất, chứ không phải các đội sản xuất, để “làm việc” với dân, tránh tình trạng tập trung dân lại với số lượng nhiều tại mỗi địa điểm.

Khoảng một tuần trôi qua, Đình và tập thể giáo viên Phân hiệu còn được nghe kể thêm...

Sau khi vụ “hoan hô” xảy ra vào tối nói chuyện thời sự ở quảng trường Khu Trung tâm Suối Hương, vị lãnh đạo tỉnh, vốn từ Đà Lạt về, cùng cán bộ địa phương như anh Diễn, anh Liêu, anh Hỉ và cả anh Cửu (trưởng Ban Quy hoạch) với một số cốt cán họp đến 3 giờ sáng để phân tích sự vụ, tìm hiểu nguyên nhân.

Kết thúc cuộc họp, anh Cửu và anh Hỉ hình như được lệnh phải “trực” tại trụ sở Uỷ ban xã, không được đi nơi nào khác.

Vị lãnh đạo tỉnh lên xe bốn bánh vào lúc 5 giờ sáng, khi đã được chỉ huy Công an huyện, chỉ huy Huyện đội báo cáo tình hình, cuộc “diễn tập hành quân, sẵn sàng chiến đấu” trên suốt con đường từ dốc “Mạ ơi!” ra tới huyện lị Mađagui đã triển khai tốt. Và thông tin được loan truyền vừa bằng phương thức tuyên truyền miệng, vừa bằng hệ thống loa truyền thanh, cũng y như nội dung thông tin được thông báo, giải thích ở cửa ngõ dốc “Mạ ơi!”, ở bến ca nô của Suối Hương.

Hai phóng viên của đài báo Lâm Đồng đi theo vị lãnh đạo cũng im thin thít, chẳng có mẩu tin nào được phát thanh, được đăng tải.

Vụ ấy, nếu là diễn tập quân sự hay gọi bằng một từ gọn hơn là tập trận, thì đó là chuyện bình thường. Cho nên, hầu như dân thuộc các vùng KTM. khác, hai bên tuyến đường “Mạ ơi!” – Mađagui, kể cả Đạ Tẻh, đều không hay biết gì hơn.

Không có tình huống “nổ dây chuyền” diễn ra trong nhân dân các vùng trên toàn huyện, toàn tỉnh!

Đến khoảng mươi hôm sau, tình hình Suối Hương cùng những sinh hoạt đều trở lại bình thường. Anh Cửu và anh Hỉ sau khi bị “cấm cung”, cũng không có gì khác so với những ngày tháng trước vụ “hoan hô”. Trong nhân dân Suối Hương, đặc biệt là những người có tham dự vụ “hoan hô” đó, cũng không một ai bị bắt bớ gì, vì thực chất họ chỉ đòi khoán sản phẩm đến người lao động và đòi sử dụng nhân lực địa phương, còn “tự quản, tự trị” là do bức bí quá, họ mới “biểu đồng tình” như vậy, mặc dù nội dung của mô hình “tự quản, tự trị” như một nước độc lập thì lớn lao hơn nhiều, nên miễn bàn... Không bắt bớ, miễn bàn, bởi các cấp lãnh đạo Lâm Đồng không muốn Trung ương biết có vụ việc xảy ra như thế. Vả lại, Trung ương đã tháo mở rồi, lỗi là do Tỉnh, do Huyện làm “cái sảy nảy cái ung”... Cụ thể hơn, nếu có một số dân bị bắt bớ, chắc hẳn vụ việc sẽ nổ to hơn, và Tỉnh, Huyện cũng có vị ngồi chơi xơi nước hoặc “rớt đài”.

Nhưng dẫu sao sự im ắng trở lại đó cũng chỉ là vẻ bên ngoài, nhờ kĩ thuật và nghệ thuật ém nhẹm khôn khéo, còn trong tâm tư nhân dân Suối Hương và cán bộ, từ vùng đất này cho đến Huyện, Tỉnh, đều rúng động.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những gì Đình biết được, suy luận ra, trong điều kiện của anh. Có thể còn có nhiều chi tiết khác mà Đình không hề biết, không nghĩ ra nổi.

 

4

 

Dạo này anh Cửu rất ít ghé thăm nhà tập thể Phân hiệu. Một vài lần đến, anh cũng chỉ thăm hỏi sức khoẻ. Tuy vậy, tuyệt nhiên chưa bao giờ nghe anh Cửu phủ nhận ước vọng trả món nợ hứa hẹn về một thị trấn mới, một thành phố mới như hồi mới vận động dân Huế đi xây dựng KTM. Suối Hương. Nhưng Đóng vẫn thỉnh thoảng đến, và chuyện trò nhiều hơn.

Sau vụ “hoan hô” không lâu, khoảng chừng một tháng, Đóng nói:

- Bây giờ tình hình trở nên yên ắng lại rồi, tôi cũng trao đổi và tâm sự với các anh... Mặc dù tôi nghĩ có những điều các anh rõ hơn tôi, nhưng tôi cũng nói... Thật ra, cái vụ “hoan hô” đó có nguyên nhân rất sâu xa. Thứ nhất là về khoán sản phẩm đến người lao động. Vấn đề khoán ấy, từ hồi những năm sáu mươi, ở ngoài Bắc đã có một bí thư tỉnh uỷ, đó là ông Kim Ngọc, khởi xướng và thực hiện theo yêu cầu của dân. Lúc ấy, phong trào hợp tác hoá đang lên mạnh, mà đã xảy ra như vậy. Nói cho đúng là khi ra sức đẩy phong trào hợp tác hoá lên thì càng bộc lộ sự bất cập của phương thức sản xuất, nên dân mới kêu đòi, và ông Kim Ngọc mới cho “khoán chui”. Kết quả là dân của tỉnh ông Kim Ngọc no ấm hơn các tỉnh khác, làm nghĩa vụ cho Nhà nước cũng đạt và vượt hơn. Hiện nay, ông Võ Chí Công cũng đang cho làm thí điểm ngoài Bắc. Đó là do tình hình đói kém quá nặng ở khắp cả nước, buộc ông phó thủ tướng phụ trách nông nghiệp phải mạnh dạn. Và Trung ương đã bật đèn xanh... – Đóng vẫn nói, với giọng trầm tư –. Cái thứ hai là về sử dụng nhân lực địa phương. Cái này thì căn nguyên là từ ngoài Huế kia. Các anh chắc cũng biết khi sáp nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên lại, thành tỉnh Bình Trị Thiên, thì dân Huế “dịch” ra là “Quảng Bình cai trị Thừa Thiên”. Không phải dân Huế kì thị địa phương, mà trong thực tế là thành phố Huế đầy ắp người Quảng Bình, trong mọi cơ quan, ban ngành, thậm chí như cửa hàng mậu dịch quốc doanh ăn uống, cũng toàn là người Quảng Bình. Đó là hệ quả của tâm lí bám vào Nhà nước mà sống, vì cái gì cũng quốc doanh, cũng nhà nước cả, và mọi cán bộ Quảng Bình đều cố ra sức lôi kéo con em cháu chắt dòng họ mình vào cơ quan Nhà nước, vào quốc doanh tại Huế, tại Quảng Trị. Đó cũng là điều kiện để phát sinh mạnh mẽ hơn chủ nghĩa lí lịch, lấy lí lịch để gạt bỏ những ai không phải con em cháu chắt của cán bộ, nhất là gạt bỏ những ai dính líu với chế độ cũ, cho dù tay nghề, tri thức chuyên môn cao đến đâu. Trong công tác tuyển sinh cũng thế. Các trường đại học Huế đầy ắp người Bắc, người Quảng Bình... Mặt khác, người Quảng Bình, cũng như người các tỉnh lẻ khác, vốn dĩ từ xưa đã quê mùa hơn dân kinh đô Huế, sau Ngày Thống nhất, lại càng thấy sự khác biệt nhau trong cách ăn mặc, đi đứng, tư duy... Một bên là mang đậm màu sắc công nông, một bên là quý tộc cũ, tư sản, tiểu tư sản. Do đó, nảy sinh mặc cảm giữa hai bên... Vì thế nên Huế càng lúc càng bị nông thôn hoá (còn công nghiệp hoá theo mức hiện đại trên thế giới thì Quảng Bình cũng chưa, Thừa Thiên cũng chưa)... – Chừng như ý nghĩ trượt nhanh trên lời nói, Đóng buông một câu kết luận –. Tóm lại, dân Huế không chịu nổi. – Đóng nói thẳng, rồi dịu giọng –. Nói thật như thế, hẳn người Quảng Bình cũng thông cảm, vì chỉ riêng việc bố trí cán bộ, tuyển dụng nhân lực, nếu người Thừa Thiên đầy ắp các cơ quan ban ngành, thậm chí từ trường học cho đến các cửa hàng mậu dịch quốc doanh Quảng Bình, chắc chắn người Quảng Bình cũng phản đối.

Đóng nói, thì Đình cứ nghe. Bản thân Đình cũng có một ít chỗ thân quen là người Quảng Bình, và thành tâm nhận thấy họ cũng tốt, có người rất tài hoa. Nhưng chắc hẳn Đóng chỉ muốn nói về tỉ lệ quá cao người Quảng Bình tại các cơ quan ban ngành, kể cả  trường học, cửa hàng, ở Huế, khi sáp nhập tỉnh mà thôi. Trong thực tế, bà con ruột thịt khi xung đột quyền lợi cũng không dễ ai nhường cho ai, nữa là những Bình, những Trị, những Thiên!

Đợi một lúc khá lâu, không thấy Đóng nói gì nữa, nên Đình hỏi:

- Ở Suối Hương này, khi dân Huế được vận động vào đây, họ mơ ước như anh Cửu có dịp nói sơ qua, tôi thấy hay lắm chứ. Có điện, có nước, có bệnh viện, có trường học khang trang, có đường giao thông thuận lợi, không còn những chốt chặn, để tiện trao đổi hàng hoá...

- Nói thì hay, nhưng phải có tiền đầu tư ban đầu. Thành phố Huế lẽ ra phải chịu trợ cấp vốn đầu tư ấy. Hơn nữa, thành phố Huế phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo trợ cho Suối Hương mọi mặt đến mười năm, hai mươi năm sau, may ra... Suối Hương phải tự lực, tự lập, nhưng nói theo kiểu gia đình, trước khi cho con ra riêng, phải tạo điều kiện cho con cơ sở ban đầu đã chứ, và giúp đỡ gia đình nó thêm một thời gian chứ, rồi có ngày nó trợ cấp trở lại cho cha mẹ. – Đóng nói –. Nhưng các anh nghĩ, các cơ quan ban ngành ở Huế đều là người Quảng Bình cả, ai trợ cấp cho Suối Hương!

Đình thấy Đóng hình như hơi lúng túng trong diễn đạt, chắc hẳn là do Đóng cảm thấy khó nói. Ngẫm nghĩ một lúc, Đình hỏi Đóng:

- “Sản xuất bung ra”, sử dụng nhân lực trí thức, chuyên môn tay nghề cao của Miền Nam cũ, đó là hai vấn đề Trung ương đã nắm được yêu cầu và đã ra Chỉ thị, Nghị quyết trong năm ngoái, 1979...  Nhưng còn vấn đề “Quảng Bình cai trị Thừa Thiên” thì sao? Chắc là căng thẳng. Trung ương đã biết chưa? Có thể đã biết nên gộp chung vấn đề lại trong Chỉ thị sử dụng nhân lực Miền Nam cũ, có phải vậy không?

- Rồi sẽ tách tỉnh như cũ lại cho mà xem: tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên. Tôi tiên đoán như vậy. Vì gộp lại thành một tỉnh Bình Trị Thiên, ngoài vấn đề sử dụng nhân lực, thì địa bàn quá rộng, khó quản lí sâu sát được. – Đóng tin chắc –. Để các anh xem, thế nào cũng chia Bình Trị Thiên thành ba tỉnh như cũ!

Đình và anh em giáo viên nhà tập thể Phân hiệu không ngờ Đóng lại sâu sắc và dám táo bạo như vậy.

Khi Đóng về rồi, Đình vẫn ngồi suy nghĩ. Anh càng nhận ra rõ hơn, rằng ở một nơi heo hút, hẻo lánh như Suối Hương, vấn nạn của Suối Hương lại có căn nguyên sâu xa tận ngoài Bình Trị Thiên, thành phố Huế. Và dĩ nhiên, mặt khác, Suối Hương còn kẹt dưới “sức ì” của Lâm Đồng.

Đình cũng thấy, có một điều Đóng không đi sâu vào. Đó là vấn nạn lưu thông, phân phối. Nhưng Đình có những lần đi về Quảng Trị thăm nhà, hoặc đi đường Đạ Bảo – Phan Rang, hoặc đi đường Đạ Bảo – Thành phố Hồ Chí Minh, rồi mua vé xe, mua vé tàu lửa ra suốt, và trong những chuyến đi đó, Đình mới nhận ra, chính các trạm kiểm soát hàng hoá ở ranh giới các tỉnh đã khiến dẫn đến tình cảnh người người buôn, nhà nhà buôn. Thay vì việc lưu thông hàng hoá là của nhà buôn chuyên nghiệp, hàng hoá theo giá cả thoả thuận, thì mọi hành khách đều được khuyến khích ngay tại bến xe, nên mua theo một món hàng ở tỉnh này để bán sang tỉnh kia, và việc mua bán diễn ra ngay tại mỗi bến xe, với xách hàng, gói hàng trao tay. Hàng hoá là một bao gạo, một cân thịt heo, một kí lô trà, mấy lạng cà phê... Nhu cầu về hàng hoá tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất là yêu cầu khách quan, luân chuyển từ nơi cung sang nơi cầu, nếu không cho chuyên chở những xe lớn, khoang tàu lớn, thì nó cũng tìm ra đường xé lẻ, xé nhỏ để đáp ứng yêu cầu đó! Tình cảnh quái lạ ấy cũng do thương nghiệp quốc doanh quá cứng nhắc, áp đặt, quan liêu, cửa quyền, chẳng những không đủ sức linh hoạt để hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường tự phát mà còn tạo ra lắm nỗi!

 

5

 

Trong những ngày tháng ba, khí hậu của Suối Hương, vùng đất cuối bậc thềm Nam Tây nguyên, bắt đầu nóng hơn. Nắng chói chang hơn. Ở thời điểm này, bệnh sốt rét rất dễ phát. Sương bị phát bệnh sốt rét khi đang lên trường chính ở thị trấn Đạ Bảo để liên hệ công tác. Anh phải vào bệnh viện huyện Đạ Công để được điều trị. Do đó, Đình và Hoan phải dạy thêm tiết, ngữ văn, toán, vật lí, lấp đầy các tiết sử, chính trị và địa vốn do Sương giảng dạy, để khi khỏi bệnh, Sương sẽ dạy bù.

Nhưng thực ra số lượng tiết tăng thêm cũng chẳng bao nhiêu. Không phải vì vậy mà Đình ít có dịp gặp lại Sanh. Cũng không phải vì vậy mà Đình gác lại ý định gặp Nếp Hương thêm một lần nữa. Chỉ đôi khi Đình nghĩ đến họ, và hỏi thầm liệu Sanh có còn chán nản, đau đời không, liệu Nếp Hương có còn giữ được “nụ cười tươi tắn” không?

Với Nếp Hương, chỉ duy nhất một lần Đình được gặp, không kể lần ở bến ca nô tại Đạ Tẻh, bấy giờ quai nón mở rộng che hơn nửa khuôn mặt cô và áo bảo hộ cô mặc rộng thùng thình. Với Đình, “nụ cười tươi tắn” Nếp Hương trở thành biểu tượng cho vùng đất Suối Hương, là lần anh được gặp khi đi cùng với Thừa đến cửa hàng hợp tác xã mua bán, lúc Đình mới về Suối Hương. Dần dần, Đình nhận ra anh là một người có tâm lí muốn tạo ra biểu tượng để suy tư, cảm xúc cho trí tuệ, tâm hồn mình. Phải chăng đó chỉ là cảm nhận chủ quan, thực chất là ảo tưởng? Và những gì anh lí giải về “nụ cười tươi tắn” ấy cũng đều xuất phát từ chủ quan của anh mà thôi, cho dù trong thực tế là có nụ cười của cô gái tên Nếp Hương thật, một nụ cười tươi tắn, sáng ngời trên một gương mặt đẹp phúc hậu, gương mặt đẹp phúc hậu của một dáng hình thon tròn, đài các.

Phải chăng Đình không muốn gặp lại Nếp Hương lần thứ hai để chuyện trò với cô, vì sợ rằng “nụ cười tươi tắn” biểu tượng kia sẽ tan vỡ? Đình cũng không rõ. Và anh càng ngạc nhiên là trong khi anh muốn nhận thức thật sâu sắc hiện thực, những nơi anh đi qua, những chốn anh sống, giảng dạy, Đình lại vừa vô thức vừa ý thức rõ rệt anh muốn có một biểu tượng lạc quan, cho dù đó là ảo tưởng hay là thực chất.

Vụ “hoan hô”, kể ra cũng rất chấn động, là một bùng nổ quá hiền lành từ một thực trạng chất chứa mâu thuẫn, xung đột gay gắt, kéo dài. Không biết vụ ấy có tác dụng hay tác hại đối với “nụ cười tươi tắn” Nếp Hương?

Nhưng rồi, Đình cũng không có ý định tìm gặp Nếp Hương để tự tìm câu giải đáp cho chính mình.

 

6

 

Trong khi đó, những chiếc máy cày đã bắt đầu đến đậu ở quảng trường Khu Trung tâm. Nhiều người cho rằng để chuẩn bị cho vụ mùa năm nay, trước khi mùa mưa, mùa gieo hạt đến, số lượng xe máy cày về với Suối Hương là khá nhiều, so với vài năm trước. Một số người bảo khẽ với nhau, như thế phải chăng Tỉnh, Huyện đã quan tâm đến Suối Hương này nhiều hơn, sau vụ “hoan hô”. Nhưng một số khác, lại bảo, hoá ra, vụ “hoan hô” cũng chẳng có tác dụng gì, vì ngoài việc thêm dăm chiếc vào số lượng xe máy cày hằng năm, còn mọi việc đều như cũ, hầu như không thay đổi! Tựu trung cả hai ý kiến đều cho rằng, dẫu sao, số lượng xe máy cày cũng tăng lên cho Suối Hương hơn trước.

Nhưng thực ra đều sai lầm.

Khoảng giữa tháng ba, có thông báo đến với Phân hiệu Phổ thông trung học Đạ Công tại Suối Hương: Thành phố Huế sẽ đưa thêm một đợt dân ngoại thành Huế vào Suối Hương, và khu đất có những ngọn đồi thấp trước mặt dãy nhà Bộ phận Giáo dục, Uỷ ban xã sẽ được khai hoang trở lại. Những vạt tre tự mọc, sau lần Lực lượng Thanh niên xung kích Huế khai hoang, 1977, cách đây ba năm, rồi để vậy, đã xanh um trước nhà, sắp tới sẽ được đốn đi, phát dọn, đốt sạch, và làm nhà, phân lô cho số dân sắp vào. Toán cán bộ cùng thanh niên cốt cán đã vào làm công tác tiền trạm.

Như vậy, số xe máy cày được tăng thêm đó, là để phục vụ cho đợt chuyển dân ngoại thành Huế vào đây, chứ chẳng phải sau vụ “hoan hô”, Tỉnh, Huyện quan tâm thêm cho số dân Suối Hương vốn có.

Một điều khác, không cần thông báo cho nhà tập thể Phân hiệu, vì chẳng liên quan gì, ấy là trong số dân ngoại thành Huế mới vào đợt này, sẽ có một số hộ được điền vào chỗ trống, bù lấp vào những lô vườn mà số hộ đã “vạch” bỏ lại.

Cuối tháng ba, những vạt đất bắt đầu lộ ra sau khi tre bị đốn ngã, và chỉ cần qua một ngày phơi nắng là châm lửa để đốt số tre ấy. Chẳng bao lâu, phía trước nhà, là đất trống với những mẩu than tre đen đúa. Sau đó, những chiếc máy cày bắt đầu ủi đất, lấy mặt bằng.

Sự đổi thay ở Suối Hương sau vụ “hoan hô” chỉ là vậy. Không có gì khác nữa.

 

TP.HCM., 10:01 – 17:25, 22-9 HB12 & 17:44, 23-9 HB12

TXA.

______________________

 

1) Chỉ thị của Ban Bí thư, số 66 – CT./TW., ngày 26-02-1979: “Về một số công tác trước mắt đối với trí thức cũ ở Miền Nam”, Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 40 (1979), Nxb. Chính trị quốc gia, 2005.

2) Đề cương kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khoá IV), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IV), số 20 – NQ./TW., ngày 20-9-1979, Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 40 (1979), Nxb. Chính trị quốc gia, 2005; Thông báo số 22 – TB./TW., ngày 21-10-1980, bộ sđd., tập 41 (1980), 2005.

 

Xem tiếp chương 5 (truyện ngắn 5)

5) Biểu tượng Suối Hương (Đạ Hương)

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE