Tham khảo: Chúa Nguyễn và vương quốc Champa (Dany Wong Tze-Ken)

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO

Điện thư xin phép

Xem:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/lichsu-champa_po-dhrama_champaka.htm

Link bài viết:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/chuanguyen-cham_denny-wong-tze-ken_c.htm

 

 

Web Tác giả Trần Xuân An

           

TƯ LIỆU THAM KHẢO

Điện thư xin phép

Xem:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/lichsu-champa_po-dhrama_champaka.htm

 

 

Mối quan hệ giữa Chúa Nguyễn

 

và vương quốc Champa: Bước nghiên cứu sơ khởi*

Danny Wong Tze-Ken (Professor)

 

Ðăng ngày 24-9-2007 lúc 11:11:00 PM

Danny Wong Tze-Ken**

"...Văn hóa ngoại lai và sức ép của người đa số buộc người dân Champa phải chấp nhận sự hiện hữu của người Việt, cũng như cách thức của cuộc sống, ngay cả cái cách ăn mặc của Việt Nam, và luôn cả tiếng nói hay ngôn ngữ Việt Nam trong giao tiếp..."

Cho đến giữa thế kỉ thứ 15, các khu vực mà Việt Nam đã dùng chính trị hay quân sự để gây ảnh hưởng và chiếm đoạt ở phía nam vẫn còn dưới sự kiểm soát của vương quốc Champa. Thủ đô của Champa lúc bấy giờ vẫn còn ở Vijaya (Bình Ðịnh). Ðến năm 1471, hoàng đế Lê Thánh Tôn (1460-1497) cho chỉnh lý lại triều đại Nhà Lê (1428-1788) và đã ra lệnh tấn công và xâm chiếm Champa, sau cùng buộc Champa phải rời bỏ thủ đô Vijaya (một trung tâm chính trị, hành chính, v.v...) dời đến Kauthara (Nha Trang). Việt Nam luôn luôn có cái quyết tâm là làm thế nào để thắng được Champa và biến vương quốc này thành một chư hầu hay thuộc địa của mình, sau cùng buộc vua Champa phải đến Thăng Long (Hà Nội) để triều cống. Dữ kiện lịch sử này đã chứng tỏ rằng, mối bang giao giữa Việt Nam-Champa là dựa trên mối quan hệ của sự triều cống. Sau năm 1471, biên giới giữa Việt Nam và Champa được đặt ở đèo Cù Mông phía bắc Phú Yên. Biên giới này giữ nguyên được 140 năm, cho đến khi có cuộc xung đột có quy mô lớn giữa Việt Nam và Champa lại bùng nổ.

Từ năm 1471 đến năm 1527, Việt Nam dưới sự quản trị chặt chẽ của triều đình Nhà Lê, một triều đại đã cai quản toàn diện đất nước Việt Nam, từ biên giới Trung Quốc ở phía bắc đến biên giới Phú Yên ở phía nam. Ðến năm 1527, Mạc Ðăng Dung, một võ quan của triều đình Nhà Lê soán lấy ngôi và tuyên bố thành lập vương triều mới của Nhà Mạc. Và đó cũng là nguyên nhân chính đã đưa đất nước này vào cuộc nội chiến kéo dài trong suốt 65 năm. Cho đến năm 1592, triều đại cuối cùng của Nhà Mạc đã bị đánh bại bởi sự khôi phục của Nhà Lê. Theo sau sự khôi phục này, là sự phân rã trong các hàng ngũ của những người tham gia khôi phục Nhà Lê và việc này đã đưa tới việc chia đôi đất nước ra làm hai miền, và mỗi miền lại cố níu kéo hay quy tụ quyền lực trung tâm vào tay mình. Khu vực ở phía bắc sông Linh Giang, thuộc về Nhà Trịnh kiểm soát, trong khi đó phần còn lại ở miền nam thì Nhà Nguyễn cố giữ lấy ảnh hưởng của mình. Dẫu rằng, cả hai Nhà Trịnh và Nguyễn vẫn luôn luôn cho rằng mình là người giữ lòng trung thành đối với hoàng đế Nhà Lê.

Khu vực ở miền nam Việt Nam (1) mà nhà Nhà Nguyễn chiếm lĩnh là phần đất trực thuộc lãnh thổ của Vương Quốc Champa. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo Champa phải đương đầu với chính sách xâm lược này kéo dài cho đến mấy trăm năm sau. Và cũng chính Chúa Nguyễn, với tính cách ngẫu nhiên, đã quyết định thôn tính vương quốc Champa, vì Nhà Nguyễn buộc phải cũng cố và bành trướng lãnh thổ về phương nam để đối mặt với Nhà Trịnh ở miền bắc. Và vì chính việc làm này đã kéo theo sự suy tàn của vương quốc Champa.

Mối quan hệ của Nhà Nguyễn và Champa: 1558-1728

Ðiều đầu tiên được nhắc đến vương quốc Champa trong quyển Ðại Nam Thực Lục Tiền Biên, mà nhà sử học đã ghi nhận trong cuốn Quốc Sử Quán về hậu Nhà Nguyễn (1802-1945), là vào năm 1611 khi Po Nit, người đang giữ quyền hành ở Champa(2), phát động một cuộc tấn công vào ven cạnh vùng biên giới của Việt Nam ở quận Phú Yên (phủ (3) Phú Yên). Bấy giờ, thủ đô của Champa đã được dời về Panduranga (Phan Rang). Sau cuộc tấn công của Po Nit, Nguyễn Hoàng (1588-1613), Chúa Nguyễn thuộc triều đại thứ nhất của Nhà Nguyễn, đã ra lệnh cho một quan tướng của ông ta là Văn Phong đến trấn giữ vùng biên giới này. Sau khi giữ vững được các khu vực (4) khỏi sự tấn công của Po Nit, họ cũng đã tràn vào vùng biên giới của Champa. Họ đã áp dụng chính sách nam tiến này là vì có lẽ, trên thực tế, Nguyễn Hoàng chưa thể tiến quân ra phương bắc được, và cảm thấy rằng lãnh địa của mình chưa đủ đảm bảo để chống lại Nhà Trịnh. Hơn nữa, Nguyễn Hoàng cũng đã luống tuổi già. Ông ta đã chết hai năm sau đó, ở tuổi 89.

Việc thứ hai là sự việc đã khác đi trong năm 1629 khi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) (5), lên thay Nguyễn Hoàng để trở thành Chúa Nguyễn đời thứ hai. Khi Nguyễn Phúc Nguyên đã lên ngôi, ông ta đã gửi Nguyễn Phúc Vinh, người trước kia là một quan tướng của Nhà Mạc đến dẹp nhóm quân của Champa đang nổi dậy trong năm 1629. Sau cuộc chinh phạt thành công, họ thành lập ngay lực lượng phòng thủ dinh (6) Trấn Biên (7). Việc thành lập lực lượng phòng thủ này là một thể hiện sự quyết tâm trong công cuộc xâm lấn biên giới Champa của quân Việt Nam, đó là khu vực biên giới bên kia Phú Yên, mà lần đầu được đặt ra kể từ thời Lê Anh Tôn.

Kể từ đó, Champa luôn luôn bị Nhà Nguyễn nhòm ngó, nhiều cuộc tấn công chống Champa đã được tiến hành ở miền nam, trong khi Nhà Mạc đang thao túng quyền thế ở miền bắc. Tất cả nghi thức ngoại giao của Nhà Nguyễn đang vận dụng là chỉ nhằm vào mục tiêu, tìm cách chiếm đoạt Champa ở miền nam, và cố kháng cự lại với Nhà Mạc ở miền bắc (8).

Trong ba thời kỳ của triều đại Chúa Nguyễn (1558-1648) (9). Họ đã rất quan tâm đến công việc ở miền bắc, như việc giúp triều đình Nhà Lê chống lại Nhà Mạc. Và, bắt đầu với Nguyễn Phúc Nguyên, họ đã cho tổ chức hàng loạt những trận tấn công vào Nhà Trịnh, và bí mật giúp các lãnh đạo trong triều đình Nhà Lê. Quan tâm với công việc của miền bắc đã cho phép Nhà Nguyễn quan hệ bình thường hóa với Champa, và chỉnh đốn dinh Trấn Biên ở khu vực biên giới giữa hai vương quốc này. Từ 1629 đến 1648, năm mà Nguyễn Phúc Lan chết, những lãnh địa mà nhà Nguyễn đã chiếm đoạt được đã bị Champa nổi dậy tấn công ráo riết nhằm thu phục lại vùng đất của họ. Cuộc chiến tranh này kết quả như thế nào, chưa rõ được, vì chẳng có một nguồn sử liệu nào đề cập đến vấn đề này.

Trong năm 1648, Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), Chúa Nguyễn đời thứ ba, đã quyết định định cư cho những tù binh đã bị bắt trong các trận chiến với Nhà Trịnh trong tháng ba năm đó. Thay vì đày những tù nhân này đi biệt xứ hay đến những hoang đảo, Nguyễn Phúc Lan nghe theo lời khuyên của các quân sư hay các cố vấn của ông ta, ông ta nhận thấy rằng, có thể sẽ có lợi hơn khi sử dụng những cựu tù nhân chiến tranh của mình trở thành những người tiên phong trong chiến dịch mở rộng “thu chiếm vùng đất Champa ở phía nam Thành Trinh (phủ Thân Bình và Trịnh Phiên)”. Những tù nhân được tha, sẽ được cung cấp cho nông cụ, lương thực và hạt giống dùng trong thời hạn nửa năm. Và họ hy vọng rằng trong vòng một vài năm, những khu vực mới sẽ sản xuất đủ lúa gạo để đóng thuế má. Nhà Nguyễn cũng hy vọng là sau hai mươi năm, những nhóm định cư này có thể có khả năng cung ứng quân số vào cho đội quân lao dịch hay tác chiến (10). Ðây là lần đầu tiên chương trình định cư của nhà nước được bắt đầu thành lập dưới thời Chúa Nguyễn ở những vùng trước kia là lãnh thổ của Champa mà Nhà Nguyễn đã chiếm đoạt được. Tuy nhiên, không phải là dễ dàng để phát triển chương trình định cư trong lúc chưa có chính quyền hay tổ chức hành chánh cho việc định cư ở vùng đất Champa bị chiếm đóng. Hơn nữa, những người đã bị thương tật trong những cuộc giao chiến hay những người bị thương tật bẩm sinh, không phải là dễ dàng để bảo họ rời khỏi nơi chôn nhau cắt rún của họ. Muốn thực hiện chương trình này, Nhà Nguyễn buộc phải tổ chức những người đi định cư đó thành nhóm, trong những khu vực lân cận vừa mới thôn tính và đã được sát nhập vào biên giới hành chánh Việt Nam, hay ít nhất, nơi ấy đã thành lập xong chính quyền Việt Nam.

Thành ra, mấu chốt của điểm này là cần phải đầu tư hay tăng cường thêm sức mạnh có thể có được, để quật ngã vương quốc Champa mà triều đình của nó hiện thời được đặt ở Panduranga, hay là Thuận Thành. Nhìn về đại thể thì phải nhận rằng, Champa bắt đầu suy yếu kể từ ngày họ bị đánh bại bởi Lê Anh Tôn, nhưng quân đội của họ vẫn còn, và lực lượng quân đội của họ có thể đối mặt với quyền lực của Chúa Nguyễn. Thực tế là trong những ngày đầu của cuộc nam tiến, Nhà Nguyễn đã thấy rõ sự kháng cự của họ. Trong năm 1653, quân đội Champa dưới sự lãnh đạo của Ba Tâm hay Po Nraup (11) đã tấn công Phú Yên. Một lực lượng quân đội khoảng 3,000 quân đã được Nguyễn Phúc Tân (1648-87) gửi đến, dưới sự chỉ huy của Hưng Lộc để đối mặt với sự tấn công của quân đội Champa. Quân đội Champa đã bị một cuộc tấn công bất ngờ ở gần Phú Yên và bị thất bại, để rồi buộc phải rút quân qua con sông Phan Rang để xin cầu hòa. Một hiệp định hòa bình được ký kết. Chúa Nguyễn đã sát nhập tất cả khu vực ở phía đông vùng Cam Ranh thay vì sông Phan Rang như sử gia thường nhắc tới, thành hai phủ Thái Khánh và Diên Ninh. Cả hai phủ này được đặt dưới sự cai quản của Dinh Thái Khánh (Ninh Hòa). Sau năm 1653, Champa vẫn còn kiểm soát vùng phía tây của Cam Ranh. Nhưng một lần nữa, triều đình Champa phải chịu triều cống Chúa Nguyễn (12).

Phải ghi nhận rằng, Champa vẫn còn năng lực và chấp nhận hứa hẹn tiếp tục giao tranh với Việt Nam để kháng cự lại sự xâm lấn của Việt Nam. Hành động Po Nraup (1652-1653) là điều căn bản cần thiết để bảo vệ Champa khỏi những tham vọng xâm lược bởi những chương trình định cư của Việt Nam ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, Nguyễn Phúc Tân còn rất mới mẻ đối với việc điều hành triều chính, bởi vậy, Nhà Nguyễn đã quyết định tuyển mộ thêm binh lính để bổ sung cho toàn diện quân đội Việt Nam. Tuy nhiên, ông ta đã sai lầm trong chiến thuật này, Po Nraup vẫn còn có thể chứng minh rằng Champa vẫn còn đủ sức mạnh để kháng cự.

Lãnh thổ của Champa dẫu sao cũng đã giảm dần. Ngược lại, các địa hạt của Việt Nam cứ tăng lên, bao gồm cả dinh Trấn Ðiền và dinh Thái Khanh. Kể từ đó, Nhà Nguyễn đã bắt đầu nhòm ngó biên giới của Kampuchia vào năm 1653, sau khi đã thắng được Po Nraup. Năm năm sau, vào năm 1658, Nhà Nguyễn chiếm khu vực Saigon. Chính vì thế, Kampuchia bắt đầu vùng lên đe dọa vùng biên giới phía nam của Nhà Nguyễn, buộc Nhà Nguyễn phải đương đầu với ba tuyến phòng ngự: tuyến phòng ngự chính yếu là đối mặt với Nhà Trịnh ở phương bắc, những nhóm quân còn lại của Champa thì áp đảo ở phía đông nam, và quân Chenla thì áp đảo ở phía tây nam.

Từ năm 1635 đến 1692, mối quan tâm của Nhà Nguyễn ở miền nam là vương quốc Kampuchia. Mối bang giao của họ với Kampuchia đã đưa đến một kết quả là làm rạng nứt triều đình Kampuchia thành ra hai mảng, một mảng chạy theo Việt Nam, mảng còn lại thì sang Thái Lan cầu cứu ở Ayuthia. Trong năm 1692, Champa một lần nữa cảm thấy đủ nghị lực và niềm tin để chống lại Việt Nam. Khoảng trong tháng tám năm đó, Po Saut hay Ba Tranh (1659-1692) (13)vua Champa ở Panduranga (thuộc khu vực Pho Hai-Phan Rang-Phan Rí) bắt đầu cho xây dựng và củng cố lại lực lượng và tiếp tục quấy phá vùng Diên Khánh (phủ Diên Ninh và dinh Bình Khang), ìkhởi chiếnỵ chống lại nhà Nguyễn (14). Một lực lượng quân sự Việt Nam dưới sự chỉ huy của Nguyễn Hữu Kính, bao gồm đội quân tinh nhuệ đồn trú ở Chính Dinh và đội quân tinh nhuệ từ Bình Khang ở Quảng Nam đã được gửi đến để chinh phạt Champa. Việc gửi các đội quân tinh nhuệ đến Champa đã thể hiện rõ ràng cái tham vọng của Chúa Nguyễn muốn xoay sự hiện diện của mình hướng về miền nam để né tránh cái sức ép nặng nề ở miền bắc, và dồn hết năng lực chính yếu của quân đội cho chiến dịch tấn công Champa.

Chiến dịch kết thúc với việc thắng được Champa trong những tháng đầu của năm 1693. Dẫu như thế, Vua Champa, Po Saut và những người theo ông chỉ bị bắt, sau bảy tháng sau. Po Saut được mang về Phú Xuân, và bị giam ở Ngọc Trấn Sơn, huyện Trà Hương (15), và được canh phòng cẩn mật. Trong khi Po Saut vắng mặt, Champa bị đổi tên thành Thuận Thành Trấn. Vương quốc này bị chiếm đóng bởi ba nhóm quân của Nhà Nguyễn, đặt dưới quyền kiểm soát của cai đội Nguyễn Tri Thăng (ở Pho Hai), cai đội Nguyễn Thanh Lê (ở Phan Rí) và cai đội Chu Kiêm Thăng (ở Phan Rang) để phòng chống những cuộc tấn công của nhóm quân Champa còn sót lại (16). Với sự hiện diện của đội quân chiếm đóng trên lãnh thổ này, Vương Quốc Champa ở Panduranga trở thành một thuộc địa của Việt Nam. Kể từ đó, Chúa Nguyễn đã bắt đầu hợp nhất mối quan hệ giữa Chúa Nguyễn với Champa.

Trong tháng tám năm 1693, Nguyễn Phúc Châu (1691-1725), Chúa Nguyễn đời thứ sáu, đã quyết định đặt để những quan chức mới cho Champa. Nhất là, lựa người thân cận trong dòng tộc Po Saut lên nắm chính quyền. Po Saktiraydaputih hay còn gọi Ke-ba-tu (17), là em ruột của Po Saut, đã được đưa về Trấn Thuận Thành (Panduranga). Po Saktiraydaputih được cho nhậm cái chức Khăm Lý và ba người con trai của ông ta được cho cái chức trong quân đội là Ðề Ðốc, Ðề Lãnh và Cai Phủ. Nguyễn Phúc Châu cũng bắt người Chăm ăn mặc trang phục Hán (Trung Quốc), thứ trang phục mà người Việt cho là trang phục của họ (18). Và như thế Nhà Nguyễn mới cho người Chăm được yên ổn. Nguyễn Phúc Châu cũng hoàn trả lại cho Po Saktiraydaputih ấn triện của vương triều cùng với các khí giới, ngựa và dân chúng mà họ đã bắt và tịch thu được. Ba mươi quân binh của Việt Nam hay được gọi là kinh binh (quan chức của triều đình) đã được đưa đến để canh giữ vương triều mới Champa (19). Rồi họ bắt đầu tiến hành Việt Nam hóa lãnh thổ Champa. Ðó là điều mà họ đã liên tục tiến hành trong suốt các thời kỳ họ có mặt.

Trong tháng mười hai năm đó, những toán quân của Champa còn sót lại, đã kết hợp lại với nhau theo lời kêu gọi của Oc-nha, một cựu quân nhân Champa. Oc-nha kết hợp với một người Tàu tên là A-Ban, người cũng có tên gọi khác là Ngô Lang. Sau khi đã hội đủ uy tín và trở thành một lãnh tụ có sức mạnh, Oc-nha quy tụ luôn được lực lượng của những người chưa bị thương tích. Sau cùng, ông cũng thu hút được sự hộ trợ của nhiều người dân Champa, những người muốn kháng cự lại với phong tục tập quán và quyền lực chính trị mới, được dựng lên bởi Việt Nam. Khởi đầu, Oc-nha cho đội quân Champa tấn công những toán quân phòng thủ ở Phan Rang và Phan Rí. Nguyễn Trí Thăng vị chỉ huy ở Pho Hai đã bị đánh bại. Quân Champa mở rộng địa bàn tiến quân ở Phan Rang nhưng phải tạm ngưng lại khi Chu Kiêm Thăng, một chỉ huy của Nhà Nguyễn hăm dọa sẽ bắt Po Saktiraydaputih đem ra xử trảm, nếu quân đội Champa vẫn cứ tiếp tục tấn công vào quân Việt Nam. Lo sợ cho mạng sống của Po Saktiraydaputih, Oc-nha và quân đội của mình rút về mật khu. Cũng thật là khó khăn cho Oc-nha, vì sự an toàn của Po Saktiraydaputih, người đã từng cộng tác với nhà Nguyễn, ông phải chịu rút quân. Ngoài ra, cũng còn một khó khăn khác được đặt ra đó là, mục tiêu của quân đội Champa dưới sự chỉ huy của Oc-nha chỉ nhằm phục hồi lại chủ quyền cho vương quốc Champa, tăng thêm quyền lực cho nhà vua, hay đội quân Champa này chỉ là một nhóm quấy phá mà thôi. Po Dharma trong biên niên sử của mình đã giải thích rằng Oc-nha, là một trong số những người Chăm cố tìm mọi cách để làm một cuộc cách mạng chống lại Việt Nam (20).

Vào tháng đầu của năm 1694, Po Saut từ trần. Nguyễn Phúc Châu, đã gởi hai trăm xâu tiền để làm đại lễ chôn cất ông ta như một nhân vật quan trọng. Một tháng sau, Ngô Lang và Oc-nha lại xuất quân chiếm Phan Rang. Quân tiếp viện của Nhà Nguyễn cho cuộc phòng thủ Phan Rang từ dinh Bình Khang được đưa đến, và quân của Ngô Lang buộc phải lui vào lãnh thổ Khmer để thoát khỏi sự bao vây.

Sự thiết lập phủ Bình Thuận trong lãnh thổ Panduranga đã làm xảy ra hàng loạt những cuộc chiến giữa những người Champa không chấp nhận người Việt và quân đội Việt Nam trên đất đai của mình. Cuộc chiến đã để lại trên khu vực này sự đói kém nghiêm trọng và người dân đã bị bịnh dịch hạch tung hoành (21). Ngoài những khó khăn bắt nguồn từ những cuộc xung đột quân sự, Chính quyền mới ở Champa được thành lập bởi Nhà Nguyễn không màng đến việc tổ chức hành chánh cho dân chúng Chăm trong các lãnh địa mà họ chiếm lĩnh. Vấn đề này chỉ được cứu vãn khi Nguyễn Phúc Châu trao trả lại nền độc lập cho Trấn Thuận Thành (22), và chỉ định Po Saktiraydaputih như là Tả Ðô Ðốc (a governor) để cai trị Champa nhân danh Chúa Nguyễn. Hai tháng sau, Po Saktiraydaputih được phong lên làm vua của Trấn Thuận Thành, và phải chịu triều cống Chúa Nguyễn. Mối liên hệ triều cống Việt Nam Champa lại được thiết lập.

Dẫu không muốn, người dân Champa dưới sự cai quản của Po Saktiraydaputih do nhà Nguyễn thụ phong phải chịu duy trì qua mối liên hệ triều cống cho triều đình Chúa Nguyễn. Ðiều này rất quan trọng vì nó xác định được tính cách thực sự của mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Nó cho mọi người một cái nhìn thực tế là, vương quốc Champa không còn hiện hữu như một quốc gia độc lập, nhưng nó đã trở thành, một thành phần trong đất đai Nhà Nguyễn.

Từ năm 1692, dân số Champa vẫn còn hiện hữu trong một số vùng eo hẹp ở khu vực Quảng Nam đến Phố Hài, Phan Rang, Phan Rí, nơi tọa lạc triều đình Champa dưới thời Po Saktiraydaputih. Mặc dầu, người dân Champa vẫn luôn coi vương quốc của họ còn ở các khu vực Phố Hài, Phan Rang, Phan Rí hay Panduranga, nhưng trên thực tế, Champa chỉ là lãnh địa bị chiếm cứ bởi Nhà Nguyễn. Triều đình Champa phải chấp nhận sống chung với quân đội Việt Nam đồn trú trong khu vực của họ. Cuối cùng, dưới cặp mắt của người Việt, Thuận Thành (Champa) chỉ là một dinh trấn biên đặt dưới thẩm quyền của phủ Bình Khanh. Trong tám tháng của năm 1697, một số khu vực phía tây của con sông Phan Rang đã phân định trở lại thành huyện An Phước, khu vực này bao gồm cả làng Hàm Thuận (Phan Thiết). Và một số khu vực khác ở phía tây của Phan Rang, cộng với phía đông Phan Rí thành huyện Hòa Ða. Người dân Champa không còn đủ sức để ngăn lại dòng lũ này.

Những mối quan hệ thật sự giữa Champa và Việt Nam sau năm 1697 dưới thời Chúa Nguyễn dựa trên các mối quan hệ của khu vực miền trung, nơi mà quyền lực Champa giảm dần, để không lâu hơn chủ quyền cai trị của người dân mình mất hẳn. Người lãnh đạo Champa đã trở thành người lãnh đạo về phong tục tập quán và kinh tế hơn là lãnh đạo về chính trị. Nhưng cũng vì chấp nhận chính sách quan hệ này người dân Champa phải chịu chung sống với người Việt Nam trong những tiến trình của cuộc nam tiến mà Chúa Nguyễn đã tiến hành cho đến cuối thế kỷ thứ 18.

Cả hai Tiền Biên và Phủ Biên Tạp Lục đã cho một danh sách những phẩm vật mà Po Saktiraydaputih đã gửi đến cống cho Nguyễn Phúc Chu trong khoảng tháng mười một năm 1694, và trong tháng bảy năm 1709 (23). Danh sách bao gồm:

2 con voi đực (24)

20 con bò vàng (25)

6 cặp ngà voi

10 sừng tê giác

500 chiếc khăn lụa trắng

50 thỏi sáp vàng

200 bó vi cá

200 cây gỗ mun

1 cái cột buồm (26)

400 thùng bồ tạt (27)

500 chiếc nón lá

Cùng các thứ khí giới và yên cương (28).

Kèm theo lá thư của Po Saktiraydaputih bắt đầu với lời kính cẩn “Chính (Trần) - thon-ba-hu của Thuận Thành Trấn, xin quỳ dâng lễ vật triều cống năm 1709” (29).

Người ta cũng không rõ được những đồ vật triều cống khác được gửi đến giữa năm 1694 và 1709. Vì không có những quy định rõ ràng cho các phẩm vật gửi đến triều cống, Po Saktiraydaputih có thể lý luận không đủ khả năng mang lễ vật triều cống, hay ông không muốn mang lễ vật triều cống, vì viện cớ rằng dân chúng của ông đang lâm vào sự đói kém và bịnh dịch hạch đã hoành hành trong khu vực Champa vào năm 1697. Hơn nữa, Chúa Nguyễn cũng không cần những quà cống này, nhưng chỉ cần thái độ trung lập của Champa trong sự việc tranh chấp của Nhà Nguyễn với vương quốc Chenla (Khmer) trong thời kỳ năm 1700 đến năm 1709. Việc giữ thái độ trung lập trong thời điểm này là điều quan trọng có lợi cho quân đội nhà Nguyễn trong lúc đang điều động quân đội chống lại người Khmer mà không lo sợ bất kỳ sự quấy rối nào từ phía Champa.

Mối quan hệ thân thiện giữa Po Saktiraydaputih và Nguyễn Phúc Châu dẫu thế nào cũng không thể ngăn chặn được sự xung đột đang diễn ra từng ngày giữa người dân Champa và nhóm người Việt Nam vừa mới đến định cư ở vùng đất Champa, và giữa người Champa và chính quyền Việt Nam ở dinh Bình Khanh, người tự coi quyền hạn của mình bao phủ cả lãnh thổ Champa ở khu vực Phố Hài, Phan Rang, Phan Rí (tức khu vực Panduranga). Sự xung đột này đã dẫn tới việc cần phải áp dụng quyền hạn của pháp luật: về buôn bán và thuế má của nó, về những người ở và những người làm công, cũng như biên giới hành chánh, vì người dân Champa luôn luôn lâm vào hoàn cảnh bất lợi khi có những vấn đề xảy ra với người Việt Nam.

Bởi vậy, một dự luật được thỏa thuận trong tháng chín năm 1712 giữa Nguyễn Phúc Châu và Po Saktiraydaputih gồm năm điều khoản để hòa giải những khúc mắt ở trên, hay nhằm quản trị các vấn đề liên hệ Việt Nam - Champa, và cơ quan này được đặt ở dinh Bình Khanh. Những sử liệu đời Nguyễn đã ghi rằng sự thỏa thuận đã được soạn thảo theo như yêu cầu của Po Saktiraydaputih và danh sách các điều lệ này là do Nguyễn Phúc Chu “chuẩn y” (đây không phải là một hiệp định) (30). Thật là khó khăn để xác minh rằng những điều mà Po Saktiraydaputih đã yêu cầu là những điều đã qui định trong thỏa thuận. Nhưng chắc chắn đó là những điều quan trọng, điều có liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho người dân Champa. Tuy nhiên, một vài trong số các điều khoản không phù hợp với quyền lợi của dân tộc Champa:

1) Bất kỳ người nào có sự thỉnh cầu ở chốn Hoàng gia (của Po Saktiraydaputih) là phải trả 20 xâu tiền cho mỗi Tả quan và Hữu quan, 10 xâu tiền cho mỗi Tả quan và Hữu quan của Phan dung. Và khi người đó có sự thỉnh cầu ở dinh Bình Khanh là phải trả 10 xâu tiền cho mỗi Tả quan và Hữu quan, và 2 xâu tiền cho mỗi Tả quan và Hữu quan của Phan dung.

2) Tất cả những cuộc tranh chấp giữa người Trung Hoa; hoặc giữa người Việt với dân Champa ở Thuận Thành sẽ được xét xử bởi Phiên Vương (Vua của Champa) với một Cai Bạ và một Ký Lục (cả hai đều là quan chức Việt Nam); những tranh chấp giữa người dân Champa ở Thuận Thành sẽ do Vua Champa xử.

3) Hai địa phận của Kiên-kiên và O-cam sẽ được phòng thủ cẩn mật hơn để tránh khỏi những tai mắt của người dò thám. Không nhà cầm quyền nào có quyền bắt cư dân ở hai địa phận này.

4) Tất cả thương nhân muốn đi vào khu vực của thổ dân (địa phận Champa) phải đăng ký, phải có giấy tờ hợp lệ của chính quyền khu vực và ban ngành có liên quan cấp phát.

5) Tất cả những người dân Champa trôi giạt từ Thuận Thành đến dinh Phiên Trấn (Bình Khang) phải được đối xử đàng hoàng.

Từ bản thỏa thuận, chúng ta nhận thấy rằng lãnh thổ Champa rất dễ dàng cho những cư dân Việt Nam qua lại, bởi vì, biên giới giữa khu vực của Champa và khu vực của người Việt ở Champa trực thuộc dinh Bình Khanh không được xác định. Văn hóa ngoại lai và sức ép của người đa số buộc người dân Champa phải chấp nhận sự hiện hữu của người Việt, cũng như cách thức của cuộc sống, ngay cả cái cách ăn mặc của Việt Nam, và luôn cả tiếng nói hay ngôn ngữ Việt Nam trong giao tiếp.

Những mối quan hệ giữa Nhà Nguyễn và Champa trong khoảng năm 1697 đến 1728 được mô tả bởi nguồn sử liệu Việt Nam như là mối quan hệ thân thiện. Thí dụ như trong tháng thứ bảy của năm 1714, sau khi hoàn thành công việc chỉnh trang Chùa Thiên Mụ ở Phú Xuân (Huế), Po Saktiraydaputih đã đưa ba người con của mình đến dự lễ chúc mừng được tổ chức bởi Nguyễn Phúc Châu. Chúa Nguyễn, người đã hiến dâng đời mình cho việc tu hành, ìrất sung sướngỵ với sự hiện diện của họ, và ông ta đã phong cho một trong những người con của Po Saktiraydaputih cái chức Hậu, tức là đại biểu quý phái của địa phương (31).

Ba tháng sau, Po Saktiraydaputih yêu cầu Chúa Nguyễn cho phép ông ta thành lập triều đình Champa chính thức. Tuy nhiên, quyển Tiền Biên đã ghi nhận là Nguyễn Phúc Châu đã ra lệnh để thực hiện kế hoạch loại bỏ quyền lực Champa, tách riêng quân đội và quan chức hành chánh trong triều đình ra thành hai cơ quan riêng biệt (32). Một lần nữa, dữ kiện đó lại được ghi trong Quốc Sử Quán của nhà Nguyễn. Thật là khó khăn để biết chắc là Po Saktiraydaputih đã đưa ra yêu cầu thiết thực này, hay toàn bộ hệ thống của triều đình Việt Nam chỉ muốn gây áp lực đối với Champa. Hẳn nhiên, đó là thêm một biểu hiện nữa trong tiến trình của Việt Nam hóa Champa.

Dưới thời Po Saktiraydaputih, người dân Champa chịu lệ thuộc vào quyền lực Nhà Nguyễn. Khoảng giữa năm 1700 và năm 1728, trong lúc Chúa Nguyễn mở rộng quyền hạn của mình đến nước Chenla, hay biên giới Khmer, người dân Champa có nhiều thời cơ để chuẩn bị cho việc tự giải phóng mình thoát khỏi sự thống trị của Việt Nam. Bởi vì, biên giới Champa cùng chung với biên giới của Vương Quốc Khmer, và đó là điều rất thuận lợi cho Champa liên kết với Khmer để chống lại Nhà Nguyễn, và phá vỡ việc di quân của Việt Nam đang dùng dinh phủ Bình Thuận để tiến quân tấn công Khmer. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của Po Saktiraydaputih, ông ta đã không có một hành động thiết thực nào cả. Sự yếu đuối của đội quân Champa đó là lý do chính để không thực hiện được kế hoạch này. Hơn nữa, trại đóng binh của Việt Nam ở phủ Bình Thuận là trại binh lớn nhất và chính yếu nhất, trong đoàn binh tiến đánh Khmer, chỉ bỏ lại cho Champa cơ hội rất nhỏ nhoi để mà thao diễn.

 

***

Mối quan hệ Nhà Nguyễn và Champa trải qua một sự lừa bịp sau cái chết của Po Saktiraydaputih vào năm 1728. Trong năm đó, Champa đã làm một cuộc khởi nghĩa chống lại Việt Nam, nhưng đã bị thất bại ngay sau đó. Sự thiếu năng lực của Champa chỉ cho dân tộc này một cơ hội nhỏ nhoi để loại bỏ quyền lực thống trị của nhà Nguyễn. Sự thiếu năng lực này đã buộc Champa phải chịu dưới sự thống trị Việt Nam. Ðiều này như thuận đà hơn cho tiến trình Việt Nam hóa trên bình diện rộng, và sau cùng những người nắm chính quyền Champa buộc phải lấy luôn tên họ Nguyễn của Việt Nam.

Sau năm 1728, Champa đã bị tước mất hết các chức vị và quyền hạn ở cấp phủ. Những người nắm quyền điều hành công việc ở Champa phải làm việc chung với quan thái thú ở phủ Bình Thuận, và rất ít khi có được mối liên hệ trực tiếp với chúa Nguyễn ở kinh đô Phú Xuân. Một bản kê tóm tắt trong các văn thư bằng tiếng Cham lưu trữ ở Panduranga, dù sao, cũng đã nói lên được một vài điểm sáng tỏ và gợi cho thấy rằng, sau năm 1728, mối bang giao Nguyễn-Champa vẫn dựa trên qui ước được đặt ra giữa Nguyễn Phúc Chu và Po Saktiraydaputih, và mối quan hệ này giữ được liên tục như những thời gian trước năm 1728.

Mặc dầu người dân Champa sau này đã đặt hết niềm tin của mình với nhà Tây Sơn nổi dậy vào năm 1771, cuộc nổi dậy mà sự kết thúc đã tước bỏ hết quyền lực Chúa Nguyễn vào năm 1775, nhưng họ cũng không thoát được khỏi sự thống trị của Việt Nam. Khi triều đại Nhà Nguyễn (1802-1945) được bắt đầu lập lại với Nguyễn Phúc Ònh (Gia Long), người kế thừa trực tiếp của Nhà Nguyễn lên ngôi vào năm 1802, Champa (Thuận Thành) đã bị liệt vào thành một trong số 13 quận thuộc nhà Nguyễn. Champa đã cố gắng liên tục để giữ lấy nguyên tắc tự trị, ít nhất là về phong tục tập quán và văn hóa trong chế độ Nhà Nguyễn cho đến năm 1832, năm đánh dấu sự chấm dứt vĩnh viễn mối quan hệ giữa nhà Nguyễn và Champa, và cũng là năm mà nhân dân Champa bị tiêu diệt bởi quyền lực Việt Nam chính yếu khác, sau khi đã gia nhập với nghĩa quân Lê Văn Duyệt chống lại hoàng đế Minh Mạnh (1819-1840) của triều đình nhà Nguyễn.

Notes :

* Bài này nguyên tác viết bằng tiếng Anh với nhan đề Relations between the Nguyen Lords of Southern Vietnam and the Champa Kingdom: A Preliminary Study đăng trong Sejarah, Journal of the Department of History University of Malaya, No. 5, 1997, trang 169-180, do Abd. Karim dịch.

** Danny Wong Tze-Ken là giảng viên của Phân Khoa Sử ở Trường Ðại Học Malaya Mã-Lai.

(1) Những phần đất mới do Chúa Nguyễn chiếm cứ chỉ bao phủ hai quận Thuận Hóa và Quảng Nam, nơi mà Nguyễn Hoàng (Chúa Nguyễn đời thứ nhất) đã cho thành lập chính quyền Thuận Hóa trong năm 1558, và thẩm quyền của ông ta được nới rộng trong năm 1570 khi ông ta cũng cho lập chính quyền ở Quảng Nam. Ðể biết nhiều hơn về Nguyễn Hoàng, hãy xem Keith Taylor «Nguyen Hoang and the beginning of Vietnam’s Southward Expansion» Anthony Reid (ed.), Southeast Asia in the Modern Era: Trade, Power and Belief, Ithaca, New York: Cornell University Press, 1993, trang. 43-65; cũng nên xem L. Cadière, «Le Mur de Dong-Hoi: Etude sur l’établissement des Nguyen en Cochinchine», Bulletin de l'Ecole Français d’Extreme-Orient (BEFEO), Vol. VI, 1906.

(2) Champa là một vương quốc đa chủng tộc. Chính vì thế, tên Champa sẽ được dùng và được lập lại trong suốt tiểu luận này, nó không chỉ là cái tên của tổ chức chính trị của một quốc gia, nhưng nó cũng là cái tên của toàn thể dân tộc ở trong vương quốc. Ngoài số người Chăm, còn có một số khác cũng là dân tộc Champa, bao gồm các bộ tộc miền núi gốc Autronesians, người đã từng có quyền và nghĩa vụ trong đời sống chính trị của vương quốc Champa.

(3) Phủ tương đương với một Quận hay Huyện trong truyền thống tổ chức Việt Nam.

(4) Ðại Nam Thực Lục Tiền Biên (viết tắt là DNTLTB), Vol. 1, trang. 22b-23a.

(5) DNTLTB, Vol. 2, trang. 14b.

(6) Dinh tương đương với một đơn vị quân đội thường trú theo cách gọi Việt Nam.

(7) Cái thuật ngữ Trấn Biên là ám chỉ cho tất cả các khu vực hành chánh ở biên giới phía nam vừa mới sát nhập, hay vừa mới xâm chiếm được vài ngày. Và không nên nhầm lẫn với địa danh Trấn Biên (Biên Hòa), nơi mà quân Việt đã chiếm từ vương quốc Khmer trong năm 1697.

(8) DNTLTB, Vol. 2, trang 17b.

(9) Ðấy là Nguyễn Hoàng (1558-1613), Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) và Nguyễn Phúc Lan (1635-1648)

(10) DNTLTB, Vol. 3, trang 15b.- 16a

(11) Ba Tâm trong sử liệu Việt Nam là Po Nraup trong văn kiện Cham của Panduranga. Xem Po Dharma, Le Panduranga (Champa) 1802-1835, ses rapport avec le Vietnam, Vol. I Paris: Ecole Franậaise d'Extrême-Orient, 1987, trang 64.

(12) DNTLTB, Vol. 4, trang 22

(13) Ba Tranh trong sử liệu Việt Nam là Po Saut trong văn kiện Cham của Panduranga. Xem Po Dharma, Le Panduranga, 1987, trang 67.

(14) DNTLTB, Vol 7, p. 4. Phải ghi nhận là, ngay từ năm 1629, đối với sử liệu Việt Nam, những hành động của quân đội Champa chống lại nhà Nguyễn được xem như là sự nổi loạn, mặc dầu, Champa vẫn còn chủ quyền độc lập của riêng mình. Sự giải thích này là chuyện thông thường, và là quan điểm của Việt Nam đối với Champa, với những quốc gia khác và với những bộ tộc ít người chỉ là chư hầu hiện hữu của Việt Nam, chính vì thế mới có từ “phản loạn” ở đây.

(15) Huyện tương đương với Quận.

(16) DNTLTB, Vol 7, trang 5b.

(17) Cũng như tên của Po Saut, Po Saktiraydaputih được sử dụng trong biên niên sử Chăm của Panduranga, trong khi đó văn bản Việt nam thì dùng tên Ke-Ba-tu. Xem Po Dharma, Le Panduranga 1987, trang 68.

(18) DNTLTB, Vol 7, trang 5b-6a.

(19) Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Sơ Tập tập I (viết tắt DNCBLT), Chương 33, trang 22b. Phải ghi nhận rằng sự trao trả lại ấn triện của vương triều và số dân không bao giờ được nhắc đến trong bắt cứ tư liệu nào của Việt Nam ngược lại sự hiện diện của 30 quân binh Việt Nam là có bằng chứng cụ thể. Theo tư liệu hoàng gia Panduranga viết vào năm 1738, có ghi là: năm ligature gạo cho vua Thuận Thành mượn để trả lương cho những người lính Việt Nam. Xem Inventaire des Archives du Panduranga: Fond de la Société Asiatique de Paris, Paris, Centre d’Histoire Civilisation de la Peninsule Indochine, 1984, trang 75.

(20) Po Dharma, Le Panduranga, 1987 68.

(21) DNTLTB, Vol. 7, trang 9a.

(22) Là một hình thái khác của quân đội đồn trú.

(23) Phủ Biên Tạp Lục (viết tắt là PBTL) của Lê Quý Ðôn trong năm 1776 có một danh sách tương đối đầy đủ về vật triều cống của năm 1709. Những vật triều cống trong danh sách này không khác gì với danh sách của năm 1694, ngoại trừ vào năm 1709 có ghi nhận thêm một con voi đực. Xem PBTL, Vol 2, trang 30a. Li Tana trong trích dẫn và dịch thuật của cô năm 1993, dựa trên lịch chu kỳ 60 năm của Trung Hoa, cô ta đọc năm kỷ sửu là năm 1769, thay vì 1709. Xem Li Tana “Miscellaneous Nguyen Records Seized in 1775-6: Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Ðôn” trong Southern Vietnam under the Nguyen: Documents on the Economic History of Cochinchina [Ðàng Trong] 1602-1777, Li Tana & Anthony Reid (eds.), Singapore: Institute of Southeast Asian Studies & Australian National University, 1993, trang 100-101. Cũng nên nhắc rằng, năm kỷ sửu là năm 1709, khi Po Saktiraydaputih gửi vật cống đến Chúa Nguyễn. Xem DNTLTB, Vol. 8, trang 7a. Ðó là một bằng chứng cụ thể để sữa đổi lý thuyết của Lina.

(24) PBTL cho biết là ba con voi đực trong phẩm vật triều cống vào năm 1709, hai trong số này được đưa tới phủ Bình Khang, còn một con như thế cho việc trả 150 quan tiền thuế. Xem PBTL, Vol 2, trang 30a.

(25) PBTL, cũng cho biết trong phẩm vật triều cống vào năm 1709, là mỗi con bò được mua lại với giá 60 quan tiền. Xem PBTL, Vol. 2, trang 30a.

(26) PBTL cho biết chiều dài của cột buồm là 7 tầm hay khoảng 22,4 mét. Xem PBTL, Vol. 2, trang 30a.

(27) Cát sỏi, ở Việt Nam, có thể dùng để làm sà bông hay phân bón.

(28) DNTLTB, Vol. 7, trang 9, không có thương, đao và yên cương trong phẩm vật triều cống năm 1709.

(29) PBTL, Vol. 2, trang 30a.

(30) DNTLTB, Vol. 8, trang 14a.

(31) DNTLTB, Vol. 8, trang 18b.

(32) DNTLTB, Vol. 8, trang 20b.

From Champaka số 1

 

Danny Wong Tze-Ken

Professor

 

 

Trở về trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

Host: GOOGLE PAGE CREATOR