d. Trần Xuân An - Ngẫu hứng đọc thơ - Đọc thơ Phan Văn Quang - Tệp 4

author's

copyright

trần xuân an

ngẫu hứng đọc thơ

 

 

phê bình thơ

Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005

06/30/09

 

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

Bài 7

 

Bài 8

 

Bài 9

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

                             

        

   Bài 4

 

ĐỌC THƠ PHAN VĂN QUANG                                                

 

1

Hồi còn là sinh viên, bên một vài quầy báo ở Huế, tôi đã đọc loáng thoáng thơ tình Phan Văn Quang trên những tạp chí văn nghệ được ấn hành tại Sài Gòn. Sau Ngày Thống nhất khoảng hơn hai năm (vào đầu học kì 2, năm học 1977 – 1978), trên một chuyến xe khách từ Đông Hà vào Huế giữa đợt thực tập sư phạm, tôi không ngờ người ngồi cách mình không xa, lớn hơn tôi khoảng sáu, bảy tuổi, chính là anh. Hẳn anh có một vài người em, người cháu học ở Trường Cấp III Đông Hà, nên qua đó, Phan Văn Quang biết tôi, và anh ngỏ lời chào.

Có thể gọi đó là một chút cơ duyên văn nghệ.

Mãi đến khi Phan Văn Quang đảm trách công việc phát hành tạp chí của toà soạn Cửa Việt, tại Thành Cổ, thị xã Quảng Trị, tôi mới có dịp cùng anh thân quen, nhất là những dịp anh vào Hải Lăng, một huyện gần đó.

Đúng như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường giới thiệu ở đầu tập thơ riêng Ta ôm một nửa đời luân lạc: “Phan Văn Quang là một nhà thơ thuộc ‘trường phái phong trần’ kia mà tôi may mắn được đánh bạn trong những ngày trở lại cố hương; gương mặt chì bởi nhiều màu nắng, áo cũ bởi nhiều bụi đường, và thơ mang không gian rộng của những phương trời”; “Đọc tập thơ đầu tay của Phan Văn Quang, dù mỏng thôi, tôi tin anh là thi sĩ” (1).

Chất thi sĩ của Phan Văn Quang chỉ có thể nhận biết lúc đọc thơ anh, và đặc biệt là lúc nghe anh đọc thơ. Giọng nói anh thường khi là khá nhanh, nhanh đến nỗi nuốt chữ, ngỡ như anh luôn luôn tất bật, hối hả đến hụt hơi, nhưng giọng đọc thơ của Phan Văn Quang lại trầm lắng, da diết.

Đọc thơ của một người thơ dám bảo với cuộc đời như tự nhủ với trái tim mình rằng, Ta ôm một nửa đời luân lạc, tôi không thể không nhận ra lòng yêu đời của Phan Văn Quang, cho dù nửa cuộc đời anh trải qua là trôi nổi, chìm đắm.

Tôi không nghĩ điều cảm nhận đầu tiên đó chỉ là ấn tượng về một con người mà tôi được quen thân, nhiều lần gặp gỡ, chuyện trò, trà rượu, ngâm hát, rong chơi. Không, điều đó thể hiện rất rõ ngay trong chính hai tập thơ anh đã xuất bản (2).

Phan Văn Quang là một nhà thơ thuộc “trường phái phong trần”, vất vả, cực nhọc suốt “một nửa đời luân lạc”. Đúng vậy, cho dù phải trải qua “một nửa đời luân lạc”, anh vẫn muốn thiết tha ôm ghì lấy quãng đời ấy, không chối từ, phủ nhận nó bao giờ. Anh đã viết: “Bạn tôi nói: dù nghèo đói mấy cũng đừng chê đời. Vợ tôi nói: dù nghèo đói cũng đừng xa nhau. Con tôi nói: dù nghèo đói cũng đừng bỏ con. Vì những lẽ đó tôi đã làm thơ và sẽ mãi mãi làm thơ” (3). Ngẫu nhiên trùng hợp, Phan Văn Quang không chỉ yêu đời như một quan niệm của Hermann Hesse, một nhà văn Đức từng đoạt giải Nobel văn chương: “Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này” (4). Ở Phan Văn Quang, không có sự đổ vỡ tan hoang, trầm trọng về niềm tin vào cuộc đời, về lí tưởng, lẽ sống, hệ giá trị như Hesse và thế hệ nhà văn Đức, Phương Tây, sau Đệ II Thế chiến. Ở anh, anh cũng như bạn anh, lòng yêu đời trong cơ cực được diễn đạt là “đừng chê đời”, chứ không phải là đừng chán đời (đừng yếm thế) – hai chữ “chán đời”, thường thấy trong thơ sĩ phu Đàng Ngoài ôm mối hận “phù Lê” như Phạm Thái (thời Quang Trung), Cao Bá Quát (thời Tự Đức)… Thơ Phan Văn Quang ngoài ý thức và tâm niệm “đừng chê đời”, còn thể hiện tình nghĩatrách nhiệm trong hoàn cảnh nghèo đói, mặc dù anh chỉ dám khiêm tốn gói gọn trong chức năng người chồng, người cha, và cao quý hơn thế, là người thơ.

Yêu đời, tình nghĩa và trách nhiệm, cho dẫu cơ cực, phải chăng là những nét chủ đạo trong hai tập thơ Ta ôm một nửa đời luân lạcMưa nắng quanh đời?

 

2

Thật ra, Phan Văn Quang không viết nhiều về những cơ cực, khốn khổ của suốt nửa cuộc đời nổi trôi, chìm đắm. Trong hai tập thơ, chỉ nổi lên một tứ thơ gây cho tôi cảm giác gần như ớn lạnh ở một bài thơ rất ngắn. Tôi nghĩ, phải đau đớn đến quằn quại và ý thức sâu sắc về nỗi đau ấy, Phan Văn Quang mới có thể viết Bong bóng bay, cái đầu đề cứ ngỡ như trong ngần niềm vui thơ dại.

Sân bóng loạn chân người

Tung những đường banh hồ hởi

Chiến thắng thuộc phần ai?

Không khí căng lồng ngực

Vỏ da nào bọc lấy thân tôi?

 

Còn phút nao lòng

Sân xanh sang màu tím

Người chạm người

Chân ứa máu

Tôi mơ thành bong bóng bay (5).

Đây là bài thơ không chỉ độc đáo và sâu sắc ở tứ thơ, không chỉ khắc ngay vào lòng người nhờ tứ thơ, mà cả ngôn từ cũng rất ấn tượng, mặc dù rất dung dị một cách sinh động. Nửa cuộc đời luân lạc, lăn lóc, như quả bóng trên sân cỏ cuộc đời, bị những cầu thủ của hai đội tranh đoạt để đá bật, đá vòng, sút, lừa, đạp; nếu có dùng đầu thay chân thì cũng là một động tác đánh, húc. Hình ảnh quả bóng cho dù được khắc chạm vào cúp hoặc cúp được đúc theo hình ảnh quả bóng, thì vinh quang chiến thắng cũng thuộc về cầu thủ chứ chẳng thuộc về nó. Quả bóng chỉ là phương tiện của cầu thủ! Và nếu mươi lần “người chạm người, chân ứa máu”, thì hẳn quả bóng còn bầm dập muôn vạn lần hơn thế bởi hàng vạn, hàng vạn cú đá, cú húc. Không có thân phận nào bi thảm như thân phận quả bóng. Phan Văn Quang ý thức được thân phận mình giữa đời một cách bi thảm. Nhưng viết về niềm bi thảm, thơ anh vẫn cứ như không, không có ngôn từ thảm thiết, cay đắng, mà tự thân hình tượng – tứ thơ trong trọn bài thơ thể hiện ra, tạo nên một hiệu quả sâu, mạnh.

Ở câu kết là cả một khát vọng hoá thân, khát vọng đổi đời, khát vọng thoát kiếp, chính xác hơn là khát vọng được trở về với tuổi thơ với ước mơ bay cao giữa trời bát ngát, lồng lộng và khoáng đạt, cho dù chỉ bay bổng vài giờ ngắn ngủi, bong bóng bay cao mơ ước giữa trời kia rồi sẽ xì vỡ, rơi rụng. Chính khát vọng được đào thoát khỏi thân phận, “trốn” về với tuổi thơ, khiến người đọc trào nước mắt.

Bong bóng bay là bài thơ cực kì hàm súc, mộc tân thức (modern-style). Tôi cho rằng, đó là tuyệt tác của thơ Phan Văn Quang. Rất tiếc phong cách chủ đạo của thơ anh không phải thuộc thi pháp ấy.

Hình như trước khi đi đến ý thức bi đát về thân phận đó, người thơ Phan Văn Quang phải trải qua những giờ phút, những ngày tháng đối diện với chính mình. Anh không là Narciss, tự say mê bóng mình. Anh không hẳn là Bồ Đề Đạt Ma, chín năm đối diện với bức vách để suy ngẫm, tìm ra bổn lai diện mục. Hẳn tâm thức anh cũng không như một nhà văn nữ xứ Huế Tuý Hồng vốn nổi tiếng về bút pháp táo bạo, có một lần “tôi nhìn tôi trên vách”. Nhưng ai lại không có lần phải nhìn lại chính mình, soi rọi vào tận cõi sâu thẳm nhất của mình, theo cách của mình! Và vấn đề là ở đó: theo cách của riêng mình.

Phan Văn Quang không thuộc vào phân số người trong xã hội Việt Nam trải qua những cơn bão táp cách mạng và bão táp đổi mới trong tâm thức chăng? Tôi không tin vậy. Người thơ này đã từng Hoang mang, trong một khu rừng sâu, bên bờ suối vắng, để đối mặt với chính mình, với cung cách rất Phan Văn Quang:

Bên suối lặng mình soi đáy nước

Trong trời chiều sinh động hai ta

Bóng nhìn ta và ta nhìn lại

Giữa thinh không hai đứa khóc oà (6).

“Trong trời chiều sinh động (? sinh – động? sinh – đọng? sánh, đọng?) hai ta”. Chữ không diễn đạt được gì, chỉ là chữ thừa. Tôi ngẫm nghĩ, có thật hai chữ “sinh động” này đã rất thừa, và làm hỏng một bài thơ tuyệt hay? Nhưng dẫu sao, nhìn trên tổng thể, bài thơ bốn câu Hoang mang rất hay này đã thể hiện được tâm trạng của một người vốn không có ý định chủ động đối diện với chính mình, mà chỉ là lúc tình cờ “soi đáy nước”, bất giác thấy bóng mình nhìn mình, và anh nhìn lại bóng. Người cùng bóng người nhìn nhau, cùng bật oà ra tiếng khóc trong niềm hoang mang. Thật ra, người thơ tự khóc oà về mình đó thôi, sau nhiều tháng năm không một lần nào có dịp soi gương ngắm lại mình, chợt thấy mình già đi, gầy khô, hốc hác hẳn đồng thời đã vong thân (tha hoá), trót mang “khuôn mặt người khác” như một nhân vật Nhật Bản của Kôbô Abê (Kobo Abé) (*), hoặc tha hoá như hình tượng tên lính phát xít Đức “lạc lối về”, Henrich Boll (**) đã khắc hoạ.

Đó phải chăng là lúc Phan Văn Quang nhận ra mình, ở một bài thơ khác (Theo chim về biển), và người thơ rong ruổi cùng cánh chim nào về với cát trắng, sóng biếc, “chim bay về từ những đồi hoang / chiều lên xanh hồn ta một cõi / trong nửa đời còn nặng hoang mang”. Nhưng rốt cuộc, anh vẫn rơi vào tâm trạng bi kịch khác, mặc dù nhận thức rõ về thực trạng của mình hơn: “đánh mất nửa đời không vốn liếng / như tuổi vàng mất biệt tăm hơi / chiều nay trên rừng ta khản giọng / hiu hắt lòng – rượu uống mềm môi” (7).

Hoang mang là trạng thái không thể định hướng, không phân biệt được chân – giả. Nhưng ở Phan Văn Quang, đó không phải là tâm trạng thường trực. Anh tìm cách hoá giải sự khủng hoảng trong tâm thức mình, chỉ bằng một chút thiền, chút vô vi bất nhi bất vi trong một công việc bình thường, giản dị nhất:

Bồng cháu chú chạy khơi khơi

Bé cười làm thẹn biển trời xanh lơ

Ồ! Một điều rất trẻ thơ

Mà ta xuôi ngược bơ phờ tóc râu.

                                       (Trẻ thơ (8))

Nụ cười trẻ thơ hồn nhiên làm xấu hổ cả đất trời hồn nhiên, đối với Phan Văn Quang lúc ấy, là cả một chân lí cuộc sống lớn lao, sâu thẳm mà vô cùng đơn giản.

Cuối cùng, Phan Văn Quang nhận ra một nẻo đường dấn thân, tích cực hơn. Bài thơ có nhan đề được chọn làm tên cho cả tập, Ta ôm một nửa đời luân lạc, tuy vẫn còn hằn nỗi cuồng ca, “thấp thoáng ngoài khơi thuyền ngược sóng / trong này ta cất giọng cười khan”, nhưng đã hi vọng, “có mở được lòng xưa khuất lấp”, cho dù “trăng yên mây kín tự bao giờ”. Ấm lòng thay, khi anh tìm ra hạnh phúc ngỡ đã mất:

Nhớ thuở xa người – xa rất mực

Chớm xuân tin trổ ngọn bên đồi

Áo xưa trăng loãng ngời như lụa

Thấy lòng phai giữa bóng trăng phơi

 

Đôi lần ghé thăm người em gái

Thiếu nữ thương ta, ta rất thương

Hạnh phúc nào xanh lòng luân lạc

Khi trăng về ngủ muộn cuối đường (9).

Ngay cả những lúc cơ khổ nhất, anh vẫn có một ý thức trách nhiệm, và cũng may mắn thay, lại là trách nhiệm trong tình yêu đương, hạnh phúc. Kỷ niệm rừng sáng bừng một trời tươi sáng:

… Sau ba ngày mưa dầm

        hôm nay trời thơm nắng

Anh lên rừng hái củi

        cùng tình yêu em rực rỡ trong lòng

Bài hát hôm qua ngân dài núi đồi

                                     mênh mông

Ồ lá và hoa thi nhau hoà với chim với suối

Mo cơm, túi nước ngất ngưỡng trên vai

                   theo chân anh bước đuổi… (10)

Bài thơ viết dưới chân thành cổ cũng thể hiện điều đó với tất cả sự chắt chiu, trân trọng, trìu mến:

Thoang thoảng hương đời thơm tóc em mùi cốm

Thiết thực vô cùng anh làm việc hăng say.

Ngôi trường thơ ấu, chừ ngói đụn rừng lau

Anh mở lòng theo mười ngón tay mau

Ở nơi này cũng còn ít nhiều viên gạch tốt

Mồ hôi thấm hai lần áo trong ngày nắng đốt

Anh nghĩ xây dựng quê hương

           cũng từ những điều nhỏ nhặt vô cùng

Vài viên ngói cũ sẽ đậm màu ngôi trường mới

Trong bữa cơm chiều nay

Có mẹ già và em trai còn đi học

Anh miên man nói chuyện ngày mai

Chắc như bắp, như một cộng một là hai

Gạo sẽ có, lòng sẽ vui, bàn tay này cày cấy

Từng giọt mồ hôi từng hạt giống tương lai (11).

Tôi không rõ những nỗi đau trong nửa đời luân lạc có lần suýt quay về làm quằn quại lòng anh, lần ấy xảy ra vào thời điểm nào. Lúc anh đã hạnh phúc? Lúc anh còn cơ khổ? Chắc chắn ấy phải là những tháng ngày cho dù có hạnh phúc nhưng chưa thật ổn định trong công việc làm ăn kiếm sống. Bấy giờ, Phan Văn Quang vẫn còn lặn lội giữa rừng hoang nước độc, tìm miếng ăn cho mình, cho con, dẫu biết “ăn của rừng, rưng nước mắt”. Đây là hình ảnh một toán “ngậm ngải tìm trầm” hay “đãi cát tìm vàng” một thuở khó khăn chung:

“Trải chiếu giữa sàn / Mưa chém vào phên nứa / Chai rượu đứng nghiêm chào những người bạn cũ / Đĩa mồi mấy con mực nằm nghiêng / Xưa như trái đất vẫn còn thằng áo rách / Manh chiếu lủng tròn thành chiếc mâm / Lúc nhúc những chiếc li cụng vào đêm sâu / Vỡ mặt – tháng năm dài /  Niềm vui vô tình lấp sau liếp cửa / Sợ chạm phải nỗi đau xưa… // Ngoài hiên, mưa / Chiếc dép, chiếc giày ngả nghiêng bên vệ cỏ / Ngủ say”

                                                                     (Tĩnh vật sống (12)).

Dăm bảy năm nay, Phan Văn Quang cũng thôi làm công việc phát hành ở toà soạn tạp chí Cửa Việt, anh cùng vợ mở quán cháo bột cá tràu (cháo bánh canh cá lóc) ngay tại nhà ở thị xã Đông Hà. Có lẽ thời đoạn này là thật sự ổn định, ổn định nhất trong đời anh. Tuy vậy, là một nhà thơ, anh không thể ngủ vùi trong sự yên ổn đó – sự yên ổn có thời Chế Lan Viên đã phê phán, “một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”.

Ở tập thơ thứ hai, Mưa nắng quanh đời, có bài vẫn chứa chất một nỗi suy tư, thao thức và trăn trở, nhất là niềm tự vấn của người cầm bút, vốn được tôn vinh là dám mang thiên chức chứng nhân của thời đại. Đó là nỗi niềm ở một ngày mùa xuân, khi chợt nhớ thi sĩ Phùng Quán chăng?

“Vắt cạn kiệt bã cơm / từ hạt gạo tháng mười / Chắt mạch nước đỏ bùn phèn váng vất / Khơi chút lửa / chuốc men nồng lên mắt / Trước ngày xuân ngồi lại tự vấn mình // Rượu đầu môi sẽ là phút lặng im / Thiếu vắng quá tiếng chim đầu núi / Đêm sâu thẳm níu vì sao chợt tắt / Ngã lòng đời, chạm mặt những vần thơ // Uống rượu làng với chân dung người xưa / Tâm đựng phải nỗi lòng cay cực / Xin cạn chén phơi bày lòng chân thật / Hẹn một ngày / tưới rượu xuống Hồ Tây”.

                                                 (Uống rượu với chân dung Phùng Quán (13))

Nhân Ngày Thương binh – liệt sĩ 27. 7. vào năm 1997, Phan Văn Quang có dịp ra Hà Nội, anh viết về một liệt sĩ của thi ca, một đời anh kính mến, ngưỡng vọng:

Ngắm sóng Hồ Tây, Hà Nội phố

Rưng lòng tưởng nhớ một nhà thơ.

                          (Lang thang chiều Hà Nội (14))

Tâm hồn thơ Phan Văn Quang không “chê đời”, như bạn anh nói và anh xem như tâm nguyện của chính anh, cho dù phần số anh vất vả, long đong, cơ cực, chỉ mới thư thả trong dăm bảy năm gần đây về cơm áo. Tôi không nghĩ Phan Văn Quang sống theo triết thuyết “an bài định phận”, mà anh cố sống “an bần lạc đạo”, vì cái chí của nhà thơ đâu phải là miếng cơm manh áo, cho dù một thi sĩ tiền chiến đã viết, “cơm áo không đùa với khách thơ”, và ở đây, “lạc đạo” là vui với “Thi đạo”. Phùng Quán, thi ca và Chòi Ngắm sóng của ông không phải là biểu tượng về một liệt sĩ của thơ ca (dám sống vì thơ, dám chết cho thơ, chung quy chính là sống chết vì nhân dân, đất nước), trong thơ Phan Văn Quang đó sao!

Nhưng giữa lòng kính yêu, ngưỡng vọng Phùng Quán và dám sống chết như Phùng Quán là cả một khoảng cách rất rộng. Điều đó, hầu như đối với ai cũng vậy. Có phải vậy không, anh Phan Văn Quang thân mến?

 

3

Nhà thơ Phan Văn Quang của Quảng Trị gió nóng, xương rồng, cát trắng không chỉ thế. Ở anh, còn phần tâm hồn thơ của nỗi ngậm ngùi, thương nhớ kỉ niệm, của những nét đẹp buồn. Có một chùm thơ anh in ở cả hai tập! Phải chăng đó là những bài anh yêu nhất, tuy có bài chưa hẳn là hay nhất?

Quả thật, Tháng sáu Pleiku là một bài thơ đẹp, đẹp và buồn, cái buồn rất đẹp. Đó là một phần trong tuổi trẻ luân lạc Phan Văn Quang.

“Ở Pleiku trời như sương khói / Áo màu xanh, xanh lá ven đường / Ta cũng thấy má người au đỏ / Còn tóc chừng ngai ngai mùi hương / / Nhà em đầu, nhà anh cuối phố / Mà mấy khi đều đặn tìm nhau / Kìa nhà em bông chi ngoài ngõ? / Ngập ngừng lòng quên bỏ lại sau // Em yên ổn quanh đời che chở / Khoảng vườn xanh, cửa thép im lìm / Một cây thông già lêu nghêu đứng / Chiều nay thêm một bóng lặng thinh // Ở Pleiku buồn khi đêm xuống / Nghe rất thèm một mái nhà êm / Nghĩ rằng ở đây hoài cũng lạnh / Ta về buồn ấp ủ hơi đêm // Tháng sáu Pleiku đầy hơi nước / Ta lang thang như kẻ cùng đường / Mới biết ta có thời tạo nghiệp / Ở Pleiku – tình tan như sương” (15).

Đọc thơ Phan Văn Quang, Tháng sáu Pleiku, tôi hiểu thêm vẻ đẹp của nỗi buồn trong veo, tôi chợt ngộ ra một điều giản dị mà sâu sắc nhất của lẽ đời: Trong hoàn cảnh nào đi nữa, lòng người vẫn còn có thể phát hiện, bắt gặp, trải nghiệm cái đẹp buồn, cái buồn đẹp, có khả năng làm thăng hoa trái tim người, vốn tiềm tàng trong cuộc sống, ngay cả trong cảnh nổi trôi, chìm đắm, cơ cực và bị đẩy vào tình trạng “đau đớn đến quằn quại”, nói như Hermann Hesse, nhà văn Đức.

Ngậm ngùi rời Huế cũng in hai lần ở hai tập. Bất kì ai cũng không thể không bâng khuâng, rưng rưng cảm động khi đọc, như thể đọc lại kỉ niệm của chính mình:

“Ở đây ta buồn và mây thấp / Như sân ga lặng lẽ mưa về / Nặng tình – Huế cho người đưa tiễn / Nặng ân – ta có hẹn quay về // Ra đi răng nghe lòng nằng nặng / Trong mắt em ủ kín một đời / Còi hụ, tàu lên đường tháng chạp / Huế thì mưa bát ngát đất trời // Nhìn em qua chiều không rõ mặt / Làm răng ta khỏi nhớ trời mưa / Có em đứng buồn như cây rũ / Nghe trong ta tình đã giao mùa // Huế ơi qua được bao mùa bướm / Bướm bay loáng thoáng những con đường / Vãng (***) đường tan trường nhiều con gái / Vãng hồn em trong Huế tang thương // Ra đi còn nhớ đò Thừa Phủ / Nhớ sông Hương mưa trắng một dòng / Gửi lại em người tình thơ dại / Trọn một đời hoa bướm thong dong” (16).

Hoá ra, thơ với những suy nghĩ, cảm xúc đẹp dung dị, với một hệ ngôn từ, nhạc điệu đẹp đơn sơ, lại thấm thía vào lòng đến thế.

Đúng ra, nhìn trên tổng thể, thơ Phan Văn Quang thiên về khuynh hướng thẩm mĩ thi ca này (chứ không phải khuynh hướng thẩm mĩ thi ca “đời”, “phong trần” – gió bụi), tuy có nhiều bài chưa đạt như thế hoặc ở những cung bậc khác. Chưa đạt như thế là hạn chế, nhưng ở những cung bậc khác lại là sự đa dạng, phong phú của một phong cách thơ.

Kể thêm về khuynh hướng này, Phan Văn Quang còn có nhiều bài khá hay. Trong đó, có hai bài thật sự có tứ: Con còng bướng bỉnh của tôi ơi! (17), Cõi riêng (18).

 

4

Một cách đương nhiên, thơ Phan Văn Quang đã làm phong phú thêm nền thi ca Quảng Trị vốn chưa phải là đã có bề dày, tuy có những đỉnh cao vòi vọi (thơ Chế Lan Viên chẳng hạn). Trong công cuộc Đổi mới gần hai thập niên qua, cũng như tại các tỉnh khác trong nước, ở Quảng Trị đã xuất hiện hoặc xuất hiện lại những nhà thơ thuộc về nhiều hoàn cảnh, số phận khác nhau. Nhờ vậy, nền thi ca Quảng Trị và nói chung, thi ca Việt Nam, thật sự thoát khỏi “nền văn học quan phương” đơn thuần, hoặc như ai đó đã mỉa mai phát biểu: thoát khỏi “nền văn học cán bộ” đơn điệu, duy nhất một “chuẩn mực”. Và cũng nhờ vậy, thơ dần dần tiến đến một chân lí vốn được đúc kết, tôn vinh tự bao giờ trong sách giáo khoa và trong xã hội: Văn chương nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng, là tấm gương phản ánh trung thực xã hội, thời đại, theo cách của nó. Thơ Phan Văn Quang phản ánh được những “góc nhân dân” nhưng thật ra rất tiêu biểu, rất điển hình, bên cạnh những gì tiêu biểu, điển hình khác, có thể gọi là các “góc chính thống”, của Quảng Trị và của cả nước ta.

Đọc thơ Phan Văn Quang, tôi cảm nhận được một tâm hồn thơ, hình dung được một người thơ chỉ có thể xuất hiện ở thời đoạn lịch sử trước và sau ngày sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, sông và cầu Thạch Hãn bị chia cắt, lại được nối liền, cho đến hai thập niên Đổi mới. Thiếu đi một nhà thơ Phan Văn Quang là cả một thiếu sót không gì bù đắp được.

Có một Phan Văn Quang như thế trong thơ, và rất nhiều Phan Văn Quang như thế trong đời. Thơ Phan Văn Quang đã nói lên bao tâm trạng, nỗi niềm, thay cho rất nhiều Phan Văn Quang thầm lặng khác. Nếu không có Đổi mới (công cuộc Đổi mới cần phát huy mặt tích cực), thơ ca sẽ nghèo nàn, đơn điệu biết bao, và “thơ ca như một tấm gương phản ánh trung thực xã hội, thời đại” cũng khiếm khuyết biết bao!

Nhà văn và cũng là nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết về Phan Văn Quang: “Thi sĩ là người duy nhất trên đời biết ‘cảm ơn sương mù’. Tôi thì cảm ơn Phan Văn Quang, đã lưu ý về những gì tôi đã có, đã hờ hững quên, và bây giờ tìm thấy lại” (19). Tôi thấy cần viết thêm về anh như đã viết, bởi “sương mù” không phải là tất cả Phan Văn Quang. Qua thơ anh, tôi thấy sáng lên chất “đời”, chất “sử”, một thứ ghi chép xã hội học, sử học sống động về một phân số nhân dân – xã hội, về một địa phương đất nước – thời đại, mà chỉ có thơ ca mới có thể phản ánh được, theo cách của nó (bao gồm cả yếu tố chủ quan, cá nhân, cảm tính). Đó là xã hội, lịch sử qua tâm trạng thi ca của một con người chỉ hiện hữu ở một vùng đất, một thời đại nhất định. Nói như thế, không có nghĩa thơ Phan Văn Quang là thơ ca kí sự! Không, Phan Văn Quang là nhà thơ Quảng Trị trữ tình đích thực, đúng nghĩa.

Tôi cảm ơn Quảng Trị đã có một Phan Văn Quang. Đó là một Phan Văn Quang học trường làng, trường tỉnh; bị bắt làm lính ngụy, được giũ bỏ áo lính ngụy; trở về cày ruộng, phát rẫy, tìm trầm, đãi vàng; sau nửa đời trôi nổi, chìm đắm, cơ khổ, lam lũ, tất bật, anh đã đảm trách việc phát hành tạp chí văn nghệ cách mạng, rồi bán cháo bột cá tràu ở nhà, được bầu làm phân hội trưởng Phân hội Văn học thuộc Hội Văn nghệ Quảng Trị. Đồng thời, đó cũng là một Phan Văn Quang đau đớn, khóc cười, tỏ tình, yêu đương, hạnh phúc, uống rượu, suy tư, thao thức, hi vọng…  theo cách của riêng anh và bạn bè anh (trong đó có tôi). Một Phan Văn Quang ấy với bao nhiêu cảnh huống, tâm trạng khác nữa! Như mọi nhà thơ khác, tất cả những gì Phan Văn Quang từng nếm trải bằng chính bản thân, đã và sẽ được trái tim anh tinh lọc để trở thành thơ ca. Mai sau, sẽ có những lớp người hình dung lại: Có một nhà thơ thuộc “trường phái phong trần”, tốt nghiệp “đại học cuộc đời” như Macxim Gorki (20) như thế, một phân số thế hệ như thế, một thời đại ở một vùng đất Quảng Trị quê nhà như thế với những tập thơ như thế.

 

TP. HCM., khởi viết từ 14 g ngày 29. 9. 2004;

hoàn tất lúc 16 giờ 54 phút, ngày 30. 9. 2004

(17. 8. G. thân HB4);

sửa chữa xong lúc 09 giờ 35 phút ngày 01. 10. HB4.

TRẦN XUÂN AN

 

 

(1) Phan Văn Quang, Ta ôm một nửa đời luân lạc (TÔMNĐLL.), tập thơ đầu tay, Hoàng Phủ ngọc Tường đề tựa, Hội VHNT. Quảng Trị xuất bản, 1993, tr. 3 – 4.

(2) Phan Văn Quang, Mưa nắng quanh đời (MNQĐ.), tập thơ thứ hai, Nxb. Văn hoá dân tộc, 1997.

(3) Nhiều tác giả, Còn đây thương nhớ, tuyển tập thơ, Hội Văn học – nghệ thuật Quảng Trị xuất bản, 1993, tr. 64.

(4) Hermann Hesse (1877 – 1962), Câu chuyện dòng sông, giải Nobel 1946, bản dịch Phùng Khánh & Phùng Thăng, Nxb. Lá Bối & Nxb. An Tiêm, bản in lần thứ 6, 1974, tr. 5. Theo lời giới thiệu đầu sách (ở một trong sáu lần xuất bản), Câu chuyện dòng sông đã trở thành Thánh Kinh mới của mấy thế hệ tuổi trẻ Tây Đức và Phương Tây, sau Đệ II Thế chiến, mặc dù nội dung cuốn tiểu thuyết này là sự tìm đến giá trị giáo thuyết Phương Đông (hình tượng nhân vật trung tâm là Tất Đạt [Siddhartha], một chàng trai trẻ từ bỏ Bà La Môn, quyết tâm tu khổ hạnh, rồi trở về với đời sống thương gia, tìm chân lí trong việc làm giàu, đánh bạc, chung sống với một kĩ nữ, sinh con, và để qua đó, nhằm học tập ở thực tế bằng chính sự trải nghiệm của bản thân về hạnh phúc – khổ đau – dục vọng; cuối cùng là sự giác ngộ Đạo Thiền – Lão Trang bên một bờ sông vắng). Việc xem Câu chuyện dòng sông là Thánh Kinh mới không phải là hiện tượng nhất thời của tuổi trẻ Tây Đức và Phương Tây sau Chiến tranh thế giới lần II do sự đổ vỡ đức tin Thiên Chúa giáo…

(5) MNQĐ., sđd., tr. 46.

(6) TÔMNĐLL., sđd., tr. 16.

(*) Kôbô Abê (Kobo Abé), Khuôn mặt người khác, Phạm Mạnh Hùng dịch, Nxb. Đà Nẵng – Nxb. Thanh Hoá, 1986.

(**) Henrich Boll (tác giả giải Nobel 1972), Lạc lối về, Huỳnh Phan Anh dịch, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM. tái bản, 1997.

(7) TÔMNĐLL., sđd., tr. 23.

(8) TÔMNĐLL., sđd., tr. 11.

(9) TÔMNĐLL., sđd., tr. 21 - 22.

(10) MNQĐ., sđd., tr. 37 - 38.

(11) MNQĐ., sđd., tr. 35 - 36.

(12) MNQĐ., sđd., tr. 23.

(13) MNQĐ., sđd., tr. 7.

(14) MNQĐ., sđd., tr. 52 - 53.

(15) MNQĐ., sđd., tr. 28 - 29.

(***)  “Vãng đường”, “vãng hồn”. Đây là chữ “vãng” trong từ ghép thường dùng “lai vãng”, “khách vãng lai”, “lai vãng đường”, “vãng sanh đường”. “Vãng” là đến thăm viếng nơi nào đó, khác với “vãn” trong từ ghép “vãn cảnh”, có nghĩa là đến ngắm cảnh, mặc dù người ta vẫn nói, “vãng cảnh chùa”. Ở bài thơ trên, “vãng đường” chính là “lai vãng đường” (nhà thăm viếng ở một doanh trại…) hay “vãng sanh đường” (nhà phúng điếu còn đặt quan tài)? Và “vãng hồn”, có nghĩa là thăm viếng hương hồn người chết; câu thơ phải là: vãng hồn, em trong Huế đau thương? Đề nghị tác giả Phan Văn Quang đính chính lỗi in ấn.

(16) MNQĐ., sđd., tr. 11 - 12.

(17) MNQĐ., sđd., tr. 22.

(18) MNQĐ., sđd., tr. 34.

(19) TÔMNĐLL., sđd., tr. 4.

(20) Xem: Lời tựa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, TÔMNĐLL., sđd., tr. 3.

 

Đã gửi:

 

Võ Văn Luyến (01. 10. 2004) để nhờ chuyển đến:

1. Tạp chí Cửa Việt

2. Anh Phan Văn Quang.

 

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7