r. Bài 18-Tl.3 - Trần Xuân An -- Nghiên cứu khoa học - nhìn thẳng vào sự thật, ghi chép đúng sự thật

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRƯỚC HẾT PHẢI NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT, GHI CHÉP ĐÚNG SỰ THẬT ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU MỘT CÁCH TOÀN DIỆN, KHÔNG ĐƯỢC “XẤU CHE, TỐT KHOE”

 

Trần Xuân An

 

Nhìn thẳng vào sự thật lịch sử chính trị, sự thật văn học sử, sự thật về văn nghệ sĩ, kể cả văn nghệ sĩ hiện đang còn sống và sáng tác, là tiền đề cơ bản của nghiên cứu khoa học về sử, vănhọa. Nếu chỉ nói trong phạm vi các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, và nếu chỉ giới hạn trong phạm vi nghiên cứu tác phẩm của họ không thôi, thì đã là việc thường thấy, không có gì lạ. Nhưng nghiên cứu toàn diện (nhà văn – tác phẩm, họa sĩ – tác phẩm), cũng không phải là mới. Văn học sử xưa nay đều xác định đối tượng nghiên cứu là như thế: tiểu sử tác giả (thân thế, con người…) -- tác phẩm (tư tưởng, hình tượng nghệ thuật, thủ pháp thể hiện…). Nói theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh: đối tượng nghiên cứu của ông là “nhà văn, tư tưởng và phong cách”. Vì thế, khảo sát một nhà văn, một nhà thơ (giới họa sĩ, ông chỉ đề cập đến một người vốn là bạn của ông), Nguyễn Đăng Mạnh đã thực hiện ghi chép một cách toàn diện con người ấy (phần “con”= hạ ngã = le ça, cũng như phần “người” = siêu ngã = le sur-moi, để tìm thấy con người = bản ngã = le moi [*]). Tôi cho rằng như thế là khoa học. Và đồng thời, tôi cũng phân vân: Thực sự các nhà thơ, nhà văn được (bị) GS. Nguyễn Đăng Mạnh đề cập đến có tệ hại như vậy hay không. Cũng có thể mỗi văn nghệ sĩ đều có một mặt tệ hại như thế thật, ấy là một phân số trong toàn bộ (toàn diện) con người thực chất của từng văn nghệ sĩ. Đó là mặt không có gì lạ (vì không trầm trọng lắm; quá lắm là có người vào nhà thổ, chơi gái ăn sương hay nghiêm trọng nhất là xúc xiểm, ‘đâm bị thóc, thọc bị gạo’). Họ như mọi người ở mọi ngành nghề, khu vực, miền đàng, đất nước, từ xưa đến nay.

Tôi chưa bàn sâu đến mối tương tác biện chứng giữa lí tưởng thẩm mĩ, đạo đức (mĩ & thiện) cũng như trình độ nhận thức, học vấn, vốn sống (chân) trong tương quan với tác phẩm giấy trắng mực đen, với xã hội (người đọc), đặc biệt là mối quan hệ tương tác giữa 2 mặt đối lập là “con” (phần tệ hại trong đời thật văn nghệ sĩ) và “người” (lí tưởng thẩm mĩ, đạo đức) trong lao động sáng tạo để hình thành tác phẩm; và quá trình tương tác ấy giúp họ nâng cao tâm hồn, nhân cách trong đời thật của họ. So sánh cụ thể: Một nhà giáo, vì chức năng, sứ mệnh nghề nghiệp (mô phạm), vì áp lực xã hội, vốn rất cần thiết (từ phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp, láng giềng), họ phải sống tốt hơn so với con người bản năng của họ. Nếu cũng người ấy, làm nghề khác, anh ta sẽ sống tệ hơn. Văn nghệ sĩ chân chính cũng vậy, tuy văn nghệ sĩ có quyền thâm nhập thực tế trong giới hạn cho phép. Còn loại văn nghệ sĩ dâm ô đồi trụy, chủ trương viết một cách dâm ô đồi trụy, đồng tình, đồng lõa với dâm ô đồi trụy (cái tâm thấp thua hiện thực – bản năng con người và xã hội), thì ngược lại, họ càng dâm ô đồi trụy trong đời thực.

Điều này tôi đã nói chuyện với TS. Trần Hoàng (Trần Hoàng Trần), trong buổi sáng đi dùng điểm tâm, cà phê với anh cách đây hơn một tuần.

Một điểm nữa cần được lưu ý: Tôi hoàn toàn bác bỏ các thông tin về đời tư nhà thơ Hồ Chí Minh (vụ Hà Thị Xuân…) trong “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh”, cũng như trong các trang viết của Vũ Thư Hiên, Lữ Phương, và gần đây, trong tiểu thuyết “Đỉnh cao chói lọi” của Dương Thu Hương… [**]

Hôm qua, tôi cũng chuyện trò với các bạn từ thời sinh viên của tôi, nhà giáo Ngô Thủ Lễ và nhà giáo - tác giả Nguyễn Chiến, về việc này.

Tôi chứng minh và khẳng định: Tuyệt đại đa số chúng sanh chúng ta đều có hạnh phúc lẫn khổ đau vì bộ phận sinh dục bình thường. Nhà thơ Hồ Chí Minh không có hạnh phúc lẫn khổ đau về đời sống vợ chồng, vì bộ phận sinh dục của ông không thực hiện được chức năng của nó. Nói cho đúng, riêng về điểm này, nhà thơ Hồ Chí Minh không khổ đau, không hạnh phúc vì nhu cầu sinh dục, mà chỉ khổ đau vì bộ phận sinh dục bất thường và chỉ hạnh phúc nhờ được thanh thản (không bị nhu cầu sinh dục quấy rầy). Đó là do đột biến gène thể chất ở Hồ Chí Minh cũng như ở 2 người -- anh và chị -- của ông: ông Nguyễn Sinh Khiêm, bà Nguyễn Thị Thanh. Ba anh chị em đều không vợ, không chồng. Tôi nói gène thể chất, tôi không nói đến tính cách, thói quen, “phần nhiều do giáo dục mà nên”, do môi trường, xã hội mà tập nhiễm, hình thành).

Nhà thơ Hồ Chí Minh là một con người tự bẩm sinh có bộ phận sinh dục không thực hiện được chức năng. Đó là một loại dạng thể chất cá biệt nhưng cũng không có gì lạ. Tôi không thần thánh hóa.

Chúng tôi đã đưa ra, trao đổi nhiều chứng lí, nhưng không nêu ra ở đây một cách dài dòng, chỉ đề nghị lưu ý 3 điểm:

1) Lí giải như thế nào về ông Khiêm, bà Thanh không vợ, không chồng? Hai người này đâu phải là linh hồn của cuộc kháng chiến! Riêng về chủ tịch Hồ Chí Minh, xét trong 4.000 năm lịch sử, không lãnh tụ kháng chiến nào không vợ, nên cũng không nhất thiết phải tạo ra một tấm gương như thế. Điều cần thiết là lãnh tụ có vợ một cách bình thường nhưng vẫn mẫu mực.

2) Miền Bắc và có thể cả nước lẽ nào không có một người xứng đôi vừa lứa với Hồ Chí Minh?! Ở các nhà chính trị, yêu khác với lấy vợ, thậm chí yêu khác với giải quyết nhu cầu sinh dục. Hồ Chí Minh, một người đầy nghị lực, có thể lấy một người phụ nữ để thỏa hai yêu cầu - điều kiện trên (lấy vợ một cách bình thường, giải quyết nhu cầu sinh dục), nhưng có thể quên đi tình yêu.

3) Xin đưa ra một ví dụ tiêu biểu: Nếu ai có về Huế, xin ghé vào tiệm Bánh khoái Thượng Tứ tuyệt ngon, sẽ thấy có một gia đình có đến 3 chị em gái bị câm điếc, khá xinh đẹp, chỉ 1 cậu con trai là không câm điếc. Như vậy, tỉ lệ là 75%. Nhưng theo nhiều tài liệu y học, tỉ lệ này có đến 100% (có nhiều nhà, 4/4 đều câm điếc).

Về cuốn hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh, tôi thấy cần chốt lại 3 ý kiến như sau:

Một là, bác bỏ những dòng ghi chép về vụ Hà Thị Xuân – Hồ Chí Minh – Trần Quốc Hoàn – Tạ Quang Chiến….

Hai là, những ghi chép về các văn nghệ sĩ (Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Hoài Thanh, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Dương Thu Hương, Lưu Công Nhân, Hữu Thỉnh, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đăng Khoa …) đã thật sự xác thực hay chưa.

Ba là, trên cơ sở phản hồi, xác minh, hoàn chỉnh ghi-chép-nghiên-cứu về nhóm văn nghệ sĩ ấy, chúng ta có thể xem đó là tư liệu văn học đúng nghĩa với tinh thần nghiên cứu khoa học: Nhìn thẳng vào sự thật, thực chất, toàn diện đối tượng nghiên cứu (con người nhà văn, tư tưởng và phong cách).

Một điều cuối bài này: Sách nghiên cứu khác với sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông (học sinh không nên tiếp xúc với phần tệ hại quá nhiều, khi chưa đủ bản lĩnh). Ngay trong sách nghiên cứu, người viết cũng cần phê và tự phê, chứ không thể đồng tình, đồng lõa, đánh đồng như nhau (‘cá mòi một lứa’) trước những khuyết, nhược điểm về nhân cách, đạo đức của nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ (học giả, văn nghệ sĩ nói chung; con người nói chung).

Tôi nhấn mạnh một ý chưa bàn sâu ở bài này: Người tiếp xúc thường xuyên với chân thiện mĩ, sáng tạo nên những hình tượng chân thiện mĩ, đã, đang và sẽ tự nâng cao tâm hồn, thanh tẩy, ngày mỗi thật - tốt - đẹp hơn. Cũng phải coi chừng khả năng sa ngã.

Ngoài ra, còn những hạn chế trong cuốn hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh, tôi không đề cập đến, vì nhiều người đã phản hồi khá kĩ.

 

Trần Xuân An

Viết tại TP.HCM., 8 : đến 9 : 42, ngày 15-12 HB8 (2008).

__________________

[*] Các khái niệm này không đơn thuần theo Freud. Freud quá cực đoan, chỉ xoáy sâu vào Oedipus complex.

 

[**] Chú thích thêm vào ngày 17-12 HB8: Ngoại trừ GS. Nguyễn Đăng Mạnh (tôi nghĩ là ông chỉ "tung quả bóng thăm dò dư luận"), còn Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Lữ Phương, Dương Thu Hương... thì đúng là những tác giả sa-đích (sadique, sadisme), ít ra là trong các trang viết có đề cập đến "Hà Thị Xuân"...

 

Xem thêm: 02-12 HB8: Thông tin: Về "Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update-12

 

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE