b. Bài 2-Tl.4 - Trần Xuân An - Giải thích một số điểm cho Lê Tiến Công

GIẢI THÍCH MỘT SỐ ĐIỂM CHO LÊ TIẾN CÔNG

 

Trần Xuân An

 

Vấn đề trọng tâm là minh oan cho nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886) bằng tư liệu chuẩn cứ, chứ không phải là vấn đề tranh công, giành quyền sở hữu trí tuệ. Xin đừng biến việc minh oan cần thiết và mang ý nghĩa cao quý trở thành cuộc tranh chấp nhỏ nhen. – TXA. --

 

Bài viết “Có hay không ‘sở hữu trí tuệ’ trong nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường (những tranh luận tư liệu về Nguyễn Văn Tường)” (1) của Lê Tiến Công thực chất chỉ là triển khai một mẩu bàn luận (comment) anh ta đã viết dưới bài viết của tôi, “Sự công tâm tối thiểu của người cầm bút”, đăng trên Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 06-02 HB9 (2009), trong cuộc đối thoại giữa tôi với Nguyễn Hoàn (nhà báo ở Quảng Trị). Mặc dù Lê Tiến Công có gửi điện thư báo trước cho tôi là anh ta sẽ viết bài để đăng trên một tạp chí in giấy, nhưng tôi không ngờ anh ta chỉ triển khai mẩu bàn luận kia. Đến khi nhận được cuốn tạp chí số kể trên, do anh ta gửi tặng qua bưu điện, tôi mới biết là sự thể như vậy, và quá ngạc nhiên với đôi chút chua chát. Tôi ngạc nhiên là bởi, tôi cứ đinh ninh Lê Tiến Công sẽ viết bài viết mới với quan điểm vốn có của anh ta trước khi nổ ra cuộc tranh luận giữa tôi và Nguyễn Hoàn, và cũng bởi mẩu bàn luận khá tiểu tâm, gió chiều nào theo chiều nấy, hùa theo Nguyễn Hoàn, của Lê Tiến Công nói trên, tôi đã trả lời, đả thông cho anh ta rồi, ngay dưới bài viết chính “Sự công tâm tối thiểu của người cầm bút” như vừa trình bày. Trong nỗi ngạc nhiên đó, có cả sự kinh hãi về năng lực đọc - hiểu của Lê Tiến Công và về một vài lỗ hổng trong kiến thức của anh ta, như một câu tôi trích từ “Đại Nam thực lục”, anh ta cứ tưởng là nguyên văn của tôi, nên ra sức phê phán chẳng hạn. Và tôi càng chua chát hơn khi đọc thấy thủ thuật phóng đại, cường điệu đến quá quắt, đến mức có thể nói là anh ta đã vu lên, xuyên tạc ra một vài câu chữ của tôi.

 

Tôi sẽ phân tích cái tâm không trong sáng của Lê Tiến Công trước khi phân tích hạn chế về trí của anh ta.

 

1. Lê Tiến Công phóng đại, xuyên tạc:

 

Điều này thể hiện rõ từ đoạn mở đầu bài viết của Lê Tiến Công:

 

“Mấu chốt của cuộc tranh luận hiện nay được ông Trần Xuân An đẩy lên là việc ông khẳng định ông là người có công hàng đầu trong việc nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường, phủ nhận những thành quả nghiên cứu, sưu tầm tư liệu của người khác, kể cả vai trò của Hội Khoa học Lịch sử (KHLS.) Việt Nam. Ông An cho rằng, ông xứng đáng giữ bản quyền nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường” (bài đã dẫn [bđd.], tr. 35). 

 

“Ông An cho rằng, ông là người “nghiên cứu rốt ráo nhất” về Nguyễn Văn Tường bởi ông là người duy nhất có 4 đầu sách xuất bản về Nguyễn Văn Tường và những bài nghiên cứu liên quan. Những kiến giải của ông là hoàn toàn mới mẻ và có giá trị nhất. Ông xứng đáng là người giữ quyền sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu về cụ Nguyễn” (bđd., tr. 35).

 

Ở đoạn cuối bài viết, Lê Tiến Công cũng giở trò vu lên, xuyên tạc ra, mặc dù anh ta có trích dẫn nguyên văn bài viết của tôi. Lạ một điều là về điện thư tôi gửi Hội KHLS. Việt Nam, Hội KHLS. Thừa Thiên - Huế, Lê Tiến Công còn dựng đứng lên (hay anh ta diễn đạt vụng, khiến người đọc hiểu lầm) là tôi có đề nghị ghi những đóng góp (gồm 4 đầu sách) của tôi trong tiến trình nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường vào văn bia lịch sử cuộc đời và hành trạng Nguyễn Văn Tường!

 

“Trong các tranh luận trên báo, kể cả thư ông gửi cho Hội KHLS. Việt Nam và Hội KHLS. Thừa Thiên - Huế (cơ quan tặng văn bia Nguyễn Văn Tường), ông cho rằng việc không nêu những “đóng góp” của ông trong nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường vào văn bia là có “dụng ý sâu xa”, là cướp công, cướp quyền sở hữu trí tuệ của ông: trong tranh luận [với Nguyễn Hoàn – ct.], ông viết: “cốt lõi trong sự bất bình ấy lại chính là âu lo công trình của bản thân sẽ bị vô hiệu hoá về quyền sở hữu trí tuệ. Một công trình đầu tiên và duy nhất đến bốn đầu sách khoảng 2.200 trang với chuyên đề về Nguyễn Văn Tường (1824-1886) nhưng trong lễ giải oan cho ông lại không được nhắc tới, hẳn là có dụng ý sâu xa nào đó về lâu về dài. Trước mắt, sự thể ấy đẩy tôi vào tình huống buộc phải lên tiếng, mà lên tiếng chắc hẳn sẽ mất lòng, gây gãy vỡ quan hệ giữa tôi và các nhà nghiên cứu sử học” (2) (bđd., tr. 46).

 

Sự thực là tôi có góp ý chỉnh sửa văn bia theo tinh thần dân chủ, công khai của công cuộc Đổi mới, với chi tiết quan trọng nhất là căn cứ vào tư liệu gốc trong “Đại Nam thực lục”, chứ không phải căn cứ vào tư liệu của Pháp. Đây cũng là vấn đề cốt tuỷ nhất trong cuộc tranh luận với Nguyễn Hoàn trong những tháng trước và sau Tết Nguyên đán (2 HB9 [2009]) vừa qua. Và sự thực còn là: Tôi bất bình là tại sao trong báo cáo tổng kết đọc trong lễ giải oan cho nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, lại không nhắc đến thật đầy đủ những đóng góp của các cơ quan chủ quản hội thảo, hội nghị sử học, các nhà nghiên cứu, trong đó có tôi với bốn đầu sách do tôi biên soạn, khảo cứu, viết, xuất bản (in giấy, trên mạng vi tính toàn cầu), như chính Lê Tiến Công đã trích dẫn bài của tôi nhưng trích dẫn một cách thiếu sót. Lẽ ra, Lê Tiến Công phải nhớ trước hết phần trả lời của tôi đối với mẩu bàn luận (comment) của anh ta trên Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (khoảng sau ngày 06-02 HB9 [2009]):

 

“Tôi đã nhắc nhở Nguyễn Hoàn về đức tính công tâm khi cầm bút. Đơn cử một ví dụ, để hoàn thành một công trình thủy lợi, có 3 đơn vị chủ lực thi công và nhân lực phụ trợ của 4 tỉnh, nhưng khi tổng kết, lại chỉ kể 1 đơn vị chủ lực và nhân lực 1 tỉnh thôi; tổng kết đó chỉ gây bất bình, và sự bất bình ấy là chính đáng. Nếu không lên tiếng phản đối, các hồ sơ tư liệu về công trình thủy lợi ấy đều ghi như bài tổng kết (hay có dạng tổng kết), hẳn là nguy to, tai hại vô kể” (3).

 

Mặc dù tôi biên soạn, nghiên cứu và viết đến bốn đầu sách, lại viết thêm những bài liên quan đến đề tài sau đó, nhưng tôi đâu chỉ muốn ghi rõ độc nhất sự đóng góp của tôi đâu! Chính trong bốn đầu sách của tôi, tôi cũng liệt kê đầy đủ và trang trọng sự đóng góp của các cơ quan chủ quản hội nghị, hội thảo sử học, các nhà nghiên cứu với danh tính cụ thể, kể cả Lê Tiến Công (căn cứ vào các tập kỉ yếu hội nghị, hội thảo sử học về Nguyễn Văn Tường [1824-1886]).

 

2. Về năng lực đọc - hiểu và về một vài lỗ hổng trong kiến thức của Lê Tiến Công :

 

Tôi sẽ lần lượt điểm lại theo trình tự trong bài viết “Có hay không ‘sở hữu trí tuệ’ trong nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường (những tranh luận tư liệu về Nguyễn Văn Tường)” của Lê Tiến Công. Trình tự ấy dựa vào thứ tự liệt kê bốn đầu sách của tôi mà Lê Tiến Công căn cứ theo các thời điểm xuất bản với hình thức sách in giấy (4).

 

2.1. Về cuốn sách thứ nhất: “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” (Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004):

 

2.1.1. Lê Tiến Công không nắm vững khái niệm về thể loại truyện – kí  (truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử):

 

Nếu Lê Tiến Công có đọc qua về lí luận văn học, phần thể loại, chắc hẳn anh ta sẽ dễ tiếp thu bài “Lời thưa đầu sách” của tôi. Với những lời phê phán như tôi sẽ dẫn ra dưới đây, người đọc sẽ thấy được điểm non yếu này của Lê Tiến Công:

 

“Không ai có thể vừa viết “truyện”, lại vừa viết sử ký, khảo cứu tư liệu lịch sử trong một tác phẩm. Cắt nghĩa cụm từ trên cho thấy, truyện ở đây có thể là tiểu thuyết. Nhưng “sử ký” thì sao? “Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông” do Gs. Phan Ngọc Liên chủ biên cho rằng, sử ký là “sách ghi chép về sử”. Công trình của ông An hẳn nhiên không phải là cuốn “sử ký” bởi nó viết bằng con mắt của người nghiên cứu thời nay” (bđd., tr. 36).

 

Phải nói rõ hơn, ở bìa 1 và bìa lót, tôi ghi rõ “truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử” và ở dưới nhan đề của từng chương trong 13 chương, tôi cũng ghi tắt là “truyện kí”, từ “truyện kí thứ nhất” đến “truyện kí cuối”.

 

Truyện thuộc về loại tự sự, có cốt truyện và nhân vật. Ở đây là chuyện cuộc đời và hành trạng của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, từ tuổi thanh thiếu niên ở Quảng Trị cho đến lúc ông trút hơi thở cuối cùng tại hải đảo Tahiti với bản án lưu đày biệt xứ, trong bối cảnh chung của quê nhà, đất nước, châu lục trước nạn ngoại xâm. Quanh ông còn có những nhân vật đồng sự. Tất cả những chi tiết trong “Đại Nam thực lục” (Thực lục) liên quan đến đề tài đã được tổ chức (hàn nối, xâu chuỗi) lại để hình thành nên cái sườn của cốt truyện ấy. Đó chính là cuốn “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” (Nxb. Thanh Niên, 2006). Cuốn sử biên niên ở dạng rút gọn ấy với những trích đoạn nguyên văn tôi đưa vào cuốn sách ta đang bàn, chính là những gì trọng yếu nhất được rút ra, trích từ Thực lục, và nó cũng thuộc dạng tinh tuyển của loại thực lục (sách viết về những sự thật lịch sử) hay sử kí (sách ghi chép về sự thật lịch sử). Như vậy cốt truyện và sử ký đã được hình thành trong sự gắn kết làm một. Khác với kí văn chương, sử kí tuyệt đối không cho phép hư cấu. Đó là yêu cầu nghiêm ngặt của kí lịch sử (thực lục). Nhưng truyện ở đây còn có thêm những yếu tố phụ gia có tính chất văn học vào cốt truyện, nên cũng không phải là “truyện” trong “liệt truyện” như “Đại Nam liệt truyện”. “Liệt truyện” về các nhân vật lịch sử cũng không cho phép hư cấu, mà chỉ là sự xâu chuỗi các chi tiết có thật trong tiểu sử mà thôi.

 

Nói rõ hơn, tôi còn cho phép mình sử dụng những tư liệu thứ cấp (không phải tư liệu gốc, chuẩn cứ, ấy là các giai thoại, chuyện hậu duệ kể lại, những chi tiết từ các cuốn sách không mang tính chất sử học cao như “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc...) mà tôi không thể sử dụng trong cuốn thuộc lĩnh vực sử học nghiêm ngặt thật sự như “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” hay các khảo luận sử học khác. Các chi tiết từ tư liệu thứ cấp này tôi đều ghi rõ xuất xứ theo yêu cầu nghiên cứu khoa học, thậm chí tôi còn ghi rõ là tôi xem chúng tương đương với chi tiết tiểu thuyết.

 

Nhiều chỗ tôi hư cấu thêm cho hình tượng nhân vật lịch sử sinh động thêm (như một khoé cười, một cái quắc mắt, vài câu thoại...) cũng đặt trên căn bản sử liệu gốc, chứ không phải là mâu thuẫn với sử liệu gốc.

 

Tôi còn muốn truyện kí lịch sử của mình phải được bảo chứng bằng khảo cứu tư liệu sử học, để tăng sức thuyết phục khoa học cho truyện kí. Do đó, tôi phải trưng dẫn cả hàng ngàn xuất xứ, và khá nhiều khảo chứng tư liệu trong cuốn sách “truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử” này. Đây là một sáng tạo mới của chính tôi. Sáng tạo này đã từng được nhà sử học Dương Trung Quốc hoan nghênh.

 

Có một điều nữa, trong đoạn phê phán của Lê Tiến Công, tôi cảm thấy hình như Lê Tiến Công không hề biết đến “Sử Ký” của Tư Mã Thiên và cả “Đại Việt sử ký toàn thư” của nước ta. Cũng là sử kí cả đấy, và ai cũng biết Tư Mã Thiên viết về những nhân vật, sự kiện lịch sử cách ông cả hai trăm năm, ai cũng biết tập thể sử thần nhà Hậu Lê viết từ đời Hồng Bàng cho đến các triều Lý, Trần, cách xa họ đến hàng ngàn năm, chí ít là hàng trăm năm, tất nhiên là viết lại theo nhãn quan của họ. Như vậy, thảo nào Lê Tiến Công viết: “Công trình của ông An hẳn nhiên không phải là cuốn “sử ký” bởi nó viết bằng con mắt của người nghiên cứu thời nay”. Chỉ có thể nói là không thể viết sử kí bằng nhãn quan với quan điểm lịch sử - cụ thể của người nghiên cứu thời nay khi người nói không hiểu gì về sử kí, ít nhất là “Sử Ký” của Tư Mã Thiên và cả “Đại Việt sử ký toàn thư” của nước ta.

 

Tuy vậy, tôi vẫn không xem cuốn “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” (Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004) do tôi viết là sử kí đơn thuần với nghĩa đó.

 

Khía cạnh khác, hầu hết các nhà nghiên cứu văn học và sử học đều định danh thể loại cho “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái là truyện kí có tính chất văn sử bất phân, thế mà hình như Lê Tiến Công cũng không có ý niệm tương đối rõ nét. Anh ta cho rằng, cuốn “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” (Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004) không có tính chất văn sử bất phân đó! Nói cho đúng ra, cuốn sách này của tôi cũng có yếu tố văn sử bất phân nhưng gần với sử hơn “Hoàng Lê nhất thống chí” vì trong đó, chi tiết hư cấu ít hơn, lại có trích dẫn nguyên văn sử liệu gốc mà ở “Hoàng Lê nhất thống chí”  không có.

 

Nói tóm lại, về tên thể loại truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử (truyện kí tư liệu) hay truyện - kí - khảo cứu tư liệu lịch sử, tôi đã giới thuyết rõ ở lời thưa đầu sách:

 

Khác với các bộ sử kí và các công trình nghiên cứu sử học, vốn lấy tính khoa học, minh xác (minh bạch và xác thực) làm tiêu chí quan trọng bậc nhất, tác phẩm văn chương nghệ thuật bao giờ cũng biểu hiện bằng hình tượng, mời gọi người đọc đồng sáng tạo. Tuy nhiên, đó là đặc trưng của những loại hình văn chương hoàn toàn hư cấu (fiction). Ở đây, mặc dù vẫn thuộc lĩnh vực văn nghệ, nhưng truyện kí về đề tài lịch sử (sự kiện và nhân vật lịch sử) vẫn phải được sự bảo chứng của khoa học lịch sử. Vì thế, theo quan niệm riêng của tác giả, truyện kí lịch sử phải hết sức gần gũi với thể loại kí (non-fiction), đậm đặc chất kí hơn bất kì loại hình văn nghệ nào khác. Chất kí (ghi chép đúng với sự thật lịch sử), sử liệu (quan trọng nhất là tư liệu gốc), ấy chính là nền tảng, rường cột, phên vách, mái lợp trong ngôi nhà cổ, là sàn móng, khung bê tông và gạch trong ngôi nhà hiện đại, còn yếu tố văn chương chỉ là các vật liệu phụ gia, trang trí, làm tăng thêm phần sinh động, lôi cuốn, khắc sâu ấn tượng vào cảm thức của tâm hồn và trí tuệ. Bởi yêu cầu nghiêm ngặt về tính khoa học, minh xác như thế trong việc tái hiện lịch sử qua hình tượng nghệ thuật, nên tác giả xin mạn phép được thưa ngỏ vài lời trước khi đi vào cuốn truyện – sử kí này.

 

Về nội dung, tôi lấy Đại Nam thực lục làm chuẩn cứ (đã biên soạn cuốn “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần, “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp””, dạng sách dẫn, niên biểu). Trên cơ sở đó và với sự đãi lọc chất liệu ở nhiều tư liệu khác, tôi đã hư cấu thêm để thành truyện kí. Nếu “Tiểu sử biên niên Kì vĩ phụ chính đại thần...” hoàn toàn tuân theo nguyên tắc sử học với tính khoa học nghiêm ngặt, thì đây chỉ là truyện kí lịch sử. Và mặc dù có yếu tố hư cấu, nhưng không phải là hư cấu tuỳ tiện, do đó bộ truyện kí này vẫn cố gắng hết sức đảm bảo tính chân thực văn học nghiêm túc: “thật hơn sự thật sử kí”, theo quan điểm lịch sử – cụ thể (không phi lịch sử), bởi những hình tượng nhân vật sống động với các nét tính cách thật sự là cá tính, đặc biệt là tâm trạng riêng. Nói một cách cụ thể và giản dị hơn, tôi chỉ dám chọn nhặt chất liệu ngoài sử kí xét thấy là đúng hay ít ra cũng gần đúng với tư liệu chuẩn cứ, và mặt khác, tự bản thân tôi hư cấu thêm những chi tiết theo nguyên tắc bám sát tư liệu chuẩn cứ, không bôi đen, làm tổn hại đến thanh danh các nhân vật lịch sử, nhưng cũng không tô hồng họ, để các hình tượng nhân vật truyện kí gắn liền với không gian, thời gian nhất định, vừa sống động vừa chân thật, “thật hơn sự thật sử kí” chứ không phải trái ngược với sự thật sử kí.

 

Tôi cũng có ý định mạn phép gọi đây là truyện kí – tư liệu lịch sử hoặc truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, hay ngắn gọn hơn, là truyện kí – khảo cứu lịch sử. Gọi tên thể loại như vậy, thứ nhất, là bởi lẽ dung lượng tư liệu được sử dụng rất nhiều, đồng thời các thao tác, quy trình nghiên cứu khoa học lịch sử được thực hiện và thể hiện một cách nghiêm túc; thứ hai, là với ý nghĩa chữ “truyện” trong cụm từ “Đại Nam liệt truyện” (đây là loại tiểu truyện, hay thường gọi là tiểu sử, không hư cấu) và ý nghĩa chữ “kí” trong danh từ “sử kí”, hay nói rõ hơn là sử kí biên niên (Đại Nam thực lục) vẫn là sử kí biên niên nhưng viết lại cho thành truyện (tiểu sử). Dẫu thế, cũng khác với “sử kí” và “liệt truyện” ở chỗ tôi có sử dụng yếu tố hư cấu theo nguyên tắc đã trình bày bên trên.

 

Cũng xin khu biệt rõ hai loại kí, hai loại truyện: kí lịch sử và kí văn chương, truyện lịch sử và truyện văn chương. Kí văn chương, truyện văn chương về đề tài lịch sử vẫn thuộc về văn học!

 

Tôi cũng muốn được nhấn mạnh:

 

1.    Sử kí biên niên, liệt truyện nhân vật lịch sử (như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện chẳng hạn) không thể có một mảy may hư cấu.

 

2.    Trong bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này, tôi có hư cấu, nhưng không dám hư cấu với liều lượng nhiều (chỉ khoảng 5%), cũng không hư cấu sai nguyên tắc như đã trình bày, và ngay cả văn phong cũng tự hạn chế tính bay bướm, để bảo đảm tính minh xác sử học. Tất cả những chỗ hư cấu, tôi đều có chú thích kĩ lưỡng, một cách trung thực” (5).

 

2.1.2. Vì không nắm vững đặc trưng thể loại và có lẽ không đọc Lời thưa đầu sách trên, do đó, Lê Tiến Công cho rằng: tôi lập lờ đánh lận và mặc dù tôi có trích dẫn nhưng những trích dẫn không đủ cơ sở dữ liệu:

 

Để làm rõ cho nhận định sai lầm của Lê Tiến Công, anh ta viết:

 

“Thứ nhất là gốc gác Nguyễn Văn Tường là Nguyễn Phúc? Thứ hai, Nguyễn Văn Tường có phải là thầy thuốc không? Thứ ba, Nguyễn Văn Tường có phải đánh cờ “ngang ngửa” với đại thần Trương Đăng Quế không? Các chi tiết này, ông An đều thừa nhận với tôi là “hư cấu”. Nhưng ông chỉ nói miệng, ông không thừa nhận trong sách là chi tiết ấy hư cấu (bởi sách đã in rồi!). Người đọc sách không am tường thì biết đâu là hư cấu, đâu là thực?” (bđd., tr. 36).

 

“Nguyễn Văn Tường lại “ngày ngày tìm cách lắng nghe tin tức từ Đà Nẵng, nghiên cứu các thông tư mật của triều đình” ([PCĐT.NVT.], tr. 72). [...] Ai gửi cho ông và gửi để làm gì khi ông chẳng mang trọng trách gì trong việc kháng Pháp buổi ban đầu” (bđd., tr. 36).

 

Nếu Lê Tiến Công đã đọc và hiểu Lời thưa đầu sách mà tôi lại phải trích dẫn lại trên kia, hẳn Lê Tiến Công không thắc mắc và hỏi như vậy. Đến khi được tôi trả lời miệng và trả lời trên Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (sau ngày 06-2-09), Lê Tiến Công cũng không hiểu, thì tôi biết giải thích gì thêm. Đến bây giờ, anh ta vẫn còn quy kết tôi lập lờ đánh lận, thì quả là hết nói! Tôi có thể cho anh biết thêm: 3 chi tiết trên, tôi thu nhặt được từ ông Nguyễn Xuân Quế, ông Trần Viết Ngạc (giai thoại truyền miệng) và từ ông Lê Quang Thái, nhà văn Phan Trần Chúc (văn bản). Tôi có chú thích sơ lược nhung đầy đủ trong sách đấy chứ. Ông Nguyễn Xuân Quế (hậu duệ) kể với tôi Nguyễn Văn Tường bị phạt trượng và bị đưa đi cắt cỏ cho đàn voi của tượng binh như thế nào, báo đáp một cách cao thượng cho viên suất đội đã đánh đòn ông ra sao, và cả những chi tiết khác để từ đó tôi đưa ra giả thuyết gốc gác lâu đời mang tộc tính Nguyễn Phúc (thần dân) của dòng họ Nguyễn làng An Cư, Quảng Trị. Tại sao Nguyễn Văn Tường lấy họ Nguyễn Phúc hay họ Nguyễn tên Phúc Tường, đến nay có nhiều giả thuyết, nhưng tôi vẫn cho kiến giải của tôi (cũng dựa vào thông tin từ thân sinh tôi thuở sinh thời) là hợp lí hơn cả. Ông Nguyễn Xuân Quế nếu còn sống hẳn cũng hơi ngạc nhiên nhưng sẽ hết sức tán thành, bật ngửa ra mà tán thành, vì ông Quế có đủ dữ kiện nhưng chỉ không tìm ra đáp số thôi. Còn chi tiết Nguyễn Văn Tường đánh cờ tướng rất cao, nên được Nguyễn Đăng Điều (người cùng quê với Nguyễn Văn Tường), con rể Trường Đăng Quế, ngỏ ý xin cha vợ đặc ân mời Nguyễn Văn Tường từ nhà tù đến dinh thự để hầu cờ, tôi nghe ông Trần Viết Ngạc kể lại. Chi tiết này đã được tôi phối kiểm, rồi sau đó phối kết với chi tiết chính trong bài viết nhỏ của ông Lê Quang Thái trên Tạp chí Cửa Việt (số 11, 1991, tr. 49), kể việc Nguyễn Văn Tường được Trương Đăng Quế xem tướng: “Tứ thập niên ngoại, Cư Cơ mật viện, Nhiếp hành đế vị, Tiến thoái lưỡng nan”. Có quan hệ khá thân mật thế nào (như uống trà, ngâm thơ, chơi cờ) mới xem tướng có nội dung “to tát” như thế chứ! Riêng chi tiết thầy thuốc, nếu Lê Tiến Công có đọc “Vua Hàm Nghi” (6) của Phan Trần Chúc sẽ thấy, nhưng tôi vẫn xem là cùng loại với chi tiết hư cấu mà thôi.

 

Việc các thông tư mật khi đất nước bị xâm lăng chắc hẳn sẽ được truyền đi từ kinh đô vào Nam và ra Bắc, trên toàn lãnh thổ, để tăng cường phòng thủ, dĩ nhiên là không có gì lạ. Nếu Lê Tiến Công biết Thành Hoá (Cam Lộ) vốn là “sinh điểm” (sau gáy) và Thuận An (Hoà Duân) là “yết hầu” của kinh đô Huế, thì viên tri huyện ở Thành Hoá là Nguyễn Văn Tường phải được biết trước và biết đầy đủ nhất. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là một khả năng sát hợp với sự thật lịch sử nhất, chứ không có trong Thực lục. Chỉ đến khi Nguyễn Văn Tường là bang biện Thành Hoá vì bị cách chức, nhưng vẫn được cấp ấn và có quyền tư tâu trực tiếp với vua, thì đó là mới là sự thật, được ghi vào Thực lục.

 

Đến đây chắc Lê Tiến Công đã hiểu câu tôi đã trích dẫn bên trên: “Nếu “Tiểu sử biên niên Kì vĩ phụ chính đại thần...” hoàn toàn tuân theo nguyên tắc sử học với tính khoa học nghiêm ngặt, thì đây chỉ là truyện kí lịch sử. Và mặc dù có yếu tố hư cấu, nhưng không phải là hư cấu tuỳ tiện, do đó bộ truyện kí này vẫn cố gắng hết sức đảm bảo tính chân thực văn học nghiêm túc” (5).

 

2.1.3. Lê Tiến Công thắc mắc cả bài giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc.

 

Lê Tiến Công lại bàn về Lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc cũng với sự non yếu như thế của chính Lê Tiến Công.

 

Tôi đã viết ở Lời thưa đầu sách (xem bên trên): “Ở đây, mặc dù vẫn thuộc lĩnh vực văn nghệ, nhưng truyện kí về đề tài lịch sử (sự kiện và nhân vật lịch sử) vẫn phải được sự bảo chứng của khoa học lịch sử (5). Tôi đã khẳng định cuốn “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” (Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004) “vẫn thuộc lĩnh vực văn nghệ”, chứ có phải thuộc về sử học với ý nghĩa tuyệt đối đâu. Tuy vậy, nó có cái sườn, nòng cốt là sử thứ thiệt, tuyệt đối 100%: đó là cuốn “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” (Nxb. Thanh Niên, 2006). Khi đọc cuốn truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này, nên cầm thêm cuốn tiểu sử biên niên kia để đối chiếu.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng tán thành với tôi điều này, và tôi đã được ông cho phép chú thích thêm dưới Lời giới thiệu của ông một cách minh bạch:

 

“Đây là một luận điểm quan trọng trong ngành lí luận văn học: Việc hư cấu nghệ thuật một cách chân thật trên cơ sở nghiên cứu sử học, tiếp thu những thành tựu của khoa học lịch sử sẽ làm cho sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử trở nên sinh động hơn, và do đó, thật hơn cả sự thật lịch sử trong sử học. Luận điểm quan trọng đó được đa số nhà văn, nhà nghiên cứu văn chương, nhà lí luận văn học trên thế giới nhất trí tán thành, bởi lẽ, sách sử kí trong tủ sách tư liệu cổ hầu hết đều ở dạng tinh giản hoá (giản lược bớt, chỉ lấy phần tinh chất – chi tiết tiêu biểu), còn sách sử học được biên soạn trong thời hiện đại lại thường thiên về khái quát hóa, ý niệm hoá (đúc kết quy luật, nhận định, mô tả bằng ngôn ngữ trừu tượng)” (6).

 

Sự thật của hình tượng văn học là ở chỗ hình tượng ấy có những nét tính cách, thậm chí những ý nghĩ, cử chỉ, thói quen, lối nói, cách cười, rất thật. Nói cách ví von, hình tượng ấy sinh động như ta xem thấy trong một cuốn phim được đóng bởi diễn viên có thiên tài biểu hiện cảm xúc, tâm trạng của nhân vật một cách hết sức thật. Điều này không thể có trong sử kí và càng không thể có trong sách lịch sử hiện đại (vì thế học sinh học sử được viết theo kiểu hiện đại, đa số cảm thấy chán, không hấp dẫn). Và dẫu sao, tính chân thật của văn học nói chung không chỉ là thế, mà còn phản ánh được sự thật bản chất của hiện thực xã hội trong một bối cảnh lịch sử nhất định.

 

Nỗ lực của tôi chính là làm sao để nhân vật lịch sử trong Thực lục, với quan điểm khoa học nhất của hiện nay, phải trùng khớp đến mức có thể với hình tượng văn học về nhân vật lịch sử ấy. Nghĩa là vừa rất sử (sự thật lịch sử) vừa rất văn (tính sinh động chân thật của hình tượng văn học). Nếu văn quá, sẽ thành tiểu thuyết. Nếu sử quá, sẽ thành “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” (Nxb. Thanh Niên, 2006)!

 

Vì vậy, tôi rất vui và được khích lệ khi được nhà sử học Dương Trung Quốc ghi nhận về một thể loại tôi tự phát kiến: “Tác giả bộ sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” không chỉ nương theo những kết luận của giới sử học, mà còn bằng một thể loại ông tự phát kiến là “truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử”, để chứng minh với người đọc rằng, cuộc đời của Nguyễn Văn Tường như ông thuật lại trong bộ sách là một cuộc đời thực như thế” (6). Tất nhiên tôi cũng có góp phần nghiên cứu để đi đến kết luận của giới sử học.

 

Ở điểm này, cuối cùng, cũng cần nói rõ, những chi tiết Lê Tiến Công thắc mắc cũng chỉ trong vài ba chương đầu của cuốn sách. Thật sự cũng trong giai đoạn từ tuổi thiếu niên đến khi ông làm quan tri huyện Thành Hoá, Đại Nam thực lục có chép mỗi một sự cố “Nguyễn Phúc”. Lẽ khác, Nguyễn Văn Tường và các nhân vật chủ chiến như Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Đính, Hoàng Tá Viêm không có truyện tiểu sử riêng trong “Đại Nam liệt truyện” như các vị quan, quân lính, thường dân, sư sãi nổi tiếng hay đáng ghi nhớ khác (theo quan điểm của các triều sau, những nhân vật chủ chiến không nên đưa vào “Liệt truyện” vì sợ kích động lòng yêu nước, chống Pháp, chống cánh chủ hòa của quan quân và thứ dân). Vì vậy, tôi phải sử dụng tư liệu thứ cấp có chú thích như đã viết ở đoạn trên.

 

Nguyễn Văn Tường chỉ có mặt với đầy đủ hành trạng làm quan, chống Pháp trong Thực lục. Chỉ từ khi nổi tiếng là một tri huyện đầy năng lực ở Thành Hoá, 1856 (7), cái tên Nguyễn Văn Tường (1824-1886) mới được vào Thực lục và từ đó trở thành một nhân vật lịch sử hết sức nổi bật. Nói như vậy, có nghĩa là trừ giai đoạn thanh thiếu niên, còn lại đều có trong Thực lục cả. Đố Lê Tiến Công còn có thể bắt bẻ được chi tiết nào.

 

2.2. Về cuốn sách thứ hai: “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa” - khảo luận về một vài khía cạnh sử học  (Nxb. Thanh Niên, 2006):

 

2.2.1. Lê Tiến Công cho rằng tôi “không tiếc lời nặng nhẹ với những người đi trước”: Phan Bội Châu, Trần Trọng Kim, Trần Văn Giàu.

 

Đúng là Lê Tiến Công phóng đại, cường điệu theo kiểu nói vu lên, thổi phồng một cách xuyên tạc. Tôi chỉ trích lại một số đoạn tôi đã viết về điểm này:

 

“Chúng tôi còn mạn phép đối thoại với GS. Trần Văn Giàu, và bình chú “tuỳ bút – khảo luận về lịch sử” của GS. Bửu Kế ở một vài điểm không thể không đối thoại và bình chú được, trong tinh thần dân chủ, chống thái độ học phiệt, thói tật “định kiến sai lầm” trong học thuật (điều mà hai GS., một người còn sống và đang tiếp tục nghiên cứu, một người đã quá cố, hẳn rất vui lòng). Tinh thần đả phá những sai lầm nguy hại trong sử học, cụ thể là gián tiếp đả phá Phan Bội Châu (thực ra là Lương Khải Siêu) với một vài trang Việt Nam vong quốc sử vốn đảo ngược sự thật lịch sử về Nguyễn Văn Tường, tinh thần đả phá đó của hai GS. là điều bản thân chúng tôi đã và đang học tập, đối thoại, bình chú, bởi khoa học là một cuộc chạy đua tiếp sức. Nói cách khác, trên con đường tiếp cận sự thật lịch sử, vốn có lắm gai góc, mây mù, chướng ngại cản chân, che mắt, mỗi người, mỗi thế hệ có trách nhiệm nối bước nhau phát quang, dọn dẹp. Xin được bày tỏ sự tin tưởng: Nhà nghiên cứu khoa học đích thực chính là nhà dân chủ, dân chủ thật sự và cụ thể” (8).

 

“Dẫu sao, vẫn không thể cứ để những vấn nạn cứ “tồn đọng” trong không khí trì trệ mãi như thế được. Xin hỏi: Vấn nạn lịch sử ấy, xét tự sâu xa, là bởi ai, nước nào, tôn giáo nào? Trách nhiệm học thuật này thuộc về ai? Nhà yêu nước Phan Bội Châu có trách nhiệm gì không? Nhà yêu nước đâu phải là không sai lầm! Vì mục đích tuyên truyền nên bất kể thủ đoạn!?! Chẳng lẽ đổ hết trách nhiệm cho Lương Khải Siêu?” (8).

 

“Chúng tôi trình bày nhận thức như trên không phải nhằm phủ định toàn bộ tác phẩm “Việt Nam vong quốc sử” (VNVQS.), và để phủ định nhà yêu nước lớn, tác gia lớn Phan Bội Châu, mà chỉ cốt chỉ ra những hạn chế, sai sót nghiêm trọng và tai hại của cụ Phan. Vả lại, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận định về Phan Bội Châu thật thấm thía: ““Vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn” chính là câu tự phê bình đời thất bại của Cụ [Phan]”, chúng ta còn nói thêm gì nữa! Và chúng ta còn biết nói gì nữa, khi chính cụ Phan đã viết:

 

     “Lời tự phán: Lịch sử của tôi, hoàn toàn là lịch sử thất bại. Nhưng sổ dĩ [kiểm điểm lại? – TXA. ct.] được cái thất bại đó, những chỗ tì vết rất rõ ràng, mà những chỗ có thể tự tín được, cũng không phải là không có. […] Một đời mưu việc gì, chỉ cốt hỏi ở nơi mục đích, cầu thu hiệu ở năm phút cuối cùng; đến thủ đoạn, phương châm tuy có lúc thay đổi cũng không kể. […] … Điều trên thường tự nghĩ là một chút lành có thể kể ra được. Biết ta chăng? Tội ta chăng? Đều thừa nhận cả”.

 

Nếu nói thêm, có lẽ phải khẳng định, đừng bao giờ quá mê tín vào một ai, cho dù đó là vĩ nhân, vì vĩ nhân vẫn là một con người với những hạn chế nhất định! Và phải tỉnh táo, sáng suốt, khoa học, bình tâm nhận chân rằng: Không một danh nhân nào, vĩ nhân nào, kể cả giáo chủ sáng lập tôn giáo nào, thật sự toàn bích. Nguyễn Thượng Hiền, người tuổi trẻ đã chứng kiến, đã khóc thương thái phó Nguyễn Văn Tường (“không quá Tây môn bi thái phó”), và nhiều chí sĩ khác, về sau, khi gia nhập Duy tân hội, Quang phục hội, đâu phải mọi điều đều tán thành theo cụ Phan! Họ chấp nhận “đại đồng, tiểu dị” để cùng dấn bước trên con đường cứu nước, cứu dân (9).

 

Thật sự, chắc hẳn cụ Phan Bội Châu không có thâm thù cá nhân gì với cụ Nguyễn Văn Tường, mà khoảng một trang rưỡi trong “Việt Nam vong quốc sử” chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền chính trị theo kiểu “vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn” (hỏi mục đích, chứ đừng hỏi thủ đoạn làm gì, hay “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, cho dù phương tiện tàn độc, oan khốc thế nào). Mặt khác, với bút danh Phan Huyên Đình, tôi đã kiến giải nguyên nhân này trong một bài đã đăng trên Tạp chí Xưa & Nay: “Phan Bội Châu trong quan hệ với Thiên Chúa giáo” (10).

 

Lê Tiến Công còn đặt câu hỏi một cách mỉa mai vì tưởng tôi không thể trả lời được: “Xin ông An chỉ ra chương trình “nhồi sọ” của chế độ ấy có đưa sách Đại Nam thực lục vào giảng dạy không mà ông khẳng định thế?” (bđd., tr. 39). Này anh Lê Tiến Công, có đấy! Tôi trích từ lời tâu xin khắc in Đại Nam thực lục kỉ Đồng Khánh (1885-1888) vào năm Duy Tân thứ 3 (1909): “… nên giao cho khắc in, cho chóng được thành sách, truyền bá khắp nước, để lại mãi trăm đời...” (11); và lời tâu sau khi khắc in xong: “... cho khắc in, công bố học hành” (11). Xin nhớ là chỉ kỉ đệ lục (Đồng Khánh) mới “được” như vậy thôi, còn kỉ đệ tứ, kỉ đệ ngũ (Tự Đức – Hàm Nghi), khắc in xong, dù với số lượng hạn chế, cũng chỉ để trong kho!

 

2.2.2. Lê Tiến Công không hiểu cả lời chê “ít học” là của ai nên ngỡ tôi hạ thấp Tôn Thất Thuyết:

 

Lê Tiến Công trích một câu viết của tôi và hiểu sai:

 

“Cũng trong đối thoại này, ông An cho rằng Tôn Thất Thuyết là người “ít học” khi viết” “Chúng tôi tin chắc rằng lá “Thư gửi thống đốc Tahiti” đã được bịa ra, do những người chủ “hoà”, nhằm mục đích biện minh cho chính họ: người sáng suốt, có học (như Nguyễn Văn Tường) thì không thể “sát tả” được, chỉ người nóng nảy, ít học (như Tôn Thất Thuyết) mới chủ trương “sát tả” mà thôi!” (bđd., tr. 39-40).

 

Lê Tiến Công không hiểu hai mệnh đề phụ “người sáng suốt, có học (như Nguyễn Văn Tường) thì không thể “sát tả” được, chỉ người nóng nảy, ít học (như Tôn Thất Thuyết) mới chủ trương “sát tả” mà thôi!” đã được đặt sau dấu hai chấm (:), thay chữ “rằng”, nhằm làm rõ “mục đích biện minh cho chính họ”. Như vậy, trong ngữ cảnh này, có nghĩa là cánh chủ “hoà” đã biện minh như thế (12).

 

Đến nay, theo các nguồn sử liệu, Tôn Thất Thuyết chỉ là ấm sinh của Trường Quốc tử giám, chưa đỗ tú tài, và được bổ làm quan theo diện tập ấm hay tôn thất gì đó, nhưng ông đã có cố gắng tự học về sau. Ông có một số bài thơ, câu đối chữ Hán khá hay, hiện còn lưu truyền. Tôi đã viết trong bài “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) với nhiệm vụ lịch sử sau ngày kinh đô quật khởi (05-7-1885)”:

 

“Người nông cạn hoặc cam tâm cầu “hòa”, thực chất là bán nước cầu “vinh” (!), chí ít là cầu an, cứ mãi lừa mình dối người, cho rằng Nguyễn Văn Tường “tham lam”, “tàn nhẫn”, “quỷ quyệt”, Tôn Thất Thuyết “ít học”, “hèn nhát”, “hiếu sát” và cũng “tham lam”, “quỷ quyệt”, Phạm Thận Duật “đào ngũ” (“bỏ cuộc”)… Những kẻ nông cạn, cầu “hoà” (!) đó, vô tình hoặc chủ ý rơi vào luận điệu tuyên truyền vừa mị dân, vừa độc ác: “đập tan tành” uy tín của những trung thần sáng suốt, hết lòng vì nước, vì dân và vì triều Nguyễn; và trước mắt thuở bấy giờ là “đập tan tành” quốc kế “chia tách triều chính” nhưng vẫn “nhất dạng” của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, nhằm dập tắt phong trào Cần vương” (13).

 

2.2.3. Lê Tiến Công cho rằng bài nghiên cứu chủ lực của tôi, “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) với nhiệm vụ lịch sử sau ngày kinh đô quật khởi (05-7-1885)”, là chưa đủ sức thuyết phục, cần phải có tư liệu mới tìm ở Pháp và Tahiti mang về.

 

Điểm này, Lê Tiến Công thắc mắc:

 

2.2.3.a. Từ “quật khởi” trong cụm từ “Cuộc kinh đô quật khởi” (05-7-1885) nếu là một vướng mắc của Lê Tiến Công, thì cũng là một điều đáng phàn nàn. Rõ ràng triều đình Hàm Nghi bị De Courcy ép và khích tướng, nhưng cũng rõ ràng là Phấn Nghĩa quân đã tấn công Sứ quán Pháp (Toà Khâm) và Mang Cá dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn với sự chứng kiến, tham gia của Nguyễn Văn Tường là cả một cuộc quật khởi, cho dù bị thất thủ, bị bọn viễn chinh Pháp tàn sát, đốt phá, vơ vét. Ta phải dùng từ cho thích đáng với thực chất sự kiện. Nhưng trong thời mất nước, còn ai dám dùng từ cho đúng, nhất là từ ngữ còn thể hiện tính quật cường của dân tộc. Dùng từ “quật khởi” vào thuở bấy giờ là chuốc hoạ vào thân. Trong thời còn chửi rủa triều Nguyễn cũng thế. Nhưng với nhãn quan, tâm thế thời độc lập, tự do, đổi mới, ta có quyền gọi như vậy.

 

2.2.3.b. Sách lược “kẻ ở người đi” thể hiện rõ ràng trong Dụ gửi Nguyễn Văn Tường do Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về Huế trong cùng một ngày phát động và tuyên “Lệnh dụ thiên hạ cần vương” (13-7-1995). Điều đó chứng tỏ đó là một sách lược có thật, nếu không, sao cùng một ngày, vừa ban Dụ Cần vương vừa gửi Dụ Nguyễn Văn Tường! Cụm từ “kẻ ở người đi”  với nhiệm vụ giao phó rõ ràng là vậy, cớ sao Lê Tiến Công còn thắc mắc! Nếu còn thắc mắc, hãy xem lại bản án chung thẩm mà De Courcy và triều Đồng Khánh đã tuyên đối với nhóm chủ chiến. Tôi đã được sự đồng ý để chú thích ngay dưới bài giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc:

 

“Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, bản dịch Viện Sử học, tập 37, Nxb. KHXH., 1977, tr. 35: Trong bản án chung thẩm (10.1885, cuối tháng 8 năm Ất dậu) của thực dân Pháp và ngụy triều Đồng Khánh, có 04 người thuộc nhóm chủ chiến bị chúng kết án (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn). Trong đó, chúng xếp Nguyễn Văn Tường đứng đầu danh sách” (6).

 

Như vậy, tư liệu tìm kiếm ở Pháp, Tahiti mới mang về cũng chỉ có giá trị bổ trợ, củng cố thêm mà thôi, bởi vì chúng không phải là tư liệu chuẩn cứ, có giá trị quyết định.

 

2.3. Về cuốn sách thứ ba: “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” (Nxb. Thanh Niên, 2006):

 

2.3.1. Lê Tiến Công không biết câu tôi trích dẫn từ “Đại Nam thực lục” nên lại cho rằng tôi hạ thấp vai trò của Tôn Thất Thuyết.

 

Mời Lê Tiến Công đọc lại câu tôi nhấn đậm trong đoạn trích sau:

 

“Tôn Thất Thuyết lập “Phấn Nghĩa quân”.

 

Lúc đó, Thuyết muốn lập lính chân tay riêng mình, bèn thương lượng với Nguyễn Văn Tường, nói rằng: “Tiến hành vào ngày 29 tháng 10 là quan trọng nhất” (*) . Hai viên quan này cùng với những đình thần đã dự biết trước nên ai nấy giao cho những người thân thuộc tham dự vào việc hiểu dụ các thân hào sĩ dân kết đảng làm theo. Lần này, qua chọn lọc số người trong đó mà ban thưởng. Ngoài ra tuy chưa được dự vào phái cử, nhưng đều vui lòng đáp ứng. Gần đây, nhiều người làm theo; nay các binh ngạch thiếu nhiều, nên nhân tình hình ấy mà thu dụng họ. Xin hội đồng Binh bộ xét tuyển dụng được bao nhiêu lính (nhưng không được khấu giản), chia làm vệ đội, lượng mà thiết lập quản suất, tùy số mộ được nhiều hay ít mà thưởng phẩm hàm, đặt tên là “Phấn Nghĩa quân”. Số quân đó được khao thưởng và đặt tên riêng; chiểu theo thứ tự, tuyển hai vệ tiên phong, nhưng vẫn lệ thuộc vào các viên quan mà hai vị thần đó ủy nhiệm cho để luyện tập và phân phái. Theo thời kỳ này thì hữu dụng, nên (Tường) cho phép.

 

Sau đó Thuyết cho Trần Xuân Soạn lãnh số quân ấy” (14).

 

Nên nhớ chữ “Tường” (Nguyễn Văn Tường: thượng thư đầu triều) trong ngoặc đơn ở đoạn trích bên trên (tôi đã nhấn đậm) là nguyên văn trong “Đại Nam thực lục”, vì lẽ ra, người có thể cho phép chỉ là vua, nhưng Hiệp Hoà đang là đối tượng cần truất phế.

 

2.3.2. Lê Tiến Công cho rằng lời bình thêm về vai trò của Nguyễn Văn Tường trong việc xây dựng Tân Sở là không có cơ sở. Thắc mắc này của Lê Tiến Công quá chừng kì quặc, vì chính ở đầu trang 39, bài viết của Lê Tiến Công (bài đã dẫn, đang bàn), anh ta viết rõ, Trần Trọng Kim khi chú thích “Hạnh Thục ca” đã nhầm lẫn “khi cho rằng thành Tân Sở là do Tôn Thất Thuyết chỉ đạo, trong lúc thực sự là Nguyễn Văn Tường chỉ đạo”.  Vả lại, Thực lục ghi rõ lúc bấy giờ, Tôn Thất Thuyết là thượng thư Bộ Lại, kiêm quản Binh Bộ sự vụ (và cả văn ban phò mã nữa), nên tôi cũng đã viết: “Lúc này, chính Nguyễn Văn Tường đã đích thân ra Cam Lộ để trực tiếp thiết kế, đốc công xây dựng căn cứ địa Tân Sở. Do đó, hầu như việc triều chính ông đã giao hết cho Tôn Thất Thuyết”. Thông tin này không mâu thuẫn với bài viết của linh mục thực dân Henry de Pirey, “Một thủ đô phù du: Tân Sở” (15)  mà ta có thể tham khảo thêm theo nhãn quan, lập trường của ta.

 

2.3.3. Lê Tiến Công không hiểu được cụm từ “chủ nghĩa thực dân Pháp”.

 

Tôi đã giải thích trên Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (sau ngày 06-02) rồi, không hiểu sao anh ta không chịu hiểu. Thật rõ là thêm lãng phí giấy mực, nếu phải trích lại để đưa vào đây:

 

“Trong ý kiến ngắn của Lê Tiến Công, có nhiều ý nhỏ, tôi đã trả lời bên trên. Riêng cụm từ “chủ nghĩa thực dân Pháp”, Lê Tiến Công bẻ ra từng từ và cho rằng cấu tạo thành một cụm từ như thế là không hợp lí, thì tôi thấy kể ra Lê Tiến Công cũng hơi … kì cục. Khi nói đến chủ nghĩa [thực dân] là đã đề cập đến hệ tư tưởng [với đội quân viễn chinh...].. Hệ tư tưởng của chủ nghĩa thực dân thế kỉ XIX là gì (Trần Trọng Kim gọi là “truyền đạo” kết hợp “tìm đất”; nhiều người khác: chủ nghĩa tư bản Phương Tây trở thành chủ nghĩa đế quốc Âu – Mỹ…) và đối với nước Pháp nó mang màu sắc, đặc điểm cụ thể như thế nào, hẳn ai cũng biết (khẩu hiệu: “Thiên Chúa và Tổ quốc Pháp”, vai trò của Hội Thừa sai Paris…). Có thể xem ở lời thưa đầu sách ở cuốn “Tiểu sử biên niên Nguyễn Văn Tường…” (Trần Xuân An, Nxb. Thanh Niên, 2006)” (16).

 

2.4. Về cuốn sách thứ tư: “Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng” (Nxb. Thanh Niên, 2008):

 

Tôi cũng đã giải thích cho Lê Tiến Công trên Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (sau ngày 06-02 HB9) và mời Lê Tiến Công đọc lại Lời thưa đầu sách:

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_1.htm

 

Đây là một lời thưa đầu sách trong đó có những dòng tôi lí giải vì sao tôi phải làm tiếp cuốn “Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường (1824-1886) thi tập”, chủ yếu là một bản dịch dang dở, không một chú thích, phần lớn chỉ dịch thơ (không dịch nghĩa), một ít bài chỉ dịch nghĩa (không dịch thơ), do nhà nghiên cứu (Nnc.) Trần Viết Ngạc sưu tầm, giới thiệu (châu bản), Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển dịch và giới thiệu, khảo luận ngắn (ĐHSP. TP.HCM. ấn hành nội bộ, 1996). Nói rõ hơn, ở đây: Tôi cảm thấy tôi có trách nhiệm phải làm tròn, không thể để bản dịch thi tập ấy cứ dở dang mãi, nên tôi nhờ nhà nghiên cứu, phiên dịch Nguyễn Tôn Nhan phiên âm và dịch nghĩa những bài còn lại, riêng tôi phụ trách dịch vần (dịch lại thành thơ đúng thể Đường luật), soạn lại phần dịch nghĩa (tra cứu khá vất vả) và tôi phải chú thích tỉ mỉ cho từng bài; đồng thời, tôi thấy bản thân tôi có trách nhiệm làm rõ hơn về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, nên tôi cần phải bị chú cuối mỗi bài trong 5 bài khảo luận, giới thiệu của các tác giả ghi trên (Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển, PGS.TS. Võ Xuân Đàn, GS. Đoàn Quang Hưng), đồng thời, tôi cũng đưa vào một bài khảo luận sử học chủ lực của tôi. Tất cả công việc tôi làm, các bản in vi tính (3 bản, 2000, 2003, 2004, mỗi bản đều có nâng cấp về các bản dịch thơ) đều được sự đồng ý của các nhà nghiên cứu, dịch giả đã kể tên, kể cả TS. Ngô Thời Đôn, người phụ trách hiệu đính các bản dịch và cơ quan chủ quản công trình là Khoa Sử, ĐHSP. TP.HCM.” (16).

 

Tôi cũng đã đề nghị Lê Tiến Công xem thêm: Trần Xuân An – “Khảo chứng một văn bản thi tập bị công bố muộn”:

 

http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/khao-chung-noidung-vanban-thitapnvt.htm

 

Thế mà Lê Tiến Công cho rằng đây là một công việc “vô duyên” của tôi! Lê Tiến Công cố tình không hiểu công việc “biên soạn và khảo cứu” của tôi, trong đó có việc “khảo chứng văn bản một thi tập bị công bố muộn” là hết sức cần thiết. Nó cũng là kết tinh lao động của tôi trong công đoạn sưu khảo tư liệu. Nói là sưu khảo vì ngoài việc khảo chứng “Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường (1824-1886) thi tập”, tôi có sưu tầm thêm những câu đối, bài thơ của Nguyễn Văn Tường bên ngoài thi tập ấy.

 

Điều cần nói thêm, “Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường (1824-1886) thi tập” nguyên tác chữ Hán đã là tài nguyên quốc gia, cũng như mọi tác phẩm chữ Hán trong di sản văn học dân tộc ta, nên ai cũng có quyền sử dụng và có thể dịch lại, mặc dù theo nguyên tắc họ phải ghi tên người sưu tập, lưu giữ (các ông Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Phùng, 12, Hàn Thuyên, Huế), người dịch, công bố đầu tiên (Trần Đại Vinh, Trần Viết Ngạc, Vũ Đức Sao Biển và Khoa Sử ĐHSP.TP.HCM., 1996). Vả lại, tôi là hậu duệ của cụ tổ Nguyễn Văn Tường, ngoài trách nhiệm và quyền sử dụng tài nguyên quốc gia nói chung của mọi công dân, tôi còn có trách nhiệm riêng, quyền khai thác, quảng bá di sản tổ tiên của hàng hậu duệ chắt chiu nữa.

 

3. Về tư liệu mới tìm được ở nước ngoài

 

Đây là điều tôi đã tranh luận kĩ với Nguyễn Hoàn. Cuộc tranh luận này, Lê Tiến Công có theo dõi tường tận và có tham gia bàn luận, nhưng anh ta không hiểu và đến khi Lê Tiến Công viết bài đang đề cập tại đây, Lê Tiến Công vẫn còn hùa theo Nguyễn Hoàn vì thấy một lúc Nguyễn Hoàn tung bài lên nhiều nơi và đăng gần như một lúc ở 6 trang thông tin điện tử, điểm mạng và báo in giấy.

 

Xin vui lòng xem:

 

-- Bài 1: Trần Xuân An: “SỰ CÔNG TÂM TỐI THIỂU CẦN CÓ KHI CẦM BÚT”: Dạng PDF

http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=13&scat=&id=897  

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6485  

http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=733&nhom=6     

-- Bài 2: Trần Xuân An: “NGHĨ VỀ CÁCH BIỆN GIẢI, NHỮNG NGỘ NHẬN VÀ MỘT Ý HƯỚNG TỐT CHO KHU DI TÍCH TÂN SỞ”: Dạng PDF

http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=&scat=36&id=1055 

http://nhavan.vn/article/BantronVN/887/   

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6585 

http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=747&nhom=6 

-- Bài 3: Trần Xuân An: “GIẢI THÍCH MỘT SỐ ĐIỂM TRONG BÀI VIẾT CỦA NGUYỄN HOÀN”: -  Dạng PDF 1 --  Dạng PDF 2

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6953 

-- Bài 4: Trần Xuân An: “ĐỂ KHỎI BỊ NGUYỄN HOÀN LỪA DỐI BẰNG NGỤY BIỆN, XẢO NGÔN”: Dạng PDF

http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/txa_giaithich-sunguybien-nguyenhoan.htm   

Lưu 4 bài của Nguyễn Hoàn ở dạng PDF

 

Tôi xin miễn bàn lại ở đây.

Kính mong được đăng lại trên báo, tạp chí in giấy.

Bốn đầu sách của tôi là sự đóng góp đáng kể trong tiến trình giải oan, tôn vinh nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường.

 

4. Một lần nữa, luận bàn về quyền sở hữu trí tuệ: “Có hay không ‘sở hữu trí tuệ’ trong nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường?”:

 

4.1. Lê Tiến Công viết: “cái ông [Trần Xuân An – ct.] xem là đóng góp lớn lao thì thực ra chẳng đóng góp gì trong tiến trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường về mặt sử học (tôi [Lê Tiến Công – ct.] không bàn đến giá trị văn chương). Sách của ông An hay tư liệu ông dùng đều không phải là những căn cứ quan trọng để đòi quyền công bằng cho cụ Nguyễn [Văn Tường]” (bđd., tr. 46).

 

Điểm này, tôi xin miễn bàn lại ở đây (vui lòng xem theo các đường nối kết mạng [link] bên trên). Vả lại, ở phần đầu của bài viết này, tôi cũng đã bàn rồi.

 

Điều cần nói là phương pháp nghiên cứu (gồm các công đoạn) và thể loại truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử do tôi tự phát kiến, trên cơ sở trải qua nhiều ngày tháng trăn trở, tìm tòi để tìm một cách viết phù hợp với đối tượng nghiên cứu và viết truyện kí tiểu sử Nguyễn Văn Tường. Nếu ông không phải là nhân vật oan khiên và gặp phải những luồng đánh giá trái ngược nhau mà đã định hình và đạt sự nhất trí tuyệt đối như Phạm Ngũ Lão, Tô Hiến Thành v.v... thì hẳn tôi không phát kiến ra thể loại tổng hợp ấy.

 

Có điều, mặc dù tôi không hề bàn riêng đến sở hữu trí tuệ về phương pháp nghiên cứu, viết truyện kí tư liệu tiểu sử (hay truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử) về nhân vật lịch sử, mà chỉ nói chung về quyền sở hữu trí tuệ về bộ sách (gồm bốn đầu sách) cùng đề tài, nhưng Lê Tiến Công có vẻ muốn bàn riêng thêm về khía cạnh này.

 

Thật sự là tôi cũng có đóng góp thêm để trở thành một phát kiến trong thao tác nghiên cứu và về thể loại truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử. Nhưng điều tôi ước muốn mới là điều đáng nói: mong những nhà văn, nhà nghiên cứu nên viết truyện kí tiểu sử nhân vật lịch sử hay nhân vật văn học và các lĩnh vực khác theo cách đó (4 đầu sách: công tác tư liệu, khảo luận, tiểu sử biên niên dạng rút gọn và truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử) để người đọc cùng thời lẫn hậu thế yên tâm khi đọc truyện kí tiểu sử đã được bảo chứng bằng khảo cứu tư liệu lịch sử.

 

4.2. Lê Tiến Công cho rằng tôi cực đoan và tự phụ. Theo tôi, thực ra, Lê Tiến Công đổ bừa cho tôi như vậy để hòng chạy trốn sự thật về tự ái chuyên môn, về nhiều luồngsức ép từ nhiều phía…

 

Bài viết đã hơi dài. Tôi cũng cảm thấy không thật hứng thú vì phải giải thích đi giải thích lại trước sự “tấn công bừa” của Lê Tiến Công. Bài viết cũng vì lí do đó nên có nhiều chỗ lặp lại những bài đã viết, thậm chí phải trích lại nguyên văn, rất dễ nản và phiền lòng người đọc. Kính mong được lượng thứ, cho dù không phải do lỗi của tôi.

 

Cũng mong Lê Tiến Công khi gặp những vướng mắc tương tự ở đề tài khác, xin hãy phỏng vấn, thay vì “phang bừa” như vậy, để quan hệ giữa người cầm bút với nhau mãi được tốt đẹp trong sự tôn trọng lẫn nhau với niềm tương liên.

   

Trần Xuân An

 

-- Khởi viết từ 13:00 ngày 15-6 HB9 (2009)và phác thảo xong lúc khoảng 18:00 cùng ngày;

-- Phác thảo lại từ 15:11 đến 18:15 ngày 16-6 HB9;

-- Viết xong lúc 15:06, ngày 17-6 HB9 [2009].

 

BẢN HOÀN CHỈNH (19-6 HB9)

 

____________________

 

(1) Bài viết của Lê Tiến Công trên Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 93, tháng 5 & tháng 6, 2009 .

 

(2) Trần Xuân An, “Sự công tâm tối thiểu khi cầm bút”, trên Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 06-02 HB9 (2009):

http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=13&scat=&id=897

 

(3) Trần Xuân An, “TRẢ LỜI NHỮNG Ý KIẾN NGẮN TRÊN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NHÀ VĂN & TRÊN ĐIỂM MẠNG TOÀN CẦU CỦA NHÀ VĂN XUÂN ĐỨC”, ngày 16-6 HB9 (2009). Xem link theo chú thích (2).

 

(4) Thứ tự liệt kê đó vốn khác với thứ tự các thời điểm tôi biên soạn, nghiên cứu, viết và công bố bản vi tính, photocopy trong giới hạn cho phép.

 

(5) Trần Xuân An, “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004, tr. 12.

 

(6) Phan Trần Chúc, “Vua Hàm Nghi”, Nxb. Thuận Hoá tái bản, 1995, tr. 21.   

 

(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 28, bản dịch củaTổ Phiên dịch Viện Sử học, Nxb. Khoa học xã hội, 1973, tr. 217.

 

(8) Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa” (NVT., MNTN.), Nxb. Thanh Niên, 2006, tr. 11-13

 

(9) NVT., MNTN., sđd., tr. 110-111.

 

(10) Phan Huyên Đình (TXA.), “Phan Bội Châu trong quan hệ với Thiên Chúa giáo”, Tạp chí Xưa & Nay, số 286, tháng 6-2007, tr. 30-31.

 

(11) ĐNTL.CB., tập 37, Nxb. KHXH., 1977, tr. 8, 13.

 

(12) Thật sự là trong ngữ cảnh cụ thể khác, vua Tự Đức cũng có nhận xét là Tôn Thất Thuyết “ít học”. Hẳn đó là cách mắng người trong nhà, nên có vẻ nặng lời. Xem: ĐNTL.CB., tập 34, Nxb. KHXH., 1976, tr. 370.

 

(13) NVT., MNTN., sđd., tr. 55-56. Cũng có thể xem bài này của TXA. trong: “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải” (do PGS.TS. Đỗ Bang chủ biên), Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2007, tr. 137.

 

(14) ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 63 – 64.

 

(15) Những người bạn cố đô Huế (NNBCĐH., Bulletin des amis du vieux Hué [BAVH.], 1914), tập 1, bản dịch, Đặng Như Tùng dịch, Bửu Ý hiệu đính, Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 224 - 234.

 

(16) “Sự công tâm tối thiểu khi cầm bút”, bài đã dẫn, phần bàn luận. Xem link ở chú thích (2).

 

TXA.

 

                         

 

 

              

... CHÚ THÍCH Ở NGOÀI BÀI (bổ sung vào sáng ngày 20-6 HB9 [2009]):

 

Trong phần chính văn của bài trên, tôi đã viết:

"Điều cần nói thêm, “Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường (1824-1886) thi tập” nguyên tác chữ Hán đã là tài nguyên quốc gia, cũng như mọi tác phẩm chữ Hán trong di sản văn học dân tộc ta, nên ai cũng có quyền sử dụng và có thể dịch lại, mặc dù theo nguyên tắc họ phải ghi tên người sưu tập, lưu giữ (các ông Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Phùng, 12, Hàn Thuyên, Huế), người dịch, công bố đầu tiên (Trần Đại Vinh, Trần Viết Ngạc, Vũ Đức Sao Biển và Khoa Sử ĐHSP.TP.HCM., 1996). Vả lại, tôi là hậu duệ của cụ tổ Nguyễn Văn Tường, ngoài trách nhiệm và quyền sử dụng tài nguyên quốc gia nói chung của mọi công dân, tôi còn có trách nhiệm riêng, quyền khai thác, quảng bá di sản tổ tiên của hàng hậu duệ chắt chiu nữa".

Xin viết thêm cho rõ hơn: Theo đó, bất kì ai cũng có thể sử dụng và dịch lại phần nguyên tác chữ Hán của Thi tập Nguyễn Văn Tường ("Kỳ Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường (1824-1886) thi tập”, Khoa Sử, ĐHSP.TP.HCM., 1996), mà không cần in lại các bài giới thiệu của các ông Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển cũng như bản dịch thơ, dịch nghĩa của ông Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển.

 

Bấm vào đây: Ảnh bìa lớn hơn

Đó là một điều bình thường, không vi phạm luật bản quyền, vì phần nguyên tác chữ Hán của Thi tập Nguyễn Văn Tường ("Kỳ Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường (1824-1886) thi tập”) đã là tài nguyên quốc gia, cũng như mọi tác phẩm chữ Hán trong di sản văn học dân tộc ta. Các tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Cao Bá Quát... đâu chỉ một người dịch hay một nhóm người phiên dịch, chú thích và xuất bản thành sách. Chúng ta từng biết có "Tố Như thi" do Quách Tấn dịch và xuất bản, rồi lại có "Thơ chữ Hán Nguyễn Du" của Nhiều dịch giả (Nxb. Văn Học, # 60/XX), gần đây lại có "Nguyễn Du toàn tập" của GS.TS. Mai Quốc Liên và nhóm phiên dịch giả cộng tác (cũng NXB. Văn Học, # 90/XX). Ngay cả các văn bản chữ Nôm cũng vậy. Ai cũng biết có nhiều bản Truyện Kiều được kí âm lại bằng chữ quốc ngữ ABC, chú giải và xuất bản thành sách (Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim, Thạch Giang...) v.v...

Riêng cuốn sách "Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) -- Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng" (Nxb. Thanh Niên, 2008) do tôi biên soạn, khảo cứu (và chủ biên, xuất bản) thực chất là một công trình làm nối (tục biên & tái biên soạn, bổ sung toàn bộ phần chú giải, một số bản dịch vần, soạn lại toàn bộ các bản dịch nghĩa, với các bản phiên âm, dịch nghĩa bổ sung của ông Nguyễn Tôn Nhan; và ông Ngô Thời Đôn hiệu đính toàn bộ các bản phiên dịch). Tất cả đã có sự đồng ý của các ông Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển, Võ Xuân Đàn và Khoa Sử, ĐHSP.TP.HCM.).

TXA.

20-6 HB9 (2009)

 

 

Tháng giêng -- tháng Tư HB9 (2009)

LINKS CUỘC TRANH LUẬN VỚI NHÀ BÁO NGUYỄN HOÀN

Xem bài của Lê Tiến Công trên Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 93, tháng 5 - tháng 6 2009:

http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/ltc_cohaykhong-sohuutritue.htm

 

   ____________________

 

Cập nhật:

 

22-8 HB9: Bài phản hồi của Trần Xuân An (về bài viết của Lê Tiến Công) đã đăng trên Tạp chí HUẾ XƯA & NAY số 94 (tháng 7 & tháng 8 2009):

 

 

 Bìa 1 tạp chí Huế Xưa & Nay, số 94, tháng 7 & tháng 8 2009  |  1. Trang 41  |  2. Trang 42  |  3. Trang 43  |  4. Trang 44  |   5. Trang 45  |  6. Trang 46  |  7. Trang 47  |  8. Trang 48  |  9. Trang 49  |  10. Trang 50  |  11. Trang 51  |  12. Trang 52  |  13. Trang 53  |  14. Trang 54  |  15. Trang 55    

 

     ________________________________________________________________________________________________________             

 

 

 

Google page creator /  host

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, WORDPRESS,  MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)