Nhà sử học Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn (Nguyễn Hoàn, Thanh Hải)

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

SẼ CÓ SỰ THAY ĐỔI CÁCH ĐÁNH GIÁ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG

Nguyễn Hoàn  - Thanh Hải

thực hiện phỏng vấn

Bài đã đăng trên Web KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ (quangtrinet)

ngày 4 Tháng Sáu 2007

 

 

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc

(tổng thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)

 

Bài trả lời phỏng vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc nhân sự kiện Hội khoa học lịch sử (KHLS) Việt Nam, Hội KHLS Thừa Thiên Huế trao tặng bia lịch sử Kỳ Vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường (1824-1886).

 

+ Phóng viên (P.V):

Ông đánh giá những tư liệu của gia đình bà Nguyễn Ngọc Oanh và con gái Trần Nguyễn Từ Vân tìm được ở Pháp và Tahiti như thế nào trong việc làm sáng tỏ “nghi án” Nguyễn Văn Tường?

 

+ Nhà sử học Dương Trung Quốc (D.T.Q): Lịch sử diễn ra một lần nhưng nhận thức nó là cả một quá trình. Có thể một tư liệu quý sẽ làm thay đổi lịch sử. Thực ra, trước đó đã có sự băn khoăn chung trong giới nghiên cứu sử học: Suốt quá trình trước đó, ông Nguyễn Văn Tường là người chủ chiến, nhưng trong 2 tháng sau vụ Tôn Thất Thuyết tấn công các nơi chiếm đóng của Pháp tại Huế thì có nhiều tư tưởng khác nhau. Cách nhìn nhận bình thường có logíc là trở về cộng tác với thực dân Pháp; thứ hai là Pháp muốn nhấn mạnh ý đó để phục vụ cho yêu cầu bình định của họ, coi rằng những người chống đối đã quay trở lại với nền cai trị của Pháp. Nhưng khi chúng ta có thêm tư liệu thì hiểu được thực chất quá trình quay trở lại là gì. Tôi nghĩ trong lịch sử giữa cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, giữa minh xã và ám xã chẳng hạn, sự phối hợp giữa hai phương thức khác nhau trong mục tiêu chung yêu nước của 2 nhà yêu nước lớn, thì đây, giữa Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phải chăng là phương cách để cải thiện tình hình trong bối cảnh có nhiều phức tạp, rối ren?

 

+ P.V: Ông có đồng ý rằng trong trường hợp Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cho thấy, cha ông ta có một đường lối “vừa đánh vừa đàm” rất độc đáo và quyền biến.

 

+ Nh.s.h.D.T.Q: Chúng ta luôn đối đầu với những kẻ thù lớn, tôi nghĩ vừa đánh vừa đàm cũng là một truyền thống để đạt được mục tiêu độc lập dân tộc và thông nhất đất nước. Đó là chính sách hoà hiếu của dân tộc vì ta luôn đối mặt với kẻ thù thường xuyên và tồn tại ngay bên cạnh chúng ta. Ví dụ như vua Quang Trung đánh cho quân Thanh đại bại nhưng lại sang hòa đàm với Trung Hoa. Qua đó cũng cho thấy tinh thần yêu nước của con người Việt Nam chúng ta, có thể do những hoàn cảnh khác nhau nên cách thể hiện khác nhau, nhưng có chung điểm gốc là họ có thể cộng tác với nhau trong sự nghiệp chung của dân tộc. Anh cứ nhìn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước gần đây, không ít trường hợp người ta có thể làm việc cho bộ máy của đối phương nhưng phục vụ cho kháng chiến. Tôi cho trong lúc này, chúng ta phải hướng tới mục tiêu nâng cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vì việc làm này chúng ta không chỉ làm sáng tỏ một vấn đề quá khứ mà góp phần có cái nhìn biện chứng hơn về lịch sử để tránh bị xơ cứng, cứng nhắc, giảm bớt giá trị.

 

+ P.V: Từ trường hợp Nguyễn Văn Tường cho thấy quá trình đổi mới trong sử học vừa qua như thế nào thưa ông?

 

+ Nh.s.h.D.T.Q: Có cái đổi mới trong nhận thức chung nhưng trong đổi mới cũng có những nỗ lực của giới sử học và từng gia đình. Nếu có điều kiện chúng ta tiếp cận những nguồn tư liệu, chỉ cần nguồn tư liệu báo cáo của chính quyền thực dân đánh giá về một nhân vật nào đó chống lại chúng thì điều đó hết sức xác đáng. Tôi đánh giá rất cao những nguồn tư liệu này, chẳng hạn như những nguồn mà bà Oanh và cô Từ Vân đã sưu tầm mà lâu nay chúng tôi không có điều kiện tiếp cận. Điều đó cũng nói rằng, nếu nhà nước đầu tư, tạo điều kiện nhiều hơn cho quá trình nghiên cứu sử học thì chắc chắn thành quả của nó lớn hơn, có nhiều tác động đến xã hội hơn.

 

+ P.V: Việc dựng Bia cho Nguyễn Văn Tường đã hoàn thành, nhưng sau này trong chính sử cần phải sửa lại những đánh giá không đúng về nhân vật Nguyễn Văn Tường chứ?

 

+ Nh.s.h.D.T.Q: Tôi nghĩ những kết quả này đương nhiên được truyền bá ra và những nhà sử học phải tiếp cận những kết quả mới nhất. Điều quan trọng nữa chúng tôi muốn tác động trong thay đổi, chỉnh sửa sách giáo khoa để giáo dục truyền thống cho học sinh.

 

+ P.V: Nếu đã là danh nhân thì chúng ta có thể đặt tên trường, tên đường mang tên danh nhân đó?

 

+ Nh.s.h. D.T.Q: Điều đó tuỳ thuộc vào tương quan chung và tuỳ từng địa phương. Rõ ràng là lịch sử đã đánh giá rất rõ về nhân vật lịch sử này rồi.

 

+ P.V: Xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Hoàn  - Thanh Hải

Nguồn: Bài phỏng vấn & ảnh: 

http://www.dostquangtri.gov.vn/TINTUC/KHCN/Thang6/04_06/0406_01.asp

 

Xem thêm: http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/4-vankien-dainamthucluc.htm

Web TgTXA.: Về giai đoạn lich sử 1858-1885/1886, nắm vững và giữ vững tư liệu gốc của nước ta -- những châu bản và các văn kiện khác (kể cả tư liệu gốc của Pháp) trong "Đại Nam thực lục" -- là nắm giữ thanh gươm sử học hay ngọn bút sử học đằng cán (không ai nắm gươm, cầm bút đằng lưỡi!). Nói cách khác, đó là tư liệu ắt có (cần thiết phải có), còn tư liệu gốc của phía Pháp (trong sách báo Pháp, nhất là tư liệu mới sưu tầm được ở các trung tâm lưu trữ tại Pháp, Tahiti, phải có chứng thực) là tư liệu đủ (bổ trợ thêm). Không thể hoán chuyển điều kiện đủ thành điều kiện ắt có.

_________________________________________________________________________________________________________

RẤT CẦN THIẾT

trở về trang "Thư trao đổi với PGS.TS. Đỗ Bang":

 

    http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/trdoi_pgsdobang_bianvt.htm

 

trang bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

Ngày đưa trang này lên mạng liên thông: 5-6 HB7 (2007).

11-6 HB7