o. Bài 15-Tl.3 - Trần Xuân An -- Những giá trị - Miệt vườn - khảo cứu - Sơn Nam (bài 2)

NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN MINH TẠI MIỆT VƯỜN

QUA KHẢO CỨU VĂN HOÁ HỌC CỦA NHÀ VĂN SƠN NAM (1926-2008):

KHÚC XẠ CỦA THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ VÀ LAO ĐỘNG – KINH TẾ VÀO VĂN HOÁ CON NGƯỜI –  XÃ HỘI

 

Bài 2

 

Trần Xuân An

 

I. Dẫn nhập:

 

Trong bài viết thứ nhất về đề tài này, “Miệt Vườn qua cái nhìn văn hoá học của nhà nghiên cứu Sơn Nam (1926-2008)”, tôi đã khái lược lại kết cấu của cuốn sách “Văn minh Miệt Vườn” (bản 1992) (1). Ở đây, có thể nói vắn tắt hơn: Sơn Nam đã chủ yếu tiến hành thao tác chúng ta thường gọi là “cắt ngang” (theo chiều đồng đại) diễn trình hình thành và thành tựu những giá trị văn minh của Miệt Vườn – trung tâm điểm hội tụ, tiếp biến, lan toả của Đồng bằng Sông Cửu Long -- dựa vào những mốc lịch sử quan trọng của vùng đất này cũng như của Nam Bộ nói chung. Theo từng giai đoạn lịch sử một, ông đã khảo sát những giá trị văn minh của Miệt Vườn và của các vùng chung quanh nó. Thêm vào đó, Sơn Nam cũng dành hẳn một vài chương sách để nhấn mạnh, xoáy sâu vài ba đặc điểm cần thiết với tiêu đề giản dị như “Một địa danh”, “Tánh chất phong kiến”, “Vài câu hò”. Tuy vậy, ông cũng vẫn cho người đọc một cái nhìn tổng thể có tính chất “bổ dọc” (theo chiều lịch đại) để thấy được tiến trình biện chứng từ thời “sơ sử” với vương quốc Phù Nam và thương cảng Óc Eo đến thời bị Chân Lạp xâm chiếm, rồi từ cuộc Nam tiến của người Việt Trung Bộ Đàng Trong (vốn mang nội lực văn hoá - lịch sử sông Hồng, sông Mã, sông Lam), trong thế kỉ XVII, đến những thập niên cuối thuộc nửa đầu thế kỉ XX.

 

Trong bài viết “Miệt Vườn qua cái nhìn văn hoá học của nhà nghiên cứu Sơn Nam (1926-2008)” ấy, tôi cũng đã khám phá trong cuốn sách của ông về cách nhìn, sự lí giải của ông trước mối quan hệ tương tác biện chứng giữa tâm thức, nội lực văn hoá Việt (Kinh) của những lưu dân Trung Bộ Đàng Trong trên những bước đường Nam tiến với các khách thể: bản lĩnh văn hoá Việt (Kinh) trong quá trình tương tác với bối cảnh địa lí Nam Bộ; lưu dân Việt (Kinh) tiếp biến văn hoá trong quá trình tương tác với các nguồn văn hoá khác tại Nam Bộ như Chàm, Miên, Ấn, Hoa, Pháp...

 

Tuy vậy, quả thật, trong bài viết sơ khởi nhưng rất quan trọng ấy, tôi vẫn chưa đi sâu vào trọng tâm: Văn minh Miệt Vườn gồm những gì và diễn trình của những giá trị văn hoá đặc sắc ấy như thế nào.

 

Như đã nói, trong bài “Thay lời tựa”, Sơn Nam đã xác định: “Miệt Vườn là xưng danh sẵn có. Tiếng văn minh kèm theo phía trước là do người khởi thảo tập sách này nêu lên, nghĩ rằng văn minh nếp sống vật chất, là ăn, mặc, ở, cách thức sanh nhai (tôi nhấn mạnh – TXA.)” (tr. 7).

 

Ngay những dòng chữ quan trọng này, chúng ta tinh ý sẽ thấy Sơn Nam quan tâm đến lĩnh vực văn minh vật chất, hay đúng hơn, với ông, thượng tầng kiến trúc xã hội gồm tất cả các hình thái ý thức đều bị đánh lẫn vào hạ tầng cơ sở gồm các mức sống, các hình thức thuộc điều kiện sinh hoạt thường ngày (ăn, mặc, ở) và kinh tế (cách thức sinh nhai). Tuy thế, trong cuốn sách, ông cũng dành hẳn hai chương có tiêu đề “Tánh chất phong kiến” (tính chất chế độ chính trị, thiết chế xã hội), “Vài câu hò” (văn học - nghệ thuật) và nhiều đoạn bàn đến giáo dục Nho học, quốc ngữ - tân học, chính trị thời thực dân, và cũng có ít câu khác nhắc đến tín ngưỡng thờ cúng ông bà của người Việt với các tôn giáo cổ truyền, tôn giáo Phương Tây hay tôn giáo Nam Á...

 

Đó là ưu điểm hay chính là hạn chế của nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam? Dẫu sao, Sơn Nam vẫn thuộc về một số không nhiều tác giả đã có công khai phá, xây dựng nên nền học thuật Nam Bộ theo chiều hướng dân tộc, khoa học.

 

Tôi sẽ trình bày khám phá của tôi theo chiều “bổ dọc” khi tìm hiểu công trình biên khảo “Văn minh Miệt Vườn”, trước hết, theo chính Sơn Nam, vốn với cách “cắt ngang”, ở bài thứ 2 này. Cũng xin thưa trước, ở bài này, tôi cũng chỉ giới hạn trong hai chủ điểm: sự khúc xạ của thể chế chính trị và phương thức lao động – kinh tế vào văn hoá con người – xã hội. Những chủ điểm khác, tôi sẽ trình bày ở bài thứ 3.

 

II. Những giá trị văn minh của trung tâm điểm Đồng bằng Sông Cửu Long qua cuốn sách “Văn minh Miệt Vườn” của Sơn Nam:

 

1. Hình thái, tính chất chế độ chính trị, thiết chế nhà nước và phương thức sản xuất trong từng thời kì:

 

Mặc dù Sơn Nam đã viết “Thay lời tựa” như ở phần trên, nhưng sau khi giới thuyết về địa danh “Miệt Vườn” cùng khu vực địa lí và thời kì “sơ sử”, đặc biệt là thời kì “giữa hai thế kỉ XIX và XX” (chương 4) của nó, ông liền xoáy sâu như một điểm nhấn quan trọng: bàn đến “tính chất phong kiến” (chương 5) của giai đoạn cận - cận hiện đại này. Trong những chương kế tiếp, “Cơn chuyển mình trước và sau Âu Châu đại chiến” (1914-1918) (chương 6), “Khi Miệt Vườn trỗi dậy” (chương 7), Sơn Nam đã bàn đến thiết chế thuộc địa Pháp, trong đó là sự câu kết giữa thực dân Pháp trực trị với giai cấp quan chức, địa chủ bản xứ, tầng lớp kiều dân Hoa, Ấn, Chà-và mại bản... Ông cũng nhấn mạnh đến tính chất dân chủ của tầng lớp trên và vì tầng lớp trên của thời kì đó. Tất nhiên qua các giai đoạn lịch sử ấy tại Nam Bộ, Sơn Nam chú tâm đến tầng lớp nông dân trung lưu, đặc biệt là đời sống khốn khổ, thậm chí cùng quẫn của đa số lưu dân khai phá trở thành nông nghèo cực, khắc sâu sự đề kháng, lòng yêu nước, ruộng vườn làng mạc của họ. Như vậy, ông đã trực tiếp đề cập đến hình thái, tính chất chế độ chính trị, thiết chế nhà nước như một chủ điểm nghiên cứu văn minh Miệt Vườn.

 

Dĩ nhiên, Sơn Nam đã thể hiện đức tính công bằng của người cầm bút, khi ở nhiều đoạn ông đã ghi công lao của các đời chúa Nguyễn, vua Nguyễn trong quá trình mở cõi, chiêu mộ dân lập ấp, chiêu mộ lính lập đồn điền để khai khẩn và bảo vệ vùng đất mới phương Nam, tuy có chỗ ông lại trích dẫn từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, theo đó, một nhân vật tiểu thuyết của tác giả này cho rằng công lao, xương máu, mồ hôi của tổ tiên nhân dân mới đáng kể, đồng thời bày tỏ thái độ hoàn toàn vô ơn đối với giai cấp vua quan lãnh đạo thuở bấy giờ (tr. 12).

 

Về tính chất phong kiến dưới chế độ quân chủ nhà Nguyễn, Sơn Nam khẳng định là nền quân chủ - phong kiến ấy cũng như tại nhiều nước Châu Á, không phải như ở Châu Âu. Ông so sánh:

 

“Bên Châu Âu, các vị lãnh chúa đóng vai trò ông vua nhỏ, nắm trọn quyền sanh sát trong phần đất họ hưởng cha truyền con nối. Đất đai này thuộc quyền tư hữu của họ. Dân trong vùng là nông nô phải làm mướn trọn đời, không được tự ý qua vùng khác để phục vụ lãnh chúa khác. Ở mỗi vùng, có luật lệ, chế độ thuế má riêng do lãnh chúa quy định” (tr. 64).

 

“Chúng ta theo chế độ điền địa khác với Âu Châu, thời vua chúa. Nhưng nói như thế không có nghĩa là ca ngợi tánh chất “văn trị”, “dân chủ” của thời vua chúa, nếu ta ngại dùng danh từ “phong kiến” hoặc “quan liêu, phong kiến” (tr. 65); “Vua quan thời xưa đa số đều xuất thân ở lớp bình dân, làm vua nhờ biết xoay trở tình thế, làm quan nhờ siêng học rồi thi đậu cao, giàu nghèo đều đi thi được” (tr. 61).

 

Ông cũng phê phán chế độ phong kiến thời còn giữ được độc lập: “Những tệ đoan của chế độ phong kiến đầy rẫy ở nước ta, phụ nữ bị khinh rẻ, chủ đất được quyền nêu ra giá biểu về địa tô và cho vay ăn lời tuỳ thích. Gặp năm nào mất mùa, người tá điền phải “bán vợ đợ con”, nợ nần chồng chất; chủ điền được quyền đuổi tá điền qua nơi khác” (tr. 66).

 

Điểm sát hợp với đề tài nhất là Sơn Nam đã so sánh ngay giữa chế độ phong kiến độc lập tại ba kì của Việt Nam:

 

“Ở Bắc phần và Trung phần, vì hoàn cảnh ruộng ít dân đông nên quan lại và điền chủ chỉ làm chủ một số đất hẹp. Để sống cho ra vẻ “quân tử”, họ bóc lột tàn nhẫn, nghèo mà làm sang”; “Ở Nam phần, cụ thể là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, chúng ta thấy: -- Không có việc vua chúa phong đất đai cho công thần hoặc hoàng thân quốc thích. Có tự điền, tức là đất cấp cho con cháu của vị công thần nào đó khi mãn phần, để con cháu lấy huê lợi mà lo việc cúng tế hàng năm [như] trường hợp ruộng châu phê, cấp cho con cháu khâm sai Nguyễn Cửu Vân, người dày công giúp vua Cao Miên đánh đuổi quân Xiêm vào năm 1705. -- Đa số dân chúng có đủ đất canh tác (tôi nhấn mạnh – TXA.); đại điền chủ không quá dư dả để gom vốn nuôi đám tá điền đông đảo (như khi người Pháp đến) (tôi nhấn mạnh – TXA.)” (tr. 66-67).

 

Sơn Nam còn sưu tầm, trích dẫn nhiều chi tiết mô tả, nhiều con số thống kê để giúp người đọc thấy được tình trạng bần cùng hoá của nông dân ngay trên vùng đất mới Nam Bộ, ngay khi thực dân Pháp chưa xâm chiếm được “Nam Kỳ lục tỉnh”.

 

Khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược và đặt ách trực trị lên “Nam Kỳ lục tỉnh” (1862, 1867), tình hình phân hoá xã hội càng gay gắt hơn nhiều lần, nhất là qua quá trình chúng câu kết với bọn địa chủ, dân lai Tây, Hoa kiều, Chà kiều, Ấn kiều mại bản.

 

Trước hết, vào giai đoạn chỉ vừa mất 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ, Sơn Nam trích dẫn một bản tấu do Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Đức Tánh kí tên, tâu ra triều đình Huế (1863): “Hiện nay các người cử nhân, tú tài, thân sĩ cùng các quản suất, nghĩa quân, hào mục trong các thôn xã bị Tây nã gắt gao nên phải bỏ hết sản nghiệp để cùng gia quyến chạy đến ba tỉnh Vĩnh Long, An Hà [đúng ra là An Giang], Hà Tiên trú ngụ rất nhiều, còn như những người vì nghĩ phần mộ tổ tiên nên còn ở lại cam chịu đời sống cơ cực trăm chiều, khiến cho làng mạc xơ xác, nhà cửa tiêu điều, ruộng đất bỏ hoang, tài lực khánh kiệt. Nhưng dù đứng trong cảnh khổ, nhân tâm vẫn còn oán hận vô cùng”; “Lòng dân vẫn còn nhớ cũ, phong tục vẫn chẳng đổi thay, lễ nhạc y quan vẫn thế, thờ thần lễ Phật, tế tự xướng ca, khắp hạt vẫn theo tục cổ” (tr. 53-54).

 

Thực dân Pháp đến, “quyền sở hữu về điền địa đã bị xáo trộn. Sau khi chiếm thành Chí Hoà, từ 1861, nhà cầm quyền thực dân đã kí sắc lịnh giải tán các đồn điền vì đó là tổ chức có tính chất quân sự, ủng hộ triều đình Huế”; “... Trên toàn cõi Nam Kỳ lục tỉnh, một địa bộ khác được thành lập, theo ý kiến của hương chức làng (những người mới bổ nhậm sau này, theo thực dân). Hương chức làng và một số cường hào tha hồ thao túng, chiếm đoạt ruộng đất của những người đã chạy trốn, những người thất thế” (tr. 54-55).

 

Đến khi thực dân Pháp đã đặt được ách thống trị trên cả Nam Kỳ, Sơn Nam viết: “Trong hoàn cảnh ngoại bang đô hộ, các chức vụ quan trọng về chánh quyền đều do người Pháp nắm giữ, việc kinh doanh, thương mãi nằm trong tay người Hoa kiều hoặc Ấn Độ thì kẻ sĩ, các ông điền chủ bổn xứ dù muốn hay không cũng phải bám vào giới trung lưu và giới bình dân mà nương tựa” (tr. 98).

 

Và đây là một đoạn tư liệu, Sơn Nam sưu tầm, trích dẫn, nói về tính chất “dân chủ” mị dân của tầng lớp trên trong sự câu kết giữa thực dân Pháp và các chức sắc bản xứ trong Hội đồng quản hạt (đại đa số nhân dân không có quyền bầu cử trực tiếp): “Thuộc địa Nam Kỳ được quyền cử một nghị viên (député) trong thành phần Hạ viện của chánh quốc. Cử tri gồm những người Việt có Pháp tịch (theo con số thống kê năm 1932 là 1.000 người), người Tây lai (chừng 500 người), người Chà có Pháp tịch (chừng 700 người), người Pháp (chừng 2.000 người). Nói chung thì mỗi lần tuyển cử nghị viên, hễ người Chà nghiêng về ứng cử viên nào thì người ấy đắc cử. Người Pháp, người Việt, người lai thường chia bè phái. Chà thì đoàn kết và dồn thăm cho ứng cử viên nào nghiêng về quyền lợi của họ...” (tr. 144-145). Qua đó, ta thấy được “cơ cấu” của Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, đặc quyền bầu cử của những kẻ ấy và tính chất bè phái vì quyền lợi kinh tế, chính trị của từng phe phái...

 

Nhưng vấn đề là đặc điểm của tính chất phong kiến (thời chúa Nguyễn, thời vua Nguyễn chưa mất “Nam Kỳ lục tỉnh”) và tính chất thuộc địa tại Nam Bộ (khác với Trung Kỳ và Bắc Kỳ với hai mức độ “bảo hộ” khác nhau). Trong thời kì mở cõi, khẩn hoang, lập đồn điền, lập ấp dưới sự lãnh đạo của các chúa Nguyễn, vua Nguyễn, những lưu dân Nam Kỳ một mặt được hưởng sự ưu đãi của triều đình tại Huế, với tính chất không phân biệt thành phần xuất thân vốn có của giai cấp phong kiến Việt Nam (nghèo khổ vẫn được đi thi, làm quan to), một mặt được ưu đãi bởi điều kiện thiên nhiên phì nhiêu, đất rộng, dân thưa, sản vật tự nhiên giàu có, đầy ắp (vượt xa Đồng bằng Sông Hồng, và càng vượt xa hơn nữa, gấp nhiều lần so với dải đất duyên hải Trung Kỳ cằn cỗi, ít ỏi). Trong thời kì trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, Nam Kỳ là một phần lãnh thổ của nước Pháp tại hải ngoại, khác với Trung Kỳ, Bắc Kỳ; hai kì ấy dẫu sao cũng vẫn còn là sở hữu của dân tộc ta và của triều đình Huế. Về mặt độc lập dân tộc, nhân dân Nam Kỳ chịu khổ nhục hơn, nhưng so với hai kì kia, Nam Kỳ được tiếp xúc trong thực tiễn với nền cộng hoà, dân chủ tư sản Châu Âu, cụ thể là Pháp, sớm hơn mấy mươi năm. Cho dù những sinh hoạt dân chủ, cộng hoà chỉ trên bề nổi, chỉ vì quyền lợi tầng lớp trên với tỉ lệ ít ỏi (kiều dân mại bản, dân lai Tây, dân Việt có quốc tịch Pháp...), nhân dân Nam Kỳ nói chung vẫn có sự tiếp xúc với dân chủ, cộng hoà (tôi không nói đại đa số nhân dân hưởng được quyền dân chủ, cộng hoà ấy). Có lẽ hai đặc điểm kể trên về chế độ chính trị, qua hai thời kì trước 1945 (phong kiến Việt Nam, độc lập; và dân chủ, cộng hoà thuộc địa), không ít thì nhiều cũng đã góp phần tạo nên bản sắc văn minh Miệt Vườn, tính cách (hay cá tính) Nam Bộ, trong một bối cảnh địa lí tự nhiên ưu đãi. Nhưng chính điều kiện bối cảnh địa lí tự nhiên ưu đãi mới là yếu tố vô cùng quan trọng (nói chung nhân dân Nam Kỳ có khổ nhục về chính trị, bị bóc lột về kinh tế nhưng không ai bị đói kém). Nếu nghiên cứu cái ăn đói, mùa kém triền miên ở Bắc Kỳ, nhất là Trung Kỳ, chúng ta mới hiểu được điều kiện địa lí tự nhiên này đối với nhân dân Nam Bộ.

 

Một mặt, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, về chính trị, Nam Bộ đã sản sinh ra những nhân vật anh hùng, hiên ngang, bất khuất (Trần Xuân Hoà, Trương Định, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực...), những trí thức cựu học (Nguyễn Đình Chiểu...), những trí thức tân học xuất sắc, những nhà cách mạng tư sản hay xã hội chủ nghĩa tiêu biểu cho một thời kì lịch sử (Nguyễn An Ninh...). Mặt khác, cũng trong thời đoạn ấy, về kinh tế, tỉ lệ điền chủ (địa chủ) Nam Bộ chiếm đến hơn 94,17% so với cả Đông Dương (“Theo thống kê, ở toàn cõi Đông Dương có 6.690 đại điền chủ, mỗi người đứng bộ trên 50 mẫu [hecta] đất. Riêng về Nam Kỳ, có đến 6.300 đại điền chủ trong số 6.690 này” (tr. 143)).

 

Trên đây, chúng ta thấy, đi đôi, xen kẽ với khảo cứu về hình thái, tính chất chế độ chính trị, thiết chế nhà nước là khảo cứu về phương thức sản xuất thuộc lĩnh vực kinh tế mà Sơn Nam dùng từ một cách giản dị là “cách thức sanh nhai” của nhân dân, điều kiện địa lí tự nhiên ưu đãi tại Nam Bộ; đồng thời, cũng qua đó, mặc nhiên, vô hình trung, cho chúng ta thấy sự khúc xạ của thiết chế chính trị, điều kiện địa lí vào văn hoá, cá tính Sài Gòn – Gia Định, Miệt Vườn (đều là “Hai Huyện”) và cả Nam Bộ nói chung. Và văn hoá – văn minh mới chính là chủ đích của cuốn sách “Văn minh Miệt Vườn”.

 

Tuy nhiên, không thể không đi sâu khám phá thêm trong “Văn minh Miệt Vườn” một mức nữa về “cách thức sanh nhai” (phương thức lao động – kinh tế) theo giác độ văn hoá học.

 

2. Lao động – kinh tế & sự đóng góp kĩ thuật nông nghiệp mới của chính nhân dân Miệt Vườn và Đồng bằng Sông Cửu Long, Nam Bộ nói chung:

 

Khi Nam Bộ đã bước vào giai đoạn hoàn tất quá trình Nam tiến của lưu dân, binh lính đồn điền, và đang trong tiến trình phát triển dân số, đẩy mạnh việc khẩn hoang, thâm canh, thì thực dân Pháp xâm chiếm, ép buộc triều đình nước ta tại Huế phải nhượng đứt Nam Kỳ lục tỉnh (1862, 1867 & 1874). Do đó, những bước phát triển về sau trong tiến trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp về bản chất là khác hẳn nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn vì nước, vì dân, tất nhiên vì triều Nguyễn nữa; còn thực dân Pháp chỉ vì quyền lợi thực dân của Pháp, nếu không muốn nói đến quyền lợi của Thiên Chúa giáo.

 

Đó là một cái nhìn thoả đáng nhất khi khám phá những chương đoạn trong “Văn minh Miệt Vườn” của Sơn Nam, bàn về “cách thức sanh nhai” (lao động – kinh tế, kĩ thuật nông nghiệp mới).

 

Tưởng cũng nên nhắc lại, theo Sơn Nam, “Miệt Vườn, gọi tổng quát những vùng đất cao ráo, có vườn cam, vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ” (tr. 17).

 

Từ những tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhứt thống chí”, bản dịch của Nguyễn Tạo, Sơn Nam trích dẫn những đoạn về Miệt Vườn, thời Tự Đức và sau đó không bao lâu:

 

“Tỉnh Vĩnh Long: Bao quanh có chợ Vĩnh Thạnh, chợ Long Hồ, ghe thuyền tụ tập, phố xá liên tiếp, thành ra một yếu địa hình thắng danh, khu đô hội vậy... Ngoài ra còn có Tiền Giang, sông sâu nước chảy hùng dũng... Nói về địa lợi thì đồng bằng ngàn dặm, có ruộng vườn phì nhiêu xanh tốt” (tr. 43); “Đất xốp mà mềm dẻo rất là phì nhiêu. Nước tuy đục mà ngọt, tưới rửa được tiện lợi. Nơi bến sông bờ biển có thuỷ liễu (cây bần) mọc thành hàng, cành lá xanh rờn, không hề biến đổi. Cây cỏ nở hoa đậu trái không phân biệt mùa xuân hay mùa thu. Nơi ruộng sâu, cắt cho sạch cỏ rồi vãi lúa giống xuống không tốn công cày bừa. Nhiều sông ngòi lưu thông, nhưng không tích tụ khí lam chướng, duy có khí thấp nhiệt thường nung nấu nên có bệnh phong” (tr. 44); “Nghề ruộng và nghề đánh cá đều nhơn theo lợi tự nhiên, dụng lực ít mà được lợi nhiều. Đất đai rộng, thức ăn nhiều, ít cần súc tích dành để. Nhiều người biết bơi lội, thiện nghệ câu cá sấu và đánh cọp. Bách công kĩ nghệ chưa được tinh xảo...” (tr. 44); “Chợ Vĩnh Phước: tục danh chợ Sa Đéc, chợ quán dọc theo bờ sông liên tiếp nối dài năm dặm, dưới sông có những bè bằng tre kết đậu khít nhau giăng hàng, hoặc bán tơ lụa và đồ khí dụng, hoặc bán dầu rái, than củi, mây, tre, muối mắm, còn trên phố xá cũng có bán đủ các hàng hoá tốt đẹp, là một thắng địa phồn hoa vậy” (tr. 45); “Ở Kiến Hoà, tục danh chợ Cái Bè, phố xá trù mật, nhiều nhà làm nghề thợ nhuộm, nhà giàu hay trữ cau đem bán cho thương nhân Sài Gòn, và làm ghe để đi buôn bán ở Cao Man”. Và Sơn Nam giải thích: “Chợ Cái Bè được được ghi là chợ An Bình. Cái Bè đã là trị sở của Vĩnh Long, sau đó Vĩnh Long mới dời về thôn Long Hồ (tức chợ Vĩnh Long ngày nay). Cái Thia là nơi sông sâu nước chảy, ‘trong châu cây cối cao to, ruộng vườn béo tốt’” (tr. 46).

 

Với những trích đoạn những tư liệu đáng tin cậy ấy, chúng ta thấy Sơn Nam đã chọn lọc để chứng minh trước khi thực dân Pháp chiếm đóng, Miệt Vườn đã thực sự là nơi giàu có với “cách thức sanh nhai” đáng tự hào trong thuở bấy giờ.

 

Sơn Nam còn cho ta biết một thông tin thú vị khác. Bằng óc thông minh, sáng tạo của mình, những lưu dân Miền Trung Đàng Trong vào Nam Bộ đã tiếp thu kĩ thuật làm đất giồng của người Miên và hơn thế, họ đã phát kiến ra kĩ thuật mới: “Người Việt tạo lập thêm nhiều giồng mới đã có sẵn. Nơi đất thấp gần ven sông, người Việt “đào mương liên tiếp”. Đây là kĩ thuật làm vườn khá tinh vi mà người Miên không biết, mà người Miền Trung thiếu hoàn cảnh để áp dụng. Giữa hai mương là liếp đất cao, mương đào càng sâu, càng rộng thì đất quăng lên bồi liếp càng nhiều. Nước lớn chảy vào, mang phù sa theo. Phù sa lắng xuống, ở lại đáy mương. Khi nước ngoài sông đã ròng thì nước trong mương rút trở ra; chuyển vào là nước đục, chuyển ra là nước trong. Mớ phù sa dưới mương được quăng liên tiếp để đắp gốc cây, người làm vườn không cần mua phân bón” (tr. 51).

 

Hoa lợi từ đất vườn vẫn cao hơn đất ruộng (2). Đất vườn cũng có lắm loại cây quả chuyên canh khác nhau. “Một mẫu vườn dừa đem huê lợi bằng năm mẫu ruộng. Một mẫu vườn cam, quýt đem huê lợi bằng 10 mẫu vườn dừa. ... Một mẫu vườn cam, quýt nếu săn sóc kĩ lưỡng thì đem lợi tức trị giá bằng 50 mẫu ruộng”. Sự thể này do diện tích đất thấp nhiều so với đất có thể lập vườn, vốn phải là đất cao ráo, không phèn, thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu.

 

Chính Sơn Nam đã khiêm tốn tổng kết về điểm sáng này: “Trong khu vườn Việt Nam, đoá hoa Miệt Vườn đóng góp được vài hương sắc, chứng tỏ dân Việt có đủ sinh lực để tiếp nhận, tiêu hoá và sáng tạo: 1) Về kĩ thuật lập vườn, người ở Đồng bằng Sông Cửu Long đạt đến mức tinh vi với dụng cụ thô sơ: “đào mương lên liếp”, lấy phù sa làm phân, tạo giồng đất cao nơi đất thấp. 2) Biết trồng tỉa khéo léo với kinh nghiệm già dặn về cách trồng cam, quýt, sầu riêng, măng cụt. Nhờ đó mà trái ngon ở vùng Xích Đạo được phổ biến lần đầu tiên vào phần đất Việt Nam. Biết đào hầm nuôi cá vồ, cá tra, những loại cá ngon của Biển Hồ (Cao Miên) bấy lâu chỉ sống “trời sanh” ngoài sông Cái [sông Tiền, sông Hậu]” (tr. 211).

 

Kênh rạch đã có trên đất Nam Bộ từ thời Phù Nam. Có người cho là “rạch trời sanh”. Lưu dân người Việt Miền Trung Đàng Trong vào khai khẩn lại tiếp tục. Việc đào vét hệ thống kênh rạch chằng chịt để tưới tiêu ruộng vườn và cũng nhằm làm đường thuỷ để giao thông bằng ghe xuồng còn là một đặc điểm của Miệt Vườn và cả Nam Kỳ lục tỉnh nói chung. Nhân dân Nam Bộ suốt hơn 2 thế kỉ đã dần dà thực hiện công việc này, một dạng thức phù hợp với bối cảnh địa lí Nam Bộ. Thực dân Pháp đến, chúng tiếp tục thực hiện việc đào kênh ở những vùng đất còn hoang vu, “trong vòng 37 năm (năm 1893 đến năm 1930), diện tích canh tác tiến triển từ 35.000 mẫu tây đến con số 1.800.000 mẫu tây” (tr. 86 & 158-159) (Ngoài ra, về giao thông, chúng còn tạo lập một số tuyến đường ray xe lửa) (tr. 86).

 

“Việc người Pháp đào thêm kinh xáng... [...] Trước tiên, nên kể đến những vùng đất tốt do người Pháp chiếm khẩn ưu tiên, gọi nôm na là điền Tây, điền Hãng (điền ông Kho, điền Cờ Đỏ, điền La Bách...), kế đến là những khoảng đất lớn do những người từ miệt trên đến khai khẩn. Xáng vừa múc là dân chúng cắm ranh hai bên bờ, biết chắc rằng đất ấy trở nên tốt, nhờ nước ngọt, nhờ đường giao thông dễ dàng. Nhưng người dân dốt nát và siêng năng ấy lần hồi bị mất đất. Người Pháp cũng đành thú nhận rằng đất ở miền Tây Nam phần, dân khẩn hoang không được làm chủ; người chủ chính là ông chủ từ tỉnh khác tới, hoặc là thầy kí, thầy thông (thông ngôn) ở toà án nào đó, hoặc thầy đội, chú cai hiểu rành thủ tục xin khẩn đất, biết cách chạy chọt. Chế độ đại điền chủ thành hình. Nhiều ông đại điền chủ không bao giờ có mặt tại điền, họ ở Sài Gòn...” (tr. 180).

 

“Sông rạch nhiều cá nhưng cá có chủ, nếu bắt quá nhiều là bị tranh cản. Mấy con kinh nhỏ trong ruộng là của ông điền chủ. Sông rạch là của nhà nước, mỗi năm đem đấu giá thuỷ lợi. Lá dừa nước dưới bãi sông cũng có chủ, hoặc là của nhà nước” (tr. 185).

 

Đó là thảm cảnh của số lưu dân nghèo khổ vì bị bóc lột thậm tệ dưới chế độ thực dân trực trị, câu kết với bọn đại điền chủ tay sai. Sơn Nam còn kể một cách sinh động về cảnh khổ của nhân dân nghèo, làm nghề nhổ bàng (một loại cỏ cao, mình tròn, dùng để “đươn” [đan] cà ròn, đươn đệm): “ngủ mùng gió” (ngủ một chút, phải trỗi dậy chống xuồng thật mạnh để muỗi khỏi bu cắn, lại ngủ một chút nữa, rồi lại chống xuồng; suốt cả đêm như thế), “ngủ mùng nước” (ngâm mình trong nước để ngủ, khỏi bị muỗi cắn)! Không còn cảnh nào khổ hơn! (tr. 169-170). Và còn cảnh trốn thuế thân do Pháp đặt ra nữa! (tr. 186).

 

Chính nội lực, bản lĩnh văn hoá, văn minh từ Văn Lang - Đại Việt đến Việt Nam của người Việt, kết tinh, phát huy, tiếp biến tại Miền Trung (Đàng Trong) đã giúp lưu dân Nam Bộ lại một lần nữa kết tinh mới, phát huy mới, tiếp biến mới tại vùng đất này. Đặc biệt, như những thị tứ, làng xã trù phú của hầu hết các quốc gia khác, tại cửa sông, lưu vực ven sông bao giờ cũng là những nơi, những vùng đất hội tụ và lan toả cư dân cùng văn hoá, văn minh. Miệt Vườn – những vùng đất lưu vực sông Tiền, sông Hậu -- cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

 

Tuy nhiên, văn hoá, văn minh Miệt Vườn, Đồng bằng Sông Cửu Long và của cả Nam Bộ, không chỉ là sự khúc xạ tính chất thể chế chính trị (phong kiến độc lập; tư sản, cộng hoà thuộc địa), lao động – kinh tế (“cách thức sanh nhai”, quan hệ với tự nhiên...) mà còn thể hiện ở nhiều phương diện đặc thù của văn hoá, văn minh: ăn, mặc, ở, phong tục tập quán, học hành, sáng tạo văn học - nghệ thuật, tín ngưỡng, vui chơi giải trí... Nói đầy đủ, khái quát theo ngôn ngữ và sự phân cấp của văn hoá học: thế giới quan, nhân sinh quan; đời sống cá nhân; quan hệ gia đình, họ tộc; quan hệ xã hội, quốc gia... Ở đây, tôi chỉ khám phá trên cơ sở 222 trang sách cỡ bình thường của “Văn minh Miệt Vườn” và cũng tự giới hạn trong phạm vi cuốn sách ấy.

 

III. Tạm kết:

 

Qua bài thứ nhất và bài thứ hai này, tôi đã cố gắng khám phá cuốn sách “Văn minh Miệt Vườn” của nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam ở những khía cạnh có lẽ hơi “xa xôi”, và hẳn đã khiến nhiều người sốt ruột. Chỉ riêng 2 khía cạnh mà tôi đã trình bày thành hai chủ điểm như trên ở bài này, có thể cũng bị xem là “xa xôi”, thậm chí bị xem là không ăn nhập gì với văn hoá, văn minh.

 

Thực ra, như một luận điểm nổi tiếng nhiều người đã biết, con người vốn được xem là tổng hoà của các quan hệ xã hội, trong tính hiện thực của nó, một bộ phận của cộng đồng xã hội, của cộng đồng dân tộc, cũng vậy. Con người và xã hội Miệt Vườn – Đồng bằng Sông Cửu Long – Nam Bộ, dù được Sơn Nam giới thuyết rõ ràng hay ẩn kín, vẫn được ông khảo cứu qua sách báo, tài liệu dạng văn bản và kiểm nghiệm bằng vốn sống của chính ông, theo ý hướng ấy.

 

Trong các quan hệ xã hội, không thể không có quan hệ giữa thể chế chính trị theo từng thời kì, từng giai đoạn với tất cả những thế hệ con người sống dưới các thể chế đó. Mỗi con người đều mang dấu ấn của chế độ chính trị - xã hội nhất định. Cũng tương tự như vậy, nếu xét về mặt quan hệ sản xuất. Và tôi đã cố gắng khám phá các nhìn nhận của Sơn Nam về “tính hiện thực của nó”, một cách cụ thể – lịch sử: chế độ phong kiến các đời chúa Nguyễn, các đời vua Nguyễn từ thế kỉ XVII đến 1862, 1867 ở Nam Kỳ lục tỉnh và chế độ thực dân Pháp trên thuộc địa Nam Bộ với cộng đồng lưu dân Nam Kỳ lục tỉnh – Nam Bộ thuở bấy giờ (1862, 1867 – 1945), mà trọng tâm vẫn là Miệt Vườn với cư dân ở đó. Về “tính hiện thực của nó”, tôi đặc biệt nhấn mạnh quan hệ tương tác biện chứng giữa ĐấtNgười, giữa Người Việt (Kinh) với những Sắc Dân khác cùng chung sống trên một vùng Đất, đặt trong diễn trình lịch sử...   

 

Nhưng dẫu sao cũng không thể không đi sâu vào những biểu hiện văn hoá, văn minh Miệt Vườn – Đồng bằng Sông Cửu Long – Nam Bộ ở những phương diện đặc thù nhất, dễ nhìn thấy nhất của lĩnh vực ấy: ăn, mặc, ở, giáo dục, văn học - nghệ thuật và vui chơi, giải trí... Tất nhiên, không thể thiếu phương diện văn hoá tâm linh.

                                                        

Khởi viết bài 2: 14 : 00, ngày 10-10 HB8 (2008)

Viết xong bài 2: 16: 30, ngày 11-10 HB8 (2008)

Sửa chữa, bổ sung xong: 15 : 17, ngày 14-10 HB8 (2008)

Chỉnh thêm dăm ba chữ: 06 : 59, ngày 15-10 HB8 (2008)

 

Trần Xuân An

 

(1) Sơn Nam, “Văn minh Miệt Vườn”, Nxb. Văn Hoá tái bản, 1992. Các số trang trong bài, tôi ghi theo bản 1992 này.

 

(2) Xem thêm: Ngoài kĩ thuật đào mương lên liếp, còn có kĩ thuật phát cỏ thay cho cày bừa (với lúa sạ): Sơn Nam, “Cá tính Miền Nam”, Nxb. Đông Phố, 1974. Bản in chung với 2 cuốn khác, Nxb. Trẻ tái bản, 2005, tr. 85-90, tr. 90-98.

 

XIN XEM TIẾP BÀI THỨ 3 CÙNG ĐỀ TÀI

 

 

BÀI VIẾT ĐÃ ĐƯỢC SỬA CHỮA VÀI CHỮ VỀ LỖI GÕ PHÍM

VÀ ĐÃ ĐƯỢC BỔ SUNG THÊM 2 CHÚ THÍCH, 1 TẤM ẢNH “TOÀN TẬP SƠN NAM

LÚC 14 : 50, NGÀY 20-10 HB8 (2008)

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh chỉ có tính chất tham khảo (đầu thế kỉ XX: áo quần bà ba, hổ phệ) -- Nguồn ảnh: Tạp chí Xưa & Nay – Nxb. VHSG., 2007 – Quét chụp: WebTgTXA., 14-10 HB8.

 

 

 

 

 

Toàn tập Sơn Nam – Sách mượn từ Nxb. Trẻ (các cuốn có kí hiệu), 18-10 HB8 (2008)

Ảnh: WebTgTXA.

 

Trên Tạp chí điện tử Sông Cửu long và trên Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam:

 http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3904 

http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=&scat=32&id=605

 

Cập nhật ngày 15-03 HB9 ( 2009 ): Bản DOC. / WORD:

Trên 2 trang thông tin điện tử Trúc Sơn Trang và Phong Điệp:

1) Bài 3: Trần Xuân An -- MIỆT VƯỜN QUA CÁI NHÌN VĂN HOÁ HỌC CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU SƠN NAM (1926-2008):    http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=775&nhom=6     &     http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6768

2) Bài 3: Trần Xuân An -- NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN MINH TẠI MIỆT VƯỜN QUA KHẢO CỨU VĂN HOÁ HỌC CỦA NHÀ VĂN SƠN NAM (1926-2008): KHÚC XẠ CỦA THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ VÀ LAO ĐỘNG – KINH TẾ VÀO VĂN HOÁ CON NGƯỜI – XÃ HỘI:  http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=777&nhom=6    &    http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6781

3) Bài 3: Trần Xuân An -- NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN MINH TẠI MIỆT VƯỜN QUA KHẢO CỨU VĂN HOÁ HỌC CỦA NHÀ VĂN SƠN NAM (1926-2008): BIỂU HIỆN QUA CÁC PHƯƠNG DIỆN ĐẶC THÙ VĂN HOÁ: http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6791   &   http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=780&nhom=6

 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE