s. Bài 19-Tl.3 - Trần Xuân An -- GS. Nguyễn Đăng Mạnh - "tung quả bóng thăm dò dư luận"

GS. NGUYỄN ĐĂNG MẠNH LÀ MỘT NHÀ CẦM BÚT DŨNG CẢM, MẶC DÙ CÓ THỂ ÔNG CHỈ “TUNG QUẢ BÓNG THĂM DÒ DƯ LUẬN” , TRƯỚC KHI CHỈNH SỬA LẠI HỒI KÍ

 

Trần Xuân An

 

Cho đến giờ phút này, tôi vẫn nghĩ như thế về GS. Nguyễn Đăng Mạnh. Và cũng đến khi gõ phím những dòng này, tôi rất mong được đọc trên báo chí chính thống những trang viết phản hồi, xác minh của những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và các nhà chính trị, các cán bộ chức cao quyền to có liên can trong hồi kí, hoặc thân nhân của họ.

 

Riêng tôi, quả thật, không dám "cả gan đụng chạm" đến những nhân vật, những thế lực còn sống, hiện hành như vậy; lí do chính là bản tính tôi không thích như thế, và một lí do phụ khác, là bởi không có thế lực hậu thuẫn trong nước hay ngoài nước. Vả lại, tôi đã quá mệt mỏi, nhừ "đòn bẩn" của những tên nặc danh cùng dăm người hữu danh hạ cấp, sau khi tôi thực sự đi vào giảng dạy văn học ở trường phổ thông trung học, rồi nghiên cứu sử học nửa cuối thế kỉ XIX, lại nghĩ ngợi, khảo luận ít nhiều về lịch sử cổ đại, viết lách đôi điều về lịch sử hiện đại nước ta. Nói chung, chủ yếu tôi vẫn chỉ dám nghiên cứu về những sự kiện và những nhân vật lịch sử đã xưa xa, khuất bóng. Chỉ thế cũng đã quá khổ, ốm nhừ "đòn bẩn", hạ cấp (xem Wikipedia)!

 

Cũng cần phải nói rõ hơn, trường hợp của tôi khác với trường hợp của GS. Nguyễn Đăng Mạnh: Chủ yếu tôi chỉ mạnh dạn phê phán Thiên Chúa giáo, Đàng Ngoài nửa sau thế kỉ XIX (các thực thể được xem như đã thuộc về quá khứ hay thuộc về giai đoạn quá khứ của chúng) và phê phán các nhà viết sử một cách sa-đích (sadique, sadisme) về giai đoạn ấy… Nói cụ thể hơn, mặc dù buộc lòng phải phê phán các nhà viết sử kiểu ấy (phần lớn đã chết), tôi cũng chỉ đề cập trên phương diện văn bản học thuật và đôi nét về hành trạng chính trị - xã hội của họ mà thôi.

 

Do đó, đối với văn học, nhất là văn học hiện đại, nhất là hiện thời, tôi chỉ phê bình thơ (“Ngẫu hứng đọc thơ”), khảo luận (vài đề tài khác, cũng mới viết về Sơn Nam) và chỉ như thế. Trong chiều hướng tương lai, nếu có viết thêm về các mảng này, cũng chỉ theo trường phái nghiên cứu chủ yếu trên văn bản đã xuất bản với hình thức in giấy hay sách điện tử đã cố định (sách điện tử phải có bản vi tính gốc của chính tác giả để đối chiếu). Đặt ra đối tượng nghiên cứu là con người nhà văn (chính xác hơn là nhà văn chương, bao gồm nhà thơ, nhà lí luận – phê bình văn học) cùng lao động nhà văn chương hiện đại – hiện thời, như GS. Nguyễn Đăng Mạnh, thì chỉ chuốc khốn khổ vào thân. Sợ lắm. Sợ lắm.

 

Thế mới biết, ở nước ta, nhà văn chương có chức sắc, chức quyền (chính trị, tôn giáo) hay chỉ là nhà văn chương phó thường dân đều không chấp nhận khoa học, không có tinh thần khoa học, đối với trường phái xác lập đối tượng nghiên cứu là con người nhà văn, gồm cả đối tượng nghiên cứu là loại hình lao động văn nghệ - học thuật hiện đại - hiện thời, chỉ muốn và chỉ thích loại khoa học ấy ở dạng nửa vời với “một nửa sự thật” [*].

 

Bắt chước người xưa, đành buông ra lời cảm thán: Buồn thay!

 

Vâng, buồn thay! ...

Tuy vậy, đây là lời kiên quyết của tôi: KHÔNG BAO GIỜ DÁM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ CON NGƯỜI NHÀ VĂN CHƯƠNG, VỀ LAO ĐỘNG VĂN NGHỆ -- HỌC THUẬT, HIỆN ĐẠI - HIỆN THỜI.

 

Xin yên tâm.

 

Thật ra, nghiên cứu con người nhà văn chương cùng lao động cầm bút của họ là một trường phái nghiên cứu rất cần thiết, ngoài việc bổ trợ cho các trường phái nghiên cứu khác, như nghiên cứu chủ yếu trên văn bản chẳng hạn, còn giúp cho nhà văn chương được chứng thực về quyền sở hữu trí tuệ đích thực, trong giai đoạn hiện nay. Chắc chắn với tác dụng tích cực về khía cạnh bản quyền này, nhà văn chương nào cũng muốn, trong đó có tôi.

 

Trần Xuân An (WebTgTXA.)

10:44, 17-15 HB8 (Bài này đã được TXA. sửa chữa vào lúc 8 - 9:45', 14:22' & 19:23', ngày 19-12 HB8)

 

[*] Chú thích thêm vào ngày 18-12 HB8 (2008): Tôi chỉ nói đến lượng thông tin trong "Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh".Về sắc thái biểu cảm của câu chữ trong hồi kí ấy, có nhiều người đã phê phán ("tiểu khí..."). Chính sắc thái tiểu khí ấy cũng đã khiến cho giá trị khách quan, khoa học của những lượng thông tin bị giảm sút. Nhưng GS. Nguyễn Đăng Mạnh đã lên tiếng trên một đài phát thanh ngoại quốc là ông chưa công bố; bản "bị" lưu hành trên mạng là ngoài ý muốn của ông! (Có thể đó là một cách nói khi "tung bóng thăm dò"?). Do đó, cuối cùng, phải chờ bản công bố chính thức sau khi cắt bỏ, bổ sung, sửa chữa của GS. Nguyễn Đăng Mạnh, mới có thể có cơ sở chính đáng để nhận định...

 

Chú thích thêm vào ngày 19-12 HB8 (2008): Xin nhấn mạnh một lần nữa: Đối với những trang ghi-chép-nghiên-cứu về các nhà văn chương (và một họa sĩ) của cá nhân GS. Nguyễn Đăng Mạnh, chúng chỉ thực sự có giá trị tư liệu một khi đã được công bố tạm thời, và bản thân ông hay các tòa soạn đón nhận các phản hồi, xác minh, tự phản tỉnh của chính những người được đề cập đến hoặc thân nhân, bạn bè (đối với người quá cố), để rồi được tự tay ông chỉnh lí (cắt bỏ, bổ sung, sửa chữa). Bằng không, chúng sẽ trở thành một loại văn bản gây nhiễu, nguy hiểm, ngụy khoa học. Thiết tưởng cũng cần phân loại rõ hơn: Những ghi-chép-nghiên-cứu của cá nhân về người quá cố đã lâu hoặc loại văn bản như vậy được cá nhân ghi chép khi người được đề cập còn sống nhưng công bố sau khi người ấy chết, cho dù có phản hồi của thân nhân, bạn bè đương sự, vẫn không có nhiều giá trị lắm, thực chất vẫn đáng ngờ.

 

 

THƯỞNG NGOẠN, HỌC TẬP, NGHIÊN CỨU VĂN CHƯƠNG LÀ ĐỂ CÙNG NHÀ CẦM BÚT CHÂN CHÍNH VƯƠN TỚI CHÂN THIỆN MĨ VÀ CÙNG NHẮC NHAU LUÔN LUÔN NUÔI DƯỠNG KHÁT VỌNG VƯƠN TỚI ẤY. TRONG CHIỀU HƯỚNG ĐÓ, MỌI NGƯỜI ĐỀU CÓ THỂ MỖI NGÀY MỘT TIẾN GẦN ĐẾN CHÂN THIỆN MĨ HƠN.

BẢN THÂN NHÀ CẦM BÚT KHÔNG PHẢI LÀ HIỆN THÂN CỦA CHÂN THIỆN MĨ.

Trần Xuân An, 19-12 HB8

 

 

 

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE