n. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 14 / tập I

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

           

 

TẬP I

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 11-2005:          

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

 

TỆP 14

phân đoạn 4

truyện kí thứ sáu

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

VỚI NGỌN BÚT, THANH GƯƠM,

RA BẮC TIỄU PHỈ

 

Truyện kí thứ sáu

(phân đoạn 4)

 

      9

      Một đêm khuya trung tuần tháng mười, trời miền núi lạnh buốt như cắt da thịt. Trong đại bản doanh của các quân thứ, tổng thống Bắc Kì quân vụ Đoàn Thọ, hiệp thống Vũ Trọng Bình, tán tương Nguyễn Văn Tường, tuần vũ Đặng Toán, lãnh binh quan Lê Văn Dã đang vây quanh tấm bản đồ mở rộng trên bàn án thư. Dưới những chiếc đèn lồng, các tướng tá chú mục vào tấm bản đồ toàn cảnh các tỉnh biên giới phía bắc nước ta, giáp giới với nước Thanh. Họ đang bàn các phương án tác chiến, quyết tâm tiến đánh, truy kích, tiêu diệt bọn phỉ Tàu (giặc Cờ) và phỉ Việt (Kinh, Tày, Thái, Mèo…).

      Bấy giờ tiếng điêu đẩu canh ba đã vang lên từ lâu, sắp bước vào giờ tí, lúc nửa khuya. Sương mù và khí núi, đám ngùn ngụt bốc lên, đám trôi bảng lảng. Các quan chỉ huy ba đạo quân đang tiếp tục bàn luận để tìm ra một phương án tốt nhất. Hết giọng An Giang, Nam Kì của Đoàn Thọ, đến giọng Quảng Bình, Quảng Trị, tả trực Trung Kì của Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, lại đến giọng Hành Thiện, Nam Định, Bắc Kì của Đặng [Kim] Toán (80), và một giọng Nam Kì khác (?), của Lê Văn Dã. Những giọng nói của ba miền Đất nước cứ thay nhau, xen vào nhau vang lên trong tiền sảnh được đóng kín cửa và canh tuần cẩn mật nhất. Rất nhiều lúc, rất im lặng, mỗi người chìm vào suy nghĩ.

      Tướng quân Đoàn Thọ nói:

      - Như vậy là đã đồng tâm nhất trí với phương án hành quân, tiến công truy quét và chiêu dụ. Truy quét, đã xác định các đối tượng. Bọn ấy dẫu có đầu hàng cũng không tha, bởi ngoa ngạnh, giáo giở quá mức. Chiêu dụ, các đối tượng cũng xét kĩ rồi. Giá như tên nào cũng như Lưu Vĩnh Phúc thì ta vừa được tiếng nhân đạo, biết mở lượng hiếu sinh, vừa đỡ tổn quân hao tướng. Cụ thể như chúng ta đã bàn, dứt khoát như thế.

      - Thế là thiết thạch đồng tâm, cùng một lòng bền vững, cùng kiên tâm như sắt đá, không lay chuyển nữa. Dứt khoát như thế! – Vũ Trọng Bình tán thành –.

      - Khuya rồi! Thôi, mỗi vị ở đây về giường cố chợp mắt một lát. Tán lí Ông Ích Khiêm, án sát tỉnh Lạng Hoàng Tướng Hiệp, tôi đã nhất trí cho hai viên ấy mang quân đến trạm Lạng Quang để đánh sào huyệt bọn phỉ Tàu ở Nà Dương, ngày mai sẽ về (81). Thật lòng tôi hơi khó ngủ… Các quan về ngủ đi!

      - Như thế… Trong thành nay chỉ còn khoảng một đội lính! Quan tổng thống quân vụ thật chủ quan quá đáng! – Nguyễn Văn Tường kinh ngạc nói –.

      - Cứ yên tâm! Tôi đã tính toán. Trong phạm vi bốn hướng, mỗi hướng hai mươi dặm, không thể còn một tên giặc Cờ, giặc trốn. Nà Dương cũng gần đây, nếu có biến, quan họ Ông, quan họ Hoàng rút quân về kịp ngay! – Đoàn Thọ nói, tuy óc suy nghĩ tính toán là thế, nhưng lòng cũng hơi thấy đã quá chủ quan, khinh địch –.

      Tướng quân tổng chỉ huy mặt trận bỗng dưng cảm thấy mình táo bạo quá, dẫu táo bạo có suy tính theo kinh nghiệm cầm quân và sự khảo sát kĩ tình hình địa phương. Ông rót nước trà đặc Bắc Thái vào chén, nâng chén uống trọn. Chất đắng ngọt của trà nguội khiến ông tỉnh người.

      Các quan đành về giường ngủ. Họ thiếp đi trong giấc khuya chập chờn.

      Khi tiếng điêu đẩu vang lên báo hiệu đổi phiên tuần canh, họ bỗng nghe tiếng súng thần công vác vai nổ vang. Ngói rớt xuống ào ạt. Tiếng Tàu chửi rủa, hò hét, hô xung phong ồn vang (81).

      Các quan tổng chỉ huy, quan quân thứ, quan tỉnh cùng trỗi dậy, tay đều nắm vào đốc kiếm. Đoàn Thọ nói to:

      - Các quan chuẩn bị chiến đấu! – Ông lại hét lớn –. Quân đâu?

      - Dạ, có mặt! Thành đã bị bọn giặc Cờ đánh úp!

      - Thế các toán mai phục quanh thành đâu rồi? Trời đất! Bộ chúng chết cả hay sao? – Đoàn Thọ rút kiếm, mở cửa tiền sảnh bằng gỗ lim, lại nép vào một bên vách, cảnh giác –.

      Thấy lính ta xuất hiện với gương mặt quen thuộc, ông yên tâm bước ra khỏi cửa, tay vẫn cầm chặt cán của lưỡi kiếm trần sáng quắc.

      Trên thành, quân ta đang bắn súng và ném những tảng đá lớn xuống bọn giặc Cờ đang bắc thang lên thành. Bọn giặc Cờ này được trang bị cả súng ngắn, súng dài lẫn súng thần công bằng đồng cỡ vừa, có thể vác trên vai trực xạ (bắn thẳng). Tất nhiên, chúng còn dùng gươm, đao sắc lẻm. Trèo lên thành, quan sát trận địa trong ánh lửa bừng lên từ các con cúi rơm có mồi bùi nhùi, diêm sinh, thuốc súng, quân ta ném xuống bốn mặt thành, Đoàn Thọ thấy bọn giặc Cờ đông quá. Ông hiểu các toán phục kích quanh thành đã bị chúng tiêu diệt gọn! Không còn một người lính nào chạy về báo cáo! Ông lập tức truyền lệnh:

      - Quân đâu?

      - Dạ!

      - Châm ngay phong hoả đài để quân ta rút về cứu viện!

      - Dạ!

      Nhìn phong hoả đài phụt lửa, những chiếc pháo thăng thiên vút lên trời xoè đỏ, ông tin chắc Ông Ích Khiêm, Hoàng Tướng Hiệp ở Nà Dương đã trông thấy pháo tín hiệu. Ông bảo bốn viên toán lính hầu cận:

      - Cố giữ thành! Sẵn sàng tử thủ! Truyền lệnh này ngay cho bốn mặt thành!

      - Dạ! Tuân lệnh truyền!

      Những ngọn gió khuya vẫn thổi vun vút như bão, lạnh buốt. Ngói trong thành đổ ào ào không dứt theo tiếng súng thần công vác vai rất cơ động của bọn giặc Cờ. Ông bước nhanh ra phía vọng gác trên thành, hỏi:

      - Biết bọn phỉ nào đang đánh thành không?

      - Bẩm, bọn Tô Tứ!

      - Tô Tứ? – Đoàn Thọ rít lên giận dữ –. Lần này nó phải đền mạng!

      Từ nhiều năm nay, Tô Tứ là tên tướng phỉ có cách dụng binh khá nguy hiểm. Đội kị binh của hắn rất thần tốc, vũ khí lại được bọn Anh, Pháp viện trợ! Hắn có cả súng lục, súng trường liên thanh và lựu đạn hoả mù. Thật ra, ông đã biết ngay từ lúc mới thấy hoả mù bắn vào thành, chính bọn Tô Tứ chứ không ai khác! Chính Tô Tứ mới hành quân với tốc độ nhanh đến thế, thanh toán gọn đến thế lính phục kích tiền khu của ông! Cửa tả của thành bỗng vỡ. Những tên phỉ Tàu tiến vào hò hét. Ông thoáng thấy phía lãnh binh quan Lê Văn Dã án ngữ, quân ta đang đánh giáp lá cà với bọn giặc Cờ bằng những miếng võ cận chiến. Ông cũng thấy bọn giặc tiến vào tiền sảnh, nơi các quan văn đang rút gươm xông ra giao chiến. Vũ Trọng Bình đã già, tay vẫn vung những đường gươm rất khoẻ. Nguyễn Văn Tường hạ ngay hai tên phỉ Tàu trong mấy phút ra gươm. Đặng Toán thật sự trổ hết sức bình sinh để so gươm với nhóm giặc khác.

      Trong vài phút, Đoàn Thọ liền ra lệnh cho toán lính hầu cận mình cùng ông lao vào chỗ các quan văn đang chiến đấu. Lưỡi gươm của tướng quân Đoàn Thọ như ánh rồng bay lượn. Đầu giặc rụng liên tiếp. Là một quan võ thăng lên đến cấp tướng, mặc dù ít nhiều được vua Tự Đức đặc cách, Đoàn Thọ vẫn là tay bắn súng bách phát bách trúng, vẫn là tay cầm kiếm với nhiều tuyệt chiêu điêu luyện, bên cạnh khả năng tiếp nhận sự tham mưu hoặc tự vạch những kế sách điều quân khiển tướng rất tài tình.

      Khi tướng quân Đoàn Thọ đến được chỗ Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, Đặng Toán chiến đấu, ông nói to nhưng rất đanh:

      - Cần cẩn trọng! Có tôi đây! Chúng không làm gì nổi các quan đâu! Đoàn Thọ này chết mới mất thành!

      Với thanh gươm, khẩu súng của Đoàn Thọ, không còn một tên giặc nào trong khu đại bản doanh. Ông rất mừng khi các tướng tá quan văn đều không ai bị thương tích gì. Ông cảm thấy thật khâm phục các quan văn đang mang hàm quan võ ấy. Không những giỏi cầm bút, họ cầm gươm cũng không kém!

      Thấy bên ngoài tiếng súng vẫn nổ, tiếng gươm đao vẫn vang lên trong va chạm, Đoàn Thọ biết thành sẽ mất trong một chốc nữa thôi. Bọn giặc đông quá, ngựa chiến của chúng nhiều quá, chắc chắn các cửa thành khác cũng sắp vỡ. Cửa tả đã vỡ, may là lãnh binh quan Lê Văn Dã còn kiên cường chống giữ được, đẩy lùi toán giặc, và kịp đóng lại then bằng thanh sắt khác, đồng thời chặn lại bằng một cây gỗ lớn dự trữ. Như thế, bốn cửa thành vẫn còn được đóng kín và giữ chặt.

      - Bây giờ, chúng ta phải nhận thức là tình huống cực kì nguy nan. Quân trong thành chỉ còn khoảng vài chục, nhờ đá khối chống công thành còn nhiều nên bọn giặc không bắc thang leo lên, vượt thành được. – Đoàn Thọ nói khẽ –. Nay tôi đề nghị ba quan, từ quan hiệp thống, quan tán tương đến quan tuần vũ, phải nhanh chóng theo nhóm lính cận vệ của tôi thoát khỏi thành bằng đường hầm bí mật. Ngoài tôi và nhóm lính cận vệ ấy, không một ai hay biết đường hầm đó. Đường hầm ấy sẽ thông ra bờ sông, chỗ ngôi mộ của quan án sát họ Hoàng trước đây. Nếu ba quan không thoát được bằng đường hầm, tôi đành phải dụ địch tập trung về một cửa, để các vị vượt thành, cùng một toán lính mở đường máu (huyết lộ) để thoát.

      - Nhưng còn quan tổng thống quân vụ? Quan lãnh binh? Và không thể để thành mất mà chúng ta lại còn! – Tán tương Nguyễn Văn Tường nói –.

      Hiệp thống Vũ Trọng Bình cay đắng đến nghẹn ngào. Ông giữ thái độ im lặng, chợt lên tiếng:

      - Quan tổng thống quân vụ chủ quan, khinh địch, để đến nỗi này! Cả thành rộng đến thế mà chỉ để một đội quân vài chục viên lính phòng thủ, hầu như trống trơn quân! Nhưng thôi, bây giờ là lúc cùng sống hoặc cùng chết với thành! Luật bản triều, ta không tuân, còn chỉ huy được ai!

      - Đó là lỗi tại tôi! Tôi đề nghị quan hiệp thống, quan tán tương và quan tuần vũ thoát khỏi thành ngay. Xin đi theo toán lính cận vệ của tôi. Sợ không còn kịp nữa! Cấp bách lắm rồi! Còn tôi, tôi tiếp tục cầm cự, chờ quân Ông Ích Khiêm, Hoàng Tướng Hiệp từ Nà Dương kéo về. Xin đi nhanh, kẻo muộn mất! – Tổng thống quân vụ Đoàn Thọ nói nhanh –.

      - Chúng tôi cũng theo quân luật! Chúng tôi là hiệp thống, tán tương quân vụ! Làm quân vụ phải chết theo quân, theo thành. Ấy là luật! Chỉ dám xin ý kiến quan tuần vũ? – Tán tương Nguyễn Văn Tường lại nói –.

      - Tôi cũng theo luật giữ thành, mặc dù theo quẻ “sử” trong Kinh Dịch, rút lui nếu hợp cơ nghi, thì vẫn không phải bị lỗi (82)! – Tuần vũ Đặng Toán nói –.

      - Nhưng đã có quan võ! Tôi là võ tướng! Nhanh lên! Không nghe thấy bọn phỉ bắn súng công thành sao? Chúng đang hò hét xung phong! Sợ không còn kịp nữa! Các quan là bộ não của quân thứ Lạng, của ba đạo quân và toàn mặt trận. – Tổng thống quân vụ Đoàn Thọ lại nói, giọng rất gấp –. Không thể để bộ não của quân thứ, của toàn mặt trận phải chết hoặc tổn thương! Tôi và Lê lãnh binh hi sinh cũng như chiếc đầu của ba quân bị trầy chợt mà thôi! Hãy nhớ là còn ba quân! Ai chỉ huy họ? Nếu các vị lần chần, tôi sẽ buộc lòng ra lệnh cho lính đưa ra đường hầm!  

      - Đến lúc này tướng quân vẫn còn khiêm tốn! – Quan tán tương Nguyễn Văn Tường thốt lên với niềm áy náy –.

      Cửa tả lại vỡ, lãnh binh quan Lê Văn Dã hô lính bắn vào lớp phỉ tiến vào thành. Nhiều tên gục xuống. Không thể không cận chiến, Lê Văn Dã cầm gươm xông tới, liền bị một mũi tên của bọn phỉ bắn vào mặt. Một thằng giặc phỉ Tàu huơ đại đao chém ngang đùi quan phó lãnh binh, bởi y biết viên quan võ của ta mang áo giáp sắt. Lê Văn Dã chỉ kịp chém bổ từ vai tên giặc với sức mạnh kinh người, chẻ y ra làm hai. Ông cũng ngã xuống.

      Không cách nào khác, Vũ Trọng Bình cùng Nguyễn Văn Tường, Đặng Toán đi nhanh theo toán lính. Đường hầm chật và ẩm ướt.

      Họ bỗng dừng chân lại. Trong ánh đuốc, trước mặt họ, hiện ra một mặt nước đen ngòm. Đường hầm đã bị ngập nước! Không thể chần chừ, họ cùng nhau lội với những bước chân gấp gáp. Thêm một quãng nữa, giọng người lính cận vệ như thể bật ra:

      - Đường hầm bị sạt lở, đất đá bít kín đường thoát rồi! – Giọng nói nghẹn lại –. Xin các quan đứng tại đây, để chúng tôi bước tới xem xét đã.

      Ánh sáng bập bùng từ ngọn đuốc trong tay anh ta càng tới gần, càng soi rõ những thanh gỗ, cây tre vốn được dùng làm trần và cừ hai bên vách hầm đang bị xiêu vẹo, nằm ngổn ngang, lẫn lộn trong đống đất đá sạt lở.

      - Bẩm, không thể thoát bằng đường hầm được! Chúng tôi thật đắc tội… Quả thật, gần đây chúng tôi mới đi kiểm tra, nào ngờ bây giờ…

      Quan tán tương Nguyễn Văn Tường cầm lấy ngọn đuốc từ tay viên lính, bước tới chỗ sạt lở. Ông cẩn thận xem xét để may chăng có thể tìm thấy một lối thoát. Nhưng cuối cùng, ông lội trở lại chỗ các quan lính đang đứng. Ông nói:

      - Phải quay lại, tiếp tục chiến đấu hoặc vượt thành, mở đường máu để thoát ra phía bờ sông. Có lẽ đó là hướng bọn địch bất ngờ nhất. Chúng không ngờ ta vượt sông đâu. – Không đợi trả lời, ông nói tiếp –. Các quan theo tôi. Tôi cử một viên lính chạy nhanh ra báo cho tướng quân Đoàn Thọ biết sự thể, một vài anh khác chạy đi lấy thang tre, càng nhanh càng tốt.

      Các viên lính được phân công chạy vụt đi sau tiếng “dạ”.

      Ba vị quan cùng mấy viên lính còn lại quay bước về phía miệng đường hầm. Lên đến mặt đất, họ còn nghe thấy tiếng hò reo, tiếng thét gầm, tiếng súng nổ, gươm khua trong ánh lửa phía cửa tả.

      Thành luỹ khá cao. Nền trời khuya đen kịt.

      Người lính được phái đi bẩm báo với Đoàn Thọ, đã chạy về, bẩm:

      - Thưa, đại tướng quân Đoàn Thọ bảo, ba quan đành phải vượt thành, mở đường máu, còn tướng quân sẽ cố nhử bọn giặc Cờ tập trung ở cửa tả, đúng như phương án thứ hai. Xin khẩn cấp!

      Những người lính đi lấy thang tre cũng đã quay lại, thưa đã chuẩn bị xong.

      Toán quan lính nhanh chóng vượt thành. Họ cảm thấy mừng vì đúng như dự kiến của quan tán tương Nguyễn Văn Tường, bọn giặc Cờ không ngờ họ sẽ vượt thành thoát ra phía bờ sông, nên chỉ thấy một nhóm vài tên giặc Cờ đang đứng phía này, trong ánh sáng bập bùng của ngọn đuốc chúng cắm trên đất. Thông thường, mở đường máu (huyết lộ) phải dùng ngựa, phi trên đường bộ. Cỡi ngựa còn dễ tránh đạn và tên bắn theo truy kích. Bơi qua sông không thể thoát khỏi tên đạn dưới ánh đuốc hoặc ánh tên lửa (mũi tên có quấn vải tẩm dầu). Hơn nữa, lúc này bọn giặc Cờ đang tập trung hoả lực để tấn công phá cửa thành, chỗ lãnh binh Lê Văn Dã đã hi sinh và tướng quân Đoàn Thọ đang đốc chiến.

      Trong bóng tối, các viên lính xuống thang trước liền tiến về phía mấy tên giặc Cờ. Bọn này đứng khá xa ngọn đuốc chúng cắm trên đất. Chúng chỉ kịp há họng, tiếng kêu chưa thoát ra khỏi miệng, đầu chúng đã lìa khỏi cổ trong những ánh gươm vung lên. Chúng không kịp tri hô báo động cho đồng bọn.

      Cuối cùng, quan hiệp thống Vũ Trọng Bình, tuần vũ Đặng Toán, tán tương quân thứ Nguyễn Văn Tường cùng nhóm lính cận vệ cũng thoát ra đến bờ sông an toàn. 

      Sau khóm tre, dưới ánh trăng cuối trung tuần, Nguyễn Văn Tường thấy nấm mộ Hoàng Văn Giảng, người quê ở Diên Sanh, Hải Lăng, Quảng Trị, bạn cùng kì khảo khoá thi hương năm nào của ông. Ngôi mộ ấy, trên bờ sông này, suốt hơn hai năm nay ông thường hay ra thắp hương tưởng niệm. Cố án sát Lạng Sơn Hoàng Văn Giảng đã bị bọn cổ phỉ giết hại từ sáu năm về trước, năm Tự Đức thứ mười bảy (1864) (83)! Ông lại nhìn vào thành, súng vẫn còn nổ vang với tiếng Tàu hò hét, lửa vẫn bập bùng cháy, thỉnh thoảng cháy bùng! Ngoài kia, phía sau lưng, mặt sông rộng lạnh buốt!

      - Vượt sông, qua sông, rồi sẽ căn cứ theo lối mòn, đi tắt đến Nà Dương! – Quan tán tương nói, giọng trầm tĩnh –

      - Sao quân Ông Ích Khiêm, Hoàng Tướng Hiệp chưa thấy kéo về? – Vũ Trọng Bình hỏi –.

      - Thôi, đã thế, thì nhanh lên. Không chết với thành mà chết trên đường thoát thì ô nhục muôn đời! – Quan tán tương nói, quả quyết –.

      Ba vị quan và năm người lính cận vệ hộ tống cùng lội xuống sông. Nước sông lại ấm hơn gió lạnh bên trên. Họ bơi qua sông dưới ánh trăng thượng tuần rất mờ. Đến bờ sông bên kia, nhìn sang, họ lại thấy lửa cháy bùng lên, bọn phỉ cầm cờ vàng của chúng, chạy trên thành. Họ biết thành đã mất, nhưng vẫn hi vọng Đoàn Thọ còn sống sót, tuy họ biết rằng đại tướng quân họ Đoàn không chết trong khi chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, cũng tử tiết theo thành luỹ đại bản doanh! Nguyễn Văn Tường và hai vị quan không thể không nhớ lời nói cuối rất mực dũng cảm, kiên quyết lại quá đỗi khiêm nhường của Đoàn Thọ: Các quan là bộ não của quân thứ Lạng, của ba đạo quân và toàn mặt trận. – Tổng thống quân vụ Đoàn Thọ lại nói, giọng rất gấp –. Không thể để bộ não của quân thứ, của toàn mặt trận phải chết một lúc! Tôi và Lê lãnh binh hi sinh cũng như chiếc đầu của ba quân bị trầy chợt mà thôi! Hãy nhớ là còn ba quân! Ai chỉ huy họ? Nếu các vị lần chần, tôi sẽ buộc lòng ra lệnh cho lính đưa ra đường hầm!

     Tám người cảm thấy lạnh buốt đến tận xương sống. Ba vị quan bảo nhau rút trong túi ra những miếng quế và sâm tháng trước vua Tự Đức gửi ra mặt trận tặng thưởng (84). Họ chia sẻ cùng năm người lính hộ tống. Vị nồng nàn của quế, vị ngòn ngọt của sâm đã hoá đắng cay trong miệng, nhưng cũng giúp họ đủ sức bước trong sương lạnh. Tám người đều chảy nước mắt khi ngoái lại nhìn thành Lạng Sơn, nơi đóng đại bản doanh của toàn mặt trận, đang bị giặc Cờ chiếm cứ! Không phải chỉ là thành luỹ của một tỉnh Lạng Sơn, đó còn là đại bản doanh của ba đạo quân, của toàn mặt trận!

     Lúc này, áo quần ướt át, gió lạnh, họ vừa đi vừa chạy cho hơi nóng toát ra để chống lại cái rét run người.

     Họ không chạy theo lối mòn vì sợ gặp giặc mai phục, chỉ lấy lối mòn làm chuẩn cho khỏi lạc. Sau một quãng khá xa, họ tỉnh người, thấy quần áo đã rách bươm. Phố Kỳ Lừa cũng đã xa xa trước mặt.

      Đằng xa kia, ở Kỳ Lừa, quân Ông Ích Khiêm, quân Hoàng Tướng Hiệp đang trên đường kéo về. Khi nhận đúng quân ta, họ chạy ra, gọi to tên hai viên quan tán lí, án sát.

      Năm vị quan quân thứ và quan tỉnh, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, Ông Ích Khiêm và Đặng Toán, Hoàng Tướng Hiệp, cùng nhau hội bàn cách giải cứu thành Lạng Sơn, may chăng cứu được Đoàn Thọ, nếu ông chỉ bị bắt sống.

      Trăng cuối trung tuần mờ mờ, gió cuộn sương rừng, thổi lạnh buốt.

      Khi họ hạ quyết tâm lên ngựa kéo quân về thành Lạng để giải cứu Đoàn Thọ, lính tiền khu dẫn tới chỗ hội bàn hai viên cận vệ của Đoàn Thọ. Hai viên ấy còn sống sót, cướp được ngựa của bọn tàn quân Thái bình thiên quốc Tô Tứ, mở đường máu phóng chạy khỏi thành. Trên người hai viên cận vệ máu me bê bết.

      - Đại tướng quân còn sống hay đã chết? – Tán lí Ông Ích Khiêm hỏi –.

      - Bẩm quan tán lí, đại tướng quân đã chết. Chúng tôi thấy thế mới tháo chạy. – Một viên cận vệ run rẩy đáp vì rất sợ oai phong lẫm liệt, có phần hơi hung hãn của quan tán lí Ông Ích Khiêm –.

      - Tử tiết hay bị giặc giết?

      - Bẩm, tiểu tốt thấy đại tướng quân tổng thống sau khi đốt hết giấy tờ sổ sách, lại tiếp tục chiến đấu. Ông bị ngã xuống trong đêm tối, bọn giặc liền nhào vào chém. Không rõ đại tướng quân tự sát trước hay bị chúng chém ngã trước.

      - Chắc chắn không? Nói sai, đầu lìa khỏi cổ ngay. Chắc chắn vậy không?

      - Bẩm, cả hai chúng tôi cũng bận so gươm với giặc, nhưng đều thấy thế.

      - Còn ai sống sót nữa không?

      - Thưa, còn khoảng năm, bảy người, chia nhau chạy nhiều ngả.

      - Thôi, được, cho ra chỗ khác, hớp vài ngụm rượu cho ấm người! Quân đâu? Lấy rượu cho hai chiến sĩ. – Tán lí Ông Ích Khiêm lại khẽ nói với các quan có mặt tại đó với giọng ân hận –. Cũng lỗi tại tôi! Mặc dù được sự đồng ý và được lệnh của tổng thống quân vụ Đoàn Thọ, tôi cũng biết việc rút quân đi đánh, “trong thành bỏ trống, đơn người” (81) là sai lầm lớn, lại chậm kéo quân về ứng cứu, để đến nông nỗi này!

      Cuối cùng, cuộc tái chiếm thành Lạng để giải cứu Đoàn Thọ đành gác lại, vì Ông Ích Khiêm nhận định thế giặc Tô Tứ còn mạnh, chúng lại ở trong thành cố thủ, đằng nào Đoàn Thọ cũng đã chết, dù tử tiết hay bị giặc giết. Họ đều rơi nước mắt thương tiếc Đoàn Thọ và những người lính đã hi sinh, nhưng cũng đành kéo quân trở lại trạm Lạng Quang.

      Thế là thành luỹ đại bản doanh đã mất, đại tướng quân chỉ huy toàn mặt trận, tổng thống ba đạo quân đã hi sinh!

      Tin ấy còn hơn sét đánh xuống Điện Cần chính. Vua Tự Đức, Nguyễn Tri Phương, Trần Tiễn Thành và các đường quan, biên thần đều gần như bốc cháy trong sự rúng động đầy căm giận. Vua Tự Đức rất thương, bảo rằng: “Không bảo toàn được quan đại thần là lỗi của trẫm, dùng người không xứng chức cũng là lỗi của trẫm” (81). Nhà vua bèn đoạt hết chức vụ của Vũ Trọng Bình, chỉ tạm cho hàm hồng lô tự khanh; giáng Nguyễn Văn Tường xuống hàm trước tác; giáng Đặng Toán xuống hàm thị độc. Cả ba viên quan đã bị đoạt chức, giáng hàm đều bị điều động về Bắc Ninh, giao cho tổng đốc Bùi Tuấn tuỳ liệu phân công. Đồng thời, vua giao cho tán lí Ông Ích Khiêm chuyên việc quân thứ, án sát Hoàng Tướng Hiệp chuyển làm tán tương, phó lãnh binh Sơn Tây Vũ Đức thăng phó đề đốc để cùng đề đốc Đinh Hội trợ giúp việc quân.

      Dăm ngày sau, Nguyễn Văn Tường lại được vua Tự Đức chuẩn cho giữ chức vụ quyền sung tán tương quân thứ. Vẫn là chức trách cũ, nhưng chỉ quyền chứ không phải thực thụ như trước đây, hàm vẫn bị giáng xuống trước tác! Bởi Nguyễn Văn Tường là người có tài năng lớn, nên ông vẫn được giữ chức vụ rất quan trọng, nhưng cấp bậc lại rất thấp: Hàn lâm viện trước tác, chỉ là chánh lục phẩm (81)!

      Đến tháng mười một năm Tự Đức thứ hai mươi ba, Canh ngọ (1870) ấy, đình thần tâu dâng bản án thất thủ thành Lạng Sơn. Vua mở ra xem, cho là những tội danh đã định so với [ân] tình và pháp [luật], phần nhiều chưa đầy đủ, bèn sửa chữa lại. Dụ  rằng: “Quan quân thứ, quan tỉnh Lạng Sơn ấy [là] bọn Đoàn Thọ, Vũ Trọng Bình, Đặng Toán, Nguyễn Văn Tường, hoặc trách nhiệm cầm quân, hoặc chức vụ giữ đất, đều là có trọng trách ở biên thuỳ, thế mà việc canh phòng sơ suất, không phòng bị việc lo bất ngờ, để bọn còn sót lại của giặc được nhân sơ hở đánh úp, chiếm giữ. Theo nghĩa Kinh Xuân thu, trách cứ ở tướng, các quan quân thứ, quan tỉnh ấy tránh sao được tội. Kìa như pháp luật, kỉ cương của Nhà nước nghiêm minh là để trừng phạt những người bất chính, huống chi việc là việc quan trọng: bại quân, lầm lỡ việc nước, dù trăm thân sao chuộc được! Các án về thất thủ Phiên An, Gia Định và Thái Nguyên, Tuyên Quang trước kia, gương ấy chưa xa. Lần này bọn giặc lan tràn đã lâu, việc phòng bị đánh dẹp chính gấp, lại có quan to, quân nhiều đóng ở tỉnh thành. So với việc ở Phiên An, là xảy ra không ngờ, và Gia Định, Thái Nguyên, là vây bức nhất thời, [thì] sự thế lại là thế nào, tình tội quả là ai nhẹ mà ai nặng? Nếu không chiểu luật trị tội, sau này bắt chước cái dại, không răn chừa được, [thì] đối với việc nước, mạng dân ra sao? Nay trong tập tâu [nêu] dẫn được luật chủ tướng không giữ vững, lại không đem ngay các quan to khép tội cho minh bạch, chính đáng, chỉ đem các quản, suất xử tội. [Vậy] công luận của đình thần ở chỗ nào? Nếu muốn vì Nhà nước [mà] tiếc người, cũng phải trình bày riêng, đâu được đem việc án ấy nghĩ xử sơ lược như thế. Trẫm thực không biết bụng nghĩ [đình thần] thế nào, là nghĩa lí gì? Há chẳng phải có chiếu cố, thiên vị mà thế ư? Trước đã giáng chỉ chuẩn y tạm cho Vũ Trọng Bình hàm hồng lô, Đặng Toán giáng làm thị giảng, về tỉnh Bắc [Ninh], tuỳ tòng sai phái, Nguyễn Văn Tường giáng làm trước tác sung tham tán quân thứ Lạng Sơn, là vì tình tội chưa định, khoan dung cho một chút để xem làm việc chuộc tội sau này, [ấy là] cách thể tất cho kẻ bầy tôi, không gì hơn được. Quân luật rất nghiêm, vốn không một mảy may có tư vị được. Vậy Vũ Trọng Bình, Đặng Toán, Nguyễn Văn Tường, cho đều tự xét xử, chiểu luật, đáng phải tội gì? Vốn đều phải xử tội trảm giam hậu. Nay [trẫm] tạm chuẩn cho vẫn theo như mọi lần [đã] chuẩn: cho ở lại làm việc chuộc tội, cho biết công luận, phép nước không thể tư vị, tha thứ được. Bọn thành thủ uý Nguyễn Văn Tân, đốc binh Đinh Đắc, hiệp quản Nông Văn Ngôn, Nguyễn Văn Thức, Lê Văn Chiểu, Trần Văn Tiền ở tỉnh ấy, tuần phòng canh giữ sơ suất như thế, lại không biết hợp lực, chống đánh, khiến cho thành trì, kho tàng bỏ mất như không, cố nhiên phải chiểu luật xử chém. Nhưng hiện nay có việc canh phòng đánh dẹp, bọn ấy ở hàng ngũ đã lâu, [trẫm] tạm cho [là] đều [bị] phạt nặng một trăm (100) côn ở trước quân, lập tức [bị] cách chức, rồi phát giao cho quân thứ ấy làm quân tiền khu để làm việc chuộc tội, [khi lâm trận] nếu rút lui, chém ngay. Bọn ngươi chưa mất hết lương tri, lương năng, nên biết cảm động, hổ thẹn, hăng hái, mạnh bạo thế nào để thu lấy công hiệu lúc tuổi già. Nếu quả là tự bỏ địa vị thì quân pháp còn đó, quyết không thể dong thứ chút nào. Còn như nguyên tổng thống Đoàn Thọ, lãnh binh Lê Văn Dã, hoặc bị giặc bắt mà tự tử, hoặc bị chúng giết, chờ sẽ xét sau”. [Vua Tự Đức] lại sai Hoàng Tá Viêm xét rõ các viên quản suất dự vào việc này, đều [bị] định tội rõ ràng chính đáng” (85).

      Bốn năm sau, vụ thất thủ thành Lạng Sơn này mới đình thần nghị xử xong. Vua Tự Đức dụ rằng: “Đoàn Thọ, chính mình làm thủ tướng, lại lỗi về sơ phòng, bỗng chốc sinh ra biến cố. Tội ấy cố nhiên khó chối được, nhưng tên ấy là quan võ, đương lúc bọn giặc đánh úp ấy, lại biết đem lãnh binh Lê Văn Dã liều chết chống đánh, tiết nghĩa thực đáng khen, chuẩn cho đổi hàm Trung quân đô thống (nguyên trước là Trung quân Đô thống phủ chưởng phủ sự), chiểu hàm cấp tuất và cấp thêm cho một nghìn (1.000) quan tiền để lập đền thờ ở nhà. Lê Văn Dã, chức đã thấp [thì] hơi khác, chuẩn cho truy tặng hàm chưởng vệ, chiểu theo hàm tặng cấp tiền tuất” (86).

      Với Nguyễn Văn Tường, tháng mười mùa đông năm Tự Đức thứ hai mươi ba, Canh ngọ (1870) ấy, là cả một nỗi đau quặn thắt, nặng trĩu. Ông những tưởng tạm yên, mong quan Vũ hiển điện đại học sĩ Nguyễn Tri Phương ra làm kinh lược đại sứ, thống lĩnh toàn cõi Bắc Kì, để giữ vững miền đất này. Giữ vững được Bắc Kì để có thể tính chuyện tái chiếm Nam Kì! Ông đã suy tư, trăn trở, đã lội bùn, dầm máu khắp mặt trận biên giới bắc để bao quát tình hình, và ít nhiều hi vọng, nên đã viết tập bản sớ hồi tháng sáu mà ông rất tâm đắc. Ngờ đâu!

      Một buổi sáng, rửa mặt bằng nước trong chiếc thau đồng, soi tấm gương bằng đồng, chợt nhận ra tóc mình đã chớm bạc, ông tự bảo, đã bốn mươi bảy tuổi, gần ba năm xa kinh đô Huế và Quảng Trị quê nhà!

     

      10

      Cuối tháng mười, sắp bước vào tháng mười nhuận năm ấy, trước tình hình mặt trận biên giới bắc như thế, vua Tự Đức và đình thần bàn việc chọn tướng soái điền vào chỗ Đoàn Thọ bỏ trống. Sau khi tham khảo ý kiến Nguyễn Tri Phương, quyết nghị chung là chọn tổng đốc An – Tĩnh Hoàng Tá Viêm sung chức thống đốc quân vụ đại thần, thống lĩnh bốn tỉnh Lạng – Bằng – Ninh – Thái với một thanh gươm vàng và năm lá cờ lệnh biểu thị quyền lực (87). Đồng thời, triều đình cử thêm Tôn Thất Thuyết, hàm biện lí Bộ Hộ, mới sung chức tán tương của một trong các đạo quân Ninh – Thái hồi tháng sáu, nay được thăng thụ quang lộc tự khanh, đổi làm tán lí, chuyển hẳn sang quân thứ Thái Nguyên, một trong ba quân thứ ở mặt trận toàn vùng biên. Với chức trách có giới hạn như thế, nhưng thật ra, từ nay, hai vị tướng tá này sẽ phải giúp nhau đảm đương mặt trận phía Bắc.

      Tôn Thất Thuyết liền đến Bắc Ninh. Ở tỉnh này, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, Đặng Toán đang “làm việc chuộc tội” dưới sự điều động của tổng đốc Bùi Tuấn, một viên quan người chính gốc Hà Nội. Tôn Thất Thuyết liền xin đánh gấp để mở đường tiếp vận lương thực từ tỉnh Bắc Ninh lên Lạng Sơn, và đến đấy, sẽ chờ Hoàng Tá Viêm từ Nghệ An ra để cùng qua Thái Nguyên (88). Tán tương Nguyễn Văn Tường lại cầm gươm, mang súng ra trận với Tôn Thất Thuyết, một vị quan hoàng phái trẻ hơn ông mười lăm tuổi. Năm ấy, Tôn Thất Thuyết mới độ ba mươi hai (89).

      Lên Lạng Sơn, không ngờ tại Kỳ Lừa, nơi bản doanh quân thứ đang đóng, lại xảy ra sự cố!

      Chỉ trong mấy ngày gần đây, Ông Ích Khiêm mang quân từ bản doanh Kỳ Lừa đến đồn Cốc Trấn, bắn đại pháo vào cửa đông thành, lại bị giặc Cờ bắn trả, đạn xuyên qua đùi và bắp chân bên trái. Bị thương, Ông Ích Khiêm được phép đi về tỉnh Đông (Hải Dương – Quảng Yên) để được điều trị, nhưng ông lại tuỳ tiện mang đến hai trăm (200) quân theo để hộ tống mình (90). Hộ phủ Hưng Hoá Nguyễn Huy Kỷ được thăng hàm thự tham tri Bộ Binh để thay thế (90).

      Ông Ích Khiêm, hình như tổ tiên là người Chăm (91). Ông là một tướng tài, văn võ kiêm toàn, đỗ cử nhân năm mới mười lăm tuổi, rất gan dạ, mưu lược trong trận mạc, nhưng cao ngạo và tuỳ tiện, có khi rất tự thị, coi thường lệnh của tướng chỉ huy (92). Một lần nữa, như ở thành Lạng, Ông Ích Khiêm lại bỏ trống đồn Kỳ Lừa, nơi tạm đặt bản doanh quân thứ sau khi thành Lạng bị tướng giặc Cờ Tô Tứ chiếm. Phó đề đốc Vũ Đức lo sợ tình huống mất thành Lạng Sơn lại xảy ra, và đã xảy ra thật! Giặc Cờ hàng ngày vây áp đồn để đánh quấy. Tướng võ họ Vũ rất dũng cảm chiến đấu, đi trước toán quân tiền phong xung kích để phản công, nhưng quân số giữ đồn quá ít, đành thua giặc Cờ, và chính Vũ Đức cũng bị thương. Ông được phép về Hà Nội để lo điều trị (90).

      Đọc xong bản tấu của quan quân thứ Nguyễn Huy Kỷ, vua Tự Đức lập tức giáng Ông Ích Khiêm từ hàm tham tri xuống hàm quang lộc tự khanh, từ chức tham tán xuống tán lí (90).

      Thống đốc Hoàng Tá Viêm, khi mới ra Bắc nhậm chức, liền kiểm tra thực tế con số quân binh của ba quân thứ, mà ông nắm được ở Bộ Binh: Lạng Sơn: ba ngan hai trăm chín mươi (3.290); Thái Nguyên: một ngàn bảy trăm tám mươi (1.780); Bắc Ninh: sáu ngàn năm trăm sáu mươi (6.560). Tổng cộng chỉ hơn một vạn người lính (93). Đồng thời, ông chú tâm nghiên cứu tình hình địch. Sau khi biết rõ tình hình, ông đề xuất lấy việc phủ dụ, chiêu hàng địch làm kế hoạch nhất định. Khâm phái Nguyễn Chính đi thám xét tình hình cũng tâu về triều là nên phủ dụ, bởi đánh sẽ không bao giờ xong! Ở kinh đô, ý Nguyễn Tri Phương phúc tâu lên vua, cũng xin tuỳ tình hình, sau sẽ tính dần.

      Sau khi thống đốc Hoàng Tá Viêm tâu vào kinh, vua Tự Đức cho rằng, phủ dụ mà giặc kiêu căng, thì phải đánh ngay cho lừng tiếng quân ta, cho chúng nhụt khí thế, rồi lại phủ dụ (94).

      Do đó, tán tương Nguyễn Văn Tường và thị giảng Đặng Toán đi đến Lạng Sơn và các quân thứ, các tỉnh để hiểu dụ giặc. Cũng nhiệm vụ ấy, Phạm Chi Hương đến Thái Nguyên.

      Tán tương Nguyễn Văn Tường hiểu rõ sức lực triều đình và quân dân ta thật không thể không nói là đến mức cạn kiệt. Điều đó, trong bản tấu tháng sáu mới đây, ông đã trình bày rõ với niềm hi vọng lạc quan. Nhưng đến nay tình hình trở nên quá đáng buồn!

      Vua lại ban chiếu cầu hiền, mong được tiến cử thêm người tài giỏi để cứu nước. Không phải một lần, đã nhiều lần, chiếu cầu hiền của vua lại nhấn mạnh câu “tiến cử được người hiền tài thì được thưởng hậu, che giấu người hiền tài thì sẽ bị giết” (95).

      Sau đó ít hôm, vua lại cùng đình thần định lại lệ “thân nhân của giặc [người Việt] được dự thi và không được dự thi” (96). Lệ ấy khi ban ra Bắc Ninh, Lạng Sơn và các tỉnh phía bắc, như thể là một dịp để các quan nhớ đến Mai [Thế] Quý. Mai Quý, người xã Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông bị tội lây do chú bác làm phỉ, nói chung là rơi vào trường hợp liên hệ lí lịch tam đại có vấn đề, nên Mai Quý đã giấu bớt, khai lệch, dự thi, và đã đỗ cử nhân nhưng bị truất, bị án trượng, đồ, “chung thân bất đắc ứng thí”. Ông đã khiếu kiện, nên được thi lại. Mai Quý hai lần đỗ cử nhân (Bính ngọ [1847], Nhâm tí [1852]), và sau đó đỗ tiến sĩ (Quý sửu, 1853) (97). Ông hiện đang là tiễu phủ sứ Tuyên Quang, chiến đấu tiễu phỉ rất nổi tiếng. Việc định lại lệ “thân nhân của giặc [người Việt] được dự thi và không được dự thi” ở thời điểm này tại Đàng Ngoài nói chung và riêng tại Bắc Kì, không biết có dẫn đến một tác dụng hữu ích hay tác hại gì không. Có người cho rằng, sẽ tăng thêm số phỉ người Việt chống triều đình, vì con cháu, anh em bị liên lụy, thân phận quá bị bức bách. Có người lại cho rằng, tình hình phỉ sẽ giảm bớt! Câu trả lời là ở thực tế! Thực tế hầu như ai cũng thấy là đáng buồn và đáng sợ!

      Trong mấy ngày tiếp theo, thống đốc Hoàng Tá Viêm tâu vào kinh: Tình hình biên giới càng gay go do quan lại ở đấy không khéo vỗ về. Ông trình bày, bọn phỉ Việt có khẩu hiệu: “Giết hết quan lại tham ô” (98). Vị quan họ Hoàng chủ trương vừa đánh, vừa phủ dụ, chứ không chỉ phủ dụ đơn thuần như hồi mới ra nữa. Ông xin đổi chuyển một số quan lại, mong rằng trong sự xếp đặt về sau rất cần bổ nhiệm người tài giỏi, không có người tài giỏi sẽ không xong được… Hoàng Tá Viêm chê trách các quan đang tại chức như Nguyễn Bính, Nguyễn Văn Thận, Lê Bá Thận, Đặng Xuân Bảng (cùng họ tộc với Đặng [Kim] Toán), và đề bạt một số quan, xin hoán chuyển đến các tỉnh mặt trận phía bắc một số quan khác, như Lương Quy Chính, Nguyễn Phan, Phạm Chi Hương, Mai Quý… Mai Quý được đề bạt làm bố chính sứ Tuyên Quang (98).

      “Giết hết quan lại tham ô”, phải chăng khẩu hiệu ấy như một thứ chiêu bài, đằng sau ẩn giấu một sự bất mãn chung rất dai dẳng trên đất vua Lê chúa Trịnh?

      Trong tháng chạp rét mướt, Vũ Phạm Khải cũng vâng mật dụ đi chiêu phủ, vỗ yên bọn phỉ và dân gian (99).

      Tình hình Bắc Kì thật phức tạp, gay go! Vẫn nổi cộm lên mâu thuẫn Đàng Ngoài – Đàng Trong sau hai trăm năm chia cắt thời Trịnh – Nguyễn trong ý hệ trung quân mà vua Tự Đức gọi là xuẩn động (nổi loạn do không hiểu lẽ biến dịch), hoặc mượn chiêu bài phù Lê để thừa cơ “giậu đổ bìm leo”, toan tính khuấy quậy để “đục nước béo cò”! Vẫn nổi cộm mâu thuẫn lương – giáo! Vẫn nổi cộm nạn phỉ đủ loại, nhất là phỉ Tàu, giặc Cờ!

 

      11

      Khi Hoàng Tá Viêm ra Bắc Kì, ông chủ trương thực thi kế sách chiêu phủ bọn giặc Cờ. Kêu gọi đầu hàng, vỗ yên bọn phỉ trở thành nhiệm vụ của tán tương Nguyễn Văn Tường và Đặng [Kim] Toán cũng như nhiều quan chức khác (94).

      Tán tương Nguyễn Văn Tường đi đến Lạng Sơn, nơi Nguyễn Bính đã được bổ nhiệm làm tuần vũ thay Đặng Toán, và Nguyễn Huy Kỷ được thăng hàm tham tri Bộ Binh sung tham tán quân thứ thay Ông Ích Khiêm. Ở đó, ông gặp thống đốc Hoàng Tá Viêm vừa ra nhận chức gần một tháng nay. Cuộc họp bàn liền được tổ chức. Các tướng tá và quan tỉnh đều nhất trí viết thư dụ hàng gửi cho Tô Tứ, mặc dù họ thừa biết trước đây, Tô Tứ đã một lần đầu hàng, đã được cấp tiền, sắp xếp cho chỗ ở và cũng đã làm phản, đánh chiếm thành Lạng Sơn!

      - Chiêu phủ tên tướng phỉ này cũng vô ích! Thế nào hắn cũng làm phản thêm một lần nữa! Năm Tự Đức thứ hai mươi mốt (1868), ta đã tốn hao cả vạn lạng bạc để chiêu phủ tên Ngô Côn, thế mà hắn vẫn phản! Tên Tô Tứ này cũng đã hàng, lại đã phản! Xem thế, rõ ràng bọn này thật sự là phỉ. Cho nên, không thể phí tiền vô ích! – Tán tương Nguyễn Văn Tường nói –. Xin lưu ý điều đó.

      - Biết vậy, nhưng để tái chiếm thành Lạng Sơn, tiền thuốc súng, lương thực phải chi phí rất lớn, và sẽ tổn thất cái không thể tính bằng tiền được vì nó vô giá, ấy là sinh mệnh binh lính. Ta cứ xem như “mua” hoặc “chuộc” thành Lạng Sơn với giá rẻ (100)! Sau đó, tên Tô Tứ, ta lại có biện pháp đối phó và luôn cảnh giác… Có thể tiêu diệt luôn! Nhưng trước mắt, hãy nhử tiền chuộc và dụ hắn trả lại thành cái đã!

      - Nếu như vậy, tôi hoàn toàn nhất trí. Thật ra, đây là kế sách hơi “bá đạo”! – Tán tương Nguyễn Văn Tường nói –. Người cầm quân chính nhân quân tử sẽ không sử dụng kế này. Liệu ta có bị thiên hạ chê bai không?

      Tán tương Nguyễn Văn Tường vốn nổi tiếng văn hay từ lúc còn học trò. Ông còn là một nhà thơ. Hơn nữa, Nguyễn Văn Tường mấy năm nay thường xuyên làm nhiệm vụ thuyết khách. Ông phải luôn bút đàm, viết thư giao thiệp, thương thảo, bàn kế sách tiễu phỉ với các quan tướng nhà Thanh như Phùng Tử Tài, Từ Diên Húc… Ông liền được cử làm người trực tiếp chiêu phủ Tô Tứ.

      Tán tương Nguyễn Văn Tường đã nghiền ngẫm “Quân trung từ mệnh tập” và nhiều tập thơ của Nguyễn Trãi. Rõ ràng có hai Nguyễn Trãi, một Nguyễn Trãi rất tỉnh táo, mưu trí, với nhiều thủ thuật tâm công rất xảo diệu, và một Nguyễn Trãi thi sĩ, rất hồn nhiên, sâu sắc, ân tình… Thật lòng, ông cũng hiểu văn chương của Nguyễn Trãi đôi khi chỉ thuần là vũ khí tâm công!

      Tán tương Nguyễn Văn Tường đã viết thư dụ hàng Tô Tứ, với một ý tưởng ông từng suy nghĩ nhiều trước đó:

      Việc binh đao ở biên giới Đại Nam – Thanh Quốc (Trung Quốc) vốn không phải do mâu thuẫn giữa hai nước, hay giữa dân tộc Việt với nhân tộc Hán! Ấy là do mâu thuẫn trong nội bộ Trung Quốc! Việc tranh chấp bởi mâu thuẫn dân tộc giữa Hán và Mãn Châu vốn có từ mấy ngàn năm. Trong một trăm năm gần đây, dân tộc Mãn đã lập nên nhà Thanh, cai trị cả trăm nhân tộc ở Trung Quốc, trong đó có nhân tộc đa số là Hán. Nhưng cũng cần nhớ lại lịch sử: Dân tộc Hán vốn từng xâm lược, bành trướng và cai trị dân tộc Mãn cùng hàng trăm dân tộc khác… Mâu thuẫn Hán – Mãn Thanh nổ ra cuộc chiến tranh mười bốn năm (1850 – 1864) là mâu thuẫn trong nội bộ nước Trung Hoa. Xin đừng đem đại hoạ binh đao trong nước Trung Hoa lan sang nước Đại Nam. Cho nên, mong các tàn quân Thái Bình thiên quốc (Hán tộc) chấp nhận hai phương án: một là, rút quân về nước, quy hàng nhà Thanh hoặc giải quyết nội bộ với nhau; hai là, nếu muốn sinh sống tại Đại Nam, thì hãy buông vũ khí và cầm cày cuốc khẩn hoang lập ấp, chịu làm thần dân của hoàng đế Đại Nam, không được quấy nhiễu, cướp bóc, chiếm cứ, xưng hùng, xưng bá! Nhưng vẫn nói thật lòng, nước Đại Nam mong các đoàn tàn quân Thái bình thiên quốc nên rút quân về nước theo phương án thứ nhất, vì hiện nay tình hình Đại Nam đang phải đối phó với Pháp rất gay go. Vả lại, đất nước Đại Nam vốn đã quá nhỏ hẹp! Hãy vì tình đồng chủng da vàng, tình lân bang, đừng gây khó khăn cho Đại Nam. Nếu không, máu đổ thịt rơi lại phải tiếp tục. Việc này có ích gì đâu cho tàn quân Thái bình thiên quốc! Cũng như vậy, nạn đao binh ấy rất tai hại đối với Đại Nam. Rốt cục chỉ lợi cho Pháp, Anh và các nước Âu Mỹ khác (101)!

      Kết quả là Tô Tứ chịu nghe theo yêu cầu trong thư tán tương Nguyễn Văn Tường gửi đến. Trong tháng mười hai nguyệt lịch, Tô Tứ (Tô Quốc Hán) xin hàng, nộp trả thành Lạng Sơn, cùng súng ống, khí giới. Thống đốc Hoàng Tá Viêm phải cấp cho Tô Tứ đến mười một ngàn (11.000) lạng bạc để Tô Tứ cấp cho quân của hắn về nước. Còn lại năm trăm (500) tên, chúng xin ở lại tại chỗ cũ, nơi trước đây chúng đã được sắp xếp cho ở. Ấy là Nà Dương, Khôn Quang. Ngoài ra, chúng còn được trợ cấp sáu tháng lương thực để khai khẩn đất làm ăn. Tô Tứ được trú tại Đồng Bộc (100).

      Được tin ta đã lấy lại thành Lạng Sơn, vua Tự Đức cho thông báo khắp trong kinh ngoài tỉnh. Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Bính, Nguyễn Huy Kỷ  đều được thưởng, gia thăng cấp, trật. Nguyễn Văn Tường được gia một trật, được thưởng một đồng “tứ mĩ kim tiền”… Hoàng Tá Viêm cũng được gia hai cấp, được thưởng một đồng “ngũ phúc kim tiền” (100)…

      Vào thành, tán tương Nguyễn Văn Tường liền tìm đến nơi bọn phỉ vùi chôn Đoàn Thọ, Lê Văn Dã cùng các binh lính khác. Ông thắp những nén nhang, trào nước mắt trước nấm mộ chôn chung!

      Sau Tết Nguyên đán năm Tự Đức thứ hai mươi tư, Tân mùi (1871), tên tướng Tàu giặc Cờ Đặng Chí Hùng (Đặng Vãn) (102), sau khi đọc xong bức thư chiêu phủ của Nguyễn Văn Tường gửi Tô Tứ, y cũng xin hàng. Y xin hàng sau nhiều đêm mùa đông dài dặc trăn trở và suy nghĩ.

      Nhưng đối với thành Cao Bằng, vấn đề lại không được như vậy. Trước đây, thành đã một lần bị phỉ đánh chiếm. Vũ Trọng Bình, Nguyễn Hiên, Đinh Hội đã phải tiến công, đánh thắng, chiếm lại. Gần đây, thành ấy lại mất. Quân thứ Lạng Sơn tâu về kinh: Cần một vạn phương gạo cung cấp cho biền binh mới có thể đánh chiếm lại được. Xin vận lương đến gấp (103). Ngay lập tức, quan tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh khẩn cấp tiếp tế. Nhưng sự thể không biết có toàn thắng, chiếm lại thành được không.

      Trong khi đó, Lưu Vĩnh Phúc, một tướng giặc Cờ đen, đã được Nguyễn Huy Hỷ chiêu phủ, theo quân ta đi tiễu phỉ, hiện đang so gươm đọ súng với tướng giặc Cờ vàng Hoàng Sùng Anh (104). Tin Hoàng Sùng Anh bị tử trận khiến mọi quan quân đều vui mừng. Nhưng tiếc thay, sau đó ít hôm, tin thám báo của quân ta cho biết, y chỉ bị thương, đang chữa chạy!

      Tình hình vẫn rối nhiễu ở mặt trận biên giới phía Bắc này! Bọn giặc Cờ Lao Doãn Tài (Lao Nhị) mới hàng đây, lại làm phản! Tên phỉ họ Lao này vốn là thuộc hạ của Tô Tứ! Các tướng tá ta trách Tô Tứ, y cũng đành bảo là không kìm chế nổi bọn thuộc hạ! Liền theo đó, bọn giặc đã tan vỡ sào huyệt, tan tác bè lũ, thường được gọi là “giặc vỡ”, nay lại câu kết với nhau, lại quấy nhiễu! Như bọn phỉ Đặng Vãn, chẳng hạn! Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Huy Kỷ đều bị giáng cấp (105).

      Không cách nào khác, thống đốc Hoàng Tá Viêm viết tập tâu đệ trình về kinh, xin gửi quốc thư cho nhà Thanh để họ đem quân sang chi viện, tiễu trừ!

      Sự phản trắc của bọn tàn quân Thái bình thiên quốc thật đáng sợ! Bọn Anh, Pháp và các nước Âu Mỹ lợi dụng chúng, hà hơi tiếp sức cho chúng, viện trợ, bán chác súng đạn cho chúng để quấy nhiễu nước Thanh (Trung Quốc) và cả nước Đại Nam ta. Điều đó đã rõ rồi. Nhưng mặt khác, không thể không suy nghĩ, phải chăng nhà Thanh vẫn muốn lợi dụng bọn tàn quân Thái bình thiên quốc đã biến chất thành phỉ này để làm sức ép với nước ta (106)?

      Còn bọn “giậu đổ bìm leo” người Việt nữa!

 

Hết phân đoạn 4 truyện kí thứ sáu (còn tiếp)

                                                             

Viết đến dòng chữ này lúc 16 giờ kém 10 phút,

  ngày mùng ba tháng mười, năm 2002

(27.8, Nh. ngọ, HB.2),

tại thành phố Hồ Chí Minh.

                                                                

TRẦN XUÂN AN

 

                   

(80)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 272.

(81)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 61 – 62.

(82)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr.  321 – 322; ĐNLT., tập 3, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 265. Trong tiểu truyện về Đoàn Thọ, ghi rõ: Vũ Trọng Bình, Đặng Toán và Nguyễn Văn Tường vượt thành, vượt sông. Tôi (TXA.) hư cấu thêm chi tiết về đường hầm.

(83)       ĐNLT., tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 416 – 417.

(84)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 326 – 327; tập 32, sđd., 1975, tr. 46.

(85)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 70 – 72.

(86)       ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 65 – 66.

(87)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 65.

(88)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 62, 65, 66.

(89)       Có nhiều tư liệu cho rằng Tôn Thất Thuyết được sinh ra đời vào năm 1835, nhưng đại đa số các tư liệu đáng tin cậy, kể cả gia tộc phả, đều xác định năm sinh của ông là 1839.

(90)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 66.

(91)       Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4 (323), tháng VII – VIII, 2002: bài của Huỳnh Công Bá, “Hiểu thêm về khái niệm “Nam tiến” từ trong công cuộc khai khẩn Thuận – Hoá hồi trung thế kỉ”, tr. 84: “Ông Ích Khiêm vốn là di duệ của một trong những dòng họ người Việt gốc Chàm hiện còn ở Quảng Nam, Đà Nẵng…”. Theo ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 67, 305 : “Giặc trốn nước Thanh là bọn còn sót lại của Ông Thất…”, “Nói về toán giặc bọn Ông, Đàm nguyên trước cư ngụ ở nước Nam [… :] đề đốc Phùng đại nhân đem quân thắng trận trở về, nỡ để cái trách nhiệm chưa làm xong ấy, giao cho nước [Đại Nam] tôi…”; chứng tỏ họ Ông cũng là một trong những họ gốc Hoa. Ở đây, hẳn có sự trùng hợp về họ hoặc có sự phiêu tán, di cư, xâm thực nào đó chăng… Vì thế, và cũng vì  cho đến hiện nay, chúng tôi vẫn chưa có điều kiện để được tìm đọc gia tộc phả Ông Ích Khiêm, nên chỉ dám viết là “hình như”, “có thể”… Mong được lượng thứ về khía cạnh này.

(92)       ĐNLT., tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 276 – 282.

(93)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 67.

(94)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 70.

(95)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 72 – 74.

(96)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 74.

(97)       ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 330 – 331.

(98)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 75 – 76.

(99)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 80 – 81.

(100)    ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 81 – 82.

(101)    Bức thư địch vận, chiêu hàng bọn giặc Cờ Tô Tứ này, chúng tôi dựa vào một số tình tiết và sự kiện trong ĐNTL.CB. để hư cấu lại. Trong đoạn này, chúng tôi có sử dụng hai từ “nhân tộc” “dân tộc” với ngữ nghĩa hơi khác nhau. “Nhân tộc” là tộc người, xét về mặt nhân chủng và bản sắc văn hóa (lịch sử, ngôn ngữ, phong tục nhất thống…). “Dân tộc” cũng là một tộc người hoặc nhiều tộc người, xét trong mối quan hệ với nhà nước, tức là cộng đồng thần dân, hoặc cộng đồng công dân của một nước. Một nước phải có một lãnh thổ (có thể không liền nhau), một chính quyền nhất thống, và chỉ có một dân tộc (nhưng gồm nhiều nhân tộc).

(102)    ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 84.

(103)    ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 86.

(104)    ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 89.

(105)    ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 90 – 92.

(106)    ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1975, tr. 143.

 

 

Hết

phân đoạn 4

truyện kí thứ sáu

(còn tiếp)

 

XIN XEM TIẾP TỆP 15

phân đoạn 5

truyện kí thứ sáu

(còn tiếp)

 

 

(  xem tiếp tệp 15  ) 

 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7