b. Trần Xuân An - Nước mắt có vị ngọt - Tệp 2

 

   

trần xuân an

NƯỚC MẮT CÓ VỊ NGỌT

 

                     author's copyright

               (ALL RIGHTS RESERVED)

 

                                                                                 06/30/09

 

 

05-11 HB6 (2006)

 

truyện ngắn 1

 

truyện ngắn 2

 

truyện ngắn 3

 

truyện ngắn 4

 

truyện ngắn 5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                             

 

TRẦN XUÂN AN                                       

NƯỚC MẮT CÓ VỊ NGỌT               

 

                 tập truyện ngắn                    

liên hoàn

 

                                    Nhà Xuất bản           

 

         

 

 

Đã đăng trọn vẹn TẬP TRUYỆN LIÊN HOÀN này

trên Tạp chí điện tử Giao Điểm, 10-2005: 

search:

http://www.giaodiem.com   

link trực tiếp:

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_txa_nuocmatI.htm

 

 

 

TRÊN CHUYẾN TÀU LỬA

RA MIỀN TRUNG

 

 

            Trong lần về thăm quê vào tháng bảy năm ngoái, Nghiệm không ngờ cuộc đời anh từ đấy đã khác trước.

     Buộc chiếc xách tay vào giá xong, Nghiệm ngồi tì tay lên thành cửa sổ của khoang tàu lửa, nhìn hành khách và người tiễn chân đang vội vã trên sân ga. Nghe một giọng nói quen, Nghiệm quay mặt lại, về phía lối đi giữa hai dãy ghế. Anh buột miệng gọi tên Quế Sương. Cô mỉm cười, gật đầu chào. Một tay xách chiếc va li nhỏ, một tay cầm vé, Quế Sương lướt mắt qua những vuông nhôm khắc số được đính sau tựa ghế. Nghiệm đứng dậy, niềm nở bước tới, xách giúp va li, tìm chỗ ngồi giúp Quế Sương. Ghế của cô xa chỗ của Nghiệm đến mấy dãy.

            Trong tiếng loa phóng thanh nhắc nhở hành khách, Nghiệm chợt nghe phía ngoài cửa sổ giọng ông Khoảng - ba của Quế Sương. Ông bảo Quế Sương xin đổi chỗ ngồi, và trách Nghiệm ra quê sao không cho ông biết. Ông tỏ vẻ lo lắng vì rất lâu rồi Quế Sương mới lại đi xa như thế. Nghiệm xin ông Khoảng yên tâm. Khi trả lời ông, Nghiệm cười, hơi bối rối.

            Tàu lửa chạy được một quãng khá xa, băng qua nhiều đường phố, gần đến cầu Bình Triệu, Nghiệm mới thương lượng được với một người đàn ông trung niên để đổi chỗ. Quế Sương đã lên ngồi cạnh anh.

            Ở trọ hồi còn sinh viên, và sau khi tốt nghiệp, hai năm rồi, Nghiệm vẫn không đến nơi khác, vẫn nhà ông Sống, chỗ bà con của Quế Sương. Dạy kèm cho Nắng Lụa, làm việc cho cơ sở dịch vụ vi tính Tự Sinh của ông Sống, Nghiệm biết Quế Sương, và họ đã quen nhau từ lâu. Nhưng đây là lần đầu tiên Nghiệm với Quế Sương có dịp chuyện trò, ngồi kề nhau đến trên ba mươi mấy tiếng đồng hồ. Hoàn toàn bất ngờ với cả hai.

            - Từ hồi mới mấy tuổi đến giờ, Quế Sương mới có dịp ra thăm quê nội? - Nghiệm mỉm cười, khẽ hỏi -.

            - Em vào Sài Gòn lúc sáu tuổi. Từ đó đến giờ chỉ ra thăm Huế có hai lần. Lần thứ hai cũng khá lâu rồi. - Quế Sương nhìn ra cửa sổ -.

            Nhà cửa, vườn tược vun vút lùi ra sau. Biết là ảo giác, Quế Sương vẫn có cảm tưởng như hồi nhỏ, tàu vẫn còn đứng yên một chỗ, còn mặt đất đang bay ngược.

            Nghiệm đang nhớ về thuở mới gặp Quế Sương. Lúc ấy, anh mới vào đại học, Quế Sương đang học phổ thông. Thời còn mặc áo dài trắng đến trường, mười bảy tuổi, Quế Sương đã đẹp lạ lùng. Anh sinh viên nhà quê tên Nghiệm đau thót tim và cam phận. Quế Sương cũng chẳng mấy khi đến nhà ông chú thúc bá lại, cũng không thân mấy với cô em họ Nắng Lụa, do đó Nghiệm không mấy khi gặp Quế Sương. Anh biết, sau những buổi đến trường, Quế Sương còn phải đi làm thêm, nghe đâu là phụ bán hàng cho các tiệm lớn. Hình ảnh rực rỡ nhất của Quế Sương vẫn còn trong Nghiệm là vào tháng mười hai, cách đây hơn bảy tháng, lúc cô mặc áo cưới sóng đôi với chàng rể là Gián. Hôm ấy, Nghiệm có đến dự lễ cưới cô ở một nhà hàng. Hơn năm năm trời ở thành phố, Nghiệm đã khác thuở nào, và cái thót tim bàng hoàng trước vẻ đẹp của Quế Sương thuở nào cũng không còn trong ngực anh, hôm ấy.

            Trong một thoáng, những hình ảnh hồi ức lại dẫn đến gương mặt đẹp và lạnh, cái lạnh vô cảm, cũng của Quế Sương, lúc cô đã li dị với Gián được một tháng, khoảng hai tháng sau Tết vừa rồi. Mới ba tháng thôi, tính đến tháng bảy mặt trời này. Bất giác, Nghiệm thấy cô gái ngồi bên anh có một vẻ gì thật lạ, anh không hiểu nổi. Không, cũng không phải vậy, người đàn bà trẻ, hai mươi ba tuổi, cử nhân ngữ văn Anh, đẹp chín muồi, vừa lấy chồng sau dăm tháng đã vội vĩnh viễn chia tay chồng, với vẻ bình thản rất tự nhiên này, gây trong Nghiệm hai cảm tưởng trái ngược. Cơ hồ có một bi kịch nào đó. Cơ hồ có một nhẫn tâm nào đó. Nghiệm vẫn tì tay lên cửa sổ toa tàu, lúc này đã được người khách ngồi đối diện với anh kéo khung lưới sắt xuống. Cảnh vật ngoài kia đang bị cắt thành từng ô vuông nhỏ, đang trôi, đang chảy như nước với bao hình chiếu không thật.

            Nghiệm chợt thấy ngài ngại khi nhớ lại tiếng cười lành lạnh, rờn rợn, như thể là khiếm khuyết bẩm sinh, như thể là nỗi đau đớn cùng cực nào đã tạo nên, ở người đàn bà hai mươi ba tuổi, thon tròn, chín mọng, vừa đầy vẻ nhục cảm, vừa rõ nét thanh khiết này. Nghiệm thoáng rùng mình. Anh cũng không rõ cảm xúc của anh trong cái khẽ rùng mình ấy. Những cảm xúc ấy trái ngược, vừa bị cuốn hút, vừa sờ sợ, âu lo.

            Không lẽ cứ ngồi im thế này, Nghiệm quay sang, bắt gặp Quế Sương đang ngả đầu vào tựa ghế, lim dim mắt. Chắc cô thấy anh chẳng chuyện trò gì, nên cũng lặng lẽ. Nghiệm thấy rõ gương mặt Quế Sương trắng mịn, lông mi dài và đen nhánh, môi mọng đỏ, chiếc cổ cao đầy đặn. Thoáng sững sờ, đôi mắt Nghiệm, không thể cưỡng được, liếc cái nhìn lên vòm ngực sau chiếc áo thun xuống đôi tay thon tròn để trần, gác trên cặp đùi chắc lẳn và dài được bó sát trong lớp vải din cũng có chất thun. Thoáng liếc nhìn thôi, nhưng suốt mười phút sau, không cách nào Nghiệm xua được hình ảnh Quế Sương tuyệt vời nhục cảm trong đầu óc ngây ngất của anh. Nghiệm biết đấy là cảm giác tội lỗi. Nhưng người đàn bà trẻ này đẹp quyến rũ quá, loại vải thun của áo quần bó sát thân hình như thể khoe hết những đường cong khêu gợi. Gợi cảm? Không. Rõ và đúng là gợi cảm xúc da thịt. Không phải chỉ một mình Nghiệm đâu. Đã vài lần Nghiệm bắt gặp cái nhìn sững của hai người đàn ông trung niên trước mặt Quế Sương và anh, cái nhìn hau háu của một thoáng bản năng bị đánh thức - loại bản năng mạnh mẽ và đáng sợ nhất của sinh vật, sau bản năng săn thức ăn cho mõm.

            Cũng còn may là Quế Sương không mặc váy ngắn!

            Tàu lửa qua những thị trấn, xóm làng. Tàu lửa qua những cánh đồng, nương rẫy.

            - Chiều mai mới đến Huế, phải không anh? - Quế Sương hỏi trong tiếng xành xạch của bánh sắt lướt trên đường sắt hòa với tiếng gió bạt -.

            - Đúng rồi, chiều mai mới đến. Có trở ngại gì chăng thì muộn lắm cũng vào tối mai. - Nghiệm nhìn vào mắt Quế Sương. Đôi mắt không có vẻ gì ngái ngủ -. Hình như quê nội của Quế Sương là Vĩ Dạ hay Kim Long gì đó, đúng không? Chỉ bên bờ sông Hương thuộc nội thành thôi... Lo gì!

            - Huế đã có tắc xi rồi, em biết.

            - Chắc đã điện thoại ra nhà? Thế nào cũng có người đón.

            - Không. Em không muốn phiền. Nhưng có thể ba em đã điện thoại ra rồi.

            - Quế Sương còn nhớ Huế không?

            - Em nhớ em chứ. Em là Huế Thương mà! - Quế Sương bật cười khẽ. Tiếng cười khẽ lại nghe thật dễ mến -.

            - Là sao? - Hỏi xong, Nghiệm chợt tự tìm ra câu trả lời ngay -. À, ra thế! Vậy thì ngộ nghĩnh quá. Hóa ra lâu nay mọi người đều gọi tên... như thể nói nựng, chả chớt một cách âu yếm cả!

            - Đúng rồi. ''Quế Sương''''Huế Thương'' đấy! - Lại một tiếng cười khẽ thích thú -. Nhưng kiêu căng một tí cho vui, chứ em đâu dám vỗ ngực tự xưng chính em là Huế. Huế thương em vì em xa quê đấy chứ. Có lẽ Huế ghét cay ghét đắng em thì đúng hơn.

     - Không. Huế rộng lòng lắm. Vả lại, ai ghét Quế Sương nổi!

            - Ồ, có đấy. Nhiều người ghét lắm. Chẳng ai thương em cả! - Quế Sương cười lớn -.

            Cả hai người khách trước mặt đều giấu vẻ kinh ngạc trước tiếng cười lành lạnh, rờn rợn ấy. Chẳng hiểu sao, trong tình huống này, bỗng chốc lúc này, Nghiệm đâm ra thích tiếng cười có vị lạnh lẽo sắt thép lẫn chất cay đắng của nước mắt ở Quế Sương. Nó như một thứ vũ khí tự vệ đầy răn đe. Tiếng cười có uy lực của một nhan sắc. Nhan sắc này đáng gờm.

            - Quế Sương còn là lá rau quế ướt đẫm sương. Nhưng em không thích ý nghĩa quê kiểng ruộng vườn ấy. - Quế Sương lại nói về mình -.

            Nghiệm gắng nhếch mép cười. Anh chạnh lòng. Nghiệm thấy hai người đàn ông đối diện đang cố giữ vẻ đứng đắn, đạo mạo. Một người nhìn đăm đăm ra cửa sổ. Một người cắm cúi đọc báo. Tờ báo trên tay ông ta thuộc loại rất kén người đọc.

            - Quế Sương là vỏ quế cay dầm sương, thứ nước tự nhiên được trời đất chưng cất. - Cô bật cười khanh khách -. Anh thấy em có kiêu ngạo không?

            - Tôi là dân gốc ruộng, tôi thích thứ rau gia vị thơm nồng, dân dã và bình dị. - Cố gắng lắm, Nghiệm mới nói được thế -. Quế cay làm thuốc, quý lắm, nhưng với tôi chắc chắn là sẽ độc... Độc đáo ấy! Ông nội tôi ngày xưa ở rừng, người Thượng gốc cây quế mà! Không phải Huế đâu. Đúng hơn, là gốc khoai Môn - Khơ-me thứ thiệt ấy.

            Quế Sương lại cười khanh khách. Nhiều người lén nhìn cô với vẻ e ngại. Cô chợt nhớ chú Sống kể về gốc Pa-cô của anh.

            Tàu qua những thị xã, những sông, những cầu. Tàu qua những lũy tre, những rừng hoang.

            Sau bữa cơm đựng trong những chiếc hộp xốp trắng, toa tàu rơi vào sự ngái ngủ. Nắng mùa hè hai bên đường ray chói rực giấc trưa. ''Tháp Chàm kìa anh!''. - Quế Sương định nói -.

            Nghiệm cảm thấy anh tự ái hơi quá đáng, nhưng thật lòng anh vẫn yêu mến đức khiêm nhường, hồn hậu, trái tim nhạy cảm với bất hạnh, với cao thượng trong cuộc sống chung quanh ở Nắng Lụa hơn.

            Suốt buổi chiều cho tới khi ăn bữa cơm lúc năm giờ - giờ ăn tối lại quá sớm so với ở nhà -, họ chỉ chuyện trò vu vơ cho có chuyện.

            Đêm. Trời đất ngoài các khung cửa sổ đã tối đen. Ánh đèn dầu hiu hắt, ánh điện lập lòe lướt nhanh. Nghiệm hơi lạ khi thấy Quế Sương không có vẻ buồn ngủ, cũng không tỏ ra mệt mỏi, mặc dù ngay chính anh cũng đã ê ẩm vì ngồi một chỗ quá lâu, vì tiếng bánh sắt trên đường ray, vì độ chao lắc của khoang tàu và tiếng gió xé. Nhưng Quế Sương có vẻ buồn buồn. Nghiệm hơi áy náy. Nghiệm cũng chẳng biết nói gì. Có một quãng cách nào đó giữa anh và người đàn bà vừa li dị với chồng, nhưng vẫn trẻ trung, như một sinh viên chưa tốt nghiệp bên cạnh anh, dù thi thoảng vai cô chạm vào vai anh, tay cô chạm vào tay anh trên chỗ gác tay của ghế tàu lửa. Một nhan sắc ích kỉ, kiêu căng và lạnh lẽo! Nghiệm nhếch mép cười một mình, nhìn ánh đèn trên trần toa màu trắng dịu và chiếc quạt máy xoay xoay tứ phía, cái nhìn rỗng. Anh tự vấn về thoáng nhục cảm hồi sáng của anh và của hai người đàn ông trung niên trước mặt. Đàn ông, con trai với cảm quan giống đực đáng tởm. Đàn bà, con gái với bản năng khêu gợi, quyến rũ đáng khinh. Áo quần, mùi nước hoa gợi dục... Tất thảy! Nghiệm chợt thấy con người thật đáng thương và tội nghiệp, đúng là nô lệ của dục vọng.

            Nghiệm biết bản thân mình chẳng hay hớm gì, cũng đáng buồn cười quá đỗi.

            Tàu lửa băng nhanh, băng nhanh trong khuya.

            - Buồn quá. Anh mệt lắm không? - Bên cạnh, Quế Sương khẽ hỏi -.

            - Quế Sương chưa buồn ngủ sao? - Nghiệm giật mình, hỏi lại -. Có cần đọc cái gì cho đỡ buồn không?

            - Anh có mang sách theo?

            - Mấy tập thơ. Em đọc thơ chứ?

            Quế Sương khẽ bật cười. Cô im lặng.

            - Anh có sách gì dạy thiên hạ làm giàu không? - Vừa đùa, vừa thật, Quế Sương bảo, sau một lúc -. Thật đấy. Bây giờ là thời của đồng tiền. Thơ, phù phiếm quá!

            Nghiệm chẳng biết nói gì nữa.

            - Anh có sách gì khác không?

            - Tin học, vi tính. - Nghiệm đáp cộc lốc -.

            - Nhưng... Mà thôi. Có lẽ lúc này nhắm mắt lại là tốt nhất. - Quế Sương nói -. Im lặng và cố ngủ...

            Tiếng bánh sắt dằn qua những chỗ nối giữa các đoạn ray đều đặn, buồn tẻ, trong tiếng gió xé dữ dội nhưng đơn điệu, và nhịp chao lắc của con tàu không thay đổi, vẻ mệt mề của hành khách trên các ghế nệm, ánh sáng trắng nhạt, tất cả, lúc này, chỉ khiến Nghiệm nhớ về Nắng Lụa. Nắng Lụa, mười chín tuổi, năm thứ hai đại học. Năm năm dài dạy kèm toán lí và tin học cho cô, Nghiệm hiểu Nắng Lụa còn hơn cả em gái mình. Sống chung như anh em dưới một mái nhà, anh không hiểu hết Nắng Lụa thì ai hiểu! Nhưng Lụa hồng của Nắng, thứ lụa không thể nắm bắt bằng đôi tay được. Nghiệm dự cảm điều đó. Có những trực nhận không tài nào cắt nghĩa nổi. Chính vì vậy, mùa hè hồi còn học năm thứ ba, cách đây đã hai năm rồi, anh về quê và rơi vào một cuộc tình dẫn đến kết cục bi thảm. Nấm Tràm, cô bạn gái quê nhà, đã chìm trong điên loạn. Nấm Tràm, nỗi ân hận, giày vò, cắn rứt trong anh. Nghiệm nhớ. Như một ác mộng. Anh bừng mở mắt. Nghiệm chợt muốn quay về thành phố Hồ Chí Minh ngay. Nỗi sợ phải gặp lại Nấm Tràm trong điên dại, từ lâu anh cố quên đi, đã thức dậy trong anh. Một sai lầm hết đường cứu vãn!

            Nghiệm ngồi thẳng lưng để tỉnh lại thoáng ngái ngủ và hồi ức. Rất lâu, khi khuya lắm rồi, Nghiệm mới chìm vào giấc ngủ sâu.

            Mở bừng mắt, Nghiệm thấy nắng đã rực rỡ. Tàu sắp đến Quảng Nam. Đà Nẵng không còn xa nữa. Quế Sương bên cạnh anh, với thỏi son trong tay, đang soi vào tấm kính tráng thủy gắn vào nắp hộp trang điểm, chợt nhìn anh mỉm cười, cái mỉm cười như của một người đã từng trải! Nghiệm cũng cười đáp, ngồi thẳng dậy.

            Chẳng hiểu trong giấc ngủ khá say lúc nửa đêm về sáng tới giờ, vô thức Nghiệm ra sao. Nghiệm chả rõ, có thể trong tiềm thức lại hiện về một Quế Sương áo trắng mười bảy tuổi, thời Nghiệm thầm yêu da diết, nhưng rõ là Nghiệm quên hết rồi những tự ái, thất vọng, nhục cảm, ăn năn, mơ mộng, suốt ngày hôm qua. Lúc này, Nghiệm thấy Quế Sương đẹp đến lạ lùng nhưng không còn lạ lẫm với quãng cách nào giữa hai người nữa! Nghiệm khỏe khoắn và phơi phới hẳn. Thật kì lạ! Như một đột biến. Giấc ngủ thật mầu nhiệm. Nhưng tâm trạng hôm qua đâu phải do mất ngủ. Tâm trạng ấy có tính hợp lí, có căn nguyên. Và lẽ ra, hôm nay Nghiệm phải bị nhấn sâu hơn vào tâm trạng ấy chứ.

            Khi đi đánh răng, rửa mặt, Nghiệm chợt thấy trong đầu thoáng qua một ý tưởng: Phải chữa bệnh cho Quế Sương. Rõ là cô ấy bị bệnh thời thượng, bệnh hoàn cảnh. Nhan sắc ấy, cơ chi đừng thực dụng, rỗng tuếch, ích kỉ, vô cảm đến thế! Và thời trang khêu gợi ở Quế Sương nữa! Và mùi hương nước hoa, loại hương nồng nhục cảm! Nghiệm xấu hổ giùm, tuy cũng tự thấy anh buồn cười, cao ngạo rởm.

            Khi cùng Quế Sương uống cà phê, Nghiệm bình tâm trở lại, không tự dằn vặt, cũng không hân hoan. Anh thấy nên thân mật với Quế Sương. Quế Sương đã lôi anh vào một cuộc truy tìm... nỗi bệnh. Anh cần hiểu thêm cõi đời anh đang sống. Xã hội rộng lớn nhưng lại ở trong từng người, với một tỉ lệ nào đó. Anh thấy thú vị hơn với ý định chinh phục Quế Sương. Thắng, bại là lẽ thường, ngại gì nhỉ! Ít ra cũng có kinh nghiệm thất bại.

            Khói thuốc lá đầu tiên làm Nghiệm lâng lâng với ý nghĩ, thây mặc đó có là ý nghĩ nông nổi, phiêu lưu và chưa hề là ý nghĩ thật đúng như ước vọng hiện tại của anh. Nghiệm tiếc nuối, có một thời Quế Sương là ước vọng ấy.

            Nghiệm ý thức rõ anh đang chuyện trò với một người đàn bà trẻ đẹp hai mươi ba tuổi vừa vĩnh viễn chia tay chồng. Nhưng trái tim anh đang rung động rất thật, thật đến không ngờ. Anh mơ hồ thấy mình đã khác trước, chỉ trong một ngày, chỉ sau một đêm.

            - Đến Đà Nẵng, tàu lửa sẽ ngừng lại một giờ. Đổi đầu máy, cả mười mấy toa sẽ chạy ngược tuy vẫn trên đường ra. - Nghiệm nói -. Một đầu máy đẩy, một đầu máy kéo, để lên đèo.

            - Anh ra Huế hay ra luôn Quảng Trị?

            - Ra Hà Nội luôn. - Nghiệm cười -. Em có dám ra Hà Nội chơi một chuyến không? - Nghiệm che miệng và thầm thì -.

            Quế Sương mở to mắt, bất ngờ trước một Nghiệm liều lĩnh.

            - Dám không? - Nghiệm lại táo bạo hỏi khẽ -.

            - Em thì còn sợ gì trên đời này!

            Nghiệm ngỡ Quế Sương cười khanh khách, lành lạnh, rờn rợn, uy lực như sắt thép, như nước mắt cay đắng đến cháy tim người. Nhưng không, Quế Sương cố ghìm tiếng thở dài.

            Nghiệm vui đến sững sờ. Anh ý thức rõ anh đã hoàn toàn khác trước. Say đắm đến nghẹn ngào. Quế Sương thuở nào và Quế Sương bây giờ đột nhiên là một trong anh.

            Tàu lửa vẫn băng nhanh, băng nhanh. Nắng tháng bảy năm ngoái rực rỡ. đến lúc này, nhớ lại, Nghiệm vẫn còn ngỡ như khắc vào trí nhớ gương mặt Quế Sương sáng ấy - gương mặt sáng ngời lên với tiếng cười khẽ dễ mến đến vô ngần, khi anh lại nhỏ giọng, hơi tinh nghịch:

            - Huế Thương rồi, bây giờ sắp đổi lại là Huế Thương Huế, để rồi qua đèo, Huế Thương chỉ ngồi hướng mặt vào nửa nước phương nam. Chưa tới Huế đã nhớ Đà Nẵng, Sài Gòn...

            - Có điều, em đâu xứng đáng là Huế!

            - Phải cố gắng trở thành Huế. Đúng hơn, phải cố gắng là Huế, thương cả nửa nước phương bắc, thương cả nửa nước phương nam. - Nghiệm cười -. Nhưng đấy là chơi chữ cho vui, ẩn dụ đùa đó mà. Vứt cả đoàn tàu đổi đầu, thêm đầu, chạy xuôi chạy ngược đi. So sánh con người với vật chất thế nào được!... Phải cố gắng là Huế rất Huế! - Nghiệm xúc động nói với nụ cười hơi mấp máy -.

            Hai dòng nước mắt của Quế Sương long lanh. Cô cũng mỉm cười. Nghiệm còn nhớ, giây phút ấy anh hoàn toàn bất ngờ trước một Quế Sương giàu xúc động đến thế. Đầy hi vọng, anh vội tin chắc tiếng cười của người anh yêu sẽ không còn lành lạnh, rờn rợn nữa, bởi vết thương trong tâm hồn Quế Sương sẽ khỏi. Giây phút ấy, anh tin uy lực của người anh yêu là tiếng cười vang giòn, hồn hậu và đức hạnh. Anh đâu biết, giây phút ấy, Quế Sương chợt nhớ lại cơn lũ nào xa xưa, ở thượng nguồn một dòng sông tại Quảng Trị, đã cuốn phăng một chiếc bè với một cậu bé về một làng người Kinh gốc Chăm. Cậu bé ấy, may thay được một cô bé phát hiện, kêu cứu giúp. Đó là đứa trẻ trai thuộc tộc người Pa-cô, nói tiếng theo ngữ hệ Môn - Khơ-me. Chú Sống kể, Nghiệm chính là cháu nội của cậu bé và cô bé thuở xa xưa ấy. Cơn lũ ấy, bảy mươi năm rồi, như thể vẫn còn đây, trước mặt Quế Sương. Tiếng bánh sắt trên đường sắt, tiếng gió xé theo đoàn tàu lửa băng nhanh, và nhịp thân tàu chao lắc, ảnh hình cảnh vật bị lưới sắt cắt thành bao ô nhỏ, lướt nhòa như trôi trên mặt nước rực rỡ nắng, tất cả, với câu chuyện về gốc gác Nghiệm, đã từ lâu Quế Sương biết, khiến cô ngỡ đang lao theo cơn lũ ấy - cơn lũ trong trái tim Quế Sương, cơn lũ trong trái tim Nghiệm. Hai đứa bé, bỗng chốc đã hai mươi ba và hai mươi lăm tuổi, sáng hôm đó, tháng bảy năm ngoái. Như thượng nguồn với cửa sông xưa...

            Giây phút ấy, Huế còn xa hơn một trăm cây số với mấy đèo cao, bao sông rộng, đã gần kề, thật gần kề. Nhìn vào mắt Huế Thương, Nghiệm thấy mình được nhân hai trong hai con ngươi đen láy, nhờ quả đất đã được nhân hai hình chiếu. Mỗi người đều trở nên lớn lao và tìm thấy mình trong tình yêu đương.

            Giây phút đó, ảo rất thực và thực rất ảo.

            Hoàn toàn bất ngờ với Quế Sương và Nghiệm.

            Rồi cũng chỉ là thoáng bốc đồng với dự định lãng mạn, chuyến đi thẳng ra Hà Nội ấy.

 

 

 

 

Xem tiếp truyện ngắn thứ 3 (liên hoàn)

 

 

(  xem tiếp : truyện ngắn 3 )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7