a. Trần Xuân An - Hát chiêu hồn mình - Tệp 1b

 

author's

copyright

trần xuân an

hát chiêu hồn mình

tập thơ

Nxb. Đồng Nai, 1992

06/30/09

 

 

Phần 1

 

Phần 2

 

Phần 3

 

 

                             

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

 

HÁT

CHIÊU HỒN

MÌNH

 

thơ

( phần 1 )

 

 

NHÀ XUẤT BẢN ĐỒNG NAI

1991

 

 

 Xem

http://tranxuananthitap2.blogspot.com/

 

 

 

hồn xiêu phách lạc giữa đời

thơ ơi hãy hát cho tôi chính mình…

niềm chung hoá khúc tự tình

nầy đây, với cả tâm linh, hát rằng…

 

 

 

 

THOÁNG XƯA

 

tôi trở về đây sông ơi

bước trên lối cỏ một thời ấu thơ

 

ơ kìa chú bé ngây ngô

mải theo chiếc bướm thoắt chờ thoắt bay

 

dù áo đầy bông cỏ may

súng vang, tiếng mẹ khô gầy tìm con!

 

vẫn thơm nắng gió say hồn

vời trông cánh nhỏ chập chờn dần xa

 

sông ơi bao năm trôi qua

thoáng xưa gặp lại ướt nhoà mắt tôi.

 

                                        1990

 

 

 

 

KHÚC HÁT

CHIÊU HỒN MÌNH

 

thơ ơi bây giờ nơi đâu?

ngóng mãi bao cánh chim phương nào bay lạc

và bao tiếng hát một mình

tiếng hát lặng thầm sao!

 

tho ơi bây giờ nơi đâu

những trang giấy bay xa

                     phất phơ

                        phiêu đãng

theo làn sóng nào chìm vào im lặng

 

bây giờ thơ ơi nơi đâu?

tấm lòng nào mênh mang

              đất lành nào chim ở lại

trong trí nhớ cuồng đau tôi

             cả đàn chim bùng lửa cháy

sao từ tro than còn hiện hình về

 

thơ ơi

tôi biết

thơ phải bùng cháy cuồng điên…

 

thương sao tiếng hát đau thầm

nở sinh tự trái tim không nguôi lốc xoáy

(ơi trái tim –

chiếc tổ nhỏ nhoi

kết bằng bao lá cỏ nhuốm máu đặc đầy

lạnh buốt sương mù

lăn lóc trong trăm chiều gió thổi!)

 

trái tim trái tim nào biết tại sao…

ơi trái tim trên miền đất nắng gió bão bùng

xứ sở đẹp não nùng dữ dội

 

thơ ơi nào biết vì sao…

dù ở nơi đâu nơi đâu

thơ ơi chim ơi cũng hãy tìm về

hỡi những mảnh hồn bay lạc

hãy tìm về!

lắng yên rồi cơn cháy cuồng điên

                         đỏ rực niềm đau.

 

                                     1985

 

 

 

 

HUẾ VÀ NGÀY SINH

 

                       kính tặng Mẹ và Huế

 

một hừng đông xám

dâng lên phía bên ngoài cửa thành

 

tháng mười một và cơn mưa dầm

miên man mỏi mệt

gió lùa thốc qua mặt đường lặng câm

cánh lá

lao đao

cắm vào bùn lầy hẻm vắng

 

tất cả nhoà sau cơn mưa phùn

 

người phu xe đứng ngã tư đường

không buồn ngước mắt

chân như gốc cây ướt rêu cắm chặt

vào mùa đông

thôi thì mặc gió mưa bão bùng

cây muôn đời muốn lặng

 

tháng mười một và cơn mưa dầm

mưa miên man mỏi mệt

mầm sống cựa mình và cơn đau thắt

người mẹ hoài thai trong nỗi đau thầm

nửa đời chưa nguôi nước mắt

lại sợ giật mình nghe tiếng khóc sơ sinh

ngày con làm người Đất nước chưa yên…

 

một hừng đông xám

dâng lên phía bên ngoài cửa thành

 

mầm sống cựa mình

bật khóc

chiếc lá nhỏ nhoi úa lạnh…

 

tiếng mưa xa xăm

rơi vào bóng tối

tiếng mưa thâm trầm

rơi buồn mái ngói

tiếng mưa bổi hổi

ướt đầm trong khăn

 

mẹ ru êm giấc ngủ con nồng

vành nôi ấm bàn tay của mẹ

ấm mảnh chăn ủ quanh thân bé…

và nhịp nôi đưa

         từ hôm nay nghiêng về quá khứ

nhịp nôi đưa

từ xa xưa oà về gần gũi quá

nhịp nôi đưa

từ trái tim đập khẽ

bồi hồi

như thực như mơ

 

ba mươi năm trôi qua không ngờ

giông gió nào đã thổi qua đời người mẹ trẻ

cất giọng hát ru trong khuya sâu thẳm

dư âm gió giông trong hơi ngân và tiếng thở dài

nắng vàng mật ong vầng trăng con gái

sao vội tan nhoà trong mưa đêm nay

 

người mẹ ấy hiểu tháng năm cuộc đời

                                          bằng kỉ niệm

bằng tiếng ru buồn không nguôi

nối cùng câu hát xa xưa, sờ vào còn ấm lửa

người mẹ ấy lớn lên giữa đời

 

ngờ đâu giọng ru hời

không buông bâng quơ trong khuya

 

ngờ đâu

không phải vô tâm, tiếng mưa rơi, bát ngát

quanh giấc ngủ trẻ thơ theo nhịp đưa nôi

 

chiếc nhau bám vào lòng mẹ

khi con nở sinh hình hài

chiếc nhau tan vào mặt đất

cho con đi đứng giữa đời

câu hát là dòng sữa ấm

chảy từ ngàn năm xa xôi

 

chú bé lớn dần trong tiếng mưa rơi

âm vang trong thành phố cổ

âm vang trong lòng mẹ

tiếng à ơi

bao quanh vành nôi

 

ơi hạt mưa rơi

giọt nước mắt

hãy thấm vào mặt đất

và qua đất

dưới nắng ấm sớm mai

thành giọt sương như mảnh trời vỡ nát

long lanh soi

 

hạt sương và ai

ra đời trên tay mẹ

rất diệu kì như đất

 

ơi cơn mưa

mưa đến mỏi mòn sớm mai tháng mười một

ơi cơn mưa

mưa tản mạn mênh manh bát ngát

nơi có trái tim bé nhỏ tinh khôi

mưa bật khóc…

 

bây giờ tóc mẹ đã bạc rồi

sao mẹ nhắc mãi tháng năm chia lìa tan tác ấy

hay khi mẹ nhìn vào vầng trán con

ở đó, còn nguyên những gì không phai nhạt nổi

trong đời người suốt cả đời người

hay khi con nói con cười

có nét nào của tiếng mưa xa xăm vọng lại

xui mẹ nhớ hoài…

và con đọc trong mắt mẹ, mẹ ơi

cả niềm u uẩn đằng sau lời kể ngậm ngùi mộc mạc

như lời ru tự bao giờ qua mẹ hát

chưa được sinh ra con đã thuộc rồi…

 

1984

 

 

 

 

THĂM ANH NƠI MIỀN XANH ẤY

 

                      kính tặng gia đình anh Thảo

 

biếc xanh chim hót vườn anh

xanh ngời cây lá như xanh nơi nào

nơi nào xanh tự ca dao

và vì rát bỏng gió lào nên xanh

 

quê xưa đất lửa hoa lành

mặc triều mặn ngọt cỏ thành lúa khoai

Nhĩ Trung xa lắc, đêm dài

còn nghe Cửa Việt sóng hoài vọng ru

 

đường lên ngỡ lạc vào thu

ngày đầu xuân rừng cao su lá vàng

từ ngỡ ngàng đến ngỡ ngàng

điều như lập hạ như soan tím cành

 

chuỗi hạt tiêu óng mượt xanh

bao cay đắng giữa vườn anh chín dần

mồ hôi nước mắt ứa tràn

đất đai thấu hết, dừa càng ngọt trong

 

bơ vơ đói khát long đong

dắt bồng xiêu giạt oằn cong lưng gầy

khó nghèo khổ nhục giăng đầy

… Đức Linh, Bến Kéo… nơi này, yên chưa!

 

Tây Ninh nắng mật vàng trưa

ơn miền đất lạ bốn mùa đan nhau

tạm vui, anh đã ngẩng đầu

dốc li rượu đế, trán nhàu, nhớ xưa

 

mười bảy năm rồi sầu trơ

nén nhang vô thức bây giờ toả hương

vườn xanh từ những buồn thương

và vì tủi cực cội nguồn mà xanh

 

Phước Minh dù vẫn mái tranh…

tìm đâu nấm mộ vô danh úa mòn

từng khuya, gió thoảng lạnh hồn…

đất lành lại chỗ núi non em nằm…

 

1992

 

 

 

 

ĐÔI KHI

 

                   tặng Phú với lòng quý trọng

 

đôi khi thơ tình của anh…

có bài em chưa tìm đọc

anh vẫn thấy trên màu đen mái tóc

cơ hồ một thoáng mây buồn?

 

hay em đã cảm thông rồi, em yêu thương?

người làm thơ phải chăng vậy đó

dù đánh giặc giảng bài đi cày đẵn gỗ

dù tuổi xanh tuổi vàng vẫn là người tình?

 

sao em không bảo anh còn lênh đênh?

sao chẳng ném những bài thơ kia ra bùn

                                             hay vào lửa?

dường như trong em cũng chia thành hai nửa

càng cúi xuống vì thơ càng bay lên vì thơ?

 

sao em không nghi ngờ anh bao giờ?

hay chẳng ghen với cái bóng mơ hồ,

                   cái vô hình của gió?

dù anh hạnh phúc trong thơ,

                   dù trong thơ anh đau khổ

em hiểu giữa đời thực này,

                   ngoài em, còn ai đâu?

 

từ khi ta bước vào đời nhau

thi thoảng có đôi bài thơ tình như thế

để rồi bồi hồi phân vân quá thể

có phải anh vẫn là anh nhưng không chỉ là mình?

 

hay cũng chỉ bắt đầu từ em

cho anh vượt lên anh,

để cùng em biến thiên

với nhiều khuôn mặt khác?

cho anh ngỡ lòng mình bay lạc

để cuối cùng lại gặp chính em?

 

1990

 

 

 

 

 

LIÊN KHÚC BUỒN

TRONG MỘNG TƯỞNG

 

1

đường đê bên hàng cây

nắng vàng mơ màu phai

hoa xưa thì thầm nở

hương tình ơi, nơi đây

chim xưa về tìm tổ

trong làn mây xa bay

lao đao theo chiều gió…

tôi về em đâu hay

 

2

chầm chậm lục bình trôi

mát xanh dòng nước trôi

bướm trắng sầu nghiêng cánh

bay theo hoa, bồi hồi

nhớ sao màu mực tím

người xưa, lá thư xưa

tóc đôi bờ, nơ tím

thương nhau qua mấy mùa

 

3

đường đê bên hàng cây

nắng vàng mơ tàn phai

nhớ người xưa bóng nhỏ

mưa hoa tà áo bay

nhớ người xưa guốc nhỏ

trên đường đất nâu gầy

giờ xa rồi, cỏ úa

chim sầu mây đâu hay

 

4

mây hoài theo phương xa

non cao nào mây ghé

chim hoài trông phương xa

già nua đời quạnh quẽ

đêm mù sương mù sa

bay trầm ngâm lặng lẽ

ngày loà, nắng lập loà

soi dòng sông, rớt lệ

 

5

đường đê bên hàng cây

nắng vàng mơ, tàn phai

hai năm rồi, tơi tả

rách nát hồn sao thay

hai năm, mưa mòn đá

dấu tóc còn in vai

hai năm làm thú lạ

không quên được những ngày…

 

6

người đi, chiều vàng võ

người đi, sầu cho ai

cắn môi ta nín khóc

trợn trừng nhìn hai tay

vẫy cơ hồ đã chết

mắt khuya ứa lệ dài

ngất từng cơn mê mệt

mà người đâu có hay!

 

7

chầm chậm bên đường quê

sông tìm biển xuôi về

năm nào con ốc nhỏ

nằm yên lành lắng nghe

đời rì rào than thở

trời trắng cười hôn mê

hôm nay mòn rách vỏ

bỗng nghe chiều buốt tê

 

8

đường đê bên hàng cây

nắng vàng mơ, tàn phai

ngậm ngùi đưa từng bước

dòng sông thoảng thở dài

bóng nhoà lê phía trước

tôi còn tôi nơi đây

làm sao em biết được

lòng tôi chưa tàn phai.

 

                         1973

 

 

 

 

 

THĂM BẠN Ở PHAN THIẾT

 

                         tặng Võ Văn Tám (Võ Nguyên)

 

màu xanh Phan Thiết vàng óng nắng

mặn nồng ngọn gió thoáng và tươi

hai hôm ghé lại tìm thăm bạn

cọc cạch đèo nhau, phố, biển, đồi

 

Phan Thiết lần đầu ta ở lại

ngỡ đã thân quen tự thuở nào

bạn học, đã thấu lòng thuộc nết

ngẫm bao lận đận càng thương nhau

 

thương quá thằng bạn gầy đen cũ

đã vợ đã con áo đã lành

gặp nhau mừng tủi cười ngơ ngẩn

thoáng chốc, mười ba năm trôi nhanh

 

rủ nhau ngất ngưởng cùng Phan Thiết

bạn quen mắt cũng mới hẳn đi?

ta nói ta cười và muốn khóc

cuộc đời bỗng đẹp quá, đôi khi

 

đêm cuối chập chờn, khuya, tỉnh giấc

sớm sẽ rời xa, buồn bao nhiêu

bạn khẽ trở mình hay đã thức

ta trĩu niềm thơ thở chẳng đều.

 

                                           1991

 

 

 

 

MÃI HOÀI CẦN THƠ,

VỚI TRÁI TIM THUỞ ĐÓ

 

cô gái Cần Thơ thoáng gặp bên đường

tóc thoảng hương trời óng mướt dễ thương

hai mươi tuổi giữa hoa và trái

giọng thảo nào ngọt mật ngời sương

 

cô gái Cần Thơ đêm về tôi nhớ

trong mơ đã nói yêu tôi

hồn cứ vậy hoài công mộng tưởng

cái đẹp hoá nàng thơ thấu hiểu lòng người?

 

cô gái Cần Thơ bên bờ sông Hậu

sông giàu phù sa tâm cũng giàu tình

tôi cằên cỗi khô khan cùng kiệt

say đắm em, sao khe khắt với mình?

 

tôi chẳng hiểu tôi được nữa

can cớ gì mặt cứ đăm chiêu

quá ảo vọng và quá nhiều thất vọng

nên một đời lảo đảo liêu xiêu?

 

tôi chẳng hiểu tôi được nữa

can cớ gì cứ mải làm thơ

phút chốc của đời, chuốc vào mình

                             thiên thu đọng lại

sống lắng sâu như thể ngu khờ!

 

thôi đành vậy, cô em Cần Thơ

trái tim lắm nỗi bất ngờ

từ ngẫu cảm em cười trong tụng khúc

thoáng ấy tuyệt với đâu nỡ hư vô.

 

                                      1992

 

                                        

 

 

MÙA NGÔ

Ở VÙNG ĐẤT ẤM ÁP

 

tháng tư,

        bắt đầu mùa mưa

giọt mưa rơi trên mái nhà

        lăn vào lòng em câu hát

bắp ngô giống sáng ngời từng hạt

rơi vào gùi mây

        âm thanh tháng tư

 

mưa tháng tư mưa tháng tư

cao nguyên cao nguyên đỏ thắm đến không ngờ

cơ hồ tình ca cao nguyên viết trên mặt đất

bàn tay ai làm tươi thêm triền dốc

dòng chữ màu xanh náo nức, bung ra

 

bung ra! bung ra! ơi mưa!

             thắm thiết mùa ngô

giọt mưa trong ngần long lanh từng khoé lá

soi nụ cười hồn nhiên rạng rỡ

và đôi mắt ngoan lành lóng lánh ai ơi…

 

vào mùa rồi! vào mùa rồi!

ơi bồi hồi

             náo nức

             bung ra!

âm thanh tháng tư tháng tư…

và cô gái kia ơi, ai hát tình ca?

trên cao nguyên Huế mới mẻ không ngờ…

 

2

anh trở về giữa bát ngát mùa ngô

nghe tiếng lá bổng trầm sao trở thành điệu hát

(dòng suối nhỏ dạo này chảy xiết

ngày chủ nhật vội vàng, mong sao kịp tìm em!)

 

ấm áp sao xóm làng người đồng hương

giữa cao nguyên bao la vô cùng yêu dấu

nơi anh thầm trao nỗi nhớ

nơi anh lắng nghe xôn xao tiếng hát mùa màng

 

ơi bao vùng ngô đỏ thắm ba-dan!

sao làn điệu quê hương

               gọi anh đến

               bồi hồi trong tiếng lá

anh vẫn tìm ra em trong bao âm thanh

               quen thân, bỡ ngỡ

(cho anh tìm ra anh trong khúc hát ông cha…)

 

xanh thắm mùa màng xanh thắm tình ca

anh bàng hoàng

               giữa bát ngát mùa ngô

với tiếng lá bổng trầm long lanh đôi mắt

biết bao ấm áp quê nhà…

 

                                             1979

 

 

 

 

CHÙM THƠ NHỎ

 

VƯỜN XANH TIẾNG CHIM – 1977

 

vườn xanh quen, sao bỡ ngỡ

bên nhau chẳng có ngày thường

tiếng chim chưa bao giờ cũ

mới hoài lời em yêu thương.

 

ĐÊM UỐNG RƯỢU Ở TRƯỜNG,

DẶN NHAU – 1982

 

một dĩa cải chua, vài con khô cá

chạy được chai rượu đầy, sẵn cái chén mẻ, cũng hay!

ba thằng giáo chuyền tay vầng trăng nứt

nhớ nước mắt đừng rơi, xin ấm góc trời này!

 

NỬA ĐÊM – 1982

 

tiếng dế ran góc nhà tuổi nhỏ

đánh thức tôi vào lúc nửa đêm

tôi tỉnh dậy biết mình không thể ngủ

mở cửa nhìn trăng đứng lặng bên thềm.

 

VỚI VAN GOGH – 1985

 

cuồng điên với nỗi yêu thương

một đời say đắm trên đường ngả nghiêng

cháy bơ vơ ngọn lửa thiêng

nét màu quằn quại không yên nghìn đời.

 

QUỸ ĐẠO NHỚ – 1992

 

ngỡ nghìn năm rồi thấy em

ơi vầng trăng thức ngày đêm trong đời

hiện rồi khuất, đầy và vơi

đi hoài lối nhớ, lẻ loi – giữa hồn.

 

 

 

 

NGÀY CON RA ĐỜI

 

                      tặng Phú và con

 

bây giờ, còn một mình anh với đêm

thắp lại mấy mẩu nến hồng sinh nhật

con đã chúm môi thổi tắt

để bước vào lứa tuổi lên ba

 

anh nhớ, ngày sắp được làm cha

em xanh mét trong cơn đau sinh nở

mướt mồ hôi quặn thắt nghẹn thở

níu chặt vai anh,

      đi gần cả buổi sáng quanh phòng

 

bệnh viện nhỏ, ngày sắp hết năm

chỉ còn dăm người mặc blu màu trắng

khi đặt em trên ghế nằm,

      anh ra ngoài đứng lặng

bồn chồn dưới trời bay mưa rét một mình

 

nắng hửng rồi, em vẫn chưa sinh!

chỉ tiếng em rên la,

      lá xào xạc gió

chẳng cầm lòng,

      anh bước vào,

      nắm tay em tím từng ngón nhỏ

vuốt tóc rối cho em, cô hộ sinh dễ dãi mỉm cười

 

bóp nghiến tay anh, cơn đau xé thịt từng hồi

– gắng đi em,

      gắng đi em,

      ơi Người Mẹ –

anh kêu thầm, thương em, và hồi hộp quá

em cắn chặt môi, nước mắt chảy trào

 

con lọt lòng trên đôi tay dịu dàng khẽ nâng cao

anh reo lên,

      ngẩn ngơ trước mừng vui,

      diệu kì

      máu huyết!

em bừng mắt khi nghe con khóc

rồi lịm đi trong sung sướng, buốt đau…

 

gửi em và con, anh bâng khuâng đi chôn nhau

choáng váng trước niềm thiêng liêng,

      anh từ đó cơ hồ đổi khác

dù giặt tã, làm thơ ru con,

      và có khi thơ thành khúc hát

lòng cứ lâng lâng trong mầu nhiệm đời thường

 

được làm mẹ làm cha,

      đêm nay, càng thấm thía Yêu Thương

để có một con người

      (dẫu tự phôi thai đã làm ra hạnh phúc…)

phải hai mươi năm sau…

      hai mươi năm sau, vững vàng, cứng cáp

mới là ngày con thực sự ra đời.

         

         1990

 

 

 

 

ĐÀ NẴNG, CHIỀU TIỄN BẠN

 

                            tặng bạn bè ở Tam Kỳ

 

chiều vàng nơi phương xa

lá vàng vây quanh nhà

mang mang sầu tiễn bạn

men mùa ngấm lòng ta

 

ngó mông lung ra đường

chiều rưng vệt tà dương

nắng vàng hiu hắt nhạt

gió lạnh luồn qua xương

 

loanh quanh chân bước đi…

– thăm nhau sao vội về

mùa đi còn bịn rịn

ngày đi còn bước lê

 

đường về đầy gió vui?

hiểu giùm nhau ngậm ngùi?

nơi đây đời cô độc

quanh quẩn tới rồi lui!

 

chiều dần tàn dần xa

lá vàng vây quanh nhà

gió đùn nơi cố xứ

ta gửi đi sầu ta

 

bạn về ta buồn thôi

nơi đây đá không lời

cỏ cây không biết nói

ta tâm sự cùng ai?

 

loanh quanh chân buồn đi

đi qua rồi đi về

ngó lên rồi ngó xuống

giữa phố ta rất quê

 

bạn bè xa nào hay

tình thân như khói bay

lùa mắt ta mọng đỏ

đọng vào hồn mờ cay

 

chiều vàng tàn phương xa

lá vàng vây quanh nhà

chôn chân ta quạnh quẽ

cây đứng chờ sương sa.

 

                              1973

 

 

 

 

CÕI NGƯỜI TA SẼ ĐẸP SAO 

 

cho Bài Thơ và Nhân Văn

 

cơ hồ có trăng sao

và nắng hồng ở đó

cơ hồ thêm ngọn gió

thơ nâng hồn lên cao

 

thơ nâng con lên cao

hồn thơm theo hơi thở

mắt ôm choàng xứ sở

ơi lung linh nao nao

 

con yêu thơ biết bao

hiểu mình và thấy rõ

thơ lọc cho máu đỏ

như trái tim nhiệm mầu

 

nhìn sâu để bay cao

cho chất người rạng rỡ

vượt lên tầm đã có

xem sức mình đến đâu

 

bay cao bay bay cao

lòng mẹ cha nâng đỡ

thơ mênh mông cánh vỗ

cõi người ta đẹp sao!

 

                            1990

 

 

 

 

NGÔI NHÀ

CÓ CÂY THỊ THƠM VÀNG

 

             tặng Nguyễn Tấn Sĩ và Xuân Đào, ngày cưới

 

đâu phải là tình cờ

phải không?

 

vượt qua tháng qua năm

qua rừng sâu sông dữ

vẫn nụ cười hiền ngoan

chờ anh, tươi trước ngõ

ơi ngõ hoa trong thơ yêu em…

 

đâu phải là tình cờ

khi em thành người vợ

như một thuở học trò

quanh gốc thị vẽ vời dòng thơ

 

quả thị ngày xưa

vàng ươm bàn học

từ nay, bên bàn anh viết

tóc em thơm suốt bốn mùa

 

hạnh phúc

đâu chỉ trong cổ tích

đâu chỉ là ước mơ!

 

cây thị trước sân nhà

mẹ cha trồng nuôi lớn

nắng đời ươm quả chín

hương thơm vào tình ta

 

vượt qua nắng qua mưa

qua rừng sâu sông dữ

hương thị thơm và thơ học trò

          mơ hồ trong trí nhớ

đưa vào đời anh người yêu ngày xưa… (*).

 

                           1980

 

 

 

 

 

VƯỜN THU TRƯA

 

trưa vàng thu, áo vàng bay

em đưa mộng tới vườn cây quanh nhà

cành trên chim bướm về qua

nắng hoàng hoa thoảng ngoài và trong anh

 

trưa tình thu, tóc tình xanh

đưa nhau đi giữa gió lành mây ngoan

tay măng che lá mưa vàng

lá mưa vàng lá mưa vàng, đầy hương

 

trưa mùa thu, hồn mùa thương

em đưa thơ tới cây vườn tàn phai

bướm ong nghiêng cánh nghiêng vai

phả vào anh thoáng nắng say mơ hồ.

 

                                         1973

 

 

 

 

NGÀY TRẦM HƯƠNG THƠ CA

 

ngỡ vùi trong đắng hồn trơ đá

thắp hương thầm khấn, lạnh niềm thiêng

bâng khuâng cúng Tết cùng thiên hạ

hoa ngát nghìn đời oan Khuất Nguyên

 

tâm trăng sáng tứ thơ sao biếc

trí biển xanh tình nước rạng đông

vua ngu muội và quan xiểm nịnh

sạch, hoá dâm, biếm trích, long đong (*)

 

ông độc thoại nâng chung ngang trán

nước mắt đầm từng khúc Sở Từ

kế li gián thuở nào đã vậy

thả tự do sống vẫn rất tù

 

ngấm oan khốc hát buồn chia biệt

hồn xác tìm cõi đẹp mấy trời

sao khát vọng đổi đời đổi xứ

thương quê hương, để nước cuốn trôi?!

 

hai ngàn năm về cùng dân dã

giỗ ông thành đạo lí, niềm thơ

với máu thiêng nuôi hồn đất nước

phong tục kia lấp lánh không ngờ (**)

 

ngẫm chuyện ngày xưa nghe mẹ kể

vắng trưa nay tâm sự Thạch Sùng

duy dân, ánh mặt trời thẳng đứng

giờ của thơ, kẻ sĩ cô trung

 

đúng ngọ, ở nơi xa ruộng rú

cây nhà ai trổ lá Mùng Năm?

“phút linh, cầu…” (***) thảy đều thuốc quý

cứu đời, đừng lạc khỏi trần gian!

 

từng hạt nếp dầm tro cay xé

bánh luộc lên trong vắt thơm bùi

giống kê mọc đất sầu cằn cỗi

hương lừng từ cơ khổ ngậm ngùi

 

chạnh nhớ tuổi thơ bên trang sách

lông vịt năm màu toả mặt sông

Mịch La quặn sóng từng dòng chữ

chỉ se tưởng niệm thấu bao lòng

 

đứng sững sờ nhìn hương khói ngát

nỗi đau thành thánh tích vì đời

không hiển linh như là Chúa, Phật

khúc Li tao quá đỗi con người

 

tín ngưỡng ông, vọng hồn tiên tổ

mỗi nguồn cội có cõi vô bờ

triều đình nào tiếc thơ cương trực?!

giấu bài vị?! nhân dân tôn thờ

 

hai ngàn năm đã thời thế khác

bao nhà thơ khuất lấp nơi nào

cửa bật mở bung ra tám hướng

có lòng, còn lận đận, lao đao?

 

lạy tạ ông, kính dâng chén rượu

xin thi sĩ về giữa Mùng Năm

đâu bạn thơ chả tìm họp mặt

Ngày Tao đàn Dân dã (****), đừng câm!

 

 

như bùng lửa lư trầm thiên cổ

với nhân gian, bừng Tết Thơ ca

đau vạn nỗi xưa nay u uất

người là người giữa cõi người ta.

 

Tiết Đoan ngọ 

1992

 

 

 

 

 

KHÚC HÁT TÌM RỪNG

 

         tặng Lê Phước Dạ Đăng (Lê Phước Sinh)

 

với chút tình em

mai ta lên núi

gập ghềnh cỏ dại

xoá dấu chân người

thơ rải đôi nơi

cùng sương khói đá

nhỡ mai nhớ quá

tìm đường thăm nhau

 

rừng sâu rừng sâu

sầu chi sâu thẳm

vượn hú nơi nao

lẻ loi rợn lạnh

ta ngồi cô quạnh

giữa núi rừng già!

 

rừng xa rừng xa

xa mờ năm tháng

sống nốt đời ta

giữa rừng sầu hận

và chút tình thơ

hoá niềm cay đắng

bàn tay khô khẳng

bên ngọn lửa bùng

 

hỡi ơi với rừng

ta thành đá tảng

câm nín nghìn năm

rưng rưng sương trắng!

 

cam đành quên lãng

sao còn thương nhau! (*).

 

1975

 

Cước chú bài Khúc hát tìm rừng:

 

 

 

 

THÊM MỘT LẦN

EM TOẢ NẮNG TRONG TÔI

 

vì tôi là kẻ thiếu đức tin

mang gương mặt buồn với tâm hồn phiêu đãng

bị va đập vào đời, trái tim bao lần

                           suýt vỡ ra, căm phẫn

và ảo vọng ngây ngô nên đã mất em

 

niềm xưa trở về giữa hoài niệm muộn phiền

day dứt, tiếc nuối

đời có khi tối thẳm bão bùng

                 tưởng chừng không bước nổi

em lại về trong thơ thầm thĩ vỗ về

 

bao nhiêu lần em hát cho tôi nghe

bài thánh ca về sự phục sinh và ơn cứu rỗi

tôi yêu lòng bao dung sáng trong

                        nhưng không hiểu tới…

ơi nốt nhạc tươi mầm, tiếng chuông toả nắng

                                                   hồn em

 

nửa đời cứ mãi hoài đi lạc bơ vơ

                         với khát vọng kiếm tìm

lòng nhút nhát lại hăng say giẫm lên gai góc

ngán ngẫm lối mòn nhưng chiếc đầu khờ ngốc

tôi lạc mất em, cuồng dại vật vờ

 

sợ hãi hư vô chạy trốn hư vô

hư vô trải rộng cả hồn tôi cỗi cằn hoang mạc

thơ khánh kiệt đi

             vì đánh rơi chất thiêng liêng

                                      của từng nốt nhạc

độ ngân cao vời của tiếng chuông tình em

 

hãy trở về trong tôi dịu ngọt êm đềm

đôi mắt chan chứa thương yêu một thời

                                            xa thẳm

hãy phục sinh và cứu rỗi trái tim

                                    nát tan cay đắng

cho tôi sống lại với đời!

 

như ngày xa xưa, em xoá mất em,

                nhắc nhủ tôi gắng học nên người

(bấy giờ, với nỗi niềm cô đơn yêu em,

                tôi đang thèm được chết)

lá thư nhiệm mầu bao năm còn rõ nét

dù đã tan đi, theo cát bụi xa mờ

 

người yêu dấu ơi, em là thánh thiêng,

                cho tôi ngưỡng vọng vô bờ

cảm ơn em đã lấy tên tôi,

                đặt cho đứa con đầu lòng

                của vợ chồng em sinh ra nơi hẻm tối

nhớ trưa nào, ta nhìn nhau cười,

                   nước mắt trào nóng hổi

em trong hạnh phúc buồn, tôi xiêu lạc

                                                 cuồng mê

 

người yêu dấu ơi, trong tôi em hãy trở về

giấc hoài niệm nâng lòng thôi khắc khoải

tha thứ cho tôi phút giây điên dại:

chưa thể xứng đáng cùng em!

                  chia xa em! lao tới muôn trùng…

 

tha thứ cho tôi, một số phận điên khùng

đã bớt ngu si, sao linh hồn lạc loài,

        cháy khát chất thơ, cứ mãi ruổi tìm, gom nhặt

bài thánh ca và mái tóc em vẫn suối nguồn toả ngát

suốt đời tôi, khi chiều xuống trên đường (*).

                                                              

                                                                 1992

 

Cước chú bài Thêm một lần em toả nắng trong tôi:

Tôi thấy nhân vật của tôi có lí khi nói vậy.

Các tín đồ, đại đa số là tốt đẹp ở mức bình thường, nhưng luôn bị lợi dụng vào các mưu đồ đen tối và bẩn thỉu này.

Bài thơ trên chỉ thể hiện tình yêu bi kịch giữa nhân vật em, một nữ tín đồ Thiên Chúa giáo vô tội, với một người có đầu óc duy lí (thiếu đức tin tôn giáo) nhưng khiêm tốn (đến mức tự cho mình khờ ngốc!), và luôn luyến tiếc hình bóng kỉ niệm, là nhân vật tôi.

                     (Chú thích ngày 05. 03. 2005).

 

 

 

 

BÀI THƠ

GỬI NGƯỜI BẠN LÁNG GIỀNG

 

cô hàng xóm chiều nay vui vui

nắng xôn xao mắt cười hồn hậu

dây tóc tiên lay lay bờ giậu

chia cho tôi một ít nôn nao

 

em vui mà không nói gì sao

ló đầu qua khoe rồi trốn mất

(đôi mắt lánh đen, đọng nắng vàng trong vắt

chảy vào tôi dòng thơ hân hoan)

 

xin mừng em sắp là công nhân

sớm mai đạp xe lên nhà máy

(nhớ làm thêm cho tôi nữa đấy

đã có em trong mỗi việc tôi làm!)

 

vườn rất xanh, trời rất xanh

sâu thẳm mênh mang niềm vui không nói

(nhạt phai rồi một thời bóng tối?)

tôi đọc trong mắt em niềm bâng khuâng…

 

                                            1976

 

 

 

 

TỰ TRẤN AN

TRONG ĐÊM VỀ PHÉP

 

xa nhà mấy năm trời

ngẩn ngơ con đường nhỏ

cây em trồng ngày đó

xanh tốt đến không ngờ

 

ôi tóc mẹ bạc phơ

vẫn nắng chiều óng ánh

sờ tóc mình đen nhánh

có sợi cằn đang rơi!

 

ngẩng mặt nhìn đất trời

xấu hổ cùng cây cỏ

trước tuổi già đời mẹ

con vẫn chưa nên người!

 

một thoáng gió thở dài

giữa rừng khuya mưa lũ

để bây giờ, mẹ ơi

xoáy lòng con, bão tố

 

đêm, bên bàn học cũ

giọt lệ ngời gương soi (*)

từ mắt con nóng hổi

hạt bụi nào tan, trôi…

 

tóc mẹ trắng chân trời

sáng cho con tầm mắt

con đường quê êm mát

cũng chỉ đường về thôi!

 

con hiểu rồi, mẹ ơi

tháng, năm như ghềnh, thác!

lòng vẫn trong mạch nước

từ nguồn đến biển khơi?

                                          

                                               1981

 

Cước chú bài Tự trấn an trong đêm về phép:

Nếu hình ảnh Bác Hồ trong thời kháng chiến, đặt trong phòng riêng thuở sinh viên, là tấm gương về nghị lực, thì “giọt lệ” trong ngữ cảnh trên, thích hợp với tâm trạng tự vấn trước sự thách thức bởi hoàn cảnh cam go, sự dao động ý chí của nhân vật chủ thể trữ tình hơn. Một, tấm gương sáng để noi theo; hai, ý thức tự vấn để quyết tâm khắc phục khó khăn, trở lực. Hai hình ảnh đều có giá trị tư tưởng hướng đến chân thiện mĩ. Tuy vậy, cũng có thể phối hợp lại, “giọt lệ ngời gương soi” sẽ tạo nghĩa thứ ba: tấm gương sáng để noi theo phản ánh vào giọt lệ tự vấn của bản thân.

                             (Chú thích ngày 05. 03. 2005).

Cước chú bài Ngôi nhà có cây thị thơm vàng:

(*) Đây là một bài thơ tác giả (TXA.) nhập thân vào đối tượng hướng đến (NTS. & XĐ.), do đó, nhưng đại từ phải được in bằng kiểu chữ khác với các chữ thơ bình thường trong bài (ở trường hợp này là in nghiêng).

                                       (Chú thích ngày 04. 03. 2005)

Cước chú bài Ngày trầm hương thơ ca:

(*) Một vài ý thơ rút từ Li tao và tiểu sử nhà thơ Khuất Nguyên.

(**) Tao Đàn – Lê Thánh Tôn. Nhà thơ – nhà vua này đã đặt tên cho hội thơ đậm đà tính nhân dân của mình, lấy từ sự tích Khuất Nguyên – tác giả Li tao.

(***) Thơ Hồ Dzếnh:

phút linh, cầu mãi không về

phân vân giấy trắng chưa nề mực đen

                          (Chú thích ngày 06. 03. 2005)

(****)  Theo Phan Kế Bính (tác giả cuốn Phong tục Việt Nam, được viết dưới chế độ thực dân Pháp), người Việt chúng ta vẫn duy trì Tết Đoan ngọ nhưng rất ít người nhớ đến Khuất Nguyên. Theo sự quan sát của bản thân tôi, nhận thức đó là hoàn toàn chính xác. Tết Đoan ngọ (Tết Đoan dương) là một ngày lễ tết trong phong tục dân tộc, có thể trùng hợp với một nếp phong tục của người Hán – Hoa, hoặc có thể bị hình thành từ thời một ngàn năm Hán thuộc (thế kỉ I đến thế kỉ X). Dẫu sao, người Việt chúng ta cũng đã biến thành Tết Mồng năm tháng năm (gọi tắt, biến âm là Tết Mùng năm, sau vụ gặt hè thu), loại bỏ các yếu tố Hán – Hoa, và chỉ để tưởng nhớ tổ tiên, thăm viếng, tạ ơn (bên vợ, thầy giáo, thầy thuốc) mà thôi. Do đó, ý tưởng phục cổ, tưởng nhớ đến Khuất Nguyên là một hạn chế của tôi, tác giả bài thơ này, mặc dù ý thức duy trì, phát huy Tết Mùng năm theo tinh thần thuần Việt như trên, tự thấy là rất cần thiết.

        Tết Mùng năm tuy là lễ tết quan trọng thứ hai sau Tết Nguyên đán, nhưng cũng rất gọn nhẹ (duy nhất một lễ cúng gia tiên vào chính ngọ và cũng duy nhất một bữa cỗ thịt vịt trong gia đình sau lễ cúng ấy).

       Ba năm nay (2002 – 2005), Hội Nhà văn Việt Nam đã cách tân, sáng tạo mới, thành Ngày Hội thơ ca (không phân biệt dân dã và quan phương) vào mỗi rằm nguyên tiêu, tháng giêng âm lịch, sau Tết Nguyên đán. Và từ dăm thập niên nay, ở Miền Bắc rồi khắp cả nước ta đã có các ngày lễ tết theo tinh thần đó, tuy có ngày mang ý nghĩa quốc tế: Ngày Nhà giáo Việt Nam (nguyên là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo dân chủ, 20. 11); Ngày Phụ nữ Việt Nam (nguyên là Ngày Quốc tế Phụ nữ, 08. 03); Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27. 02, ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành y tế Việt Nam).

       Tinh thần và ý nghĩa 5 ngày lễ tết ấy đều hiện hữu và cô đọng tập trung trong ngày Tết Mùng năm tháng năm cổ truyền và truyền thống thuần Việt, loại trừ yếu tố Hán – Hoa, vốn đã thấm sâu vào nếp sống nhân dân ta, trên khắp mọi tỉnh thành, làng thôn.

                              (Chú thích ngày 04. 03. 2005).

(*)  Xin xem chú thích về đại từ in khác kiểu chữ (in nghiêng) ở bài “Ngôi nhà có cây thị thơm vàng”, viết tặng Nguyễn Tấn Sĩ và Xuân Đào, ngày cưới.

        Bài “Khúc hát tìm rừng” này, tôi cũng viết tặng theo dạng nhập thân (thường gọi là viết thay một cách tự nguyện), để chia sẻ tâm trạng của một bạn học cùng lớp, tên thật là Lê Phước Sinh, khi bạn ấy phải chia tay người yêu, toan trốn lên rừng ẩn cư vì lí do “chính kiến” ngây thơ…

                                       (Chú thích ngày 05. 03. 2005)

(*) Xin xem thêm: tiểu thuyết Mùa hè bên sông (gồm cả phần biên khảo phụ lục), bản 2003. Trong đó, một nhân vật hư cấu của tôi có nói, đại để: Thiên Chúa giáo vừa là thiên thần vừa là ác quỷ. Khi chỉ thuần là tôn giáo, nó giúp cho tín đồ sống tốt hơn về mặt đức hạnh cá nhân (chỉ đáng trách ý thức sùng bái cá nhân Chúa và giáo hội là quá tệ hại đến mức nô lệ!). Nhưng khi kết hợp với mưu đồ thực dân, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, nó trở thành “tả đạo”, ác quỷ hơn mọi thứ ác quỷ. Tính chất ác quỷ ấy còn thể hiện ở việc tranh chiếm quyền lực chính trị tại các nước độc lập, thuộc khối đang phát triển, vốn có sự hiện hữu của lực lượng Thiên Chúa giáo. Ngay ở các nước Âu Mỹ, tình hình “tả đạo” tranh giành quyền lực chính trị cũng thế.

(*) Nguyên văn đã in trong tuyển tập thơ Như anh em một nhà, Sở Văn hoá – Thông tin, Lâm Đồng, 1981: “Ảnh Bác ngời gương soi”. Khác với sự biên tập (vì khuôn khổ hạn định chỉ 64 tr.) mà tôi phải tuân theo ở tập Nắng và Mưa, trong bản in 1992 này, tôi chữa lại như trên, theo câu ca dao “sự đời nước mắt soi gương”, với ý nghĩa riêng, phù hợp với tứ thơ.

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7