LOUIS ARMSTRONG (Mỹ, 1901-1971/Jazz)

Nghệ sĩ kèn trumpet và ca sĩ nhạc jazz (*)

Louis Armstrong bắt đẩu nổi tiếng từ thập niên 1920, sử dụng kèn cornet và trumpet điệu luyện. Ông đặt nền móng và tạo ảnh hưởng lớn cho phong trào nhạc jazz, chuyển hướng chơi nhạc từ trình diễn sáng tác tùy hứng chung sang hình thức trình diễn độc tấu. Ngoài cách bấm và thổi kèn độc đáo, ông còn có giọng hát khàn rất đặc biệt, thường uốn vặn âm điệu, lời ca của bài hát nhiều kiểu, với mục đích biểu cảm. Louis Armstrong còn có khả năng hát scat rất tài tình.

Ảnh hưởng của Louis Armstrong không chỉ trong lãnh vực nhạc jazz mà còn lan sang nhạc pop trong thập niên 1960. Theo bình luận gia âm nhạc Steve Leggett thì Armstrong "có thể là người có ảnh hưởng lớn nhất trong nền ca nhạc Mỹ trong thế kỷ 20."

Louis Armstrong sinh ra và sống thời thơ ấu trong khu nghèo nhất của New Orleans, Louisiana, ông nội là nô lệ gốc Phi. Cha mẹ ông không cưới mà có con. Khi ông cò nhỏ, cha ông William Armstrong (1881–1922) bỏ nhà đi theo người đàn bà khác. Mẹ ông Mayann Armstrong (1886–1942) sau đó bỏ ông cho bà nội nuôi. Khi Armstrong lên 5 thì mẹ ông về sống với gia đình, ông chỉ gặp cha mình những lần lễ lạc. Ông theo học trường Fisk School và bắt đầu thích nghe nhạc Creole. Louis Armstrong cố gắng kiếm tiền bằng cách bán báo, lượm thức ăn bán lại cho nhà hàng nhưng gia đình ông quá túng thiếu mẹ ông phải làm nghề mại dâm. Armstrong làm nghề kéo xe chở than đến Storyville và lai vãng các sàn nhảy, nhà chứa, để hóng nghe các ban nhạc trình tấu.

Armstrong lớn lên từ giai cấp xã hội hèn mạt nhất, trong một thị trấn bị kỳ thị, nhưng lại có nền âm nhạc sâu đậm, nóng bỏng - lúc bấy giờ gọi là nhạc "ragtime" (thời đói rách) chứ chưa gọi là nhạc jazz. Tuy thời thơ ấu ông sống trong cảnh đói nghèo, Louis Armstrong không cho rằng đó là điều đáng buồn mà là nguồn cảm hứng vô biên, ông từng nói: "Mỗi khi tôi nhắm mắt thổi cái kèn của tôi - tôi nhìn thẳng vào trái tim của thành phố New Orleans xa xưa ... Nó đem lại cho tôi một cái gì đó để tôi bám vào mà sống.”

Những ca khúc nổi tiếng của Louis Armstrong

  1. La Vie En Rose

  2. What A Wonderful World

  3. Kisses of Fire

  4. A Kiss To Build A Dream On

  5. Blues In The Night

  6. Ain’t Misbehavin’

  7. I Double Dare You

  8. As Long As You Live

  9. Mack The Knife

  10. Got A Bran’ New Suit

  11. Makin’ Whoopee

  12. Swing That Music

  13. When The Saints Go Marching In

  14. Stormy Weather

  15. True Confession

  16. C’est Si Bon

  17. I’m In The Mood For Love

______

(*)

Ắt hẳn bạn đã từng nghe đến cụm từ “Nhạc jazz”, “âm hưởng nhạc Jazz”, “những buổi biểu diễn nhạc Jazz”… và liên tưởng đến những màn hòa âm trong khán đàn lớn với rất nhiều nhạc cụ như đàn piano, sáo, violon,…

Khó có thể định nghĩa hết được nhạc Jazz là gì, một phần là do lịch sử hình thành phức tạp của nó, bởi trong nhạc Jazz có nhiều nhân tố âm nhạc đến từ châu Phi, châu Âu, và cả vùng Caribe (Caribbean). Tuy còn nhiều tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình về sự đóng góp lớn, hay nhỏ của các nền văn hóa cho sự hình thành của Jazz, nhưng một điều họ luôn nhất trí nếu không có sự pha trộn giữa các nền văn hóa, thì nhạc Jazz sẽ không được như ngày hôm nay. Do vậy, nhạc Jazz được sinh ra từ Mỹ, đó là kết quả của sự du nhập những nhân tố âm nhạc ngoại lai, được hình thành phát triển trên một vùng đất mới.

Với hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, nhạc Jazz nói chung nghệ thuật Piano Jazz nói riêng đã trở thành một trong những di sản văn hóa của nhân loại. Điều đặc biệt ở đây, là quá trình hình thành và phát triển của Jazz và nghệ thuật Piano Jazz diễn ra trong một thời gian ngắn và với một tốc độ nhanh, bởi sự lan toả, và giao thoa với âm nhạc của mỗi vùng đất khi nó du nhập.

Từ nhiều thập kỷ qua, một câu hỏi luôn được đặt ra một cách tự nhiên: Nhạc Jazz là gì ?

Theo nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, Jazz là âm nhạc cổ điển của Mỹ. Tổ tiên xa xưa của Jazz, là âm nhạc của người Mỹ - gốc Phi bao gồm: âm nhạc lao động (Worksong), âm nhạc nhà thờ, đạo Tin Lành (Negro Spiritual), Minstrel Shows, sự pha trộn của âm nhạc châu Phi, châu Âu, Mỹ - Latin và nhiều loại hình âm nhạc, nghệ thuật khác… Đến đầu thế kỉ XX, một sự pha trộn giữa nhạc Blues, Ragtime và âm nhạc cổ điển châu Âu… đã khai sinh ra Jazz. Do vậy, Jazz chính là sản phẩm của một cuộc gặp gỡ văn hóa. Điều này cũng giống như lịch sử hình thành và phát triển của nước Mỹ một đất nước “đa văn hóa”.

Theo Tiến Sỹ Billy Taylor trong cuốn sách Jazz Piano a Jazz History, nhà xuất bản Wm. C. Brown Company, tác giả của công trình có đoạn viết: “…sự hình thành và phát triển của nhạc Jazz và các phong cách trong Jazz, cũng giống như sự đa dạng trong văn hóa Mỹ, Jazz đã đưa văn hóa Mỹ, cũng như sự ảnh hưởng của mình đến các quốc gia khác. Bản chất của Jazz là “đa văn hóa”, được tạo nên bởi vô vàn yếu tố khác nhau, nhưng nó đã tự phát triển với lý tưởng riêng, kết hợp từ truyền thống cho đến những nhân tố “ngoại lai” luôn luôn giao thoa ở mỗi không gian và thời gian nó cập bến, phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển của nó...”