KRZYTOF PENDERECKI (Ba Lan, 1933)

Bố của Pendenrecki là một luật sư, song thường xuyên chơi các nhạc cụ và hòa nhạc tại gia. Hồi nhỏ Pendenrecki học dương cầm, sau học vĩ cầm và bắt đầu sáng tác lúc lên 8 tuổi. Ông học sáng tác ở trường Cao Đẳng Âm Nhạc Kraków, và Đại Học Âm Nhạc Kraków. Đồng thời ông còn theo học bộ môn triết học và văn hóa cổ đại với các giáo sư giỏi nhất của trường Đại học Tổng hợp Jagielloński.

Tác phẩm đầu tiên của ông, Strophen (Những khổ thơ) được trình diễn trong hội diễn quốc tế Warszawska Jesień năm 1959 đã mang lại thành công quốc tế đầu tiên cho nhà soạn nhạc trẻ Penderecki. Cùng thời gian này ông đã sáng tác một trong những tác phẩm lớn nhất của mình Threnody to the Victims of Hiroshima (Tren Ofiarom Hiroszimy), một điếu văn bi tráng cho những nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima. Tác phẩm đã được nhận giải thưởng của UNESCO.

Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ 20, nhà soạn nhạc trẻ tuổi chưa đầy ba mươi tuổi đã là thủ lĩnh của nền âm nhạc tiền phong Ba Lan. Trong giai đoạn này, các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông lần lượt ra đời: Dimensions of time and silence (Kích cỡ của thời gian và sự im lặng) Fluorescences (Những huỳnh quang) … đặc biệt hai tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng De Natura Sonoris No. 1&2 (Âm thanh của tự nhiên) với màu sắc âm thanh độc đáo chưa từng được biết đến, và việc sử dụng lão luyện các kỹ thuật không truyền thống, đã khai sinh ra trường phái sáng tác được các nhà phê bình âm nhạc quốc tế gọi là âm học chủ nghĩa (sonoryzm), đặc trưng cho trường phái sáng tác của Ba Lan. Ông đã thử nghiệm thành công những âm thanh độc đáo của đời thường như tiếng cọ của gỗ tạp, tiếng kim loại rỉ, tiếng máy chữ…tiếng va đập của gió, và những âm thanh tương tự khác, nhưng âm nhạc của ông vẫn giàu tính biểu hiện cảm xúc. Những tác phẩm này đã thể hiện cho thế giới biết rằng, dàn nhạc giao hưởng truyền thống và cả dàn đồng ca, một khi được làm phong phú thêm bởi các nguồn âm thanh tinh tế không truyền thống sẽ có thể tạo ra những thể hiện âm thanh tuyệt vời, không khác gì các tác phẩm được tạo ra trong các phòng ghi nhạc điện tử. Bằng cách sáng tạo độc đáo của mình, ông đã tạo ra được một âm nhạc hiện đại với ưu thế của các âm hưởng là sản phẩm của nền văn minh hiện đại, song đây không chỉ là mục đích sáng tác duy nhất của ông. Ngôn ngữ âm nhạc mới đặc trưng cho thẩm mỹ của Penderecki đã không phủ nhận tính logic của sự phát triển kịch tính của âm nhạc đã được các nhà soạn nhạc thiên tài trong quá khứ tạo dựng nên. Ông không coi sự tiền phong của âm nhạc là sự khác biệt với truyền thống. Năm 1966 ông viết St. Luke Passion ( Sự đam mê theo Thánh Lucas) tác phẩm mang màu sắc tôn giáo đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tác phẩm này là một sự tổng hợp hiện đại với những truyền thống có từ thời trung cổ.

Một bước ngoặc tiếp theo về phong cách sáng tác của ông làm kinh ngạc giới phê bình và thính giả đã diễn ra vào giữa những năm 70 của thế kỷ 20, tác phẩm Violin Concerto(Bản hòa nhạc vĩ cầm) , một chương mới trong lịch sử âm nhạc Ba Lan. Bước ngoặt này đánh dấu sự ly khai khỏi dòng thẩm mỹ cực đoan tiền phong để trở lại âm thanh và hào quang của sự nhạy cảm, kế tục truyền thống của dòng âm nhạc tân lãng mạn.

Những thể hiện phong cách bất ngờ sau đó của ông đã khẳng định với các nhà phê bình âm nhạc thế giới rằng, cá tính sáng tạo của Penderecki không thể xác định được bằng bất cứ một công thức nào, không thể bị đóng khung trong bất cứ một cánh diễn đạt nào.

Vị trí của K. Penderecki trong âm nhạc hiện đại được khẳng định bởi trên dưới 60 giải thưởng được các tổ chức âm nhạc, các quỹ, các trường đại học lừng danh trên thế giới trao tặng. Ông là hội viên danh dự của 36 hiệp hội nghệ thuật và khoa học của 15 nước, là tiến sỹ danh dự của 35 trường đại học và học viện âm nhạc danh tiếng trên thế giới

CÁC TÁC PHẨM