Âm nhạc cổ truyền Việt Nam

Ca Trù |Dân ca |Đờn ca tài tử |Hát Đúm |Hát Lý |Hát Trống quân |Hát Xoan - Hát Ghẹo |Khua luống |Ru con |Sáo - Khèn | Sênh - Phách

CÁC LOẠI NHẠC CỤ DÂN TỘC

1. Các nhạc cụ thuộc bộ dây

Các nhạc khí dây Việt Nam rất phong phú, bao gồm các loại đàn có mắc dây và nhạc công dùng móng tay, móng đeo vào ngón tay hoặc miếng gẩy được làm bằng nhựa, bằng sừng, bằng kim khí,… tác động vào dây (gẩy, đánh…) để phát ra âm thanh.

Nhạc khí dây có một vị trí quan trọng, không thể thiếu trong các tổ chức dàn nhạc dân tộc

Việt Nam. Nó thường được dùng trong các dàn nhạc hoà tấu hoặc dùng để đệm cho phần giai điệu hoặc hát. Ngoài ra, nhiều nhạc khí có thể độc tấu các bản nhạc sáng tác mới dành riêng cho từng loại đàn.

Các nhạc khí thuộc bộ dây

2. Các nhạc cụ thuộc Bộ cung vĩ kéo

Nhạc cụ cung vĩ kéo là loại đàn dây có sử dụng vĩ kéo, làm bằng gỗ hoặc tre. Có loại vĩ kéo được mắc thêm đuôi ngựa, có loại chỉ là một đoạn tre, nứa vót mỏng. Nhạc công dùng vĩ kéo đẩy tạo ra âm thanh. Nhạc khí cung vĩ kéo xuất hiện ở nước ta ít nhất từ thế kỷ thứ X (đời Lý), khi tìm thấy hình cây đàn nhị được chạm khắc trên cột đá chùa làng Phật Tích (Thanh Sơn, Hà Bắc).

Trong các nhạc khí cung vĩ kéo, đàn nhị được phổ biến hơn cả vì có âm thanh trung, thể hiện được nhiều sắc thái tình cảm. Nhạc khí cung vĩ kéo tương đối đồng nhất về mặt mầu âm, âm thanh rõ ràng, mềm mại thường là nhạc cụ đi giai điệu và giữ một vai trò quan trọng trong các dàn nhạc dân tộc. Ngoài ra, một số nhạc khí còn có thể độc tấu những tác phẩm do các nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tác dành riêng cho cây đàn.

Các nhạc cụ thuộc bộ cung vĩ kéo

· Đàn Nhị

· Cò líu

· Đàn hồ

· Abel

· Cò ke

· Kanhi

· K’ní

· T`rô khme

3. Các nhạc cụ thuộc bộ gõ:

Nhạc khí gõ chiếm số lượng nhiều hơn cả trong các loại nhạc khí dân tộc cổ truyền Việt Nam. Từ các loại giản đơn như mõ củ tre, bộ phách… đến các loại trống hay các dàn cồng chiêng… đều có một lịch sử lâu đời. Nhiều loại đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm như trống đồng, sênh phách, đàn đá…

Các nhạc khí gõ đều có chung đặc điểm là dùng một dụng cụ phù hợp để gõ, đánh, lắc, rập vào nhau hay cọ sát vào nhau… để phát ra âm thanh. Với độ vang lớn, các nhạc khí gõ thường đảm nhiệm phần đánh tiết tấu, phần đệm rất sinh động, phong phú về nhịp điệu, đem lại cho nền âm nhạc Việt Nam những đóng góp độc đáo. Nhạc khí gõ tham gia trong hầu hết các dàn nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam và luôn giữ một vai trò quan trọng.

Các nhạc cụ thuộc bộ gõ

4. Các nhạc khí thuộc bộ hơi

Nhạc khí thổi hơi Việt Nam có một lịch sử lâu đời. Trên mặt các trống đồng cổ xưa đã có xuất hiện những hình chạm khắc người thổi khèn. Trong kho tàng nhạc khí dân tộc Việt Nam, các nhạc khí thuộc bộ hơi cũng rất độc đáo và phong phú. Với rất nhiều các thể loại, từ chiếc kèn lá đến các loại sáo, khèn có cấu trúc tinh vi, phức tạp. Có loại thổi qua dăm, qua lưỡi gà, thổi tia ngang qua lỗ thổi hay thổi qua búp kèn…Các nhạc khí thổi hơi có ưu thế về độ vang xa, từng nhạc khí đã được cấu tạo thuận lợi cho sự thể hiện tính chất dân tộc trong các cách phát âm, luyến tiếng…

Nhạc khí thổi hơi được sử dụng độc tấu hay hoà tấu trong nhiều dàn nhạc tổng hợp hay chuyên loại (như đội bả lệnh gồm toàn nhạc khí thổi hơi và gõ). Trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của nhân dân, nhạc khí thổi hơi đã có những tác dụng nhất định, trở thành yêu cầu không thể thiếu của quần chúng. Tục ngữ có câu: “Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Trong các dàn nhạc dân tộc nhạc khí thổi hơi luôn giữ phần giai điệu chính và có một vị trí quan trọng trong các dàn nhạc dân tộc Việt Nam.

Các nhạc khí thuộc bộ hơi

Cuộc Sống Việt _ Theo Cinet.gov.vn