DANH NHÂN A.N.2

Claude Debussy

(22/8/1862 – 25/3/1918)

Achille-Claude Debussy (22 tháng 8 1862 – 25 tháng 3 1918) là một nhà soạn nhạc người Pháp nổi tiếng. Cùng với Maurice Ravel, ông được coi như nhà sáng tác nổi bật nhất trong trường phái âm nhạc ấn tượng (mặc dù bản thân ông không thích thuật ngữ này được dùng để miêu tả những sáng tác của mình) [1] Ông là tên tuổi lớn trong nền âm nhạc châu Âu vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ông đã để lại nhiều tác phẩm kinh điển cho âm nhạc Pháp thời kỳ này, chủ yếu là các bản giao hưởng, nhạc thính phòng và các bản solo piano.

Tiểu sử

Gia đình Debussy, một gia đình lâu đời thuộc dòng họ Burgundy, đã là nông dân từ những năm 1600. Nhạc sĩ Claude Achille sinh năm 1862 ở Saint Germain-en Laye, khi ấy gia đình cậu đang sở hữu một cửa hàng đồ sứ nhỏ. Cậu được người cô Clémentine dạy dỗ ở Paris, tại đây cô có mối quan hệ với người sưu tập nghệ thuật Achille-Antoine Arosa, cha đỡ đầu của Claude.

Người ta biết tương đối ít về thời thơ ấu của Debussy, ngoài việc lần đầu tiên cậu đến với âm nhạc trong chuyến đi Riviera, ở đó cậu được học piano từ Giovanni Cerutti, một giáo viên người Ý. Được trao học bổng nhà nước, cậu vào học ở nhạc viện Paris, ở đây, thầy giáo piano Marmontel đã nhanh chóng nhận ra tài năng âm nhạc đặc biệt của cậu. Cậu còn học hòa âm với Emile Durand và học sơ qua về organ với César Franck. Để kiếm thêm, Claude còn đi gia sư piano và đệm đàn cho những những người nghiệp dư giàu có. Quá trình làm việc trong các gia đình giàu có đã thường xuyên đưa cậu đi xa, các chuyến đi Italy và Nga đã có một ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đến trí tuệ và cảm xúc của cậu. Công việc là nghệ sĩ piano cho đại gia đình Marguérite Wilson–Perlouze đã đem lại cho cậu cơ hội được ở một thời gian trong một trường văn hóa nghệ thuật rất thú vị, đó là lâu đài đẹp đẽ ở Chenonceaux, cậu đã ở cùng với nhiều nghệ sĩ khác, trong đó có cả nhà văn George Sand.

Năm 1880, ở tuổi 18, Debussy bắt đầu làm việc cho Nadia von Meck, người bảo trợ nổi tiếng của Tchaikovsky, và đã cùng với bà đi vòng quanh châu Âu (ở Vienna, cậu còn được xem cả vở Tristan và Isolde của Wagner). Quá sốt ruột với những hòa âm truyền thống đang học ở nhạc viện, cậu đã bắt đầu mày mò đưa các chủ đề của De Musset vào âm nhạc và viết nên bản Trio Piano Son trưởng, đây là tác phẩm mới được tìm lại.

Xem giai thoại

Richard Strauss

(11/6/1864 – 8/9/1949)

"Tôi có thể không phải là một nhà soạn nhạc ở hàng thứ nhất, nhưng tôi là nhà soạn nhạc đứng đầu ở hàng thứ hai!" - Richard Strauss

Richard Strauss sống vào thời kỳ hậu Lãng mạn, là một nhà soạn nhạc nổi bật vào lúc đó. Strauss cùng thời với Mahler nhưng không giống Mahler, người dành tâm huyết cả đời cho giao hưởng, còn ông đặc biệt quan tâm tới 2 thể loại là tone poem (thơ giao hưởng) và opera. Nổi tiếng với vai trò sáng tác nhạc, Strauss đồng thời cũng là một nhạc trưởng trứ danh, với hầu hết các tác phẩm của ông đều được ông chỉ huy trong lần đầu công diễn.

Richard Strauss sinh ngày 11/06/1864 ở thành phố Munich (lúc đó thuộc vương quốc Bavaria), con của Franz Strauss, nhạc công horn chính của Munich Court Opera. Do đó, Strauss nhận được sự giáo dục âm nhạc từ người cha ngay từ nhỏ và có sáng tác đầu tiên khi mới 6 tuổi. Bắt đầu từ đó ông sáng tác liên tục cho đến khi qua đời. Ngay từ nhỏ, Strauss có may mắn được vào xem các buổi diễn tập của Munich Court Opera, nhờ đó mà ông có thêm hiểu biết về nhạc lý và việc sáng tác cho dàn nhạc từ người trợ lý của nhạc trưởng dàn nhạc. Năm 1874, Strauss lần đầu tiên được nghe các tác phẩm của Richard Wagner như Lohengrin, TannhäuserSiegfried. Ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với những tác phẩm ấy, Strauss đã bị lôi cuốn và âm nhạc của Wagner đã lập tức thấm sâu vào ông mãi mãi. Tuy nhiên cha ông ngăn ông học tập theo Wagner. Thực chất thì gia đình ông không đánh giá cao Wagner nên việc ngăn cấm con của cha Strauss là đều dễ hiểu. Cuối đời, Richard Strauss đã bày tỏ về sự đáng tiếc ấy.

Năm 1882, Strauss vào học ở trường đại học Munich, ngành triết học và lịch sử, chứ không phải là âm nhạc, nhưng chỉ một năm sau đó ông phải bỏ dở để đến Berlin. Ở nơi ở mới, Strauss nhanh chóng được Hans von Bülow để ý và được nhận làm người trợ lý của vị nhạc trưởng tài năng này. Sáng tác của ông trong thời kỳ này không có gì đặc biệt, chúng đều tuân theo những khuôn mẫu của Robert Schumann hay Felix Mendelssohn không một chút sáng tạo, mà cha ông đã dạy ở nhà. Nổi bật trong số đó là Horn Concerto No. 1 được sáng tác trong thời gian 1882 - 1883. Phong cách sáng tác của Strauss bắt đầu thay đổi khi ông gặp nhà soạn nhạc và nghệ sĩ violin trứ danh Alexander Ritter, chồng của cháu gái Richard Wagner. Chính Ritter làm thay đổi quan điểm của Strauss và khuyến khích nhà soạn nhạc trẻ sáng tác tone poem; ông cũng giới thiệu những tiểu luận của Richard Wagner và Schopenhauer cho Strauss, từ đó giúp định hình tư duy sáng tác trong tương lai của Strauss. Strauss tiếp tục chỉ huy một trong những vở opera của Ritter và về sau Ritter đã viết một bài thơ dựa trên chính tác phẩm "Tod und Verklärung" của Strauss.

Xem giai thoại

Bela Bartok

(25/3/1881 - 26/9/1945)

Béla Bartók là nhà soạn nhạc lớn người Hungrary và là một trong số những nhạc sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi. Bartók sinh ngày 25/03/1881 tại Nagyszentmiklós (Great St Nicholas), sau này là Sînnicolau Mare, thuộc Rumani và qua đời vào ngày 26/09/1945 tại một bệnh viện ở New York, Mỹ. Ông bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ rất sớm và đã theo học tại Học viện âm nhạc Budapest. Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia biểu diễn piano trong dàn nhạc và làm giảng viên piano ở Học viện trong 25 năm. Hầu hết các tác phẩm âm nhạc khiến Bartók nổi danh được sáng tác vào những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi theo lời đề nghị của các dàn nhạc nước ngoài. Bartók rất say mê các loại hình âm nhạc dân gian và ông đã nghiên cứu nhạc dân gian của Rumania, Slovakia, Serbi, Croatia, Bungaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Mỹ. Ông là một trong số những sáng lập viên của khoa âm nhạc dân tộc, nghiên cứu về nhân loại học hay tính dân tộc của âm nhạc.

Xem giai thoại

Peter Ilyich Tchaikovsky ( 1840 - 1893 )

Không giống như hầu hết những nhà soạn nhạc Nga cùng thời, Tchaikovsky không được sinh ra trong một gia đình nông thôn hay dòng dõi quý tộc. Cha của ông, ông Ilya Petrovich là một kỹ sư mỏ, làm việc tại một thị trấn nhỏ ở Votsink - nơi cậu bé Peter là người thứ hai trong số 6 anh chị em được sinh ra vào ngày mùng 7 tháng 5 năm 1840. Mẹ của ông, Alexandra Andreyevna Assier, xuất thân từ một gia đình nhập cư từ Pháp. Và theo thói quen của những gia đình khá giả ở Nga, Peter bắt đầu học các bài tập piano đầu tiên từ rất sớm. Cha của ông chuyển đến St Petersburg vào năm 1850 và Peter được chọn vào học trường Luật ở đó. Sau đó, ông vào làm thư ký ở Bộ Tư pháp.

Vốn là một người cuốn hút, lịch thiệp và có học thức, Tchaikovsky có mặt tại tất cả các phòng khách sang trọng của St Petersburg và trò chuyện dễ dàng với họ về sân khấu và văn học một cách tự tin. Công việc của ông (không phải là nghề đòi hỏi đặc biệt) chỉ là sự cần thiết về tài chính không hơn và âm nhạc cũng không phải là niềm yêu thích lẫn trò tiêu khiển duy nhất của ông.

Tuy nhiên, sự phiền muộn và chán nản đã đến với Tchaikovsky khi ông 14 tuổi, sau cái chết đột ngột của mẹ ông trong thời gian bệnh dịch tả lan truyền và nỗi buồn chán ấy đã ngày càng tăng lên. Được sự động viên của người thân và bạn bè, Tchaikovsky muốn hiểu biết sâu hơn về âm nhạc - lĩnh vực này đã trở thành niềm an ủi lớn đối với ông. Vào mùa thu năm 1861, ông đã học một lớp lý luận âm nhạc với một trong những giáo viên ngiêm khắc và kỳ cựu nhất St Peterburg, thầy Nikolai Zaremba, người đầu tiên đã nhận ra đầy đủ tài năng của Tchaikovsky và đã khích lệ ông học hành một cách nghiêm túc (dù rằng thầy Zaremba đã phải nỗ lực vượt qua sự thờ ơ của cậu học sinh mình). Tchaikovsky đã từng nói: “Giả sử tôi có tài năng thật nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có khả năng học ngay lúc này. Tôi đã trở thành một công chức và tôi không giỏi lắm ở công việc này. Tôi đang làm tất cả những gì để mình có thể tiến bộ hơn, nhưng làm thế nào tôi có thể vừa đi làm vừa học nhạc cùng một lúc được?”. Rồi những hoài nghi cũng qua đi nhưng Tchaikovsky chẳng chứng tỏ được gì hơn là một câu học trò lười nhác. Vào năm 1862, ông đăng ký vào học tại Nhạc viện St. Perterburg mới được thành lập; tại đây, ông tiếp tục các bài học về hoà thanh và đối vị với Zaremba và soạn nhạc và phối khí với Anton Rubinstein - người đã thuyết phục được Tchaikovsky bỏ công việc cũ của mình và tìm cho ông những học sinh của các lớp học tư để ông dạy nhằm cải thiện phần nào vấn đề tài chính đang đè nặng lên vai Tchaikovsky do sức khoẻ ngày một yếu của cha ông. Niềm vui của Tchaikovsky khi từ bỏ công việc cũ đã thể hiện rất rõ trong những dòng thư mà ông đã gửi cho chị gái mình: “... Một điều mà em chắc chắn đó là: em sẽ trở thành một nhạc sỹ giỏi và em sẽ có thể tự nuôi sống bản thân mình... Khi em hoàn thành xong việc học tập, em mong rằng sẽ được ở cùng chị trong suốt một năm để em có thể sáng tác được một tác phẩm vĩ đại thực sự tại ngôi nhà yên tĩnh, thanh bình của chị. Sau đó... là đi vòng quanh thế giới!”

Tchaikovsky hoàn thành việc học tập của mình tại nhạc viện là vào năm 1965. Tác phẩm cho kỳ thi tốt nghiệp của ông là một bản catata to Joy, soạn cho các ca sĩ solo, dàn hợp xướng và dàn nhạc dựa trên lời thơ nổi tiếng của Schiller, và tác phẩm này đã đem lại cho ông huy chương bạc và rất nhiều lời khen ngợi. Tuy nhiên các sáng tác khác của ông thời kỳ này cũng chỉ giành được sự yêu thích tương đối. Vào đầu năm 1866, anh trai của Anton Rubinstein là Nikolai đã mời Tchaikovsky làm giảng viên môn hoà thanh tại một nhạc viện mà ông mới thành lập tại Moscow. Tchaikovsky đã nhanh chóng đồng ý và chuyển tới thủ đô nước Nga cổ kính này, bắt đầu cuộc sống của một nhạc sỹ chuyên nghiệp.

“Em đã dần dần quen với cuộc sống ở Moscow, nhưng sự cô đơn làm em cảm thấy buồn chán. Những giờ giảng lý thuyết của em đã thành công tới mức tất cả những nỗi lo sợ ấy giờ đây đã tiêu tan và em đã bắt đầu như một giáo viên thực thụ... Em đang sống ở nhà thầy Rubinstein. Ông ấy quả là một con người tốt bụng và hiểu biết, hoàn toàn trái ngược với người em trai khó tính của ông ấy. Ông ta cho em một phòng ở ngay cạnh phòng ngủ của ông. Khi ông ta đã ngủ, em luôn lo lắng rằng tiếng sột soạt từ cây viết của em sẽ làm phiền tới ông ấy vì bức tường ngăn cách hai phòng rất mỏng”.

Tchaikovsky tiếp tục công việc soạn nhạc một cách chăm chỉ, với sự giúp đỡ rất lớn từ những lời khuyên về chuyên môn của Nikolai Rubinstein.

Ông đã viết một overture giọng Pha trưởng vào năm 1866 và nó đã được biểu diễn ở Moscow vào ngày 16 tháng 3 năm đó. Ông cũng sáng tác một Festival Overture giọng Rê trưởng, Op. 15 (có lẽ đây là tác phẩm hay nhất của ông trong giai đoạn này) dựa trên quốc ca Đan Mạch và bản giao hưởng số 1 giọng Son thứ (Winter Daydreams).

Những tìm tòi của Tchaikovsky về nền âm nhạc Nga đã được thể hiện trong vở opera đầu tiên của ông The Voyevoda, bắt đầu viết năm 1867 với phần lời của Ostrovsky. Vở opera này đã được công diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Bolshoi, Moscow vào ngày 11 tháng 2 năm 1869. Trong một thời gian ngắn sống ở St. Peterburg vào mùa xuân năm 1868, Tchaikovsky đã có được mối quan hệ với một nhóm các nhà soạn nhạc người Nga, được biết đến với cái tên “Nhóm 5 người” (bao gồm Balakirev, Mussorgsky, Rimsky-Korsakov, Borodin và Cui) mặc dù không có cách nào giúp Tchaikovsky có thể chia sẻ được với họ nguồn cảm hứng trong tư tưởng và tâm hồn của xu hướng dân tộc Nga. Và dẫu rằng Tchaikovsky đã sống phần lớn cuộc đời của ông tại Moscow - trái tim của nước Nga cổ kính - nhưng ông chưa bao giờ thấy thực sự cần thiết phải học soạn nhạc trong một ngôi trường truyền thống. Mối liên hệ giữa các nghiên cứu rộng lớn của ông tại nhạc viện St. Peterburg (pháo đài của nền âm nhạc phương Tây ở Nga), nguồn gốc một phần không phải người Nga của Tchaikovsky và tầm quan trọng của cô gia sư người Thụy Sỹ thời thơ ấu của ông - Fanny Durbach - đã hướng năng lực sáng tạo của ông theo hướng tân lãng mạn và trung thành với nguyên tắc: “Nghệ thuật vị nghệ thuật”. Giulio Confalonieri đã nhận xét về âm nhạc của Tchaikovsky: “Chúng ta nhận thấy một sự hiện diện liên tục, một nỗi âu sầu “nữ tính”, một sự suy nhược siết chặt lấy nỗi u uất tinh thần lẫn một dạng mơ hồ của sự chán đời. Chính sự suy nhược và âu sầu này vừa là động lực đằng sau các các tác phẩm của ông vừa là một sự thật về thẩm mĩ và con người mà người ta tìm kiếm để truyền đạt. Thực ra mà nói cái đã lôi cuốn Tchaikovsky đến với các bài hát Nga và những điệu nhảy được ưa chuộng không phải bắt nguồn từ việc phục hồi lại tính chủ nghĩa dân tộc mà từ nỗi âu sầu buồn bã, nỗi nuối tiếc của một tâm trạng khi biết một người không thể chơi một trò chơi nào đó, một hình ảnh về những điều tốt đẹp nhưng bị phủ nhận, sự mất mát từ chính lúc khởi đầu bởi sự vận hành của một số phận cá nhân bị xa lánh, khước từ, loại bỏ”.