5

Nhạc sĩ Quách Mộng Lân

Trang 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7

Nhạc sĩ KHÁNH VINH

Họ và tên: Nguyễn Khánh Vinh

Sinh ngày: 01-10-1954

Nguyên quán: Việt Nam

Dòng nhạc: Nhạc trữ tình

Chức vụ hiện tại: Trưởng Phòng Văn Nghệ Trung Tâm THVN tại TP.Hồ Chí Minh - Hội viên Hội Nhạc Sĩ Việt Nam - Hội viên Hội Âm Nhạc TP.Hồ Chí Minh

Quê: Huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây

Bộ đội hoạt động chiến trường miền Tây Nam Bộ từ 1973 đến 1975

Đã tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Văn ( 1979 )

Tốt nghiệp: Đại học Âm nhạc ( ngành Sáng Tác ) Nhạc Viện TP.Hồ Chí Minh ( 1989)

Đã sáng tác nhạc phim, ca khúc cho người lớn và thiếu nhi.

Một số giải thưởng Âm nhạc tiêu biểu:

+ Ca khúc cho Tuổi học trò : Tia Nắng Hạt Mưa (Giải nhất viết cho Tuổi hoa học trò Do báo Thiếu Niên Tiền Phong và Hội Nhạc Sĩ Việt Nam tổ chức năm 1992)

+ Giải ba Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, ca khúc: Hỡi em NUrisa (1995)

+ Giải ba Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, romance “ Huyền thoại Langbian” (1998).

+ Giải ba Hội Nhạc Sĩ Việt Nam ca khúc “ Lời tỏ tình năm mới” (2006)

Viết nhạc cho phim:

“Biến Động Mùa hè”, “Hiến Dâng”, “ Ba lần va Một lần”, “Vòng Hoa Chămpây”…

Nhạc sĩ VŨ TRỌNG TƯỜNG

Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường sinh ngày 04/9/1946 tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương,tỉnh Hải Dương).Sau thời gian phục vụ trong quân đội ở binh chủng Ra-đa,ông xuất ngũ đi học Sư phạm âm nhạc rồi về làm giáo viên dạy nhạc và tổng phụ trách đội ở trường THCS Hà Nội.Hiện nay ông công tác ở Hội nhạc sĩ Việt Nam

Các tác phẩm tiêu biểu: Mùa thu ngày khai trường, Cây bàng mùa hạ, Hạt nắng sân trường, Lời mẹ ru, Yêu biết bao Bình Định quê em, Ngây thơ tuổi hồng, Chị Hằng...

Nhạc sĩ MỘNG LÂN

Tên thật: Nguyễn Ngọc Lân Sinh: 22/11/1936

Tại: Thanh Ba, Phú Thọ

Ở Hà Nội sau ngày giải phóng, Mộng Lân vừa sáng tác cho thiếu nhi với các bài Quê em bừng sáng, Em là mầm non của Đảng... vừa trực tiếp hướng dẫn đội ca hát thiếu nhi Sơn Ca, cái nôi trưởng thành của những tên tuổi như Thanh Huyền, Diệu Thuý, Mỹ Bình... Tên tuổi của ông đã gắn liền với trẻ thơ suốt nửa thế kỷ qua.

Nhạc sĩ QUÁCH MỘNG LÂN

Ông sinh: 27/11/1939

Quê ở Hoàn Lão, Bố Trạch, Quảng Bình

Nguyên là Phó giám đốc Sở Văn hóa Quảng Bình

Nhạc sĩ Quách Mộng Lân, năm nay 71 tuổi, hiện đang nghỉ hưu tại phường Bắc Lý, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Cuộc đời ông có nhiều kỷ niệm khó quên, nhưng có một kỷ niệm đỏ thiêng liêng nhất trong đời là được Bác Hồ gọi tới để phát phần thưởng. Đó là một điếu thuốc trong bao thuốc lá đang hút dở của Người.

Khi thuật lại chuyện này với tôi, nhạc sĩ Quách Mộng Lân nét mặt rạng rỡ, giọng nói hưng phấn lạ thường. Ấy là, sau những ngày giao lưu biểu diễn ở một số tỉnh phía Bắc, Đoàn văn công Quảng Bình trở về Hà Nội, dự kiến sẽ biểu diễn cho cán bộ và nhân dân đất Hà Thành xem tại Hội trường câu lạc bộ thống nhất, vào tối ngày 1-5-1966.

5 giờ chiều, hai xe ca đến đón 20 người trong đoàn, cùng hành lý, nhạc cụ, đạo cụ biểu diễn. Nhưng, xe không chạy về hướng Câu lạc bộ Thống Nhất Hà Nội mà lại chạy vào Phủ Chủ tịch. Lúc bấy giờ, mọi người mới biết, tối nay, mình sẽ được biểu diễn cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng và Chính phủ xem.

Quả thật vậy, khi giờ biểu diễn sắp bắt đầu, thì Bác Hồ nhẹ nhàng bước vào khu hậu trường. "Bác Hồ! Bác Hồ!". "Bác Hồ muôn năm! Muôn năm!". Mọi người trong đoàn tưởng như mơ, nhưng đang là thực, vì Bác Hồ đang hiển diện trước mặt. Vỡ òa niềm vui đột ngột, mọi người đã hô vang như thế đến líu môi, líu lưỡi. Sung sướng quá, mấy cô văn công Quảng Bình bật òa khóc, nước mắt dàn dụa. Bác nhẹ nhàng nói: "Thôi, các cháu khẩn trương lên, các đại biểu đã đến đủ cả rồi đấy!".

Biết cô Nam Kỷ, diễn viên trong đoàn đau bụng đột ngột trước đó, Bác Hồ đã cho người mang thuốc đến chữa trị. Lúc này, Người không quên hỏi lại: "Cái cháu lúc nãy đau bụng, uống thuốc đã đỡ chưa?". Cô Nam Kỷ bước đến, cảm động nói: "Thưa bác, con đỡ rồi ạ!".

Giờ diễn bắt đầu, cả đoàn kéo ra sân khấu để chào khách. Sau lời chúc mừng các vị khách của đồng chí trưởng đoàn, Bác Hồ bước lên, cầm micrô làm MC, vui vẻ: "Thưa các cô, các chú trong Bộ Chính trị và Chính phủ. Từ Quảng Bình xa xôi, Bác cháu chúng tôi ra đây, gồm 7 gái, 13 trai để phục vụ nhân dân và cán bộ. Mong các cô, các chú nhiệt tình cổ vũ, có gì góp ý xây dựng cho những tiết mục cây nhà lá vườn của chúng tôi. Chúng tôi vô cùng cám ơn!". Bác Hồ nói xong, cả khán phòng vang lên tiếng vỗ tay. Rồi Bác giới thiệu tiết mục đầu tiên do tốp ca nữ trình bày tổ khúc dân ca Bình Trị Thiên mừng Đảng quang vinh.

Một chi tiết lý thú là khi diễn viên Kim Oánh lên ngâm bài thơ "Mẹ Suốt". Kim Oánh ngâm xong, Bác bước lên, hỏi: "Bài này cháu biết ai viết không?". Diễn viên Kim Oánh trả lời: "Dạ thưa Bác, nhà thơ Tố Hữu ạ". Bác lại hỏi: "Thế cháu đã biết nhà thơ Tố Hữu chưa?". Kim Oánh lại thưa: "Dạ chưa ạ!". Bác Hồ liền quay xuống khán phòng và nói: "Mời nhà thơ Tố Hữu lên sân khấu cho diễn viên gặp mặt". Nhà thơ Tố Hữu chậm rãi bước lên, với một bông hoa trong tay. Tặng hoa cho Kim Oánh xong, nhà thơ Tố Hữu liền nói: "Chừ o đã chộ tui chưa?". Cả khán phòng vỡ òa ngả nghiêng trong tiếng cười và tiếng vỗ tay.

Nhạc sĩ Quách Mộng Lân trong lần biểu diễn này phụ trách một nhạc cụ chủ công của đoàn, đó là kéo Ác-coóc-đê-ông. Cuối buổi biểu diễn, trước khi chụp ảnh kỷ niệm chung với toàn đoàn, Bác Hồ bước lên sân khấu và nói: "Chú kéo "cò ke" (ý Bác nói kéo Ác-coóc-đê-ông) đâu rồi? đến đây Bác tặng thuốc lá cho!". Nhạc sĩ Quách Mộng Lân bước tới lễ phép: "Thưa Bác, cháu đây ạ!". Bác đã lấy bao thuốc lá đang hút dở của mình rút một điếu tặng nhạc sĩ Quách Mộng Lân. Bác phát thuốc cho những diễn viên nam và phát kẹo cho các diễn viên nữ. Đồng chí Tố Hữu đứng bên thưa lại: "Thưa Bác, phụ nữ Quảng Bình hút thuốc cũng hung (nhiều) lắm đấy ạ!". Bác cười: "Phụ nữ thì nên ăn kẹo thôi!". Đồng chí trưởng đoàn nói thêm với Bác: "Thưa Bác, chú kéo "cò ke" là tác giả của bài "Chuyến phà đêm" lúc nãy được trình diễn đấy ạ". Bác Hồ tươi cười: "Không, Bác cần tác "thật", chứ không cần tác "giả". Bác cháu lại cùng cười vui, thấm thía.

Điếu thuốc Bác Hồ tặng, nhạc sĩ Quách Mộng Lân mang về quê, trân trọng cho vào một ống nghiệm, nút kín, ngoài có dán nhãn đề: "Quà Bác Hồ tặng tác "thật" Quách Mộng Lân". Vật kỷ niệm vô giá đó cùng tấm ảnh chụp chung toàn đoàn với Bác, cùng một số đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ, qua bao ngày tháng chiến tranh, anh vẫn cất giữ. Đó là những báu vật thiêng liêng. Tấm ảnh thì còn, nhưng điếu thuốc lá quá tuổi thọ đã tự nó phân hủy trong ống nghiệm. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, cái ống nghiệm đó nhạc sĩ Quách Mộng Lân vẫn giữ mãi bên mình.

Bài và ảnh: Hồ Ngọc Diệp

Nhạc sĩ TÂN HUYỀN

Họ và tên: Phan Văn Tần

Sinh ngày: 05/04/1931

Nguyên quán: Việt Nam

Dòng nhạc: Nhạc truyền thống - cách mạng

Công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên truyền văn nghệ ở Nghệ An. Hoà bình lập lại, ông công tác tại Vụ Nghệ thuật (Bộ Văn hoá), sau đó chuyển về Sở Văn hoá rồi về Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1975.

Nhiều sáng tác của ông đã đuợc trao giải thưởng của Hội Văn học - Nghệ thuật Trung ương và địa phương, các ngành, các đoàn thể: 6 giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam, 1 giải nhất của Bộ quóc phòng, 4 giải Hạ Long, 3 giải Hoa Phượng Đỏ, 3 giải Hà Nội. Được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Ngoài sáng tác ca khúc, ông còn viết một số tổ khúc hợp xướng và ca cảnh. Các ca khúc: Nhớ vào quê em (1950), Tiếng hò trên đất Nghệ An, Mỗi bước ta đi thêm yêu Tổ quốc, Xe ta đi trong đêm Trường Sơn, Em đứng giữa giảng đuờng hôm nay, Trở lại Ca Bằng, Cỏ non thành Cổ, Chị ong nâu, Cháu vẽ ông mặt trời...

Nhà thơ, nhạc sĩ LÊ GIANG

Họ và tên: Trần Thị Kim Sinh ngày: 1930

Nguyên quán: Việt Nam

Dòng nhạc: Nhạc dân tộc, Âm hưởng dân ca, Hát ru - hò - lý

Song hành cùng Lư Nhất Vũ. nhà thơ, nhà biên soạn, nhà sưu tầm, nhạc sĩ Lê Giang đã đóng góp cho bản sắc văn hóa Việt nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.

Nhiều Cái công đi nhiều không quản chồn chân, cái sức đi đâu cũng chép cũng ghi không biết mỏi tay là gì… ấy là quá trình lao động thể xác mà các nhà sưu tầm đều phải trải qua. Có điều khác với các nhà sưu tầm khác, Lê Giang biên soạn công trình Bộ hành với ca dao này theo cách riêng của một thi sĩ dồi dào cảm hứng sáng tạo… (Nhà thơ Nguyễn Duy - trích lời bạt cuốn Bộ hành với ca dao)

Nhà thơ Lê Giang tên thật là Trần Thị Kim, sinh năm 1930 tại Cà Mau; Bút danh: Vũ Kim Sa, Lê Giang. Từng là y tá trong chiến tranh kháng Pháp, Mỹ tại hai miền Nam, Bắc.

Tác phẩm: Thơ: Phím đàn xanh, Bông vạn thọ, Ơi anh chàng hát rong. Tạp văn: Gặp gì ăn nấy, xin mời (NXB Trẻ, 2000). Bút ký điền dã: Lang thang gió cát (NXB Trẻ, 2000).

Sưu tầm biên soạn: Bộ hành với ca dao (NXB Trẻ 2004)

Viết chung với Lư Nhất Vũ trong các công trình: 300 điệu lý Nam bộ, Tìm hiểu dân ca Nam bộ, 200 bài dân ca viết lời mới.

Tham gia biên soạn chung với nhóm sưu tầm dân ca Nam bộ: Dân ca Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sông Bé…

Giáo sư TÔ NGỌC THANH

Ông sinh: 24/6/1934

Quê ở Mỹ Văn, Hưng Yên

Ông là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học về Âm nhạc học dân gian; là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Âm nhạc Quốc tế UNESCO.

Tags: Tây Nguyên, Hà Nội, Tô Ngọc Thanh, phi vật thể, Cồng chiêng, văn hoá

Cuộc chuyện trò khá chân thành dưới đây với Giáo sư Tô Ngọc Thanh, càng khiến chúng tôi hiểu thêm về ông -một con người tâm huyết với cồng chiêng Tây Nguyên, với một ước vọng đưa văn hoá cồng chiêng đến với đông đảo người dân hơn nữa.

Thưa giáo sư, cảm xúc của ông khi được thưởng thức những giai điệu của cồng chiêng Tây Nguyên vang lên giữa lòng Hà Nội đúng dịp xuân về?

Rất hoan nghênh ý tưởng của Truyền hình KTS VTC mang tên “Việt Nam 24h” khi tổ chức chương trình giới thiệu độc đáo không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đến với đông đảo người dân. Giữa muôn vàn những chương trình ca nhạc, chương trình truyền hình, các hoạt động văn hoá... người dân Hà Nội có được một chút lắng động, chiêm ngưỡng nét đẹp của văn hoá cồng chiêng.

Ngay đến như tôi, một người gắn bó với cồng chiêng từ những ngày văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên chưa được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được nghe tiếng cồng chiêng giữa lòng Hà Nội vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, tôi thấy xúc động và nhớ núi rừng Tây Nguyên quá. Nếu không có dịp này, có lẽ những âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên không bao giờ về đến Hà Nội và người Hà Nội cũng không bao giờ thấy được cái hay, cái đẹp và tài năng sáng tạo rất tinh tế của người Tây Nguyên.

Ông đánh giá như thế nào về việc tuyên truyền cho đông đảo dân chúng được biết về kiệt tác cồng chiêng?Cồng chiêng chỉ nghe không chưa đủ, cồng chiêng phải được nhìn và được đặt trong cảnh sắc của núi rừng, của đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bởi nó là một bộ phận máu thịt của cuộc sống của người dân nơi này. Tôi mong một ngày nào đó Đài truyền hình của chúng ta sẽ có 1 MTV của cồng chiêng Tây Nguyên để nói về cồng chiêng và đời sống sinh hoạt của họ. Điều này sẽ tạo cơ hội cho mọi người thưởng thức kiệt tác đặc biệt này.

Cùng với việc cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới, chúng ta cũng thấy rõ một nguy cơ rất rõ là dường như cồng chiêng Tây Nguyên đang ngày mai một bởi nhiều lý do...

Số phận những di sản văn hóa phi vật thể như cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng bên bờ vực thẳm bởi nó sinh ra trong cuộc sống nương rẫy, lưu truyền từ đời nay qua đời khác bằng phương pháp truyền khẩu. Hiện nay, cuộc sống đã thay đổi làm văn hoá cồng chiêng đổi thay ít nhiều và không được toàn vẹn như trước. Nhưng chúng ta phải thừa nhận nó là một chứng nhân lịch sử. Yếu tố đó trước hết đọng ở bài bản âm nhạc, ở biên chế dòng nhạc, ở hàng âm thanh của dòng nhạc. Chúng ta giữ được những yếu tố đó chính là giữ gìn lịch sử.

Nói một cách khác, làm ơn hãy đừng làm thay đổi bản chất của cồng chiêng dưới danh nghĩa cải biên hay cải tiến. Đó là cách tự mình làm mất lịch sử của mình.

Đông Nam Á tự hào là cái nôi của văn hoá cồng chiêng. Tuy nhiên, văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam lại được thế giới công nhận là di sản. Phải chăng bởi sự nổi trội...?

Nếu nói rằng cồng chiêng Tây Nguyên của ta nổi trội hơn các nơi khác thì không hẳn. Nhưng văn hóa cồng chiêng của nước ta có nét riêng biệt với các nơi khác. Ở Indonexia, Malaixia, Thái Lan... thì cồng chiêng trở thành âm nhạc chuyên nghiệp và âm nhạc cung đình. Còn ở nước cồng chiêng là sở hữu một cộng đồng người.

Điểm khác biệt rõ rệt nhất là cồng chiêng của Tây Ngyên bám lấy từng giai đoạn của đời người và những giai đoạn của cây trồng. Chúng tôi thường nói “đời người dài theo tiếng chiêng”. Đứa trẻ sinh ra người ta đánh chiêng trong lễ thổi tai tức là đưa một tín hiệu văn hóa dân tộc vào trí óc non nớt của đứa trẻ để sau này lớn lên nó hiểu nó là ai, dân tộc nào. Và đến khi con người nằm xuống thì tiếng chiêng lại đưa con người về cõi vĩnh hằng.

Cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh với thần thánh, giao hoà với đất trời, giao tiếp trong cộng động. Do đó, dân tộc Tây Nguyên trước khi chọn đất để gieo trồng thì đánh chiêng để đánh thức thần đất, và đến khi gặt lúa đồng bào lại đánh chiêng mời mẹ lúa về cùng vui cơm mới. Đấy là những điểm ít nơi ở các nước Đông Nam Á có được.

Về âm nhạc, cồng chiêng Indonexia cống hiến cho nhân lọai 2 hàng âm thanh gọi là Slendro và Pelog. Chúng tôi đang ráo riết đề nghị với hội đồng âm nhạc quốc tế rằng phải có thêm một hàng âm thanh thứ 3 đó là hàng âm thanh của cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Thu Hương

+Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005.

+ Trong những giờ khắc chuyển giao năm 2005 sang năm 2006, người dân Hà Nội có dịp chiêm ngưỡng tận mắt đoàn cồng chiêng Giarai - một trong những vùng cồng chiêng hay nhất của Tây Nguyên biểu diễn tại Hà Nội trong chương trình đón chào năm mới 2006 của Truyền hình KTS VTC mang tên “Việt Nam 24h”.