Sênh - Phách

SÊNH PHÁCH GIỌNG SẦU GỞI BÓNG MÂY

Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ sinh ra ở làng Ngọc Bộ, Kinh Bắc - cái nôi của những làn điệu dân ca bất hủ của vùng đồng bằng Bắc bộ. Mẹ bà là một danh ca, đã từng đạt giải á nguyên trong một cuộc thi hát.

Bà đã sớm theo nghiệp cầm ca của mẹ, lần hồi qua biết bao nhiêu tiệc tùng chốn cao môn lệnh tộc, bao đình đền trong các làng quê Bắc bộ. Tiếng phách tre và giọng hát lạ lùng, có sức hút ghê gớm của bà đã từng làm bao khách nghe sành điệu phải mê tơi. Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy. Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất các ý tứ của các văn nhân thi sĩ gửi gắm trong các bài thơ.

Năm 1976, GS Trần Văn Khê từ Pháp trở về. Ông đã đến Khâm Thiên để gặp bà Quách Thị Hồ. Tại đây, ông đã ghi âm tiếng hát của bà để đem đi giới thiệu với thế giới. Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu quốc tế về Âm nhạc so sánh đã trao Bằng danh dự cho bà vì công lao đặc biệt trong việc bảo tồn một bộ môn âm nhạc truyền thống có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Và từ đó tên tuổi của bà cùng tiếng hát ca trù độc đáo của Việt Nam trở nên vang lừng trong bốn biển. Năm 1988, tại Liên hoan quốc tế Âm nhạc truyền thống ở Bình Nhưỡng, có sự tham gia của 29 quốc gia, băng ghi âm tiếng hát của bà đại diện cho Việt Nam đã được xếp hạng cao nhất. Sau đó, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Và cho đến hôm nay, bà là người đầu tiên và duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ngành ca trù. Sau bà, không còn ai được phong Nghệ sĩ Nhân dân về ca trù nữa. Và bà thật xứng đáng với danh hiệu này. Tiếng hát ca trù độc đáo, lạ lùng và đầy sức hấp dẫn đã vang lên, đại diện cho Việt Nam, làm rạng rỡ cho âm nhạc và văn hóa Việt Nam.

Bà Quách Thị Hồ có được giọng hát ấy là do bà có một giọng hát, giọng nói thiên bẩm, chỉ cần nghe bà nói, cũng đã thấy cái hay và sự giàu có của tiếng Việt. Thứ hai là bà có một vốn văn học cổ rất phong phú, do bà có nhiều năm giao thiệp với các văn nghệ sĩ tài danh trong làng nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật ngôn từ. Tiếp xúc với bà, ta thấy những lời nói thường nhật của bà như đã được chắp cánh của ngôn ngữ thi ca. Do bà thuộc nhiều thơ, hiểu nhiều thơ văn nên bà đã thể hiện các bài hát ca trù và diễn đạt đúng với tâm trạng của người thi sĩ khi sáng tác. Bà rất nhạy trong việc nắm bắt nhãn tự, để hát lên với trăm phần trăm kỹ thuật và sự trọn vẹn của tâm hồn.Bà như là người tái sinh những câu thơ tưởng chừng đã ngủ yên trên mặt giấy, khiến cho câu thơ, tứ thơ trở nên hào hoa, sang trọng và sống động.

Sau khi bà đạt được những danh hiệu lớn như vậy, Đài Tiếng nói Việt Nam đã ghi âm tiếng hát của bà, phát trong các chương trình ca nhạc cổ truyền. Năm 1984, Trung tâm nghe nhìn (nay là Hãng Phim truyền hình Việt Nam) đã tổ chức làm phim “Nghệ thuật ca trù” (Kịch bản và đạo diễn Ngô Đặng Tuất) tại Lỗ Khê. Nghệ sĩ Quách Thị Hồ đã hội tụ cùng các danh ca, danh cầm nổi tiếng trong giới ca trù trong cuốn phim tư liệu đặc sắc này.

Nghệ sĩ Quách Thị Hồ tạ thế lúc 3h45 phút, ngày 4 tháng Giêng năm 2001, tức ngày 10 tháng Chạp năm Canh Thìn. Thọ 92 tuổi. Trong sổ tang có dòng chữ của một nhà nghiên cứu: “Nghệ sĩ Quách Thị Hồ ra đi có mang theo tất cả những gì là cao quý, sang trọng và bác học của nghệ thuật ca trù trong thế kỷ XX”.

Ba thước đất đã vùi sâu một nghệ sĩ tài hoa, sống đã làm vẻ vang cho ca trù, danh thơm bốn bể, cùng với cả trăm cay nghìn đắng, mà vẫn sáng ngời lòng thủy chung với Tổ với nghề. Nay bà khuất nẻo suối vàng, nhưng tiếng hát của bà còn vang mãi, với non sông này, với nghệ thuật này

Cuộc Sống Việt _ Theo ngauhung.org

NSND Quách Thị Hồ hát, nhà thơ Ngô Linh Ngọc cầmchầu