GIAI THOẠI 3

Claude Debussy

(22/8/1862 – 25/3/1918)

(1862 – 1918)Nhà soạn nhạc Pháp thuộc trường phái âm nhạc ấn tượng, một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc châu Âu vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Thay đổi ít nhiều

Sau thành công của Pelleas et Melisande, Claude Debussy được biên tập viên của tờ Le Monde Musical hỏi liệu mình có thể xin ảnh của nhà soạn nhạc để đăng hay không. "Dĩ nhiên," Debussy trả lời, "và ông chỉ nhận được ảnh tôi đã chụp mà thôi. Nhưng tôi phải nói với ông trước rằng khi tôi ngồi cho thợ ảnh chụp, tôi mới có hai tuổi và kể từ đó tôi đã thay đổi ít nhiều rồi."

Nguồn: The Etude Magazine, February 1921 - Kal Kally dịch

~*~

Phê bình tiêu cực

Tác phẩm La Mer của Claude Debussy không phải không bị phê bình. "Bởi mãi nhìn qua phần cuối của ống nhòm [kính xem opera], "Louis Schneider từng viết về một buổi biểu diễn, "Debussy cho chúng ta ấn tượng không phải về đại dương mà về bồn nước tại vườn Tuileries... Thính giả dường như hơi thất vọng; họ mong chờ đại dương, thứ gì đó lớn lao, khổng lồ, nhưng thay vì thế họ lại được phục vụ ít nước được khuấy lắc trong đĩa nhỏ."

["Nó giống như một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp," Ferruccio Busoni từng nói về L'Après-midi d'un Faune, "nó nhạt dần đi khi bạn ngắm nó." Và Nikolay Rimsky-Korsakov thậm chí còn thô bạo hơn với âm nhạc của Debussy: "Tốt hơn đừng nghe nó," ông từng nhận xét. "Bạn sẽ mạo hiểm quen với nó, rồi cuối cùng có thể lỡ thích nó."]

* Vườn Tuileries: Vườn Tuileries nằm ở trung tâm thành phố Paris, thuộc Quận 1. Ở vị trí này trước đây là cung điện hoàng gia Tuileries cùng khu vườn. Nhưng cuối thế kỷ 19, cung điện bị đốt cháy và phá hủy sau đó. Ngày nay nơi đây chỉ còn vườn Tuileries. Được tạo ra từ thế kỷ 16, tới thời vua Louis XIV, vườn Tuileries được mở cho công chúng, trở thành khu vườn công cộng đầu tiên của Paris. Ngày nay, đây là khu vườn lớn nhất thành phố Paris.

Nguồn: Gil Blas; Lockspeiser, Debussy; Stravinsky, Chronicles of My Life - Kal Kally dịch

~*~

Richard Strauss

(11/6/1864 – 8/9/1949)

(1864 - 1949) Nhà soạn nhạc người Đức cuối thời kì lãng mạn và đầu thời kì hiện đại, nổi tiếng với các tác phẩm thơ giao hưởng và opera.

Người chỉ huy dàn nhạc giỏi bài

Richard Strauss có niềm yêu thích đặc biệt đối với món chơi bài "skat" của Đức. Ông sẽ chơi vào bất cứ cơ hội nào gặp được và thường yêu cầu các thành viên dàn nhạc cùng tham gia. Tại Bayreuth Festival, để làm ông hài lòng, Winifred Wagner bí mật hoàn lại tiền cho những ca sĩ và nhạc sĩ mỗi buổi chiều đều mất tiền cho người chỉ huy dàn nhạc giỏi bài này.

* Winifred Wagner: Nữ ca sĩ Opera, kết hôn với Siegfried Wagner, con trai của nhà soạn nhạc Richard Wagner. Bà cũng là người tình của Hitler.

Nguồn: N. Lebrecht, Book of Musical Anecdotes - Kal Kally dịch

~*~

Salome

Sau khi nghe bản opera Salome của Richard Strauss, Kaiser Wilhelm II, một người không yêu thích gì âm nhạc hiện đại, tuyên bố rằng nó sẽ "có tác hại lớn đối với Strauss".

Lâu sau đó, Strauss nhắc lại lời phê bình của Kaiser. "Tôi có thể xây biệt thự tại Garmisch," Ông nhận xét, "nhờ vào tác hại lớn."

Nguồn: B. Grun, Gold and Silver; The New Yorker, 2004-04-05 - Kal Kally dịch

~*~

Dịch sang âm nhạc

"Vào bữa tối được câu lạc bộ Lotos tổ chức cho Richard Strauss ở địa điểm cũ tại Đại lộ 5 gần Phố 42, tôi ngồi cạnh ông khi ông viết vài nhịp của một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của mình cho tôi xem giữa những tiếng nói chuyện ồn ào và tiếng nhạc thuộc thể loại đang thịnh hành. Trong cuộc thảo luận về việc khiến âm nhạc có ý nghĩa, ông nói, 'có thể dịch tất cả mọi thứ thành âm thanh. Tôi có thể khiến ông hiểu bằng âm nhạc rằng tôi cầm dĩa và thìa từ bên này đĩa lên và đặt xuống bên kia đĩa."

Nguồn: David Bispham, A Quaker Singer's Recollections - Kal Kally dịch

~*~

Bela Bartok

(25/3/1881 - 26/9/1945)

(1881 - 1945) Nhà soạn nhạc người Hungary

Miraculous Mandarin

Bản The Miraculous Mandarin của Bela Bartok không được đón nhận tốt lắm khi lần đầu tiên trình diễn trước công chúng (ở Cologne vào năm 1926). Phải nói là cả một cuộc náo loạn đã nổ ra, người ta ném bom thối và nhạc chìm đi trong tiếng chửi mắng và xỉ vả. Konrad Adenauer (rồi thị trưởng của Cologne) thậm chí yêu cầu người chỉ huy dàn nhạc, Eugen Szenkar phải xin thôi việc. Trong tất cả sự hỗn loạn đó, Bartok đến phòng thay đồ của Szenkar để cho thêm một lời phàn nàn của chính mình: "Eugen, ở trang ba mươi tư, clarinet thứ hai được ghi là mezzo forte [to vừa]," ông nói. "Tôi không nghe thấy nó - anh cho nó là forte được không?"

Nguồn: Norman Lebrecht, The Book of Musical Anecdotes - Kal Kally dịch

~*~