TIN TỨC CẤP HỌC

Trang: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7

Khổ như… học sinh lớp 1!

Hầu hết phụ huynh có con vào lớp 1 đều than các cháu học vất vả quá. Trong khi đó người dạy thì đổ lỗi cho chương trình, còn người thiết kế chương trình lại đổ lỗi cho... cách dạy.

Chưa học trước thì phải học thêm

Lịch của một trẻ lớp 1 bắt đầu từ 6 giờ sáng, thức dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng và vội vã đến trường để đúng 7 giờ 15 phải có mặt ở trường để các anh chị Sao đỏ đi chấm điểm thi đua. Đến 4 giờ 30 buổi chiều, các cháu được đón về, tắm rửa, ăn uống và lại tiếp tục ngồi vào bàn học để hoàn thành các bài tập về nhà. Không chỉ có đọc, viết, làm toán... các cháu còn phải làm cả bài tập thủ công, bài tập mỹ thuật, viết chính tả...

Chị Ngọc Bích, một phụ huynh có con học lớp 1 đã chỉ biết than trời khi hướng dẫn con làm bài tập về nhà. Sau chưa đầy 1 tháng bước vào lớp 1 mà cô giáo đã giao bài tập về nhà với nội dung "tìm x", "tìm số", yêu cầu tìm hai số mà cộng lại với nhau ra được kết quả lớn hơn 2 và nhỏ hơn 5. Hướng dẫn một hồi nhưng cháu nhà chị vẫn cắn bút ngồi khóc vì không hiểu bài.

Chưa dừng ở đó, mặc dù đã được học 2 buổi/ngày ở lớp nhưng ngày nào cháu cũng có bài tập về nhà và đã phải tập viết chính tả ít nhất khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa.

Trong khi đó, hướng dẫn của Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội có nêu rõ: Đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày cần tạo mọi điều kiện để học sinh hoàn thành bài học tại lớp, tuyệt đối không yêu cầu học sinh làm thêm bài tập ở nhà, nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm cho học sinh lớp mình phụ trách (kể cả các ngày nghỉ). Các trường khi xếp thời khóa biểu mỗi ngày học ít nhất có 1 tiết hướng dẫn học ở cuối buổi thứ hai để giúp học sinh hoàn thành các bài học trong ngày.

Phụ huynh Lê Định (nhà ở Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định: "Chương trình lớp 1 của các cháu thật quá nặng. Thật sự nếu không cho cháu đi học trước thì giờ đây phải gửi cô kèm thêm sau giờ học ở trường. Vào năm học chưa được 1 tháng mà các cháu lớp 1 đã phải viết chính tả, vừa khai trường có cháu chưa kịp làm quen với việc cầm bút đã phải nhận điểm 0, điểm 2, 3, 4 đầy vở, nhìn thật đau lòng!". Phụ huynh khác thì than: tuy mới chỉ học lớp 1 được đúng 1 tuần nhưng buổi họp phụ huynh đầu năm học mới, cô giáo chủ nhiệm đã nhận xét về... học lực của từng cháu: cháu này viết chậm, cháu kia viết nhanh... Phụ huynh này cho biết: "Con tôi được cô giáo khen là đọc đã đạt yêu cầu (nhanh và trôi chảy) nhưng viết thì xấu và làm toán chậm".

Một phụ huynh khác thì phàn nàn về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 có những câu hỏi mang tính chất "gợi mở" nhưng lại rất ngô nghê, ví dụ "được điểm 10 con có vui không?", "con trâu và bác nông dân ai khỏe hơn?"...

Vì đâu?

Bà Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng phụ trách bậc tiểu học Bộ GD-ĐT phát biểu: trẻ khi vào lớp 1 về mặt kiến thức được phép như một tờ giấy trắng. Nhà trường tiểu học có trách nhiệm dạy các cháu những nét chữ đầu tiên và phải dạy theo cách các cháu hoàn toàn chưa biết gì.

Mặc dù quy định của ngành giáo dục là không được dạy trước chương trình phổ thông cho trẻ mẫu giáo sắp đến tuổi đi học, nhưng có rất nhiều phụ huynh mà trong đó có cả những người là giáo viên vẫn phải cho con đi học trước khi chính thức bước vào lớp 1. Vì ai cũng biết rằng, nếu vào năm học chính thức mới để con làm quen với chương trình thì e rằng các con không theo kịp.

Một giáo viên của trường Tiểu học Khương Thượng nói: Nguyên nhân chính là do chương trình nặng. Ví dụ như môn toán, trong tháng đầu tiên của năm học, mặc dù chỉ trong phạm vi từ 1 đến 5, nhưng các em phải làm dưới nhiều hình thức để phân biệt số lớn, số bé, số nào ít hơn, nhiều hơn. Và cái khó chính là ở chỗ nhiều hình thức này. Cô giáo này còn nói: "Theo tôi, vì chương trình đã vậy, bây giờ nói thay đổi hoặc giảm tải ngay thì không thể, cho nên chi bằng với những học sinh không đi học trước chương trình, về nhà phụ huynh nên luyện tập nhiều và thậm chí dạy trước được bài nào hay bài ấy".

Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho rằng: nếu giáo viên đổ lỗi cho chương trình nặng và yêu cầu học sinh phải làm bài tập ở nhà hoặc học thêm thì cần phải xem lại cách dạy của chính giáo viên đó. Cũng theo ông Thành, năm học vừa qua, khi xã hội phàn nàn học ở tiểu học nặng, Bộ đã rà soát lại chương trình, sách giáo khoa và đã soạn hướng dẫn dạy học theo chuẩn. Sở dĩ phải làm việc này vì giáo viên dạy học vẫn coi sách giáo khoa là "pháp lệnh" và thường dạy tất cả sách giáo khoa. Trong khi đó, theo thiết kế thì sách giáo khoa sẽ được dùng trong khoảng thời gian từ 10-15 năm nên có những phần nặng hơn so với chuẩn chương trình. "Khó và nặng ở chỗ giáo viên dạy hết cả phần kiến thức nâng cao cho tất cả học sinh. Hướng dẫn dạy học theo chuẩn kỹ năng chỉ ra cho giáo viên biết trong sách giáo khoa có một phần cơ bản chỉ dạy cho đại trà học sinh. Ví dụ, có 5 bài tập, dạy 3 bài tập nhưng nhắc riêng một số nhóm đối tượng phù hợp làm thêm 2 bài còn lại" - ông Thành cho hay.

Minh họa: Dad

Vào năm học chưa được 1 tháng mà các cháu lớp 1 đã phải viết chính tả, vừa khai trường có cháu chưa kịp làm quen với việc cầm bút đã phải nhận điểm 0, điểm 2, 3, 4 đầy vở, nhìn thật đau lòng!.

Phụ huynh Lê Định

Không phải chính tả?

Một phụ huynh có con học lớp 1 tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM bức xúc: "Thời khóa biểu của con tôi hầu như ngày nào cũng có môn Chính tả. Lúc đầu thì cô viết mẫu rồi cháu viết lại, bây giờ cô đọc chữ nào cháu viết chữ đó".

Bà Nguyễn Thúy Hà - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM cho biết: thực chất của môn Chính tả là luyện tập tiếng Việt nhưng do giáo viên quen miệng gọi cho nhanh! Chương trình học chính khóa của HS lớp 1 tại trường có 2 tiết học vần/1 buổi, buổi chiều luyện tập tiếng Việt có 3 tiết/tuần. Hiện nay đang ở tuần thứ 7 của chương trình học nên các em chỉ tập viết lại các âm đã học chứ không phải viết chính tả như phụ huynh nghĩ.

Theo cuốn Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học ở lớp 1 do Bộ GD-ĐT ban hành, bắt đầu từ tuần thứ 25 của năm học, HS mới bắt đầu có môn Chính tả. Theo đó, môn Chính tả ở lớp 1 cũng chỉ dừng lại ở việc HS nhìn vào sách hoặc bảng để chép lại cho đúng 1 câu hoặc 1 đoạn văn ngắn trong thời gian từ 15 - 20 phút.

Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Thực ra các cô giáo gọi chính tả theo thói quen thôi, chứ chỉ đơn giản là HS vừa học xong âm đó, vần đó các cô đọc lại, đánh vần và cho HS tập viết lại để nhớ. Có trường cô giáo đọc, HS viết bằng bảng con, có trường thì viết trong tập. Hình thức đọc - viết này các cô giáo cho là chính tả. Nên nhớ, trẻ con có thể thuộc lòng một loạt bài rất nhanh nhưng khi tách từng chữ ra thì không nhớ. Vì vậy mục đích "chính tả" là thao tác để giúp trẻ nhớ mặt chữ nhanh hơn. Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các trường không sử dụng từ chính tả mà có thể thay là môn Học vần (gồm đọc và viết) trong thời khóa biểu để phụ huynh khỏi ngộ nhận".

Phi Loan

Tuệ Nguyễn

Chỉ thị của Bộ trưởng về tăng cường ứng dụng CNTT

Ngày 30/9/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ thị số 55/2008/CT- BGDĐT "Về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2012", nội dung toàn văn chỉ thị như sau :

1. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của CNTT và triển khai có kết quả cao yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong năm học 2008-2009 là “Năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”

Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về vai trò, vị trí và sự cần thiết của CNTT trong giáo dục. Thủ trưởng các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn và quản lý.

Phổ biến rộng rãi và quán triệt đầy đủ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về CNTT của Chính phủ và của ngành.

Năm học 2008-2009 được chọn là “Năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tạo bước đột phá về ứng dụng CNTT trong giáo dục và tạo tiền đề phát triển ứng dụng CNTT trong những năm tiếp theo.

2. Xây dựng hệ thống đơn vị công tác chuyên trách về CNTT trong ngành

Xây dựng hệ thống đơn vị công tác chuyên trách về CNTT của ngành giáo dục, làm đầu mối triển khai ứng dụng CNTT theo tinh thần Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.

3. Phát triển mạng giáo dục (EduNet) và các dịch vụ công về thông tin giáo dục trên Internet

Phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel triển khai mạng giáo dục: kết nối Internet băng thông rộng miễn phí đến các cơ sở giáo dục mẫu giáo, mầm non, tiểu học, THCS và THPT, các phòng giáo dục và đào tạo, các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng; trước ngày 31/10/2008 hoàn thành nối kênh thuê riêng qua cáp quang tới các sở giáo dục và đào tạo; trước ngày 30/6/2009 hoàn thành nối cáp quang với giá ưu đãi đặc biệt tới các trường đại học, cao đẳng; bắt đầu triển khai kết nối Internet miễn phí qua sóng di động của Viettel cho các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo.

Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn và giảng dạy qua mạng với 3 hình thức: qua truyền hình, qua web và qua đàm thoại. Mở rộng áp dụng hình thức này cho công tác đào tạo và tập huấn, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tập huấn thanh tra viên, tuyển sinh…để tiết kiệm thời gian, kinh phí, công sức đi lại.

Các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục cần tích cực và chủ động tham gia tạo nội dung thông tin cho các chuyên mục của Website Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là Website Bộ) tại hai địa chỉ website là www.moet.gov.vn www.edu.net.vn.

Mỗi đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp và mỗi sở giáo dục và đào tạo cần có website riêng với các nội dung cần thiết liên quan đến hoạt động của mình.

Triển khai hệ thống e-mail quản lý giáo dục có tên miền @moet.edu.vn. Triển khai hệ thống e-mail theo tên miền của các cơ sở giáo dục để cung cấp địa chỉ email cho tất cả sinh viên, học sinh, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Phấn đấu hoàn thành cơ bản việc thiết lập và cung cấp e-mail theo tên miền của các cơ sở giáo dục, trước ngày 31/10/2008.

4. Đẩy mạnh một cách hợp lý việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học ở từng cấp học

Triển khai áp dụng CNTT trong dạy và học, hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, tích hợp ứng dụng CNTT ngay trong mỗi môn học một cách hiệu quả và sáng tạo ở những nơi có điều kiện thiết bị tin học; xây dựng nội dung thông tin số phục vụ giáo dục; phát huy tính tích cực tự học, tự tìm tòi thông tin qua mạng Internet của người học; tạo điều kiện để người học có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, tìm được nội dung học phù hợp; xoá bỏ sự lạc hậu về công nghệ và thông tin do khoảng cách địa lý đem lại. Cụ thể là:

- Khuyến khích giáo viên, giảng viên soạn bài trình chiếu, bài giảng điện tử và giáo án trên máy tính. Khuyến khích giáo viên, giảng viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy qua website của các cơ sở giáo dục và qua Diễn đàn giáo dục trên Website Bộ.

- Triển khai mạnh mẽ công nghệ học điện tử (e-Learning). Tổ chức cho giáo viên, giảng viên soạn bài giảng điện tử e-Learning trực tuyến; tổ chức các khoá học trên mạng, tăng tính mềm dẻo trong việc lựa chọn cơ hội học tập cho người học.

- Xây dựng trên Website Bộ các cơ sở dữ liệu và thư viện học liệu điện tử (gồm giáo trình và sách giáo khoa điện tử, đề thi trắc nghiệm, phần mềm thí nghiệm ảo, học liệu đa phương tiện, bài giảng, bài trình chiếu, giáo án của giáo viên, giảng viên). Tổ chức “sân chơi” trí tuệ trực tuyến miễn phí của một số môn học.

- Việc hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy bằng ứng dụng CNTT phải được thực hiện một cách hợp lý, tránh lạm dụng, tránh bệnh hình thức chỉ ứng dụng CNTT tại một số giờ giảng trong cuộc thi, trong khi không áp dụng trong thực tế hàng ngày.

5. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong điều hành và quản lý giáo dục

Điều tra, khảo sát hiện trạng, xác định nhu cầu và nhiệm vụ về CNTT trong các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục trên toàn quốc, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch ứng dụng CNTT dài hạn của ngành.

Ứng dụng CNTT để triển khai thực hiện cải cách hành chính và Chính phủ điện tử, thực hiện việc chuyển phát công văn, tài liệu qua mạng; Tin học hoá công tác quản lý ở các cấp quản lý giáo dục (Bộ, sở, phòng) và ở các cơ sở giáo dục.

Xây dựng hệ thống thông tin quản lý giáo dục và thống kê giáo dục thông qua việc tích hợp cơ sở dữ liệu từ các cơ sở giáo dục đến các cấp quản lý giáo dục.

Các sở giáo dục và đào tạo nghiên cứu khai thác và sử dụng kết quả phân tích dữ liệu thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp hằng năm trong công tác quản lý giáo dục của địa phương, đánh giá công tác của từng hội đồng coi thi, chấm thi.

6. Tăng cường giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu ứng dụng về CNTT

Tiếp tục triển khai giảng dạy môn tin học trong nhà trường theo chương trình đã ban hành. Tổ chức xây dựng chương trình học tin học ứng dụng theo các mô đun kiến thức để có thể áp dụng cho nhiều cấp học một cách mềm dẻo, thiết thực, cập nhật nội dung công nghệ mới; tích cực khai thác và đưa phần mềm mã nguồn mở vào chương trình giảng dạy CNTT ở các cấp học; tăng cường sử dụng trực tiếp chương trình đào tạo và tài liệu bằng tiếng Anh trong giảng dạy các môn CNTT.

Xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng, chuẩn kiến thức và kỹ năng về CNTT phù hợp với từng nhóm đối tượng được bồi dưỡng là cán bộ, công chức, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên và viên chức chuyên trách ứng dụng CNTT. Triển khai phổ biến các chuẩn kiến thức và kỹ năng về CNTT của các nước tiên tiến.

Triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về CNTT cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông phải có một cán bộ viên chức phụ trách ứng dụng CNTT có trình độ trung cấp chuyên nghiệp về CNTT trở lên, có giáo viên nòng cốt về ứng dụng CNTT trong dạy học các môn học.

Các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thực hiện đào tạo và ứng dụng CNTT theo nhu cầu xã hội.

Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng CNTT trong công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ. Xây dựng chương trình nghiên cứu về công nghệ giáo dục theo tinh thần áp dụng CNTT trong quá trình dạy và học.

7. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và xã hội hoá

Triển khai các dự án hợp tác quốc tế về ứng dụng CNTT trong giáo dục ở cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp trường một cách có hiệu quả, phù hợp.

Huy động sự đóng góp nhân tài, vật lực, trí tuệ, tinh thần của các tổ chức, cá nhân trong công tác ứng dụng CNTT trong giáo dục, trong xây dựng mạng giáo dục và trong công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu xã hội.

8. Công tác thi đua, đánh giá kết quả ứng dụng CNTT

Từ năm học 2008 – 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa chỉ tiêu thi đua về ứng dụng CNTT trở thành một tiêu chí để đánh giá và biểu dương các cơ sở giáo dục và các cá nhân đã có đóng góp tích cực về ứng dụng CNTT trong giáo dục.

Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá, xếp hạng và khen thưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng CNTT và đánh giá xếp hạng website của các cơ sở giáo dục.

9. Tổ chức thực hiện

a) Cục Công nghệ thông tin chủ trì tổ chức triển khai ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục và Năm học ứng dụng CNTT. Cụ thể là:

- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện kết nối Internet qua dịch vụ ưu đãi đặc biệt của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel đối với ngành giáo dục; triển khai hệ thống e-mail và website giáo dục.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng tổ chức triển khai thực hiện Dự án 3 “Đào tạo cán bộ tin học, đư­a tin học vào nhà trường” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án “Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực về CNTT” trình Chính phủ phê duyệt.

- Hằng năm tổ chức tuyển chọn, thẩm định, tham mưu trình Bộ trưởng ban hành chuẩn tối thiểu các sản phẩm CNTT dùng trong ngành giáo dục (gồm thiết bị phần cứng, kết nối mạng, phần mềm, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu) .

- Tổ chức tuyển chọn, thẩm định và trang bị các phần mềm thiết yếu để sử dụng chung cho toàn ngành như phần mềm quản lý trường học (quản lý học tập của học sinh, quản lý giáo viên, hỗ trợ xếp thời khoá biểu, quản lý thư viện, quản lý tài chính và cơ sở vật chất), phần mềm công cụ học điện tử e-Learning và các phần mềm giáo dục khác. Bắt đầu triển khai từ năm học 2008-2009.

- Hướng dẫn hoạt động của các đơn vị công tác chuyên trách CNTT trong ngành giáo dục. Xây dựng tiêu chí theo dõi và chuẩn đánh giá các hoạt động ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục. Hướng dẫn triển khai, giám sát, tổng hợp tình hình triển khai các nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo, sử dụng CNTT đối với các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

- Tổ chức và hướng dẫn thực hiện cuộc thi bài giảng điện tử.

- Phối hợp với Vụ Kế hoạch – Tài chính theo dõi, tổng hợp, đánh giá và báo cáo Lãnh đạo Bộ về hoạt động CNTT của các chương trình, dự án thuộc Bộ.

b) Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ phối hợp với Cục Công nghệ thông tin triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác điều hành, quản lý theo chức năng nhiệm vụ của mình.

c) Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2008, hướng dẫn thực hiện kế hoạch và chương trình mục tiêu về CNTT, các dự án có vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn khác dành cho giáo dục sao cho hiệu quả, tránh dàn trải, trùng lặp.

d) Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo căn cứ các nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị và tình hình thực tiễn địa phương, thực hiện các công việc sau:

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai nội dung Năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tỉnh và các cơ sở giáo dục ở địa phương; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục ở địa phương thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị;

- Tổ chức phát động và triển khai Năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT;

- Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị và hướng dẫn thực hiện năm học về CNTT, phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn về ứng dụng CNTT và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới;

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Bộ.

e) Giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng thực hiện các công việc sau:

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị;

- Tổ chức phát động và triển khai “Năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin” tới các đơn vị trực thuộc;

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Bộ.

- Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trường trung cấp chuyên nghiệp cập nhật trực tiếp vào cơ sở dữ liệu trên Website Bộ tại địa chỉ http://thi.moet.gov.vn những điều cần biết về thi và tuyển sinh của trường mình để phục vụ thí sinh tra cứu kịp thời; các thông tin về học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp trong năm học để phục vụ nhu cầu tuyển dụng của các tổ chức, doanh nghiệp.

f) Các dự án ODA và các chương trình, dự án có cấu phần CNTT có trách nhiệm định kỳ báo cáo và xin ý kiến tham vấn, thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Kế hoạch Tài chính và Cục Công nghệ thông tin) về kế hoạch và các việc triển khai các hoạt động và tiểu dự án về CNTT.

g) Chế độ báo cáo

Hằng năm, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo triển khai Chỉ thị này về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Công nghệ thông tin), bao gồm: kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT: trước ngày 30 tháng 10; báo cáo sơ kết học kỳ 1: trước ngày 31 tháng 1; báo cáo tổng kết năm học về CNTT: trước ngày 15 tháng 6.

Chỉ thị này cần được phổ biến tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục thuộc các loại hình giáo dục để quán triệt và thực hiện.

Công nghệ thông tin (sau đây viết tắt là CNTT) là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục, góp phần nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục. Phát triển nguồn nhân lực CNTT và ứng dụng CNTT trong giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa quyết định sự phát triển CNTT của đất nước. Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo, tăng cường giảng dạy và đào tạo về CNTT, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục trong toàn ngành triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây trong giai đoạn 2008-2012: