GIAI THOẠI

Beethoven

(17/12/1770 - 26/3/1827)

(1770 - 1827) - Nhà soạn nhạc cổ điển người Đức

Giấy lộn

Beethoven thường hay túng tiền, phải dời nhà liên tục. Một phần là do chi tiêu tốn kém phần là do ông hay giúp đỡ những người gặp cơn túng bẫn. Đôi khi nhạc sỹ có than phiền với ông bạn A-man-đa những khó khăn về tiền bạc. Một hôm ông này nghĩ ra một mẹo rất hay.

Đến chơi vào lúc Beethoven và ông chủ cho thuê nhà cãi nhau kịch liệt, A-man-đa xin đứng ra giàn xếp mọi việc.

- Anh hãy ngồi vào bàn, ông nói với Lút-vích, tập giấy nhạc đây, cây bút lông đã được gọt rất đẹp đây, anh hãy viết cho tôi sáu biến tấu theo chủ đề này!

Và, giả câm giả điếc trước những lời phản đối của Beethoven, ông bỏ ra về khoá chặt cửa lại.

2 giờ sau, khi ông trở lại, Lút-vích mặt mày cau có, hầm hầm đưa cho ông mấy tờ giấy.

- Mớ giấy lộn đây!

A-man-da cầm lấy, mang đến cho ông chủ nhà và, mặc dầu ông này ko chịu nghe, ông vẫn bảo nên đưa đến cho một nhà xuất bản âm nhạc nào đấy. Một hồi sau ông chủ nhà trở về, trên môi nở nụ cười toe toét.

- Tôi có thể có thêm ít "giấy lộn" như thế nữa ko? - Ông ta hỏi.

Nguồn: Sưu tập

~*~

Người giàu nhất

Beethoven có hai người em ruột, một là Cat-pa đã qua đời khoảng năm 1806 vì bệnh phổi, người còn lại là Ni-cô-lai trong những năm này làm ăn rất khấm khá và đã có những điệu bộ của kẻ mới giàu sang. Dĩ nhiên điều này làm cho ông anh cả rất khó chịu.

Khi ông em viết một bức thư gửi nhạc sỹ bên dưới ký "Nicola Beethoven, người chủ của nhiều bất động sản" thì Beethoven đã viết lại "LUDWIG BEETHOVEN, người chủ của một bộ óc".

Nguồn: Sưu tập

~*~

Con bò vĩ đại!

Vào năm 1806 các tác phẩm chủ yếu của Beethoven là bản giao hưởng số 4 với chương adagio u buồn tuyệt diệu, công-xéc-tô duy nhất cho violin op.61 và bản 32 biến tấu đô thứ cho piano. Trong đó Beethoven cho bản biến tấu này là một trong những tác phẩm kém nhất của mình. Một hôm đến thăm bà S'Tay-khơ, vợ một người bán đàn piano thì tình cờ cũng là lúc bà ta đang say sưa đàn bản này. Ông hỏi:

-Bài này của ai nhỉ?

-Chính là của ngài, nhạc sư thân mến! Bà Tay-khơ trả lời với vẻ kính phục.

Rất ngạc nhiên Beethoven nói:

-Của tôi? Của tôi à? Một sự đần độn ko tha thứ được! Ôi BEETHOVEN! BEETHOVEN! Sao mày lại ngu như bò vậy!

Nguồn: Sưu tập

~*~

Tôi là duy nhất!

Hoàng thân Lich-nốp-ky là người bảo trợ của Beethoven trong một thời gian dài, vào đầu thu năm 1806, khi Beethoven đi Gơ-rát hoàng thân đã mời ông về chơi 1 thời gian.

Vào một buổi tối, rất nhiều sỹ quan pháp đã đến dự tiệc tại lâu đài của Lich-nốp-ky. Phát cáu vì những câu hỏi ngu ngốc của một thiếu tá, Beethoven đã từ chối ko chịu ngồi vào đàn khi được yêu cầu. Người ta van nài mãi nhưng ông nhất định ko nghe và tỏ vẻ khó chịu, đến nỗi ông hoàng mất bình tĩnh đã doạ bỏ tù ông. Beethoven nổi cơn thịnh nộ, bỏ về phòng rồi khoá trái cửa lại. Ông hoàng cũng tức giận không kém cho phá toang cánh cửa và kết cục là 2 người suýt ẩu đả, và đến đêm thì Beethoven bỏ trốn. Vừa về đến nhà, ông chụp ngay lấy tượng nửa người của Lich-nôp-ky đang để trên lò sưởi ném xuống đất vỡ tan, rồi cầm bút viết một mạch:

"Ông hoàng! Nhờ sự ngẫu nhiên của sinh đẻ mà ông trở thành ông như bây giờ. Còn tôi trở thành tôi ngày nay là do tự tôi làm nên. Hoàng thân, hiện có và rồi luôn luôn sẽ có hàng nghìn. BEETHOVEN, chỉ có một."

Nguồn: Sưu tập

~*~

Cho trả tiền!

Một hôm, Beethoven tới tiệm ăn "Schwan” (Thiên Nga) ăn trưa. Sau khi ngồi xuống, ông gõ bàn gọi người phục vụ. Gõ mấy lần mà chưa thấy ai tới. Beethoven lấy giấy bút ra ghi chép những cảm xúc âm nhạc. Khi người phục vụ tới là lúc Beethoven đang say sưa ghi chép, ông không hề biết gì ngoài việc cắm cúi ghi cho kịp dòng suy nghĩ. Sau khi hỏi khách một vài lần nhưng không nói gì mà cứ cúi đầu ghi chép, người phục vụ nhận ra khách quen: Ludwig van Beethoven. Người đó từ từ rời khỏi chỗ Beethoven đang ngồi, đợi một lát sau sẽ lại.Khi ghi chép xong, Beethoven gõ mạnh bàn nói:

- Cho trả tiền!

Nhà nhạc sĩ thiên tài ngạc nhiên khi nghe người phục vụ đáp:

- Quý ông chưa gọi món ăn ạ.

Nguồn: Danh nhân thế giới. Lương Văn Hồng dịch và biên soạn. NXB Văn học, 2005.

~*~

Năm mươi đồng tiền vàng 23 Karat

Năm 1823, Beethoven bị bệnh đau tai nặng, nhiều người thân quen lại qua đời, ông sống cảnh cô đơn, nghèo túng. Cũng năm 1823 ông viết xong bản thánh ca "Missa solemnis” ông gởi bản thảo tới các vua ở Châu Âu với khoản tiền nhuận bút là 50 Dukaten.

Vua Phổ thích mua bản nhạc thánh ca, nhưng lại cho sứ giả tới hỏi Beethoven:

- Ông có thích huân chương Phổ thay cho tiền nhuận bút không?

Beethoven trả lời ngắn gọn;

- Năm mươi Dukaten.

Nguồn: Danh nhân thế giới. Lương Văn Hồng dịch và biên soạn. NXB Văn học, 2005.

~*~

Đại tướng âm nhạc

Tin nhạc sĩ thiên tài Ludwig van Beethoven qua đời làm chấn động dư luận, văn nghệ sĩ và những người yêu nhạc ở khắp mọi nơi đều về Viên để dự tang lễ và đưa Beeethoven về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tang lễ đang cử hành vào ngày 19 tháng 3 năm 1827. Số người đưa đám đông tới mức phải huy động sĩ quan và binh lính làm nhiệm vụ giữ trật tự. Một người khách không hiểu tại sao, tò mò hỏi bà bán hoa:

- Tang ai mà đông người đi đưa đám thế hở bà? Lại có cả nhà binh nữa?

Nhìn người lạ mặt, với giọng hài hước bà bán hoa đáp:

- Đây là lần đầu tiên có chuyện như vậy ở Viên. Hôm nay người ta đưa ông Đại tướng Âm nhạc về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nguồn: Danh nhân thế giới. Lương Văn Hồng dịch và biên soạn. NXB Văn học, 2005.

~*~

Robert Schumann

(8/6/1810 - 29/7/1856)

(1810 - 1856) Nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức, một trong những nhà soạn nhạc lãng mạn lừng danh nhất thế kỷ 19.

Âm nhạc và nội tâm con người

Đầu những năm 30 của thế kỷ XIX, trong âm nhạc lãng mạn Đức xuất hiện một nhân tài mới – Robert Schumann. Nhạc sĩ trẻ ấy đã làm sửng sốt người đương thời với cách viết mới lạ, với nhịp điệu “rối rắm” trong các khúc nhạc nhỏ - miniatures - dành cho đàn dương cầm.

Trong các tác phẩm của mình, Schumann là người hiếu động, hiếu kỳ, đồng thời là thi sĩ, người kể chuyện xuất sắc và là nhà tâm lý tinh tế. Bằng hình tượng âm thanh, Schumann đã miêu tả chính xác những biến chuyển bất thường của khí sắc và của tình cảm.

Tschaikowski nhận xét:

- Nhạc của Schumann bao quát toàn bộ những hình thức mới trong âm nhạc, đề cập đến những vấn đề mà người đi trước ông chưa nói đến. Chúng ta nghe thấy trong nhạc của ông tiếng vang của những diễn biến sâu sắc trong đời sống tinh thần, những hoài nghi và thất vọng cùng những hoài bão, lý tưởng đang xâm chiếm lòng người hiện nay.

Nguồn: Danh nhân thế giới. Lương Văn Hồng dịch và biên soạn. NXB Văn học, 2005.

~*~

Chồng nghệ sĩ dương cầm

“Tình yêu và cuộc sống”, “Tình người thi sĩ” là những bản nhạc tiêu biểu của Schumann.

Clara Schumann là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Trong các dạ hội người nghe thường chỉ vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng tài chơi đàn dương cầm của nghệ sĩ, còn Robert Schumann chỉ đơn giản là chồng của nghệ sĩ đàn dương cầm.

Có lần, sau buổi dạ hội, hoàng tử Friedrich von Hohenzollern tới gặp vợ chồng Schumann. Hoàng tử hết lời khen ngợi bà vợ, rồi quay sang ông chồng, hỏi:

- Thưa ông Schumann, ông có sành âm nhạc không?

Nguồn: Danh nhân thế giới. Lương Văn Hồng dịch và biên soạn. NXB Văn học, 2005.

~*~

Ít nói

Trong số những tác phẩm Schumann viết cho dàn nhạc, thanh nhạc và nhạc khí, thìnổi bật hơn hết là các tác phẩm dành cho đàn dương cầm. Những bản nhạc của ông đầy cảm xúc chân thành và sôi nổi như cuộc đời của ông với vợ ông - nghệ sĩ đàn dương cầm Clara Schumann (con gái thầy dạy dương cầm Wieck). Cuộc hôn nhân này là một sự hiến dâng trọn vẹn cho nhau: Clara Schumann thường biểu diễn những bản nhạc dành cho piano của chồng.

Schumann thường trầm lặng, ít nói. Trong một buổi dạ hội, có một phụ nữ hỏi nhạc sĩ:

- Ông Schumann, sao ông chẳng nói gì cả?

- Thưa bà có đấy chứ, nhưng chỉ khi vợ tôi chơi đàn dương cầm.

Nguồn: Danh nhân thế giới. Lương Văn Hồng dịch và biên soạn. NXB Văn học, 2005.

~*~