2

Trang 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7

HUY TRÂN

40 năm bài hát Gà gáy

Tags: Tây Bắc, Hà Nội, Huy Trân, Côống Khao, Dân tộc Việt Nam, dân ca, gà gáy, bài hát, âm nhạc, Nhạc sỹ, thiếu nhi,

(TPO) Con gà gáy le té le te sáng rồi ai ơi/Gà gáy té le té le sáng rồi ài ời... Có lẽ, những câu hát này dường như đã đi vào tâm thức của nhiều em nhỏ Việt Nam và ai cũng biết rằng đó là bài Gà gáy phỏng theo dân ca Côống Khao.

Bài hát này đã đến với công chúng từ bao giờ thì chắc hẳn chưa mấy ai biết. Xin tiết lộ: người đầu tiên phát hiện sưu tầm và giới thiệu bài dân ca này là nhạc sỹ Huy Trân và năm nay bài hát đã tròn... 40 tuổi.

Xin nhạc sỹ cho biết bài hát Gà gáy được ra đời như thế nào?

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, tôi đã thực hiện các chuyến đi điền dã ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc để sưu tầm dân ca. Một lần, trong chuyến đi lên rẻo cao Tây Bắc, tới bản Bô Lếch (xã Nậm Khao, Mường Tè, Lai Châu), tôi đã gặp đồng bào Côống và nhận thấy họ có một nền dân ca phong phú, nhiều làn điệu dân ca đặc sắc như Khuê nông lê, Loong lẳn, Nảng Ti Ling, Ga fà té le... Tôi đã thu thanh vào băng từ.

Khi về Hà Nội, từ những làn điệu dân ca đã được thu thanh đó, tôi đã dịch ra nốt nhạc (ghi âm) và đặt lời mới như: Khuê nông lê (Hò đóng thuyền), Loong lẳn (Trăng sáng), Ga fà té le (Gà gáy) và xuất bản trong một số tập dân ca của Nhà xuất bản Âm nhạc.

Theo các cụ già dân tộc Côống, "Ga fà té le" là "Tiếng con gà nó gáy", tôi đã đặt tên cho bài hát là Gà gáy và làm lời mới cho bản dân ca này. Bài hát này đã được gửi tới Phòng Dân ca (Đài Tiếng nói Việt Nam) và đã được ca sỹ Thanh Hoa (nay là Nghệ sỹ Nhân dân) hát giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1965.

Được biết ngoài sáng tác những bài hát cho thiếu nhi, nhạc sỹ còn dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu, sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam?

Giới trẻ và đặc biệt là các em thiếu nhi biết đến tôi là tác giả của các bài hát thiếu nhi như: Quả bóng, Hoà bình cho bé, Xôn xao mùa xuân, Bầu trời này mặt đất này, Chú bò xanh... Nhưng sáng tác bài hát thiếu nhi chỉ là một phần trong suốt cuộc đời hoạt động âm nhạc của tôi.

Nửa cuộc đời nghệ thuật của tôi là mảng công việc tìm hiểu, nghiên cứu dân ca nhạc cổ truyền của một số dân tộc Việt Nam. Suốt 20 năm tuổi trẻ công tác tại Viện Âm nhạc, tôi đã lặn lội, vượt suối, qua đèo đến với nhiều vùng dân tộc mà xa xôi vất vả nhất là vùng rẻo cao Tây Bắc, gặp gỡ người Hà Nhì, người Côống, người Khơ Mú... ở huyện Mường Tè.

Tất cả đã để lại trong tôi tình yêu mến và tự hào với nền dân ca nhạc các dân tộc Việt Nam. Tôi đã viết những tiểu luận giới thiệu nền ca nhạc dân gian một số dân tộc vùng cao Tây Bắc và một số cuốn sách nghiên cứu về các nhạc khí các dân tộc Việt Nam đã được xuất bản...

Kể từ năm 1980, khi chuyển về Ban Âm nhạc (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội), tôi đã chú trọng tới mảng ca nhạc dành cho trẻ em, đặc biệt chuyên mục Câu chuyện âm nhạc dành cho thiếu nhi với mong muốn đem âm nhạc đích thực tới trẻ em, là chuyên mục được giới âm nhạc hoan nghênh và các em nhỏ yêu thích.

Đã bước sang tuổi thất thập, nhạc sỹ mong ước gì?

Tôi ao ước nếu còn có sức khoẻ, lại được rong ruổi ở những vùng núi Tây Bắc để làm đầy đặn thêm bộ sưu tập dân ca của mình, và nếu có thể được đi khắp mọi miền của đất nước mình ghi lại những bài dân ca mà từ trước tới giờ chưa ai khai thác ...

Cảm ơn nhạc sỹ và nhân năm con Gà chúc nhạc sỹ sức khoẻ dồi dào để có thể thực hiện được những ý định của mình.

Ngọc Ánh (thực hiện)

Nhạc sỹ Huy Trân

Nhạc sỹ Huy Trân tên thật là Trần Huy Trân, sinh ngày 9/6/1936 tại Nam Định.

Ông đã từng công tác tại Viện Âm nhạc (1960 - 1980) và Đài PTTH Hà Nội (1980 - 1996)

Tham gia các hội: Hội Nhạc sỹ VN, Hội Văn nghệ dân gian VN, Hội Âm nhạc Hà Nội

Phần thưởng: Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng 2, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Chiến sỹ văn hóa, Huy chương Vì sự nghiệp truyền hình

Tiểu luận và sách nghiên cứu âm nhạc dân gian cổ truyền tiêu biểu: Đàn bầu VN, Các nhạc khí dân tộc Hà Nhì, Một số hình thức hòa tấu nhạc tài tử Nam Bộ, Nhìn qua kho tàng nhạc khí VN, công trình nghiên cứu Nhạc khí dân tộc VN biên soạn cùng với Lê Huy.

Sáng tác nhiều ca khúc cho thiếu nhi: Bầu trời này, mặt đất này (Lời thơ Diệp Minh Tuyền) giải A trong nước, giải quốc tế năm 1979, Xôn xao mùa xuân, Bài hát gửi anh chiến sỹ Trường Sa, Trồng cây ơn Bác, Hãy giữ cho em bầu trời xanh...

Việt Báo (Theo_Tien_Phong)

HÀN NGỌC BÍCH

Ông sinh ngày 18 tháng 11 năm 1940, quê ở Hà Nội. Hiện công tác tại Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962 và làm giáo viên ở Hà Tây. Năm 1973, về Bộ Giáo dục và Đào tạo, là Uỷ viên Thư ký Hội đồng Âm nhạc của Bộ. Ông sáng tác nhiều ca khúc cho thiếu nhi, và góp phần soạn thảo nhiều sách hướng dẫn và giảng dạy môn hát nhạc cho học sinh tiểu học như Sách giáo viên hát nhạc (soạn chung với Nguyễn Minh Toàn)... Ca khúc của ông được sử dụng nhiều trên sách báo, đài phát thanh và truyền hình, băng âm thanh và băng video.

Những bài hát đáng chú ý: Rửa mặt như mèo, Em đố mẹ em (cùng Văn Dung), Đưa cơm cho mẹ đi cày, Tiếng chim trong vườn Bác, Em bay trong đêm pháo hoa, Tháng ba học trò, Xinh xinh hạt nắng, Hoa bí vàng (ca cảnh).

Ông đã được nhiều giải thưởng về sáng tác ca khúc cho thiếu nhi.

(Trích “Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại” - Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

Hàn Ngọc Bích: Nhạc sĩ của thiếu nhi

Trên 40 năm sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích (sinh năm 1940) đã để lại dấu ấn khó mờ phai trong lòng các em nhỏ Việt Nam.

Ông có tới 4 ca khúc vinh dự được bình chọn trong 50 bài hát hay nhất thế kỷ XX: Tiếng chim trong vườn Bác, Em bay trong đêm pháo hoa, Tre ngà bên lăng Bác và Đưa cơm cho mẹ đi cày. Nhân dịp Tết thiếu nhi 1-6, phóng viên báo chí đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích.

- Thưa nhạc sĩ, duyên cớ nào đưa ông đến với âm nhạc?

- Tôi thích âm nhạc từ nhỏ. Nhưng khi lớn lên, bố mẹ tôi rất thích nghề giáo, bảo tôi thi vào ngành sư phạm và tôi đã thi đỗ. Năm 1962, khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi tình cờ gặp được nhạc sĩ Hoàng Long. Lúc ấy, Hoàng Long đã có một gia tài âm nhạc, đặc biệt là: Em đi thăm miền Nam và Nếu bạn muốn tìm tôi… Cuộc gặp gỡ ấy khiến tôi suy nghĩ: Nếu bạn có thể làm được, thì tại sao mình không? Sau đó, tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ Hoàng Long. Với tôi, Hoàng Long là người bạn chí tình.

Và những sáng tác đầu tiên đã ra đời như thế nào, thưa ông?

- Ca khúc đầu tiên tôi viết cũng chính là một sáng tác cho các em thiếu nhi. Bài hát có tựa đề Cây bàng trước ngõ: “Mùa đông áo đỏ/ Mùa hạ áo xanh/ Cây bàng khi mở hội, là chim đến vây quanh…” Ca khúc được viết năm 1966, khi ấy tôi dạy ở Trường cấp III Chương Mỹ, sau đó dự thi cuộc vận động viết ca khúc cho trẻ em của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Cũng trong cuộc thi này, tôi còn gửi tham dự nhiều ca khúc, như Rửa mặt như mèo, Sáo sậu là cậu sáo đen, Ca cảnh Hoa bí vàng. Và điều bất ngờ là các ca khúc dự thi ấy đều đoạt giải…

- Sau này, hình như ông còn gặt hái được nhiều giải thưởng nữa?

- Tôi nhớ nhất vào năm 1992 cả nước có 4 cuộc thi âm nhạc của báo Hoa học trò, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em và của ngành văn hóa - giáo dục Hà Nội. Lúc ấy tôi đã ở tuổi 52, cũng muốn nghỉ ngơi đôi chút nhưng những người bạn chí cốt như nhạc sĩ Cao Minh Khanh, Vũ Trọng Tường không cho nghỉ, cứ vài ngày lại đến “đòi” bài. Và trong 4 cuộc thi năm ấy, tôi đều có những giải thưởng của các cuộc thi nói trên với các bài Tre ngà bên Lăng Bác, Ơi hành khúc mùa thu, Tháng Ba học trò, Hái được bên bờ rào, Xinh xinh hạt nắng…

- Bây giờ, các em thiếu nhi ngày ngày đến lớp vẫn hát vang nhiều ca khúc của Hàn Ngọc Bích. Ông có thế bật mí về hoàn cảnh sáng tác một vài ca khúc nổi tiếng của mình?

- Hồi năm 1973, tôi rất muốn viết một ca khúc cho các em nhưng gắn với Bác Hồ. Khi ấy, tôi đã đến thăm Lăng Bác nhiều lần nhưng vẫn chưa viết được. Rồi phải đến một buổi chiều nắng tháng Tư, ở Vườn hoa Chí Linh, tôi mới viết được ca khúc Tiếng chim trong vườn Bác. Còn như bài Đưa cơm cho mẹ đi cày tôi viết ở Thường Tín từ cuối năm 1970, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào thời kỳ ác liệt nhất. Chính năm ấy, tôi mất đứa con gái đầu lòng. Cảm giác mất mát có phảng phất đâu đó trong bài hát. Cái chung và cái riêng xen lẫn, man mác nhưng không buồn. Mãi đến năm 1972 sau nhiều lần sửa chữa, khi ưng ý, tôi mới gửi tới Đài Tiếng nói Việt Nam…

- Và ông đã thực sự là nhạc sĩ của thiếu nhi, nhạc sĩ của những giải thưởng…

- (Cười) Đúng là tôi được nhiều giải thưởng. Nhưng tôi nghĩ nhiều đồng nghiệp sẽ đồng ý với tôi là: Giải thưởng lớn nhất, vinh hạnh nhất đối với người nhạc sĩ là sáng tác của mình đã được nhiều người thuộc, hát, và tồn tại trong tâm hồn của họ.

Xin cảm ơn ông!

(Theo báo HNM)

LÊ MINH CHÂU

Tôi đã gặp và quen thầy Lê Minh Châu từ năm 2000 khi còn là sinh viên cao đẳng sư phạm âm nhạc, tiếp xúc với Thầy thật vui, thật gần gũi, mỗi khi học môn phương pháp giảng dạy Thầy thường dành chút ít thời gian để giới thiệu các bài hát mới sáng tác của Thầy, các buổi trưa Thầy thường nghỉ lại tại trường tôi hay lên phòng Thầy chơi, khi thì uống rượu, lúc lại tâm sự chuyện đời, chuyện sáng tác... Thầy Châu rất thương học trò, các buổi dạy của thầy nhà trường sắp xếp vào thứ 6(cuối tuần), nên có nhiều bạn "đăng kí"khứ hồi đi nhờ xe Thầy về Hà Nội. Có lần Thầy chở Tôi bằng xe máy đi qua quê gốc nhà Thầy và chỉ tôi mảnh đất, ngôi nhà khi xưa Thầy ở. Thầy Châu tâm sự: "Mình sinh ngày 20 tháng 8 năm 1944, quê gốc của mình ở Làng Do Lộ, Yên Nghĩa, Hà Đông, cuộc sống khi xưa của mình vất vả, khổ sở lắm! còn nhỏ mình chỉ mê âm nhạc,mình phải đi gánh gạch để dành tiền mua được cây đàn Guitare, mỗi khi tập hát toàn phải giấu mọi người bằng cách thò đầu vào bể nước,hoặc sáng sớm ra giữa cánh đồng để luyện thanh..."

Cuộc sống tuy vất vả như vậy bằng sự nỗ nực của bản thân Thầy Châu vẫn vượt qua,Thầy đã thi đỗ, học, tốt nghiệp lớp CDSP văn- sử,ra trường Thầy nhận công tác tại một cơ quan ngành văn hóa tại Hà Đông.Không bằng lòng với cuộc sống trước mắt Thầy quyết tâm ôn thi 1 thời gian dài và đã đỗ đại học chính quy khoa sáng tác Nhạc viện Hà Nội(hồi đó Thầy học cùng lớp với nhạc sỹ Nguyễn Cường),ra trường Thầy nhận công tác tại Viện khoa học giáo dục đến khi nghỉ hưu.

Minh Châu là Hội viên Hội nhạc Sỹ Việt nam,đoạt giải nhì bài hát cho thiếu nhi năm 1974,đã sáng tác 1 số bài trong đó có:mưa xuân, nghe em hát lý cây đa (2 bài này thơ Hoài An), khúc ca của biển, chiều Tam Đảo,đàn ơi,mỗi khi nghe em hát,chiếc áo màu xanh,lên Hồ Tây,yêu chút ngây thơ(thơ Nhữ Đình Động), đến Sê Un, đến Viên Chăn... bài hát thiếu nhi:quả địa cầu, cây tre việt nam,dàn đồng ca mùa hạ(thơ Minh Nguyên,bài hát được bình chọn trong 50 bài hát hay nhất thế kỷ 20, được đưa vào giảng dạy trong chương trình âm nhạc lớp 5),mai em 16(bài hát được thu thanh tại Đài TNVN),quả thị(in trong SGK âm nhạc 1-phụ lục), cơn mưa(thơ Phan Liên Giang,in trong SGK âm nhạc 6 phần phụ lục),tìm về tuổi thơ(phỏng thơ Lương Đình Khoa),em đi bên Hồ Gươm,cây tre Việt Nam,em nhớ câu ca xưa,bàn tay của mẹ... sáng tác một số tác phẩm khí nhạc trong đó có:Biển chiều(viết cho violin và piano), biên soạn sách giáo khoa âm nhạc trong trường phổ thông (từ lớp 1-9).

Là một người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc tôi thấy tác phẩm nhạc không lời của thầy Lê Minh Châu rất hay và trữ tình,bài nhạc được thầy viết trong những năm tháng còn khó khăn,gian khổ,thầy sáng tác bản nhạc trong lúc đi kéo vó(Vợ thầy Châu cho biết),bài nhạc đã được Đài TNVN thu âm do nghệ sỹ Nguyễn Đình Quỳ violin,hiện nay bản nhạc không lời Biển Chiều được Đài TNVN sử dụng để cắt,chuyển,nối các chương trình,bản nhạc còn hay được dùng cho đoạn nhạc mở đầu trong chuyên mục đọc truyện đêm khuya(trước mỗi câu truyện thường có nét nhạc mở đầu,chứ không phải là nhạc hiệu chương trình),bằng sự cảm nhận,hiểu biết, chuyên môn của mình,tôi có thể khẳng định rằng:Biển chiều của Lê Minh Châu có vị trí ngang hàng như bản nhạc không lời Mùa Thu của Cát Vận(nguyên trưởng ban âm nhạc Đài TNVN),và với nhiều người yêu những giai điệu trữ tình,có lẽ họ sẽ còn đánh giá bản nhạc Biển chiều "cao hơn tôi".

Cuộc sống hiện tại của thầy Châu rất bận,thầy vẫn sáng tác đều,tham ra biên soạn sách giáo khoa âm nhạc cùng với các nhạc sỹ như:Hoàng Long,Hoàng Lân,Phan Trần Bảng,Bùi Anh Tú,Hàn Ngọc Bích...dạy học tại các trường phổ thông tại Hà Nội,đi làm gia sư,đi giảng dạy cho các khoa,trường sư phạm trong cả nước...

Một điều mà mỗi chúng ta ít biết tới về gia đình thầy giáo-nhạc sỹ Lê Minh Châu đó là người con trai duy nhất của thầy là nhạc sỹ Lê Minh Sơn với phong cách âm nhạc dân gian-đương đại.Tôi đã gõ Lê Minh Sơn trong google chỉ sau 0,33 giây đã hiện lên 3.400.000 kết quả. Tôi biết Sơn sinh năm 1975,27 tuổi là hội viên trẻ nhất của Hội nhạc sỹ Việt nam,đã rất nổi tiếng từ sao mai điểm hẹn,bài hát việt...với các giọng hát như Tùng Dương,Ngọc Khuê,Thanh Lam...Ở bài này tôi không đề cập thêm về Lê Minh Sơn nữa vì anh là người của công chúng.

Tôi viết bài này không có ý định lăng xê,ca ngợi sai sự thật về người thầy giáo kính mến của,tôi chỉ muốn mọi người biết có một tác phẩm âm nhạc không lời rất hay viết cho piano và violin,tác phẩm Biển chiều của Lê Minh Châu.Xin chúc Thầy luôn mạnh khỏe,luôn có cảm xúc sáng tác!

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng -Lớp K4 NHạc-Cựu SV Trường CĐNT Hà Nội khoá 2000-2003

HOÀNG LONG - HOÀNG LÂN

Nhạc sĩ Hoàng Long và nhạc sĩ Hoàng Lân là anh em sinh đôi, sinh ngày 18/6/1942 tại thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), người anh - Hoàng Long cất tiếng chào đời trước Hoàng Lân 15 phút. Sinh tại Vĩnh Yên nhưng từ nhỏ đến lớn, họ sống ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) trong hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt: bố mất sớm từ khi Hoàng Long - Hoàng Lân mới 10 tháng tuổi; mẹ dạy học, rồi đi bước nữa, 2 anh em ở với bà nội cho đến khi khôn lớn.

Từ những ca khúc thành công đầu tiên khi họ mới 17 tuổi, đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, đến những sáng tác gần đây nhất, đã nói lên một chặng đường lao động nghệ thuật liên tục, bền bỉ của hai anh em, một ý chí và nghị lực vươn lên trong điều kiện khó khăn riêng tư hiếm có của họ.

Có những bài Hoàng Long viết, Hoàng Lân tham gia thêm và ngược lại. Cũng có những bài, một trong hai người hình thành chủ đề âm nhạc đầu tiên, rồi người kia tiếp tục phát triển cho hoàn chỉnh cả bài Sau này, có một số bài do một người viết song vẫn liên danh ký tên chung.

Từ năm 1959, trên làn sóng Đài phát thanh TNVN đã đều đặn giới thiệu những ca khúc của Hoàng Long - Hoàng Lân. Một trong những sáng tác đầu tiên khá thành công là bài "Em đi thăm miền Nam" (1959). Bài hát gây được tiếng vang lớn và phổ biến rộng rãi trong nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Từ khi còn là học sinh phổ thông, Hoàng Long - Hoàng Lân đã tìm đến âm nhạc với niềm say mê và tinh thần cần cù tự học. Những năm đầu tiên, các nhạc sĩ đã sáng tác một số ca khúc dành cho thanh niên như: Ngọn lửa nhiệt tình lao động, Nếu bạn muốn tìm tôi, Cô giáo vùng cao... Sau này, càng ngày hai nhạc sĩ càng bộc lộ rõ thiên hướng sáng tác cho tuổi thơ.

Một số sáng tác tiêu biểu của 2 ông: - Nếu bạn muốn tìm tôi - Cô gái vùng cao - Em đi thăm miền Nam (1959) - Đi học về (1961) - Lái xe hơi (1961) - Bác Hồ - người cho em tất cả (1975) - Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác (1978) - Mèo con đi học (1982) - Thật là hay (1982) - Mùa hè ước mong (1982) - Bác đưa thư vui tính - Cùng múa hát dưới trăng - Đàn cá dưới chân nhà sàn(1983) - Hát ở trại hè quốc tế (1983) ....

Khán giả biết đến 2 anh em sinh đôi Hoàng Lân – Hoàng Long qua các ca khúc viết cho thiếu nhi như: Em đi thăm miền Nam, Bác Hồ người cho em tất cả, từ rừng xanh cháu về thăm Bác, đi học về, vì sao con mèo rửa mặt, quà mùng 8 tháng …Suốt cuộc đời 50 năm qua, 2 nhạc sĩ Hoàng Lân – Hoàng Long chủ yếu làm công tác nghiên cứu sáng tác âm nhạc góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, đóng góp đào tạo và phổ cập âm nhạc trên toàn quốc.

Hai ông cũng là những người xây dựng những cuốn sách âm nhạc đầu tiên trong nhà trường, làm cho môn học âm nhạc trở thành một trong những môn học chính thức góp phần cùng với các môn học khác giáo dục thế hệ trẻ.

Tên khai sinh của hai ông là Nguyễn Hoàng Lân và Nguyễn Hoàng Long cùng sinh ngày 18/6/1942, quên ở thị xã Sơn Tây. Trước đây hai anh em Hoàng Long – Hoàng Lân thường sáng tác chung trong nhiều tác phẩm. Sau này, dần dần tách riêng từng tác giả.

Nhạc sĩ Hoàng Lân sau khi tốt nghiệp Đại học sáng tác, Đại học lý luận âm nhạc tai Nhạc viện Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Lân đã viết ở nhiều thể loại như: khí nhạc, nhạc cho múa, nhạc phim, nhạc cảnh, múa rối, hợp xướng, và đặc biệt là các sáng tác cho các em thiếu nhi. Ngoài ra ông còn tham gia giiảng dạy âm nhạc tại trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, viết sách báo về âm nhạc…Nhạc sĩ Hoàng Lân đã đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Huân chương “ Vì thế hệ trẻ” của Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Một số sáng tác tiêu biểu: Nếu bạn muốn tìm tôi, Cô gái vùng cao, Em đi thăm miền Nam, Đi học về, Lái xe hơi, Bác Hồ - người cho em tất cả, Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác, Mèo con đi học…

Các tác phẩm đã xuất bản: 10 ca khúc Hoàng Long – Hoàng Lân (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1984), tuyển chọn ca khúc Hoàng Lân (Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Nhà xuất bản Âm nhạc, 1994)

Nhạc sĩ Hoàng Long sáng tác từ năm 1957, tốt nghiệp Đại học trường Âm nhạc Việt Nam năm 1961- 1979, ông tham gia giảng dạy âm nhạc tại trường Nhạc hoạ Trung ương và Nhạc viện Hà Nội. Năm 1974, ông làm công tác nghiên cứu về sư phạm âm nhạc phục vụ nhà trường phổ thông tại Viện Khoa học giáo dục, Bộ giáo dục và đào tạo. Ông sáng tác chủ yếu cho lứa tuổi thiếu nhi. Nhiều năm liên tục ông được Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam , Uỷ ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương, Bộ giáo dục, UNICEF tặng giải thưởng. Ông đã viết trên 20 cuốn sách dạy âm nhạc cho trường phổ thông và đã được xuất bản.

Đã xuất bản tuyển tập: 10 ca khúc thiếu nhi Hoàng Long – Hoàng Lân (Nhà xuất bản Văn hoá, 1984), tuyển chọn ca khúc Hoàng Long ( Hội nhạc sĩ Việt Nam và Nhà xuất bản Âm nhạc, 1994)

(Theo cuốn " NHẠC SĨ VIỆT NAM" - Hội Nhạc sĩ Việt Nam xuất bản năm 2007)