4

Trang: 1, 2, 3, 4, 5, 6

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Bữa cơm là chiếc gương soi hạnh phúc

Theo thống kê mới đây, tại các đô thị lớn Việt Nam, có đến 30 - 40% các gia đình lâm vào cảnh cơm hàng cháo chợ. Gia đình hiện đại, cung cách người "nội tướng" chăm sóc gia đình cũng khác trước và cách chúng ta cảm nhận hạnh phúc qua bữa cơm gia đình cũng khác.

Đa số các ông chồng ngày nay khi được hỏi về chuyện bữa cơm gia đình đều rất thoải mái: bữa cơm gia đình quan trọng nhưng không đến mức... trầm trọng. Nghĩa là một tuần không ăn cơm nhà vài ba hôm là chuyện bình thường. Nếu vợ bận việc không nấu cơm cũng chẳng sao! Ngay đầu hẻm ê hề hàng quán, bố con kéo nhau ra đó 15 phút là căng dạ dày!

Có những người vì công việc nên chỉ ăn ở nhà vào chủ nhật, nghĩa là chỉ 4 ngày một tháng. Việc trụ cột gia đình vắng mặt trong bữa cơm đồng nghĩa với sự nguội lạnh trong các sinh hoạt khác của gia đình: chơi và trò chuyện với con, dạy con học hành.

Ngoài việc là lúc sum họp của gia đình, bữa ăn còn là lúc để hướng con trẻ cách sống, đạo đức. Dạy lớp trẻ về ăn uống là truyền thụ cho chúng cả một nền văn hóa. Trong một buổi chuyện trò về văn hóa ẩm thực, giáo sư Trần Văn Khê bộc bạch: “Nếu đem cách ăn uống của ta so với người Tây, sẽ có những điểm... vượt trội.

Giáo dục con cái

Thứ nhất, người Việt ta ăn toàn diện, nghĩa là ăn bằng ngũ quan. Thực phẩm chế biến ra có nhiều màu sắc. Không chỉ trình bày đẹp mà còn có hương thơm. Cho thức ăn vào miệng ta cảm nhận được cái mềm mềm của bún, dai dai của thịt, tiếng lóc cóc của hạt đậu phụng... Chúng ta ăn bằng mắt, ngửi mùi thơm và nghe âm thanh của thức ăn rồi mới thưởng thức. Đó gọi là cách ăn toàn diện.

Người Việt ta ăn khoa học. Khi ăn cũng là uống thuốc. Ăn làm sao cho "âm dương tương xứng, hàn nhiệt phân minh". Trong món ăn của chúng ta có cả âm dương: món mặn thuộc dương, ngọt thuộc âm. Nước mắm bỏ chút đường, chút giấm là trong bát mắm ấy có cả âm lẫn dương rồi! Kho cá, kho thịt, ngoài muối ta còn cho thêm cả đường. Thậm chí, ăn bưởi chua quá hay ăn dưa hấu ngọt quá cũng "chế" thêm chút muối cho "đậm". Người phương Tây ăn bưởi chua thì chấm với rất nhiều đường. Tôi đã từng trình diễn cách ăn bưởi theo kiểu phương Tây và kiểu ta cho nhiều người nước ngoài. Có đến 80% công nhận ăn theo cách của Việt Nam rất ngon!

Người Việt Nam còn để ý sự âm dương giữa người ăn và món ăn: khi ta bị cảm lạnh, các má, các chị thường nấu cho ta chén cháo gừng - cái lạnh đem cái âm vào người nên ta phải đem cái dương để chế ngự. Khi cảm nóng thì ta lại được ăn cháo hành do vậy mà âm dương được điều hòa, người hết bệnh.

Đi xa hơn, người Việt còn để ý món ăn trong môi trường. Câu "mùa hè ăn cá sông, mùa đông ăn cá biển" đã chứa trong đó sự thâm thúy về ẩm thực. Mùa hè, cá nước ngọt thấm nhiều cái âm của nước ngọt, sẽ làm cân bằng cái dương trong cơ thể của chúng ta. Còn mùa đông khi cơ thể ta thấm cái lạnh là âm, sẽ rất tốt khi ăn cá biển - cá biển thấm muối biển là có cái dương trong chúng.

Xưa, Hải Thượng Lãn Ông đã viết hẳn quyển sách về các loại thức ăn, cái nào có âm, cái nào có dương. Điều đó càng khẳng định tính khoa học trong cách ăn uống của người Việt ta.

Thứ ba, người Việt ăn dân chủ: không bắt người ra ăn món mà họ không thích. Ở phương Tây, khi ăn món bít-tết, dù anh có ưa hay không ưa khoai tây rán cũng phải ăn vài lát. Còn ở Việt Nam, thức ăn được dọn cả lên bàn, ai ưa món nào thì ăn món đó.

Trong cách ăn, người Việt ta ăn tế nhị, ăn lễ phép. Câu "ăn trông nồi ngồi trông hướng" đã nói lên tất cả điều đó. Bưng bát cơm lên người dưới phải lễ phép mời người trên, cách ngồi cũng theo thứ tự trên dưới. Người Việt biết "nhịn miệng đãi khách". Cách ăn của ta còn là ăn cộng đồng: không phải là cách ăn cá biệt cá nhân, mỗi người một chén cơm nhưng có một chén canh, chén nước mắm... ở giữa.

Các gia đình người Việt ở nước ngoài đã thích nghi với fastfood. Khi nói về ẩm thực, nhiều bạn trẻ tỏ ra ngỡ ngàng. Họ chỉ ăn cho mau chứ không biết ăn ngon, việc nấu nướng tại nhà đã thành xa lạ. Nếp sống gia đình truyền thống bị phá vỡ và đó là xu hướng chung. Trong khi đó, có nhiều gia đình giàu có bắt đầu dạy con cách nấu nướng, ăn uống theo truyền thống. Chẳng phải vì "phú quý sinh lễ nghĩa", mà cần phải cho lớp trẻ hiểu về sự quan trọng của ẩm thực, của bữa cơm gia đình. Vì đó là truyền thống văn hóa. Nói cho hiểu, hiểu rồi mới quý, mới biết trân trọng những giá trị truyền thống văn hóa ông cha để lại. Cũng là cách giữ gìn hạnh phúc cho mái ấm gia đình".

Bác sĩ Nguyễn Thị Song Hà (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP Hồ Chí Minh): Có lần tôi đi khám từ thiện ở Buôn Ma Thuột 3 ngày liền. Ông xã tôi nhắn tin là anh ấy nhớ tôi lắm. Đêm đó, xa nhà tôi đã không ngủ được vì cũng nhớ... chồng mình. Thường ngày, vợ chồng luôn ở gần nhau nên ít khi nhắn tin như vậy. Ngày tôi trở về, đón tôi là đủ mặt 3 cha con. Tôi thắc mắc thì anh ấy bảo: "Đón mẹ phải đi cả gia đình chứ!".

Ngồi trên xe anh ấy cứ lén nắm chặt tay tôi. Có những điều tưởng như rất nhỏ nhưng đã tạo nên hạnh phúc rất lớn.

MC Quỳnh Hoa: Khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong gia đình mà tôi không bao giờ quên là được nhìn thấy đứa con gái bé bỏng của mình chào đời. Lúc ấy, tôi sinh khó phải mổ và được bác sĩ gây mê. Khi vừa tỉnh dậy, được thấy con, tôi có cảm giác rất lạ lẫm và yêu thương ngay. Nhìn ánh mắt ông xã tôi lúc ấy tôi cũng cảm nhận về điều này. Hai vợ chồng tôi nâng niu cơ thể bé bỏng ấy mà lòng dạt dào yêu thương, tôi nghĩ bất cứ một ông bố bà mẹ nào lần đầu tiên sinh con cũng có cảm giác này. Bây giờ bé Vân Anh đã được 3 tuổi mà mỗi khi nhớ lại tôi nghĩ như mới hôm qua.

Nghệ sĩ Tạ Minh Tâm: Hạnh phúc gia đình thì nhiều vô kể. Như ngay hôm nay thì cô con gái Minh Anh 7 tuổi vừa mới nghĩ ra một trò chơi mới. Tôi luôn là người được con gái tin cậy, ríu rít về tất cả những niềm vui mà bé vừa chợt nghĩ ra. Nhưng bao giờ cũng vậy, kết thúc những lần thầm thì của cô bé cũng là câu: "Ba không được nói ra đó nha!". Những câu chuyện "bí mật" ấy giúp tôi cảm nhận rất rõ thế nào là hạnh phúc.

Gia đình NSƯT Tạ Minh Tâm: Trong bữa cơm gia đình, con cái gần cha mẹ hơn.

Hồng Dung - Khánh Vân

(Theo_Thanh Niên)

Children's Day - Lịch sử ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6

Tháng 2 năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế hợp tại Mát-xcơ-va đã quyết định hàng năm lấy ngày 1 tháng 6 làm Ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi.

Ngay sau đó, nhiều tổ chức dân chủ quốc tế như Liên hiệp công đoàn thế giới, Liên đoàn thanh niên dân chủ quốc tế, đã hoàn toàn nhất trí với quyết định trên của Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế.

Từ đó, kể từ năm 1950, ngày 1 tháng 6 đã trở thành ngày hội của thiếu nhi quốc tế.

Trở lại lịch sử của ngày hội quốc tế này.

Năm 1942. Phần lớn các nước ở châu Âu khi ấy đang rên xiết dưới gót giày của quân đội phát xít Hít-le. Ở khắp mọi nơi chúng dựng nên nhan nhản những giá treo cổ, những nhà tù, những trại tập trung và những lò thiêu người. Chúng đã tàn sát cực kỳ man rợ hàng chục triệu người, từ các cụ già cho tới các em thơ. Cũng vào năm ấy, một làng nhỏ ở Tiệp Khắc-làng Li-đi-xơ xinh đẹp- đã phải chịu đựng những tội ác tàn bạo của bọn Hít-le.

11 giờ đêm ngày 9 tháng 6, bọn phát xít Đức bất ngờ sục vào Li-đi-xơ, khi dân làng đang ngủ yên. Chúng ra lệnh tập trung làng và vơ vét hết tiền bạc, của cải của họ một cách trắng trợn. Cướp xong, bọn phát xít bắt đầu tàn sát. Những em bé chưa đầy một tuổi liền bị giật khỏi tay những bà mẹ, quẳng lên xe chở đi nơi khác. Những thiếu nữ khoảng 15 tuổi cùng các phụ nữ trong làng đều bị đưa đến trại tập trung. Những thiếu niên, thanh niên và nhiều người khác bị bắn chết ngay tại chỗ. Những người còn lại thì bị chúng đẩy vào các lò thiêu người. Chỉ một ngày hôm đó, bọn đao phủ Hít-le đã giết 192 người dân làng Li-đi-xơ, trong đó có 98 trẻ em. Toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn trong làng đều bị đốt phá, san thành bình địa, chẳng khác một cánh đồng bỏ hoang.

Nhưng chưa phải đã hết. Hai năm sau, năm 1944, cũng vào ngày 10 tháng 6, bọn khát máu quốc xã lại gây ra những tội ác man rợ như ở Li-đi-xơ. Bọn phát xít kéo đến bao vây Ô-ra-đua, một thị trấn nhỏ ở miền Trung nước Pháp, dí súng và lưỡi lê vào từng người dân, đẩy họ vào trong nhà thờ, rồi tưới dầu xăng thiêu chết (642 người trong đó có tới 267 trẻ em).

Những tin tức thê thảm từ Li-đi-xơ và Ô-ra-đua đã làm chấn động dư luận thế giới. Đó là những tội ác cực kỳ man rợ, trời không dung, đất không tha đối với bọn phát xít khát máu.

Nhờ những chiến thắng oanh liệt của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng dân chủ thế giới, chủ nghĩa phát xít đã bị tiêu diệt, bè lũ Hít-le đã phải đền tội. Chiến tranh thế giới kết thúc, nhưng loài người mãi mãi không thể quên những tiếng kêu gào thảm thiết của các em bé và những người dân vô tội ở Li-đi-xơ và Ô-ra-đua cũng như ở trăm nghìn nơi khác, đã bị chủ nghĩa phát xít giết hại. Loài người mãi mài khắc sâu những tội ác ở Li-đi-xơ, Ô-ra-đua...và quyết không tái diễn những Li-đi-xơ mới, những Ô-ra-đua mới.

Sau chiến tranh, nhiều nơi ở châu Âu và trên thế giới đã dựng đài căm thù và đặt tên Li-đi-xơ cho nơi mình. Nhiều người đã tới Li-đi-xơ... vào cuối năm 1957, trong dịp đi thăm nước Cộng hòa Tiệp Khắc, Bác Hồ và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đã tới đặt vòng hoa tại đài kỷ niệm Li-đi-xơ. Tại đây, Bác Hồ đã nói: "Chúng ta quyết phấn đấu để cho trên thế giới không bao giờ có những cảnh thảm sát như ở Li-đi-xơ nữa, để con cháu chúng ta không bao giờ phải nếm mùi khủng khiếp của chiến tranh, để con cháu chúng ta lớn lên sung sướng trong hòa bình"

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi

Chiến tranh kết thúc, nhưng nền hòa bình thế giới vẫn còn bị đe dọa. Bọn phát xít mới đã xuất hiện bên kia đại dương, tàn bạo hơn, xảo quyệt hơn. Đó là chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Cậy thế lắm tiền, nhiều súng, nhờ vơ vét trong chiến tranh đế quốc Mỹ đã điên cuồng theo đuổi mưu đồ thống trị toàn thế giới, hung hăng gây chiến tranh xâm lược, bành trướng nô dịch các dân tộc.

Nhưng tình hình đã đổi thay. Loài người tiến bộ không thể làm ngơ. Cả thế giới đã dấy lên một phong trào hòa bình sôi nổi, lôi cuốn hàng trăm triệu người trên mọi nẻo của các lục địa: ngăn chặn bàn tay tội ác của chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình thế giới, cho tương lai tươi sáng của thiếu nhi thế giới.

Với trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của mình, năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế đã quyết định lấy ngày 1 tháng 6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi nhằm mục đích:

Đòi Chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục và bảo vệ thiếu nhi.

Vận động toàn thể phụ nữ, tất cả các bà mẹ trên thế giới nhận rõ trách nhiệm đối với hạnh phúc của con em, phải tích cực hoạt động làm cho mọi người quan tâm đến sức khỏe và giáo dục thiếu nhi, ngăn ngừa những tai họa đe dọa đời sống yên ổn của thiếu nhi.

Từ đó, hàng năm cứ đến ngày 1 tháng 6, phụ nữ trên toàn thế giới cùng với tất cả các tổ chức dân chủ và tất cả những người quan tâm đến thế hệ tương lai của loài người đều tổ chức kỷ niệm sôi nổi Ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi đấu tranh đòi một nền hòa bình thật sự, chống chính sách chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc, đòi bảo đảm

Ở nước ta, mặc dầu trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhất là do những tàn phá cực kỳ nặng nề của mấy chục năm chiến tranh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã hết sức quan tâm chăm sóc, giáo dục thiếu nhi- những người làm chủ tập thể tương lai của đất nước- đã cố gắng dành cho các em những điều kiện tốt đẹp nhất trong đời sống, học tập và sinh hoạt. Hàng năm, ngày 1 tháng 6 và ngày Tết Trung Thu đã thành những ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi nước ta.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên, ngày 1 tháng 6 năm 1950, trong lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp đang trải qua thời kỳ gây go nhất, Bác Hồ vẫn luôn luôn nghĩ tới và đã gửi thư cho các cháu thiếu nhi của Bác. Bác viết: "Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được sung sướng.."

Hằng năm, đến ngày 1 tháng 6 và Tết Trung Thu thiếu nhi cả nước ta lại hân hoan được đón thư của Bác.

Bác Hồ hết sức quan tâm dạy bảo các cháu nên người. Ngày nay, 5 điều dạy của Bác: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm- đã trở thành nội dung giáo dục chủ yếu của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và nhà trường phổ thông trong cả nước ta.

(Sưu tầm từ Internet)

"Bé chút chít" cho ngày 1-6

TT - Bến Thành audio - video vừa ra mắt album DVD ca nhạc mới dành cho lứa tuổi thiếu nhi mang tên Bé chút chít (ảnh) nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6.

Là một đơn vị mạnh trong các sản phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi nhưng cũng đã rất lâu Bến Thành audio - video mới đầu tư được một sản phẩm với những ca khúc riêng, mới hoàn toàn dành cho các bé như: Bé chút chít, Nụ cười gia đình, Nựng nựng nà nà, Thằng Bờm..., do các nhạc sĩ có tên tuổi (Trần Thanh Tùng, Thập Nhất, Nguyễn Ngọc Thiện, Lương Bằng Vinh...) sáng tác.

Album gồm 12 ca khúc, được biên tập và dàn dựng khá công phu, qua phần thể hiện của các giọng ca nhí: Diễm Trang, Cát Anh, Quỳnh Thư, Minh Thư, Khánh Trân, Phương Anh và các em thiếu nhi trong các đội ca ở nhà thiếu nhi các quận huyện.

(Q.N.)