3

Trang 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7

Nhạc sĩ NGUYỄN HÀ HẢI (HÀ HẢI)

Nhạc sĩ Nguyễn Hà Hải

Nguyễn Hà Hải - Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam (Nguyễn Quang Hải, Hà Hải), sinh năm 1951, quê Nhị Khê, Quốc Tuấn, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Anh yêu thích âm nhạc từ hồi còn nhỏ. Với lòng yêu trẻ, lại được đào tạo từ Trường đại học Sư phạm (1968 - 1971). Khi ra trường, anh liên tục làm giáo viên - Tổng phụ trách Đội và dạy âm nhạc (Trường cấp II Mỹ Đình - Từ Liêm 1972 - 1988, Trường Trung học cơ sở Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm 1988 - 1997). Năm 1996 anh là giáo viên dạy giỏi môn Nhạc thành phố Hà Nội. Năm 1997, anh đã tốt nghiệp Khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội (Hệ đại học). Hiện nay anh là Phó trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, và là Uỷ viên Hội đồng Nghệ thuật thành phố Hà Nội.

Bài hát "Suối cá Bác Hồ" là sáng tác đầu tiên của anh được sự giúp đỡ tận tình, có hiệu quả của anh phụ trách - Nhạc sĩ Phong Nhã, đã được Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ 19-5-1979. Tiếp sau đó năm 1981, anh sáng tác thành công ca khúc “Hoa thơm dâng Bác”, chào mừng Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ I. Ca khúc này là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX do Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức các em bình chọn năm 1999 và được lấy làm bài ca chính thức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ V tổ chức tại Hà Nội năm 2000.

“Những cháu ngoan Bác Hồ, khăn hồng bay rực rỡ

Như những bông hoa thơm, hoa đẹp trăm miền”

Có thể khẳng định, với thiếu nhi Việt Nam, hình tượng Bác Hồ và hình tượng anh bộ đội luôn khắc sâu trong trái tim các em. Cả hai hình tượng cao đẹp: Anh Bộ đội Cụ Hồ và Cháu ngoan Bác Hồ, âm nhạc của Nguyễn Hà Hải với những nét giai điệu cùng lời ca giàu cảm xúc và hình ảnh đã thể hiện rất thành công. Chính vì vậy, cùng với những bài hát thiếu nhi về Bác Hồ, một chùm ca khúc nói về thiếu nhi với anh bộ đội, chú thương binh rất thân thương: “Hát cùng chú Bộ đội”, “Quà tặng chú thương binh”, “Hoa thơm tặng chú thương binh” (Lời thơ Phong Thu).

“Nước giếng mát ở đầu thôn. Em gánh về, gánh về giúp chú thương binh

Luống rau non ở ngoài vườn. Em hái về, hái về mang sang nhà chú”

(Em yêu chú thương binh)

Thầy giáo Nguyễn Hà Hải là nhà sư phạm âm nhạc của tuổi thơ nên những sáng tác của anh nói được tình cảm sâu sắc về nhà trường "Sân trường em sạch đẹp”, “Mái trường Tây Nguyên”. Những sinh hoạt của các em dưới mái trường thân yêu được anh phụ trách - Thầy giáo Nguyễn Hà Hải diễn tả bằng những hình ảnh giản dị, gần gũi nhưng giàu chất thơ như "Cá vàng bơ”, "Vì sao chim bay hót”.

“Con chim nhỏ chăm bắt sâu trong vườn, vui cùng hoa cùng lá, cất tiếng hót véo von.

Vui cùng hoa cùng lá cất tiếng ca vang lừng”

(Vì sao chim bay hót)

Là anh phụ trách trực tiếp hướng dẫn sinh hoạt Đội cho các em nên những ca khúc của anh phản ánh những nét sinh hoạt đó rất sinh động và thú vị: "Sao Nhi đồng chăm ngoan”, “Năm cánh sao vu " (Lời thơ Phong Thu), "Cánh chim đầu đàn" (Bài ca Hội trại chỉ huy Đội giỏi toàn quốc lần thứ I-1998).

Anh phụ trách - Thầy giáo Nhạc sĩ Nguyễn Hà Hải ngoài các tác phẩm viết cho lứa tuổi thiếu nhi còn có những sáng tác phục vụ người lớn với mảng đề tài rộng lớn hơn, có những tiểu phẩm khí nhạc như “Nhớ rừng”, “Lời ru của dòng sông” và các hợp xướng. Do nhạy cảm về chính trị nên những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn

Hà Hải có giá trị tư tưởng sâu sắc. Ca khúc “Thăng Long - Hà Nội mở hội ngàn năm”, “Bay lên theo cánh chim câu”, "Bài ca dâng Đảng” và những ca khúc về các quận huyện: "Thanh Trì hướng tới tương lai”, “Đẹp sao Cầu Giấy quê hương” thể hiện rất rõ.

“Dòng sông yêu dấu, lung linh huyền thoại, Rồng thiêng bay lên”.

Kể từ những ca khúc thiếu nhi, sáng tác thành công đầu tiên cho đến nay đã gần 30 năm, nhạc sĩ Nguyễn Hà Hải vẫn tiếp tục sáng tác phục vụ phong trào hoạt động thiếu nhi Thủ đô và cả nước. Những năm gần đây, anh còn đảm nhiệm cương vị chủ nhiệm câu lạc bộ sáng tác ca khúc của Nhà văn hóa thành phố, vì vậy những sáng tác của anh và bạn bè ngày càng lan tỏa và có tác dụng thiết thực đến quần chúng ở cơ sở nhất là lớp tuổi trẻ thiếu nhi, học sinh.

Nhạc sĩ NGÔ MẠNH THU

Tên: Ngô Mạnh Thu Ngày sinh 12 tháng 9/1938 tại Hà Đông

Có nhiều bút danh: Trần Thái Mưu (dùng khi viết hòa âm); Thùy Trân (một số bài tình ca); Trần Tú (những bài thanh niên và quê hương)

Từ ngày qua Mỹ chỉ còn dùng một bút hiệu, đó là tên anh.

1956 Thủ khoa trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông Saigon.

1961 Thủ khoa về Hợp Ca, Ca Trưởng ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon.

Ca Trưởng Ca Đoàn Vô Tuyến Việt Nam của Đài Phát Thanh Saigon.

Ca trưởng ca đoàn Lửa Việt, một ca đoàn riêng sinh hoạt ngoài đài.

Lập ban tam ca Ngàn Thông khoảng 1969 hát ở rất nhiều sân diễn.

Hoạt động trong Ban Văn Nghệ Không Quân cho tới 75.

1994 sang Mỹ diện đoàn tụ do con trai bảo lãnh- cư trú tại quận Cam cho đến nay.

Tiếp tục sinh hoạt mạnh mẽ và bền bỉ, dựng lại Du Ca, đóng góp cho Gia Đình Phật Tử, tái sinh phong trào hát cộng đồng, hoạt động văn nghệ trẻ với VAALA, dựng nhóm hát Hùng Sử Ca, thúc đẩy phong trào Ca Nhạc Phật Giáo, góp sức viết ca khúc, thực hiện các tài liệu ca hát cho các Trung Tâm Việt Ngữ... Và anh giữ một phần mục rất được thương mến Chúng ta Đi Mang Theo Quê Hương trên đài VNCR vào những buổi sáng từ nhiều năm nay..

Anh để lại một gia đình khá đông đúc với chị Thu cùng 9 người con hầu hết đã trưởng thành bên Mỹ và một phần ba còn ở lại quê nhà....

TÁC PHẨM:

Tổng kê sơ khởi cho thấy Ngô Mạnh Thu sáng tác trên dưới 100 bài hát, nhưng mới chỉ gom lại được một số lượng khiêm tốn:

Nhớ Mãi

Nước Việt Nam

Kết Giấy Thân Tình

Vui À Vui

A Chào Ba- A Chào Má

Ta Hát To

Ngô Quyền

Ta Học tiếng Việt

Hai Bà Trưng

Đinh Tiên Hoàng

Ta Hát Vang

Tiếng Ca Vàm Cỏ

Tiếng Ca Hải Vân

Từ Một Cơn Mơ

Quê Hương Ta Đó

Tuổi 13

Oklahoma

Câu hát Này

Quà Mẹ Tặng

Buổi Sáng Nghe Chim Hót

Dìu Nhau

Bãi Hoang (thơ Nguyễn Ngọc Thạch)

Lạc Vùng Ăn Năn

Giấc Chiều

Đặc biệt: Dòng Sông Trăng, và Hoài Niệm (thơ Hồng Khương)... là 2 trong số khoảng 40 ca khúc Phật Giáo chưa thu thập đủ.

(Tiểu sử này do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang chuyển tới)

Nhạc sĩ HOÀNG HÀ

Họ và tên: Hoàng Phi Hồng

Sinh ngày: 1.12.1929

Nguyên quán: Việt Nam

Dòng nhạc: Nhạc truyền thống - cách mạng

Vào những ngày gần sự kiện trọng đại năm 1975, nhạc sĩ là người hàng ngày tiếp xúc với những thông tin nóng nhất về tình hình chiến sự. Vì vậy niềm vui, sự náo nức luôn thường trực trong tâm trí ông. Làm công tác biên tập nhạc, ông muốn viết và tự biết thế nào cũng phải viết ca khúc về cuộc tiến công thần kỳ của quân và dân ta.

- Năm 1947, viết tập ca khúc đầu tay 8 bài Kháng chiến ca.

- Năm 1949, viết tập tình ca Âm thầm do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước hướng dẫn, ông tham gia Đội Tuyên truyền Vũ trang xung phong thuộc Ty Thông tin - Tuyên truyền Phúc Yên.

- Năm 1951, ông phụ trách nghệ thuật Đoàn Tuyên Văn tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1952, làm Trưởng Đoàn Văn công tỉnh Vĩnh Phúc.

- Năm 1956, phụ trách tổ hội hoạ - ấn loát của Ty Văn hoá tỉnh Vĩnh Phúc.

- Năm 1962, về học Trường Âm nhạc Việt Nam.

- Năm 1965, về Đài Tiếng nói Việt Nam, là biên tập viên âm nhạc, Trưởng phòng Văn nghệ thiếu nhi - mẫu giáo, Uỷ viên Ban biên tập Văn nghệ Uỷ ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam.

Từ năm 1986, ông chuyển về Sở Văn hoá Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, là Giám đốc Nhà Văn hoá Trung tâm. Năm 1989, ông là Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Những ca khúc chủ yếu: Vui lên đường (1949), Chống càn (1951), Hò dân công (1952), Hò kiến thiết (1954), Ánh đèn trên cầu Việt Trì (1956), Vĩnh Phúc quê tôi, Trèo lên núi đá, Tiếng chim trên công trình thuỷ lợi, Buổi sớm trên đồng, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Đất nước trọn niềm vui...

Nhạc sĩ Hoàng Hà có tên thật là Hoàng Phi Hồng sinh năm 1929, tại Hà Nội. Gia đình nhạc sĩ từng là cơ sở Cách mạng từ những năm tiền khởi nghĩa. Năm 1968, nhạc sĩ đang công tác ở Đài tiếng nói VN tại Hà Nội thì nhận thêm nhiệm vụ viết chi viện cho đài Giải phóng được gọi là "phóng viên âm nhạc" thuộc Trung ương cục miền Nam.

Khi có thông tin nhanh rằng quân ta sau khi giải phóng liên tục các tỉnh Nam Trung bộ đang tiến đến gần Nha Trang thì nhạc sĩ Hoàng Hà đã viết ca khúc "Chào Nha Trang giải phóng". Bài hát này được lấy làm nhạc hiệu của Đài phát thanh và truyền hình Khánh Hoà.

Đến đêm 26-4-1975 không khí chiến thắng lên đến cao trào cùng với việc tuyên bố trên Đài tiếng nói VN tên gọi: "Chiến dịch Hồ Chí Minh" thì nhạc sĩ đã trào dâng hạnh phúc và xúc cảm. Ngay trong đêm đó, ông đã viết bài Đất nước trọn niềm vui. Viết xong, ông cùng con trai lớn của mình hát say sưa suốt đêm: "Hội toàn thắng náo nức Đất nước/Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang... Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương"...

Khi còn trẻ, nhạc sĩ Hoàng Hà làm tổng phụ trách thiếu nhi huyện Yên Lãng. Qua những bài học nhạc với trẻ nhỏ, tình yêu âm nhạc đã ngấm dần vào tâm hồn ông. Như mối cơ duyên bền chặt, như sự sắp đặt của số phận, để rồi dù làm bất kỳ công việc gì, âm nhạc vẫn là ước mơ, là niềm đam mê mãnh liệt mà ông không thể rời bỏ.

Căn nhà nhỏ của nhạc sĩ lúc nào cũng tràn ngập tiếng hát. Nhắc đến ca khúc Đất nước trọn niềm vui, ông hào hứng: "Tôi sáng tác bài này ngay trong đêm công bố quyết định chiến dịch Hồ Chí Minh. Mà đã mang tên Bác thì không thể không thắng. Niềm vui đó như đợt sóng trào dâng nguồn cảm hứng". Bài hát như cuộc đời ông, được thai nghén và nuôi dưỡng bởi tình yêu đất nước thiết tha.

Cha mất từ khi 9 tuổi, gia cảnh khó khăn nên 13 tuổi, Hoàng Hà đã phải tự mình lao động kiếm sống tại nhà in. Những tưởng đời thợ chỉ mãi như vậy, tháng 10/1945, Hoàng Hà thoát ly, đi theo cách mạng.

Nhạc sĩ kể lại: "Năm 1947, tôi sáng tác một loạt bài còn rất nghiệp dư như Căm hờn, Nhớ mái chùa yên ấm, Bao giờ trở lại... Sau khi in xong, tôi gửi cho các đàn anh xem hộ. Duy nhất có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước hồi âm. Biết tôi còn trẻ, trình độ i tờ, ông đã thường xuyên viết thư dạy tôi học nhạc. Mãi đến năm 1951, khi dự trại văn nghệ ở Thái Nguyên, tôi mới được gặp ông. Đến năm 1962, ông kéo tôi lên Hà Nội đi học. Trong cuộc đời tôi, tôi kính phục Lưu Hữu Phước đến mức phải thờ". Cũng từ đây, sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Hà bắt đầu nở hoa và cho nhiều trái chín.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Âm nhạc, Hoàng Hà công tác tại đài Tiếng nói Việt Nam. Ông không chỉ liên tục cho ra đời những bài ca phục vụ kháng chiến chống Mỹ, mà còn góp công lớn vào hoạt động âm nhạc thiếu nhi. Có thể nói, mỗi sự kiện, đổi thay quan trọng của đất nước đều được nhạc sĩ Hoàng Hà ghi nhận bằng xúc cảm nồng cháy.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

HOÀNG HÀ - Một nhạc sĩ cách mạng

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Hà Nội. Cha ông là một thầy kí, mất khi ông mới lên 9 tuổi. Mẹ là một thợ may, nhưng sau khi chồng mất bà ở vậy nuôi con và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Ngôi nhà bên hồ Tây lúc bấy giờ là chốn đi về của những đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Bá Khoảng... trong những ngày đầu hoạt động cách mạng.

Ngay từ lúc còn nhỏ Hoàng Hà đã sớm được tiếp xúc với âm nhạc dân tộc từ những bản nhạc mà mẹ ông thường hát cho nghe. Chưa đầy 3 tuổi ông đã được người cha tặng cho một chiếc đàn và ông bắt đầu mê mẩn âm nhạc từ thuở đó. Lớn hơn một chút, nhờ có năng khiếu âm nhạc đặc biệt, Hoàng Hà được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dìu dắt và trở thành người thầy âm nhạc của ông.

Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1946, với những ca khúc như Căm hờn, Bao giờ trở lại... Những ca khúc đầu tay ấy Hoàng Hà được Lưu Hữu Phước chỉnh sửa và động viên tận tình.

Đến khoảng những năm 60, tài năng âm nhạc của Hoàng Hà được khẳng định trong làng âm nhạc cách mạng Việt Nam, với những ca khúc nổi tiếng bây giờ như Ngày cách mạng thứ 7, Hò dân công, Làng ta làm thuế, Ánh đèn trên cầu Việt Trì...

Sau đó, nhạc sĩ Hoàng Hà về công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam và trở thành cánh tay phải của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong Ban âm nhạc. Ông có đến ba ca khúc được chọn làm nhạc hiệu của Đài tiếng nói Việt Nam là Vĩnh Phúc quê tôi, Chào Nha Trang và sau này là bài Đất nước trọn niềm vui.

Đặc biệt, bài Đất nước trọn niềm vui được Hoàng Hà sáng tác trong một hoàn cảnh đáng nhớ: “Dù đến ngày 30/4/1975 chiến dịch Hồ Chí Minh mới toàn thắng, nhưng từ ngày 26 tôi đã dự cảm được chiến thắng ấy rồi. Bởi vậy tôi đã viết Đất nước trọn niềm vui trước 4 ngày để diễn tả cảm xúc vui mừng sướng của dân tộc khi dành được độc lập”, nhạc Sĩ Hoàng chia sẻ.

Nhiều người nói như một câu cửa miệng “Thơ Trường Sơn chỉ có Phạm Tiến Duật, nhạc Trường Sơn chỉ có Hoàng Hà”. Cách nói này không ngoa, bởi trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của Hoàng Hà, có một vị trí đặc biệt dành cho mảnh đất Trường Sơn và người lính, với những ca khúc đi cùng năm tháng như: Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân đi giữa mùa xuân...

Hoàng Hà, bên phải, trong một dịp đi công tác xuyên rừng với đồng đội thời chiến tranh(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trăn trở với âm nhạc đương đại

Sau những thành công của dòng nhạc cách mạng, ở thời bình, nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi tình cảm chân thành, trong sáng của con người.

Đặc biệt, bằng chính tình cảm của mình dành cho trẻ thơ, nhạc sĩ đã viết nhiều nhạc thiếu nhi và để lại dấu ấn sâu đậm. Nhiều bài hát được các em thích thú và thuộc lòng như: Đàn vịt con, Chú bộ đội, Con mèo ra bờ sông, Mèo vàng, Sơn ca...

Là nhạc sĩ của thế hệ trước và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của âm nhạc nước nhà nên lúc nào nhạc sĩ cũng quan tâm và có những trăn trở riêng về âm nhạc Việt Nam đương đại. Nhạc sĩ cho rằng, âm nhạc đương đại Việt Nam có sự phát triển đứt quãng và không có sự định hình rõ rệt về phong cách.

Ông giải thích rằng đó là do sự hấp thu văn hóa âm nhạc ngoại không có sự chọn lọc, trong khi hệ thống âm nhạc bác học không được truyền bá rộng rãi trong nhà trường, nên lỗ thủng âm nhạc của người Việt Nam còn lớn.

Bàn về giới sáng tác, ông nêu: hiện nay nhiều nhạc sĩ cố gắng đi tìm lối riêng cho âm nhạc Việt nhưng đa số bây giờ nghệ sĩ viết nhạc thiếu đi cái tâm. Họ chạy theo thị trường kiểu đơn đặt hàng của đồng tiền và danh vọng chứ không phải là đơn đặt hàng của trái tim.

Ông bộc bạch: “với tôi, âm nhạc là một cái gì đó thiêng liêng, nó như là máu thịt của tôi vậy. Thế nên tôi không có quyền cho mình cẩu thả với nghệ thuật, mỗi tác phẩm phải được nắn nót từng câu chữ sao cho thật đẹp, thật sáng”.

Bình dị giữa đời thường

Sắp bước sang tuổi 83, với gần 60 năm làm nghệ thuật, nhạc sĩ Hoàng Hà trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống nhưng điều đáng quý nhất mà mỗi khi gặp ai cũng nhận thấy đấy chính là phong cách mộc mạc, giản dị.

Nhạc sỹ Hoàng Hà với cây đàn guitar quen thuộc (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngoài việc sáng tác âm nhạc, thời gian gần đây, ông chú tâm đọc kinh dịch, phật giáo, và xem đây là niềm đam mê mới của tuổi già.

Tuy tuổi đã cao nhưng ông tỏ ra vẫn rất minh mẫn, và nhanh nhạy với khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khả năng sử dụng vi tính của nhạc sĩ khá sành sỏi. Ông thường sáng tác nhạc và tự tay thiết kế các đĩa nhạc VCD trên máy tính.

Khi chia sẻ về người bạn đời trăm năm, nhạc sĩ không hề ngần ngại: “hạnh phúc của tôi là cưới được vợ tôi, nếu như không có bà ấy có lẽ tôi không được như bây giờ”.

Trước khi chia tay, ông đã hát tặng chúng tôi nghe bài hát Hoa huệ, bài hát được ông sáng tác từ mối tình đầu của mình. Giọng hát ông du dương truyền cảm, chúng tôi cảm nhận được như tình yêu của ông vẫn đắm say, nồng nàn như hồi trẻ 50 năm về trước.

Nhạc sĩ Hoàng Hà tên khai sinh là Hoàng Phi Hồng, sinh năm 1929 tại Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Các bút danh: Hoàng Hà, Cẩm La.

Khen thưởng của Nhà nước, và Giải thưởng âm nhạc trong nước & quốc tế :

- Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Ba

- Huân chương Kháng chiến (chống Mỹ) hạng Hai

- Huân chương Lao động hạng Nhất

- Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

- Huy chương "Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật"

- Huy chương "Vì Sự nghiệp Phát Thanh"

- Huy chương "Vì Sự nghiệp Công Đoàn"

- Giải A Ủy Ban Thiếu niên - Nhi Đồng (năm 1967, bài "Con mèo ra bờ sông")

- Giải B Ủy Ban Thiếu niên - Nhi Đồng (năm 1982) về loạt ca khúc và nhạc dành cho lứa tuổi Thiếu Nhi.

- Huy Chương Vàng Liên hoan Ca múa Á - Phi (năm 1970, Nhạc Múa "Nhân dân Đông dương đoàn kết chống xâm lược Mỹ" .

- Hạng A nhạc Phim truyện năm 1973 : nhạc phim nhựa "Người về đồng cói"

- Giải Nhì Ca khúc Giải thưởng Âm nhạc Hội nhạc sĩ Việt Nam, năm 1997, bài "Mang theo mùa đông" (phổ thơ Hoàng Quý).

Minh Hữu

NS Hoàng Hà.