2

Trang 1 | 2 | 3 |

RỪNG TỪ LÁY TRONG "KHÚC ĐỒNG DAO" - NHỮNG CÁNH THƠ BAY NHẤP NHÁY

ĐỒNG DAO

Đồng dao với trò chơi dân gian ở Nam bộ

(Nhân đọc tập thơ Khúc đồng dao của Đỗ Xuân Thu)

Là một bộ phận trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam. Đồng dao bao gồm những bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em... Các bài đồng dao thường gắn liền với các trò chơi. Đa phần đồng dao ở các vùng miền đều khá giống nhau về cấu trúc nhóm từ và vần điệu. Đồng dao cũng có những dị bản do sắc thái riêng của từng địa phương, thể hiện dễ thấy nhất qua hình thức diễn đạt ngôn ngữ (phương ngữ) và nội dung đôi khi được cải biên cho thích nghi, phù hợp với sinh vật, cảnh quan của địa phương đó. Nhưng đồng dao bao giờ cũng nhất quán về bản chất (vui chơi) và đối tượng phục vụ (trẻ em). Đồng dao ở khu vực Nam bộ có xuất xứ từ đồng dao chung của cả nước, chỉ biến tấu chút ít như đã kể trên. Ví dụ bài đồng dao “Kéo cưa”:

Ở miền Nam:

Kéo cưa kéo kít

Làm ít ăn nhiều

Đụng đâu ngủ đó

Nỡ lấy mất cưa

Lấy gì mà kéo

Ở miền Bắc:

Kéo cưa lừa xẻ

Ông thợ nào khỏe

Thì ăn cơm vua

Ông thợ nào thua

Thì về bú mẹ.

Trong đa phần trường hợp, đồng dao với trò chơi dân gian luôn gắn bó với nhau như tay với chân, như bóng với hình, thể hiện qua các trò chơi vận động (dung dăng dung dẻ, giật khăng, đánh đáo), trò chơi học tập (đánh chuyền, đánh ô), trò chơi mô phỏng (đi chợ, làm nhà), trò chơi sáng tạo (xếp thuyền, đánh trận, chơi diều).

Đối với trẻ em, đồng dao dạy cho các em sự quan sát, phù hợp với lứa tuổi cùng sự phát triển tư duy ban đầu của các em. Các trò chơi của đồng dao cung cấp cho trẻ em kiến thức dễ nhớ, dễ phân biệt, kích động trí tuệ của người tham gia. Trong bài “Vè nói ngược” có rất nhiều hình ảnh tương phản, gợi sự tò mò, bao trùm lên nhiều sự việc, kích thích người nghe tuởng tượng với sự thích thú:

Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè nói ngược/ Ngựa đua dưới nước/ Tàu chạy trên bờ/ Lên núi đặt lờ/ Xuống sông bửa củi / Gà cồ hay ủi/ Heo nái hay bươi/ Nước kém ba mươi / Mùng mười nước dậy /Ghe không thì đẩy/ Ghe khẳm thì chèo/ Mấy chú nhà nghèo /Cho vay bạc nợ/ Mấy chú nhà giàu / Thiếu trước hụt sau/ Đòn sóc bửa cau/ Dao bầu gánh lúa / May áo bằng búa /Giả gạo bằng kim / Đêm rằm trời tối/ Mùng một sáng trăng...”.

Một trong những bài đồng dao nổi tiếng vào thế kỷ trước vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều thế hệ, đó là bài “Tập tầm vông”. Hầu như, đa phần các thiếu nhi, thiếu niên ở các cùng nông thôn và cận thành thị trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đều biết:

“ Tập tầm vông / Chị có chồng /Em ở giá/ Chị ăn cá/ Em húp xuơng/ Chị nằm giường / Em nằm đất /Chị húp mật/ Em nếm gai / Chị ăn mày/ Em xách bị...”.

Thao tác của trò chơi nầy là hai người chơi ngồi đối mặt nhau, vừa hát vừa theo nhịp đập lòng bàn tay vào nhau, hoặc đập thẳng hoặc đập chéo, hoặc một cao một thấp, hoặc kết hợp nhiều cách khác nhau.

Các em thiếu nhi thường hát chung đồng dao rất nhịp nhàng trong lúc tổ chức trò chơi. Nhiều khi những bài đồng dao được hát và các trò chơi luôn thay đổi chứ không theo một chủ đề nhất định. Có nghĩa “thích gì chơi nấy”, gặp đâu nói đó, chỉ cốt cho vần vè, có khi nội dung bài rời rạc, lẩn quẩn, câu nầy chỏi câu kia, chuyện kia bắt quàng sang chuyện nọ. Nhưng “vui là chủ yếu” Ví như :

“Ông Nỉnh ông Ninh / Ông ra đầu đình/ Ông gặp ông Nang/ Ông Nảng ông Nang/ Ông ra đầu làng/ Ông gặp ông Ninh/ Ông Nỉnh ông...” (thường gặp ở phía Bắc)

Hay:

“ Kỳ nhông là ông kỳ đà/ Kỳ đà là cha cắc ké/ Cắc ké là mẹ kỳ nhông/ Kỳ nhông là...” (Thường gặp ở Nam bộ).

Trong sinh hoạt dã ngoại, hội hè, trẻ em luôn thích thú với đồng dao và trò chơi dân gian vì nó phù hợp với tuổi của các em, không đòi hỏi các em tư duy như người lớn. Đồng dao và trò chơi dân gian tác động vào tâm lý, tình cảm của trẻ qua ấn tượng sâu sắc về không gian, hình thể, sự vật chứ không phải bằng lý luận và phép quy chiếu của phương pháp truyền đạt cổ điển, áp đặt.

“Thả đỉa ba ba” là một trò chơi thường thấy của trẻ em ở những vùng đồng bằng sông nước. Trò chơi thể hiện việc qua sông, qua bưng, ruộng ngập nước. Ở dưới nước có đỉa. Cả nhóm làm sao xuống nước mà đỉa không bám được.

Trước hết vẽ hai đường song song cách nhau độ 2m (hay qui định khoảng trống nào đó) ước lệ là sông nước. Đầu tiên một em ra giữa vòng vừa hát vừa lấy tay ra đập nhịp vào vai các bạn:

Thả đỉa / ba ba

Chớ bắt / đàn bà

Tha tội / đàn ông

Cơm trắng / gạo trắng

Gạo thuyền như nước

Đổ mắm / đổ muối

Đổ chuối / hạt tiêu

Đổ niêu / nước chè

Đổ phải nhà nào

Nhà ấy.... chịu

Đến chữ “chịu” trúng em nào thì em ấy xuống sông làm “đỉa”. Bọn trẻ đứa chạy đầu này, đứa băng qua sông góc nọ. “Đỉa” rượt để bắt. Bọn trẻ lại hát bài hát ghẹo: Sang sông / về sông / trồng cây / ăn quả / nhả hạt. “Đỉa” rượt bên này thì bên kia xuống sông. “Đỉa” quay lại bên kia thì lũ bên nọ lại réo lên: “ăn quả / nhả hạt” rồi ào xuống. Ai lội qua sông không khéo, chẳng may bị “đỉa” bám phải thì trở thành “đỉa”. Cứ thế trò chơi cứ tiếp diễn đến khi nào mệt, xả hơi rồi chuyển sang trò chơi khác. Có rất nhiều trò chơi vui vẻ và thú vị như: Dung dăng dung dẻ, Rồng rắn lên mây, Chơi chuyền đũa, Nu na nu nống, Thìa la thìa lẩy, Bịt mắt bắt dê, Hỏi tuổi, đánh cù (con quay)...

Các trò chơi thường lặp đi lặp lại. Các em chơi rất say mê, vui vẻ và ít khi bỏ cuộc, khác với người lớn thường hay chán. Qua các trò chơi, các em được dịp rèn luyện thân thể và các giác quan cũng như tăng thêm sự sảng khoái, hưng phấn về tinh thần. Có thể nói, đồng dao và các trò chơi dân gian là chất xúc tác, vun đắp tình bạn ngây thơ, trong sáng giữa các em thiếu nhi với nhau thành những ký ức, kỷ niệm đẹp thời thơ ấu mà sau nầy khó có thể quên được.

Kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc ta rất phong phú và đa dạng. Đồng dao và trò chơi dân gian có tác dụng giáo dục thiếu nhi, nhi đồng một cách tự nhiên, có hiệu quả. Ngày nay, cuộc sống văn minh đã sản sinh ra rất nhiều trò chơi mới, hấp dẫn, hiện đại. Nhưng xét kỹ, cho cùng, có một số trò chơi không để lại dấu ấn gì cho người chơi, nhất là đối với trẻ em. Đáng ngại là có rất nhiều trò chơi mang tính kích động bạo lực, xa lạ với bản chất nhân văn, nhân hậu của người Việt phổ biến tràn lan.

Đồng dao và những trò chơi dân gian của trẻ em cần được gìn giữ phát huy, cần được bảo tồn không chỉ trong giảng dạy ở nhà trường mà nên phổ biến, tổ chức cho các em được tiếp cận, vui chơi, ít nhất là trong các dịp lễ hội, bởi đấy là một phần của bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục thiếu niên, nhi đồng là đối tượng rất nhạy cảm trong sự hình thành nhân cách ở buổi ban đầu.

VIỄN DU

- Các bài hát dân ca

- Các bài hát đồng dao

TRĂNG MỌC

Mồng một lá trai

Mồng hai lá lúa

Mồng ba câu liêm

Mồng bốn lưỡi liềm

Mồng năm liềm giật

Mồng sáu thật trăng

Mười rằm trăng náu

Mười sáu trăng treo

Mười bảy sảy giường chiếu

Mười tám giám trấu

Mười chín đụn địn

Hai mươi giấc tốt

Hăm mốt nửa đêm

Hăm hai bằng tay

Hăm ba bằng đầu

Hăm bốn ở đâu

Hăm lăm ở đấy

Hăm sáu đã vậy

Hăm bảy làm sao

Hăm tám thế nào

Hăm chìn thế ấy

Ba mươi không trăng.

RẠNG ĐÔNG

Sao Hôm lóng lánh

Óng ánh sao Mai

Cuốc đã sang canh

Gà kia gáy rạng

Chích chòe lìa tổ

Trời đã rạng đông.

TRĂNG CƯỜI-TRĂNG KHÓC

Ông giẳng ông giăng

Ông giằng búi tóc

Ông khóc ông cười

Ông lười đi trâu

Mẹ ông đánh đau

Ông ngồi ông khóc

Ông phóc xuống đây

Ông nắm lấy dây

Dung dăng dung dẻ.

Lần đầu tâm sự với Xuân Thu tại lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khoá V tổ chức tại thành phố Plei ku (Gia Lai), tôi được biết quê anh ở Phú Thọ cách Pleiku hơn ngàn cây số. Anh cười bảo: Anh không làm nghề gì cả, “chỉ lêu lỏng và viết vài bài thơ chơi thôi”. Trong bụng tôi nhủ thầm: “Xí…, vậy mà cũng bày đặt bon chen, đi ngồi học viết văn trường Nguyễn Du…”.

Chưa kịp nghĩ thêm điều gì thì có anh bạn khác đến kéo tay anh ta, xếch anh đứng dậy: “Tổng biên tập, cho phép em chụp một pô hình lưu niệm nha!”. Hắn vừa đi theo người đó lên bục chụp hình vừa ngoái lại nhìn tôi, khoác tay: “Xin lỗi nhé!”. Đôi mắt ngái ngủ của tôi chợt sáng lên vì nhận ra anh chính là cái người dám cả gan "tung câu lục bát lên giời" đây. Bài thơ tôi thuộc khi chưa biết mặt mũi tác giả ra sao, chỉ biết chủ nhân bài thơ là tổng biên tập Văn nghệ Đất Tổ (Phú Thọ).

Tung câu sáu, tám lên giời

Triền đê nổi gió rối bời cỏ may

Trắc, bằng xoay tít mù xoay

Chữ tơi tả chữ, vần đay đảy vần

Ngước lên trên đỉnh Phù Vân

Thấy làn mây trắng khỏa thân nõn nà

Tứ thơ bất chợt bung ra

Về đây lục bát cùng ta lên giời...”

(Lục bát lên giời)

Tác giả thơ và tác giả bài viết

Biết tôi là người rất yêu thơ, anh tặng “Khúc đồng dao” do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2008. Tôi nhanh chóng lật từng trang, vừa đọc vừa cố tình tìm kiếm xem anh bỏ bao nhiêu "bùa" trong thơ. Vì trong lúc tập huấn viết văn tôi và bạn thơ Lê Vi Thủy tình cờ đọc và tranh luận những câu thơ có bùa của anh. Cô ấy đã chép sang nhà blog của mình với dòng giới thiệu thật gọn lỏn: “Đây là bài thơ "cọp" từ biệt thự thơ Đỗ Xuân Thu.”.

“Trót ăn thuốc lú, bùa mê/ Cả tin cả những lời thề gió bay/ Hồn nhiên mơ giữa ban ngày/ Ngờ đâu mưa nắng đổi thay nát nhàu”. Để rồi cuối cùng:Khư khư ôm khối tình câm/ Nhặt gom kỷ niệm âm thầm mà thơ...” (Khối tình câm).

Đọc bài thơ đầu tiên trong Khúc đồng dao, bài "Lục bát cầu may", tôi bắt gặp hai từ láy: “quẩn quanh” và “chơi vơi”. Với hai bài thơ và một khổ thơ đầu để giới thiệu tập thơ mà có tới mười sáu từ láy không trùng nhau “ngu ngơ, bồng bông, đong đưa, ngọt ngào, lao đao, lang thang, chuồn chuồn, vật vã, lập bập, xào xạc, khẳng khiu, ngơ ngác, dằng dặc, khắc khoải”. Như bị hút hồn, tôi vội đọc tiếp bài thứ hai, chú ý kỹ hơn và lấy làm lạ với mỗi bài thơ đều có nhiều từ láy mà tác giả sử dụng rất độc đáo. Rồi tôi lật trở lại trang đầu tiên: với những dòng đề tựa bằng chính bút tích của tác giả: “Tôi làm thơ chỉ cho em/ Mà không dám gửi chỉ đem dán diều/ Quẩn quanh chỉ một vần yêu/ Tôi đem thả hết vào chiều… chơi vơi…” (Ngẫu hứng vào hạ). Thế là tôi làm một cuộc “tìm kiếm” và “thống kê” từ láy trong thơ Đỗ Xuân Thu thay vì tìm các câu thơ có bùa mà tôi đã có ý định.

Theo Từ điển từ láy tiếng Việt: “Mỗi từ láy chứa đựng trong mình một sự kiện rất tinh tế và sinh động về cảm thụ chủ quan, về cách đánh giá và thái độ của người nói trước sự vật và hiện tượng của đời sống xã hội”, nó là “phương tiện tạo hình đắc lực của văn học nghệ thuật, đặc biệt là của thơ ca”. Quả vậy, mỗi từ láy trong Khúc đồng dao được tác giả trang trí rất lung linh, sinh động và chứa đựng trong ấy nhiều tình cảm.

“Chợt nghe thấy tiếng lòng reo/ Mắt say sóng sánh lời yêu ngập ngừng/ Bao năm rồi dửng dừng dưng/ Bỗng nghe nhịp sống tưng bừng tim tôi” (Gặp em ngay trước cổng trời).

Tác giả dùng từ láy tượng hình và tượng thanh trong hai câu thơ sau thật đặc sắc để nói lên nỗi buồn của mình trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình: Mơn man gió núi thầm thì/ Ngẩn ngơ tôi… với li ti sợi buồn” (Hoa núi).

Từ láy tượng hình trong hai câu thơ sau cho thấy tác giả đã đẩy hình ảnh cần miêu tả lên đến cùng: “Nón mê te tướp gió bay/ Chân run, chiếc gậy ăn mày xẩm xơ(Người mẹ ăn mày).

Những hình ảnh nông thôn gần gũi như: mục đồng, chim sáo, cây lúa và lão nông được tác giả sử dụng từ láy để miêu tả một cách độc đáo: “Mục đồng đuổi bắt hả hê/ Ríu ran chim sáo, ngô nghê nghé cười/ Lão nông chống cuốc nhìn trời/ Tứ thơ vụt hiện bời bời lúa lên” (Điệu đà tháng giêng).

Các từ láy “mơn man, ngơ ngác, chúm chím” tác giả đưa vào thơ để tả cây gạo đầu làng nhà mình đang đâm chồi nảy lộc trong bài thơ “Tháng hai”, làm ta liên tưởng đến một cô gái trẻ, vẻ mặt ngây thơ có đôi môi chúm chím. “Cây gạo đầu làng vẫn giữ lửa cho nhau/ Cái gió đương thì mơn manmầm lộc biếc/ Để chồi non hé mắt nhìn ngơ ngác/ Bông gạo đầu mùa chúm chím cặp môi xinh”.

Từ “đỏng đảnh” thường dùng để diễn tả tính cách của phái nữ và chỉ một “đỏng đảnh” thôi cũng làm ta liên tưởng đến các từ láy khác như “nhí nhảnh, xảnh xẹ, xí xọn”. Tác giả sử dụng từ láy này để nói đến thời tiết tháng ba trong bài “Tháng ba” một cách tinh tế, vì với tác giả, thời tiết tháng ba như cô nàng đỏng đảnh: “Tháng ba đỏng đảnh quá chừng/ Khi se sắt rét, lúc bừng nắng lên”. “Tháng ba là tháng đòng đưa/Bấc nồm dan díu, nắng mưadùng dằng(Tháng ba). Các từ láy “ngúng nguẩy” và “hây hây” cũng được tác giả sử dụng trong bài thơ này để nói về tháng ba..

Để diễn tả tính tình nhân vật tôi chất phác, thật thà, nhưng rất đa tình trong bài thơ “Đa tình”, tác giả dùng từ láy rất gần gũi: “Sinh ra đã tính khù khì/ Ngu ngơ đến nỗi nhiều khi nực cười” (Đa tình).

Tác giả cũng quằn quại, quắt quay với nỗi nhớ người yêu bằng ba từ láy trong hai câu thơ sau làm cho người đọc cảm thấy ý của tác giả dâng cao mãnh liệt: “Tưởng rằng ngày tháng nguôi ngoai/Lại day dứt phút, lại gai gócgiờ…” (Mười ngày xa em).

Những từ láy nghe có vẻ ngược nghĩa nhau, nhưng tác giả sử dụng vào trong cùng một câu thơ, làm cho ta có cảm giác như chúng hợp sức với nhau làm tăng lên sức biểu đạt: “Anh lặng lẽ - kẻ si tình thế kỷ/Yêu âm thầm, dữ dội một em thôi” (Tình si). Và, cũng trong bài thơ này, bài thơ chỉ có bốn câu, nhưng tác giả sử dụng đến bốn từ láy để diễn tả sự si mê của mình: “Em lộng lẫy, anh nguyện làm nô lệ/ Mãi mãi theo em trọn kiếp người”.

Trong “Em mang mùa thu đi đâu?” nhiều hình ảnh thiên nhiên hiển hiện trong các từ láy mà tác giả sử dụng để miêu tả rất tài tình: “Tôi nhặt từng chiếc lá rơi/ Những mảnh thư tình xào xạc/ Khẳng khiu cành thơ ngơ ngác/Đâu rồi? Đâu rồi mùa thu?”. Bài thơ này đã in trên báo Văn nghệ, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được nhạc sỹ Trịnh Hùng Khanh phổ nhạc, VTV1 giới thiệu trong chương trình "Tác phẩm mới".

Với hơn 200 từ láy trong Khúc đồng dao tác giả dùng để diễn tả tâm trạng của mình và cảnh vật rất trữ tình đã tạo nên giá trị đặc sắc của tác phẩm. 52 bài thơ trong tập thơ thì có đến 50 bài tác giả sử dụng từ láy. Từ láy và khúc đồng dao là những thứ rất mộc mạc dân gian, ấy vậy mà nó mang đến cho Đỗ Xuân Thu một giải thưởng rất danh giá của Khúc đồng dao (Giải B - không có A Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2009, giải thưởng Hùng Vương - phần thưởng cao nhất của UBND tỉnh Phú Thọ trao cho văn nghệ sỹ có tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc - mỗi văn nghệ sỹ chỉ được nhận một lần). Phải chăng những từ láy được tác giả sử dụng một cách tinh tế với những câu lục bát mượt mà trong tập thơ này đã góp phần không nhỏ làm cho Khúc đồng dao mãi bay cao, bay xa để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Thanh Nhã

Được đăng bởi Xuân My

Dân Ca Nam Bộ

ói đến nghệ thuật ca hát dân gian cổ truyền Nam Bộ mà chỉ đóng khung trong một số làn điệu vọng cổ hay bài bản Cải lương, ca nhạc tài tử, thì quả chưa đầy đủ. Mặc dầu chúng ta không phủ nhận tính hấp dẫn, yếu tố truyền cảm gây xúc động mạnh của các thể loại ca hát đó, nhưng đứng trên góc độ nghiên cứu mà xem xét, thì sự phiến diện nói trên có thể đưa đến những nhận định không toàn diện, và hiện tượng nhầm lẫn giữa ngọn và gốc có thể xảy ra. Nội dung vấn đề trao đổi của bài viết này nhằm tìm hiểu tính chất phong phú của nền dân ca Nam Bộ, một bộ phận trong kho tàng âm điệu dân gian phong phú và quí báu của đất nước ta.

Nói đến Nam Bộ, chúng ta nghĩ đến một vùng đất màu mỡ có phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp hữu tình, có tài nguyên giàu có, trù phú. Không thể quên được con người Nam Bộ với tính tình cởi mở, hào hiệp, nặng nghĩa nhiều tình... mà hình như đất nước thiêng liêng đã dành riêng cho mảnh đất phương Nam này! Từ Đồng Nai, Long Khánh, Biên Hòa, Đất Đỏ... với những lô cao su thẳng tắp, bạt ngàn, sừng sững hiên ngang... như muốn vươn lên hàng triệu cánh tay xanh biếc, rậm dày... che kín cả khoảng trời mênh mông... chúng ta đi dần xuống miền châu thổ Cửu Long với những cái tên nghe "là lạ" "dễ thương" như: Mỹ Tho, Bến Tre, Long Xuyên, Cần Thơ, Rạch Giá... băng qua những "tấm thảm vàng tươi" đang óng ánh trĩu cành phơi mình dưới ánh nắng chói chang của miền gần xích đạo. Sau đó, chúng ta sẽ được nhẹ nhàng, ung dung khua từng nhịp chèo nhặt khoan trên những dòng kênh lăn tăn gợn sóng, dưới những rặng dừa xanh vào những buổi chiều êm đẹp... rồi để có dịp bâng khuâng nghe những câu hò về đêm ngân vang dòng sông, bến nước... và khi tới tỉnh Minh Hải lắm cá nhiều tôm, đặt chân lên mũi Viên An, mỏm đất tận cùng của quê hương phương Nam... nghe biển Đông sóng vỗ quanh năm, một lần nữa, chúng ta càng được khẳng định thêm về khả năng vĩ đại chinh phục thiên nhiên, cải tạo hiện thực của con người trước bao nhiêu biến cố. Phải chăng phong cảnh thiên nhiên của thực tại vốn tràn đầy thơ mộng, nên càng khơi nguồn âm điệu dạt dào cho dân ca Nam Bộ giàu chất trữ tình, đậm màu thi vị... chắp cánh cho những hoài bão ước mơ sớm trở thành hiện thực...

Chúng ta hãy làm quen với một đoạn hò tâm tình:

... Hò ơi!... Nho nhỏ như ai, chớ còn nho nhỏ như em đây luôn chặt dạ bền lòng. Dẫu cho nước Đồng Nai có chảy cạn, đá Đồng Nai có bị mòn, thì thủy chung như nhứt, trước sau em vẫn giữ sắt son lời nguyền... ơ

(Hò miền Đông Nam Bộ)

Hay những lời "oán trách" nhau trong điệu hò Trà Vinh:

Hò ơi... Tay cắt tay bao nỡ... ruột cắt ruột sao đành! Một lời thề biển cạn non xanh. Chim kêu dưới suối, vượn hú trên nhành, qua không bỏ bậu ơ ơ... mà sao bậu đành bỏ qua ơ ơ...

Cũng như tên nhiều miền của đất nước, hò là một điệu dân ca phổ biến ở Nam Bộ nói riêng. Hò được gắn liền với sông nước, với khung cảnh êm ả, phẳng lặng. Với một âm hưởng phóng khoáng, tự do, mang ít nhiều nhân tố "tự sự", "vịnh thán", hò thường được dùng để ngợi ca hay đề cao một đạo lý tốt đẹp nào đấy như lòng chung thủy sắt son, niềm tin yêu chặt dạ bền lòng... Âm điệu của các thể loại hò ở từng địa phương thường không giống nhau về chi tiết luyến láy, về cách xử lý các "âm điệu" giữa câu, hay có đôi khi cũng khác nhau về kết cấu toàn bộ. Thí dụ như: hò Đồng Tháp thì kết ở một nốt thuộc "át âm", nhưng trong lúc tuy cùng một điêu thức "xon", nhưng hò Miền Đông, hò Bạc Liêu, hò Gia Ninh, thì lại dùng nốt chủ âm để kết hoàn toàn.

Việc xử lý kếu cấu này tùy thuộc vào phong cách, vào nội dung của từng vùng, nhằm thể hiện được tính cách riêng biệt, màu sắc độc đáo, chứ không phải là không có dụng ý. Thông thường do ý nghĩa của nội dung lời hò giữ vai trò quyết định, nên giai điệu của hò này được tiến hành theo đường nét bình ổn, "lên dần" hoặc "xuống dần", cố tránh những bước nhảy quãng đột xuất, nhằm tạo ra một phong vị êm đềm, nhẹ nhàng như kiểu "ngân nga, tự sự", nặng đi vào chiều sâu lắng hơn là ầm ĩ, huyên náo. Hoàn cảnh xã hội ngày càng thay đổi, nên nội dung và hình thức hò cũng được cải biên và bổ sung cho thích hợp. Ví dụ như, khi Mặt trận Bình dân bên Pháp chiếm được nhiều thắng lợi trên địa hạt chính trị, thì ở Nam Bộ, kế bên những loại hò mộc, hò huê tình, hò đối, hò thơ, hò truyện... lại xuất hiện thêm một loại hò gọi là hò quốc sự. Nội dung hò quốc sự đề cập đến những vấn đề chính trị cổ vũ và động viên tinh thần yêu nước của quần chúng. Sau đây là một đoạn của hò quốc sự.

Nữ (vấn):

Hò ơi! Trên đời mọi vật bẩn nhơ

Đều nhờ rửa nước trở nên trong lành

Đến khi nước phải nhơ tanh

Lấy gì mà rửa xin anh phân cùng...

Nam (đáp):

Hò ơi! Em ơi trải bao thế hệ oai hùng

Nước nhà lâm nạn anh hùng ra tay

Hi sinh bao quản thân dài

Máu đào từng rửa, "nước" rày thành trong...

Nội dung lớn của hò phần lớn dựa trên cơ sở của lối thơ lục bát, nhưng khi xử lý thì có thể giữ nguyên, hoặc có khi lại mở rộng dài hơn để khớp với âm điệu của câu hò. Vì thế việc sáng tác ra những câu hò được đông đảo quần chúng tham gia dễ dàng và nhanh chóng thu hút được sự hâm mộ của quần chúng. Về tháng Bảy Âm lịch, thường là mùa cấy rộ và cũng là lúc mà các "vạn" cấy (như phường, hội) được có dịp trổ tài vừa cấy giỏi lại vừa hò hay... và dĩ nhiên sau những lần gặp gỡ, biết mặt... biết tài nhau... là đến những lời hò hẹn cho những ngày sau mùa gặt hái...

Kế bên những điệu hò trữ tình, êm dịu, dân ca Nam Bộ còn bao gồm những bài hát lý (hay là những điệu lý). Lý là những khúc hát ngắn gọn, vui tươi, dí dỏm, mang tính chất lạc quan yêu đời rõ nét với các nhịp điệu phong phú và sinh động.

Như bài Lý ngựa ô (Nam Bộ):

Lý con ngựa... ngựa ô (2 lần)

Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen

Búp sen lá đậm - Dây cương đầm thấm

Cán roi anh bịt đồng thà...

Lá anh í a đưa nàng... là anh đưa nàng về dinh (2 lần)

... Nhưng cũng có khi, lý lại được pha lẫn vào chút ít màu sắc trữ tình man mác như bài Lý lu là:

Ai về giòng dứa mà qua truông

Nhắn thăm lu là với bậu ơ bậu ơi!

Bỏ buồn cho nàng ơi! mà cho ai?

Bỏ buồn cho nàng ơi! mà cho anh!

Xét về phương diện âm hưởng nói chung toát ra từ các điệu hò và Lý Nam Bộ, chúng ta rút ra được chất tinh khiết, chân thật, tuy mộc mạc, pha lẫn chút ít âm điệu mênh mông của hò, với nhịp điệu sinh động, vui phơi phới đầy tươi mát của các điệu lý. Đặc biệt về mặt kết cấu, lý cũng có những phân biệt câu cú, khúc, đoạn rõ ràng. Sự trình bày phần âm điệu được mạch lạc, có tính nhất quán toàn bộ, và dễ phát hiện, không cầu kỳ, phức tạp, ngổn ngang.

Cách vận dụng và xử lý các hệ thống điệu thức dân gian 5 cung hoặc 7 cung, hoặc 5 cung có thêm bớt bất thường trong thể loại lý, càng tạo thêm được nhiều sắc thái về giọng điệu, càng làm phong phú thêm, mở rộng ra nhiều khả năng kết hợp chặt chẽ giữa âm điệu và ngôn ngữ. Hiện nay, theo chỗ chúng tôi được biết thì các cơ sở nghiên cứu đã sưu tầm và chỉnh lý hơn 40 điệu lý như: Lý con sáo, Lý giao duyên, Lý cây bông, Lý chúc rượu, Lý chia tay, Lý cây gòn, Lý con chuột, Lý bình vôi v.v...

Mỗi điệu lý nói trên đều có một nội dung rõ rệt, hoặc phổ biến những kinh nghiệm sản xuất (như Lý đất dòng chẳng hạn), hoặc ca ngợi những đức tính tốt trong cuộc sống (như Lý Ba Tri), cái đẹp trong thiên nhiên (Lý cây xanh) hoặc oán trách nhau (như Lý lu là) hoặc mỉa mai, châm biếm bọn lý trưởng, cường hào (như Lý con chuột, Lý bình vôi, Lý con sam). Các chủ đề nhạc trong các điệu lý rất nhiều vẻ, dưới những hình thức rất độc đáo, nhưng lại rất quen thuộc với phong vị cổ truyền của quần chúng từ lâu đời.

Trong quá trình cải biên, bổ sung, dĩ nhiên có một số chủ đề trong các điệu lý được sáng tạo, nâng cao. Trong số ấy, chúng ta có thể lấy bài Ru con làm ví dụ. Từ bài Lý giao duyên của vùng Trị Thiên, bài Lý giao duyên của Nam Bộ đã tiến lên trong một quá trình hoàn chỉnh hơn dưới một tựa đề mới là Ru con. Đó cũng là một quy luật, một đặc điểm cần lưu ý khi nghiên cứu vốn dân gian cổ truyền để chúng ta phân biệt được tính giao lưu và tính bổ sung đổi mới luôn luôn của nó.

Lời bài hát Ru con, dân ca Nam Bộ:

Gió mùa thu... Mẹ ru con ngủ

Năm canh chầy thức đủ vừa năm

Hỡi chàng... chàng ơi!

Hỡi người... người ơi!

Em nhớ tới chàng... Em nhớ tới chàng!

Hãy nín! nín đi con!

Hãy ngủ! ngủ đi con!

Con hời... con hỡi...

Con hỡi... con hời... hỡi con!...

Toàn bộ nội dung của bài hát được diễn tả trong sáu câu. Chỉ với 6 câu thôi, nhưng cũng đủ để vẽ nên một "bức tranh âm thanh" tuyệt diệu:

..."Giữa một đêm thu tĩnh mịch... lắng nghe từng cơn gió lành lạnh nhẹ lướt ngoài khung cửa... người mẹ trẻ ấy... vừa ru con, vừa nghĩ đến người thương... vừa nghĩ đến người thương, vừa ru con!...". Âm điệu đơn giản, lời lẽ ngắn gọn, cô đọng đến mức không thể nào thêm được vào đấy một nốt hay một chữ nào nữa cả...

Sự kết hợp như hình với bóng của âm điệu và lời ca đã thúc đẩy thêm nhanh chóng sự gần gũi giữa hình tượng nghệ thuật và quần chúng. Có những lúc, chúng ta như nghe được cả những nức nở, nghẹn ngào... đang trào lên từng đợt, từng đợt như:

Hãy nín! nín đi con

Hãy ngủ! ngủ đi con!

Con hời.. con hỡi

Toàn bộ bài hát được kết thúc bằng một sự đóng lại thư thả trên đường nét đi xuống của giai điệu chậm rãi... nhỏ dần... và chấm dứt... nhưng chúng ta như vẫn còn thấy đọng lại đâu đây hình ảnh người thiếu phụ đêm thu... ru con ngủ..., hình ảnh của một sự đợi chờ... của một lòng sắt son chung thủy!

Chất liệu dân ca Nam Bộ đã được nhiều nhạc sĩ quen biết vận dụng vào những ca khúc hiện đại, và có nhiều ca khúc thành công. Bằng những phong cách riêng biệt, bút pháp độc đáo của mình, các nhạc sĩ kể trên đã góp công một cách đáng kể vào quá trình kế thừa, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa chất liệu quý báu cổ truyền của dân ca Nam Bộ đã được nhân dân từ thế hệ này sang thế hệ khác gìn giữ và nuôi dưỡng...

Dân ca là một mảnh đất trù phú, một kho tàng âm điệu vô tận, nơi tập trung của tất cả những nhân tố thể hiện trực tiếp nhất, sinh động nhất tính cách dân tộc của một địa phương hay một dân tộc nào đó. Và nền âm nhạc chuyên nghiệp với tất cả những hình thức phong phú muôn màu muôn vẻ của nó cũng đều bắt nguồn từ di sản dân tộc, từ vốn cổ truyền của thế hệ trước để lại. Vì thế, tìm hiểu được kho tàng quý báu ấy đã là một chuyện không dễ, nhưng cái khó hơn hết, cái quyết định hơn hết là cần phải biết gạn đục, khơi trong, phải biết chọn lọc, lấy ra cái gì "tinh" nhất để phục vụ tốt cho cái hiện tại. Đó là vấn đề rất thiết yếu mà các nhạc sĩ nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, huấn luyện, không riêng cho một địa phương nào, đều nhận thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân trong việc xây dựng một nền văn học nghệ thuật tiên tiến có tính chất dân tộc và tính nhân dân sâu sắc.

Minh Hải (st)

Đồng dao

Rồng Rắn lên mây

(Một người đuổi, các trẻ còn lại đứng thành hàng dọc nắm vạt áo hoặc ôm eo người đứng trước)

Rồng rắn lên mây có cây lúc lắc, có ông chủ ở nhà không?

- Có. đi đâu?

- Đi lấy thuốc cho Quan

- Quan lên mấy

- Quan lên một

- Chẳng thông

- Quan lên hai

- Chẳng thông

- Quan lên ba

- Thông vậy. Xin khúc đầu

- Những xương cùng xẩu

- Xin khúc giữa

- Những máu cùng me

- Xin khúc đuôi

- Tha hồ thầy đuổi

Vè nói ngược

Nghe vẻ nghe ve

nghe vè nói ngược

Ngựa đua dưới nước

Tàu chạy trên bờ

Lên núi đặt lờ

Xuống sông bửa củi

Gà cồ hay ủi

Heo nái hay bươi

Ba mươi nước lớn

Mùng mười nước nhảy

Ghe nổi thì đẩy

Ghe cạn thì chèo

Mấy chú nhà nghèo

Cho vay bạc nợ

Nhà giàu nhà có

Thiếu trước hụt sau

Đòn xóc bổ cau

Dao bầu cắt lúa

May quần bằng búa

Bửa củi bằng kim...

- Trò chơi dân gian Việt Nam

Để đọc sách này bạn cần tải phần mềm Mobipocket Ebook Reader-Free tại đây

Chi chi chành chành

Chi chi chành chành,

Cái đanh thổi lửa,

Con ngựa chết chương,

Ba vuơng ngũ đế,

Chấp chế đi tìm,

Ù à ù ập!

Hò... khoan

Hò... khoan

Khoai-lang có củ

Đu-đủ có trái

Con-gái có duyên

Đồng-tiền có lỗ

Bánh-ổ ăn ngon

Bánh-hòn ăn béo

Cái-kéo thợ-may

Cái-cày làm ruộng

Cái-xuổng đắp bờ

Cái-lờ đặt cá

Cái-ná bắn chim

Cây-kim may áo

Cái-gáo múc dầu

Cái-cầu đi chợ

Mẹ-vợ ở nhà

Bắt gà làm thịt

Bắt vịt mà nuôi

Con-ruồi có cánh

Đòn-gánh có mấu

Con-sấu có tai

Con-nai có gạc

Đồng-bạc có hình

Chú Tình đi ghe

Thằng le húi-hụi

...