DANH NHÂN ÂM NHẠC

Johann Sebastian Bach

(21/3/1685 - 28/7/1750)

Sinh ngày 21 tháng 3 năm 1685 tại Eisenach, Đức, Johann Sebastian Bach đã nhận được những sự giáo dục âm nhạc đầu tiên từ gia đình và các nghệ sĩ chơi đàn ống trong nhà thờ. Đó là điểm bắt đầu của một mối liên hệ phổ quát giữa những kiệt tác trong sự nghiệp của Bach với âm nhạc tôn giáo, về cách thức cũng như mục đích.

Mặc dù cả cuộc đời Bach không bao giờ đi xa khỏi miền Đông Bắc Đức, âm nhạc của ông lại mang những dấu ấn có được qua tiếp cận với những nhạc sĩ, trường phái trước và cùng thời với ông khắp châu Âu, ở Hà Lan, Pháp, Ý và thậm chí ở Anh. Nhờ sự kết hợp những nét riêng này, Bach đã phát triển một cách thức sáng tác bậc thầy mà cho đến sau này không có một nhạc sĩ nào đạt được, dựa trên nền tảng một kĩ thuật đối vị đặc biệt chuẩn xác và chặt chẽ, nhưng lại có chỗ cho một sự tự do không giới hạn về màu sắc hoà âm, tiếu tấu và đường nét giai điệu. Một điều quan trọng không kém là người ta nhận thấy rằng đằng sau khối lượng đồ sộ những tác phẩm của Bach dành cho bàn phím, thính phòng hay phục vụ tôn giáo, vẫn còn có một quan niệm và niềm tin của riêng ông đối với thế giới. Với điều này, Bach không chỉ là nhạc sĩ đã đưa sự phát triển của âm nhạc thời kì Baroque lên đến mức tột cùng của nó, mà đã trở thành một trong số ít những nhạc sĩ vĩ đại nhất tiêu biểu cho nền âm nhạc nghệ thuật phương Tây.

Sự ra đi của Bach ngày 28 tháng 7 năm 1750 đã trở thành mốc đánh dấu sự kết thúc của thời kì âm nhạc Baroque và bắt đầu của thời kì Cổ điển. Từ đó cho đến tận ngày nay người ta vẫn còn thấy hình ảnh của Bach trong các thế hệ nhạc sĩ, trường phái, thậm chí cả những người tiên phong nhất.

Xem giai thoại

Beethoven

(17/12/1770 - 26/3/1827)

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Wien, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại và ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sỹ, và khán giả về sau.

Năm 1781, Beethoven 11 tuổi, ông đã biểu diễn như một nghệ sĩ piano điêu luyện tại Hà Lan. Cũng trong thời gian này, ông cũng được cử làm phụ tá chơi đàn organ trong nhà thờ tại Bonn. Năm 1782 chính Neefe đã cho xuất bản tác phẩm đầu tiên của Beethoven, bản "Các variation cho clavecin của bản march của Ernst Christoph Dressler". Cũng chính trong năm này, Beethoven trở thành người đại diện cho Neefe ở dàn nhạc hoàng gia với vai trò nghệ sĩ đại phong cầm. Năm 14 tuổi, Beethoven giành được vị trí chính thức là nghệ sĩ chơi đại phong cầm trong dàn nhạc này. Tuy nhiên trong thời gian này ông vẫn tiếp tục luyện tập dương cầm.

Năm 1795, Beethoven bắt đầu nổi danh là một nghệ sĩ piano với bản Concerto cung do trưởng. Nhưng chẳng may từ năm 1780 ông bắt đầu bị lãng tai. Lúc đầu ông mất hết hy vọng nhưng rồi cố gắng thích nghi với điều kiện sống và bắt đầu tập trung tư tưởng tình cảm cao độ hơn bất cứ lúc nào hết trong sáng tác.

Những tác phẩm của Beethoven hoàn thành trong khoảng 1803-1805 vượt trổi hẳn những gì mà ông sáng tác trước đó. Đó là bản Sonate Kreutzar (1803) viết cho violon và piano. Bản Giao hưởng Số 3 Anh hùng ca (1804) có sức cuốn hút mạnh mẽ và gây xúc động sâu xa, lúc đầu ông đề tặng Napoléon nhưng khi Napoléon lên ngôi Hoàng đế thì ông đã xé đi lời đề tặng. Các Sonate cho piano, Bình minh (1804) và Appasionta (1805), Bản Giao hưởng Số 4 (1806), Bản Giao hưởng Số 5 Định mệnh (1808) đều có giá trị nghệ thuận lớn lao. Ông muốn lột tả trong âm thanh về một cuộc sống trong sự đấu tranh với cái chết bằng một sức mạnh khủng khiếp cuối cùng đã ca khúc khải hoàn, như nhân vật nữ trong vở Opera Fidelio (1805) ra sức bảo vệ người chồng của mình chống lại sự xấu xa bạo tàn, và trong khúc Missa Solemnis là lời cầu nguyện để giải thoát khỏi đau thương chiến tranh.

Trong số những tác phẩm lớn của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Eroica (giao hưởng Anh hùng ca), Giao hưởng Định mệnh, số 9, The Pastoral (Giao hưởng đồng quê), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Thống thiết (Pathétique) và Ánh trăng (Moonlight)...

Xem giai thoại

Robert Schumann

(8/6/1810 - 29/7/1856)

Là người kế thừa tinh thần của Bach Beethoven, người tiên đoán về Chopin và Brahms, một nhà phê bình tận tâm và sắc sảo và một trí thức dòng giõi quý tộc cởi mở với bất cứ cái gì liên quan đến văn chương thơ phú, Robert Schumann trong hình thức âm nhạc là hiện thân của sự thăng trầm tình cảm và trí tuệ của toàn bộ trào lưu Lãng mạn Đức.

Robert Schumann sinh ra tại Zwickau ở Saxony ngày 8/6/1810, là con út trong số năm người con của gia đình. Cha ông, một nhà xuất bản và buôn bán sách, rất yêu âm nhạc và văn chương. Mẹ ông, là một nhạc sĩ nghiệp dư có tài, đã dạy cho ông những bài cơ bản về piano, vậy nên khi 11 tuổi, ông đã cố gắng để biến giấc mơ thời niên thiếu thành một tác phẩm nhỏ dành cho giọng hát và nhạc cụ dựa trên bài thánh ca thứ 150.

Ông đọc rất nhiều, và nhà văn làm ông có cảm giác ngây ngất như chính Schumann đánh giá là Friedrich Richter, nhà văn người Đức mới quá cố (1825), người lấy bút danh bằng một cái tên Pháp là Jean Paul Richter. Mặc dù rất mê âm nhạc, Schumann lại được ghi danh vào khoa Luật của trường Đại học Leipzig năm 1828. Ông đã không phản đối nhưng lại bị rơi vào một tình trạng lãnh đạm sâu sắc. Để vượt qua cú sốc đầu tiên, ông đã phải rất nỗ lực để thích nghi với nó. Ông tới các sàn đấu kiếm, thám hiểm các vùng quê xung quanh Leipzig, du lịch tới Munich và Bayreuth với bạn mình là Rosen, bắt đầu nghiên cứu về triết học của Kant, Fichte, Schelling và Hegel, học đấu kiếm, chơi piano và viết những lá thư tinh tế quen thuộc kiểu Proust.

Chuyến đi đến Leipzig của bác sĩ Carus, một người quen cũ ở Zwickau đã giúp kết thúc thời kì băn khoăn, không phương hướng này trong cuộc đời ông. Được đón chào tại ngôi nhà thân thiện, Schumann rốt cuộc cũng có thể nghỉ ngơi và nói chuyện thẳng thắn, không còn bị hạn chế bởi sự e ngại mà ông luôn cảm thấy khi có mặt những người xa lạ. Bạn bè của Carus gồm cả hai con người rất tuyệt vời là giáo sư Wieck và con gái của ông, họ đồng thời là thầy và trò. Clara Wieck, người mà Schumann sẽ gắn bó trong phần đời còn lại mình, là một cô gái rất thông minh và có tài năng âm nhạc bẩm sinh (cô đã có một buổi biểu diễn piano rất thành công khi chưa đến 10 tuổi). Schumann và Wieck ngay lập tức đã rất hiểu nhau và mối quan hệ thầy trò giữa họ không thể mặn nồng hơn thế. Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của Wieck, ông đã được củng cố thêm về kỹ thuật piano mà cho đến tận lúc đó vẫn chỉ là những mảng chắp vá, và mặc dầu nghiên cứu âm nhạc chiếm gần trọn thời giờ của ông, ông vẫn tiếp tục học luật để làm vui lòng mẹ mình.

Đến cuối tháng 8/1829 Schumann khởi hành tới Italy và trở về sau hai tháng đi thăm Brescia, Milan và Venice. Rồi ông chuyển từ Leipzig tới Heidelberg, ông lại cảm thấy sự căng thẳng trước đó. Sự mặc cảm, bản năng dịch chuyển của ông không ngừng khao khát tình yêu, cái đẹp và âm nhạc và sự khủng hoảng mà đôi khi xảy ra trong ông đã đột ngột bắt đầu tại một buổi hoà nhạc Phục sinh ngoài trời ở Frankfurt ngày 11/4/1830, khi ông nghe Paganini chơi lần đầu tiên. Buổi biểu diễn đó đã làm ông loá mắt, như thể Paganini đã lột bỏ lớp mạng che của một sự thật cổ xưa, bị che giấu trong con người ông. Cho đến mùa hè năm 1830 đó, lần đầu tiên ông đã hiểu được sức mạnh ma thuật của âm nhạc.

Xem giai thoại

Wolfgang Amadeus Mozart

(27/1/1756 - 5/12/1791)

Wolfgang Amadeus Mozart (27 tháng 1, 1756 – 5 tháng 12, 1791) là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng, quan trọng, và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu. Các tác phẩm của ông được xem là đỉnh cao trong các lĩnh vực nhạc piano, nhạc phòng, nhạc giao hưởng, nhạc tôn giáo và opera. Tuy đặc điểm nhạc của ông bị một số người chê trong thời đó, ông đã được nhiều nhà soạn nhạc sau này ngưỡng mộ và các tác phẩm của ông đã trở thành một phần quan trọng trong nhiều cuộc hoà nhạc.

Thời thơ ấu

Wolfgang Amadeus Mozart sinh ngày 27 tháng giêng, 1756, tại Salzburg, Thánh chế La Mã (nay Áo). Leopold Mozart, một nhạc sĩ vĩ cầm và cũng là một giáo viên, đã đích thân giáo dục con trai của ông. Wolfgang không phải cắp sách đến trường; thay vào đó cậu được học tại nhà với cha và chị gái của cậu. Âm nhạc là môn học chính. Tuy nhiên, cậu bé Mozart vẫn được học toán, môn học cậu rất thích, và các môn khác như La tinh, tiếng Pháp, tiếng Ý và một ít tiếng Anh. Cậu cũng đọc rất nhiều văn học kịch nghệ, đó là chất liệu mà cậu sẽ dùng để viết opera sau này.

Wolfgang không thích chơi những trò chơi trẻ con bình thường, trừ phi có liên quan tới âm nhạc. Nhờ sự chăm lo dạy dỗ của người cha, vốn là một nhạc sĩ nổi tiếng của Wien, đến năm 3 tuổi đã nghe hiểu được âm nhạc, 4 tuổi đánh được đàn dương cầm cổ và organ. Cậu bắt đầu soạn nhạc cho đàn phím từ lúc năm tuổi, viết những bản nhạc hòa tấu khi cậu lên sáu. Những bản sônat cho đàn vĩ cầm được xuất bản khi cậu lên tám. Thật ra có thể nói rằng Mozart đã khởi đầu sự nghiệp âm nhạc trước thời gian cậu lên năm và theo đuổi cho đến ngày qua đời, ngót ba mươi năm âm nhạc.

Học vấn của Mozart phát triển cùng những chuyến du lịch, được xem như những cột mốc trong cuộc đời cậu. Khi cậu lên sáu, Wolfgang và người chị, lớn hơn cậu năm tuổi và cũng là một thần đồng âm nhạc, cùng đi với cha của họ đến München. Cuối năm đó họ chơi nhạc cho Hoàng hậu của Viên. Năm lên 7, cậu đã tổ chức những buổi diễn nhạc ở Paris, và được một nhà xuất bản ở đây xuất bản một tập nhạc, gồm 4 bản violon và orcgan. Sau đó, cha cậu lại dẫn cậu đi khắp các nước Ý, Anh..., gia đình Mozart nổi danh khắp những nơi cậu đến, và Wolfgang, với tài năng sớm phát triển của cậu, đã chinh phục mọi người. Quan trọng hơn, Mozart có cơ hội thưởng thức âm nhạc thịnh hành trong các thành phố này. Mozart đã gặp những nhạc sĩ khác và bắt đầu thành hình quan điểm về sự nghiệp của họ.

Mozart có ký ức chi tiết âm nhạc phi thường, ông có thể hợp nhất tinh hoa âm nhạc khác nhau của quốc gia này với quốc gia khác vào trong tác phẩm của mình. Tại Luân Đôn, Mozart gặp Johann Christian Bach, con trai của nhạc gia vĩ đại Johann Sebastian Bach, Christian bị gây ấn tượng, đã trở thành người dẫn dắt nhạc sĩ Mozart trẻ và quan tâm theo dõi sự nghiệp của cậu. Trở về nước, Mozart nghiên cứu tổng phổ âm nhạc của J. C. Bach, và ảnh hưởng của Bach được thể hiện trong tác phẩm của Mozart vào thời gian ấy.

Sự nghiệp

Khoảng cuối năm 1769, năng khiếu âm nhạc sớm phát triển của Mozart đã bắt đầu nở rộ, tuy mới chỉ lên mười ba, cậu bắt đầu sự nghiệp sáng tác một cách nghiêm túc. Đức Tổng giám mục tại Salzburg đã chấp nhận Mozart như một nhạc trưởng, bằng cách cấp một khoản thu nhập cho cậu. Hai cha con Mozart đã thực hiện ba chuyến viễn du sang Ý để công diễn, họ đã được công nhận và gây được sự chú ý đến sự nghiệp của cậu trong giới quý tộc ở đó. Tại Milano Mozart được ủy nhiệm viết opera, vở Mitridate. Vở này sau đó, do chính Mozart chỉ huy, đã được tán thưởng nồng nhiệt. Trở về Salzburg, Mozart biên soạn một loạt symphony và nhạc phụng sự cho Giáo hội.

Việc trở về Salzburg của Wolfgang vào 1773 là một trong những cột mốc, lúc ấy có một sự bùng nổ sáng tác khác thường, và một sự chuyển tiếp ra khỏi ảnh hưởng âm nhạc Ý để thiên về phong cách âm nhạc Đức, được đại diện bởi Joseph Haydn.

Vị Tổng giám mục mới, Ngài Hieronymus, Bá tước Colloredo, không mấy hài lòng với tần suất yêu cầu của Mozart. Về phần Mozart, khi thấy mức sống của Salzburg đã tăng lên nhiều, nhưng sự yêu chuộng nghệ thuật thì xuống dốc đáng đau buồn, lúc ấy, mối quan hệ của Mozart với Bá tước Colloredo ngày càng trở nên gay gắt.

Cuối cùng, vào tháng 8 năm 1777, ở tuổi hai mươi mốt, Wolfgang xin từ nhiệm, và Bá tước Colloredo đã đồng ý. Thời gian này, Leopold quyết định rằng ông phải còn ở lại phục vụ nhà thờ. Cho nên Wolfgang cùng mẹ đã chuyển đi München, rồi đến Mannheim.

Xem giai thoại

Georges Bizet

(25/10/1838 - 3/6/1875)

Vở opera Carmen, nội dung lấy theo tác phẩm cùng tên của Mérimée, ngày nay được coi như tác phẩm hay nhất của Georges Bizet và cũng là hay nhất nước Pháp thế kỷ XIX, là nổ lực cuối cùng của một tác giả đã nản lòng để giành lại sự đánh giá cao hơn của công chúng mà trước đó đã đón nhận một cách thờ ơ ghẻ lạnh những tác phẩm của mình. Thế nhưng, Carmen, lần đầu tiên được dàn dựng vào ngày 3-3-1875, cũng thất bại lúc được công diễn. Mặc dù vậy, Bizet vẫn tin tưởng rằng ông đã viết được một tác phẩm xuất sắc. Niềm tin ấy của Bizet đã được minh chứng vì ngày nay, Carmen là một trong những "vở opera nổi tiếng nhất thế giới", tác phẩm không thể thiếu vắng trong chương trình biểu diễn của nhiều nhà hát kịch trên thế giới.

Bizet, nhạc sĩ và nhà soạn nhạc Pháp lỗi lạc, một trong những nhà viết opera lớn nhất của mọi thời đại, sinh ngày 25-10-1838 tại Paris. Lên 4 tuổi, Bizet đã viết các nốt nhạc và năm 9 tuổi, bắt đầu vào học tại Nhạc viện Paris. Ở đây, ông tỏ ra là một tài năng khác thường và xuất sắc nhất nhạc viện trong gần 10 năm, đặc biệt là về phương diện sáng tác âm nhạc. Năm 1857, Bizet giành được giải thưởng lớn Rome với bản Cantat Clovis và Clotilde, đây cũng là tác phẩm tốt nghiệp nhạc viện của ông. Theo đó, ông được hưởng một chuyến du lịch 3 năm vòng quanh nước Ý.

Chuyến đi này đã làm nảy sinh ở Bizet những ý tưởng lớn lao và những nguồn cảm hứng mới. Thế là các vở opera của ông lần lượt xuất hiện. Đầu tiên là Les Pêcheurs de perles (Những người mò ngọc, 1863), tiếp đó là La jolie Fille de Perth (Người đẹp thành Perth, 1867), L'Arlésienne (Cô gái Arles, viết theo vở bi kịch của Alphonse Daudet, công diễn lần đầu tại Paris ngày 10-11-1872), là vở opera được biết đến nhiều hơn hết so với các tác phẩm khác của ông và sau cùng là Carmen, đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác của Bizet.

Ngoài sáng tác opera, Bizet còn là nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng và là người xướng âm xuất sắc các bản đàn bè. Ông viết nhiều tác phẩm giao hưởng, các operet, các bản nhạc dành cho đàn piano và thanh nhạc. Bizet mất vì bệnh tim tại Paris ngày 3-6-1875, ba tháng sau khi vở Carmen được đưa ra công diễn, chưa tròn 37 tuổi. Với sáng tác của mình, Bizet đã đi vào lịch sử âm nhạc thế giới như là một trong những đỉnh cao nhất của nghệ thuật opera theo chủ nghĩa hiện thực Pháp và thế giới ở thế kỷ XIX.

Xem giai thoại