TÌM HIỂU LỄ GIÁNG SINH

Giáng sinh - thời điểm mà niềm vui, hy vọng, thiện chí và tình thân ái tràn trề ở mỗi con người. Giáng sinh đang tới gần, không khí Giáng sinh đang ngập tràn khắp muôn nơi. Mừng Giáng sinh đã trở thành ngày lễ phổ biến ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, song mỗi nơi lại có một phong tục đón Giáng sinh khác nhau, mang những nét văn hóa đặc trưng. Chuyên đề dưới đây, chúng tôi mời bạn cùng tìm hiểu, khám phá về nguồn gốc, những biểu tượng trong Lễ Giáng sinh, phong tục đón Giáng sinh trên khắp năm châu.

Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel, Christmas hay Xmas (từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta") là một ngày lễ kỷ niệm ngày Chúa Giê-su thành Nazareth sinh ra đời của phần lớn người Cơ Đốc giáo. Họ tin là Chúa Giê-su được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của Đế quốc La Mã giữa năm 6 TCN và năm 6.

Nguồn gốc ngày lễ Giáng sinh

Một số nước ăn mừng ngày này vào 25 tháng 12, một số nước lại vào tối ngày 24 tháng 12. Theo Công giáo Rôma, lễ chính thức là ngày 25 tháng 12 còn gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là "lễ vọng". Dù vậy, lễ đêm 24 tháng 12 thường thu hút tin đồ tham dự nhiều hơn. Những người theo Chính Thống giáo Đông phương vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.

Tổ chức lễ Giáng sinh Nguyên thủy, lễ giáng sinh là của những người theo đạo Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của người lãnh đạo tôn giáo mình, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng dần dần, theo thời gian và qua các lễ hội của phương Tây, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình. Kết quả là bây giờ, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế với ông già No-el, cây Giáng sinh hay cây thông Noel-…

Nhắc đến Giáng sinh người ta nghĩ ngay đến cây thông, hoa Trạng Nguyên, ông già Noel… nhưng mỗi biểu tượng này lại có một nguồn gốc xuất hiện khác nhau.

Cây thông Noel

Việc sử dụng cây thông như vật trang trí cho Lễ Giáng Sinh là một phong tục truyền thống. Truyền thuyết kể rằng vào một đêm Noel, thánh Bô-ni-fa-ci-ô đang đi trong rừng thì bắt gặp cảnh tượng một lễ hiến sinh. Cực kì phẫn nộ, thánh giật lấy một cái rìu của những người ngoại đạo và bổ mạnh vào thân một cây sồi thiêng. Sau nhát chặt, một cơn cuồng phong đã quật đổ cây sồi. Run sợ trước biểu hiện sự trừng phạt của Chúa, những người ngoại đạo đã xin gia nhập đạo Cơ đốc ngay tại khu rừng này.

Những người mới gia nhập Cơ đốc giáo nhận thấy một thông nhỏ mọc lên từ gốc của cây sồi bị chặt. Theo phong tục của người ngoại đạo, họ thường dùng thường xanh làm biểu tượng cho sự sống vĩnh hằng và lúc này họ quyết định dùng nó như là biểu tượng của Chúa Giê su muôn đời. Trải qua nhiều năm thì những cây thường xanh mới được trang trí như ngày nay nhưng chúng đã trở thành một biểu tượng không thể nào thay thế.

Martin Luther được biết đến như người đầu tiên trang hoàng một thường xanh dành cho lễ Giáng Sinh. Ông mang một cây vào trong nhà và và gắn lên đó những cây nến và vật trang trí được làm bằng hoa quả và những đồ dùng trong nhà lên trên đó. Ông nói rằng ánh sáng nhắc mọi người nhớ đến Chúa Giê su là ánh sáng của thế giới và những vật trang trí trên cây biểu hiện cho những món quà của Chúa nhân từ và độ lượng.

Sau Martin Luther những người Ðức cũng bắt đầu trang trí cây Noel và phong tục này đã được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Khi ngày lễ Giáng sinh trở nên phổ biến hơn thì việc trang trí cây thông Noel cũng vậy, ở Mỹ, truyền thống trang trí cho cây Noel được bắt đầu ở thành phố Bê-lem, tiểu bang Pennysylvania vào năm 1747 khi một giáo xứ quyết định làm theo phong tục của người Ðức và lúc đó cây Noel được trang trí cho trẻ con.

Ông già Noel

Những biểu tượng trong lễ Giáng sinh

Nguồn gốc của từ “ông già Noel” (Santa Claus) hay thánh Nicholas bắt đầu ở Thổ Nhĩ Kì từ thế kỉ thứ IV. Từ lúc còn nhỏ thánh đã là một người rất ngoan đạo và đã hiến cả cuộc đời của mình cho đạo Cơ Ðốc. Thánh Nicholas đặc biệt được ca tụng vì tình yêu đối với trẻ em và sự hào phóng của ngài. Thánh Nicholas là người bảo trợ cho các thuỷ thủ, đảo Xi-xin-li, nước Hy Lạp và nước Nga và tất nhiên thánh cũng là người bảo trợ của trẻ em.

Năm 1882, Clê-mơn C.Mo-rơ đã viết bài hát nổi tiếng của mình “A visit from St. Nick” (chuyến thăm của thánh Nick) và sau đó được xuất bản với cái tên “The night before Christmas” (Ðêm trước Giáng Sinh). Mo-rơ được coi là người đã hiện đại hóa hình tượng ông già Noel bằng hình ảnh một ông già to béo, vui tính trong bộ đồ màu đỏ.

Trẻ con Anh, Mỹ gọi Ông già Noel là Father Christmas, Santa Claus hay Saint Nick, đó chẳng qua là một dạng của chữ Saint Nicholas. Những người Hà Lan sống ở New York đã du nhập Ông Già Noel vào đất Mỹ. Họ gọi Thánh Nicholas là "Sankt Klaus " và cuối cùng là " Santa Claus".

Ông già Noel rất vui nhộn, béo tốt tượng trưng cho lòng đại lượng và các loại thức ăn bổ dưỡng. Ông luôn mặc quần áo đỏ tượng trưng cho sự nồng nhiệt và chân thành. Vì Ông già Noel xuất hiện vào mùa đông, nên không ai ngoài lũ hươu kéo xe trượt tuyết đưa ông đi khắp nơi.

Ông sống ở Bắc Cực và đã rất già nên râu tóc trắng xóa, nhưng đôi má lại đỏ ửng như em bé, hai mắt lấp lánh. Trên vai ông bao giờ cũng có một cái bị khổng lồ dựng đầy đồ chơi và quà bánh cho thiếu nhi. Đêm Giáng Sinh, khi bọn trẻ đã ngủ, ông sẽ tụt ống khói vào nhà bỏ quà vào những chiếc vớ chúng treo sẵn ở đầu giường kèm theo lời chúc Giáng Sinh vui tươi.

Máng cỏ

Ở những nước mà đa số theo đạo Thiên Chúa, không phải cây thông mà máng cỏ mới là phần đặc sắc của ngày lễ Giáng Sinh. Máng cỏ hay còn gọi là hang đá, hang lừa là một mô hình thu nhỏ nơi Chúa đã chào đời với đầy đủ những hình người và xúc vật bé xíu.

Người Ý gọi máng cỏ là presepio, người Tây Ban Nha gọi là nacimiento, người Anh gọi là manger scene, còn ở Pháp thì người ta gọi là crèche. Hầu như ở mỗi nhà thờ đều có máng cỏ, nhưng chiếc máng cỏ ở mỗi gia đình mới là cái mang ý nghĩa sâu sắc hơn cả.

Người ta nói rằng người khởi xướng cái tục lệ đáng yêu này là thánh Francis. Đêm Giáng Sinh năm 1224, ông đã dựng lên trong một ngôi giáo đường ở một làng gần Assissi, Ý, một chiếc hang đá có cả người thật và gia súc thật diễn lại các vai như câu chuyện ngày xưa Chúa chào đời.

Thường máng cỏ được làm dưới dạng núi đá rêu phong hoặc bị cỏ cây vây phủ. Tượng Joseph và Mary được đặt cạnh chiếc nôi, phía sau là các súc vật và mục đồng.... Phía trên hang đá là thiên thần, hoặc một ngôi sao sáng hoặc có thể là một con bồ câu trắng. Cả nhà sẽ cùng nhau làm máng cỏ và đặt trên bàn ở một góc phòng khách trong suốt mùa lễ Giáng Sinh. Các bức tượng xinh xinh nhiều màu sắc thường làm bằng thạch cao như ở Tây Ban Nha và nhiều vùng ở Pháp, còn ở Ý, người ta làm bằng đất hay bằng gỗ. Chập tối đêm Giáng Sinh, trẻ em sẽ thắp sáng máng cỏ bằng nến, ở Pháp, chúng còn thắp bằng nến ba màu để tưởng nhớ Chúa Ba Ngôi. Và hằng đêm máng cỏ lại được thắp sáng, đến đêm thứ 12 sau Giáng Sinh thì được cất đi dành cho mùa lễ năm sau.

Những vòng hoa Giáng Sinh

Những vật trang trí trong nhà như cây ô rô và cây tầm gửi cũng là một phần rất quan trọng của lễ Giáng Sinh. Cây ô rô trước đây là biểu tượng của người ngoại đạo dùng để xua đuổi ma quỷ. Truyền thuyết kể rằng trong chiếc vòng gai mà đức Chúa đã đội trên đầu khi bị đóng đinh trên cây thập ác có cây ô rô nhưng đó là cây ô rô có quả màu trắng.

Khi máu của Ðức Chúa nhỏ vào những quả ô rô trắng, chúng chuyển thành màu đỏ. Kể từ đó, quả ô rô luôn luôn có màu đỏ. Người ta cũng tin rằng truyền thuyết này chính là nguồn gốc của vòng hoa Giáng Sinh. Vì vòng hoa này tròn như một chiếc vương miện và cũng luôn được kết bằng những cành ô rô.

Cây trạng nguyên

Cây trạng nguyên được đặt theo tên của Joel Poinsett đại sứ đầu tiên của Mĩ ở Mê-hi-cô người đã có công mang loại cây này về nước Mỹ vào năm 1882.

Quê hương của cây trạng nguyên là ở Mê-hi-cô. Vào thế kỉ 18, người Mê-hi-cô coi cây trạng nguyên là biểu tượng của ngôi sao ở Bethelem. Theo truyền thuyết cho rằng có một bé trai không có quà dâng lên Chúa Hài Đồng nên em đã mang đến máng cỏ một chùm lá cây. Các bạn em cười chế nhạo em, nhưng khi em đặt những nhánh lá dưới chân Chúa Hài Đồng thì những cành lá đó biến thành những bông hoa đỏ rực rỡ rất đẹp.

Chiếc kẹo gậy

Vào những năm 1800, một người làm kẹo ở Ấn Độ muốn biểu đạt ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh qua một biểu tượng được làm bằng kẹo. Ông bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình bằng cách uốn cong một trong những thỏi kẹo của mình thành hình một chiếc gậy kẹo. Qua cây gậy kẹo của mình, ông đã kết hợp những biểu tượng thể hiện tình yêu và sự hi sinh của Chúa Giê su.

Màu trắng biểu hiện cho sự trong trắng và vô tội của chúa Giê su. Sau đó, ba sọc nhỏ tượng trưng cho những đau đớn mà Ðức Chúa đã phải chịu trước khi ngài chết trên cây thập ác. Ba sọc đó còn biểu hiện ba ngôi thiêng liêng của Chúa (sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần). Ông thêm vào một sọc đậm để tượng trưng cho máu mà Chúa đã đổ cho loài người.

Khi nhìn vào cái móc của cây gậy, ta thấy nó giống hệt cây gậy của người chăn cừu vì chúa Giê su chính là người chăn dắt con người. Nếu bạn lật ngược cây gậy, nó sẽ trở thành chữ J tượng trưng cho chữ cái đầu tiên của tên chúa Giê su (Jesus). Nhờ có người thợ làm kẹo đó mà mọi người đều biết được lễ Giáng Sinh nói về điều gì.

Nến Giáng Sinh

Có nhiều truyền thuyết kể về những cây nến đêm Giáng Sinh. Nhiều người cho rằng Martin Luther là người đầu tiên có sáng kiến thắp nhiều cây nến trên các cành cây thông mùa Giáng Sinh.

Khi trở về nhà vào một đêm mùa đông gần lễ Giáng Sinh, ông đã sững sờ trước vẻ đẹp của ánh sáng từ các ngôi sao chiếu rọi trên cành cây thông nhỏ trước cửa nhà mình. Ông tái hiện lại cảnh tượng này bằng cách gắn các cây nến lên cành của cây thông Noel trong nhà để tượng trưng cho Ngôi Sao trên làng Bê-lem.

Có một huyền thoại khác kể rằng một bé trai nọ bị đi lạc đêm Giáng Sinh nhưng nhờ ánh đèn nến nơi cửa sổ phòng mẹ, đã tìm được lối về đến nhà.

Lại có một truyền thuyết khác kể rằng thánh Maria và Giu-se đêm Chúa Giáng Sinh đã tìm ra nơi trú ngụ nhờ lần theo ánh đèn hắt ra từ cửa nhỏ một cái chuồng bò lừa.

Thánh ca Giáng Sinh

Trong tiếng Anh, những bài hát vui đêm Giáng Sinh được gọi là Carol, tiếng Pháp là Noel, tiếng Ý là Pastorelles và tiếng Đức là Kristilieder. Chúng bắt nguồn có lẽ từ các nhà thờ xưa, nơi thường diễn những vở kịch nhớ về sự ra đời của Chúa và có kèm theo những bài hát vui.

Ngày nay, những bài thánh ca Giáng Sinh đã được sáng tác thêm rất nhiều, một số ngợi ca Thiên Chúa, một số khác có nội dung mừng lễ hội. Một trong những bài thánh ca nổi tiếng và được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới là "Silent Night, Holy Night".

Ngôi sao Giáng Sinh

Các ngôi sao 5 cánh thường xuất hiện rực rỡ đủ mầu sắc trong mùa Giáng sinh, các nhà thờ đều có treo vô số ngôi sao 5 cánh. Một ngôi sao to lớn được treo ở chỗ cao nhất của tháp chuông nhà thờ. Từ đó căng giấy ra bốn phía, có nhiều ngôi sao nhỏ, treo đèn lồng và kết hoa rất đẹp mắt.

Ngôi sao trong lễ Giáng sinh có ý nghĩa đặc biệt, theo tương truyền lúc Chúa vừa chào đời thì trên trời xuất hiện một ngôi sao rực rỡ . Ánh sáng tỏa ra mấy trăm dặm còn nhìn thấy. Từ các vùng phía Đông xa xôi nay thuộc lãnh thổ Iran và Syria, có 3 vị vua được mặc khải tin rằng cứ lần theo ánh sáng ngôi sao tìm tới chắc chắn sẽ gặp Chúa Từ đó ba vị tìm theo sự dẫn đường của ánh sáng đến căn nhà nhỏ. Đúng như lời tiên tri của ông Simêong, Hài nhi nầy sẽ trở nên ánh sáng soi cho muôn nước Theo tục Đông phương thăm với qùa tặng Ba Vua quì lạy dâng lên Chúa Hài Đồng các phẩm vật trầm hương và châu báu vàng bạc.

Ngôi sao Holley trở thành biểu trưng ý nghĩa trong mùa Giáng Sinh và được treo chỗ trang trọng nhất ở các giáo đường, cơ sở tôn giáo trong đêm Giáng Sinh để nhớ đến sự tích trên. Do ý nghĩa ngôi sao còn tượng trưng cho phép lạ của Thượng Đế

Thiệp Giáng sinh

Cứ mỗi dịp Giáng sinh về mọi người lại trao nhau những cánh thiệp xinh xắn kèm theo những lời chúc thân thương, nhưng có mấy ai biết rằng thiệp Giáng sinh đã ra đời từ rất lâu, khoảng hơn 2 thế kỷ trước.

Tập tục gửi thiệp Giáng sinh bắt nguồn từ xứ sở sương mù vào năm 1843. Trước đó, mỗi dịp Giáng sinh về, mọi người chỉ có thể viết thư tay chúc mừng Giáng sinh và đích thân đem đến người nhận. Thời gian sau, nhờ hệ thống bưu điện phát triển mà việc gửi thư chúc mừng Giáng sinh không còn tốn nhiều công sức nữa. Loại thiệp Giáng sinh đầu tiên do J.Horsley - một họa sĩ ở London - thiết kế. Một người bạn thân là Sir Henry Cole - một thương gia giàu có ở Anh - đã nhờ Horsley thiết kế cho mình một tấm thiệp thật đẹp để ông gửi người thân và bạn bè. Thế là Noel năm 1843, Horsley trình làng tấm thiệp Giáng sinh đầu tiên trên thế giới là kiểu tranh 3 phần được vẽ bằng tay. Phần ở giữa mô tả cảnh một gia đình quây quần bên bữa tiệc Giáng sinh và hai phần còn lại tả cảnh trẻ em nghèo được cho ăn no và mặc ấm. Trên tấm thiệp Giáng sinh đầu tiên này nổi bật câu chúc mừng: "Chúc bạn Giáng sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc!" (Merry Christmas and a happy new year to you!). Với mẫu thiết kế thiệp Giáng sinh trên, Henry Cole cho ra lò 1.000 tấm thiệp và trong số này hiện còn khoảng 12 tấm vẫn nằm đâu đó trong các bộ sưu tập cá nhân hay ở các viện bảo tàng.

Thiệp Giáng sinh nhanh chóng bùng phát ở Anh khi chính phủ nước này thông qua một đạo luật vào năm 1846 cho phép người dân có thể gửi thư đến bất kỳ nơi nào trong nước với giá rẻ. Trong suốt 10 năm sau đó, thiệp Giáng sinh trở thành mốt thịnh hành ở nước Anh và không lâu sau du nhập sang cả Đức. Thế nhưng phải mất 30 năm sau thì người Mỹ mới hào hứng đón tiếp làn sóng thiệp in này. Năm 1875, Louis Prang - một thợ in gốc Đức sống tại Boston (Mỹ) - bắt đầu tung ra thị trường các loại thiệp in chất lượng cao và ông nhanh chóng được gán cho danh hiệu "cha đẻ các loại thiệp Giáng sinh Mỹ". Tranh trên thiệp của Prang rất đa dạng, từ tranh Thánh Mẫu, cây cối được trang hoàng, ông già Noel cho đến các loài hoa với muôn sắc màu như hoa hồng, hoa cúc, hoa phong lữ... song những tấm thiệp này thường có giá rất cao. Thiệp của Prang được công chúng đánh giá cao do ông đã cất công pha trộn đến 20 sắc màu trên một tấm thiệp. Kể từ năm 1881, ông xuất ra thị trường đến 5 triệu thiệp mỗi năm. Đến thập niên 90 của thế kỷ 19, Prang thôi kinh doanh do người Mỹ bắt đầu chuộng những loại thiệp có giá rẻ được nhập từ Đức và tình trạng này kéo dài mãi đến sau Thế chiến thứ nhất, khi ngành sản xuất thiệp chúc mừng của Mỹ ra đời.

Suốt thời kỳ nội chiến ở Mỹ (1860-1865), Tổng thống A.Lincoln đã yêu cầu họa sĩ tranh biếm họa chính trị T.Nast phác họa tranh ông già Noel cùng lính liên bang để khuyến khích tinh thần của họ. Và hình ảnh ông già Noel yêu nước trong bộ trang phục màu đỏ xuất hiện trên mặt thiệp trở nên phổ biến trong mùa Giáng sinh. Suốt Thế chiến thứ 2, hình ảnh chú Sam hay những hình mẫu yêu nước khác xuất hiện chủ đạo trên mặt thiệp Giáng sinh nhằm nhắc nhở người dân Mỹ tưởng nhớ đến sự hy sinh của nhiều người khác để họ có khoảnh khắc vui vẻ như hôm nay. Thiệp Giáng sinh với những hình vẽ hài hước trở nên thịnh hành vào thời chiến tranh lạnh. Thiệp Giáng sinh cũng dần trở thành công cụ hữu hiệu thể hiện ước nguyện của con người ở từng thời điểm khác nhau. Chẳng hạn những năm 60-70, ở Mỹ xuất hiện loại thiệp với hình ảnh ông già Noel cưỡi... tên lửa thay vì con tuần lộc truyền thống nhằm phản ánh lòng đam mê của Mỹ với ngành vũ trụ còn non trẻ.

Năm 2001, một trong những loại thiệp Giáng sinh đầu tiên của Anh trình làng năm 1843 đã được bán với giá kỷ lục 22.500 bảng Anh (khoảng 43.000 USD) tại một phiên bán đấu giá thu hút khá đông các nhà sưu tập Anh và Mỹ.

Ngày nay chỉ riêng ở Mỹ, hơn 2 tỉ thiệp Giáng sinh với khoảng hơn 3.200 kiểu mẫu cùng 14 ngôn ngữ khác nhau được chuyền tay nhau mỗi năm. Nếu tính chung trên thế giới thì con số sẽ lớn hơn rất nhiều. Thiệp Giáng sinh là loại thiệp "hút hàng" nhất trong năm. Cùng với loại thiệp in, thiệp điện tử cũng trở nên thông dụng với hơn 300 chủ đề khác nhau mà người nhận có thể nhận được ngay.

Đến Anh đón Giáng sinh cùng với các bữa tiệc gia đình: Người Anh đón Noel bằng cách trang hoàng cây Giáng sinh thật lộng lẫy. Người Anh không ăn lễ nửa đêm vào ngày 24 mà vào chiều 25 tháng 12. Ðêm 24 tháng 12 họ cũng đi dự lễ nửa đêm, khi về là ngủ ngay. Ðối với họ, lễ sáng 25 mới là buổi lễ quan trọng. Người Anh có tục lệ rất hay là sau món gà tây là chiếc bánh Giáng sinh được mang ra, ông bố đổ vài thìa cô-nhắc lên trên chiếc bánh, bật lửa, cùng lúc ấy đèn trong phòng đều tắt hết, chỉ còn lại màu sắc của ngọn lửa xanh huyền ảo lung linh. Khi lửa tắt, đèn sẽ được bật sáng lên. Lúc này, ông bố cắt bánh chia cho mọi người. Ðiều may mắn sẽ nằm trong đồng xu khi nướng bánh bà mẹ đã đặt vào. Ai được đồng xu ấy sẽ được nhiều tài lộc trong năm mới. Đêm Noel, bọn trẻ thảo lá thư liệt kê một loạt món quà chúng thích để gửi ông già Noel. Chúng ném thư vào lò sưởi vì tin rằng lá thư sẽ được gửi tới tay ông già Noel.

Giáng sinh ở Đức: Alle Jahre wieder... (Đến hẹn lại lên…) - câu thành ngữ ấy luôn nảy ra trong tâm trí người Đức mỗi mùa Giáng sinh về. Từ đầu tháng 12, khắp nước Đức đều xuất hiện những phiên chợ đặc biệt, từ những phiên chợ chỉ vài ba gian hàng ở những thị trấn nhỏ trang trí bằng lồng đèn với cành thông đơn giản, cho đến những hội chợ lớn ở các đô thị tràn ngập không khí thương mại và tưng bừng niềm vui đại lễ.

Nếu du lịch đến nước Đức vào dịp này, bạn đừng quên ghé thăm các phiên chợ Giáng sinh nổi tiếng tại đây như chợ thương mại Munich ở quảng trường trung tâm Marienplatz, chợ Nuremberg và chợ Berlin. Bạn sẽ tìm thấy được những nét cổ xưa nhất cũng như cảm nhận thấy hơi thở hiện đại của cuộc sống từ những phiên chợ Giáng sinh nơi đây.

Pháp: Noel trước hết là ngày hội gia đình và thường tất cả gia đình tập trung tại nhà ông bà mình. Căn nhà được trang trí các tràng hoa và người ta bày ở chính giữa phòng lớn nhất trong nhà cây thông Noel. Mỗi người đặt một đôi giày gần lò sưởi (nếu có) hoặc dưới cây thông. Ông già Noel sẽ trao quà cho mọi người vào đúng chỗ. Trong một số gia đình để trẻ em có niềm tin vào ông già Noel, người ta để một ly rượu cho ông già Noel và một viên đường cho mỗi con tuần lộc kéo xe của ông. Các gia đình theo đạo Kitô đi chơi vào đêm để tham dự vào lễ tại nhà thờ. Trẻ em cũng nhận được các món quà do ...ông già Noel mang tới tặng. Tuy nhiên, ngày nay đa số các gia đình không còn đến nhà thờ nữa, và một người lớn trong gia đình được giao một nhiệm vụ nặng nề là phải vào căn phòng có trưng bày cây thông mà không ai nhìn thấy và đặt những món quà ở đó. Trẻ em bước vào phòng có bày cây thông, bé trước, lớn sau, chúng phát hiện ra các món quà, thật là tuyệt vời!

Cũng có những gia đình, trẻ nhỏ để giày của chúng bên lò sưởi trong đêm Giáng sinh để nhận quà từ ông già Noel. Những đứa lớn hơn thì đi cùng cha mẹ đến nhà thờ và sau đó trở về nhà cùng dùng bữa tiệc Réveillon (bữa ăn sau lễ Giáng sinh). Ở Pháp, tại Paris và Lyon, các chương trình múa rối mừng lễ Noel rất phổ biến. Tại Paris ban đêm được làm đẹp bằng muôn màu từ ánh điện biến hóa, lung linh, trong cái lạnh của mùa Giáng sinh.

Phần Lan: Trước đêm Giáng sinh, người dân Phần Lan có tục lệ đi sauna (tắm xông hơi) - điều mà khách du lịch không thể bỏ qua khi đến đất nước này. Vào ngày Giáng sinh, hầu hết mọi người đều đến nhà thờ, sau đó đi thăm mộ những người thân trong gia đình để tưởng nhớ người đã khuất. Ở Phần Lan, người dân chuẩn bị đón sự kiện này cả tháng trước đó để chắc chắn rằng mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Trong đêm Giáng sinh, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên bữa tối với các món ăn truyền thống: thịt heo bỏ lò, khoai tây nghiền, cá hồi, cháo đặc và gà tây. “Joulupukki” - ông già Noel Phần Lan - luôn ghé thăm mọi nhà bằng cửa chính và ông luôn hỏi các bé có ngoan không trước khi tặng quà.

Áo: Ngày 24/12, ông Noel mang quà và cây Giáng sinh đến tặng trẻ em. Bọn trẻ sẽ chờ cho đến khi chúng nghe tiếng chuông leng keng rồi cùng nhau vào một phòng đặc biệt có chưng cây thông đã được trang hoàng với nến và bánh kẹo. Cả gia đình sẽ ca vang các bài hát mừng Giáng sinh và chúc tụng lẫn nhau.

Tại Italia: Lễ mừng Giáng sinh kéo dài tới 3 tuần, từ 6/12 đến ngày Giáng sinh. Theo phong tục, trong dịp lễ này, trẻ em sẽ viết thư cho cha mẹ, bày tỏ mong muốn được đón lễ hội tuyệt vời đồng thời hứa hẹn chăm ngoan. Ngày 24/12 sẽ là thời điểm ăn kiêng, song buổi tối là lúc mọi người sẽ có một bữa tiệc thịnh soạn. Đúng đêm Noel, các ngọn nến sẽ được thắp sáng, trẻ em đứng lên kể những câu chuyện về ngày lễ và sự ra đời của ’’em bé thần thánh’’. Các món quà thường được trao tặng sau lễ Mixa lúc nửa đêm.

Ba Lan: Gia đình người Ba Lan thường mời khách đến dự bữa ăn đêm Giáng Sinh. Số lượng đĩa dọn ra bàn phải luôn là số lẻ 5, 7 hay 9… và số người tham gia phải luôn bằng con số đó. Phần quan trọng đặc biệt của bữa tiệc là lúc bẻ chiếc bánh oplatek, là chiếc bánh quế mỏng có in quang cảnh Chúa Giêsu ra đời. Chiếc oplatek bẻ ra được chia cho tất cả mọi người trong bàn ăn.

Bruxelle: Nếu có dịp đến Bỉ vào tháng này, bạn có thể tới coi khu chợ Noel tại Thuin, một khu chợ độc đáo, có nét giống chợ nổi của ta. Hàng chục các cửa hàng rực rỡ ánh màu lung linh dội xuống bến cảng khiến không khí thật tưng bừng. Những chiếc thuyền này chỉ hoạt động cho mùa chợ Noel. Mỗi năm lại có thêm vài ba chiếc thuyền mới nhưng phong cách vẫn là ông già tuyết xuất hiện vui chơi cùng con trẻ và chủ yếu bán các vật trang trí cho Noel. Còn đến với khu chợ Noel Val-David thì bạn sẽ không thể nào làm ngơ trước những hương vị khác nhau. Mùi kẹo, chocolale, thịt nướng, nước sốt, gia vị, mứt, trái cây khô, hàng thủ công mỹ nghệ... hòa quyện lẫn nhau như muốn mang đến cho gia đình bạn một đêm Noel tràn đầy ý nghĩa. Trẻ em đến đây có thể nhận từ tay ông già Noel nhiều thứ quà vặt bắt mắt, thơm ngon...

Brazil: Tháng 12 ở Brazil đang là mùa hè với nhiều hoa nhiệt đới rực rỡ. Lễ Noel bao gồm rất nhiều hoạt động như cắm trại, pháo bông, đi thuyền và các lễ hội ngoài trời. Cảnh Chúa Giêsu ra đời, được gọi là presépios, là phần quan trọng nhất trong trang trí ngày lễ. Trẻ em Brazil được nhận quà từ Papai Noël, nghĩa là Ông già Noel.

Đan Mạch: Đan mạch thời xưa theo Công giáo, nhưng đã đổi qua Tin lành, ngày nay Công giáo chỉ là thiểu số. Đêm Noel khi bọn trẻ lần đầu tiên thấy cây Noel của chúng đã được trang hoàng cùng với quà bánh, đồ chơi thì cả gia đình sẽ cùng nắm tay nhau và nhảy múa hát hò chung quanh cây Noel. Nhảy múa quanh cây noel, hát vang thánh ca và những bài nhạc Giáng sinh với lá cờ tổ quốc là cách đón Giáng sinh quen thuộc với người dân 3 nước Đan Mạch, Na Uy và Thuỵ Điển.

Nga: Người Nga có cách tổ chức lễ hội Noel rất độc đáo vì theo lịch Chính thống giáo, ngày lễ Noel là vào ngày 31 tháng 12. Ở Nga cũng như ở những nước khác, căn nhà được trang trí rất đẹp. Ở Mátxcơva tuyết rơi, cóng người trong giá lạnh, cha mẹ dẫn con cái đi xem các tủ kính bật đèn sáng choang và được trang trí lộng lẫy dành cho thiếu nhi. Cũng có chương trình ăn uống và tặng quà cho tất cả mọi người.

Mexico: Lễ hội Las Posadas, kéo dài suốt 9 đêm, là một phần quan trọng của lễ Giáng sinh ở Mexico. Posada, là một nhóm bao gồm cả người lớn và trẻ em, hoá trang thành những nhân vật trong câu truyện đêm Giáng sinh, diễu hành diễn tả lại cảnh Thánh Giuse và Đức Mẹ đi tìm nơi trú chân tại Bethlehem. Đoàn diễn hành tiến đến ngôi nhà được chọn trong đêm đó, những người hành hương hỏi xin một chỗ nghỉ. Khi những người chủ nhà đồng ý cho họ vào, tất cả mọi người bắt đầu buổi lễ với nhạc, thức ăn vả có thể có cả pháo bông. Trẻ em có thể dùng giày thay vớ để đựng quà. Đêm Noel, từng nhóm đồng ca sẽ cầm nến và lắc chuông rảo bước khắp các nẻo đường đến khi tới nhà thờ địa phương.

Na Uy: Đêm Noel, người dân sẽ đặt một tô cháo mạch trong nhà để thờ thần bảo vệ nông trại, cầu mong ông đem lại một năm mới ấm no. Khi bọn trẻ lần đầu tiên thấy cây Noel của chúng đã được trang hoàng cùng với quà bánh, đồ chơi thì cả gia đình sẽ cùng nắm tay nhau và nhảy múa hát hò chung quanh cây Noel. Julenissen (Chú lùn Giáng sinh), đội một chiếc mũ chóp dài với bộ râu dài trắng xóa, mang quà đến cho trẻ em Na Uy. Mọi người trong gia đình cũng tặng quà nhau trong ngày Giáng sinh. Trong quá khứ, trẻ em Na Uy mặc trang phục ngày Giáng sinh và đi từ nhà này sang nhà khác để đòi thiết đãi, cũng giống như trẻ em Mỹ trong lễ Halloween. Đứa trẻ dẫn đầu sẽ hoá trang thành con dê và phong tục này được gọi là "going Julebukk". Ngày nay, trẻ em ở vùng nông thôn của Nauy vẫn còn giữ phong tục này.

Thụy Điển: Công chúa tuyết độ tuổi từ 8 - 11 sẽ giúp ông già Noel giao quà cho những trẻ ngoan. Từ sớm ngày Noel, cả nhà thờ được thắp sáng bằng nến để phục vụ lễ Giáng sinh.

Thụy Sĩ: Ông già Noel đi trên xe buýt điện đã được trang trí và chở bọn trẻ đi một vòng quanh thành phố, cùng nhau hát hò và phân phát cho chúng những giỏ đầy ắp bánh kẹo.

Giáng sinh ở Mỹ: Từ sau lễ Tạ ơn (Thanksgiving), người Mỹ đã chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, người Kitô giáo chuẩn bị theo tôn giáo mình. Người làm thương mại thì buôn bán kỉ vật cho ngày lễ.

Tại Mỹ, lễ Giáng sinh được kỷ niệm theo nhiều cách, mỗi cách phản ánh một truyền thống riêng. Những đứa trẻ của đảo Hawaii tin rằng ông già Noel đến từ một chiếc thuyền. Những đứa trẻ ở Alaska mang theo những ngôi sao rất lớn trong khi chúng vừa đi vừa hát mừng Noel. Ở New Mexico các gia đình trang trí những ngôi sao và đèn lồng giấy ở bên ngoài ngôi nhà của mình, còn ở Texas và Mexican - American những đứa trẻ tham gia vào lễ hội Posadas giống như được tổ chức ở Mexico.

Mỹ là một quốc gia đa dạng về văn hóa và chủng tộc vì vậy lễ Giáng sinh cũng được tổ chức hết sức phong phú. Nhưng vì phần lớn người nước này theo đạo Tin lành và Công giáo, nên tinh thần mừng lễ Giáng sinh cũng gần với đạo hơn, thường nhà nào cũng có cây thông Giáng sinh, chung quanh trang trí bằng đèn điện màu sắc, dưới gốc cây là các gói quà cho mọi người trong gia đình, các gói quà này sẽ được trao đổi nhau và mở ra sau bữa ăn mừng Giáng sinh ban đêm, nói lên những lời chúc tốt đẹp nhất cho Giáng Sinh và năm mới.

Giáng sinh ở Lục địa đen: Ở châu Phi, ngày Giáng sinh thường bắt đầu bởi tiếng hát của các nhóm truyền giáo đi xuyên các đường phố, làng mạc, nhà cửa. Các bài hát thánh ca nổi tiếng thế giới sẽ đánh thức mọi người dậy để tới nhà nguyện để sau đó mỗi người lại trở về nhà để có những chuẩn bị cuối cùng. Phần quan trọng nhất trong lễ cầu nguyện ngày Giáng sinh của người châu Phi là trao tặng tình cảm - thường là một món quà để tỏ lòng tôn kính Chúa. Vào khoảng 8-9h sáng, người dân sẽ tham gia lễ mừng ngày Chúa giáng sinh. Bất cứ ai tham gia lễ cầu nguyện đều đem theo một món quà và đặt chúng ở gần chiếc bàn Thánh thể. Không ai tham gia buổi lễ này mà không đem theo quà tặng.

Tại châu Phi, các món ăn trong ngày Giáng sinh thường là gà tây, thịt bò nướng hoặc lợn sữa, gạo vàng với nho, rau và mứt mận, bánh cracker...

Lễ Giáng sinh ở Nam Phi diễn ra vào mùa hè, không có tuyết nhưng hoa rực rỡ khắp mọi nơi. Người dân sẽ tổ chức tiệc Giáng sinh vào bữa trưa thay vì bữa tối. Sau đó, cả nhà sẽ đến thăm nhà người bạn thân của gia đình và được chủ nhà tặng một hộp Giáng sinh có chứa thức ăn trong đó. Và, thay vì cây thông noel người ta lại dùng cây cọ như ở quốc gia nằm ở bờ biển phía tây châu Phi - Liberia.

Iran: Người Công giáo bắt đầu kiêng ăn các chế phẩm từ thịt động vật ngay từ ngày 1/12. Đây được gọi là "Mùa chay nhỏ", còn "Mùa chay lớn" diễn ra trong suốt 6 tuần trước lễ Phục sinh. Sau khi đi lễ nhà thờ, các giáo dân tổ chức bữa tiệc Giáng sinh với món ăn truyền thống là thịt gà hầm, còn gọi là Harasa. Quà Noel của bọn trẻ là những bộ quần áo mới mà chúng tự hào mặc trong ngày Giáng sinh.

Iraq: Đêm Noel, các gia đình theo đạo Công giáo quây quần bên nhau. Trẻ nhỏ đọc sự tích Chúa Giáng sinh trong khi các thành viên còn lại cầm ngọn nến đã được thắp sáng. Sau khi trẻ kết thúc câu chuyện, mọi người đốt lửa bụi gai và cùng nhau múa hát xung quanh đống lửa bập bùng. Nếu bụi gai cháy thành tro thì xem như năm mới mọi người sẽ nhận được nhiều may mắn. Khi ngọn lửa tắt đi, từng thành viên trong gia đình phải nhảy qua đống tro tàn 3 lần rồi cầu nguyện cho một năm mới an lành và hạnh phúc. Vào ngày Giáng sinh, một ngọn lửa mừng Giáng sinh khác bùng cháy tại sân nhà thờ. Vị linh mục đứng ra tổ chức lễ, sau đó khẽ chạm vào một người để ban phúc, rồi người này chạm vào người kế bên và cứ thế, tất cả mọi người có mặt đều nhận được "cái chạm hòa bình".

Lebanon: Một tháng trước lễ Giáng sinh, mỗi gia đình sẽ gieo các hạt lúa trong một cái chậu nhỏ và chờ đến ngày Giáng sinh sẽ đem những chậu này đặt quanh hang đá và cây Giáng sinh. 15 Mexico:Lễ hội Las Posadas, kéo dài suốt 9 đêm, là một phần quan trọng của lễ Giáng Sinh ở Mexico. Posada, là một nhóm bao gồm cả người lớn và trẻ em, hoá trang thành những nhân vật trong câu truyện đêm Giáng Sinh, diễu hành diễn tả lại cảnh Thánh Giuse và Đức Mẹ đi tìm nơi trú chân tại Bethlehem. Đoàn diễn hành tiến đến ngôi nhà được chọn trong đêm đó, những người hành hương hỏi xin một chỗ nghỉ. Khi những người chủ nhà đồng ý cho họ vào, tất cả mọi người bắt đầu buổi lễ với nhạc, thức ăn vả có thể có cả pháo bông.

Trẻ em có thể dùng giày thay vớ để đựng quà. Đêm Noel, từng nhóm đồng ca sẽ cầm nến và lắc chuông rảo bước khắp các nẻo đường đến khi tới nhà thờ địa phương.

Ireland: Người Ai-len thắp nến trên cửa sổ để mời các vị Thánh hoặc những người qua đường mệt mỏi đang tìm nơi dừng chân vào trong nhà của họ. Theo truyền thống, bất cứ người qua đường nào đã dừng chân tại một ngôi nhà có thắp nến trên cửa sổ thì đều được chủ nhà mời ăn tối và một chỗ để nghỉ đêm. Ngày lễ Thánh Stephen, một ngày sau ngày lễ Giáng sinh, cũng là ngày Quốc lễ của Ai-len. Các chàng trai trẻ, được coi là các con chim hồng tước, đi từ nhà này sang nhà khác, ca hát và mang theo một chiếc gậy dài có gắn cây nhựa ruồi. Cây nhựa ruồi được coi là nơi trú ẩn của chim hồng tước, biểu tượng của Thánh Stephen. Ngày nay, người ta không còn dùng chim hồng tước thật nữa. Trẻ em thường dùng túi nhỏ thay vì vớ để đựng quà của ông già Noel. Chúng còn để cạnh đó bánh ngọt và nước uống để ông già Noel có thể dùng bữa.

Tại Australia: Xe trượt tuyết của ông già Noel được kéo bởi 8 con kanguru trắng, chứ không phải là tuần lộc như ở các quốc gia khác. Một trong những sự kiện không thể thiếu trong những ngày này là “Đêm đốt nến hát Thánh ca mùa Giáng sinh” (Carols By Candlelight). Sự kiện này bắt nguồn từ thành phố Melbourne vào năm 1937 và được duy trì cho đến ngày nay. Hàng nghìn người tụ tập cùng hát vang những bài Thánh ca với ngọn nến trong tay, truyền đi thông điệp “hoà bình trên khắp Trái Đất và niềm vui đến mọi nhà”. Ngày Giáng sinh ở Australia còn là ngày truyền thống của việc tặng quà và các sự kiện thể thao như thi bóng chày và đua thuyền buồm.

Ấn Độ: Ở Ấn Độ, chỉ có ít người theo đạo Kitô giáo tổ chức lễ Noel. Nhưng gần đây, buổi lễ đêm 24 tháng 12 trở nên rất phổ thông đối với trẻ em. Ðêm đó, các bậc phụ huynh cho phép con cái mình đi chơi lâu hơn bình thường để vui chơi thoải mái. Noel Ấn Độ chính là thêm cơ hội để tổ chức ngày lễ hội giữa bạn bè.

Ấn độ mới biết đến việc vui đón Giáng sinh ít năm trở lại đây. Đi sau nhưng không hề thua kém, người dân Ấn Độ dành tình cảm rất nồng nàn cho dịp lễ tuyệt vời này.

"Giáng sinh trong vòng năm năm gần đây hết sức nhộn nhịp và khác hẳn những gì diễn ra trước đó. Người ta đổ xô đi mua quà, thiệp, nến, cây thông và trang phục ông già Noel", anh Sanjeev Arora, Giám đốc Công ty bán lẻ Archies ở Ấn Độ cho biết, "Trong đó, thanh niên là những người tham gia nhiệt tình nhất".

Người Công giáo tại đây không trang hoàng cây thông mà thay vào đó là... cây xoài hoặc chuối để chào đón lễ Noel. Lá xoài thỉnh thoảng cũng được dùng để trang trí nhà cửa trong dịp này. Ở một số nơi tại Ấn Độ, loại đèn dầu bằng đất sét được dùng phổ biến trong mùa Giáng sinh. Chúng được treo ở mái hiên và được treo rải rác trên tường nhà. Nhà thờ được trang trí bằng cây trạng nguyên dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến suốt mùa lễ.

Nhật Bản: Người theo đạo Thiên Chúa sẽ trưng bày tại nhà mình một cây Noel nhỏ có trang trí đồ chơi, búp bê, quạt giấy vàng, lồng đèn và chuông nhỏ. Ánh nến lung linh trên các cành thông làm tỏa sáng cây Noel vào đêm Giáng sinh. Ở xứ sở hoa anh đào, một trong những đồ trang trí phổ biến nhất trong lễ Giáng sinh là các con thiên nga được xếp bằng giấy. Trong ngày Noel, Hoteiosho - một trong những vị thần huyền thoại của Nhật - mang quà đến cho trẻ em. Bọn trẻ tin rằng vị thần Hoteiosho có cặp mắt ở đằng sau gáy nên dễ dàng quan sát và đánh giá hành vi của chúng. Những trẻ không ngoan sẽ không được tặng quà. Thói quen mua bánh Giáng sinh làm sẵn cũng góp phần thúc đẩy nghề làm bánh ở Nhật phát triển mạnh. Ngoài ra, bản nhạc Daiku, hay còn gọi là Số 9 vĩ đại vang lên ở nhiều nơi trong suốt dịp Giáng sinh và năm mới. Đây cũng là thời điểm mà người Nhật thỏa sức mua sắm. Họ xem đêm Noel là thời điểm thích hợp nhất trong năm để mua kim cương và các món quà trang sức khác tặng người yêu.

Ngày lễ này ở xứ hoa anh đào có ý nghĩa với các cặp tình nhân nhiều hơn. Tokyo Tower, điểm hò hẹn nổi tiếng ở thủ đô Nhật Bản, đã lên đèn từ nhiều ngày nay và sẽ sáng cho đến hết Noel. Một số người tin rằng các đôi tình nhân đứng dưới chân tháp mỗi khi đèn sáng lên sẽ nói những lời yêu bất tử. Khách sạn Tokyo Prince Hotel Park Tower quảng cáo hai phòng suites được trang trí đặc biệt dành cho đêm Noel với giá 2 triệu yên (tương đương 16,600 đô la) một đêm, bao gồm cả ăn tối. Cả hai phòng đều được khách đặt cho đêm 24-12 từ trước đây một tháng.

Singapore: Giáng sinh được hầu hết người dân nơi đây đón nhận và chung vui với nhau, dù người theo Đạo Thiên Chúa chỉ chiếm khoảng 15% dân số. Người dân đảo quốc này năm nay còn dựng cả một cây thông rất to ngay giữa một ngã tư đường phố đông đúc để mọi người cùng thưởng thức không khí lễ hội. Cách đó không xa, một khu vườn trang trí theo kiểu nơi Chúa ra đời cùng những hang động của ông già Noel cũng được rất nhiều người viếng thăm.

Trung Quốc: Nhà của người Công giáo được thắp sáng bằng nhiều loại đèn lồng giấy lộng lẫy. Cây Noel mà người dân quen gọi là “Cây ánh sáng” được trang trí bằng hoa giấy, đèn giấy và các dải vòng giấy nhiều sắc màu. Trẻ em Trung Quốc dùng loại vớ dài bằng vải mỏng để đựng quà của ông già Noel.

Hàn Quốc: Mỗi nhà thờ đều có một chương trình ca nhạc riêng trong ngày giáng sinh. Người dân xứ sở kim chi rất thích trang hoàng mọi thứ thật đẹp trong dịp lễ hội này, mỗi quán cà phê đều được mang đậm không khí Noel. Ngoài ra, Noel cũng là thời điểm để đi cửa hàng, hầu hết các gia đình Hàn Quốc đều dành cả ngày để đi hết trung tâm thương mại này tới trung tâm thương mại khác để lùng đồ giảm giá.

Việt Nam: Những năm gần đây, trong xu thế hội nhập quốc tế, ngoài việc giới thiệu quảng bá văn hoá Việt với bạn bè quốc tế thì Việt Nam cũng tiếp thu rất nhiều những nét đặc sắc của văn hoá thế giới đang du nhập vào và dần trở thành những sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Noel 2010 đang đến gần, những người dân Việt Nam đang hòa chung không khí náo nức chào đón Noel . Nếu như ở “Tây”, Noel là dịp mọi người quây quần bên gia đình, cùng chờ giây phút chúa giáng sinh và đón chào năm mới thì ở Việt Nam, dịp lễ Noel đã nhanh chóng được “Việt hóa” theo những cách riêng mang dấu ấn của văn hoá Việt. Trong đêm 24/12, tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo đều vui mừng ngày Chúa ra đời. Người Việt Nam theo đạo Thiên chúa giáo mừng Giáng sinh như người Tây phương, sau khi dự thánh lễ, các gia đình công giáo Việt Nam vẫn giữ tục ăn "Réveillon" vào lễ nửa đêm, thời tiết ở Việt Nam ấm áp nên Thánh lễ đêm 24 đông người tham dự, người không theo Thiên chúa cũng đến nhà Thờ, đường phố đông người, dập dìu tài tử giai nhân, ngưạ xe như nước áo quần như nêm. Ở Huế khu Phú Cam nhà Thờ cao với ngôi sao lộng lẫy, hang đá sáng trưng tỏa ra từ những cây nến trắng. Đà Nẳng khu Thanh Bồ, Đức Lợi phần lớn người Bắc di cư người ta lo lẽ Giáng Sinh rất lớn. Thánh lễ cữ hành trước nhà Thờ Chánh toà trên đường Độc Lập rất trang nghiêm. Sài Gòn từ Vương cung Thánh Đường nhà thờ Đức Bà đến Dòng Chuá Cứu Thế nơi nào cũng đông người tham dự.

Một mùa Giáng sinh nữa lại về, không khí Giáng sinh đang tràn ngập khắp nhân gian, trên khắp phố phường, trong từng con ngõ nhỏ, trong mỗi ngôi nhà xinh xắn và trong trái tim của mỗi sinh linh. Tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy cùng ca lên bài Thánh ca để cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất cho một mùa Giáng sinh an lành và hạnh phúc.

Cinet Tổng hợp

Tưng bừng với Lễ Giáng sinh của các quốc gia trên thế giới