THƯ UPU

Thùy Dương giành giải nhất Cuộc thi viết thư UPU 2013

17/04/2013 17:33

(TNO) Chiều 17.4, tin từ Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, vượt qua hơn 1,2 triệu bài dự thi Viết thư quốc tế UPU toàn quốc, Đào Thụy Thùy Dương (học sinh lớp 6/10 Trường THCS Tây Sơn, TP.Đà Nẵng) đã giành giải nhất.

Với chủ đề "Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý", Thùy Dương đã hóa thân thành thần nước Thủy Tinh để viết thư gửi thần núi Sơn Tinh. Bức thư của Thùy Dương đã thuyết phục được toàn bộ ban giám khảo cuộc thi, xuất sắc giành giải nhất.

Thùy Dương mở đầu bức thư với chất giọng rất trẻ con: "Chào Sơn Tinh, kẻ tình địch không đội trời chung của ta! Chắc mi bất ngờ lắm khi nhận được lá thư này, bởi vì, xưa nay ta chỉ đối đầu chứ có bao giờ chịu đối thoại với mi đâu. Nhưng hôm nay ta muốn nói chuyện với mi vì ta có một chuyện cực kỳ quan trọng...".

Thùy Dương lý giải: "Ta thấy ngày nay con người thật là dại dột. Chẳng lẽ họ không biết tới quy luật “Trạng chết Chúa cũng băng hà”, hủy hoại ta thì một tương lai đen tối cũng đang chờ đón họ: Tới năm 2035, gần nửa dân số trái đất sẽ phải đối mặt với các khó khăn vì thiếu nước. Trong tương lai không xa, Thủy Tinh ta sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang, đói nghèo, bệnh tật…".

Giọng văn mạch lạc, hồn nhiên nhưng không kém phần "cứng rắn" đã giúp Thùy Dương giành vị trí quán quân.

Được biết, các học sinh Trường THCS Tây Sơn (Đà Nẵng) từng giành 6 giải nhất tại các cuộc thi viết thư UPU toàn quốc.

Dự kiến lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 13.5 tại Hà Nội.

Theo Thanh Niên Online

Trích đoạn bức thư của em Thùy Dương:

Biển Đông, ngày 1/1/2013

Chào Sơn Tinh, kẻ tình địch không đội trời chung của ta! Chắc mi bất ngờ lắm khi nhận được lá thư này, bởi vì, xưa nay ta chỉ đối đầu chứ có bao giờ chịu đối thoại với mi đâu. Nhưng hôm nay ta muốn nói chuyện với mi vì ta có một chuyện cực kỳ quan trọng.

(…)

Nói một cách công bằng thì cả hai chúng ta đều có công lao to lớn đối với con người. Chúng ta là Cha là Mẹ sản sinh ra họ, hết lòng nuôi dưỡng họ nhưng sao họ chỉ nhớ ơn và quý trọng mi thôi, còn đối với ta họ hết sức coi thường. Ngày trước, tuy họ không về phe ta nhưng đối xử với ta cũng còn chút thân thiện, còn ngày nay lãng phí ta như thể ta là một thứ xoàng xĩnh, nhiều vô kể. Lắm kẻ còn ngang nhiên xả rác rưởi, nước thải bẩn làm cho ta bẩn thỉu, hôi hám, nhiễm bệnh mà chết dần chết mòn. Thậm chí họ còn giở âm mưu thâm độc chặt hết cây rừng để ta không còn nơi trú ngụ, khiến những ao hồ, sông suối cạn khô.

Ta thấy ngày nay con người thật là dại dột. Chẳng lẽ họ không biết tới quy luật “Trạng chết Chúa cũng băng hà”, huỷ hoại ta thì một tương lai đen tối cũng đang chờ đón họ: Tới năm 2035, gần nửa dân số trái đất sẽ phải đối mặt với các khó khăn vì thiếu nước. Trong tương lai không xa, Thuỷ Tinh ta sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang, đói nghèo, bệnh tật…

Ta nói thật nhé, thiên tai bão lụt ngày nay đâu phải do ta muốn trả thù mi mà là do loài người gieo gió nên phải gặt bão, chứ ngày nay ta cũng đã già rồi, hơi sức đâu mà ghen tuông nữa.

(…)

Mai Vy

Theo Chinhphu.vn

Đào Thụy Thùy Dương - Ảnh: B.N

Lá thư đoạt giải nhất Việt Nam năm 2000

Bài đoạt giải nhất năm 2000 của Trần Thị Minh Thư học sinh lớp 9C, trường THCS Trần Hưng Đạo, Kiến Thụy, Hải Phòng

Việt Nam, ngày 28 tháng 1 năm 2000

Cô Ê- mi-li kính mến !

Hôm nay trong giờ học lịch sử, khi nói về thắng lợi của cuộc kháng chiến của dân tộc cháu, cháu hiểu ra rằng để giành lại độc lập cho dân tộc mình, không phải chỉ có sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam mà còn của biết bao người yêu chuộng hoà bình trên thế giới mà người cha của cô là No-man Mơ-ri-xơn là một chiến sĩ vô cùng anh dũng và tiêu biểu.

Thưa cô Ê-mi-li !

Nơi ở của cháu và cô cách nhau nửa vòng trái đất. Cháu muốn nhờ cánh thư nhỏ này gửi tới cô lời biết ơn chân thành nhất của cháu cũng như của cả dân tộc cháu.

Cô ơi ! Thế hệ chúng cháu là thế hệ được sinh ra trong hoà bình, được sống trong bầu không khí trong lành, được hạnh phúc trong vòng tay âu yếm đầy đủ của cha mẹ, của thầy cô giáo và của tất cả mọi người. Có thể chúng cháu sẽ không hiểu được những cái giá mà dân tộc cháu và những người như cha cô phải trả - nếu không có được những giờ học lịch sử như hôm nay và những câu chuyện cảm động và chân thực mà chúng cháu được đọc qua báo chí.

Cô ạ ! Khi đọc câu chuyện "Ngọn lửa Mo-ri-xơn", cháu không khỏi bùi ngùi xúc động về tấm gương hy sinh anh dũng của cha cô - người mà cô hằng yêu kính. Cái ngày mà cha cô ra đi và quyết định làm một nghĩa cử cao đẹp: Ông tẩm xăng vào mình và châm lửa tự đốt cháy cơ thể của mình để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Đó là ngày 2 tháng 11 năm 1965. Lúc ấy, cô vẫn còn bé lắm nhỉ ? Mới có 18 tháng tuổi thôi phải không cô ? Ôi, 18 tháng tuổi, cái tuổi hãy còn non nớt và hết sức ngây thơ. Nét thơ ngây ấy như đọng lại ở đôi mắt tròn xoe nhìn người cha không chớp như muốn ghi nhớ hình bóng người cha thương yêu vào trong tâm khảm. Và có người cha nào lại không thương con, không muốn sống cùng con, che chở cho con trong bước đường đời đầy thử thách và nghiệt ngã ? Thế nhưng, cha của cô trong niềm yêu thương con vô hạn, hôn con lần cuối, để quyết định hy sinh thân mình vì nghĩa lớn. Đọc đến đây, cháu đã khóc, khóc rất nhiều vì cháu thương mến và cảm phục ông đã hy sinh một cách anh dũng đến thế ! Thương cho cô mới 18 tháng tuổi đã phải mất cha ! Nhưng cháu đã khâm phục ông rất nhiều và cháu lại càng cảm thấy tự hào khi biết rằng lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới có một chiến sỹ quả cảm như ông. Cháu cũng như nhân dân cháu vô cùng biết ơn ông, một chiến sỹ yêu chuộng hoà bình của dân tộc Mỹ. Là một người Mỹ, ông đã dám đứng lên đấu tranh để phản đối sự tham gia quân sự ngày càng sâu của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Phải chăng, ông là một người có trái tim nhân ái bao la, có tinh thần quốc tế cao cả, có tấm lòng yêu chuộng hoà bình sâu sắc ? Ngọn lửa từ thân thể ông đã lay động và thức tỉnh bao con tim trên khắp hành tinh, đã thổi bùng lên phong trào yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Và nó đã góp phần rất quan trọng giúp đỡ cuộc cách mạng vinh quang của dân tộc Việt Nam mau chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhà thơ Tố Hữu, một nhà thơ lớn của dân tộc cháu ngày ấy viết bài thơ: "Ê-mi-li con" để ca ngợi ông - một con người quả cảm anh dũng - dám hy sinh thân mình vì nền hoà bình của dân tộc khác:

Ê-mi-li con ơi!

Trời sắp sáng rồi...

Cha không bế con về được nữa!

Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa

Đêm nay mẹ đến tìm con...

Hôm nay, chúng cháu được sống trong một đất nước hoà bình tự do, thành quả mà cha ông chúng cháu đã đổ bao máu xương để giành lại cho tuổi thơ chúng cháu hôm nay. Chúng cháu luôn tự nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam mạnh giàu hôm nay. Phải sống sao để không phụ lòng người cha của cô - người con của chiến sỹ hoà bình vĩ đại No-man Mo-rĩon. Dân tộc Việt Nam chúng cháu và các thế hệ thiếu nhi Việt Nam mãi mãi biết ơn và không bao giờ quên "ngọn lửa Mo-ri-xon".

Cô ạ ! Hôm nay trên đất nước Việt Nam chúng cháu vẫn còn rất nhiều những bạn nhỏ bị tật nguyền do di chứng của chất độc màu da cam để lại trong mỗi người cha, người mẹ của họ trong cuộc kháng chiến vừa qua. Nhìn các bạn ấy sao lòng cháu thấy đau đơn và xót xa. Chiến tranh và những di chứng của nó để lại sao mà tàn khốc thế. Chứng kiến hậu quả của nó hôm nay, cháu càng thấm thía giá trị của sự hy sinh của cha cô đối với hoà bình.

Hàng ngày, qua màn hình ti vi, cháu vẫn thấy nhiều nơi trên thế giới còn diễn ra những cuộc chiến tranh sắc tộc. Và tuổi thơ của nhiều dân tộc vẫn đang đói rách cơ cực, phải hứng chịu những mất mát đau thương từ những cuộc chiến tranh ấy. Làm thế nào để tuổi thơ trên khắp hành tinh này được sống vui vẻ hồn nhiên mãi mãi trong hạnh phúc hoà bình ? Cháu mong sao trên cõi đời này tất cả mọi người hãy là những người yêu chuộng hoà bình tha thiết như cha cô để một thế giới không có chiến tranh, để không còn đói nghèo, để tuổi thơ chúng cháu ở đâu trên trái đất này cũng được sống êm đềm và hạnh phúc.

Thưa cô, cháu tin chắc rằng nếu như không có mạng lưới bưu chính đang ngày một hiện đại toả khắp hành tinh nay thì hôm nay có lẽ cháu không thể nào bày tỏ và chia sẻ tình cảm của cháu đối với cô được. Bưu chính mãi mãi là nhịp cầu nối liền tình cảm của biết bao người, biết bao dân tộc trong một thế giới hoà bình và hữu nghị. Cháu nghĩ đó cũng là ước vọng lớn lao của cha cô khi tự mình đốt lên "ngọn lửa Mo-ri-xon" ngày nào ?

Cô ơi ! Một lần nữa từ trái tim mình, cháu xin gửi đến cô tình cảm trân trọng và biết ơn. Cháu hy vọng rằng một ngày nào đó, cô có dịp sang Việt Nam thăm đất nước và con người của dân tộc cháu, một dân tộc đã gắn chặt số phận của cha cô và cô cùng biết bao người dân nước Mỹ.

Cháu mong chờ thư của cô.

Cháu vô vàn yêu quý của cô.

Trần Thị Minh Thư

(Lớp 9C, trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Kiến Thuỵ, Tp. Hải Phòng, Việt Nam)

Đọc bức thư "Cây tùng" gửi ngài Joseph Sepp Blatter

- Giải Nhất quốc gia năm 2011 thuộc về bức thư của em Huỳnh Minh Hiếu (lớp 8/1, trường THCS Hoa Lư, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh).

Ban tổ chức trao giải Nhất cho em Huỳnh Minh Hiếu lớp 8/1, trường THCS Hoa Lư, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Phạm Thịnh)

Với đề tài "Hãy tưởng tượng mình là một cây sống trong khu rừng, em hãy viết thư cho một người nào đó để giải thích vì sao việc bảo vệ rừng là rất quan trọng". Sau 5 tháng phát động, cuộc thi viết thư UPU Việt Nam năm nay nhận được 956.466 bài dự thi của các em học sinh (từ 15 tuổi trở xuống) trên khắp mọi miền đất nước.

Bức thư của em Huỳnh Minh Hiếu (lớp 8/1, trường THCS Hoa Lư, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) đã đưa ra nhiều ý tưởng độc đáo để chinh phục ban giám khảo. Em đã hóa thân thành "cây tùng" gửi thư cho ngài Joseph Sepp Blatter, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).

Với suy nghĩ thẳng thắn và chân thành, em khẳng định: "Bảo vệ rừng cũng giống như một trận chung kết bóng đá, một là thắng, hai là bại!". Từ đó, Huỳnh Minh Hiếu đặt ra nhiều giải pháp: "Vì sao ngài không cùng Hội đồng FIFA tổ chức một cuộc họp để mạnh dạn đưa ra quyết định quốc gia nào thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sẽ được đăng cai tổ chức World Cup? Ngài và các cộng sự có thể khuyến khích các đội tuyển quốc gia, các câu lạc bộ thay đổi màu áo, logo mang thông điệp bảo vệ rừng".

Chia sẻ với TS, Hiếu cho biết, chính từ việc là một fan cuồng nhiệt của môn thể thao vua nên em đã nảy ra ý tưởng phải viết một bức thư vừa liên quan đến bóng đá, lại phải vừa liên quan đến chủ đề của cuộc thi. Hiếu tỏ ra rất vui mừng khi sự kết hợp của mình lại cho em một kết quả em không hề nghĩ tới. Em hy vọng, với môn thể thao vua, có đông đảo người hâm mộ, nhất định việc tuyên truyền bảo vệ rừng có sức cuốn hút và được nhiều người hưởng ứng.

Huỳnh Minh Hiếu chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải thưởng đặc biệt này

Ông Vũ Quang Vinh, Tổng biên tập báo TNTP, Phó trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Bài của em Huỳnh Minh Hiếu đã được 9/10 thành viên của hội đồng ban giám khảo bình chọn trong 2 bài thi ở vòng cuối cùng. Bài thi của em Hiếu được đánh giá cao bởi vì em đã đặt vấn đề một cách hết sức sáng tạo và độc đáo vì không ai nghĩ rằng có thể gắn được giữa bóng đá với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên qua những lập luận, thuyết phục của em Hiếu, dần dần đến cuối bức thư người đọc mới vỡ lẽ ra một điều. Nếu đối với môn thể thao vua này mà mọi người biết tận dụng thì sẽ là một cách vận động người dân bảo vệ môi trường một cách hết sức hiệu quả. Tôi cũng rất thích cách so sánh của em Hiếu khi cho rằng “Bảo vệ rừng cũng giống như một trận chung kết bóng đá, một là thắng, hai là bại!”.

Bài dự thi của em Huỳnh Minh Hiếu đã được Ban tổ chức gửi nguyên văn và kèm theo bản dịch tiếng Pháp cho Văn phòng Quốc tế Liên minh Bưu chính Thế giới tại Bern (Thụy Sỹ) để tham dự cuộc thi viết thư quốc tế (UPU) lần thứ 40. Được biết, đây là năm thứ 2, trường THCS Hoa Lư có em đoạt giải Nhất quốc gia cuộc thi này.

Bức thư của Huỳnh Minh Hiếu được viết với nét chữ tròn trịa, ngay ngắn, trên 4 mặt giấy A4 khiến nhiều người phải bất ngờ vì đây là một bức thư viết tay do một em học sinh nam viết. Chia sẻ riêng với TS, Hiếu cho biết “ Đây đúng là chữ do em viết. Bình thường ở lớp, nếu phải viết nhanh thì chữ của em cũng chỉ xấu hơn một chút xíu so với bức thư này”.

Xin giới thiệu bài thi đoạt giải nhất của học sinh Huỳnh Minh Hiếu:

Năm nay, Ban tổ chức cuộc thi trao giải cho 39 bài dự thi xuất sắc gồm1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba, 30 giải khuyến khích và 3 giải phụ dành cho học sinh nhỏ tuổi nhất, học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật.

Phạm Thịnh

Đọc bức thư đoạt giải nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU

(Dân trí) - Bức thư gửi đến đạo diễn Trương Nghệ Mưu của em Hồ Thị Hiếu Hiền, hiện là học sinh lớp 7/9 Trường THCS Tây Sơn, TP Đà Nẵng vừa đoạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức.

>> Lần đầu tiên học sinh Việt Nam đoạt giải nhất viết thư quốc tế

>> Gặp cô học trò gửi thư cho đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Bức thư và nét chữ viết tay mềm mại của em Hồ Thị Hiếu Hiền.

Cô Phạm Thị Phong, giáo viên giảng dạy môn Văn học ở trường của Hiếu Hiền nhận xét: “Khi đọc bức thư của Hiền, với cái kết sâu lắng lay động lòng người, khiến cho người đọc phải suy nghĩ, tôi tin bức thư sẽ mang về những hồi âm tốt đẹp từ cuộc thi viết thư UPU”.

Quả nhiên, từ lối dẫn chuyện hồn nhiên, trong sáng, hóm hỉnh đến ước mong lay động lòng người của cô học trò Việt Nam đã thuyết phục ban giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 39. Bức thư đã mang về giải nhất cấp quốc tế đầu tiên cho Việt Nam sau 20 năm kể từ khi những bức thư hay nhất, xuất sắc nhất của các em học sinh Việt Nam được gửi dự thi cấp quốc tế.

Em Hiếu Hiền và cô giáo dạy văn Phạm Thị Phong.

Dân trí xin trân trọng đăng tải giới thiệu đến bạn đọc toàn văn bức thư gửi đến đạo diễn Trương Nghệ Mưu của Hiếu Hiền:

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu kính mến!

Khi gửi lá thư này đi, cháu cứ mong từng ngày nó sớm đến được tay ông. Rồi cháu lại lo rằng khi nhìn thấy địa chỉ lạ hoắc: “Người gửi: Hồ Thị Hiếu Hiền - Việt Nam” không biết ông có giở thư ra đọc hay không? Ông ơi! Cháu mong ông bớt chút thì giờ vàng ngọc để lắng nghe tâm sự của cháu, biết đâu ông sẽ thấy trong đó một điều gì lớn lao hơn tình cảm thông thường của người hâm mộ dành cho thần tượng.

Thưa ông, cháu mới có ý định viết thư cho ông sau khi trường cháu phát động Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 39 về đề tài phòng chống căn bệnh AIDS. Để cho bài viết của mình có cơ sở thực tế, cháu đã đi tìm hiểu một số đối tượng xem mọi người hiểu biết và phòng chống AIDS như thế nào.

Đầu tiên, cháu hỏi bà, bà cháu bảo: “Bà sống từng này tuổi đầu rồi mà chưa biết mặt mũi con “Ết” nó thế nào. Bà nghe nói nó ở trong người những kẻ sống buông thả chẳng ra gì. Cháu đừng đến gần họ kẻo con “Ết” nó dính vào người.” - Ôi, bà cháu chẳng hiểu gì về AIDS cả, ông nhỉ?

Khi nghe cháu hỏi, cả bố mẹ cháu đều cho rằng: “AIDS là căn bệnh suy giảm hệ miễn dịch ở cơ thể người do vi rút HIV gây ra. Bệnh này rất nguy hiểm vì hiện chưa có thuốc chữa khỏi. Con phải tuyệt đối tránh xa các tệ nạn như nghiện hút, tình dục bừa bãi thì mới bảo vệ được mình.” Mẹ cháu còn dặn đi dặn lại: “Nếu ở lớp có bạn nào bị nhiễm HIV thì con phải nói ngay để bố mẹ xin chuyển trường, chuyển lớp cho con.” - Bố mẹ cháu là công chức mà cũng còn kì thị với người có H đấy.

Cháu lại hỏi cả em cháu, em quả quyết: “Lớp em thì chưa có bạn nào bị AIDS chứ nếu có, em sẽ đeo khẩu trang hoặc nghỉ học ở nhà luôn.” - Thật buồn cười, em lại tưởng AIDS cũng giống H1N1.

Đi đường, cháu có hỏi cô công nhân đang quét rác, cô liền chỉ tay vào mấy cái vỏ ống tiêm nằm lăn lóc bên vệ đường: ”Kia kìa, vi-rút HIV chứa trong những ống tiêm đó cháu!” - Hiểu biết của cô công nhân cũng chưa thật đầy đủ phải không ông?

Đến lúc vào nhà hàng ăn uống, cháu lại gợi chuyện ông chủ. Ông ta nhanh nhảu: “ Si-đa à? Cứ nhìn người nào ốm yếu, đi đứng dặt dẹo, trên người nổi nhiều mụn nhọt là đích thị rồi! Cháu đừng lo, ông không bao giờ để cho họ vào ăn uống làm lây bệnh cho khách.” - Trời, thật tội nghiệp cho những ai không có H nhưng lại có vẻ bề ngoài giống như ông ấy tả. Ông ấy đâu biết rằng HIV không hề lây qua đường ăn uống hay giao tiếp thông thường và hiện nay chúng ta đang sống chung với AIDS.

Khi đến lớp, cháu cũng trao đổi với các bạn nhưng nhiều bạn lại tỏ ra rất thờ ơ, cho rằng việc phòng chống HIV/AIDS là việc của các cơ quan y tế, lớp mình có ai bị AIDS đâu mà lo! - Thái độ của các bạn cháu cứ bàng quan như thế chả trách mỗi ngày có tới một ngàn trẻ em dưới mười lăm tuổi bị nhiễm HIV.

Cháu còn điều tra thêm một số trường hợp nữa nhưng hầu hết ai cũng rất lơ là. Cháu thực sự lo ngại trước thực trạng này và muốn viết một bức thư kêu gọi mọi người hãy nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để phòng chống được căn bệnh này. Thế nhưng đã mấy hôm nay, cháu ngồi nghĩ mãi mà không biết viết thế nào, đành gác bút ra xem ti vi. Lúc này trên kênh truyền hình đang chiếu bộ phim “Hoàng Kim Giáp” do ông đạo diễn. Bộ phim hay quá! Thảo nào, cháu thấy người ta ca ngợi ông rất nhiều trên mạng. Bằng một loạt phim nổi tiếng thế giới như: Cao lương đỏ, Phải sống, Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao, Thập diện mai phục, Hoàng Kim Giáp…, ông đã chinh phục được trái tim của tất cả mọi người.

Đột nhiên, một ý nghĩ vụt lóe lên trong cháu: ước gì cháu cũng có tài làm phim như ông nhỉ? Cháu sẽ xây dựng ngay những tác phẩm điện ảnh thật hay về đề tài HIV/AIDS để thức tỉnh loài người. Ông ạ, bộ phim đầu tay của cháu sẽ là câu chuyện đầy cảm động về một mối tình lãng mạn và bi ai: chàng và nàng yêu nhau tha thiết song cuối cùng vẫn không lấy được nhau chỉ vì một trong hai người có H. Tiếp đến là bộ phim có tên “Phải chết” cũng sẽ nổi tiếng không kém gì bộ phim “Phải sống” của ông. Qua phim, cháu muốn gửi gắm một thông điệp: con người ta không muốn chết sớm mà phải chết, vì không ngờ Thần Chết lại luôn phục sẵn trong các hành vi nguy cơ cao như tình dục không an toàn và sử dụng bơm kim tiêm chung... Hầu hết phim do cháu sản xuất đều lấy cảm hứng từ những cảnh đời rất thực và nhân vật chính là những nạn nhân đáng thương của AIDS. Đó là một vị công chức suốt đời phấn đấu, giữ gìn thế mà chỉ một phút ham vui đã đánh mất đi tất cả. Một nhân viên y tế bao ngày làm việc nghiêm túc, chỉ một chút lơ là đã vô tình lây nhiễm HIV. Một người lao động vất vả cả đời mới gây dựng nên một mái ấm gia đình nhưng đến cuối đời phải chết trong cô đơn, ghẻ lạnh. Những thanh thiếu niên đang tràn trề nhựa sống, một ngày kia lại trở nên thân tàn ma dại vì lỡ đua đòi hút chích, dùng chung bơm kim tiêm với người có H. Có em bé thơ ngây đôi mắt trong veo nhưng cha mẹ em đã sớm qua đời vì AIDS, còn em thì không biết lúc nào Thần Chết tới mang đi. Lại có cả những cô gái khi biết mình có H đã tính chuyện trả thù đời, gieo rắc cái chết cho bao người khác.

Chao ơi, bao nhiêu con người là bấy nhiêu số phận. Tất cả những yêu thương, đau xót, bạc bẽo, dại khờ cùng những hiểu biết cặn kẽ về cách thức phòng tránh AIDS sẽ được cháu chuyển tải vào phim một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cháu hi vọng, với sức ám ảnh đặc biệt, những bộ phim này sẽ vào trong đốt lửa lòng người, xoa dịu nỗi đau, xóa đi mặc cảm và thức tỉnh lương tri của những người còn thờ ơ trước căn bệnh này.

Nhưng ông ạ, cháu thì “lực bất tòng tâm”, cháu nghĩ chỉ có ông mới có thể giúp cháu biến những ước mơ này thành hiện thực để cứu lấy nhân loại. Vì vậy, cháu rất mong được ông lắng nghe và thấu hiểu!

Kính thư!

Hồ Thị Hiếu Hiền

(Lớp 6/9, trường THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng)

Khánh Hiền (ghi)

Bức thư đoạt giải nhất Việt Nam (UPU- Lần thứ 34 -2005)

Quảng Nam, Việt Nam ngày 9 tháng 1 năm 2005

Kính gửi mẹ ! Mẹ trong câu chuyện cổ “Một bà Mẹ” của Nhà văn Andersen !

Và tất cả các bà mẹ đã từng đau đớn vì mất con !

Mẹ yêu dấu !

Con đã từng xúc động biết bao ! Nước mắt con đã ướt đẫm trang sách khi con đọc về Mẹ với nỗi đau đớn tột cùng khi bị Thần Chết cướp đi đứa con bé bỏng, tội nghiệp của mình. Con còn nhớ, Mẹ đã lao vào bóng đêm với tiếng kêu gào tuyệt vọng, Mẹ đã nhỏ máu trong tim. Mẹ đã hy sinh đôi mắt. Mẹ đã đổi mái tóc đen huyền thành mái đầu tóc bạc. Mẹ còn định uống cạn nước hồ để quyết tìm đến nơi mà Mẹ nghĩ Thần Chết đã mang con Mẹ đến.

Hẳn lúc ấy, con tim Mẹ đã đau đớn tột cùng, Mẹ đã khóc đến mỏi mòn đôi mắt phải không Mẹ ? Vậy mà hôm nay, nước mắt đã chảy hơn gấp ngàn lần. Không phải của riêng ai, mà là nước mắt của toàn nhân loại khi phải chứng kiến tai họa thảm khốc do động đất và sóng thần gây ra ở hàng loạt các nước châu Á.

Mẹ ơi ! Có phải lúc này đây, con đang gặp lại hình ảnh Mẹ trong nỗi đau đớn tột cùng ? Mẹ là Mẹ Srilanca hay Mẹ Ấn

Độ ? Mẹ là Mẹ Thái Lan hay Mẹ Inđônêxia ?... Ngày xưa trong khu vườn của Thần Chết, Mẹ đã vạch từng bông hoa, lá cỏ để tìm cho ra đâu là linh hồn bé bỏng của con mình. Còn bây giờ, con lại thấy hình ảnh Mẹ thất thểu lật từng thi thể nạn nhân để mong tìm thấy hình hài bé nhỏ của những đứa con. Đôi mắt Mẹ đau đáu, vô hồn như muốn hỏi biển cả, trùng khơi đã mang đi đâu những đứa con của Mẹ ?

Chỉ mới ít phút đây thôi, chúng con đang cùng lũ bạn nô đùa trên bãi biển. Vậy mà giờ đây !...

- Tôi phải tìm ra các con tôi !

Mẹ ơi ! Tìm đâu cho thấy ???

Hơn hai trăm ngàn người mà phần nửa là trẻ em đã bị sóng thần cuốn đi trong nháy mắt ! Dẫu biết rằng không nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào. Cha mẹ mất con. Chồng vợ mất nhau. Anh chị em phải chia lìa. Người thân mất người thân. Không mất mát đau thường nào nhỏ cả ! Nhưng con vẫn rất sợ và sợ nhất là phải chứng kiến nỗi đau của những bà mẹ mất con. Đối với tất cả các bà mẹ trên thế gian này thì mất con còn là điều kinh khủng hơn mất chính bản thân mình. Cũng như Mẹ vậy thôi, Mẹ đã từng khóc đứa con tội nghiệp của Mẹ đến nỗi đôi mắt Mẹ đã trôi theo dòng nước mắt, rơi vào lòng hồ để biến thành hai viên ngọc sáng chói.

Mẹ ơi ! Trong thế giới cổ tích huyền bí của Mẹ còn có cả Nàng Tiên Cá xinh đẹp, dịu hiền đấy thôi ! Giờ này, chị đang ở chốn nào trong biển cả bao la ? Chị đang gieo hạnh phúc, đang chữa lành vết thương cho những ai, cho những nơi nào trên thế gian rộng lớn này ? Chị có cứu được ai trong số hai trăm ngàn sinh linh bị sóng cuốn trôi trong thảm họa này không ?

Mẹ ơi ! Ngay cả một linh hồn bất diệt giữa biển cả bao la kia như Nàng Tiên Cá mà còn phải bất lực trước cơn thịnh nộ của biển khơi. Vậy thì loài người chúng con sẽ ra sao đây ?

Mỗi con người sinh ra đều có mẹ. Nên mỗi sinh linh nằm xuống lại có một trái tim của một người mẹ phải rỉ máu đau thương.

Nếu có thể, con xin cầu mong cho tai nạn thảm khốc này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Đừng có người mẹ nào phải mất con. Đừng có người thân nào phải chia lìa người thân.

Nhưng không được rồi, Mẹ ơi ! Sự thật đau thương đang phơi bày trước mắt toàn nhân loại. Không trái tim nào là không khỏi đau đớn, huống hồ là trái tim những người mẹ.

Con được biết, nếu có một hệ thống cảnh báo sóng thần ở khu vực Ấn Độ Dương thì con số thương vong sẽ giảm đi đáng kể. Nhưng tại sao lại không có Mẹ nhỉ ? Bởi vì các quốc gia châu Á đâu có đủ tiền. Vậy tại sao các nước giàu hơn lại không thể hỗ trợ để làm nên một việc cần thiết cả với chính họ như vậy ? Trong khi họ có thể đổ cả núi tiền vào những cuộc chiến tranh đẫm máu ? Mà tuổi thơ chúng con thì chỉ cần hòa bình và hạnh phúc.

Tìm đâu ra những thiên đường hạnh phúc như Mẹ hằng mơ ước cho những đứa trẻ như chúng con, hở Mẹ ?

Giờ đây, toàn nhân loại đang bằng mọi cách chung tay xoa dịu nỗi đau do thảm họa sóng thần gây ra. Chúng con không thể nào cứu được những sinh linh đang bị trôi dạt theo dòng nước. Chúng con chỉ có thể góp một phần nhỏ bé của mình : Đó là ít thuốc men, chút lương thực hay một khoản tiền nho nhỏ cho những người còn sống sót mà thôi. Nhưng Mẹ ơi ! Dẫu rằng một lời an ủi chẳng nghĩa lý gì so với nỗi đau mất con của các Mẹ, thì con cũng xin Mẹ, xin tất cả các bà Mẹ đau khổ trên thế gian này nhận của con một sự sẻ chia xuất phát từ tận đáy lòng mình. Con xin cầu nguyện cho trái tim các Mẹ sớm được bình yên và tỏa sáng. Để ở một nơi nào đó, những đứa con luôn cảm thấy ấm áp như đang được sưởi ấm bằng chính vầng Mặt Trời nơi con tim Mẹ.

Mẹ thân yêu ! Một lần nữa, con xin Mẹ bớt nỗi buồn. Bởi đứa con yêu dấu của Mẹ đã được về bên Thượng Đế, sẽ được người chở che. Đứa con của Mẹ ra đi là đi về với chốn vĩnh hằng, về với chốn thiên đàng hạnh phúc. Nơi ấy luôn tràn ngập ánh sáng, tràn ngập niềm vui. Nơi ấy không có sự khổ ải, trầm luân và cũng chẳng bao giờ bị chìm trong đen tối.

Mẹ yêu dấu ! Con cầu mong rằng với tất cả khổ đau mà con người đang phải chứng kiến do thảm họa thiên nhiên gây ra thì thế giới - con muốn nói đến những người lớn - sẽ thức tỉnh. Không còn hận thù, không còn chiến tranh, không phân biệt chủng tộc, quốc gia hay tôn giáo, con người sẽ sát cánh bên nhau để sự nhỏ bé của mỗi một con người sẽ tạo nên sức mạnh cho toàn nhân loại, vượt qua những tai ương, hiểm họa.

Mẹ ơi ! Con nghe nói rằng nỗi đau được chia sẻ thì nỗi đau sẽ vơi đi một nửa. Con hy vọng lá thư của con sẽ vượt qua cả thời gian và không gian để đến được với Mẹ, với tất cả các bà Mẹ đau khổ trên thế gian này, mang lại cho các Mẹ một niềm an ủi. Bởi con đã viết lá thư này bằng chính sự thôi thức của trái tim con.

Gửii đến thế giới muôn màu của Mẹ.

Gửi đến Mẹ.

Một trái tim muốn được sẻ chia.

Báo TNTP - - 26/5/2005

Vài nét về tác giả

Họ và tên : Phan Hoàng Phương Thanh

Giới tính : Nữ

Dân tộc : Kinh

Ngày sinh : 17-04-1992

Địa chỉ : Lớp 7/4, THCS Quang Trung, thị trấn Vĩnh Diện, huyện Điện Bàn, Quảng Nam