Halloween

Bạn biết gì về ngày lễ Halloween 30/10?

Halloween là lễ hội thường niên diễn ra vào cuối tháng 10 đầu tháng 11, nhưng đó là lễ hội để tưởng niệm cái gì? Tại sao người ta phải hoá trang và ăn mặc ghớm ghiếc đến thế? Phải chăng đó là nghi lễ thờ quỷ dữ hay đó là tàn tích của những lễ nghi tà giáo từ thời xa xưa?

Bản thân từ "Halloween" có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo, đó là từ kết hợp của hai từ Hallows Eve (ngày lễ thánh hóa hay còn gọi là ngày lễ các thánh) diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng ngay từ thế kỷ 5 trước công nguyên người Celtic ở Ai-len đã kỷ niệm ngày này vào ngày 31 tháng 10, tức là ngày cuối cùng của mùa hè như là một nghi lễ mừng năm mới.

Chuyện kể lại rằng, vào ngày đó những người đã chết sẽ quay về nhân gian tìm một cơ thể và nhập vào để được đầu thai vào năm sau. Đó là cách duy nhất để các linh hồn đó có thể được tái sinh. Người Celtic tin rằng ngày đó chính là ngày âm dương giao hòa, kẻ chết và người sống có thể tiếp xúc với nhau. Dĩ nhiên người sống không bao giờ muốn cơ thể của mình bị các linh hồn "cướp" mất, vì thế vào tối 30 tháng 10 tất cả các làng mạc đều dập tắt lửa và mặc những trang phục cực kỳ ghê tởm và diễu hành ầm ĩ khắp xóm để xua đuổi các linh hồn đến tìm kiếm thân xác để nhập vào.

Có một tài liệu khác cho rằng sở dĩ người Celtic dập tắt lửa nhà mình là để đến hôm sau tất cả cư dân cùng thắp sáng nhà mình bằng cùng một ngọn lửa được lấy từ trung tâm vùng Ai-len. Và cơ thể những người bị các linh hồn nhập vào sẽ bị trói vào cọc và đốt để cảnh cáo và cũng là để xua đuổi các linh hồn muốn tái sinh. Nhưng càng về sau này người ta càng tin rằng đó chỉ là những truyền thuyết mà thôi.

Ngày lễ Halloween sau đó đã du nhập sang rất nhiều nước khác nhau, nhưng mỗi nước đều biến tấu nó đi để ngày lễ Halloween là của mình. Đầu tiên phải kể đến người Roman, ngay từ những thế kỷ đầu tiên sau công nguyên, người Ý xa xưa đã dùng ngày cuối tháng 10 này để tưởng nhớ nữ thần Pomona, nữ thần trái cây của họ. Biểu tượng của nữ thần Pomona là trái táo, điều này giải thích cho trò đớp những trái táo trong ngày Halloween hiện nay.

Người Châu Âu thì cho rằng những bộ trang phục kỳ quái trong ngày Halloween không phải có xuất xứ từ người Celtic mà có xuất xứ từ chính những người Châu Âu. Vào thế kỷ thứ 9, ngày 2 tháng 11 hàng năm và cũng là ngày cầu cho các linh hồn, những giáo dân thường ăn mặc giống như những kẻ ăn mày rồi đi từ làng này sang làng kia để xin những mẫu bánh vụn tượng trưng cho thức ăn nuôi dưỡng linh hồn. Những người này tin rằng họ càng xin được nhiều mẩu bánh thì linh hồn của những người thân của họ sẽ nhận được càng nhiều những lời cầu nguyện. Các giáo dân tin rằng những lời cầu nguyện này sẽ giúp cho những linh hồn người thân của họ còn mắc kẹt ở đâu đó sẽ được lên thiên đàng.

Theo một câu chuyện dân gian thì có một anh chàng tên Jack sau khi chết đã từ chối lên Thiên đàng vì mặc cảm tội lỗi, nhưng anh ta cũng không muốn xuống địa ngục, vì vậy Đức Chúa đã tạo ra một nơi tối tăm lạnh lẽo để anh ta ở đó mà ăn năn hối cải. Nhưng để đi đến được nơi đó anh ta cần phải đi theo ánh sánh dẫn đường của đám than hồn được để trong một trái củ cải rỗng ruột. Sau này những người Ai-len di cư sang Mỹ đã thay những trái củ cải thành những trái bí ngô.

Ngày lễ Halloween được du nhập vào Mỹ từ năm 1840 theo chân những người Ai-len di cư sang Mỹ. Đầu tiên nó chỉ diễn ở các nông trang, nhưng ngày nay cũng giống như nhiều quốc gia khác Halloween đã trở thành một ngày lễ chung cho tất cả mọi người, nhất là đối với giới trẻ.

    • Xuân Thắng (Theo Halloworld)

Việt Báo (Theo_VTC)