Vật Lý Trị Liệu Là Gì?

ĐỊNH NGHĨA VÀ PHÂN LOẠI VẬT LÝ TRỊ LIỆU

              Định nghĩa và phân loại vật lý trị liệu là một vấn đề khá nan giải. Bạn đọc có thể tự trải nghiệm điều  đó qua các công cụ tìm kiếm trên mạng, không chỉ bằng tiếng Việt mà cả bằng tiếng Anh. Theo từ điển Oxford, vật lý trị liệu là điều trị bệnh, tổn thương và thương tật bằng các phương tiện vật lý như xoa bóp, nhiệt độ và vận động hơn là thuốc và phẫu thuật. Còn từ điển Merriam-Webster, thuộc Công ty từ điển và bách khoa thư Britannica lừng danh, thì định nghĩa vật lý trị liệu là điều trị bệnh, tổn thương hoặc tàn tật bằng các công cụ vật lý hoặc cơ học, như xoa bóp, vận động, nước, ánh sáng, nhiệt và điện. Những định nghĩa đó không sai nhưng chưa làm thỏa mãn cộng đồng vật lý trị liệu.  Dưới đây xin giới thiệu lời nói đầu cuốn Vật lý trị liệu: Nguyên lý và Thực hành sẽ ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.

            Trong lời nói đầu cuốn sách Đau: Sách giáo khoa cho nhà trị liệu, do NXB Churchill Livingstone ấn hành năm 2003 nhằm cung cấp kiến thức về các phương pháp vật lý trị liệu trong kiểm soát và điều trị đau, nhà thần kinh học nổi tiếng người Anh Patrick Wall, đồng tác giả của thuyết kiểm soát cổng mang tính cách mạng về đau (cùng nhà tâm lý Canada Ronald Melzack), nhấn mạnh, vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu là những người khổng lồ đang ngủ. Và cuốn sách nói trên là dấu hiệu đáng mừng cho thấy, giấc ngủ dài đó đã chấm dứt. Điều đó cho thấy, cho tới tận đầu thế kỷ XXI, ngay tại các nước phát triển, vật lý trị liệu cũng chưa phát triển và chưa được thừa nhận như mong muốn. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là chưa có sự đồng thuận cao về khái niệm và nội dung của vật lý trị liệu cả trong giới chuyên môn và nhà quản lý. Chẳng hạn ngay tại Mỹ, nơi vật lý trị liệu phát triển hàng đầu thế giới, tuy từng tiểu bang đều có quan niệm riêng về nội dung học thuật và cách quản lý đối với vật lý trị liệu, nhưng chỉ đến 2009, Hội vật lý trị liệu Mỹ APTA mới đưa ra định nghĩa và cách phân loại chuyên ngành dựa trên quan điểm của Hội liên hiệp vật lý trị liệu thế giới WCPT năm 2007. Chính vì vậy, việc trình bày một số quan niệm hiện hành về vật lý trị liệu trên thế giới có thể có ích đối với bạn đọc trong nước.

            Năm 2002, Hội vật lý trị liệu Anh CSP định nghĩa vật lý trị liệu là một chuyên ngành y tế liên quan với chức năng và vận động của con người và tối ưu hóa tiềm năng. Nó dùng các tiếp cận vật lý để khuyến khích, duy trì và phục hồi các sức khỏe thể chất, tâm lý và xã hội trong sự lưu tâm tới những thay đổi của tình trạng sức khỏe. Nó dựa trên khoa học, hướng tới việc mở rộng, áp dụng, đánh giá và tổng kết các bằng chứng vốn là nền tảng và minh chứng cho ứng dụng thực tiễn và hoạt động triển khai. Vận động liệu pháp với sự kiểm soát về lâm sàng và sự giải đoán giầu tính thông tin là thành phần cốt lõi của vật lý trị liệu. Bên cạnh đó, CSP  cũng phân loại các phương pháp can thiệp, như vận động liệu pháp, các tác nhân điện vật lý, trị liệu bằng tay và giáo dục sức khỏe. Tuy nhiên hiện định nghĩa này không còn được CSP sử dụng.

            Theo Hội vật lý trị liệu Nam Phi SASP, vật lý trị liệu liên quan với việc đánh giá, điều trị và phòng ngừa các rối loạn vận động của con người, với việc khôi phục chức năng bình thường hoặc tối thiểu hóa sự giảm chức năng và đau ở người lớn và trẻ em bị khiếm khuyết thể chất để giúp họ đạt được sự độc lập cao nhất khả dĩ trong cuộc sống; với việc ngăn ngừa sự tái phát tổn thương và sự suy giảm chức năng tại nơi làm việc, tại nhà, hoặc trong các hoạt động giải trí và với việc tăng cường sức khỏe cộng đồng cho mọi lứa tuổi. Để làm được điều đó, các nhà vật lý trị liệu dùng các đánh giá quy chuẩn và bàn tay có kỹ năng về các phương pháp điều trị như di động, kéo nắn, xoa bóp và bấm huyệt, các chương trình vận động được  thiết kế cho từng bệnh nhân, các kỹ thuật thư giãn, các thiết bị tinh tế, thủy trị liệu và phản hồi sinh học, các thiết bị điện trị liệu chuyên biệt, nhiệt, lạnh và kéo cột sống để giảm đau và trợ giúp quá trình lành tổ chức và hồi phục, các phương pháp hỗ trợ đi lại, nẹp và dụng cụ, và giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân.

            Đến năm 2007, trong tài liệu hướng dẫn đào tạo vật lý trị liệu mức độ đầu vào, Hội liên hiệp vật lý trị liệu thế giới WCPT quan niệm, vật lý trị liệu là chuyên ngành y tế cung cấp các dịch vụ cho bệnh nhân và cộng đồng để phát triển, duy trì và khôi phục khả năng vận động và các hoạt động chức năng tối đa trong suốt cuộc đời, bao gồm các can thiệp khi khả năng vận động và hoạt động chức năng bị đe dọa do các nguyên nhân tuổi tác, tổn thương, bệnh tật, rối loạn, cũng như do các điều kiện và yếu tố môi trường; trong đó vận động chức năng được xem là vấn đề cốt lõi của sức khỏe.

            Bên cạnh các tiêu chí về kiểm tra, đánh giá và lượng giá, WCPT cũng tiến hành phân loại các phương pháp điều trị. Theo đó vật lý trị liệu bao gồm nhưng không giới hạn trong các loại hình can thiệp như sau:

1.Điều phối, truyền thông và tư liệu hóa.

2.Giáo dục sức khỏe.

3.Vận động liệu pháp.

4.Rèn luyện chức năng trong tự chăm sóc và tập luyện tại nhà.

5.Rèn luyện chức năng tại nơi làm việc (làm việc/học tập/vui chơi), trong cộng đồng và lúc thư nhàn.

6.Trị liệu bằng tay.

7.Chỉ định, ứng dụng và chế tạo dụng cụ và trang thiết bị cần thiết, khi có điều kiện.

8.Kỹ thuật thông đường thở.

9.Kỹ thuật bảo vệ và sửa chữa da.

10.Điện trị liệu.

11.Tác nhân vật lý và mô thức cơ học.

            Từ những nội dung đã trình bày, các tác giả cuốn sách này cho rằng, tuy chưa có sự thống nhất về cách phân loại, nhưng có thể đưa ra các phương pháp can thiệp chủ yếu của vật lý trị liệu như giáo dục sức khỏe, vận động liệu pháp, các tác nhân điện vật lý, trị liệu bằng tay, và các kỹ thuật tạo thuận vận động. Bên cạnh đó, các trị liệu tâm lý, nhất là thư giãn và tưởng tượng, ngày càng được tích hợp sâu rộng trong vật lý trị liệu. Một cuốn sách về vật lý trị liệu có thể không bao quát được tất cả các can thiệp như phân loại của Hội liên hiệp vật lý trị liệu thế giới, nhưng cần phải có các phương pháp chủ yếu nói trên.

            Tại Việt Nam, theo tìm hiểu của các tác giả, ngoài một vài tài liệu biên dịch, mới chỉ xuất hiện cuốn Vật lý trị liệu đại cương - Nguyên lý và Thực hành, do Dương Xuân Đạm biên soạn và NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2004. Chính vì vậy, sau khi cuốn Điện trị liệu: Nguyên lý - Thiết bị - Thực hành được NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản tháng 5-2012, các tác giả đã dành thời gian và tâm sức, cố gắng biên soạn cuốn Vật lý trị liệu: Nguyên lý và Thực hành. Cuốn sách được biên soạn nhằm mục đích góp phần giải quyết tình trạng thiếu thốn tài liệu chuyên môn và cung cấp một cách nhìn tương đối bao quát về một chuyên ngành đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong thực tế. Sách gồm sáu phần với 35 chương, kèm theo ba phụ lục.

            Phần một, Một số quan niệm cơ bản, bao gồm sáu chương về viêm, sửa chữa và lành tổ chức; cơ chế, đánh giá, kiểm soát và điều trị đau; trương lực cơ bất thường; hạn chế vận động; các hiệu ứng placebo; và cách đánh giá và lượng giá trong vật lý trị liệu. Chúng tạo nền tảng lý luận và thực tiễn cho việc ứng dụng các phương pháp điều trị cụ thể trong thực hành lâm sàng.

            Phần hai, Vận động liệu pháp, bao gồm chín chương và xuất phát từ các nguyên lý chung về chức năng thể chất và các lý thuyết sinh lý thần kinh, cơ sinh học và tâm lý học nhận thức về kiểm soát và điều hòa vận động, về học vận động để đi tới các loại hình vận động liệu pháp chuyên biệt như vận động khôi phục và duy trì độ linh động, vận động tăng hiệu suất cơ, điều kiện hóa ưa khí, vận động cải thiện điều hợp và kỹ năng, vận động khôi phục sự thăng bằng, vận động dưới nước, vận động thư giãn, và vận động kiểm soát và điều trị đau. Cần nhấn mạnh rằng, các loại hình vận động liệu pháp đóng vai trò cốt lõi trong một chương trình vật lý trị liệu bất kỳ.

            Phần ba, Các tác nhân điện vật lý, bao gồm mười chương về các can thiệp điển hình như kích thích điện, siêu âm điều trị, thấu nhiệt cao tần hoặc laser công suất thấp. Ngoài ra sách cũng trình bày nguyên lý và khả năng ứng dụng của sóng xung kích siêu âm từ ngoài cơ thể, một tác nhân điện vật lý mới, trong một số bệnh lý cơ xương khớp hoặc nam học.

            Phần bốn, Trị liệu bằng tay và một số phương pháp khác, bao gồm bốn chương về xoa bóp, di động và kéo khớp, kéo cột sống và nén ép cách hồi. Về mặt dung lượng, phần này kém phần hai và phần ba, phản ánh đúng mối tương quan giữa các nhóm can thiệp trong vật lý trị liệu.

            So với các tài liệu vật lý trị liệu truyền thống, sự xuất hiện của phần năm, Tâm lý lâm sàng trong vật lý trị liệu, có thể gây ngạc nhiên. Tuy nhiên với những khám phá mới về điều kiện hóa cổ điển, về kỳ vọng và động lực, hoặc về hệ tế bào gương, các tác giả cho rằng, những kiến thức sơ khởi về một số trị liệu tâm lý, như thư giãn hoặc tưởng tượng, rất cần thiết đối với một nhà vật lý trị liệu đầu thiên niên kỷ thứ ba.

            Cuốn sách kết thúc với phần Tích hợp các phương pháp trong thực hành. Chỉ với hai chương, phần này trình bày tác dụng của các can thiệp vật lý trị liệu trên bảy hệ thống chức năng của cơ thể, theo phân loại của Hội vật lý trị liệu Mỹ APTA; cùng phương hướng và triển vọng trong nghiên cứu và thực hành vật lý trị liệu. Nó có thể có ích với một nhà vật lý trị liệu không chỉ quan tâm tới việc sử dụng thành thạo các kỹ thuật can thiệp, mà còn tới việc thử nghiệm chúng trong các bối cảnh lâm sàng quen thuộc hoặc mới lạ. Ngoài ra cuốn sách cũng có các phụ lục về sơ đồ điểm vận động, một số chỉ định điển hình của vật lý trị liệu và các phương pháp vật lý trị liệu trong kiểm soát và điều trị đau.

            Với nội dung và khối lượng như đã trình bày, cuốn sách là một cố gắng lớn của các tác giả trong việc góp một phần nhỏ vào việc thúc đẩy ngành vật lý trị liệu trong nước. Tuy nhiên do kiến thức và kinh nghiệm của các tác giả còn nhiều hạn chế, nên nó chưa đạt được mức độ như mong muốn. Chính vì vậy các tác giả mong nhận được nhiều nhận xét và phản hồi từ giới chuyên môn và bạn đọc để cuốn sách được hoàn chỉnh hơn trong lần xuất bản sau, nếu nó có được may mắn đó. Các tác giả xin chân thành cảm tạ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt:

1.Đỗ Kiên Cường, Nguyễn Thị Tú Lan (2012), Điện trị liệu: Nguyên lý - Thiết bị - Thực hành, NXB Đại học Quốc gia TPHCM

2.Dương Xuân Đạm (2004), Vật lý trị liệu đại cương: Nguyên lý và Thực hành, NXB Văn hóa Thông tin

3.Nguyễn Xuân Nghiên (chủ biên) (2002), Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, NXB Y học

Tiếng Anh:

4.Belanger AY (2010), Therapeutic Electrophysical Agents - Evidence Behind Practice, 2ndedition, Lippincott Williams & Wilkins

5.Chartered Society of Physiotherapy (2002), Curriculum Framework for Qualifying Programmes in Physiotherapy 2002, pp 19-20

6.Kisner C, Colby LA (2007), Therapeutic Exercise: Foundations and Techniques, 5thedition, F.A. Davis

7.Pagliarulo MA (2012), Introduction to Physical Therapy, 4th edition, Mosby

8.Payne RA, Donaghy M (2010), Payne’s Handbook of Relaxation Techniques: A Practical Guide for the Health Care Professional, 4th edition, Churchill Livingstone/Elsevier

9.Sharf RS (2012), Theories of Psychotherapy and Counseling: Concepts and Cases, 5thedition, Brooks/Cole

10.Wall P (2003), Foreword, In: Pain - A Textbook for Therapists, Strong J, Unruh AM, Wright A, Baxter GD (editors), Churchill Livingstone, pp XI-XII

11.What is Physio?, South African Society of Physiotherapy, Available at www.physiosa.org. za/?q=node/3, Retrieved on 20 April 2005 and 18 December 2012

12.World Confederation for Physical Therapy (2007), WCPT Guidelines for Physical Therapist Professional Entry-Level Education, pp 7-36