Tâm Lý Liệu Pháp Trong VLTL

Tâm lý liệu pháp là gì?

Quan niệm truyền thống về bệnh tật tập trung chủ yếu vào các yếu tố thể chất của sức khỏe và dùng các can thiệp ngoại khoa, hóa dược và vật lý trị liệu - phục hồi chức năng để duy trì, phục hồi và cải thiện tình trạng sức khỏe con người. Tuy nhiên trong những năm gần đây, càng ngày càng nhận thấy rằng, các yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng, không những với sức khỏe tinh thần, mà còn với sức khỏe thể chất của con người. Khi bị bệnh hoặc tổn thương nặng, bệnh nhân dễ mắc phải các vấn đề tâm lý như lo âu hoặc trầm cảm. Chúng có ảnh hưởng xấu tới các chức năng tâm sinh lý, do đó cản trở quá trình hồi phục sau tổn thương và bệnh tật.

            Mặt dù đa số bệnh nhân đáp ứng tốt với các vấn đề tâm lý khi bị bệnh, khoảng 20 - 25% bệnh nhân có các triệu chứng tâm lý đáng ngại về mặt lâm sàng. Chúng làm phức tạp thêm quá trình kiểm soát bệnh tật. Có sự khác nhau đáng kể trong tác động chủ quan của các bệnh có mức độ bệnh lý khách quan như nhau. Hai bệnh nhân với mức độ tổn thương thể chất như nhau có thể có đáp ứng tinh thần hoàn toàn khác nhau. Cách suy nghĩ của bệnh nhân về tình trạng bệnh tật bản thân có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các đáp ứng cảm xúc đối với bệnh tật và lên hành vi tự chăm sóc của họ. Cần lưu ý rằng, chu trình kín nhận thức - cảm xúc - hành vi, trong đó nhận thức ảnh hưởng tới cảm xúc và hành vi mang tính vạn năng đối với mọi quá trình tâm lý. Do đó các can thiệp nhận thức và hành vi trong tâm lý liệu pháp, vốn được dùng để hướng dẫn cách tư duy và hành động đúng đắn trong các trường hợp bệnh lý, cần được giới vật lý trị liệu quan tâm.

            Các tiếp cận tâm lý có thể bao quát đồng thời từng bệnh nhân và toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe cần được xem xét để ứng dụng trong lâm sàng. Enright, 1997, cho rằng, tiếp cận nhận thức - hành vi, cũng như các can thiệp nhận thức - hành vi, viết tắt theo tiếng Anh là CBT (Cognitive - Behavioral Therapies), có thể trợ giúp trong cả các bệnh thể chất và tinh thần. Nhiều nghiên cứu mới đây ủng hộ quan điểm này, như có thể thấy trên tạp chí Tiến bộ trong điều trị tâm thần và các tạp chí chuyên ngành khác. Theo Corey, 2008, có tới 38% nhà tâm lý lâm sàng, 24% nhà tham vấn tâm lý, 30% nhà công tác xã hội và 37% chuyên viên tư vấn dùng các tiếp cận nhận thức và hành vi làm cơ sở lý thuyết để hướng dẫn thực hành, trong khi với các tiếp cận khác, tỷ lệ lựa chọn thấp hơn rất nhiều.

            Nhiều bệnh nhân cần chỉ định vật lý trị liệu có các vấn đề tâm lý có thể được đánh giá, tìm hiểu và kiểm soát trong phạm vi tiếp cận nhận thức - hành vi. Tiếp cận nhận thức - hành vi cũng có thể dùng để khuyến khích bệnh nhân tích cực hơn trong kiểm soát tình trạng bệnh lý, tự chăm sóc hoặc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với nhà trị liệu. Tất cả đều dẫn tới kết quả bệnh nhân sẽ hồi phục cả về thể chất và tinh thần nhanh chóng, mạnh mẽ và vững chắc hơn.

Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong tâm lý lâm sàng, nhưng các can thiệp nhận thức - hành vi chưa được ứng dụng nhiều tại Việt Nam, nhất là khi chúng cần được đào tạo chuyên sâu. Trong lĩnh vực vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, CBT chưa xuất hiện. Bạn đọc quan tâm tới cách tiếp cận mang tính nhận thức - hành vi hoặc các trị liệu nhận thức - hành vi có tìm hiểu qua các tài liệu chuyên sâu trên internet hoặc trên thư viện điện tử tại các trường y (chẳng hạn tìm hiểu cuốn chuyên khảo về trị liệu và tham vấn tâm lý của Sharf RS, Theories of Psychotherapy and Counseling: Concepts and Cases, 5th edition, 2012, Brooks/Cole, tại thư viện điện tử Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh).

Một vấn đề khá căn bản là đưa ra định nghĩa về tâm lý liệu pháp và tham vấn tâm lý (các tài liệu tiếng Việt không thống nhất về vấn đề này). Theo Sharf, 2012, liệu pháp tâm lý và tham vấn tâm lý là “tương tác giữa một nhà trị liệu/tham vấn và một hoặc nhiều bệnh nhân/thân chủ. Mục đích là giúp đỡ bệnh nhân/thân chủ có các vấn đề có thể liên quan với rối loạn tư duy, đau khổ cảm xúc hoặc các vấn đề hành vi. Nhà trị liệu/tham vấn có thể dùng kiến thức về lý thuyết nhân cách và tâm lý liệu pháp/tham vấn tâm lý để giúp bệnh nhân/thân chủ cải thiện chức năng. Tiếp cận của nhà trị liệu/tham vấn phải được phép về mặt pháp lý và đạo đức”. Còn theo Corsini, 2008, tâm lý liệu pháp là “quá trình tương tác chính thức giữa hai đối tác, mỗi bên thường có một người nhưng cũng có thể nhiều hơn một người, nhằm giảm nhẹ sự căng thẳng của một trong hai bên đối với một hoặc tất cả các khía cạnh suy giảm hoặc rối loạn chức năng như sau: chức năng nhận thức (rối loạn tư duy), chức năng cảm xúc (đau khổ hoặc khó chịu) hoặc chức năng hành vi (hành vi không thỏa đáng). Nhà trị liệu tham gia vào tương tác đó có một lý thuyết về nguồn gốc, sự phát triển, duy trì và thay đổi nhân cách, và sử dụng một số phương pháp điều trị tương thích về luận lý với lý thuyết đó, và có chứng chỉ chuyên môn và pháp lý để hoạt động như một nhà trị liệu”.

Vậy liệu pháp và tham vấn tâm lý khác nhau như thế nào? Cũng theo Corsini, chúng giống nhau về chất và chỉ khác nhau về lượng. Nói cách khác, tham vấn là một quá trình tương đối ngắn, thường không quá năm lần; trong khi trị liệu có thể kéo dài hàng năm (như các liệu pháp phân tâm học). Tham vấn tâm lý là quá trình hướng vấn đề; nhà tham vấn giống như nhà giáo và đưa ra thông tin hoặc lời khuyên. Còn trị liệu tâm lý là quá trình hướng con người; nhà trị liệu đóng vai trò thám tử để nhận chân các vấn đề mà bệnh nhân đang phải đối mặt.

Cần nhấn mạnh thêm rằng, mọi liệu pháp tâm lý đều là các phương pháp học. Chúng được tạo ra nhằm mục đích thay đổi con người: chúng giúp con người tư duy khác (nhận thức), cảm giác khác (cảm xúc) và hành động khác (hành vi).

Do hiện nay có tới năm trường phái nhân cách chủ yếu cùng tồn tại song song (các trường phái sinh học, phân tâm, hành vi, nhân bản hoặc hiện tượng luận, và nhận thức), nên có rất nhiều liệu pháp tâm lý xuất phát từ chúng. Năm 2001, Corsini ước lượng có khoảng 250 hệ thống điều trị đang được ứng dụng trong lâm sàng.  Đến năm 2008, ông đưa ra con số hơn 450 hệ thống!

(Trích chương 31: Các can thiệp nhận thức - hành vi, phần 5: Tâm lý lâm sàng trong vật lý trị liệu, sách: Vật lý trị liệu: Nguyên lý và Thực hành, sắp được xuất bản)