Thư Giãn Trong Vật Lý Trị Liệu

Thư giãn là gì?

Trong vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, các kỹ thuật thư giãn có thể dùng để đối phó với đau, kiểm soát căng thẳng, tạo giấc ngủ tốt hơn hoặc điều chỉnh các bất ổn trong cuộc sống hàng ngày. Do đó chúng có vai trò hữu ích trong kiểm soát tổn thương và bệnh tật. Chúng cũng có thể sử dụng như những chiến lược tăng cường sức khỏe trong thi đấu thể thao, hoạt động nghệ thuật và nhiều hoạt động có tính cạnh tranh cao nên tạo ra sự căng thẳng khác. Chính vì vậy các kỹ thuật thư giãn có khả năng ứng dụng rộng rãi trong chăm sóc sức khỏe và trong đấu tranh chống tổn thương và bệnh tật.

            Một số kỹ thuật thư giãn tiếp cận trực tiếp với các cơ quan trong cơ thể, chẳng hạn hệ cơ, nơi chúng thể hiện sự chữa bệnh qua tác dụng giảm trương lực cơ quanh vùng tổn thương và tăng tuần hoàn máu. Một số khác tác động lên các quá trình nhận thức, nơi chúng đưa ra một cách nhìn thích nghi hơn đối với các sự kiện trong cuộc sống, do đó giúp giảm nhẹ lo âu và căng thẳng. Tuy nhiên, dù mang tính thân thể hay nhận thức trong cách tiếp cận (thực ra hầu hết các kỹ thuật thư giãn đều có đồng thời cả hai yếu tố), chúng đều có tác dụng tổng thể lên sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.

            Vậy thư giãn là gì? Người cha của trị liệu nhận thức, nhà tâm thần học Beck cho rằng, thư giãn là không làm gì cả. Nhưng nhiều người cảm thấy rất khó thư giãn. Không làm gì có vẻ không dễ dàng như thoạt tưởng; và sự tồn tại của rất nhiều kỹ thuật thư giãn khác nhau phù hợp với nhận định đó.

            Với nhiều người, thú vui có thể tạo thư giãn. Khi công việc chồng chất trong thời gian biểu, sở thích riêng cho phép tâm trí tuôn chảy tự do, không bị gò ép, nên giúp tạo ra sự bình lặng bên trong. Các hoạt động mang lại sự thoải mái và niềm vui thuộc phạm trù này. Một số hoạt động đòi hỏi sự đánh thức sinh lý từ mức độ trung bình tới mức độ cao, như các hoạt động thể thao không thi đấu (nên không tạo ra sự căng thẳng); trong khi số khác, như nghe nhạc hoặc ngắm cảnh hoàng hôn bên bờ biển, không đòi hỏi như vậy. Tuy nhiên chúng đều có đặc trưng là không có sự căng thẳng.

            Khi các hoạt động đó không thể giảm căng thẳng, các kỹ thuật thư giãn chính quy từ cánh gà bước ra sân khấu. Một chương trình rèn luyện chính thống có thể giúp hạ thấp mức cảnh báo sinh lý do căng thẳng tạo ra, cho phép bảo vệ các cơ quan không bị thương tổn. Nó cũng giúp các cơ chế tự hồi phục tự nhiên bên trong cơ thể trở nên hiệu quả hơn. Ở mức nhận thức, luyện tập thư giãn có thể làm tĩnh lự tâm trí và cho phép tư duy trở nên minh triết hơn; và ở mức triết học, như thường thấy tại một số nước Nam Á, nó giúp người tu tập thấu hiểu bản thể triệt để và sâu lắng hơn.

            Thuật ngữ thư giãn thường gắn với hệ cơ, khi nó làm giảm sức căng và tăng độ dài cơ, đối ngược với sự co ngắn đi kèm với tăng sức căng hoặc co cơ. Định nghĩa này phù hợp với các kỹ thuật thư giãn hướng thân thể, như thảo luận trong các bài về luyện thở hoặc về luyện tập thư giãn tăng tiến, nhưng không phù hợp với các kỹ thuật hướng nhận thức, như sẽ trình bày trong các bài về thiền hoặc luyện tập tự sinh. Do đó, cần phải mở rộng các khái niệm thư giãn và căng thẳng.

            Ryman, 1995, là người đưa ra quan điểm toàn diện về thư giãn, khi xem nó như “trạng thái ý thức đặc trưng bằng cảm giác bình yên và sự giải phóng khỏi lo âu và sợ hãi”, cũng như khỏi sự căng thẳng sinh lý. Trong cuốn sách này, thuật ngữ thư giãn được hiểu theo nghĩa giãn cơ và tĩnh lự tâm hồn. Giữa chúng có mối liên kết nội tại, và đó là lý do giải thích tại sao các phương pháp hướng thân thể hoặc hướng nhận thức đều có thể tạo ra sự thư giãn.

            Thư giãn gợi ý một trạng thái giảm áp lực cơ thể và sự giải phóng khỏi các lo âu và sợ hãi không cần thiết. Nó cũng liên quan với cảm xúc ấm áp, trấn dịu và cảm giác bình lặng với bản thân. Do đó trạng thái thư giãn gắn với sự kết hợp phức tạp giữa các hệ thống tâm lý và sinh lý, bao gồm hệ thần kinh, hệ cơ, các cơ quan nội tạng như tim, phổi, thận, gan và tụy.

            Nhiều cơ chế đã được đưa ra nhằm giải thích đáp ứng thư giãn. Một số cơ chế nhấn mạnh các yếu tố sinh lý như hoạt tính thần kinh tự động hoặc trương lực cơ; trong khi số khác quan tâm tới các quá trình tâm lý như cảm nhận bản thể và giải đoán các sự kiện cuộc sống. Chi tiết về các cơ chế đó sẽ được trình bày trong các bài viết khác.

(Trích chương 32: Các kỹ thuật thư giãn, phần 6: Tâm lý lâm sàng trong vật lý trị liệu, sách Vật lý trị liệu: Nguyên lý và Thực hành, sắp được xuất bản)