Nhận định toàn cảnh về thị trường bất động sản

Nhận định của các chuyên gia, nhà đầu tư BĐS trên một số báo gần đây cho thấy, thị trường BĐS đã bắt đầu có chuyển động theo hướng tích cực, sẽ khởi sắc trong trung hạn, mặc dù tình trạng "băng giá" trong giao dịch hiện tại vẫn chưa được "nung chảy".

Thời báo Kinh tế Việt Nam vừa có bài viết "giải mã" nguyên nhân đóng băng của thị trường BĐS thời gian gần đây.

Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty TNHH CBRE Việt Nam, nếu như trước đây, những “cơn sốt” của thị trường BĐS có yếu tố đầu cơ, thì nay, thị trường chững lại cũng chính từ nguyên nhân ấy.

Ngoài ra, việc thị trường trầm lắng trong thời gian qua cũng có một phần nguyên nhân xuất phát từ tâm lý của khách hàng. Trong khi các nhà đầu cơ đã và đang tìm cách rút khỏi thị trường, thì phần lớn những người còn lại đều là những người tìm mua nhà để ở.

Vì vậy, tất yếu họ sẽ có tâm lý kỳ vọng giá sẽ giảm thêm nữa và kèm với đó là những điều kiện thanh toán thuận lợi hơn, nên họ cũng chưa mua vội.

Một nguyên nhân - không mới - khiến giao dịch thị trường BĐS trầm lắng mà ông Marc Townsend đề cập đến trong trả lời PV Thời báo Kinh tế Việt Nam là chính sách thắt chặt tín dụng nói chung và BĐS nói riêng.

Điều này lập tức ảnh hưởng tới nhà đầu tư, buộc họ phải bán tháo căn hộ lấy tiền trả nợ. Còn bản thân người mua thì vẫn còn tâm lý nghe ngóng, chờ đợi xem thị trường sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, mặc dù họ có cầu về nhà ở thật.

Cũng theo ông Marc Townsend, ngay cả khi Chính phủ Việt Nam cho phép người nước ngoài mua nhà thì việc "hâm nóng" thị trường nhờ sự "kích cầu" của đối tượng này cũng không nhiều.

Để tự cứu mình trong cơn "bĩ cực", nhiều doanh nghiệp BĐS đã chuyển chiến lược kinh doanh từ đầu tư vào các dự án cao cấp sang thấp cấp hơn.

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Công ty TNHH CBRE Việt Nam, việc thay đổi này không phải thực hiện ngay được mà cần phải có thời gian. Chẳng hạn, nếu để khởi động một dự án cấp thấp mới hay chỉnh sửa lại thiết kế cũng phải mất từ 2 – 5 năm.

Do đó, trong khi các dự án cao cấp vẫn đang “đắp chiếu” thì những dự án cấp thấp lại cần phải có thời gian xây dựng, hoàn thành nên sẽ có một khoảng trống giao dịch trên thị trường, cho dù nhu cầu về nhà cấp thấp vẫn đang khá lớn.

Nhìn thị trường trong chiều hướng tích cực rõ rệt, Báo Lao Động có bài nhận định về thị trường BĐS thời gian tới thông qua bài viết "Vốn vẫn đổ vào các dự án bất động sản”.

Theo tờ báo này, mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) đang đóng băng, thế nhưng hàng loạt các dự án có quy mô lớn vẫn đang tiếp tục được triển khai. Vốn nội, vốn ngoại trị giá hàng tỷ USD vẫn tiếp tục đổ vào đầu tư cho các dự án.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, vẫn đang là thị trường có sức hút mạnh nhất Châu Á hiện nay.

Trên bình diện chung, thời điểm cuối tháng 6 đầu tháng 7, thị trường BĐS TP.HCM vẫn chưa có gì khởi sắc, sức mua không đáng kể so với nhu cầu bán. Thế nhưng, trong vòng 1 tháng nay, những nhà đầu tư phát triển hàng hoá BĐS đã có những chuyển động, chuẩn bị cho những dự án với giá trị tính bằng tỷ USD.

Cùng nhận định, Báo Tổ Quốc có bài viết khẳng định "Cuối năm thị trường BĐS sẽ ấm lên”.

Theo bài báo này, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ đi theo hướng nào còn phụ thuộc rất lớn vào việc chuyển biến của lãi suất cho vay cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.

Bài viết nhận định về thị trường BĐS Hà Nội với tiêu đề "Thị trường BĐS Hà Nội: Tan băng nhưng vẫn kém sôi động" đăng trên VietNamNet nhận xét: Sau một thời gian dài trầm lắng, đóng băng, giao dịch èo uột, thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu tan băng với lượng giao dịch thành công tại TP.HCM tăng nhẹ trong tháng 6. Tuy nhiên, thời điểm này, thị trường bất động sản Hà Nội dường như chưa có nhiều chuyển biến.

Theo giới quan sát, trong quý II/2008, thị trường bất động sản Hà Nội khá trầm lắng, đặc biệt ở khu vực nhà ở, đất ở.

Trong một báo cáo vừa được công bố, CB Richard Ellis Vietnam (CBRE), một tập đoàn tư vấn về bất động sản, nhận định thị trường bất động sản Hà Nội quý II/2008 nằm trong xu hướng đi xuống.

Theo đó, số lượng các giao dịch giảm mạnh tại các thị trường nhà ở và đất ở. Giá giá nhà ở và đất ở cũng biến động giảm.

Hiện nay, ngay cả những người có nhu cầu mua nhà thực sự vẫn đang chọn giải pháp “nghe ngóng và chờ đợi” khi thị trường chưa có dấu hiệu ổn định về giá. Hầu hết đều đang tạm ngừng trong các giao dịch mua bán nhà với hy vọng giá sẽ giảm xuống nữa.

Đánh giá chung về thị trường bất động sản nói chung trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2008, Công ty bất động sản Savills Việt Nam, cũng cho rằng thị trường rơi vào tình trạng đóng băng.

Mặc dù thị trường vẫn trong tình trạng đóng băng, song theo đánh giá của CBRE, triển vọng của thị trường Hà Nội và các thành phố lớn khác của Việt Nam trong thời gian trung và dài hạn vẫn tương đối khả quan.

Minh chứng là giá đất tại các khu vực trung tâm giữ mức ổn định vì các nhà đầu tư vẫn tin vào triển vọng của thị trường Hà Nội, đặc biệt tại các vị trí trung tâm, trong khi giá đất tại các khu vực khác đã hạ nhiệt kể từ quý I năm 2008.

Ông Brett Ashton, Giám đốc điều hành Công ty bất động sản Savills Việt Nam - tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu, cũng có chung một nhận định về triển vọng tốt của bất động sản Việt Nam.

Ông này cho rằng, Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư, ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn và kinh nghiệm đến từ khắp nơi trên thế giới. Các mảng hấp dẫn nhà đầu tư hiện nay vẫn là các khu thương mại, cao ốc văn phòng, đến các khu dân cư mới, khu nghỉ dưỡng hay khu công nghiệp.

Ông Brett Ashton cũng cho biết thêm, việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồn dập đổ vào bất động sản Việt Nam với giá trị rất lớn trong thời gian qua sẽ giúp Việt Nam đầu tư tốt hơn cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Việc gia tăng nguồn vốn đầu tư FDI sẽ giúp tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững thị trường bất động sản trong tương lai. Thị trường căn hộ cao cấp nhắm vào đối tượng người trung lưu sẽ là lĩnh vực phát triển then chốt của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung trong những năm tới.

tổng hợp